MỘT LỊCH SỬ HÃI HÙNG BỊ GIẤU KÍN VÀPHANH PHUI (KỲ 1 VÀ 2) (NGUYỄN THÔNG)

kien_chuot_va_ruoi00”...Bây giờ nó là cuốn sách văn của bọ Lập, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhưng tôi tin chắc nay mai nó sẽ thành một phần cuốn sử xứ này, trong cái chương về cải cách ruộng đất. Và có lẽ, cần phải thêm nhiều cuốn như thế nữa, nhất là khi độ lùi của lịch sử càng ngày càng xa...
Bây giờ, thời buổi này, nếu nhắc tới cụm từ “cải cách ruộng đất”, lứa U50, thậm chí U60 trở lại đây hầu như không biết, giả dụ đã từng nghe đâu đó thì cũng rất loáng thoáng láng máng lờ mờ. Nhưng với U70 trở về trước thì đó là thứ quá khứ kinh hoàng, bi kịch, đen tối, thê thảm, đầy máu và nước mắt. Sao lại có sự khác nhau thế nhỉ? Đơn giản là, quá khứ ấy, lịch sử ấy bị ém nhẹm, bưng bít, giấu kín, cố tình lờ đi, bởi nó chính là sản phẩm của chế độ xã hội chủ nghĩa, của những người cộng sản.
Mà chẳng phải chỉ “cải cách ruộng đất”, nhiều sự kiện khác, như “cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm” (1956-1958), “vụ án xét lại chống đảng” (1967-1968), “công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam” (1976-1980), “thời bao cấp” (suốt mấy thập niên từ 60 tới 80)… là những đặc sản mà nhà cai trị ngại nhắc tới. Cứ phải quán triệt quan điểm “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”. Vậy nên có tình trạng lịch sử, văn chương, báo chí, nhà trường… đều ngó lơ, hời hợt, xuyên tạc, bo tròn, nói chung là không được phép khai thác tỉ mỉ, đào sâu, chỉ vì mấy thứ đó là vùng cấm.

Điều may mắn là lịch sử vẫn còn những kênh thể hiện khác, vượt ngoài sự cấm đoán của cường quyền. Sự kiện cải cách ruộng đất cũng vậy. Những người đã từng tham gia trực tiếp vào “máu và nước mắt”, những người chứng kiến tấn bi kịch, những người được nghe cha mẹ, anh chị kể lại năm tháng hãi hùng… đã dũng cảm vượt khỏi bức màn sắt, làm nhiệm vụ của nhân chứng, của kẻ chịu nạn, của người có lương tri, của cây bút chép sử tử tế. Bản thân tôi từng đọc thứ tài liệu ghê người ấy của sử gia Hoàng Văn Chí, của thi sĩ Trần Dần, thi sĩ Hữu Loan, được nghe người trong cuộc kể về nạn nhân số 1 của cải cách ruộng đất - bà “địa chủ” Nguyễn Thị Năm, nghe các anh chị tôi khi còn bé từng kéo nhau lên tận đầu núi làng Trà Phương quê tôi, nơi đặt pháp trường để coi xử bắn “địa chủ” Tuần Bẳn, rồi về tới nhà vẫn phát khiếp suốt đêm không ngủ được, nghe anh rể tôi là người trong cuộc mỗi lần nhắc tới cải cách ruộng đất là mạch máu trong mắt lại vằn lên dữ dội bởi chính ông cụ thân sinh, bố anh ấy từng nuôi cách mạng, đóng góp nhiều cho kháng chiến, vốn chỉ có vài mẫu ruộng thành phần trung nông nhưng được cách mạng ưu ái đôn lên cho đủ số lượng 5% địa chủ, ép thêm tội hoạt động Quốc dân đảng, bị đấu tố và xử bắn chỉ trong nháy mắt, trước sự chứng kiến của vợ và đàn con “địa chủ”. Tôi cũng từng đọc “Ba người khác” của cụ nhà văn Tô Hoài, “Chuyện làng cuội” của nhà văn Lê Lựu, “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Đèn cù” của Trần Đĩnh…, mỗi cuốn sách, thứ ít thứ nhiều đều làm nhiệm vụ vạch trần tội ác, phanh phui sự thực đen tối bị che giấu. Nhà cai trị đừng nghĩ rằng chỉ cần một lần kéo nhau ra sân vận động Hàng Đẫy, cử vài người đứng ra sụt sịt rút khăn mùi xoa lau nước mắt, nhận lỗi, nhận sai lầm về cải cách ruộng đất là xong. Hàng vạn oan hồn, hàng triệu số phận bi kịch, nhiều thế hệ dai dẳng khổ sở bởi cải cách ruộng đất vẫn đang chờ một sự bạch hóa “cuộc cách mạng long trời lở đất” do chính người cộng sản gây ra trên đất nước mình, càn quét trên số phận dân tộc mình, đồng bào mình.

Và tôi đã cầm trên tay thứ sử biên niên bằng văn, một dạng văn sử bất phân, một thứ tự truyện, một thứ văn viết bằng máu và nước mắt, đọc mấy đêm liền. Đọc xong dòng cuối cùng, cả thảy 362 trang, rồi lẩn mẩn vòng về trang đầu đọc lại. Không thể nào tiêu hóa nổi ngay, chẳng phải bởi sách không hay, thậm chí rất hay là đằng khác, mà bởi thứ nội dung nó chuyển tải khiếp quá, hãi quá, kinh quá, thật quá. Nhiều lần vừa dò mắt trên từng chữ vừa cảm thấy lành lạnh sống lưng, gai gai người, vô thức đảo mắt ngó trước ngó sau sợ hãi. Dường như không phải mình đang đọc sách, cảo thơm, tân thư, sách quý, mà đang chen trong đám người giữa sân đình chứng kiến đấu tố địa chủ, thấy người chức việc nhà nước hùng hổ lôi xềnh xệch mấy tên địa chủ trói giật cánh khuỷu vào cột và nghe súng nổ. Dường như mình đang sống giữa thế giới ma quái, oan hồn. Khi gõ những chữ này, tôi chợt rút ra kết luận rằng những ai thần kinh yếu, tâm hồn yếu đuối, hoảng hốt, mau nước mắt, bệnh tim, có lẽ không nên vội đọc nó. Cuốn “Kiến, chuột và ruồi” của Nguyễn Quang Lập. Số còn lại thì không nên chần chừ gì nữa.

Ai thế nào thì tôi không biết. Đã lâu tôi mới đọc cuốn sách giấy chữ mà khó dừng đến thế. Kể từ dạo tỉ mỉ nằm đêm này qua đêm khác mò mẫm cuốn “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, và có thể kể thêm cuốn “Đừng kể tên tôi” với cái tên tác giả lạ hoắc Phan Thúy Hà (chút nữa tôi nói thêm về cuốn này).

Nguyễn Quang Lập không phải cái tên xa lạ. Có một thời, khi internet chưa hẳn đại trà như bây giờ nhưng là thứ món mới hấp dẫn trên bàn tiệc xã hội, đi đâu cũng nghe người ta tấm tắc, trầm trồ, khen ngợi, dè bỉu, chê bai, sung sướng, bực tức, hả hê, có nghĩa là đủ mọi tâm trạng của đủ thứ người, với 3 món đầu trong thực đơn: Blog Yahoo 360 độ của Osin Huy Đức, trang Ba Sàm (Anhbasam) của Nguyễn Hữu Vinh, và blog Quê Choa của Nguyễn Quang Lập. Có khi oang oang, có lúc thì thào, hỏi nhau, này đã đọc Quê Choa chửa, Ba sàm hôm nay có gì mới không, này Osin bị bắt chưa, v.v.. Dường như đang cuồn cuộn một thứ xã hội khác đầy bí mật và thú vị trong lòng một xã hội đang tồn tại công khai nhưng vô cùng chán nản, nhạt nhẽo, một chiều. Ba chiến sĩ tiên phong ấy, mỗi người một vẻ, mỗi hiệp sĩ cầm một lá cờ phất phất xoi thủng chính sách ngu dân. Và hai trong số ấy đã nếm mùi “chuyên chính vô sản”, đã biết nhà lao chủ nghĩa xã hội ưu việt thế nào. Tôi từng được trực tiếp nghe bọ Lập kể chuyện những tháng hưởng mùi biệt thự số 6 Phan Đăng Lưu, ngay cái thời điểm bọ vừa “mới ra tù, tập leo núi” và đang viết chính cuốn sách này, cuốn “Kiến, chuột và ruồi” (còn tiếp)
 *****
 Một lịch sử hãi hùng bị giấu kín và phanh phui (kỳ 2)
kien_chuot_va_ruoi
 Nhớ hôm được người bạn tặng cho cuốn “Kiến, chuột và ruồi”, đang phấn khích thì nhận cú điện thoại của ông bạn nữa. Nhà văn Nguyễn Một (cái tên nghe rất Hy Mã Lạp Sơn), đương đóng chức giám đốc truyền thông của Tập đoàn Trường Hải, gọi bảo có món dồi lợn mán ngon lắm, thích thì mò tới, chứ không ai hơi đâu chiều chuộng đưa đón rước xách được. Đang dở chút việc, định không đi, lại nghe tay Một mở lượng khoan hồng cho tí thông tin nữa, có cả bọ Lập và một số “đối tượng chính sách” thèm dồi. Thế là dẹp tất, đi. Bọ Lập náu tận Củ Chi, mấy khi gặp được lão. Cuốn sách kỳ thư như thế không thể thiếu chữ ký tác giả. Vừa được nhai dồi lợn mán, vừa có vài dòng “lạc khoản”, còn gì bằng.

Sau khi đã làm đầy đủ thủ tục viết viếc ký kiếc trang trọng rồi, tôi hỏi thẳng bọ, sách này chẳng phải dâm thư, cũng không việt tân việt tiếc gì, sao không in nhà in nhà (ấy là lúc đó tôi nhớ cái vế đối ai đó phát ra hồi Tự lực văn đoàn, về sách của nhà xuất bản Thời nay: “Thời nay thời nay in nhà in nhà”, có nghĩa sách của nhà xuất bản Thời nay bây giờ được in ở nhà in của chính nhà chứ không phải nhà in nơi khác). Bọ Lập cười, có chứ, đưa mấy nơi, họ ngại họ sợ, họ có chịu đâu. Cũng có nhà xuất bản “liều” hơn, đã biên tập hoàn chỉnh, đã lên khuôn, chỉ còn cho máy chạy nữa là xong, vậy nhưng tới phút cuối bị ách lại. Không tin cứ hỏi cô Trang đây (bọ chỉ vào cô gái ngồi cùng bàn, cô gật đầu xác nhận). Nào có phải không muốn ta tắm ao ta, cực chẳng đã mà chịu thế thôi.

Tôi thành thật chia sẻ với bọ rằng như thế là may. Đứa con tinh thần mình phải tốn bao nhiêu lao tâm khổ tứ mới có được, rút ruột đau đớn mới đẻ ra từng chữ, nếu vào tay người chức việc, vào mấy nhà xuất bản chỉ biết ngoan ngoãn thực hiện lệnh trên, nhìn đâu cũng ra thế lực thù địch, thì họ sẽ bo cho tròn trịa, cắt tỉa thật lực biến nó thành thứ “văn hóa cao lành mạnh” ế nhan nhản trên các kệ sách kia kìa. Sẽ không còn gì là Nguyễn Quang Lập, là bọ Lập nữa, thậm chí chính con mình, mình cũng không nhận ra, không dám nhận. May quá còn gì, trong cái họa có cái phúc, các cụ xưa truyền vậy.

Điều may mắn, giờ đây chúng ta đã có được cuốn “Kiến, chuột và ruồi” nguyên bản, đúng văn bọ Lập, đúng cái chất của anh chủ trang blog Quê Choa ngày nào.

Kiến, chuột và ruồi” không hẳn chỉ kể lại cuộc “cách mạng long trời lở đất” cải cách ruộng đất. Bức tranh xã hội xám xịt trong nó còn nhiều bi kịch, phận người nhục nhã ê chề, cái xấu cái ác lên ngôi, ngày tháng bị bóp chặt tới mức nghẹt thở. Nhưng trung tâm của giai đoạn cuồng phong thê thảm ấy là cải cách ruộng đất. Tôi dám chắc, y (bọ Lập, tác giả) đã nghiền ngẫm, tích lũy, cắn xé, đau đớn rất nhiều khi thò ra từng chữ. Mỗi chữ như có máu chảy ở đầu ngọn bút, người xưa từng nhận xét về truyện Kiều của cụ Tiên Điền Nguyễn Du vậy. Nó cũng đúng y chang với trường hợp “Kiến, chuột và ruồi” này, có lẽ chỉ khác ở chỗ xưa cụ Tiên Điền mài bút, nay ông bọ Lập hì hục gõ phím. Mỗi trang sách đầy những máu. Đầy tiếng nức nở, ai oán, căm giận.

Tôi không đi sâu vào nội dung cuốn sách làm gì. Với từng tâm thế, mỗi người đọc một cách, hiểu một cách, chả ai áp đặt được cho ai. Đọc vần vò “
Kiến, chuột và ruồi” xong, có cảm giác mình đã gặp ở đâu đó cái giọng điệu quen quen, cách thể hiện, cách mô tả khiến người ta nhớ tới những Vũ Trọng Phụng, Azit Nexin, thậm chí cả ông lẫy lừng G.Market bên tận Mỹ latinh. Nhưng loáng thoáng thôi, chứ chốt lại thì vẫn là bọ, bọ Lập, Nguyễn Quang Lập, nhà văn Nguyễn Quang Lập, tác giả của Bạn văn, Đời cát, Ký ức vụn, Chuyện nhà quê…

Sách về cải cách ruộng đất cho đến nay không nhiều lắm. Sự bức bối ở một số nhà văn, bị dồn nén cấm đoán mãi cuối cùng cũng thoát ra thành tác phẩm, như tôi đã kể ở phần 1, chả hạn Trần Dần, Hữu Loan, Tô Hoài, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Phan Hách, Ngô Ngọc Bội… Họ hầu hết “dính” vào sự kiện, tham gia cải cách ruộng đất, thậm chí có người từng làm “đội”, nhiều người là dạng thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, nhiều người là nạn nhân. Cải cách ruộng đất, bắt đầu từ năm 1953, với tiếng súng nổ găm đạn giai cấp vào bà Nguyễn Thị Năm, kết thúc vào năm 1957 khi làng quê, nông thôn Việt gần như đã tan tác, điêu tàn bởi nó. Lứa tôi và bọ Lập, sinh ra khi nó đang ở hồi quyết liệt dữ dội nhất, nhưng còn bé, dấu ấn vào đầu gần như chả có gì. Không có nhưng không nghĩa là không biết. Tuổi thơ chúng tôi bị đắm vào những câu chuyện cải cách ruộng đất rùng rợn, do thày bu mình, anh chị mình, người làng người nước từng được chứng kiến kể lại.

Cuộc cải cách ruộng đất, về chừng mực nào đó, đã làm cái nhiệm vụ “cao cả”, tước đoạt đất của địa chủ chia cho nông dân, thực hiện thứ chủ trương mà người cộng sản theo đuổi “người cày có ruộng”. Chỉ có điều, họ làm cách mạng ác quá, tàn bạo quá, ngu xuẩn quá, lấy máu và tội ác để tạo ra hạnh phúc thì hạnh phúc nào bền được. Và chính họ, chỉ vài năm sau, lại quay ngoắt 180 độ, còn tệ hơn địa chủ, tịch thu hết cả ruộng đất vừa được chia của nông dân, bắt phải vào hợp tác xã. Cái thành quả vĩ đại của cải cách ruộng đất mà họ từng nức nở ca ngợi thoắt thành con số 0. Đó là chưa nói họ sửa sai, cứ tưởng họ thật lòng nhưng mấy chục năm sau con cái của “địa chủ” - những nạn nhân oan ức, vẫn bị trả thù một cách rất trắng trợn, hèn mạt. Nhiều thế hệ bị bôi xấu bôi đen lý lịch, con cháu bị cấm cửa chuyện học hành, bị khước từ những quyền lợi rất cơ bản của con người. Họ (nhà cai trị) sửa sai, nhưng thực ra không sửa gì mà chỉ thay đổi thủ đoạn. Một khi đã chủ trương đấu tranh giai cấp, in hằn chủ thuyết ấy trong đầu thì làm sao có thể làm điều tốt được.

Tôi không có ý so cuốn sách của bọ Lập với những “tiền nhiệm” Ba người khác, Chuyện làng cuội…, chỉ tự nhận ra rằng bức tranh xã hội trong “Kiến, chuột…” khốc liệt hơn nhiều. Từ cách kể của bọ, nhiều câu chuyện, nhiều chi tiết dường như nửa thực nửa hư, bảo tin thì cũng không tin hẳn, nhưng nói không tin thì không thể, bởi có rất nhiều thứ đã in vào đầu mình, bọ Lập chỉ là người nói hộ, thể hiện hộ ra thôi. Có thế thì xã hội mới cần nhà văn. Nhưng phải là nhà văn tử tế, dũng cảm, thẳng thắn, kiểu bọ Lập.

Nhân đây, nhắc lại cuốn “Đừng kể tên tôi” của Phan Thúy Hà. Một cuốn sách dữ dội, cực kỳ dữ dội về chiến tranh, hậu chiến. Tất cả đều lấy từ người trong cuộc, khó mà tìm ra chi tiết bịa đặt, tưởng tượng. Chiến tranh được nhìn từ góc độ “suy cho cùng mọi cuộc chiến tranh/phe nào thắng thì nhân dân đều bại” (thơ Nguyễn Duy). Bấy lâu ta quen nghe giọng điệu hùng tráng, cao vút, lảnh lót về chiến tranh, về thứ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của văn chương phải đạo, văn chương sinh ra từ lò tuyên giáo, nên khi đọc “Đừng kể tôi nghe” bỗng tự dưng tắt hẳn tiếng cười, chỉ còn lại tiếng khóc và giọt nước mắt. Tác giả Phan Thúy Hà không làm văn chương, cô chỉ làm nhiệm vụ của người biên sử, chép lại những phần mà người ta cố tình chép thiếu, để làm thứ tư liệu cho mai sau những người làm sử tử tế có làm một cuốn toàn thư thì dựa vào đó mà bổ sung vào.


“Kiến, chuột và ruồi” cũng là thứ tư liệu như thế. Bây giờ nó là cuốn sách văn của bọ Lập, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhưng tôi tin chắc nay mai nó sẽ thành một phần cuốn sử xứ này, trong cái chương về cải cách ruộng đất. Và có lẽ, cần phải thêm nhiều cuốn như thế nữa, nhất là khi độ lùi của lịch sử càng ngày càng xa.
Nguyễn Thông
XEM THÊM:
“ĐỪNG KỂ TÊN TÔI” VÀ NỖI ĐAU NGƯỜI LÍNH (Nhịp Cầu Thế Giới)
“Tôi gần như không biết gì hết. Chiến tranh là bài học lịch sử cần thi lấy điểm”.
dungke_tentoi
Bìa sách “Đừng kể tên tôi”

Lời Tòa soạn: “Đừng kể tên tôi” (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2017) là những câu chuyện về số phận người lính trong và sau chiến tranh, được Phan Thúy Hà thu thập, ghi chép theo cách “trung thực đến tận cùng, không thêm bớt, không hư cấu đỏ hơn mà cũng không đen hơn, sù sì như sự thật, như cuộc đời” (nhận xét của nhà văn Trần Huy Quang).

Phan Thúy Hà sinh năm 1979, theo chia sẻ với NCTG thì: “Ở nhà nội trợ, đưa đón con đi học. Rảnh thì viết facebook, viết báo, viết truyện”. Tốt nghiệp khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2002; từng là biên tập viên phòng Văn học, NXB Phụ nữ trong 10 năm. “Đừng kể tên tôi” là kết quả hai tháng làm việc cật lực của tác giả.

Đã có rất nhiều sách viết về người lính trong chiến tranh, nhưng cuộc sống của họ - đa phần là cơ cực, nhiều khi bần cùng - thời hậu chiến thì chưa được nhắc tới nhiều. “Đừng kể tên tôi” có thể là một cách tiếp cận, một lát cắt mới trong đề tài đó. Trân trọng giới thiệu tác phẩm mới này tới bạn đọc, cùng những lời chia sẻ, trần tình của tác giả (NCTG).

(*) NCTG đã có dịp đăng tải một đoạn của cuốn sách với tựa 
“Buồn không mùa vụ”. Có thể đặt mua sách qua tác giả. Nhan đề bài viết do NCTG tạm đặt.
phanthuyha
Tác giả và một nhân vật trong cuốn sách - Ảnh do nhân vật cung cấp
-----------------
Giữa tháng 5 tôi viết một đoạn trên dòng trạng thái rằng muốn viết một cuốn sách về những người lính thời chiến tranh. Một lớp người sắp tuyệt chủng. Nếu không viết thì muộn mất.

Viết xong thì hơi hoảng. Nói nhưng có làm được không.

Đợi vài tuần trôi đi, tôi lờ đi bằng cách ẩn chế độ một mình đoạn viết đó. Vậy là không phải chịu trách nhiệm về lời đã viết.

Hôm đó tôi đang ở Đắc Lắc, thị trấn Eak Nốp, thăm nhà một người em cũng quen tình cờ trên facebook. Em ở Đồng Nai, người đến đón ba mẹ con là bố em. Hai chú cháu cùng đi chợ, nấu cơm, trò chuyện như thể quen nhau từ xưa nay. Ngủ trưa dậy, bố em trèo lên cây dừa hái quả xuống cho ba mẹ con uống nước. Ngồi uống nước ở thềm bố em đột nhiên nói. Trên người chú còn bốn mảnh bom. Chú kéo áo lên cho tôi xem từng chỗ mảnh bom tay chạm vào cảm thấy được. Hai thằng con trai tôi nghe chuyện đó thì thấy kinh hoàng. Người ta có thể sống với rất nhiều mảnh bom dính trong cơ thể.

- Gia đình chú tám người đi chiến trường. Anh trai thứ hai bị nhiễm độc chiến tranh nằm bệnh mười hai năm đã mất. Anh trai thứ ba cũng nằm một chỗ trên giường mười lăm năm rồi, người giống như xác khô không biết gì.

- Ông ơi, sao cả gia đình ông chọn cái nghề nguy hiểm như vậy ạ? - Con trai tôi hỏi.

- Không phải nghề cháu ạ. Không có nghề đánh giặc. Thanh niên lớn lên trong thời đại đó hầu hết ai cũng như các ông. Nếu cháu sinh ra ở thời của ông, sống ở làng quê ông thì cháu cũng vậy thôi.

Một đứa bé học vừa xong lớp năm. Nó có cần thiết phải biết một cách cụ thể chuyện chiến tranh đã xảy ra không? Và tôi, người mẹ, người con sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng tiếng bom, hiểu biết được tới mức độ nào để nói cho con?

Tôi gần như không biết gì hết. Chiến tranh là bài học lịch sử cần thi lấy điểm.

Ông đã kể và nước mắt nhạt nhòa. Những giọt nước mắt tuổi già trước mặt những đứa trẻ lớp hai lớp năm. Tại sao lại vậy chứ? Tôi lặng im. Tôi cảm thấy mình là người có lỗi.

- Cháu sẽ viết về những câu chuyện như thế này.

Tôi quả quyết như vậy. Ai đã viết, họ đã viết như thế nào? Tôi không biết. Ở đây, với trách nhiệm là một người con, một người cháu, tôi phải viết.

Cuốn sách này không phải là chuyện hư cấu. Không phải là dựa trên câu chuyện có thật. Mà chính nó là thật. Những câu chuyện, những con người thật.

Cuốn sách này không phải là sáng tác văn chương. Bạn sẽ chê cười tôi viết lách gì mà kém vậy nếu coi nó như một sản phẩm văn chương.

Những câu chuyện kể ra từ cuốn băng ghi âm và tôi chép lại nguyên xi.

Để dễ đọc thì tôi có sắp xếp lại theo khả năng khiêm tốn của mình.

Cuốn sách gồm hai phần.

Phần một là chân dung người lính từ ngày còn là cậu bé lớp một đào hầm đi học cho đến ngày quay trở về quê bắt đầu nghề nghiệp cày ruộng.

Phần hai là những kỷ niệm, những điều mà mỗi người lính muốn nói mà chưa bao giờ có ai nghe để nói.

Chú muốn kể ra hết cho cả nhân loại biết nỗi đau này của gia đình chú”.

Nhưng sau cùng là “
Đừng kể tên chú”.

Tại sao chú lại không muốn “
cả nhân loại” biết tên mình?

Một người cô trong facebook của tôi năm mươi năm qua mang trong mình nỗi sợ lính cộng sản. Tôi viết cho cô.

Tôi viết cho bạn tôi. Người bạn có bác là liệt sĩ vô danh.

Tôi viết cho bạn bè cho những người em luôn muốn biết chính xác chuyện gì đã xảy ra.

Tôi viết như trả một chút nợ nần cho những người nông dân khổ cùng khổ tận nơi làng quê tôi lớn lên là Hương Khê, Hà Tĩnh.

Tôi viết để nói rằng con đã sống ở Hà Nội và con yêu thương các bác như thương người quê hương con lam lũ.

Tôi sẽ tự bỏ tiền ra in cuốn sách này. Mong rằng bạn bè sẽ ủng hộ.

Trích một số đoạn từ cuốn sách:

Khóc. Tại sao từ lúc tôi đến đây, gặp ai, rồi cũng khóc.

Tôi ba mươi tám tuổi. Khóc cũng đã nhiều. Nhưng phải trong tình cảnh này, nhìn những người chú người bác người ông nghèn nghẹn nước mắt tôi bối rối. Trước mặt họ, trong hoàn cảnh này, lẽ ra phải là một ai đó có sức mạnh. Tôi thì chỉ có đôi tai để nghe
”.
***
Đứa bé lại khóc ngằn ngặt vì đói sữa. Anh giật mình anh hốt hoảng. Địch. Địch xuất hiện anh em ơi. Anh hất nôi đứa bé văng ra xa. Vết sẹo trên đầu vẫn in hằn tới bây giờ.

Tôi đã biết vì sao anh trở nên như vậy, trông chừng con sắp khóc là tôi ôm con chạy xa anh. Chạy về làng. Anh đuổi theo. Tôi ôm con tuột xuống hầm. Hầm tránh bom Mỹ. Và giờ hầm là nơi tôi trốn chạy khi chồng lên cơn
”.
***
Xe dừng bánh. Từ đây chúng tôi làm quen với cuộc sống chiến trường. Trước mặt là núi. Sau lưng là núi. Núi lớp lớp trùng trùng. Núi sừng sững. Chân núi là đất cằn cây le le mọc san sát.

Tiền trạm đưa chúng tôi vào vị trí. Họ mặc quần áo bà ba đen, tóc dài chớm tai, da ai cũng xanh bủng, mắt vàng lờ đờ. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những sắc mặt như vậy. Họ là người dân tộc hay người Kinh?

Tôi vốn tò mò. Tôi chạy tới sát một người trong số đó.

- Chào anh.

Người ta gật đầu.

- Từ đây tới chỗ chúng tôi nghỉ còn xa không nhỉ?

- Bốn tiếng nữa.

- Bốn tiếng là bao cây số hả anh?

- Ở đây không gọi là cây số vì đường núi. Có ngọn leo một giờ có ngọn leo hai giờ có ngọn leo bốn giờ mới tới đỉnh.

Tôi rút một điếu thuốc lá Tam Đảo ra mời anh. Anh nhìn tôi mắt ánh lên.

Tôi bật lửa. Anh gạt đi và cất thuốc vào túi.

- Bây giờ tôi mới được cầm điếu thuốc quê hương.

Tôi ngạc nhiên.

- Anh quê ở đâu?

- Thượng Cát - Gia Lâm Hà Nội.

- Anh vào đây lâu chưa?

- 1965.

Ba năm. Ba năm ở Tây Nguyên một người con của Hà Nội thay đổi kinh khủng vậy sao? Tôi không thể nhận ra anh ra đi từ Hà Nội. Anh đã khác từ dáng hình tới sự hưởng thụ. Tôi nghĩ tới Hà Nôi cách đây không lâu. Tôi thấy những thanh niên đầu bóng mượt ngồi lơ mơ bên cốc cà phê. Bao thuốc lá thơm lăn lóc trên bàn.

Vẫn người thanh niên đó bây giờ ở đây.

Chuyện gì đã xảy ra ở nơi rừng núi âm u này trong ba năm qua?
”.
***
Mảnh dù pháo sáng bay lửng lơ. Từ xa trông giống như những dải khăn tang.

Những dải khăn tang thả trên đầu người mẹ người em người vợ. Những dải khăn tang phủ trên cánh rừng. Chiến tranh ác liệt quá hy sinh nhiều quá. Thanh niên xung phong, bộ đội, người dân vô tội. Con người mất mát và đất trời vạn vật cũng mất mát khôn nguôi. Máy bay đánh bom. Người chết. Và cây cũng chết. Rừng trơ trụi. Rừng đeo khăn tang. Cây quấn khăn tang. Đèo núi khăn tang. Và tôi cũng đang buộc khăn cho người đồng đội vừa chết đêm qua.

Tôi làm bài thơ cuối cùng trên đèo Mụ Dạ. Tôi đọc cho anh em nghe. Anh em vỗ tay. Chính trị viên cũng vỗ tay. Đột nhiên chính trị viên thay đổi sắc mặt.

- Đồng chí lên gặp tôi ngay.

- “Những dải khăn tang trên đèo Mụ Dạ”. Tại sao đồng chí viết như vậy. Tuyên truyền cho địch à?

Viết bản kiểm điểm. Kỷ luật. Cuốn sổ tay giấu kỹ trong ba lô bị mang ra. Đốt. Đốt hết. Lửa cháy bùng.

Thơ tôi không tiếc. Tôi tiếc những trang nhật ký về những năm tuổi trẻ đời tôi. Tôi ức chế đến độ không còn nhớ gì mình đã viết
”.
Phan Thúy Hà

Aucun commentaire: