...“Tấc Lòng Non Nước” là một chủ để đã làm “Thổn Thức Lương Tâm”. Trong đây dường như tác giả đã cố tình chọn đề tài “Tấc Lòng Non Nước” thắm đượm vào lòng độc giả để lưu lại mãi mãi ngàn sau… Xứng đáng một tác phẩm để đời của “Kẻ Sĩ Thời Đại” nặng lòng vì Nước vì Dân...
Đọc tác phẩm
“Tấc Lòng Non Nước"
Tấc Hơi Phụng Sự Còn Khiêm Tốn
Lòng Vẫn Cưu Mang Trải Kiếp này
Non Thẳm Ngàn Trùng Dâng Bất Tận
Nước Nguồn Đại Việt Ngọt Ngào Thay…
Tôi hân hạnh được tiếp xúc với nhà văn Chu Tấn trong rất nhiều trường hợp, qua sự sinh hoạt với nhiều Hội đoàn, Đoàn thể trong cộng đồng người Việt tại miền Bắc California, kể cả các tổ chức Văn hoá, Chính trị, Xã hội v.v… nhất là trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà thuộc binh chủng Không Quân.
Là một cựu Sĩ quan với cấp bậc Trung tá, bằng “Trách nhiệm, Danh dự, Tổ quốc”, mà Quê hương và Dân tộc Việt Nam, đang bị đoạ đày dưới chế độ bạo tàn Cộng sản Việt Nam .
Là một tù nhân chính trị, một nhà làm Văn hoá, một công dân Việt Nam tỵ nạn Cộng sản. Dĩ nhiên, Người xót xa vận nước, ưu tư với tiền đồ dân tộc khi Tổ quốc lâm nguy suy thoái! dân tình khốn khổ! Nạn xâm lăng Hán hoá của đế quốc Trung cộng ngày càng tràn ngập trên quê hương!
Là một nhà hoạt động hăng say và hết lòng dấn thân phục vụ cộng đồng, tranh đấu cho một Việt Nam có Tự do, Dân chủ và Nhân quyền, mong thoát ách nạn Cộng sản độc tài, bạo trị.
Thỉnh thoảng tôi được đọc những bài viết trên sách báo, được nghe thuyết trình trong những cuộc hội thoại, hội thảo; Văn chương thật xúc tích, dồi dào; Ngữ ngôn trầm ấm, hùng hồn và mạch lạc. Người có tư tưởng sáng tạo, có kế sách và phương trình thực tế, chủ trương hài hoà qua nếp sống và hành hoạt cá nhân nên dễ dàng kết hợp nhân sự, tạo thành sức mạnh tinh thần dân tộc, mang sựđoàn kết trong cộng đồng, hầu đáp ứng nhu cầu với hoàn cảnh thực tại trên quê hương.
Tôi rất cảm kích, ngưỡng mộ qua tư tưởng, hành động và sự quyết tâm đóng góp cho đại cuộc Quốc gia Dân tộc của nhà văn Chu Tấn.
Đọc tác phẩm “Tấc Lòng Non Nước”, một kho tài liệu vĩ đại, Người đã cất công nghiên cứu, soạn dịch, ghi chép những tinh hoa Văn hoá, những kinh nghiệm sống, từ tấm lòng phụng sự, mong đem lại lợi ích quần sanh, từ cá nhân mình cho chí đến những tư tưởng siêu việt của nhiều danh nhân thế giới, những bậc kiệt xuất Triết gia, Học giả, Khoa học, Chính trị, Tôn giáo khắp nơi, được tác giả kết gom thành một kho tàng quí báu cho cộng đồng dân tộc trong cũng như ngoài nước.
Tác phẩm “Tấc Lòng Non Nước” một kho tài liệu hàm tàng nhiều dữ kiện mà tác giả đã khéo phân định từng chương, chia thành từng mục, độc giả có thể lần theo bản MỤC LỤC, tuỳ nghi chọn đọc từng phần, nghiên cứu từng tiêu đề trong tác phẩm để tiếp nhận được nhiều cao kiến qua nhiều khía cạnh, tuỳ theo sở thích và sự thuận hợp của từng độc giả chúng ta.
Đọc tác phẩm “Tấc Lòng Non Nước” riêng tôi thiển nghĩ: “ Chu Tấn, chẳng những là một nhà văn, mà ông là một “Chiến Lược Gia”, một nhà“Kiến Trúc Tư Tưởng”, ông đã tuỳ thuộc hoàn cảnh đất nước, nhận xét tình hình theo từng bước tiến của thời đại, tiến hành nhập cuộc, mở ra nhiều “Mặt Trận”, phù hợp với địa hình, địa vật, với ý thức của nhân sự trước nhiều trận tuyến, với khả năng chuyên biệt từng người, từng bộ phận chuyên ngành, thi hành từng trách nhiệm trong nhiều mũi tiến công vào mục đích, “tiêu diệt địch thủ” (chế độ Cộng sản) đạt thành quả, nguyện vọng ước mong của toàn dân tộc.
Đọc toàn bộ “Tấc Lòng Non Nước” độc giả chúng ta sẽ bắt gặp những phương pháp trình bày, kế sách của nhiều hướng tiến công, mà nhà văn Chu Tấn đã vạch sẵn cho chúng ta qua từng Mặt Trận như: *- Mặt Trận Văn Hoá; *- Mặt Trận Văn Nghệ; *- Mặt Trận Chính Trị, Xã Hội; *- Mặt Trận Tôn Giáo (Tâm Linh); *- Mặt Trận Chống Khủng Bố; *- Mặt Trận Triết Lý Sống ; *- Mặt Trận Đại Đoàn Kết Quốc Dân v.v…
Hầu hết, nội dung tác phẩm tác giả đã đề cập qua nhiều phạm trù triết lý như: “Vũ Trụ Quan, Nhân Sinh Quan, Văn Hoá Xã Hội Quan” v.v… Đó là quan niệm của tác giả trong phương pháp hình thành “Chủ đạo Văn Hoá Việt Nam”. Trong đó, những lý thuyết, những khái niệm căn bản mà nhà văn Chu tấn đã đề cập đến ở đây có ba cột trụ để hình thành Chủ Đạo Văn Hoá Việt Nam. Đó là: *- Chân Lý Tinh Hoa Sự Sống, *-Triết lý Nhân Chủ, *-Thực thể
Quần Chúng Chính Trị. Nơi đây, chúng tôi kính mời quí vị hãy tự mình tìm kiếm những đề mục như: *-Bàn về 25 định nghĩa Văn Hoá; *- Sứ mệnh Văn Hoá Việt Nam trong thời đại toàn cầu hoá; *- Chủđạo Văn Hoá Việt Nam, tất cảđã tràn ngập trong nhiều tiêu đề của tác phẩm, mặc sức để cho các Học giả, các nhà làm Văn Hoá, các nhà làm Chính trị, bình phẩm, bình luận một cách vô tư….
Đầu tiên, tác giả đã khơi mào cho “Mặt Trận Văn Hoá”để độc giả chúng ta mỗi người hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc, soi lại truyền thống Tổ Tiên Đại Việt, đã trải qua gần Năm Ngàn Năm Văn Hiến (5,000). Một Tổ Quốc trải dài biết bao triều đại. Từ Kinh Dương Vương lập quốc, các Vua Hùng nối tiếp, có hơn Hai Ngàn Sáu Trăm Hai Mươi Hai Năm (2622) giữ nước, càng giữ nước xa dài càng mở mang bờ cõi cho đến ngày nay. (Năm nay 2018 là 4897 năm Việt lịch). Từ nguồn suối mát đỉnh cao “Hồng Bàng Cổ Sử” đã tạo thành cây “Văn Hiến Việt Nam” ngày càng tươi cành xanh lá.
Vào đề tác phẩm, chúng ta đã nhìn thấy “Nền Văn Hoá” quan thiết đến cỡ nào cho sự sống còn của một dân tộc. Có lẽ do vậy, mà tác giả của chúng ta đã xếp vào Chương số I,đứng đầu của đại tác phẩm qui mô và đồ sộ, hiện đang nằm trên lòng bàn tay triều mến của chúng ta một cách thâm thiết, đầy tình tộc “Văn Hoá Việt Nam”.
Nói về Văn hoá, một tiêu đề tổng quan, trong đó có nhiều mục tác giả đã mổ xẻ rất chi ly qua từng vấn đề như: Sứ mạng của Kẻ Sĩ, tác giả đã nêu lên giá trị, tư cách, khả năng, tấm lòng của bậc Trí thức, Học giả, và tinh thần chính trực của bậc Sĩ Phu. Sau khi phân tích sứ mạng của Kẻ sĩ. Tới đây tác giả đã đưa ra một công thức đúc kết như sau: “Sĩ Phu: Người có kiến thức; - Có tinh thần yêu nước và bất khuất cao độ”- Sĩ Phu còn là giá trị biểu tượng được các Hội đoàn và quốc dân yêu mến, kính trọng”. Tác giả đã khéo dẫn chứng Kẻ sĩ thời xa xưa, thời mà các Sĩ phu chống giặc Tàu như: “Hai Bà Trưng, Bà Triệu, như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo. Như Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, như anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ.v.v…” Thời chống Pháp như: “Văn Thân, Cần Vương. Tinh thần Sĩ phu trổi dậy như: Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám v.v…”
Từ đó, mỗi người chúng ta hãy lần mở từng trang, nghiên tầm từng mục, sẽ thấy, sẽ biết, sẽ nhớ lại rất nhiều, nhiều Kẻ s ĩđã trải qua nhiều thời đại, mà chúng ta hôm nay rất lấy làm hãnh diện, vui mừng cho hồn thiêng sông núi, cho giòng tộc Việt Nam, thời nào cũng có anh hùng sĩ khí, thời nào cũng có những bậc Trượng phu, Sĩ phu giữ nước thương nòi. Nói đến Sĩ Phu, chúng tôi trực nhớ trong bài "35 năm nhìn lại, 35 năm tự vấn", cũng trong tác phẩm này, tác giả đã dẫn cho chúng ta mỗi người hãy “Tự vấn, Tự phán” để tiến đến tinh thần thức tỉnh và rút ra được những ưu, khuyết điểm trong công cuộc tranh đấu của cộng đồng tỵ nạn Cộng sản chúng ta ở hải ngoại. Đồng thời, tác giả cũng dẫn chứng tiêu biểu một số nhân vật gọi là Sĩ Phu từ trong lòng địch như: “Ls. Nguyễn Văn Đài, Ls. Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Trần Khải Thanh Thuỷ, Trần Huỳnh Duy Thức, Hoà thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Ngọc Quang, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Tiến Trung v.v…”
Qua tư tưởng bộc phát mà tác giả phổ biến rộng sâu, trong đó có rất nhiều vấn đề mà tôi đã “Nhận định” như là những “Mặt Trận” hay những Trận Tuyến mà tác giả đã phân tích như: 1*)-Trận tuyến “Tổ Chức Song Đấu:” = Đấu tranh công khai và không công khai) theo chiến lược “3 nổi 7 chìm”. 2) *– Trận tuyến “Yêu Nước Bảo Toàn Lãnh Thổ”chống lại nạn diệt chủng và nạn mất nước bởi Trung Cộng mà Hà Sĩ Phu đã nói: “Mất Dân Tộc còn Đau khổ Hơn Mất Nước!”. 3) *- Trận tuyến “Văn Hoá Tư Tưởng Việt”-chống tư tưởng Văn hoá nô lệ chủ nghĩa Mác Xít, nô lệ Tàu cộng hiện nay ! 4) *- Trậntuyến“Toàn Dân Chống Tham Nhũng”. 5) *– Trận tuyến “Truyền Thông”= cần khai triển về “Phẩm” cũng như “Lượng” trên các phương diện như Website, Blogger, Internet, Báo Online, Báo giấy v.v…
Riêng tôi và rất nhiều bạn Văn Thơ, chia xẻ nỗi buồn “Hận Nước Mênh Mông” mà tác giả đã ưu tư thao thức nỗi “Nước Mất Nhà Tan, Rước Voi Về Dày Mã Tổ” như đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam hiện đang có thái độ đớn hèn ô nhục ấy!
Về Tôn giáo thì tác giả đã nhấn mạnh về tín lý cũng như tinh thần hướng thượng đến niềm tin Tôn giáo, từ bản sắc của mỗi dân tộc, từ tập quán của mỗi quốc gia, đi đến định hướng cho mỗi dân tộc, với mục đích mà tác giả đề cập đến, nhất là tinh thần “Hoà Đồng Tôn Giáo”,mang niềm tin chân chất của mỗi Tôn giáo để phục vụ nhân sinh bằng nếp sống hoà bình cho nhân loại.
Do vậy mà tác giả rất quan tâm về vấn đề “Đoàn Kết Tôn Giáo” qua nhiều dẫn chứng cụ thể lạc quan theo chính pháp của từng Tôn giáo, để làm điểm chuẩn cho đời. Bởi vậy, tác giả kết luận về sự tương quan Tôn giáo và Chính trị, hay tương quan Văn hoá và Chính trị trong xã hội đương thời đều là những đề tài lớn, liên quan mật thiết đến đời sống con người… (Như) một câu châm ngôn, mà tác giả đã hân hạnh nêu lên từ trong tâm ý: “Hạnh phúc thay giữa những người kỳ thị, chia rẽ Tôn giáo; chúng ta không kỳ thị, không chia rẽ mà biết “Hoà Đồng TônGiáo” để cùng cứu nguy đất nước, phụng sự nhân loại”– Thật quí hóa thay.
Hiện tình Tôn giáo toàn cầu, nói chung là các Tôn giáo đang ở vào thời kỳ khủng hoảng, từ trong nội bộ mỗi Tôn giáo, nhất là các Tôn giáo hiện đang nằm dưới sự thống trịđộc tài, kiềm kẹp, khống chế của chế độ Cộng sản như tại Trung cộng, tại Việt Nam v.v… Bởi tình trạng bị khống chế, tôn giáo bị đàn áp mà quí vị lãnh đạo các Tôn giáo trong nước đã cùng ngồi lại với nhau, thành lập một “Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam”để cùng tranh đấu cho sự “Tự do Tôn giáo”, tự do hành đạo như bản “Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền”đề cập. Đồng thời, với tinh thần hài hoà và đoàn kết Tôn Giáo, các Ngài lãnh đạo, chức sắc các Tôn giáo ở hải ngoại cũng đã đồng thuận thành lập “Liên Hiệp Hội Đồng Tôn Giáo Việt Nam Hải Ngoại” ngày 25 tháng 12 năm 2017, mục đích để yểm trợ cho “Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam”quốc Nội.
Trong “Mặt Trận Tôn Giáo”, nhà văn Chu Tấn đã quan trọng đề cập đến một Tôn giáo ít nhiều quá khích (Đạo Hồi), mà độc giả chúng ta, đa số chưa nắm bắt được lý do và nguồn gốc đã gây ra tình trạng “Khủng Bố” đáng khiếp sợ cả loài người khắp thế giới hiện nay! Do vậy, tác giả đã cất công nghiên cứu, quan tâm tìm tài liệu về “Đạo Hồi”, đã thu thập để cống hiến cho độc gỉả chúng ta nắm bắt được nguồn cội qua sự hung bạo của những phần tử quá khích của Đạo Hồi ! Và rồi Tác giả lại có một “Sách Lược Mới Chống Khủng Bố Trong Thời Đại Toàn Cầu Hoá” mà tôi cho đây là: “Trận Chiến Chống Khủng Bố”đầy hy vọng. - Đọc, đọc và đọc để gẫm xét tác giả của chúng ta qua tác phẩm “Tấc Lòng Non Nước” đã không xa rời thực tại, mà gần, rất gần với thực trạng thế giới đương thời. Sách lược mới “Chống Khủng Bố” của nhà văn Chu Tấn, mổ xẻ tường tận, đưa ra nhiều kế sách để đạt mục đích là nguyện vọng tối cần, và đây cũng là giải pháp tối quan trọng, đóng góp cho sự hoà bình của nhân loại, một đóng góp tích cực của nhà văn Chu Tấn mà tôi đã xét nghĩ và thổ lộ: Ông là một “Chiến Lược Gia” của thời đại. Bản tính ông rất nhân từ trung hậu.
Lần bước qua từng mục tiếp theo, tác giả đã dẫn chúng ta xuyên qua các nền văn hoá Đông, Tây, Kim, Cổ. Tác giả đã dẫn chứng, nêu bật lên từng nền văn hoá của mỗi quốc gia, của từng nhân vật tài danh trải qua nhiều thời đại. Đây là một kỳ công nghiên cứu qua nhiều tác phẩm, nhiều danh nhân lỗi lạc, nên tác giả đã diễn đạt phân bày, mổ xẻ. Càng mổ xẻ chúng ta càng mở tỏ được chiều sâu thẳm của nhiều bản sắc văn hoá của nhân loại. Riêng Việt Nam một bản sắc văn hoá dân tộc mà nhà văn Chu Tấn đã dùng tư tưởng ‘Dân Tộc Tính’ để khai triển một nền văn hoá mới, cô đọng mọi định nghĩa khác nhau mà tác giả đã cố gắng giải thích một cách khúc chiết, tường tận. Mong rằng: Sự mổ xẻ của tác giả đã trình bày là một đáp án sáng sủa để độc giả có thể nắm bắt một cách dễ dàng, thấu đạt giá trị của các nền văn hoá của nhân loại. Người đọc như chúng ta xuyên qua mọi cấu trúc định nghĩa văn hoá mà nhà văn Chu Tấn đã gom kết làm đà thăng tiến, hành hoạt đúng tư cách của nhà mẫu mực cho sự văn minh. Thật tình chúng tôi cảm nhận một cách sâu xa, và khâm phục sự kiên trì của tác giả đã thâu đạt và truyền rộng đến với độc giả muôn phương để chúng ta cùng khai triển.
Đặc biệt, nơi ‘Bản sắc Văn hoá Dân tộc Việt,’ tác giảđã gợi nhắc những điển mẫu của các bậc Thánh Hiền như Phật, Lão, Khổng, Mạnh, Thuấn, Nghiêu, dẫn dắt chúng ta trên đường đi đến Chánh pháp, để mỗi một nhà lãnh đạo Quốc gia nắm bắt được đâu là Chánh Đạo, đâu là Tà Đạo, đâu là Vương Đạo, và đâu là Bá Đạo. Những dẫn chứng trong tác phẩm là những khuôn vàng thước ngọc đưa chúng ta "đi đúng con đường đến đích, khiết bạch thuần chân của cội nguồn Văn hoá Dân tộc, khuôn phù với thời đại mới hôm nay, thời đại toàn cầu hoá"mà tác giả đã khai mào, nâng cao tinh thần Văn hoá Việt Nam, sáng danh Bản sắc Dân tộc mà tác giả của chúng ta đã cả quyết, cho đây là “Sứ Mệnh Văn Hoá Việt Nam Trong Thời Đại Toàn Cầu Hoá”- Thật đáng khích lệ thay….
Trong Chương IV tác phẩm “Tấc Lòng Non Nước” tác giả đã cất công và thể hiện sự dấn thân qua nhiều thời gian nghiên cứu, thu thập nhiều lý thuyết siêu việt, đúc kết nhiều chiều hướng khả dĩ, qua mười bốn (14) tiêu đề, tác giả đã chi tiết hoá, trình bày một cách chân phương. Những tài liệu chứa đựng trong 14 tiêu đềấy nhưđã kết gom rất nhiều vấn đề trọng đại về sách lược, phương trình, đường lối chính trị hoá, chân xác lý luận hoá, bàng bạc trong từng đề tài rất sâu sắc, tác giả xác định: “Đây là quy trình áp dụng cho đại cuộc Quốc gia Việt Nam và cho cả thế giới trong thời đại mới hiện nay”.
Trong Chương Bốn, một chương chuyên biệt về chính trị thuần nhất, qua những chủđề nóng bỏng, thiết thực cho những bậc thức giả yêu nước, trọng dân, trên tinh thần phụng sự, thì chúng ta không khỏi bồi hồi, cảm động, nóng lòng, khi nhà văn Chu Tấn đã gợi nhắc chúng ta “Một Lòng Dâng Hiến Tinh Thần Phụng Sự Quốc Gia Dân Tộc”. Nhất là tinh thần Diên Hồng mà nhà văn đã cưu mang, ưu tư và theo đuổi xây dựng cho tổ chức Diên Hồng ngày càng lớn mạnh và sớm thực hiện trong thời buổi hôm nay.
Để đáp ứng nhu cầu thời cuộc và đất nước Việt Nam trong hoàn cảnh thật là bi đát! Qua chủ đề Diên Hồng, nhà văn của chúng ta tha thiết với nguyện lòng, khuôn phù với tinh thần hoài cổ, noi gương xưa (1284) Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đã triệu tập hỏi ý dân “hoà hay chiến” khi bọn giặc Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Tinh thần Diên Hồng ngàn xưa mãi thôi thúc trong lòng người dân tộc Việt Nam chúng ta... Do vậy, nhà văn Chu Tấn là một trong những bậc “Sáng Lập Tổ chức Diên Hồng Thời Đại” và là tác giả những tài liệu về Diên Hồng như: 1) Thời Cơ Chín Muồi Hình Thành Đại Hội Diên Hồng Thời Đại. 2) Nền Tảng Và Tiến Trình Tổ Chức Đại Hội Diên Hồng Thời Đại Việt Nam. 3) Thành Quả Đại Hội Diên Hồng Thời Đại, tại Litte Sài Gòn 02-11-2014.- 4) Hiến Chương Diên Hồng Thời Đại Việt Nam 2014. Qua bốn tiêu đề nêu trên, độc giả chúng ta sẽ ít nhiều gì cũng có một niềm hoan hỷ, nhận thấy được tinh thần hài hoà, đoàn kết của khối người Việt ly hương tỵ nạn Cộng sản, đã thực hiện nguyện vọng chánh đáng của người Việt Nam yêu nước. Một ý thức cao độ chẳng những riêng tác giả, riêng tổ chức Diên Hồng mà là của toàn Dân Việt chúng ta kể cả trong và ngoài nước. Mọi người Việt Nam chúng ta không thể không ngậm ngùi xúc động trước những lời kêu gọi từ “Quyết Nghị Của Hội Nghị Diên Hồng Thời Đại” hôm nay:
Tổ Quốc Lâm Nguy, Sơn Hà Nguy Biến!
Hỡi Toàn Thể Đồng Bào!
Chín Mươi Triệu Đồng Bào Việt Nam Khốn Khổ!
Đang Chờ Đợi Chúng Ta!
Giờ Lịch Sử Đã Điểm !!!
Toàn Thể Đồng Bào Việt Nam Chúng Ta ,
Cùng Đứng Vùng Lên, Đáp Lời Sông Núi…
Tự Do, No Cơm, Ấm Áo, Hay Là Chết ?
Thay Đổi, Chúng Ta Phải Thay Đổi Số Phận
Và Vận Mệnh Đất Nước Của Chúng Ta .
Hồn Thiêng Sông Núi,
Anh Linh Anh Hùng Liệt Nữ,
Sẽ Phù Trì Cho Chúng Ta.
Tổ Quốc Việt Nam Trường Tồn,
Dân Tộc Việt Nam Bất Diệt.
Việt Nam Muôn Năm.
Việt Nam Muôn Năm.
Việt Nam Hải Ngoại Ngày 02-11-2014
Đại Hội Diên Hồng
--------oOo--------
Phù hợp với tinh thần Diên Hồng đã và đang hoạt động nhiều nơi tại Hoa Kỳ, thì tình trạng bạo quyền Cộng sản Việt Nam vẫn mãi còn ngoan cố, Tôn giáo vẫn mãi còn kiềm kẹp, Nhân quyền vẫn mãi còn đàn áp, nhưng tinh thần quần chúng như quá đà, mệt mỏi, nhân dân như khủng hoảng nặng nề, mưu đồ cai trị và đàn áp, khủng bố của bạo quyền Cộng sản ngày càng mạnh tay bất chấp! Nạn Hán hoá xâm lăng của đế quốc Trung Cộng ngày càng tung hoành trên Lãnh thổ Việt Nam, nhân dân thì khủng hoảng, trái lại bạo quyền thì “hèn với giặc, ác với dân”. Do vậy, cộng đồng Người Việt tỵ nạn Cộng sản hải ngoại, các Hội đoàn, Đoàn thể Tôn giáo, Chính trị, Văn hoá, Xã hội, đã đồng thuận đứng lên thành lập: “Liên Hiệp Hội Đồng Quốc Dân Việt Nam”, một tổ chức tổng hợp có tính cách “Đoàn Kết Quốc Dân” không ngoài mục đích: Kết họp chặc chẽ tạo thành sức mạnh tinh thần dân tộc trong cũng như ngoài nước trong công cuộc tranh đấu cho Nhân quyền, Dân Chủ và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam; Giải thể Chế độ Cộng sản nhằm thành lập một "Chế độ Dân Chủ Pháp Trị, Tam Quyền Phân lập, Đa Nguyên Đa Đảng đáp ứng theo nguyện vọng của Toàn Dân".
Đây là một đáp án lịch sử mà nhà văn Chu Tấn đã mổ xẻ trong “Đại Hội Diên Hồng”. Ngoài ra “Liên Hiệp Hội Đồng Quốc Dân Việt Nam” cũng để đáp ứng nguyện vọng của toàn dân. Đây là tinh thần Đại Đoàn Kết Quốc Dân mà Hội Đồng chủ trương trong giải pháp tổng hợp đấu tranh của người Việt trong cũng như ngoài nước.
Trong “Tấc Lòng Non Nước” nhà Văn Chu Tấn đã quan tâm và tiếp nhận sự hình thành tổ chức “Liên Hiệp Hội Đồng Quốc Dân” một cách chân tình qua ý thức trách nhiệm và bổn phận, nên tác giả đã nghiên tầm, suy tư tận tim não, mở ra một Sách lược, Chiến lược khả thi cho tổ chức. Trong bài viết “Sự ra đời của Liên Hiệp Hội Đồng Quốc Dân Việt Nam”, trình bày thật là chi ly, khúc chiết, thật sâu sắc có lý luận thâm trầm mà sống động.
Qua lời kết, tác giả đã dùng lời người xưa dẫn chứng: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, là người con của giòng giống Tiên Rồng, chúng ta có thể nào làm ngơ trước đại hoạ mất nước đã gần kề, Dân tộc Việt Nam đang đứng trước hố thẳm diệt vong!
“… Cội nguồn ở đâu ? Khi thế giới này đã không còn Việt Nam !. .? (Nỗi đau của Nhạc sĩ Việt Khang cũng là nỗi đau của Toàn thể mọi người Con Dân nước Việt!...)
Để thay đổi không khí trong nhiều chiều hướng “Văn Hoá” sôi động đầy chất đượm nồng tâm tình Việt; “Chính trị” đa chiều trong thế giới hôm nay đã va chạm vào tư lương của nhiều thành phần khắp vũ hoàn nhân loại. Qua tinh thần “Tôn Giáo”, mà mọi sắc dân trong hoàn vũ nhưđang nếm những giọt đắng say cuồng, tư tưởng lơ mơ đã khiến cho con người lạc hướng. Thế mà, có lẽ: Chắc có nhiều độc giả đang say sưa trong giòng mạch “Tấc Lòng Non Nước” nên tác giả như cảm thông tình người bạn đọc, rót vào đây những trang “Thơ” để độc giả chúng ta uốn mình thay giọng, ngâm lên những lời thơ, ấm áp tình người, xẻ chia niềm khích lệ cho nhau trong lúc chúng ta san sẻ tâm tư hồn Tộc Việt trong niềm giao cảm.
Nên từ trong “Nhịp Cầu Giao Cảm” qua những người bạn Văn bút chân tình như nhà thơ Trần Thúc Vũđã gói ghém, đã bày tỏ niềm cảm thông, gợi nhớ nguồn dân tộc với chuỗi thời gian trải dài từ khi Tổ Tiên ta dựng nước, dưới làn khói mây thăm thẳm quyện xông tận chân trời biêng biếc Việt Ngàn Năm, khởi nguyên từ Kinh Dương Vuơng lập quốc. Lời thơ Trần Thúc Vũ chân chất, lồng lộng khí hùng, thấm sâu hồn thiêng dân tộc, Trần Thúc Vũ đã dẫn qua dòng Sử Việt, tô đậm niềm tin, trao tình thâm thiết để nhà văn Chu Tấn, như thôi thúc tấm lòng của Kẻ Sĩ giữa thời đại nhiễu nhương nơi quê cha đất tổ (VN.). Những lời thơ trong bài “Khởi Hành” như gieo vào lòng nhà văn Chu Tấn, vươn tới ý thức trách nhiệm của bậc Sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, với những tấm chân tình thân mến đã cảm nhận được Chu Tấn, người bạn Thơ Văn đáng quí mà quí vị như: Chu Toàn Chung, Luân Hoán, Vĩnh Liêm, L.T. Đông Phương, Trần Thúc Vũ vv… đã trao tặng những dòng thơ tràn ngập tinh thần khích lệ, chứa đựng tinh tộc Việt Nam ngàn đời sáng chói, nên nhà văn Chu Tấn đã ghi nhận và lấy đó làm tiêu biểu cho sự trân trọng niềm tình Văn Bút giao hảo với nhau trong cuộc đời lang bạt nơi đất tạm dung....
Đại tác phẩm “Tấc Lòng Non Nước” mà tôi đã đọc, chẳng phải mới đọc gần đây, hôm nay, mà đã được đọc qua từng tiêu đề, từng bài viết và đã đọc qua từng giai đoạn thời gian xúc tác. Cuối cùng tác giả đã trình bày một cách khiêm tốn là sẽ kết gom tạo thành tác phẩm, lưu giữ để làm kỷ niệm cuộc đời cho tự thân, cho tha nhân, cho cộng đồng, cho tổ chức, và cho bạn bè thân hữu giao tình, đã trao nhau đầy nghĩa cử sống chung trong tinh thần phụng sự và phục vụ. Đọc qua tác phẩm từng Chương, từng Mục, từng Tiêu đề v.v… chúng ta sẽ nhận thấy sự ưu tư thao thức của tác giả với Quê hương Dân tộc, sự quan tâm trước thời cuộc “Quốc phá gia vong”! Đọc từ đầu chí cuối, mỗi bài viết đều ngập tràn tư tưởng xót xa tình dân tộc, ray rứt quê hương vẫn mãi bị đoạ đày ! Đọc tác phẩm “Tấc Lòng Non Nước” chẳng những tác giả quan trọng về Chính trị, mà còn đặt nặng về “Mặt trận Văn Hoá”, cội rễ gốc nguồn của sức sống tinh thần của một Dân tộc. “Trận chiến Văn Hoá” không tốn một tiếng súng, một lằn tên, nhưng là một kế sách quan trọng vô cùng. Nói chung, tất cả những đề tài trong tác phẩm đều chứa đựng tinh thần “Đại Đoàn Kết Dân Tộc”, tinh thần kêu gọi và yểm trợ hữu hiệu công cuộc tranh đấu cho Nhân quyền và Dân chủ tại Việt Nam.
Đặc biệt, tôi rất hài lòng, đáng khâm phục với tác giả qua chủ đề: “Nhân Sinh Quan” Những Đoá Hoa Hương Sắc Ngàn Đời” mà tác giả đã gói trọn hai chữ “SỐNG HOA” trong đó chứa tràn những nguồn tư lương “Đạo Học” mang nặng nguồn “Đạo Đức Thâm Sâu” của các bậc Tiền Nhân Tiên Tổ, các bậc Thầy cả “Đạo” lẫn “Đời”để làm gương mẫu, có thể đào tạo nên những bậc “Đế Vương Minh Đạo” cho nhiều thế hệ tương lai. Tác giả đã hết lòng “Tôn Vinh Sự Sống”và đã khơi lên mạch nguồn: “Sống Vui; - Sống Hùng; - Sống Mạnh; - Sống Đẹp; - Sống Tỉnh Thức; - Sống Hướng Thượng, Hướng Tha; - Sống Yêu Dân, Yêu Nước; - Sống Từ Bi Bác Ái; -Sống Nhân Chủ Thái Hoà; - Sống Tự Vượt, Tự Thắng v.v… Tác giả đã dẫn chứng hai bài thơ“Sống và Chết” của nhà Chí sĩ Phan Bội Châu làm tiêu biểu (xin đọc 2 bài thơ trong chương này). Một sự hiểu biết sâu sắc như đã thâm nhập lời Phật dạy: “Tự thắng mình hơn thắng vạn kẻ thù; Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”. Bài viết rất là công phu, mở khai tư tưởng Đạo học hợp thời để độc giả chúng ta “Thành Toàn Sự Sống Quốc Dân” mà làm bổn phận, nhất là tác giả đã nêu lên những chủ đề như: - Thăng Hoa Sự Sống Quốc dân; - Nâng Cao Sự Sống Quốc Dân; - Phát Huy Sự Sống Quốc Dân; để đền ơn đáp nghĩa Quồc Tổ Hùng Vương và các Bậc Công Thần Hộ Quốc. Một tư tưởng sáng tạo thật đúng lúc hợp thời cho độc giả chúng ta. Hơn nữa, một ý tưởng đầy “Tham Vọng Tình Người” mà tác giả đặc biệt muốn trao tặng cho “thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và hằng hằng các thế hệ trẻ tương lai.”
Như tôi đã nói, tôi rất hài lòng với tác giả qua chủ đề: “Nhân Sinh Quan”- “Những Đoá Hoa Hương Sắc Ngàn Đời”. Có lẽ, đây là một “Triết Lý Sống” hay là “Chân Lý Tinh Hoa Sự Sống”hoặc “Sống Đạo hay Đạo Sống”đây là một triết lý chứa sẵn trong bầu trời “Đạo Học” man mác và bàng bạc xưa nay mà chưa có ai từng mổ xẻ. Nhà Văn Chu Tấn đã khám phá một cách độc sáng bất ngờ qua tư tưởng thông tuệ cuả tác giả mà khởi duyên quan niệm: “Sự Sống Là Suối Nguồn Chân Lý, Là nền tảng của mọi nền tàng Tôn Giáo, Là Cơ Sở Của Mọi Cơ Sở Triết Học Và Là Chìa Khoá Của Đạo Sống Hành Động”. Mong rằng tư tưởng khơi dòng cho “Lẽ Sống, Đạo Sống, Nguồn Sống v.v…” sẽ làm sáng tỏ tâm tư người đọc; khai thông được tuệ giác siêu việt của mỗi người mà độc giả chúng ta cũng sẽ hài lòng trong nguyện ước.
Tác phẩm “Tấc Lòng Non Nước” đúng là một “Tuyển Tập quí hiếm ” hàm chứa nhiều nội dung Văn Hoá, Chính Trị, Văn Nghệ, Xã Hội v.v…Nhất là nhiều tài liệu giúp ích cho công cuộc đi tìm “Một Giải Pháp Cho Việt Nam” mà độc giả chúng ta may mắn được rút ngắn thời gian, lại tiếp nhận được những tài liệu quí báu như một món quà tinh thần dân tộc. Mong rằng độc giả chúng ta “không quên cảm ơn tác giả” đã bỏ nhiều công sức, thời giờ mang lại cho chúng ta một kho tàng tài liệu đồ sộ, nhất là trong chương chủ đề Chính trị thật quá xúc tích, chúng tôi không thể mổ xẻ chi tiết, mà chỉ gợi ý thầm phục và tán thán nhà văn Chu Tấn. Đồng thời chúng tôi xin chia xẻ niềm vui đến với quí độc giả cùng tiếp nhận được nhiều lợi ích khả quan trong cuộc sống.
Cuối cùng, chúng tôi xin phép được khép tác phẩm “Tấc Lòng Non Nước” để thưa cùng quí độc giả, vì qua lời “Giới Thiệu thay Lời Tựa” cho tác phẩm, cá nhân chúng tôi không thể chu toàn để làm hài lòng tác giả và quí độc giả muôn phương. Nhưng, một khi quí vị đã có sẵn trên tay bộ sách “Tấc Lòng Non Nước” này như một tài sản quý báu, trân trọng giữ gìn trong tủ sách gia đình. Chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội chúng ta tự do mở từng chương, lần từng mục, chọn từng tiêu đề ứng dụng, thích hợp cho mỗi lúc thì chúng ta sẽ hài lòng. Vì “Tấc Lòng Non Nước” là một chủ để đã làm “Thổn Thức Lương Tâm”. Trong đây dường như tác giả đã cố tình chọn đề tài “Tấc Lòng Non Nước” thắm đượm vào lòng độc giả để lưu lại mãi mãi ngàn sau… Xứng đáng một tác phẩm để đời của “Kẻ Sĩ Thời Đại” nặng lòng vì Nước vì Dân, vì Tổ quốc lâm nguy cận kề bởi nạn Hán Hoá của Đế Quốc Trung Cộng, âm mưu diệt chủng Dân tộc Việt Nam!
MẾN Người Hạo Khí Chí Nồng Say
TẶNG Kẻ Sĩ Phu Ước Nguyện Bày
NHÀ Dựng Sườn Tâm Lưu Vĩnh Kiếp
VĂN Xây Bút Pháp Hợp Thời Nay
CHU Toàn Sứ Mạng Vun Tình Tộc
TẤN Phát Nghiệp Văn Trọn Nghĩa Dầy
TÁC Ý Thâm Truyền Cho Đại Cuộc
GIẢ Nhìn Thế Sự Việt Nam Nay
TẤC Hơi Phụng Sư Còn Khiêm Tốn
LÒNG Vẫn Cưu Mang Trải Kiếp Nầy
NON Thẳm Ngàn Trùng Dâng Bất Tận
NƯỚC Nguồn Đại Việt Ngọt Ngào Thay.
Trân trọng Giới Thiệu đến các Hội Đoàn, Đoàn Thể, các Tổ Chức Chính Trị, Văn Hoá, Tôn Giáo, Xã Hội cùng Đồng Bào Việt Nam trong và ngoài nước, và quí độc giả muôn phương.
Fresno, California, Trọng Xuân Năm Mậu Tuất
(Việt Lịch: 4897 * Phật Lịch: 2561 * Tây Lịch: 2018
PHÁP CHỦ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO TĂNG GIÀ KHẤT SI THẾ GIỚI
Đại Lão Hoà Thượng
Thích Giác Lượng
Bút Hiệu Tuệ Đàm Tử
Đôi nét về Nhà Văn Chu Tấn
Sinh năm 1939 tại Nam Định Bắc Việt
1958 Theo học khóa 7 sĩ quan trừ bị Thủ Đức
1963 Từ binh chủng pháo binh đổi sang quân chủng không quân
1968 -1969 Giám đốc tại bộ Thông Tin- Chủ bút nguyệt san Lý Tưởng Bộ Tư Lệnh Không Quân
1972 Tốt nghiệp đại học văn khoa Sài Gòn.
1973 Cấp bậc Trung Tá không quân - Tham mưn phó chiến tranh chính trị sư đoàn 4 KQ Cần Thơ.
1975-1984 Tù cộng sản Việt Nam, qua nhiều trại cải tạo từ Nam ra Bắc.
1987 Vượt biên đến định cư tại San Jose Hoa Kỳ
1989 Sáng lập viên Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính trị Việt Nam
1990- 1996 Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do (2 nhiệm kỳ)
1995 Sáng lập viên Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại
1997-2000 Chủ Tịch Hội Đồng Đại Biểu Cộng Đồng Việt Nam Bắc California
Tác Phẩm đã xuất bản:- Tiếng hát trên cánh đồng xanh 1972 (Tuyển tập truyện ngắn)
– Thắp Sáng Quê Qương 1991(-Tuyển Tập Thơ Văn Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do- Viết chung)
– Vận Động Lịch Sử 1991 (Biên Luận Chính Trị -Viết chung)
Tác Phẩm sẽ xuất bản:
Tuyển Tập Chu Tấn – Đạo Học - Văn Hóa - Chính Trị.
Sống thuyết Nhân Chủ Việt Nam.
Đạo Sống Việt
Sống Việt Tinh Hoa
Sống Việt Thông Luận.
Sống Việt Đại Toàn.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire