Huyền Thoại Về Tình Báo Bắc Việt Và Cuộc Chiến 1975 (Trọng Đạt)


Tình hình chung.
Cách đây mười năm tôi đã viết bài “Chuyện gián điệp và cuộc chiến 1975”, nay cũng viết về đề tài này nhưng ngắn gọn và chú trọng vào chủ đề chính nhiều hơn
Ngày 7-11-1972 TT Nixon tái đắc cử với số phiếu cao nhất từ xưa đến nay:
96% phiếu Cử tri đoàn (520/17) hơn đối thủ McGovern 18 triệu phiếu. Nixon thắng phiếu Ctđ trên 49 tiểu bang trong khi Mc Govern chỉ thắng một tiểu bang và DC (Thủ đô), Nixon đã đem quân về nước, lập lại hòa bình trong danh dự, Hiệp định Paris gần ký, VNCH không sụp đổ, ông cũng hòa được CS Tầu tháng 2-1972 và CS Nga tháng 5-1972.

Tuy thắng lớn, Cộng Hòa vẫn giữ Hành Pháp nhưng đối lập Dân Chủ giữ ưu thế Quốc Hội: Tại Hạ Viện họ giữ 56% (242/192), Thượng Viện họ giữ  56% (56/42), Dân Chủ lại được Truyền thông và Phản chiến ủng hộ nên rất mạnh. Các vị Trưởng khối, chức sắc Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu... đã yêu cầu TT Nixon và Kissinger phải sớm ký kết Hiệp định Paris, chậm nhất là cuối tháng 1-1973, nếu không họ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh đưa quân về nước (2).
Mc Govern

Giữa tháng 12-1972 CSBV phá hòa đàm, bỏ họp về Hà Nội hy vọng Quốc Hội Mỹ ra Luật chấm dứt chiến tranh, khỏi cần phải họp hành cho mệt. TT Nixon bèn cho mở trận Mưa bom Giáng Sinh Linebacker II, trút 20,000 tấn bom lên đầu CSBV tại Hà Nội, Hải Phòng buộc chúng phải trở lại bàn Hội nghị.

Nixon phải nhượng bộ để cho BV đóng quân ở lại miền Nam vì Quốc Hội không muốn kéo dài đàm phán, họ luôn đe dọa ra Luật chấm dứt chiến tranh, đem quân về nước.
Tổng Thống Nixon nói sau ngày ký Hiệp định Paris 27-1-1973 miền Nam mạnh hơn miền Bắc về mặt quân sự (3). Đầu năm 1973, sau khi Hoa Kỳ đã rút quân về nước, VNCH rất mạnh về quân sự. Cuộc oanh tạc của Mỹ chấm dứt cùng với ngưng bắn.

Hoa kỳ đã làm nghiêng cán cân về phía VNCH bằng sự cung cấp ồ ạt cuối năm 1972 qua hai chiến dịch lấy bí danh là Enhance (Gia tăng) và Enhance Plus (Gia tăng Cộng). Những hàng quân sự trao cho miền Nam gồm ba tiểu đoàn pháo binh 175mm, hai tiểu đoàn thiết giáp M-48, 286 chiếc trực thăng UH-1, 23 chiếc trực thăng không vận CH-47, 22 chiếc trực thăng vũ trang AC-119K, 28 chiếc máy bay chiến đấu A-1, 32 máy bay vận tải C-130A, 90 oanh tạc cơ loại nhẹ A-37, 118 phản lực cơ chiến đấu F-5A và và 23 phi cơ thám thính điện tử EC-47. Bắc việt cũng vội chuyên chở vũ khí cho quân đội của họ ở miền Nam nhưng với số lượng thua xa Mỹ .
Quân đội VNCH chiếm ưu thế trên khắp các mặt trận, BV bị thiệt hại rất nặng trong trận thảm bại 1972. VNCH kiểm soát các khu vực sầm uất thịnh vượng, các đường giao thông, khu đông dân cư, kiểm soát 80% đất đai và 87% dân số, Hà Nội thông báo cho các lực lượng của họ ở miền Nam biết phải chở ít nhất từ 3 cho tới 5 năm sau mới thực hiện được tổng tấn công: Một Tướng lãnh CSBV viết:
“ Quân đội ta kiệt lực, các đơn vị tan rã. Chúng ta vẫn chưa bù đắp nổi chỗ thiếu hụt. Chúng ta thiếu nhân lực cũng như lương thực và đạn dược, rất khó đương đầu với địch”. (No More Vietnams, p. 171)

Nhưng chẳng bao lâu, 6 tháng sau Hiệp Định Paris, giữa năm 1973 Quốc Hội Dân Chủ cắt viện trợ VNCH từ 2 tỷ 1 năm 1973 còn 1 tỷ 4 cho năm 1974 và năm 1975  chỉ còn 700 triệu (4), giữa năm 1973 Quốc Hội cũng cắt hết ngân khoản oanh tạc Đông Dương của Hành Pháp.
            Dân Chủ chiếm đa số Quốc Hội, họ kết hợp với Phản chiến và và Truyền thông nên rất mạnh. Sau khi TT Nixon từ chức, cuộc bầu cử Hạ Viện ngày 4-11-1974 khiến Dân Chủ thêm 49 ghế thành 291 (67%), Cộng Hòa mất 48 ghế chỉ còn 144 (33%), tại Thượng Viện Dân Chủ chiếm 60 ghế (60%), Cộng Hòa 38 ghế (38%).
Trong khi ấy viện trợ của CS quốc tế cho BV năm 1973, 1974 không thay đổi, họ mang vào Nam nhiều súng đạn hơn vì không còn bị oanh tạc trên đường mòn Hồ Chí Minh. Trong cuộc Hội thảo qui mô tổng kết cuộc chiến tranh VN vào ngày 14 và 15-4-2006 tại Sài Gòn, Viện Lịch sử quân sự VN đã cho biết. (5)
- Trong giai đoạn 1969-1972 Tổng số hàng viện trợ của CS quốc tế riêng về vũ khí gồm 684.666 tấn
- Trong giai đoạn 1973-1975 Tổng số viện trợ của CS Quốc tế riêng về vũ khí gồm 649.264 tấn .
Như trên số vũ khí họ mang vào Nam qua hai giai đoạn ngang nhau. Viện trợ vũ khí của CS Quốc tế cho CSBV không thay đổi.
Ngoài ra theo Kissinger, cuối năm 1974, một viên chức cao cấp Nga, Tham Mưu Trưởng Liên Quân Viktor Kulikov có tới Hà Nội, những tháng sau đó số viện trợ quân sự do tầu Nga chở tăng gấp 4 lần trước (Soviet shipments of materiel increased fourfold in the months that followed) (6)

Năm 1973 Miền Nam còn rất mạnh nhưng từ năm sau, họ cắt giảm Viện trợ quân sự 50% mỗi năm, trong khi đó VC vẫn vi phạm Hiệp Định, đánh phá khắp nơi. Ngày 30-6-1973, Quốc Hội cắt ngân khoản oanh tạc Đông Dương gồm Nam VN, Bắc VN, Miên, Lào... khiến cho Nixon bị trói tay, không còn quyền hành đành phó mặc cho CSBV tự do xâm chiếm miền Nam (7).

Trong khi miền Nam dân chủ tự do, miền Bắc  nằm dưới ách ách độc tài của Lê Duẩn mà giới nghiên cứu Tây phương gọi là độc tài theo kiểu Staline. Từ năm 1960 khi Lê Duẩn nắm quyền sinh sát cho đến ngày y nhắm mắt năm 1986, suốt một phần tư thế kỷ đất nước không lúc nào ngớt cảnh máu chẩy thịt rơi.
Chiến lược thí quân kinh hoàng của Duẩn khiến người Mỹ cũng phải sợ, một Thiếu tướng Mỹ bi quan nói cho dù ta giết hết VC cũng không thắng nổi. Lê Duẩn đã phung phi xương máu của thanh niên miền Bắc để thỏa mãn tham vọng bệnh hoạn của y như thế nào.
Phim The Vietnam War 2017 chiếu cảnh các cán binh BV lục soát trực thăng Mỹ bị bắn rơi để tìm đồ hộp, họ nói bộ đội chỉ được cấp gạo và muối, phải tự tìm đồ ăn, bắt chim, chuột, hái rau rừng... CS đã bóc lột tàn nhẫn xương máu người lính.
Trong cuốn 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh của tác giả Đặng Phong (xuất bản 2008, Hà Nội) trang 54 viết.
“Đại Tá Nguyễn Danh nói về các trạm lúc đó:
“Gọi là trạm thực ra chỉ là một góc rừng quy ước với nhau để đến đó giao hàng, chứ có lều lán gì đâu! Mùa khô ráo anh em gom lá cây lại, lót tạm mỗi người một cái ổ, hệt như ổ lợn rừng, lúc nào ngủ thì rúc vào đó. Vài ba ngày sau rời trạm sang góc rừng khác, lại phải tãi ổ ra, trả lại lá rừng như cũ để xóa dấu vết. Khổ cực nhất là những tháng mùa mưa, có đêm phải trùm nylon ngồi dựa lưng vào gốc cây mà ngủ và ngủ vật. Chúng tôi sống như vậy không phải một tháng, một năm mà những ba năm liền...”

Chế độ đã hạ thấp giá trị con người xuống hàng súc vật, khốn khổ đến thế là cùng Tình báo CSBV.
Vấn đề đặt ra là tình báo CSBV có biết miền Nam VN bị kiệt quệ về tiếp liệu, đạn dược do cắt giảm của Quốc Hội Mỹ hay không? Theo Kissinger thì họ có biết, ông dựa theo báo Học Tập của đảng CSBV, họ theo dõi việc cắt giảm viện trợ của Mỹ như sau:
“Hỏa lực ngụy suy giảm rõ rệt, trong quí ba 1974 hỏa lực quân ngụy giảm khoảng ba phần tư so với năm 1973. Số phi vụ của máy bay chiến thuật địch chỉ vào khoảng một phần năm (1/5) so với năm 1972.  Số máy bay của miền Nam đã giảm tới 70% so với thời kỳ chiến tranh giới hạn (thời TT Johnson), số máy bay lên thẳng giảm tới 80%.... Bom đạn trong kho của quân ngụy  đã giảm và chúng cũng gặp khó khăn vô cùng về thiếu nhiên liệu cũng như bảo trì, sửa chữa, và xử dụng các loại máy bay, xe tăng, tầu chiến và vũ khí nặng (8)
Tướng Cao Văn Viên

           
Về điểm này ông Cao Văn Viên nói (9).
Xin sơ lược:
Một bài viết tháng 1-1975 trên tạp chí Học Tập của CSVN mở Hội thảo lần thứ 23, họ sắp mở cuộc Tổng tấn công miền nam VN và kế hoạch của họ.
Phía VNCH, ngày 6 tháng 12-1974, TT Thiệu chủ tọa một buổi hội thảo cao cấp tại Dinh Độc Lập. Buổi họp gồm các vị Tư Lệnh Vùng và các Sĩ quan cao cấp. Buổi họp kết luận năm 1975 CS sẽ tấn công miền Nam để phá hoại cuộc bầu cử VNCH năm 1975 và gây tiếng vang trong cuộc tranh cử Mỹ năm 1976.  Buổi họp kết luận cán quân quân sự nghiêng về phía địch, chúng đã chở vào Nam đủ đạn dược cho cuộc Tấn công kéo dài 18 tháng.
TT. Nguyễn Văn Thiệu

Trong Decent Intreval của Frank Snepp, văn phòng CIA ở Sài Gòn đã cho biết về buổi họp này.
Một điệp viên trong bộ tham mưu thân cận của Tổng Thiệu đã gửi một bản báo cáo tối mật về những kế hoạch và ước đoán của chính phủ Sài Gòn cho Bắc Việt, (Trần Đông Phong có trích dịch chi tiết này trong cuốn VNCH, 10 Ngày Cuối Cùng).
Chuyện gián điệp tại dinh Độc Lập chắc có thật vì Tướng Văn Tiến Dũng, người chỉ huy trận chiến xâm lược miền Nam 1975 đã ghi nhận trong hồi ký như sau (10)

            “Theo tin tình báo của ta, trong hai ngày 9 và 10 tháng 12 năm 1974, trong dinh Độc Lập, Thiệu họp với bọn Tư lệnh các quân đoàn, quân khu ngụy để phán đoán hoạt động của ta trong năm 1975. Bọn chúng nhận định.
Kissinger

Trong năm 1975, ta có thể đánh với qui mô lớn hơn năm 1974 nhưng không như năm 1968 và không bằng năm 1972. Ta chưa có khả năng đánh thị xã lớn hoặc thành phố, dù có đánh cũng không giữ được. Ta chỉ có thể đánh loại thị xã nhỏ và cô lập như Phước Long, Gia Nghĩa.....
            Do nhân định như vậy, chúng không thay đổi thế bố trí chiến lược mạnh hai đầu (quân khu 1 và quân khu 3) và chúng cũng chưa có sự tăng cường lực lượng gì lớn ở quân khu 2, trong đó có Tây Nguyên. (Trang 40, 41)

Trang 28, 29 trong cuốn hồi ký kể trên, Văn Tiến Dũng nói:
“Hội Nghị Bộ Chính (18-12-1974 tới 8-1-1975) có ý nghĩa lịch sử..... Bộ Chính trị nêu quyết tâm “Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 1975-1976 đẩy mạnh quân sự, chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện ..... tạo điêu kiện chín mùi tiến hành tổng công kích, Tổng khởi nghĩa..”
Văn Tiến Dũng

Kế hoạch của Hà Nội đã được ghi nhận như sau:
“Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính Trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976: năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam.”

Như vậy rõ ràng là CSBV không hề hay biết miền Nam đã gần hết đạn, ông Cao Văn Viên trong cuốn The Final Collapse (2003) kể trên đã nói rõ trong trang 90 như sau:
“Tháng 2-1974, chúng ta làm một dự đoán, căn cứ vào mức tiết kiệm tối đa trong vấn đề tác xạ, đến tháng 6-1975, số đạn tồn kho sẽ tuột xuống còn 57 tấn hay chỉ đỉ cung ứng cho chiến trường trong vòng 24 ngày...”

Trang 92 ông nói vào đầu năm 1975, đạn dược các loại súng lớn, nhỏ chỉ đủ dùng khoảng 30 ngày, nghĩa là một tháng.
Tiếp liệu của VNCH đã cạn chỉ còn đủ xử dụng tới đầu năm 1975 thế mà Hà Nội đã thảo kế hoạch xâm lăng miền Nam trong 2 năm 1975, 1976. Họ phải bỏ hai năm mới chiếm được miền Nam thì ta đủ thấy tình báo chiến lược CSBV tồi tệ, gà mờ cỡ nào? Trong phim tài liệu Việt Nam Thiên Sử truyền hình (Vietnam History by Television) tôi xem ở VN giữa thập niên 80, Tướng Văn Tiến Dũng trả lời phỏng vấn ngoại quốc cũng nói y như thế. Bộ Chính Trị đã dự trù kế hoạch 2 năm 1975 và 1976 để xâm chiếm miền Nam. Họ cho người rình rập nghe ngóng nhân dân, đưa nằm vùng vào lãnh thổ quốc gia làm gián điệp thì không ai bằng, sự thực địch chỉ lấy được những tin lặt vặt về chiến thuật và không có khả năng thu lượm những tin tức có tầm vóc chiến lược..

Henry Kissinger dẫn báo Học Tập nói CSVN đã biết tình trạng thiếu hụt của miền Nam. Nhưng BV chỉ dựa vào các tin tức từ truyền thông Mỹ về việc Quốc Hội cắt giảm viện trợ, cụ thể chúng không biết tường tận chi tiết việc thiếu hụt trầm trọng của ngụy quân.
Sáu tháng sau Hiệp Định Paris, Quốc Hội Dân Chủ Mỹ cắt giảm viện trợ VNCH 50% cho tài khóa năm sau, đồng thời họ cũng cắt ngân khoản các cuộc oanh tạc Đông Dương của Hành Pháp. Mỹ sẽ không còn oanh tạc yểm trợ tại Đông Dương nữa dù CSBV vi phạm ngưng bắn, dù chúng đưa quân xâm chiếm miền Nam.

Trong trận Tổng công kích của BV từ tháng 4 tới tháng 9 năm 1972, mặc dù Quân đội VNCH đầy đủ tiếp liệu nhưng vẫn phải nhờ vảo hỏa lực yểm trợ của Không quân Mỹ. Nay nửa triệu quân Mỹ và 50 ngàn Quân đồng minh đại Hàn, Úc...  đã rút đi, VNCH phải gánh vác toàn bộ chiến trường với quân viện cắt giảm và không còn yểm trợ của B-52 nên không thể nào tự vệ nổi. Thật buồn cười là khi VNCH đang chết dở vì thiếu thốn, CSBV quá mạnh nhờ viện trợ của CS Quốc tế mà chúng đã dự trù hai năm để chiếm miền Nam!!

Tháng 12-1974, trong cuộc Hội thảo cao cấp tại Dinh Độc Lập, TT Thiệu vẫn lạc quan tin tưởng địch không đủ mạnh để đánh vào các thành phố lớn, ông vẫn tin tưởng Hoa Kỳ sẽ không bỏ miền Nam, sẽ tiếp tục viện trợ để giữ vững mảnh đất này, có lẽ Hà Nội cũng tin như vậy.

Toàn bộ lực lượng bộ binh chính qui của BV được đưa vào Nam năm 1975 gồm bốn Quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Quân đoàn đoàn 232, mỗi Quân đoàn có 3 Sư đoàn tổng cộng 15 Sư đoàn, cộng thêm một Sư đoàn đặc công và trên 10 trung đoàn độc lập (11) Tổng cộng vào khoảng 20 Sư đoàn bộ binh. Năm 1972 VNCH đầy đủ nhiên liệu và đạn dược mà còn phải dựa vào yểm trợ của B-52, trái lại năm 1975 thiếu thốn mọi mặt, hoả lực VNCH giảm 60% vì cắt viện trợ xương tủy trong khi lực lượng BVgấp hai lần năm 1972, vũ khí đạn dược gấp ba lần năm 1972 (Báo Saigon giải phóng 1976 tiết lộ). Tình hình 1975 bi đát như thế mà cuối năm 1974 ông Thiệu vẫn  vẫn chủ quan tin tưởng CSBV chưa phục hồi được sau trận mùa hè đỏ lửa, họ chưa có khả năng đánh vào các thành phố lớn.

Thiếu Tướng Trần Văn Nhật, cựu Tư lệnh Sư đoàn 2 nhận xét  ông Thiệu không có tầm nhìn xa.
“Việc ông sửa đổi Hiến Pháp để làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa chứng tỏ ông đã không nhìn thấy việc Hoa Kỳ sắp bỏ rơi Việt Nam và đã làm xáo trộn thêm tình hình chính trị trong nước. Như tướng Khiêm phải ra mặt chống đối Tổng Thống Thiệu vì ông Thiệu không giữ lời hứa là sau hai nhiệm kỳ làm Tổng thống thì tới phiên ông Khiêm.”
( Cuộc Chiến Dang Dở trang 273)

BV chỉ biết miền Nam hết tiếp liệu khi có cuộc triệt thoái miền Trung tháng 3-1975, Ban Mê Thuột thất thủ ngày 11-3, hôm sau 12-3 Hạ Viện Mỹ biểu quyết cắt 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc cho VNCH.

Quân viện cho miền Nam 1975 chỉ còn 700 triệu, họ đưa trước 400, và từ chối đưa tiếp phần còn lại. BV chỉ mới biết miền Nam đã kiệt quệ đạn dược qua báo, đài. Khi miền Trung sụp đổ, Hà Nội vội vã đưa nốt 3 Sư đoàn tổng trừ bị (thuộc Quân đoàn 1) ở ngoài Bắc vào Nam để tấn công Sài Gòn trước mùa mưa, chúng dốc toàn lực vào Nam đánh một trận “xả láng sáng về sớm”. Kissinger nói trong phiên họp Nội các:

“Toàn bộ lực lượng của Quân đội BV đưa hết vào Nam, ta chỉ cần một Lữ đoàn Thủy quân lục chiến có thể chiếm miền Bắc: Một sự vi phạm Hiệp định Paris trắng trợn” (12)

Sau khi Quốc Hội từ chối khoản viện trợ cứu nguy, ông ta nói:
“chúng ta không còn tiền để chơi tiếp ván bài, We have no chip left”
Thủy Quân Lực Chiến chờ lệnh di tản.
Di tản miền Trung
Giữa tháng 12-1974 Hà Nội đưa 3 sư đoàn chính qui tấn công Phước Long để thăm dò Mỹ, ngày 7-1-1975 họ chiếm được toàn tỉnh. (“Phuoc Binh was a test case.” Kissinger, Years of Renewal trang 484)
Ông Thiệu không cho tiếp cứu lấy lý do không đủ lực lượng, nhiều nhận định nói ông cố tình để mất với mục đích chờ Mỹ cứu. TT Ford chỉ phản đối xuông nên BV chuẩn bị đánh tiếp những trận đẫm máu để chiếm miền Nam

Ngày 16-3-1975 ông Thiệu cho lệnh triệt thoái Quân Đoàn II tại Cao nguyên kết quả là 75% lực lượng bị hủy hoại sau khi về tới Tuy Hòa ngày 27/3. Quân đoàn I cũng sụp đổ ngày 29/3. Một phần do sự sai lầm của ông Thiệu nhưng nguyên do chính là sự kiệt quệ tiếp liệu do cắt giam viện trợ, khi ấy Hà Nội mới biết VNCH gần hết đạn, thiếu săng, tiếp liệu...
Nhiều người chỉ trích TT Thiệu tháu cáy Mỹ, giả vờ thua chạy tại Cao nguyên để hy vọng họ oanh tạc cứu nguy nhưng ông quá lạc quan, người ta đã có chính sách rút bỏ Đông Dương
Larry Berman nói người Mỹ chấm dứt can thiệp một cách có danh dự bằng Hiệp Định. Người dân, Quốc Hội sẽ không còn nghĩ tới việc yểm trợ cho đồng minh vì một nguyên nhân (cuộc chiến) gần như đã hết rồi (13)

Sau trận Tết Mậu Thân 1968, người Mỹ quá chán chiến tranh VN, họ biểu tình dữ dội liên tục đòi phải rút bỏ Đông Dương, sự sụp đổ của miền Nam đã bắt đầu từ tháng 2-1968, TT Johnson người đã nắm giữ vận mệnh Đông Dương và sự sinh tồn của mảnh đất này quá nhiều lầm lẫn.
Cho dù ông Thiệu chống đối ký kết Hiệp Định cũng chỉ là hành động đơn phương không ảnh hưởng gì tới người Mỹ. Các vị Trưởng khối Quốc Hội đã cho Nixon biết nếu VNCH không chịu ký kết họ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh rút quân về nước, tình hình sẽ vô cùng thê thảm.

Kết luận:
Nếu CSBV biết miền Nam hết đạn, cạn kiệt tiếp liệu họ sẽ tấn công sớm hơn ít nhất là 6 tháng hay từ đầu năm 1974.
Nửa năm sau Hiệp Định Paris, tức tháng 6-1973, Quốc Hội Dân Chủ cắt giảm 50% viện trợ quân sự cho VNCH, đồng thời họ cũng cắt hết ngân khoản oanh tạc Đông Dương của Hành Pháp Nixon (14) là lúc miền Nam đã bị trói tay chờ chết.

Trước và sau 1975 nhiều người miền Nam ca ngợi tình báo CSBV thật tài tình vì sau ngày 30-4, tại các cơ sở tôn giáo, hành chánh, thậm chí cơ quan cảnh sát, quân đội.. đều có VC nằm vùng. Người ta phục CS cài người giỏi, khi nghe tin tại Dinh Độc Lập có VC nằm vùng ai nấy đều thở dài bi quan vì địch đã biết hết mọi chuyện cơ mật rồi.
Nhưng thực ra BV chỉ hù dọa đối phương và “nổ zăng miểng”, bằng chứng là chuyện to đùng ngay trước mắt mà chúng không hề  hay biết, nhờ đó miền Nam còn tồn tại thêm được hơn một năm.

Nhiều người chê trách ông Thiệu nếu cứ tiếp tục đánh hồi tháng 3-1975 thì chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”. Thực ra với tình hình cắt giảm viện trợ xương tủy của Quốc Hội Dân Chủ như thế ta chỉ kéo dài cuộc chiến thêm mấy tuần hay một tháng là cùng, nó sẽ gây thêm tang thương đau khổ một cách vô ích.

Nhưng sự sai lầm của ông Thiệu cũng đã mang lại nhiều cái hay khác. Nếu ông đích thân ra mặt trận hối thúc binh sĩ chiến đấu tới cùng như quân Đức vào tháng 4-1945 tại Bá Linh thì không những cả hai bên đều thiệt hại nặng mà địch sẽ tàn phá miền Nam vô cùng tàn nhẫn. Chúng sẵn sàng cắm cờ trên đống gạch vụn của Nha Trang, Sài Gòn, Đà Nẵng... Chúng sẽ tàn sát tù binh và tắm máu miền Nam y như hồi Tết Mậu Thân năm 1968.

Nói ra thì chuyện đã rồi, cuộc chiến tranh VN tùy thuộc vào quân viện, bên nào nhiều tiếp liệu đạn dược thì bên đó thắng. Người Mỹ quá sợ hãi cuộc chiến tranh Việt Nam vì không biết bao giờ nó mới chấm dứt và nhất là địch sẵn sàng đem mấy chục cán binh đổi mạng một tên lính Mỹ để thúc đẩy phong trào phản chiến.
Sau một phần tư thế kỷ can thiệp vào Đông Dương nay họ đành dứt bỏ ra đi, một phần vì quá chán nản với cuộc chiến tranh dài nhất của Thế kỷ và vì lý do của cuộc chiến nay đã không còn.
Vấn đề đăt ra là nước Mỹ có bị sứt mẻ uy tín khi phản bội các đồng minh Việt Mên Lào của họ hay không? Dĩ nhiên là có, nay mặc dù các quốc gia Đông Nam Á đang hốt hoảng vì hiểm họa Trung Hoa đỏ nhưng họ cũng không theo Mỹ như ta đã thấy.
Lê Duẩn, người nhiều quyền lực nhất tại miền Bắc đã gặp nhiều may, nếu không có phong trào phản chiến thì dù y có đầy thêm một vài triệu thanh niên vào chỗ chết cũng chỉ làm mồi cho Pháo đài bay B-52 một cách vô ích.
Những người hân hoan sung sướng nhất của cuộc chiến 1975 là các bà mẹ miền Bắc: con em họ từ nay sẽ không phải phơi thây trên dẫy Trường Sơn hay bỏ xác tại mảnh đất xa xăm phía Nam của đất nước.
Những kẻ đã gây lên cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn, núi xương sông máu sẽ phải đời đời đắc tội với Non sông Tổ quốc.
Viết cho ngày 30-4-2020
Trọng Đạt

(1) Tập Hồi Ký cuối cùng của tác giả Kissinger, dầy 1,100 trang
(2) Larry Berman:  No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam- trang 200.
(3) No More
VietNams, trang 1970, 1971
(4) Kissinger trong Years of Renewal trang 471
(5) BBC Vietnamese.com ngày 10-5-2006 Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh, Cuộc Hội thảo tại TP HCM ngày 14 và 15-4
(6) Years of Renewal, Indochina tradegy- The Beginning of  the End, trang 481.
(7) Richard Nixon, No More Vietnams trang 180
(8) Years of Renewal trang 480
(9)The Final Collapse, Những Ngày cuối của VNCH, Nguyễn Kỳ Phong dịch, năm 2003 (trang 94- 97)
(10) Đại Thắng Mùa Xuân, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội 2003
(11) Cao Văn Viên Những ngày cuối của VNCH trang 158. Nguyễn Đức Phương,  Chiến tranh VN toàn tập trang 901
(12) Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam- trang 266.
(13) Sách kể trên, trang 200
(14) Richard Nixon, No More Vietnams, trang 180

Aucun commentaire: