SỰ THAY ĐỔI THỂ CHẾ ĐỘT NGỘT TỪ ĐỘC TÀI SANG DÂN CHỦ (Mai Thanh Truyết)


Lời người viết: Trước tình trạng hỗn độn và hoang mang của người dân Vũ Hán và khắp nước cùng với sự lúng túng của Tập Cận Bình và Trung Cộng trong dịch Covid-19, một lộ đồ mới cho Việt Nam đang hé mở. Có thể và hy vọng, một Việt Nam mới trong những ngày sắp đến chăng? Vấn đề được đặt ra cho hôm nay là cần phải “Thay đổi hay Thay thế CSBV”
. Kết luận của người viết là cần phải THAY THẾ, và không có một giải pháp hay con đường trung gian nào khác cả, vì Đảng Cộng sản Bắc Việt chính là một đảng độc tài đặt cơ chế chuyên chính vô sản làm phương châm hành động và cai trị.
Vì vậy, vấn đề còn lại là phải thay thế một thể chế độc tài đảng trị như thế nào?

1 . MAU hay CHẬM?
Khuynh hướng thay đổi:
Thay đổi thể chế đột ngột sẽ gây xáo trộn xã hội hay có thể xảy ra xung đột địa phương làm tình hình đất nước trở nên bi thảm, đời sống người dân xáo trộn hơn. Dân Việt Nam đã trải qua thời gian dài chiến tranh, ai cũng muốn có cuộc sống an bình lo cho gia đình. Đấu tranh lật đổ một nhà cầm quyền cho dù có ôn hòa cách mấy cũng gây xáo trộn xã hội và tình trạng bất ổn còn có thể kéo dài.

Chắc gì một chính quyền mới lên không có tham nhũng hay không độc tài?
Đây chính là câu hỏi đầu môi của những người chủ trương thay đổi. Những ông cộng sản cũ chắc chắn sẽ tìm đường trở lại với chiêu bài mới và độc tài mới như Putin hiện giờ thì sao? Họ có nhiều khả năng làm được vì có tiền, có quan hệ chính trị rộng rãi và đảng viên ĐCS vẫn còn đông đảo trong các chức vụ cao cấp ở mọi cơ quan chính quyền, công an và quân đội.
Ngoài ra, thời gian chuyển tiếp từ lúc chế độ CS sụp đổ tới xây dựng các cơ chế cầm quyền dân chủ hẳn phải có nhiều nhiễu nhương khó có thể dự đoán do tranh chấp quyền lực giữa các thế lực. Điều này sẽ gây bất ổn chính trị, như trường hợp Ai Cập và Lybia hiện nay.
Khuynh hướng thay thế:
Sự thay đổi thể chế từ độc tài sang dân chủ không bao giờ là một tiến trình êm thắm.
Sự không êm thắm là đương nhiên (nói theo kiểu VC là “tất yếu”) vì con thú dữ độc tài (CSBV) bao giờ cũng giãy giụa mãnh liệt gây nhiều thiệt hại và làm xáo trộn xã hội trước khi tắt thở.
Việc này sẽ thể hiện qua sự kiện những phe cánh độc tài tìm đường trở lại nắm quyền với những thủ đoạn bất chính.
Tuy nhiên, đây là cái giá bắt buộc phải trả để có được dân chủ, và dân chủ là con đường duy nhất đưa Việt Nam tới phú cường.

Người dân Việt Nam phải có can đảm chấp nhận bất ổn hay xã hội bị xáo trộn trong giai đoạn chuyển tiếp để đổi lấy một tương lai sáng lạn cho con cháu và đất nước, nhất là khi có dân chủ thì người dân có cơ hội để chống lại sự xâm lăng tiệm tiến của Tàu cộng.

Chắc chắn người dân Việt sẽ không có cuộc sống yên bình dưới ách đô hộ của Tàu Cộng. Mặt khác, sự bất ổn xã hội do chính phe cánh cộng sản bị lật đổ muốn quay trở lại nắm quyền nhằm bảo vệ quyền lực và quyền lợi gây ra chứ không phải từ sự tranh đấu dân chủ. Điều này cũng là bằng chứng để phủ nhận lập luận rằng một chế độ độc tài có thể bỏ bớt độc tài và thực thi dân chủ từng bước. Một khi thể chế đã là độc tài thì thể chế đó chỉ có thể độc tài sắt máu thêm nữa chứ không bao giờ giảm, để bảo vệ quyền lợi họ thêm nữa.

Đứng trước hai khuynh hướng khác biệt trên, chúng ta lại thấy một điều khác nữa là sự hiện diện của “những đảng viên CS cấp tiến hay phản tỉnh” có thể làm cho tiến trình thay đổi có tính cách êm dịu hơn vì không làm xáo trộn xã hội và đưa đến khủng hoảng.

Vì vậy, khuynh hướng “thay đổi” nhận định là nội bộ ĐCSBV vẫn còn nhiều đảng viên yêu nước sẽ không nhẫn tâm bán nước cho TC hay để đất nước suy sụp (?).
Thực tế cho thấy thỉnh thoảng có vài đảng viên CS yêu nước lên tiếng “bức xúc” về thái độ của bộ chính trị ĐCSBV trước hiện tình TC xâm lăng cũng như nạn tham nhũng. Nhưng những đảng viên này chưa có dịp nổi lên chỉ vì họ còn đang trong thế yếu. Nếu khuyến khích, cổ động họ thì họ sẽ là nhân tố thay đổi rất hữu hiệu trong nội tình đảng CS và kéo ĐCS về với lợi ích dân tộc.

Từ đó ĐCS sẽ tự “diễn biến” và trở thành dân chủ, như trường hợp Yeltsin ở Liên Xô. Nếu một đảng có uy tín, có ưu thế chính trị và làm được công việc đưa đất nước tới cường thịnh thì phải là điều đáng hoan nghinh, còn hơn nhiều đảng mà chỉ tranh cãi với nhau và thiếu quyết tâm lãnh đạo, như trường hợp đảng Hành Động Nhân Dân (People’s Action Party) của Singapore dưới quyền Lý Quang Diệu. Lãnh đạo tốt là điều Việt Nam cần để đưa đất nước thoát khỏi cộng sản và một nền kinh tế cường thịnh.

Tuy nhiên, khuynh hướng thay thế phản bát suy nghĩ trên qua cung cách đặt vấn đề như sau:”Dĩ nhiên không thể phủ nhận rằng trong bất cứ tập thể xấu nào cũng có phần tử tốt nhưng lập luận cho rằng các phần tử tốt trong nội bộ ĐCSBV có thể nắm quyền chủ động và thay đổi đảng từ độc tài sang dân chủ là chuyện không thể xảy ra”. Vì sao?
Vì cơ cấu tổ chức của ĐCS ngày nay không khác gì đảng Phát Xít của Hitler, là một đảng chính trị mafia. Vào đảng là phải tuân phục một nguyên tắc chung, đi ngược lại nguyên tắc này là sẽ bị khai trừ và mất tất cả quyền lực và quyền lợi, một hình thức độc tài sắt máu. Chúng ta thấy có một số cựu đảng viên lên tiếng phản đối đường lối của ĐCSBV nhưng chúng ta chưa bao giờ thấy đảng viên tại chức lên tiếng. ĐCS không muốn trừng phạt những cựu đảng viên hưu trí này vì một phần hầu hết cũng đã tới tuổi sắp quy tiên, có nói cũng chẳng còn mấy hơi sức nữa, phần khác là nếu có trừng phạt họ thì chỉ mang tiếng vắt chanh bỏ vỏ, chẳng lợi gì.
ĐCSBV đã thấy và “học” trường hợp Yeltsin và đã đề phòng, và sẽ không thể có Yeltsin Việt Nam.
Ngoài ra sự tự chuyển hóa của một đảng từ độc tài sang dân chủ là chuyện chưa bao giờ xảy ra. Đảng viên gắn kết với nhau từ quyền lợi, mất đảng sẽ mất quyền lợi nên tất cả phải cùng nhau bảo vệ đảng. Bởi thế mà ĐCSBV có câu châm ngôn “vì đảng vì mình”.
Mong chờ một lãnh đạo tốt từ ĐCSBV chỉ là mị dân, người tốt, ngay thẳng sẽ không bao giờ vào Đảng CSBV.
Hơn nữa, so sánh để bắt chước Singapore là chuyện không bảo đảm. Điều trước tiên là ĐCSBV đã bị lún quá sâu vào quỹ đạo của ĐCSTC, ĐCSBV chỉ có một con đường duy nhứt là làm tay sai bán nước trước mặt.
* Chuyện chăm lo cho đất nước không nằm trong nghị trình làm việc của ĐCSBV.
* Kế đến là ĐCSBV không có nhân tài do quy chế độc tài đã đào thải tất cả nhân tài từ bao năm nay, chỉ còn toàn kẻ xu nịnh.
* Sau cùng ĐCSBV chẳng còn chính nghĩa, bất cứ lãnh đạo nào từ ĐCS sẽ không được người dân tin theo và ủng hộ.
Kết luận khẳng quyết là trông chờ vào sự cải cách từ ĐCS là chuyện sẽ không xảy ra và ĐCSBV không còn tư cách để lãnh đạo đất nước.
Câu hỏi được đặt ra là lực lượng đối kháng hiện nay có đủ mạnh và có đủ uy tín để lật đổ chế độ CS cũng như nắm quyền lãnh đạo chưa?
Đối với khuynh hướng “thay đổi”, câu trả lời là:”Chưa có lực lượng đối kháng đủ mạnh để lật đổ ĐCSBV.
* Ngày xưa VNCH với sự trợ lực của cường quốc Hoa Kỳ cũng phải thua thì làm sao có thể lật đổ được CSBV khi họ đã chiếm hoàn toàn Miền Nam?
* Ngày nay, không quốc gia nào đứng ra cung cấp vũ khí cho lực lượng du kích đối kháng để đánh lại một nhà cầm quyền.
* Còn nếu sử dụng phương pháp đấu tranh bất bạo động như các cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập thì cũng không phải dễ. Điển hình tổ chức biểu tình ở Việt Nam với 2, 3 trăm người là điều khó thực hiện.
* Trước sự kiểm soát quá chặt chẽ và tinh vi của ĐCSBV, cộng thêm sự vô cảm của người dân Việt Nam với vấn đề chính trị, thì việc xây dựng một vài tổ chức đối kháng là rất khó và tìm cách trở nên lớn mạnh để có thể lật đổ chế độ lại càng khó hơn.
Nhưng, khuynh hướng “thay thế” lại có cái nhìn tích cực và lạc quan hơn qua những lập luận dưới đây:
* Quả thực lật đổ chế độ CSBV là một việc vô cùng khó. Nhưng so sánh VNCH và CSBV là một chuyện lạc đề, vì hôm nay cuộc chiến là giữa người dân và đảng CS, là chuyện đòi hỏi quyền được làm người, đòi toàn vẹn lãnh thổ.
* Cuộc đấu tranh này sẽ được thực hiện bằng phương pháp bất bạo động qua chiến lược “Bất tuân dân sự”, nên việc so sánh tương quan lực lượng bằng quân đội hay công an là không đúng chỗ. Đấu tranh bất bạo động quan trọng là nhờ vào lòng dân và sức dân.
Dân chúng chính là người trao quyền lực cho nhà cầm quyền bằng cách tuân phục nhà cầm quyền. Hay nói cách khác, nhà cầm quyền chỉ có quyền lực thực sự khi người dân nghe theo.
* Nếu người dân không chấp nhận nhà cầm quyền và không nghe theo thì nhà cầm quyền mất hết quyền lực. Lực lượng đối trọng với nhà cầm quyền độc tài là dân chúng. Chưa bao giờ có nhà cầm quyền nào có thể giữ vững ngôi vị của mình khi không có sự chấp nhận của người dân. Đây chính là mục tiêu tranh đấu của phong trào đấu tranh lật đổ chế độ CSBV. Vì thế lực lượng đối kháng là toàn dân Việt Nam. Vấn đề cho những nhà tranh đấu là làm sao khơi dậy khối đa số thầm lặng này đứng lên dứt bỏ chủng tử “sợ”.

2 . Kết luận: từ đó đi đến quyết tâm
Sự quyết tâm hay ý chí trong việc chuyển đổi một chính thể quốc gia quan trọng hơn tính xác tín của vấn đề. Sự quyết tâm trong đấu tranh chống CSBV là lật đổ, hủy bỏ chế độ CS, không phải tìm cách thay đổi nó. Sự quyết tâm sẽ giúp loại trừ tâm trạng mất tự tin hay yếm thế và dẫn đến tính ỷ lại. Sự giúp đỡ bên ngoài của ngoại quốc chỉ là phụ thuộc, có thì tốt, không có cũng không sao.
Vì quyết tâm cho nên cần phải làm những điều sau đây:
* Không yêu cầu, kiến nghị hay van xin CSBV thay đổi hiến pháp, thực thi dân chủ…
* Không chỉ dẫn cho CSBV xây dựng đảng vững mạnh hay tránh nguy cơ sụp đổ (đảng) bằng cách vạch ra con đường trở về với dân tộc, chống lại Tàu.
* Không bao giờ tin tưởng vào thiện ý của ĐCSBV. ĐCSBV dù có ăn năn hối lỗi và muốn chuộc tội cũng không chấp nhận. Thực tế là CSBV có ăn năn hối lỗi bao giờ đâu trong suốt quá trình “cai trị” Đất và Nước từ 1945 trở đi. ĐCSBV bắt buộc phải ra đi.
* Không kỳ vọng vào bất cứ sự thay đổi cải cách dân chủ nào từ ĐCSBV.
* Đừng bao giờ đóng vai bàng quan, chỉ quan sát hay bình phẩm sự giao chiến giữa hai phe dân chủ và phe độc tài CS.

Sau cùng, chúng ta nên dứt khoát với mục tiêu đấu tranh rằng, ĐCSBV phải ra đi, biến mất, không chấp nhận thay đổi, không chấp nhận biến thể (đề phòng vỏ dân chủ mà trong ruột thì vẫn là độc tài).

Và, cũng vì quyết tâm cho nên chúng ta cần:
* Tin tưởng vào sức mạnh và khả năng của người dân. Người dân Việt Nam có khả năng lật đổ được độc tài CSBV.
* Góp bàn tay đấu tranh và kêu gọi mọi người dân đấu tranh.
* Đau với cái đau của đất nước và dân tộc.
* Học hỏi phương pháp đấu tranh bất bạo động và loan tải kiến thức đấu tranh cho những người chung quanh để mọi người đều trở thành chiến sĩ dân chủ.
* Tố cáo với Quốc Tế về những hành vi khủng bố của CSBV và Trung Cộng. Cần đưa CSBV vào CPC (Countries of Particular Concern - Các quốc gia đặc biệt đáng quan tâm).
Vẫn biết công cuộc đấu tranh lật đổ ĐCSBV là con đường chông gai, nhiều khó khăn và phải mất thời gian. Do đó, sự thành công chỉ có thể đến được với một phong trào dân chủ đối khángvững mạnh. Công việc thành lập, nuôi dưỡng phong trào và huấn luyện thành viên là tối quan trọng. Bước đầu tiên, hẳn nhiên là phải xác định lập trường, mục tiêu đúng đắn và sự quyết tâm. Nên nhớ CSBV luôn nắm vững quyết tâm thực thi “độc tài toàn trị”, vì vậy cho nên mọi phản kháng đều bị đàn áp dã man, và bị triệt tiêu hoàn toàn.
Quyết tâm là chấp nhận “cái chết” trong tranh đấu “bất bạo động” và làm viên gạch nối cho công cuộc cách mạng dân tộc!
“Your oppression is our revolution!” (tạm dịch: Sự đàn áp của bạn là cuộc cách mạng của chúng tôi)
Mục tiêu duy nhứt cần phải nhắm tới là chế độ CSBV sẽ không còn hiện hữu trên mảnh đất thân yêu của dân tộc Việt Nam nữa.
Mai Thanh Truyết
Hiệu đính 05/3/2020

Aucun commentaire: