CHUYỆN “TRẠI PHƯỚC ĐIÊN” (VĂN CÔNGHÙNG)

trai_phuocdien01..“Trại Phước điên” cần gạo hơn cần quà. Nhà còn miếng đất đằng trước đang trồng cà phê, chị Hạt nói, ước có tiền, làm thêm cái nhà ở đấy, để “anh em” khỏi phải ở chật...

Từ một tin nhắn trên mạng, tôi nhập vào đoàn anh em Đà Nẵng lên thăm “trại người điên” của vợ chồng anh Phước chị Hạt ở cách trung tâm thành phố Pleiku chừng 7 km.
Đã đến vài lần, nhưng mỗi lần đến là một lần bất ngờ. Lần này cũng vậy.
VẠN SỰ KHỞI ĐẦU... ĐIÊN
Hai vợ chồng nghèo, ở ngoại ô thành phố. Vợ ở nhà nội trợ, làm vườn, chăm con. Chồng có cái xe tải chở thuê, năm thì mười họa có ai gọi thì chạy không thì ở nhà cùng làm vườn với vợ. Nhà của anh Phước chị Hạt là tiêu biểu cho một căn nhà ở Pleiku: Từ đường lớn vào dốc sâu và khúc khuỷu. Nhà tôn ở giữa vườn. Vườn là cà phê, mùa khô bụi mù. Mùa mưa trơn trượt, thập thõm. Thời còn khổ, nước máy không có còn khổ nữa, phải đào giếng, sâu hoăm hoắm mấy chục mét. Một hôm “đẹp trời”, chồng, anh Phước ấy, đi chở hàng, cứ thấy một ông lẩn quẩn ở đầu xe. Ban đầu cũng ngại, nhưng lại cứ băn khoăn, bèn nhảy xuống hỏi. Hỏi gì cũng cười, mặt cứ ngơ ngơ... hỏi xung quanh, mới biết ông này điên, quanh quẩn ở đây mấy hôm rồi, chả ai nhận. Thế lên xe về nhà tui nhé. Cười cười. OK thế tức là đồng ý. Bốc lên xe chở về nhà. Vợ thất kinh. Nhà đã khổ rồi, chứa thêm ông điên nữa mà chết à?
Khởi đầu “sự nghiệp điên” là từ đấy.
Hôm chúng tôi xuống đợt vừa rồi, cái trại ấy đang nuôi 128 người từ điên nặng tới điên vừa vừa và điên... thấp. Phước không có nhà, chị Hạt đang “chỉ huy trại”. Mười mấy ông đang tắm. Nồng nỗng, thỏa thuê. Một anh trong đoàn xông vào... quay phim rồi mang ra mở cho đoàn xem. Mấy chị, cũng luông luống rồi, tuổi bà rồi, quay mặt đi. Chị Hạt đứng trong ấy, hô hét, và nói gì mọi người nghe nấy. Tài thế. Một ông trong đoàn xuýt xoa, nếu vợ mình mà phải chăm người điên như thế, giữa hơn trăm ông khỏe mạnh thể xác, tắm cứ nồng nỗng chim cò thế, mình có chịu được không nhỉ?
Ban đầu, nói thật, chưa ai dám vào. Cứ mon men bên ngoài. Không phải sợ người điên, mà thứ nhất là cái mùi rất khó tả. Dù có chịu khó làm vệ sinh tới mấy, nhưng hàng trăm con người trong mấy cái phòng như thế, chỉ nguyên mùi người đã đủ kinh khủng rồi, huống gì ở đây là những con người không biết giữ vệ sinh một cách thông thường, ở chung mấy chục con người một phòng. Ị thì có thể họ vào toilet, nhưng tè thì tôi thấy một ông chĩa chim ra cửa bắn như vòi rồng rồi. Thì cứ vào ngay cái lớp mẫu giáo hoặc nhà trẻ đón con hoặc cháu cũng thấy ngay thôi. Hiện đại nhé, rất vệ sinh nhé, xà phòng thơm nước hoa nhé, có các cô nhé... nhưng cái mùi nhiều người nó vẫn cứ phảng phất. Thứ 2 là, đấy, họ đang tắm, cứ thiên nhiên vĩ đại thế, cũng ngại chứ ạ. Lại còn quay ra cười, còn... khoe nữa.
Trong nhà nuôi một ông điên đã khổ rồi. Và khi nuôi không nổi nữa thì bèn... dắt đến đây gửi. Mỗi con người là một số phận. Là một con đường đến đây, để giờ hợp thành một... trại điên. Và ông chủ của cái trại ấy, cũng được gọi là... điên. Phước điên.
Và cái trại này cũng đứng trước rất nhiều rắc rối, trước hết là pháp lý. Ai cho anh mở trại. Thù nhau có thể vu cho là bắt giữ người trái phép, là bị khép tội như chơi. Chưa kể, có ông nào lăn đùng ra chết, là cũng liên lụy ngay. Rồi còn chữa trị nữa. Ngành y tế nhẽ ra là có trách nhiệm, và quả là họ cũng có bệnh viện tâm thần, nhưng chả hiểu sao người nhà lại cứ thích đem bệnh nhân tới đây, nơi 2 vợ chồng chả có một chút hiểu biết gì về ngành y, về tâm thần. Thế “nhỡ” họ tự ái, họ quy cho phát là chữa bệnh trái phép, thì có mà ăn đủ nhé.
Chưa kể là còn dị nghị của những người làm từ thiện. Mấy năm nay tôi hay đi theo một số nhóm, và bản thân thi thoảng cũng được bạn bè tin tưởng gửi gắm... nhưng trăm người cũng có một vài người thế này thế kia. Họ bỏ ra đồng bạc họ cũng có quyền biết đồng bạc của họ tới đâu, có đúng tay người cần không. Và trong khi chưa biết rõ thì họ có quyền nghi ngờ, thậm chí hoạnh họe. Như lần chúng tôi xuống ấy, mang theo khoảng hơn 150 triệu cả tiền mặt và hàng hóa của bạn bè gửi gắm, thì cũng sẽ có bạn hỏi và hỏi đúng, là tiền của họ có tới đúng nơi không. Chúng tôi có đưa đủ cho chị Hạt không? Rồi chị Hạt có dùng tiền ấy để nuôi anh em không? vân vân các loại. Rồi cũng có rất nhiều những tin đồn vô căn cứ tung ra với nhiều lý do và nhiều động cơ.
Nhưng lạ, vợ chồng này cứ vững như bàn thạch. Bạn bè tôi nói, không có trái tim Bồ Tát không làm được những việc ấy. Chỉ huy một trung đội bộ đội, có tiêu chuẩn chế độ rõ ràng, quân lệnh như sơn, mà cũng đã mệt rồi, chỉ huy phải học hành đến nơi đến chốn. Đây, trần sì 2 vợ chồng, chỉ bằng tình thương, cứ lăn vào lo cho hơn trăm người điên, từ ăn uống tắm rửa áo quần đến... ỉa đái, rồi còn bao nhiêu việc cụ thể xảy ra hàng ngày, làm sao để không việc gì xảy ra, trong khi hơn một trăm ông ở đây là hơn một trăm tiểu vũ trụ. Mỗi ông một cách, một kiểu, ông thì hát liên mồm, ông thì im thít từ sáng tới tối. Ông thì cứ đi vòng tròn như đồng hồ, ông thì ngồi một chỗ như ụ đất. Ông thì cười, ông thì khóc. Ông thì nói tiếng Kinh, ông nói tiếng Jrai, Bahnar. Số “anh em” người dân tộc bản địa Tây Nguyên khá đông. Hôm ở “trại” về, tôi post cái clip một ông ôm đàn hát rất “mả”. Ông này hát, rồi có mấy ông khác hát, ông này đệm ghi ta, rất chuyên nghiệp. Ksor Thức, một thầy giáo người Jrai, chủ nhà hàng Ba Zan nhưng hát rất hay vào còm nói: Đấy là em vợ em đấy, tên là Ksor Saly, tết vừa rồi gia đình đón về, 4 đêm thì 4 đêm nó thức trắng. Nhớ trại ạ, lại phải mang tới, thả xuống là vui hơn tết. Nhà này thì tôi biết. Bố là hạt nhân văn nghệ của huyện Ayun Pa cũ, hát rất hay, luôn đạt huy chương vàng trong các hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh và trung ương. Chị gái là Ksor H’hoanh, cũng là một giọng ca chuyên lượm huy chương vàng các hội diễn, nên em có truyền thống đàn hát cũng là đương nhiên. Trong lúc mọi người rất hăng hái nhận quà và phần ăn buổi trưa chúng tôi chiêu đãi, cu này cứ ngồi ôm đàn hát tỉnh bơ, giọng trong như nước suối.
MỘT CUỘC ĐOÀN VIÊN
Phía sau ngôi nhà chung của hơn trăm “anh em” có một khu riêng, tôi gọi đùa là khu cấm cố. Phía ấy có mấy người bị nặng phải nhốt riêng (ở chỗ tập trung có mấy người cũng bị cùm, nhưng vẫn được ở chung). Chúng tôi lần ra, nghe tiếng một cô gái giọng Huế rất thảm thiết: cô chú ở cứu con. Lại gần thì một cô gái rất xinh, cứ nằng nặc xin được... tắm. Hỏi chị Hạt, cô này bị thế nào, bảo bị người âm theo, lúc nào người âm... đi vắng thì tỉnh, người âm nhập là nói nhảm, hành động mất ý thức. Nhưng rất lạ là cô bé này nhớ vanh vách tên tuổi của mình, nơi cư trú Nguyễn Thị Hồng Lanh, cụm 4, đội 10, làng phước Linh, xã Phú Mỹ - Phú Vang (gần nhà hàng Duyên Anh) . ĐT của mợ: 091393... Theo số điện thoại cháu cho, chúng tôi điện cho người được cho là mợ cháu, chị này cho biết: Lanh bị bệnh... đàng dưới (tôi mới biên tập một cái truyện ngắn của một nhà văn nữ, chị viết về bệnh đàng dưới, đầu tiên tưởng bệnh phụ khoa, nhưng té ra nó là bệnh... người âm theo), đã gửi đi nhiều chùa, nhưng đều không khỏi, rồi người của chùa cuối cùng đưa cháu đến đây. Tôi trao đổi với chị Hạt, là em phải liên lạc với gia đình bé này ngay, trả cháu về, vì không có bệnh gì gọi là bệnh đàng dưới cả. Khả năng cao là cháu bị trầm cảm. Giữ lại có thể em bị liên lụy với pháp luật đấy, và cháu chưa đáng bị nhốt riêng như thế...
Có 2 người bạn rất tốt ở Đà Nẵng sau đấy đã ra ngay nhà cháu ngoài Phú Vang thì biết, cháu có em trai. Ba mẹ mất ở với ngoại, ngoại mất nữa nên bị trầm cảm. Gia đình rất nghèo, 2 chị em ở nhờ nhà bà con, nghe ai bày gì làm nấy. Và có người phán bị bệnh... đàng dưới, phải gửi vào chùa để cắt đàng dưới. Thế là gửi và trôi nổi thế nào cháu vào tận Pleiku. Ngay sau đấy, nghe lời khuyên của 2 bạn từ thiện tốt bụng này, em trai đã vào Pleiku đón cháu ra. Những người tốt bụng đã giúp, ngay lập tức, qua facebook, một số tiền để mua vật dụng sống cho 2 chị em, mời bác sĩ thăm khám và khẳng định sơ bộ ban đầu đúng là cháu bị trầm cảm. Về nhà 2 chị em lạy bàn thờ ba mẹ và ngoại, rồi cám ơn mọi người đến hỏi thăm rất tử tế và... tỉnh táo. Cứ nhớ cái clip tôi quay, cháu lạy mọi người cho cháu đi tắm, lạy mọi người cho cháu nói điện thoại với gia đình, lạy mọi người cho cháu về... mà sởn gai ốc.
TÍN HIỆU 2 CHIỀU
Vô tình, hôm từ “trại Phước điên” về, khi ăn tối ở quán “nhà tôi” chúng tôi gặp ông Dương Văn Trang, bí thư tỉnh ủy Gia Lai đang tiếp khách. “Cậy” quen biết tôi kể chúng tôi vừa đi trại điên về, ông nói tôi cũng mới xuống đấy. Tôi dấn luôn: Hiện con đường xuống đấy rất khó đi, còn chừng gần trăm mét nữa thôi, nó vừa dốc, đất và lở lói, xe 4 chỗ không xuống được mà xe máy cũng rất nguy hiểm. Ông Trang rất nhớ, bảo đúng là phía trên làm ngon lành rồi, nhưng phía dưới còn mấy chục mét nữa. Tôi đề xuất, anh, với tư cách bí thư phát tâm đi, đừng dùng ngân sách, kêu gọi doanh nghiệp nào đấy hỗ trợ. Ông Trang cười rất tươi, OK xong đi anh Hùng, tôi hứa. Sẽ vận động doanh nghiệp nào đấy hỗ trợ. Nói thật, tôi như cất được gánh nặng.
Gánh nặng ấy có từ lâu rồi, không phải lần này mới có. Ấy là sự tồn tại cái “trại” này, nó nặng hơn mấy chục mét đường kia. Vai trò của nhà nước ở đâu (nghe nói địa phương có thi thoảng vào, nhưng giữa 2 bên không... mặn chuyện lắm). Rồi ngành y tế tỉnh này. Hỏi chị Hạt thì nói y tế có cho thuốc, và chị Hạt là người cho “các anh em” uống hàng ngày. Ngay khi đang nói chuyện này thì một người chạy lại mách chị Hạt: Thằng kia nó không uống thuốc. Quay lại, Hạt quát: Uống thuốc đi. Thế là anh kia len lén cho thuốc vào mồm. Và thú thật là tôi cũng không biết là họ được uống thuốc gì?
Chưa hết, còn bao chuyện liên quan đến chính quyền, chuyên môn. Điên là một chuyện, nhưng họ cũng có tất cả những gì con người có. Cũng ốm đau quặt qoẹo, cũng đột quỵ, cũng tai biến, có mấy bệnh nhân nữ, sống chung ở đấy, suốt ngày thấy nhau tồng ngồng dù “các anh em” rất có ý thức mặc quần áo, biết phân biệt quần áo xấu đẹp khi được tặng. Nhưng khi tắm là nồng nỗng.
Nuôi từng ấy con người, nguyên việc chạy gạo với nước mắm hàng ngày cho bệnh nhân đủ ăn ngày 2 bữa cũng đã mướt mồ hôi rồi. Mà những người này lại ăn rất khỏe. Thì lấy ngay nhà bé Lanh đấy, có 2 chị em, thằng em to cao rất đẹp trai, thế mà cái nhà nghèo không thể nghèo hơn. Anh bạn từ thiện ngoài việc giúp tiền, mua sắm dụng cụ đồ đạc... còn góp tiền mua cho một cái xe máy mới để hàng ngày chở chị đi chữa bệnh, và anh này còn xin cho cháu vào làm ở một salon xe máy của bạn anh ấy để cháu có thu nhập nuôi chị. Chỉ một gia đình đã thế, đây, nuôi hơn trăm con người, chỉ hình dung thôi cũng đủ thấy bộn bề, mà nếu không khéo thu vén, một ngày nào đấy, hết gạo chẳng hạn, thì sẽ như thế nào. Chưa hết, hình dung thêm đi, một gia đình bình thường có một ông điên đã điên đảo cả lên rồi, mà là cật ruột nhé. Đây chả ruột rà máu mủ gì, nuôi cả đống người như thế. Vợ chồng Phước Hạt có 2 con, cháu gái lớn đang học Y ở Đà Nẵng, ý là về sẽ phụ ba mẹ chăm sóc người... dưng. Cậu con trai đang học cấp 3 trong phố, đi học về lại xắn tay giúp ba mẹ phục vụ bệnh nhân...
Tôi có kể câu chuyện này cho bạn bè tôi nghe, và có post lên facebook của mình, 100% người đọc hoặc nghe kể đều đồng lòng thốt lên: Bồ tát giữa đời thường. Và qua đấy, nhiều người biết, tìm đến tặng quà. Nhưng quà vẫn chỉ là... quà. Chả phải tự nhiên cha ông ta phân biệt rất rõ quà và cơm. Quà là được chăng hay chớ, cơm là cái vĩnh hằng với người Việt, là thứ để sống hàng ngày. “Trại Phước điên” cần gạo hơn cần quà. Nhà còn miếng đất đằng trước đang trồng cà phê, chị Hạt nói, ước có tiền, làm thêm cái nhà ở đấy, để “anh em” khỏi phải ở chật...
Tôi thì nói thật, đến giờ, cũng vẫn không thể hiểu câu chuyện này. Nó hiện hữu đấy mà lại như tôi... phịa. Trên đời, còn ai tốt hơn thế không?
Văn Công Hùng
trai_phuocdien02
Một cú biểu diễn

trai_phuocdien03_cobe_lanh
Cô bé Lanh

trai_phuocdien04_chi_hat
Chị Hạt

trai_phuocdien05
Bài nhà cháu...

Aucun commentaire: