”...Đời tôi đã mang nợ chị quá nhiều, vì tiếng hát của chị đã ảnh hưởng vào tâm tư tình cảm tôi khi tôi đang bước trên đường tình cũng như lúc tôi ngồi bó gối trong chiếc xe tù của cộng sản chuyển trại, chợt nghe đâu đó giọng hát ngọt ngào của chị..”
Ca sĩ Thái Thanh
Sáng chủ nhật 1 tháng 12, 2002 vợ chồng Nguyễn Đắc Điều và vợ chồng tôi đã tới thăm chị Thái Thanh ở thành phố Garden Grove. Anh Điều là cựu chủ tịch Tổng Hội Cựu Sinh viên Quốc Gia Hành chánh, tức là đồng môn với tôi.
Buổi thăm nhau tuy diễn ra bình thường, nhưng cũng có ý đến cảm ơn chị, chả là hồi tháng 10, hai gia đinh chúng tôi tổ chức sinh nhật chung ở một nhà hàng, chị Thái Thanh đã tới dự và đã lên sân khấu trình bầy nhiều ca khúc để mừng chúng tôi.
Người nữ ca sĩ từng được vinh tặng là tiếng hát vượt thời gian và không gian này hiện sống trong một căn phòng của một chung cư dành cho người cao niên.
Căn phòng vừa đủ kê một chiếc giường ngủ, một bàn ăn nhỏ, và nơi tiếp khách cũng chỉ có chỗ cho hai ba người. Chị đã thiết trí căn phòng thật đơn sơ với bộ máy hát nhỏ, bình hoa, những tấm hình kỷ niệm, trên tường là những tranh và tượng Phật, giấy của chùa cấp chứng nhận chị đã qui y. Tôi nhìn tấm thân chị, nay đã còm cõi kiểu mình hạc vóc mai, mái tóc đã bạc phơ, chợt nghe chị nói : "Mình tạo cho căn phòng này thành một nơi chốn để thiền, để nghỉ ngơi, để tu Phật...".
Tôi hỏi : Các cháu có đến thăm chị thường không ? Chị trả lời : Có. Thứ bẩy nào thì các cháu cũng tới chở tôi về nhà hoặc đưa tôi đi chơi nơi này nơi nọ. Còn chủ nhật thì tôi đi chơi với các bạn của tôi...". Tôi để ý thấy chị nói mà vẫn như hát, giọng của chị vẫn trong, vẫn khoẻ, vẫn đầy âm thanh như ngày nào. Và cái dáng của chị khi nói, khi cười, đều mang nét quen thuộc của người anh ruột là Nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tôi nói điều này với chị thì chị cũng gật đầu trả lời :
- Vâng, nhiều người nói Thái Thanh giống anh Hoài Bắc. Mà Thái Thanh cũng ảnh hưởng anh ấy nhiều lắm đó".
Quả thế, nhìn Thái Thanh tôi bồi hồi tưởng nhớ Hoài Bắc. Hồi vợ chồng Hoài Bắc bỏ khu Little Saigon lên Los Angeles là thời chúng tôi gần nhau hàng ngày. Lúc đó vợ chồng tôi mở xưởng may, anh Hoài Bắc chở chị tới đó làm việc rồi tạt qua nhà tôi ngồi tâm sự chuyện đời, chuyện văn nghệ. Rồi có những chiều tối, Hoài Bắc gọi điện thoại sang nhà anh, cách nhau chừng mười phút xe, thưởng thức món cháo cá do chị nấu. Thoáng đấy, hình ảnh, tiếng nói còn đây mà bạn tôi đã thành người thiên cổ.
Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh
Tôi hỏi : Hoài Bắc nổi tiếng với bản nhạc Đôi Mắt Người Sơn Tây phổ thơ của Quang Dũng, vậy gia đình chị có biết Sơn Tây không ?
Thái Thanh : Sơn Tây là quê ngoại thôi. Quê nội ở làng Bạch Mai Hà Nội.
- Chị có bao giờ sống ở Sơn Tây không?
- Chỉ có vài dịp nghỉ hè thì về chơi thôi.
Tôi tò mò hỏi tiếp :
- Chị có ba chị em là chị Thái Hằng, anh Hoài Bắc và chị. Cả ba đều nổi tiếng về âm nhạc. Vậy ông cụ hay bà cụ hay cả hai đã "di truyền" dòng máu văn nghệ này ?
Thái Thanh : Vâng ba người mà anh vừa nói là cùng mẹ ruột. Ông cụ tôi còn bà trưởng, tức là mẹ trên của chúng tôi, thì có anh Phạm Đình Sỹ và anh Hoài Trung.
Khi bà trên mất rồi thì ông bố tôi mới cưới mẹ tôi. Như thế không thể gọi là bà hai được. Nói đúng ra thì cả bố tôi và mẹ tôi đều chơi đàn cổ như đàn tranh, đàn bầu, nhị, sáo... Cụ ông chơi những thứ đàn đó còn cụ bà thì chơi tỳ bà. Mẹ tôi giỏi về nhạc lắm. Tôi nhớ ngày xưa tôi có được nghe cụ hát ả đào thật tuyệt.
Hát ả đào ngày xưa khác với thời bây giờ nhiều. Thời xưa nó là một thú chơi rất văn học nghệ thuật. Các bạn của bố tôi mỗi khi làm được những bài thơ hay là tới đưa cho cụ hát, rồi mọi người ngồi thưởng thức..
Nguyễn Đắc Điều hỏi : Chị đi hát trong hoàn cảnh nào ?
Thái Thanh : Tôi hát trong cái hoàn cảnh anh Phạm Đình Chương chơi đàn với bạn của anh ấy là ông Nguyễn Cao Kỳ. Hồi nhỏ ở Hà Nội, ông Kỳ thường hay đến nhà tôi đánh đàn. Hai ông ấy là bạn học với nhau, chơi thân nhau lắm. Rồi tới một ngày không biết nổi hứng sao đó, anh Chương lôi tôi ra dạy cho tôi hát và hai ông ấy đệm đàn. Lúc đó tôi còn bé lắm, đâu chừng mới mười tuổi.
Nguyễn Đắc Điều : Ai đặt cho chị là Thái Thanh ?
Thái Thanh : Tôi nhớ tên của tôi do các cụ đặt cho là Phạm Thị Băng Thanh. Còn chữ Thái là hình như lấy từ tên chị tôi. Chị là Thái Hằng thì em phải là Thái Thanh chứ.
Nguyễn Đắc Điều : Tại sao anh Phạm Đình Chương lại lấy tên là Hoài Bắc ?
Thái Thanh : À, hình như lúc ấy chúng tôi ở Sài Gòn rồi, chúng tôi lập ban văn nghệ đi trình diễn nên các anh lấy tên là Hoài Bắc, Hoài Trung, ý nói là nhớ miền Bắc, nhớ miền Trung thôi.
Tôi hỏi xen vào : Hình như trước khi vào Sài gòn, chị có trình diễn văn nghệ cùng với Phạm Duy ở những vùng thuộc quyền Việt Minh kiểm soát ?
Thái Thanh : Có. Tôi đi hát là cũng do các anh ấy lôi đi. Bây giờ tôi già rồi, không còn nhớ nhiều. Anh đọc hồi ký của Phạm Duy là thấy đó. Hồi đó đến giờ, Phạm Duy vừa làm việc vừa ghi chép lại nên chuyện anh ấy viết là đúng đấy.
Hỏi : Nhưng sự kiện quan trọng này thì chắc chị còn nhớ, là lần đầu chị lên sân khấu, chị bao nhiêu tuổi ?
Thái Thanh : Độ 12 tuổi.
Hỏi : 12 tuổi đã hát trước công chúng, thế chị có run sợ không ?
Thái Thanh : Cái lần đầu tôi lên sân khấu không phải tôi lên một mình mà lên hát chung với các anh các chị tôi. Chúng tôi trình bầy một bản đồng ca. Như thế tôi cũng bớt sợ phần nào. Chứ nếu mà mình lên sân khấu một mình, lúc mình nhỏ bé như thế chắc là mình sợ lắm chứ nhỉ. Điều tôi còn nhớ rõ, khá rõ là cái xúc cảm khi hát, anh ạ. Có lẽ là "gene" âm nhạc của mẹ tôi trong người nên tôi lúc đó tuy còn nhỏ xíu nhưng tôi đã biết xúc động từ lời ca cho tới dòng nhạc. Cái cảm xúc đó nó còn trong tôi cho tới bây giờ đấy. Khi đứng trước khán giả hát, mà quí vị thấy tôi hát hay, đó là vì tâm hồn tôi nhập vào bài hát rồi. Tôi yêu âm nhạc. Tôi yêu âm nhạc ghê gớm lắm.
Hỏi : Lần đầu chị hát là hát ở đâu ?
Thái Thanh : Ngoài vùng kháng chiến.
Hỏi : Hát ngoài trời ?
Thái Thanh : Vâng. Hát ở ngoài trời. Sân khấu được dựng lên để hát cho dân làng nghe ấy mà.
Nguyễn Đắc Điều : Tôi có một người bạn quê ở Thái Bình bây giờ còn nhớ là hồi đó ban văn nghệ của chị có về hát quê của anh ấy.
Thái Thanh : Thế hả... Bây giờ tôi không còn nhớ nữa.
Nguyễn Đắc Điều : Năm nào thì chị bỏ vùng Việt Minh về Hà Nội ?
Thái Thanh : Tôi không nhớ rõ. Nhưng chúng tôi chỉ ở Hà Nội một thời gian ngắn rồi vào Sài gòn.
Nguyễn Đắc Điều : Có phải vì sợ Việt Minh trả thù nên các anh chị phải bỏ Hà Nội vào Sài gòn ?
Thái Thanh : Tôi không biết vì lúc đó còn nhỏ quá, với lại lâu quá rồi. Tôi chỉ nhớ là lúc ấy vào Sài gòn là để hát cho đài phát thanh Pháp Á. Đài này mời ông Phạm Duy. Ông ấy sáng tác bản Về Miền Trung, hát trên đài Pháp Á, được thính giả thích quá. Ông ấy vào rồi kéo tụi này đi luôn.
Nguyễn Đắc Điều : Ban Thăng Long ra đời vào lúc này ?
Thái Thanh : Đúng rồi. Vì sống ở Sài gòn nên nhớ Hà Nội, tức Thăng Long ấy mà.
Nguyễn Đắc Điều : Bản nhạc mà chị hát đầu tiên trên đài Pháp Á tên là gì ?
Thái Thanh : Có lẽ là bài Về Miền Trung đấy.
Tôi hỏi : Chị sống ở Sài gòn từ thuở thanh xuân như thế thì chị gặp anh Lê Quỳnh ở đâu ?
Thái Thanh : Chúng tôi gặp nhau ở Sài Gòn. Tôi gặp bố các cháu vào lúc ông ấy đi đóng cuốn phim "Chúng Tôi Muốn Sống". Lúc đó tôi đã là ca sĩ khá nổi tiếng rồi. Khi mà ông ấy cho người tới mai mối thì gia đình tôi mới trả lời tôi rằng, ông ấy là tài tử xi nê nổi tiếng, còn con thì hát nổi tiếng, bố mẹ cho con lấy đấy.
Tôi hỏi tiếp : Chị còn nhớ những kỷ niệm thuở ban đầu với anh Lê Quỳnh không ?
Thái Thanh: Tôi nhớ đã gặp bố các cháu lần đầu vào dịp trình diễn văn nghệ vào dịp tết ở những rạp trước giờ chiếu phim. Gọi là phụ diễn nhưng có khí kéo cả giờ đấy. Anh Lê Quỳnh ở trong ban văn nghệ. Ông ấy hát hay lắm. Hát hay lắm. Chỉ có điều là ông ấy không đi hát thôi. Ông ấy lại đóng phim giỏi. Ông ấy đóng kịch thì tuyệt vời. Đó là trời sinh ra ông ấy để ông ấy đứng trên sân khấu chứ không phải ở dưới này đâu. Thì trong một buổi diễn chung như vậy, chúng tôi gặp nhau. Và chúng tôi mê nhau.
Hỏi : Chị nói là "chúng tôi mê nhau", như vậy thì ai tỏ tình trước ?
Thái Thanh : Việt Nam mình thì cứ coi là đàn ông tỏ tình trước đi. Đàn bà có muốn lắm cũng để trong lòng thôi.
Hỏi : Bao lâu sao thì anh chị thành hôn ?
Thái Thanh : Có lẽ vài năm. Sau đám hỏi mới tới đám cưới...
Hỏi : Khi lấy chồng là một tài tử điện ảnh, chị có ý nghĩ muốn trở thành diễn viên điện ảnh không ?
Thái Thanh : Sao cái điều đó tôi lại chưa bao giờ nghĩ đến đấy. Mà anh Lê Quỳnh cũng không bao giờ hỏi là tôi có muốn đóng phim không nữa.
Ban hợp ca Thăng Long, hàng sau : Phạm Duy, Hoài Bắc, Hoài Trung;
hàng trước : Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh
Tôi với anh Lê Quỳnh là bạn từ khi tôi về trông coi Nha Điện Ảnh ở đường Thi Sách Sài gòn. Lê Quỳnh là đại úy quân đội được biệt phái sang đây vì anh đã nổi tiếng trong giới điện ảnh từ khi anh đóng cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống. Trong buổi tiếp xúc đầu tiên với anh, tôi hỏi anh đang phụ trách công việc gì thi anh buồn bã trả lời, anh được cử trông coi Nhân Dân Tự Vệ trong cơ quan. Không ai mời anh đóng phim, dù là phim tuyên truyền chống cộng. Anh nói với tôi, anh ao ước được trở thành đạo diễn điện ảnh. Tôi hứa sẽ cho anh cơ hội để thử thách nếu anh kiếm được một truyện phim nào đặc sắc. Lê Quỳnh tỏ vẻ rất vui mừng. Vài tuần sau, anh trình tôi bản truyện phim "Giã Từ Bóng Tối". Đọc xong, tôi cấp cho Lê Quỳnh sự vụ lệnh lên Đà Lạt, ở tại Hotel Palace hai tuần lễ để viết phân cảnh kỹ thuật. Đây là cuốn phim 35 ly trắng đen dài một tiếng rưỡi đồng hồ, do Nha Điện Ảnh sản xuất và phát hành.
Vào năm 1968, khi xẩy ra biến cố Tết Mậu Thân, Lê Quỳnh đã được ông Nguyễn Văn Liêm, chủ hãng Liêm Film mời đạo diễn cuốn phim màu, ngắn độ dưới nửa giờ, tên là "Hậu Quả Của Sự Thành Công". Phim do nữ tài tử Xuân Dung đóng vai chánh, quay tại Sài gòn lúc vừa im tiếng súng nhưng những cảnh đổ nát, chết chóc vẫn còn nguyên. Chủ đề của cuốn phim nói rằng cộng sản miền Bắc đã lợi dụng lòng nhân đạo và tính hiếu hoà truyền thống của người miền Nam để lường gạt chẳng hạn cộng sản bỏ vũ khí vào quan tài trong một đám ma giả để lọt qua các vọng gác, mang vô Sài gòn. Vì thế, cho dù cộng sản thành công là xâm nhập được vào thủ đô, nhưng hậu quả là dân chúng kinh tởm cộng sản. Cuốn phim này được gửi sang Đài Loan in rửa, nhưng không hiểu vì lẽ gì sau này không thấy chiếu. Tôi có hỏi Lê Quỳnh điều này nhưng Lê Quỳnh cũng không biết. Còn ông Nguyễn Văn Liêm đã chết ở Sài gòn ít năm sau khi thành phố này bị cộng sản cai trị.
Tôi nghe tiếng Nguyễn Đắc Điều hỏi Thái Thanh :
- Chị và anh Quỳnh ở với nhau bao nhiêu năm?
Thái Thanh : Mười mấy năm. Hình như lúc Ý Lan được 8 tuổi thì chúng tôi thôi nhau.
Hỏi : Anh chị được mấy cháu tất cả ?
Thái Thanh : 5. Gần như năm một. Có khi ba năm hai. Ý Lan là con đầu. Tới Lê Xuân Việt, con trai. Rồi Lê Thị Quỳnh Giao tức là Quỳnh Hương, vì trùng tên với ca sĩ Quỳnh Dao nên đi hát cháu lấy tên là Quỳnh Hương. Thứ tư là Lê Thị Thanh Loan. Út là cháu Lê Đại.
Nguyễn Đắc Điều : Bây giờ có cháu Ý Lan và Quỳnh Hương theo nghề của mẹ ?
Thái Thanh : Vâng. Cháu Thanh Loan cũng có lên sân khấu đấy. Cháu đã xuất hiện trong cuốn băng của cả gia đình nhưng sau ít hát vì không được khoẻ.
Nguyễn Đắc Điều : Chị có "truyền nghề" cho các cô ấy không ?
Thái Thanh : Nói đến truyền nghề thì tôi nghĩ là tôi đã truyền từ trong bụng rồi, chứ không chờ các cháu lớn lên mới gọi ra để chỉ dạy con phải hát thế này, còn phải trình diễn thế nọ đâu. Tôi nghĩ khi các cháu nằm trong bụng tôi, các cháu đã nghe mẹ hát rồi...
Nguyễn Đắc Điều : Ngoài các con, chị còn cháu cũng đi hát nữa.
Thái Thanh : Vâng, con gái của Ý Lan là Mai Linh đang được coi là ca sĩ trẻ đầy triển vọng. Cháu hát nhạc Việt đã hay mà nhạc ngoại quốc cũng xuất sắc lắm. Khi xuống thuyền vượt biên, cháu mới một tuổi, nay đã đang học năm thứ nhất của chương trình Bác sĩ Y Khoa.
Nguyễn Đắc Điều : Chúng tôi có nghe cháu học giỏi.
Thái Thanh : Cảm ơn anh. Hôm trước tôi có nói với anh về cháu Lê Xuân Việt rồi phải không ? Cháu chưa lấy vợ vì mê học cho xong cái Doctor về Electronic Engineer mới lấy vợ. Khi lấy vợ rồi được bốn con thì lại quyết định bỏ nghề điện tử, theo học bác sĩ y khoa. Bây giờ cháu đang làm ở nhà thương dưới San Diego. Còn cháu Lê Đại đã học xong 4 năm đại học về âm nhạc, nhưng khi ra trường lại đi làm về computer và website. Cháu chơi keyboard và piano nhuyễn lắm.
Nguyễn Đắc Điều : Có ai sáng tác nhạc không chị ?
Thái Thanh : Lê Đại có sáng tác một số ca khúc, những bài ca ngăn ngắn...
Nguyễn Đắc Điều : Chị đã sống một đời với nghiệp cầm ca, không làm nghề gì khác, vậy thì cuộc sống của chị có khá không ?
Thái Thanh : Về vật chất ấy à ? Anh hỏi cái ấy đúng đấy. Khi mà mình được người thưởng thức yêu mến mình thì đương nhiên là mình phải kiếm được nhiều tiền rồi. Nhưng mà, tôi có năm con nhỏ phải nuôi vì anh Lê Quỳnh đã có vợ có con phải nuôi, nên số tiền anh Lê Quỳnh gửi cho tôi để phụ nuôi các cháu cũng hạn chế thôi. Anh Lê Quỳnh có với Thái Thanh năm cháu, với cô Trúc bốn cháu, tổng cộng là chín.
Nguyễn Đắc Điều : Những ca sĩ, kịch sĩ thường ngại mang bầu vì trở ngại cho việc trình diễn. Sao chị lại đông con vậy?
Thái Thanh nở nụ cười duyên dáng, ánh mắt ngước lên rồi nhìn vào mấy tấm hình của chị treo trên tường, trong đó có tấm hình bán thân của chị thời còn thật trẻ, một tấm hình người mẹ quây quần với năm đứa con, mà tôi không thể nhận ra người mẹ đó là Thái Thanh. Giọng nói của chị như gió thoảng :
- Thời xưa, chả là người mình ai cũng thích sinh nhiều con. Nhiều con là phúc là đức mà. Cho nên các ông bà nội, ông bà ngoại đều khuyến khích mình để các cụ có nhiều cháu bồng bế... Mình vừa thích có nhiều con, vừa chiều các cụ, thế là mình đẻ liên tiếp thôi. Mỗi lần mang bầu, mình phải sinh con đàng hoàng rồi mới lên sân khấu trở lại.
Tôi hỏi Thái Thanh : "Chị có để người làm bế con tới hậu trường khi chị đi hát không ?" thì Thái Thanh lắc đầu ngay :
- Không. Mình nuôi con cẩn thận lắm. Mình không cho người làm cho các cháu uống thuốc bao giờ đâu. Có những đêm đi hát, một hai giờ sáng mới về tới nhà, người mình đã mệt lắm rồi, buồn ngủ đến mắt mở không ra nữa, thế nhưng mà mình phải vào phòng các cháu xem các cháu ngủ ra làm sao. Đứa nào đau thì mình lấy thuốc, dỗ cho con uống, rồi ôm con, rồi hun hít, nựng nó, bù đắp tình thương cho nó, với lại mình cũng thèm khát hơi hướm của các con lúc phải xa chúng nó chứ. Có lần, đang ngồi chờ trình diễn, mình nhớ con đang đau ở nhà, thế là nước mắt mình tuôn ra. Các bạn hỏi thăm, mình nói là tại các ông hút thuốc nhiều quá, khói làm cay mắt...
Nguyễn Đắc Điều : Chị với Lê Quỳnh là một cặp vợ chồng nghệ sĩ xứng đôi vừa lứa quá, vậy mà nguyên nhân vào khiến phải chia tay nhau ?
Thái Thanh : Tôi cho là cái cuộc sống của một cặp vợ chồng nói chung là nó có vui có buồn, có cái nọ có cái kia, có cái hạp có cái không hạp. Người ta vẫn sống với nhau vì là có con với nhau. Các cụ ngày xưa dạy dỗ con cháu là có con thì không được bỏ nhau nữa đấy nhé. Thế nhưng, đến một lúc nào... Tôi là người đạo Phật nên tôi hiểu được một điều là cái duyên nợ một khi đã hết thì dù vẫn còn thương yêu nhau, vẫn biết xa nhau là các con nó khổ, thế nhưng mà ông Trời đã sinh ra con người chỉ có duyên, có nợ nhau bấy nhiêu thôi là hết. Khi mà cái duyên cái nợ đã hết thì tự nhiên cái không hạp nhiều hơn cái hạp. Điều mà tôi rất mừng để nói với các anh là khi chúng tôi không còn ở với nhau nữa, nhưng cả hai vẫn chăm nom con cái cho đến khi anh Lê Quỳnh có cô Trúc và có con.
Nguyễn Đắc Điều : Chị có giao thiệp với vợ chồng anh Lê Quỳnh chứ ?
Thái Thanh : Vâng. Chúng tôi gặp gỡ nhau thường chứ. Chúng tôi rất thân nhau. Cô Trúc và anh Quỳnh khi các cháu còn nhỏ vẫn mang gửi tôi trông nom hộ đấy. Gọi là gửi "Me già". "Me già cho tụi tôi đi xi nê vài tiếng rồi tụi tôi quay lại lãnh cháu về".
Nguyễn Đắc Điều : Vậy thì chị Trúc dễ thương quá.
Thái Thanh : Rất là dễ thương. Trúc trước làm chiêu đãi viên hàng không Việt Nam nên bặt thiệp, khôn khéo lắm. Mấy năm gần đây bố các cháu bị bệnh, may có cô ấy chăm sóc thay thế chúng tôi. Có lần anh Lê Quỳnh nói với tôi là "Mẹ có biết người nào trên thế gian này mê tiếng hát của Mẹ nhất không ?". Tôi trả lời : "Mẹ biết là có nhiều khán giả mê mẹ hát lắm, nhưng đâu biết ai mê nhất ai mê nhì". Thì Lê Quỳnh nói với giọng hãnh diện : "Cô Trúc mê mẹ nhất". Sau này chính cô Trúc cũng nói là mê tiếng hát Thái Thanh từ hồi còn nhỏ. Cô ấy kém tôi khá nhiều tuổi. Cho đến giờ, hễ cô ấy có món gì ngon là cũng đem cho tôi. Cái đó tôi thấy là phải là người hiểu biết, phải là người có lòng lắm mới làm được, nhỉ?
Chị Trúc quả là một phụ nữ rất dễ thương như Thái Thanh nói. Tôi đã được gặp chị nhiều lần trong những dịp giới điện ảnh của chúng tôi ở Nam California có dịp gặp gỡ nhau. Lê Quỳnh bị tai biến mạch máu não, đi lại khó khăn, nói năng khó khăn, nhưng lúc nào cũng có chị Trúc ở bên. Chị nhẫn nhục săn sóc anh mọi việc. Chị nở nụ cười dịu dàng khi anh gắt gỏng bực bội vì hiểu tâm lý người bệnh và vì tấm tình thương yêu chồng của chị quá lớn. Anh em chúng tôi chưa ai nghe một lời than nào từ miệng chị về những khổ cực mà chị phải chịu đựng.
Không khí trong căn phòng buổi sáng chủ nhật thật im lặng. Tôi nhìn Thái Thanh, mái tóc bạc, thân thể còm cõi, quần áo giản dị, trong một khung cảnh giản dị. Thật không thể ngờ có ngày tôi được nhìn một nữ nghệ sĩ lớn khi họ chưa trang điểm xong và chưa ra khỏi nhà. Trước đây, mỗi lần đi quay phim ở xa Sài gòn, các nữ nghệ sĩ tên tuổi thường đòi có phòng riêng, hoặc thuê khách sạn chứ không ở chung với đoàn. Các cô sẽ không gặp ai, dù là đạo diễn, khi mà mặt không còn phấn, môi không còn son, mắt không còn những nét chì màu và lông nheo giả.
Tiếng anh Nguyễn Đắc Điều hỏi tiếp chị Thái Thanh : Sau khi chính thức ly dị với anh Lê Quỳnh rồi, cuộc sống tình cảm của chị ra sao ?
Thái Thanh : Khi mà tôi với anh Lê Quỳnh chia tay thì tôi còn trẻ lắm. Như thế các anh hiểu là có nhiều người đàn ông theo đuổi tôi...
Nguyễn Đắc Điều : Vậy chị chấm ai ?
Thái Thanh : Đôi ba người... Gọi là bạn... Bạn trai... Nhà ai nấy ở mà. Đi chơi với nhau thì có chứ lấy làm chồng thì không.
- Tôi có nghe dư luận về chị và nhà văn Mai Thảo.
- Vâng. Tôi với anh Mai Thảo thân lắm.
- Hai người có liên hệ tình cảm gì không ?
Thái Thanh : Có liên hệ tình cảm. Nhưng khi mà tôi còn ở với chồng... và dù bỏ chồng rồi thì... anh Mai Thảo anh ấy rất quý tôi đến cái độ tôi muốn thế nào anh ấy chiều như thế. Nhưng mà tôi, tôi cổ lỗ sĩ lắm, các ông ạ. Hễ không có cưới là không có ăn ở với nhau. Cho nên tôi và anh Mai Thảo không có ăn ở với nhau.
- Cuốn tiểu thuyết Mười Đêm Ngà Ngọc của Mai Thảo, có phải anh ấy muốn nói về chị ?
Thái Thanh : Tôi không biết, hay là anh ấy viết...
Hỏi : Chị có đọc cuốn sách ấy không ?
Thái Thanh : Tôi là người đọc sách đọc báo nhiều nhưng giờ tôi không nhớ cuốn sách ấy câu chuyện nó như thế nào...
Hỏi : Chị nghĩ thế nào về anh Mai Thảo ?
Thái Thanh : Vâng, tôi quý lắm. Tôi có cái đặc biệt là, ở với chồng, rồi không ở với chồng, tôi rất quý chồng. Chơi với bạn, như với anh Mai Thảo và vài người bạn dù sau này không chơi nữa, cũng vẫn quý nhau. Có lẽ những người đáng quý tôi đều được gặp.
Tôi chuyển đề tài để ra khỏi những ngày tháng mà chị muốn giữ riêng cho chị. Tôi hỏi chị sau khi miền Nam sụp đổ, chị có đi hát không thì chị trả lời rất nhanh : "Không. Chắc chắn là không".
Hỏi : Việt cộng nó có đến mời chị hát không ?
Thái Thanh : Có. Họ có mời vào đoàn hát này đoàn hát nọ nhưng tôi từ chối. Mà phải từ chối khéo chứ lôi thôi là nó đưa mình vào tù ngay. Tôi nói với họ rằng tôi chưa thể đi hát lúc này vì các con tôi chúng nó đã di tản nên tôi nhớ con lắm.
Nguyễn Đắc Điều : Vậy mà nó để yên cho chị ?
Thái Thanh : Thì à... tôi không biết cái kiểu để yên và không để yên của người cộng sản như thế nào nhưng mà tôi chỉ biết tôi ở nhà của mẹ tôi ở tầng lầu trên cùng bỗng tự dưng không có nước máy lên nữa. Tôi đi hỏi thì họ trả lời là : "Nước yếu". Tôi nói : "Tại sao thời không có cộng sản thì nước lại mạnh ?". Nói thì nói chứ từ đó là tôi phải đi xách nước lên hai ba lầu rã cả cánh tay đấy. Lúc đó tôi cũng năm mươi tuổi rồi chứ trẻ gì đâu. Nói là xách dưới nhà nhưng thật ra là xách nước từ bên kia đường, rồi leo bao nhiêu là bậc thang nên đổ toẹt hết cả. Lúc bấy giờ tôi buồn lắm. Tôi tự an ủi mình rằng mình buồn khổ là vì mình không có nước.
Hỏi : Chị có buôn bán làm ăn gì để kiếm sống không ?
Thái Thanh : Anh hỏi về "Kinh tế" đó hả ? Thì tôi đã có trời thương. Ngày xưa, thời mà Việt cộng chưa vào, đi hát có tiền, mình hay sắm xoàn đeo. Nên tháng này hết tiền ăn thì mình "ra" một cái nhẫn. Mà cứ mỗi lần "ra" một cái nhẫn mình cứ tưởng rằng ăn được lâu lắm mới phải bán cái nhẫn khác. Sự thực không phải như thế đâu... Rất là nhanh. Lại phải bán cái nhẫn nữa... Rồi thì các đồ dùng trong nhà như ti vi. Khi mà Việt cộng chưa vào, mỗi phòng mình để một cái. Cứ bán đồ mà ăn cho đến lúc cháu trai đầu lòng là Lê Xuân Việt, di tản với bố hồi 1975, cháu đi làm lấy tiền gửi về cho mẹ.
Tôi ngắt lời chị Thái Thanh : "Hồi ở đảo Bidong bên Mã Lai, anh Hoài Bắc có nói với tôi là anh ấy được chị cho vàng để đóng tiền tàu vượt biên". Chị hơi nhăn trán suy nghĩ rồi gật gật :
- Có. Có. Tôi có đưa cho anh ấy một cái nhẫn. Mình nói "anh cầm cái nhẫn này"...
Hỏi : Sao chị không vượt biên cùng chuyến với vợ chồng Hoài Bắc ?
Thái Thanh : Tại tôi còn phải trông mẹ tôi.
Tôi hỏi : Chị nghĩ gì về chế độ cộng sản ?
Thái Thanh : Tôi là một nghệ sĩ, tôi không có sự suy nghĩ như một người làm chính trị. Nhưng mà tôi chỉ hiểu có một điều là tôi không thích hợp được với chế độ cộng sản. Thái độ này của tôi một phần lớn là tôi nhìn vào những anh đi học tập cải tạo. Những người cộng sản đã đối xử với những anh em cải tạo phải nói là quá dã man.
Câu chuyện làm tôi nhớ lại hồi chúng tôi vượt biên, mỗi người một hoàn cảnh nhưng cùng trôi dạt vào đảo Bidong ở miền Bắc Mã Lai. Tôi tới sớm, vào thời đảo chưa có cơ sở gì cả. Con tàu chở gia đình tôi mang số hiệu TC 2763, xuất phát từ Bến Tre, theo diện người Hoa, tới đảo ngày 16 tháng 10 năm 1978.
Ngày đầu tiên ở đảo, chúng tôi ngủ ngay ngoài bãi biển, dưới gốc những cây dừa cao lêu đêu, mang trên ngọn chùm trái vừa xanh vừa khô. Buổi tối, nước biển dâng cao, quét gần tới nơi chúng tôi nằm. Những ngày sau, chúng tôi theo bước những người tới trước, phát quang một khoảnh đất nhỏ, chặt cây rừng làm túp lều đụt mưa trú nắng. Dần đần, tàu vượt biên tới hòn đảo hoang không tới hai cây số vuông này ngày một nhiều, nâng số dân tỵ nạn có lúc lên tới 35,000 người chen chúc nhau và sống chung với ruồi. Giới văn nghệ sĩ tới đây có ca sĩ Thanh Tuyền, Kim Tuyến, Băng Châu, Hùng Cường, Nguyễn Đức Quang, nhà văn Trần Hoài Thư, nhà báo Duy Sinh, nhà báo Nguyễn Ang Ca...
Một hôm chúng tôi nghe tin Hoài Bắc tới. Nguyễn Đức Quang và tôi vội đi kiếm. Theo sự chỉ dẫn, hai chúng tôi đã tìm thấy Hoài Bắc trong một túp lều ny lông nhỏ xíu. Những ngày đói khát trên biển khiến Hoài Bắc đã gầy ốm còn thêm xương xẩu, râu ria lởm chởm trông còn thua cả lúc ông Gandhi tuyệt thực chống đế quốc Anh. Thấy một cô gái trẻ đẹp bên Hoài Bắc, chúng tôi cứ tưởng con gái anh nên gọi bằng cô ấy bằng "cháu" và thấy Hoài Bắc không nói gì thì lại càng yên chí là con của anh ấy thật. Mãi cả tháng sau, tình cờ nghe cô gái gọi Hoài Bắc bằng "anh", chúng tôi mới tự hiểu rằng, cô Liên trẻ đẹp ấy là bà Hoài Bắc.
Nghe Hoài Bắc nói hai vợ chồng anh không có quần áo, tôi đã tặng anh một chiếc quần. Sau này anh cho biết chị Liên đã cắt chiếc quần này làm hai. Phần trên thì chị mặc, còn hai ống thì chị may túm lại thành một chiếc quần khác cho anh. Khi tôi có danh sách rời đảo đi Mỹ, Hoài Bắc nhờ tôi đi mượn cho anh ít tiền. Tôi đã kiếm cho anh một cây vàng. Mấy tháng sau, anh chị tới Mỹ, tạm trú ở nhà anh Hoài Trung ở thành phố Pasadena, tôi đã được điện thoại anh gọi. Và khi vợ chồng tôi tới thăm, anh Hoài Bắc đã có một cây vàng đưa cho tôi.
Tôi chợt nghe tiếng Nguyễn Đắc Điều say mê hỏi chuyện Thái Thanh : "Thưa chị, Phạm Duy có ảnh hưởng như thế nào với tiếng hát của chị ?". Ánh mắt Thái Thanh như bừng sáng lên, giọng chị reo vui những âm thanh như tiếng của những hòn bi rơi trên sân gạch bát tràng thời thơ ấu : "Có những lần anh Phạm Duy mới sáng tác được hai ba câu của một bài ca đã gọi tôi : "Em, em Thanh, hát thử cho anh nghe cái câu này". Thế thì có nghĩa là bài của ông Phạm Duy chưa xong, Thái Thanh đã hát rồi.
Nguyễn Đắc Điều : Như vậy là...
Thái Thanh : Vâng tôi hiểu ý các anh. Tôi không nghĩ là anh Phạm Duy sửa đổi nhạc của anh ấy vì tiếng hát của tôi đâu. Tôi chỉ nghĩ là có nhạc Phạm Duy thì có tiếng hát Thái Thanh như thế này và có tiếng hát Thái Thanh như thế này thì nhạc Phạm Duy mới...
Nguyễn Đắc Điều đỡ lời :... mới bay lên cao hơn.
Tôi hỏi : Chị có nhớ ai là người đặt ra câu "Tiếng hát Thái Thanh vượt thời gian" ?
Thái Thanh : Một nhà sản xuất băng nhạc ở Sài gòn thời trước, anh ạ. Họ thâu tiếng hát của tôi nguyên một cái tape rồi họ nói với tôi : "Chị Thái Thanh, tôi muốn quảng cáo cuốn tape này với câu Thái Thanh, tiếng hát vượt thời gian, có được không, thì tôi trả lời tùy ý ông bà.
- Thì đúng là tiếng hát Thái Thanh vượt thời gian thật.
Thái Thanh : Thưa anh là thế này, tôi hát từ năm 16 tuổi, bây giờ tôi gần bẩy mươi mà vẫn hát, nghĩa là hát cả cuộc đời rồi. Nếu tôi cứ hát mà ai nghe thì nghe, không nghe thì thôi thì không có tiếng hát vượt thời gian đâu. Nhưng tôi biết khán giả yêu mến tiếng hát của tôi. Tôi được yêu như vậy, được yêu từ thập niên 1950, rồi 1960, tới nay cũng vẫn được yêu, phải không anh ?
Nguyễn Đắc Điều : Tôi nhớ tổ chức Ủy ban Cứu Nguy Người Vượt Biển mới đây đã tặng chị tấm plaque ghi rằng "Thái Thanh, tiếng hát vượt thời gian và không gian".
Thái Thanh cười : Vâng, ý nói là tôi vượt không gian từ Việt Nam sang Mỹ để tiếp tục hát cho đồng bào nghe..
Nguyễn Đắc Điều : Hiện ở hải ngoại, người ta vẫn bán băng có những bài hát của chị. Chị có được các nhà sản xuất hỏi trước hay được trả tiền không ?
Thái Thanh : Không. Thứ nhất là tôi không sản xuất băng nhạc, dù là giọng ca của tôi. Thứ hai là những bài hát ấy là tôi đã lãnh thù lao của những nhà sản xuất trước đây rồi. Mình làm ca sĩ, khi thâu xong bài hát, họ trả đủ thù lao là mình không còn có quyền gì với bài hát đó nữa.
Hỏi : Chị có nhớ đã thâu băng thâu dĩa bao nhiều bài nhạc không ?
Thái Thanh : Không thể nào nhớ được. Chỉ biết là nhiều lắm. Nói chung là bao nhiêu bài của Phạm Duy, của Phạm Đình Chương, hai ông anh có bao nhiêu bài thì cô em này hát hết.
Hỏi : Chị có thể cho biết chị thích loại nhạc nào nhất ?
Thái Thanh : Mười bài "Đạo Ca" của Phạm Duy.
- Phạm Duy còn mười bài "Tục Ca".
- Không, tôi không hát mười bài này.
- Chị nghĩ thế nào về Tục Ca ?
Thái Thanh nhún vai cười : Tôi có nghe anh Phạm Duy hát cho nghe vài lần nhưng mà tôi không hát. Tục là không có hát.
- Còn Tâm Ca, Dân Ca... nữa. Chị thấy Phạm Duy thành công ở loại nhạc nào ?
Thái Thanh : Mấy loại nhạc ấy, cả Tình Ca nữa, Phạm Duy đều thành công cả. Nhạc của ông ấy loại nào ra loại ấy mới tài chứ. Nhưng giờ thì tôi thích nhất là Đạo Ca.
Thái Thanh bước tới chiếc máy, bật lên. Băng Đạo Ca đã có sẵn, bung ra gian phòng êm ả những nốt nhạc thanh thoát. Giọng Thái Thanh vút lên như tiếng chuông ngân từ một ngôi chùa cổ nơi rừng núi, rồi bay theo gió, quyện vào những làn khói trong buổi chiều tà.. Thái Thanh ngồi nghe giọng mình hát mà cũng như say như đắm. Tôi hiểu rằng những âm thanh của giọng ca Thái Thanh với mười bài Đạo Ca này đã ru chị ngủ trong những đêm đơn côi chợt nhớ ánh đèn sân khấu, và trong những lúc ngồi một mình trong căn phòng hẹp này mà nhớ những bước viễn du rộn rã những tràng pháo tay khen ngợi.
Hết một bài ca, chị tắt máy, trở lại bàn ngồi bên chúng tôi.
Tôi hỏi chị : "Đời ca hát đã để lại cho chị nhiều kỷ niệm lắm nhỉ ?". Chị gật đầu : Vâng, tất nhiên rồi. Nửa thế kỷ mà qua đi nhanh chóng quá, phải không các anh. Tôi còn nhớ ngày nào, hồi ở hậu phương, mới mười mấy tuổi đầu, được các anh các chị cho lên sân khấu trong một buổi trình diễn ngoài trời. Nay thì chị Thái Hằng mất rồi. Anh Hoài Bắc mất rồi. Anh Hoài Trung cũng mất rồi... Anh em chúng tôi đi trình diễn chung với nhau, vui lắm anh. Chỉ buồn là đêm hát nào mà gặp trời mưa lớn, khán giả không tới đông...
Nguyễn Đắc Điều : Tôi được biết chị lần đầu tiên ở Hà Nội khi đi xem Đoàn Gió Nam của chị từ Sài Gòn ra hát. Đoàn Gió Nam hát ba buổi, tôi tuy còn bé nhưng cũng đi xem cả ba buổi...
Thái Thanh : Anh làm tôi nhớ lại hồi đó. Ngoài Ban Hợp ca Thăng Long, đoàn còn có nhiều anh em nghệ sĩ khác như anh Trần Văn Trạch. Anh Trạch trình diễn hài hước, làm trò được khán giả ái mộ lắm. Sau này chúng tôi làm gì thì anh ấy cũng hợp tác cả. Thành ra khi nghe tin anh ấy mất, chúng tôi xúc động lắm... Chắc các anh còn nhớ báo chí lúc đó có viết là trước khi anh Trạch nhắm mắt, anh ấy có tiết lộ là anh ấy thương tôi lắm, nhưng anh ấy giữ kín trong lòng...
Nguyễn Đắc Điều : Nhưng chị có biết là anh ấy thương chị không?
Thái Thanh : Dạ... anh ấy không nói với tôi chuyện ấy. Đến lúc anh ấy mất thì báo chí mới loan tin là anh ấy nói như thế. Anh ấy là một người kín đáo. Nên bây giờ các anh hỏi tôi vào cái thời chúng tôi làm việc chung, tôi có biết anh Trạch thương tôi không thì tôi phải trả lời là tôi không biết. Con người đó thật là kín đáo và tự trọng. Anh ấy không có nói thẳng ra...
Nguyễn Đắc Điều : Thế sau khi nghe được tâm sự của anh Trạch, chị nghĩ thế nào ?
Thái Thanh : Tôi rớt nước mắt chứ. Là vì ngoài chuyện biết người ấy thương mình, anh ấy còn là bạn thân, một đồng nghiệp nữa... Tôi rất quí trọng anh ấy. Khi trình diễn những màn diễu tôi nghĩ đâu có người nào bằng anh Trạch. Anh ấy đã đi nhiều nước trình diễn, nói được nhiều thứ tiếng. Anh ấy có kiến thức và có tài lắm... nên khán giả rất là thích.
Nguyễn Đắc Điều hỏi : Thưa chị, khi chị sang đây thì cái không khí trình diễn ở hải ngoại và ở trong nước, nó khác nhau thế nào ?
Thái Thanh: Có khác nhau anh ạ. Khán giả hải ngoại là những người đã bỏ quê hương, đang thương nhớ họ hàng đất nước, nên lúc hát hay rớt nước mắt lắm, anh ạ. Từ trên sân khấu tôi nhìn xuống, cũng khán giả đồng bào tóc đen như thế này, và cũng bài hát này, hồi ở quê nhà mình đã hát cho khán giả nghe, bây giờ sang đất Mỹ, khán giả ngồi nghe tôi hát cũng hay khóc nữa. Xúc động lắm.
Tôi hỏi : Xin trở lại chuyện cũ, chị nghĩ thế nào về nền âm nhạc của cộng sản ?
Thái Thanh : Tôi không để ý đến âm nhạc, và ngay cả ca sĩ của họ là vì tôi không thích cộng sản nên tôi không thèm ngó tới cái âm nhạc của họ, không thích ca sĩ, không thích sách báo, bài viết, văn thơ của cộng sản. Như anh đã biết đấy, cái gì cũng viết về đảng về Bác, chưa đọc đã biết, chưa nghe đã biết, thì đọc thì nghe làm quái gì.
- Hồi ở bên nhà, chị có nghe đài phát thanh, xem truyền hình cộng sản không?
Thái Thanh : Không. Khi sang đây, có bà bạn đưa cho tôi băng nhạc tiền chiến do Lê Dung hát, nói rằng : "Cô này hát có vẻ bắt chước chị lắm, có vẻ giống Thái Thanh lắm, chị xem thử xem thế nào ?". Người thì nói thế này, người thì nói thế kia. Nhưng nhìn chung thì nhiều người hải ngoại lại thích mua băng của ca sĩ trong nước, rồi khen ca sĩ trong nước. Nhưng có người lại nói với tôi : "Ôi dào, chỉ mới nghe thì thấy là lạ, chứ nghe nhiều thì ai cũng thấy là ca sĩ trong nước không bằng ca sĩ hải ngoại đâu.
Tôi hỏi chị Thái Thanh : "Trong cuộc đời ca hát của chị, chị từng hát trên sân khấu, trong phòng thu âm, trong phòng thu hình, nơi nào khiến chị cảm hứng nhất ?"
Thái Thanh trả lời không suy nghĩ : Mỗi nơi cái cảm hứng nó đều như nhau hết, anh ạ. Hát ở trong phòng thu thì khán giả của tôi không nhìn thấy tôi, chỉ nghe thấy tiếng hát của tôi, nhưng tôi cũng có cảm tưởng tôi nhìn thấy khán giả đang vui vẻ hay đang trầm lặng theo bài hát của tôi. Vì thế tôi cũng hát như đang đứng trên sân khấu vậy. Chỉ khác là khi hát trong phòng thu, tôi thường nhắm mắt mà hát cho thật tập trung, kiểu thần giao cách cảm. Còn khi hát ở sân khấu, mình nhìn thấy khán giả mà, nên mình diễn tả bằng tay, bằng cử điệu và bằng mắt bằng miệng nữa... Nhưng cảm giác thì mạnh như nhau.
Hỏi : Chị có giọng ca thiên phú, nhưng chắc là chị cũng phải có bí quyết gì để giữ gìn chứ ?
Thái Thanh cười : Nhiều người hỏi tôi câu đó đấy, các anh ạ. Họ hỏi tôi làm cách nào để giọng tôi hay lâu như vậy. Tôi trả lời là tôi chẳng có bí quyết gì cả. Tôi chỉ vì yêu khán giả thôi. Vì yêu khán giả quá nên mỗi lần hát là mình phải tâm niệm mình cố hát hay cho những người yêu mình vừa lòng, để giữ được lòng yêu mến đó. Muốn giữ được giọng nên tôi không uống rượu, rất là không thích uống rượu từ trước chứ không phải bây giờ vì tôi tu đâu. Điều kiện để tu là không được uống rượu, điều đó đối với tôi chẳng có khó khăn gì.
Tôi nhớ hình như ca sĩ Khánh Ly, có lần người ta hỏi cô là Thái Thanh ăn kiêng cữ thế nào mà chị hát hay thế. Cô Khánh Ly cô ấy mới chọc người ta. Cô ấy bảo : Tôi ở gần Thái Thanh, tôi thấy buổi ăn sáng, bà ấy không nhai đâu, bà ấy nuốt. Cơm tẻ hay xôi gì cũng không nhai. Nuốt để cho nó sạch trong cổ họng. Thế là có cô tin lời Khánh Ly, về ăn cũng không nhai, cứ nuốt thôi. Nuốt một ít lâu rồi hỏi : Tôi đã nuốt, không nhai cơm, mà sao giọng tôi chưa hay ? Khánh Ly trả lời : Cứ nuốt nữa đi....
Nguyễn Đắc Điều hỏi : Anh Phạm Duy có giúp gì cho giọng hát của chị không ?
Thái Thanh : Người luyện tôi hát là anh Hoài Bắc. Anh ấy mua sách báo âm nhạc của Pháp bầy bán ở Sài gòn hoặc đặt mua từ Paris, nói với tôi : "Em ạ, em muốn hát hay thì em phải đọc sách này, và anh sẽ chỉ dạy cho em. Nếu em hát có phương pháp như trong sách thì em còn hát hay hơn thế nữa chứ không phải chỉ thế này thôi đâu. Anh tôi dạy tôi từ nốt nhạc đồ rê mi fa sol la si đô.. Vừa học vừa hát. Sau đó anh tôi lại nói : "Em hát được thì em phải viết được. Tôi hỏi : Thế anh nói em hát được thì viết được là như thế nào ? Anh ấy bảo, ví như bài Do majeur thế thì em hát "Phố núi cao..." nhé thì em hát đồ, mi, mi đồ, đồ mi sol sol đồ đồ đồ mi sol, sol fa fa fa fa sol đồ... Em phải tập như thế. Cái đó nó luyện luôn giọng và nó làm cho mình học được luôn... Thành ra từ đó, tôi hát cái gì là tôi viết ra... Vì vậy bây giờ tôi mới dậy hát mười mấy năm nay. Mình phải có trình độ của mình thế nào chứ.
Hỏi : Chị dậy hát đã nhiều năm nhưng có đào tạo được ca sĩ nào không?
Thái Thanh : Khi tôi quyết định mở lớp dạy hát, ban đầu tôi chỉ nghĩ là chỉ có những học trò nhỏ tuổi. Nhưng sự thực không phải vậy. Lớp học của tôi người lớn nhiều hơn, và có cả những người già nữa đấy. Người già nhiều lắm. Bác sĩ và bà bác sĩ, luật sư và bà luật sư... Thành ra học hát không phải để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp đâu mà để tạo một thú chơi tao nhã, lành mạnh với nhau. Những người này gặp nhau rồi mở ra cái gọi là "chiêu hiền quán" đông tới mấy chục người, vui lắm. Họ mở ra những cuộc thi hát nữa...
Câu chuyện dạy ca hát cho những người bạn khiến Thái Thanh luôn luôn cười thật sảng khoái. Tôi khen bàn tay chị đẹp, chị giơ bàn tay ra trước mặt, xoay qua xoay lại như tự tán thưởng làn da trắng mát và săn cứng như miếng thạch. Chị nói : "Nhiều người khen bàn tay tôi đẹp". Tôi hỏi : "Ban nãy chị nói chị đã bẩy chục ?" Thái Thanh gật đầu : "Vâng. Tôi sinh năm 1934 tức tuổi Tuất mà".
Hỏi : Chị sanh ban ngày hay ban đêm ?
Thái Thanh : Buổi sáng anh ạ.
Hỏi : Chị có tin tử vi không ?
Thái Thanh : Rất tin tử vi. Nhưng phải gặp được ông thầy giỏi mới trúng.
Nguyễn Đắc Điều : Chị thấy tử vi trúng với cuộc đời chị ?
Thái Thanh : Trúng nhiều lắm.
Nghe chị Thái Thanh nói thế, tôi tính hỏi chị vậy thì tử vi nói những ngày về già của chị ra sao thì Nguyễn Đắc Điều đã lên tiếng trước : "Đồng ý với chị là phải luyện giọng, nhưng giọng chị là thiên phú, thiên tài...".
Thái Thanh : Trời Phật lúc nào cũng cho tất cả mọi người cái tài chứ không phải cho một mình Thái Thanh đâu. Khi con người từ lòng mẹ chui ra, ai mà không oe oe, phải không anh ? Vấn đề là khi có cái thiên tài đó trong mình rồi thì mình phải phát triển và bảo vệ cái thiên tài đó ra làm sao chứ. Tức là phải tập luyện. Tức là mình phải yêu cái thiên tài đang nằm sẵn trong bản thân mình. Đúng không ? Tôi suy nghĩ như vậy đó.
Thấy đã ngồi quá lâu, hai chúng tôi hỏi nhiều chuyện nên tôi tính kết thúc buổi thăm viếng bằng câu hỏi : "Chị đã được nhiều thế hệ người Việt yêu mến, vậy chị nghĩ thế nào về khán giả của chị ?". Thái Thanh trầm ngâm một lát rồi chậm rãi :
- Tôi đã nghe nhiều người nghe tôi hát xong thì hỏi Thái Thanh yêu cái gì nhất trong đời Thái Thanh. Tôi trả lời là tôi yêu âm nhạc. Rõ ràng là phải yêu âm nhạc lắm thì tôi mới hát cả cuộc đời tôi chứ, phải không. Thế nhưng khán giả còn hỏi thêm : Vậy thì ngoài âm nhạc, Thái Thanh yêu cái gì nữa ? Tôi trả lời rằng, cái này tôi đã có trong tôi từ lâu nhưng ngày nay thì nó đã lớn rồi, để tôi có thể nói là tôi yêu cuộc sống tu hành. Với tuổi này thì tu hành đối với tôi quan trọng nhất. Tôi vẫn suy nghĩ một điều, không biết có đúng không, là chúng ta phải gõ thì cánh cửa mới mở. Phải có cầu nguyện, phải xin thì bên trong cửa mới cho chúng ta. Thành ra, khi tôi giác ngộ điều đó, tôi hay ngồi trước tượng Phật, và tôi cầu xin. Nhưng tôi không cầu xin cho riêng tôi đâu. Tôi không cầu xin cái gì cho tôi cả. Tôi cầu xin cho tất cả chúng sinh được mọi điều may mắn, được hưởng thanh bình, nhất là không có chiến tranh, không có cảnh chém giết nhau.
Tôi khen chị và khuyên chị nên giữ gìn sức khoẻ, thì chị trả lời : "Cái thân thể của mình nó ảnh hưởng vào đầu óc của mình nên phải tập luyện cho thân thể khoẻ mạnh chứ. Dạo này tôi thích ăn cơm chay...". Tôi hỏi tiếp :
- Chị có tính về quê hương không ?
Thái Thanh ngậm ngùi :
- Quê hương, nơi mình sinh ra, rồi là nơi chứng kiến từng bước đi đầu đời của mình thì ai chẳng muốn về. Nhưng sau năm 1975, tôi dù ở Sài gòn cũng chưa một lần về miền Bắc, và nay, ở Mỹ, tôi chưa bao giờ tính chuyện về Việt Nam. Gia đình của tôi đã ở đây hết. Ông bà, bố mẹ thì mất cả rồi. Ở Việt Nam mình không còn ai để phải về cả...
Câu nói của chị Thái Thanh ám ảnh chúng tôi trên đoạn đường về. Tôi biết khi chúng tôi từ biệt thì người nữ ca sĩ ở tuổi xế chiều này sẽ ngồi một mình trước pho tượng Phật. Có thể chị sẽ mở cuốn băng Mười Bài Đạo Ca. Và cầu nguyện.
Ban nãy chị tâm sự rằng chị luôn luôn cầu nguyện cho mọi người trước khi cầu nguyện cho bản thân chị. Ôi cao cả thay tấm lòng của người nghệ sĩ tài hoa ấy.
Đời tôi đã mang nợ chị quá nhiều, vì tiếng hát của chị đã ảnh hưởng vào tâm tư tình cảm tôi khi tôi đang bước trên đường tình cũng như lúc tôi ngồi bó gối trong chiếc xe tù của cộng sản chuyển trại, chợt nghe đâu đó giọng hát ngọt ngào của chị. Món nợ ấy chưa trả nay lại chồng thêm một món nợ mới mà tôi vừa phát giác, đó là lời cầu nguyện của chị cho mọi người trong đó có tôi, được sống thanh bình, hạnh phúc.
Đỗ Tiến Đức
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire