Sơn Nam (1926 – 2008) là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn
hóa Việt Nam nổi tiếng. Ông tên thật là Phạm Minh Tài sinh ngày 11 tháng 12 năm
1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái,
huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Ngoài ra, ông còn có bút danh Phạm Sào Nam.
Nhà văn
Sơn Nam đã viết nên nhiều tác phẩm dấu ấn, ông được nhiều người gọi yêu là “ông
già Nam Bộ,” “ông già đi bộ,”
“pho từ điển sống về miền Nam” hay là “nhà Nam Bộ
học.” Toàn bộ các sáng tác của ông được Nhà xuất bản Trẻ tại thành phố Sài Gòn
mua bản quyền.
Ông qua đời
ngày 13 tháng 08 năm 2008 tại Sài Gòn. (Theo Wikipedia) * TVG
Sơn Nam kể
với tôi:
“Hồi tao mới
lên Sài Gòn kiếm sống, một lần bà già tao từ quê lên hỏi: ‘Mày lên đây làm gì để
sống?’ – ‘Viết văn.’ Bà già hỏi lại: ‘Viết văn là làm gì?’ Tao thưa: ‘Viết văn
là có nói thành không, không nói thành có (!)’ Bả nổi giận mắng: ‘Mày là
thằng đốn mạt.’ Tao không cãi, chỉ làm thinh! Sau chừng như thương con quá, bà
lại hỏi: ‘Thế viết văn có sống được không?’ Tao bảo: ‘Viết một giờ bằng người
ta đạp xích lô cả ngày!’ Bả thấy vậy không hỏi gì nữa rồi lặng lẽ ra về.”
Sơn Nam đã viết
văn từ đó đến nay, 50 năm có lẻ. Tập truyện nổi tiếng nhất của ông là “Hương
rừng Cà Mau” đã tái bản nhiều lần. Ông được độc giả tấn phong là nhà “Nam
bộ học” với hàng loạt tác phẩm khảo cứu: “Lịch sử khẩn hoang miền
Nam,” “Đồng bằng sông Cửu Long,” “Văn minh miệt vườn,” “Cá tính miền Nam,” “Bến
Nghé xưa…” Ông rành về phong tục, lễ nghi, ẩm thực của dân Nam bộ.
Mỗi buổi sáng, ông thường uống cà phê ở quán sân Nhà truyền thống quận Gò Vấp
đường Nguyễn Văn Nghi. Ai có việc gì cần hỏi về đất nước con người Nam bộ thường
ghé tìm ông ở đó. Kể cả mời ông đi tế lễ ở đình chùa! Có người làm ăn khá giả
tìm ông để biếu ít tiền uống cà phê (!)
Dạo nhà xuất bản
Trẻ thành phố Sài gòn tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập, có mời ông với tư cách là
cộng tác viên ruột lên phát biểu trong buổi lễ long trọng đó. Ông nói ngắn gọn:
“Tôi sức yếu
quá, nếu khỏe như Huỳnh Đức thì đã đi đá banh rồi. Lại xấu trai nữa, nếu không
đã đi đóng phim như Chánh Tín từ lúc còn trẻ. Vừa ốm yếu lại vừa xấu trai nên đành
đi viết văn vậy. Bây giờ Nhà xuất bản Trẻ làm ăn khấm khá, các anh chị có cơm
ăn, tôi cũng có chút cháo!”
Mọi người cười rộ.
… Dạo Sài
Gòn kỷ niệm 300 năm, Sơn Nam có theo một đoàn phim ra Quảng Bình dự lễ tưởng niệm
Tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh người Quảng Bình có công khai phá đất Nam bộ. Khi
làm lễ, Sơn Nam giở gói đồ khăn đóng áo dài của mình đem từ Sài Gòn ra, mặc vô
và tế lễ rất đúng bài bản. Các cụ Quảng Bình khen nức nở:
“Trong Nam
người ta có lễ hơn cả mình ngoài này!”
Sơn Nam
nói:
“Trong Nam
cũng có nhiều thằng lưu manh lắm, nhưng cử người đi xa, phải cử thằng có lễ chớ!”
Các cụ Quảng
Bình ngẩn người!
Trong giới nhà
văn, Sơn Nam là tác giả được một nhà xuất bản lớn ở thành phố Sài gòn mua bản
quyền hầu hết tác phẩm. Khi tôi hỏi nhà văn giá bao nhiêu ông lắc đầu: “Bí
mật” (!)
Những lần trà dư
tửu hậu với Sơn Nam như thế, tôi thường mời ông ăn trưa, vì biết ông đi bộ đến
quán cà phê rồi ở đó đến tối mới về. Vào quán, bao giờ ông cũng
kêu:
“Cho cái món
gì rẻ nhất, ngon nhất, và ngồi được lâu nhất (!)”
Sơn Nam để lại
cho đời một sự nghiệp sáng tạo thật đồ sộ. Bao gồm nhiều đầu sách khảo cứu,
truyện ngắn, tiểu thuyết. Đọc Sơn Nam người ta kinh ngạc về sự độc đáo của văn
phong. Ông viết như nói, như một ông già Nam bộ kể chuyện đời trong quán cà
phê. Nhưng sức nặng của thông tin và cảm xúc của người viết khiến lời văn biến
hóa khôn lường. Đừng có ai đi tìm thể loại hay bố cục trong một truyện ngắn hay
một cuốn sách của Sơn Nam. Nhưng đã chạm đến nó là phải đọc đến trang cuối. Vì
càng đọc càng thấy yêu nhân vật của ông. Càng thấy yêu mảnh đất Nam bộ, miền cực
nam của đất nước.
Lần cuối cùng
tôi gặp Sơn Nam là cách đây vài tháng, tại nhà riêng của ông ở một con hẻm đường
Đinh Tiên Hoàng. Hôm đó tôi đem một cái nhuận bút của báo Cà Mau về cho ông.
Không ngồi dậy được, ông phải nằm tiếp khách. Bất ngờ ông hỏi
tôi:
“Một tỷ là
bao nhiêu tiền hả mày?”
Câu này ông đã hỏi
tôi một lần, nghĩ là ông hỏi giỡn, nên lần đó tôi không trả lời. Nay ông lại hỏi,
nên tôi thưa:
“Là một nghìn
triệu ‘Bố’ ạ!”
Ông trợn mắt:
“Dữ vậy?”
Tôi
nói:
“Không
tin ‘Bố’ hỏi con gái ‘Bố’ kia kìa!”
Khi biết rõ một
tỷ là một nghìn triệu, nét mặt nhà văn nặng trĩu ưu tư. Có lẽ ông đang nghĩ đến
những vụ tham ô, lãng phí cả trăm tỷ, ngàn tỷ mà ông đọc được trong những xấp
báo đang để quanh người ông kia!
Nếu ai hỏi tôi về
Sơn Nam, tôi sẽ trả lời:
“Sơn Nam
là một nhà văn rất vui tính, đã… chết vì quá buồn!”
13-8-2008
Sơn Nam đã đi xa. Nhiều người bây giờ còn nhớ câu nói dí dỏm
của ông:
“Làm văn
chương là nghèo rồi. Nếu làm nghề này mà giàu được thì Ba Tàu Chợ Lớn đã làm rồi!”
Lúc còn sống,
Sơn Nam ý thức một cách rõ ràng về cái sự nghèo của nhà văn. Bây giờ thì Sơn
Nam của chúng ta không còn nữa. Nhưng nghĩ cho kỹ thì ông không nghèo. Trái lại,
rất giàu có là đàng khác. Ngắm ngôi nhà lưu niệm Sơn Nam tọa lạc trên một thế đất
2000 mét vuông, nhìn ra phong cảnh cỏ cây, sông nước và những gì có trong ngôi
nhà đó, người ta phải suy nghĩ như thế.
Ngày 13 tháng 7
năm Canh Dần, tức ngày 22 tháng 8 năm 2010, nhà lưu niệm Sơn Nam được vợ chồng
chị Đào Thúy Hằng, con gái của nhà văn khánh thành nhân ngày giỗ thứ hai của
ông, tại ấp 4 xã Đạo Thạnh ngoại ô thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Là một
công trình văn hóa “phi chính phủ” nên ngày khánh thành không có giấy mời
in ấn, dấu mộc nhiêu khê. Chỉ nhắn bằng điện thoại, ai biết thì tới.
Nhà xây ba gian
hai chái, hàn hiên rộng, thoáng mát, có cửa lá sách thông với ba gian bên
trong. Một kiểu nhà ba gian hai chái ở miền Bắc, được các phú hào ở Nam bộ cải
tiến cho hợp với miền Nam xứ nóng quanh năm. Đặc biệt, mái ngói hai tầng làm
cho ngôi nhà rất bề thế. Anh Nghị, con rể nhà văn cho hay, chính anh lái máy ủi
để ủi đất tạo thế một quả đồi thấp làm nền cho ngôi nhà. Vì thế, đứng từ thềm
nhà nhìn ra, thấy được cả phong cảnh cỏ cây, sông nước phía trước. Để có được
phong cảnh này, vợ chồng chị Hằng đã phải chắt chiu mua lại từng mảnh đất nhỏ của
5-6 chủ đất phía trước nhà trong gần hai năm. “Ông bà ta chỉ xây dựng
phong cảnh một ngôi chùa, chứ không xây dựng một ngôi chùa.” Nguyễn
Đình Thi đã có nhận xét xác đáng như vậy về kiến trúc đình chùa nước ta. Điều
này rất đúng với nhà lưu niệm Sơn Nam.
Ấn tượng nhất là
ngay lối trước sân, phía bên phải là tượng Sơn Nam tạc trên một phiến đá dựng đứng,
bên trái là bút tích, cũng được tạc trên đá: bài thơ duy nhất của ông, không đề,
mà ông lấy làm lời tựa cho cuốn “Hương rừng Cà Mau” trong đó có hai câu
kết mà bao nhiêu người thuộc:
“Phong sương
mấy độ qua đường phố
Hạt bụi
nghiêng mình nhớ đất quê.”
Tôi đặc biệt
thích thú một cái máy chữ cổ, do một sinh viên có tên là Bùi Thế Nghiệp tặng
nhà lưu niệm, kèm theo lá thư Sơn Nam viết lúc tặng anh cái máy. Số là, sinh
viên Nghiệp là bạn đọc hâm mộ nhà văn… Cậu thường chở nhà văn đi chơi (Sơn Nam
không biết đi xe đạp, xe máy – LPK). Lúc nhà văn bệnh nặng vào năm 2005, Nghiệp
đến xin nhà văn một kỷ vật gì đó, phòng khi ông đi xa. Nhà văn đã cho anh cái
máy chữ kèm theo lá thư nhỏ chứng nhận đây là máy chữ của Sơn Nam tặng. Nay đọc
báo biết có nhà lưu niệm Sơn Nam, Nghiệp đến tặng lại.
Với những nhà
lưu niệm do người dân tự tạo nên như nhà lưu niệm Sơn Nam, ai dám bảo đồng bằng
sông Cửu Long là “vùng trũng văn hóa?”
Lê Phú Khải
(Trích “Hồi ký Lê Phú Khải”)
Trần Văn Giang (ghi lại)
* * *
Bài đọc thêm
Phản hồi
(Reply) của đồng môn Bùi Xuân Cảnh
Tôi rất
thích đọc Sơn Nam. Nhưng tôi ghét lão này, vì lão phản bội Miền Nam. Tôi
khinh lão vì lão Ăn Cháo Đá Bát.
Mời các bạn đọc
một đoạn ông Hoàng Hải Thủy viết về tên “Đá Bát” này:
BXC
*
Anh Văn sĩ
Sơn Nam cũng vô ơn như Trịnh Công Sơn, tất cả những tác phẩm của Sơn Nam đều được
viết ở Sài Gòn từ năm 1954. Sơn Nam thành danh Nhà Văn, Nhà Biên Khảo ở Sài
Gòn. Chính quyền VNCH biết anh là dân kháng chiến làm văn nghệ ở khu về thành,
nhưng chỉ bắt giam anh khoảng một năm, rồi thả anh, cho anh ở Sài Gòn anh tự do
viết sách. Sơn Nam thành danh là nhờ chính quyền VNCH nương tay cho sống. Những
người có quyền, có thể bắt giam anh, hay bằng cách này hay cách khác, ngăn cấm
anh hành nghề viết sách, chắc đã nghĩ rất có tình người về cá nhân Sơn Nam: “Hắn
ở khu Việt Minh về, nhưng hắn chịu ở yên, không quấy phá, để cho hắn sống, khi
nào hắn quậy phá ta sẽ tính.” Nhờ sự đại lượng ấy Sơn Nam mới sống được trong
20 năm ở Sài Gòn, mới viết được những tác phẩm biên khảo làm anh nổi tiếng. Như
Vương Hồng Sển chịu ơn Quốc Gia trong 70 năm, Sơn Nam chịu ơn Quốc Gia VNCH
trong 20 năm, lẽ ra Y phải biết ơn Quốc Gia VNCH.
Nhưng như
Vương Hồng Sển, Y ta – Sơn Nam – đã trâng tráo vô ơn với Quốc Gia VNCH. Y là một
trong những thằng văn nhân vô hạnh ăn cháo đái bát. Y chết, nhiều người viết ở
hải ngoại viết bài thương tiếc Y, đề cao Y, bùi ngùi nói lời vĩnh biệt Y, chúc
Y yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng!
Không có
tôi trong số những người đó.
( Cũng không
có BXC )
Mời quí vị đọc
vài đoạn văn Sơn Nam viết trong cái gọi là “Hồi Ký 20 Năm giữa lòng Đô Thị,”
xuất bản ở Sài Gòn năm 2002. Đây là đoạn “Đái Bát Sơn Nam” viết về trận đánh Tết
Mậu Thân:
Sơn Nam. Hồi Ký. Tập 3. Trang 77, 78, 79.
Hừng sáng, thức
dậy khi nghe người hàng xóm gọi. Đài Truyền Hình, bấy giờ còn mới mẻ cứ phát
mãi nhiều lần bản nhạc mừng Xuân! Bấy giờ, máy truyền hình mới nhập, giá cao,
trong xóm chẳng mấy người mua sắm nổi. Đến quán cà phê đầu đường hẻm, vài người
ăn nói bình thản:
– Đài truyền
hình mà ngọng nghịu.
Truyền hình
mà ngọng nghịu, ắt là nhân viên đi vắng, biệt tăm tích. Nhất định là có đảo
chánh nữa. Không biết tụi Mỹ muốn cái gì.
Nhưng súng lại
nổ đì đẹt xa xa. Cái gì đây? Xe buýt không còn chạy như ngày thường. Lập tức,
tôi gọi xích lô máy đi về phiá Quận Nhất, nơi tập trung các tờ nhật báo lớn. Nhất
định là dịp này các phóng viên tha hồ săn tin. Nhưng chưa chi, anh phu xích-lô
dừng lại ngay Ngã Sáu — Lý Thái Tổ, nơi có chừng 5 chiếc xe tải đậu lại, chặn
giữa lòng đường, ngổn ngang. Anh phu xích-lô như hoảng sợ:
– Chẳng lẽ đảo
chính?
Tôi thì giựt
mình: Quân đội Giải Phóng đã vào nội thành quá táo bạo. Quân đội Mỹ đâu mất rồi?
Tôi xuống xe,
trả tiền, nhìn trở ngược phiá sau. Đúng là tấn thối lưỡng nan. Đi dọc theo đường
Lý Thái Tổ, ngay đầu hẻm, một cậu bé lanh lợi đứng sẵn:
– Cậu Hai ơi,
vô trong này mà chơi trong giây lát. Ngộ lắm. Chưa bao giờ vui như vầy.
Độ ba cậu
trai ngồi lom khom trên mái ngói. Tôi vào nhà, khung cảnh rộn rịp. Hai ba trái
dưa hấu đặt trên bộ ván. Cô cán bộ – áo bà ba trắng, quần đen – xin muợn của chủ
nhà cây dao to. Cô xẻ dưa ra, mời, ăn dưa dịp Tết. Kẻ trước, người sau, mọi người
cùng ăn. Súng nổ từng loạt xa xa, tôi chẳng phân biệt tiếng nào của ta, tiếng
nào của địch. Có tiếng gọi nhanh. Một cậu bé vuốt vầng trán ướt mồ hôi đi sau
anh cán bộ lớn tuổi. Cậu bé đến xin nhập ngũ, do cán bộ cơ sở nội thành giới
thiệu. Được trao cho khẩu súng, cậu nói dõng dạc:
– Tôi là đứa
đạp xích-lô, thà chết với mấy anh cán bộ, bộ đội mà khoẻ thân hơn là sống với
“tụi nó.” Còn thiếu hiểu, xin các anh chỉ dậy cho.
Cậu bé này cầm
lấy miếng dưa hấu nhưng xin phép được trao tặng một cụ già trong xóm. Ai nấy vỗ
tay. Nhưng súng lại nổ, như gần như xa. Nhìn phiá đầu hẻm, tôi hơi “ngao ngán.”
Phải đến toà soạn nhật báo, ở gần chợ Bến Thành, đường Gia Long. Anh em ký giả
lai rai vài người, còn thợ thì khá đông, ngồi hút thuốc. Lại có sáng kiến “Chủ
báo đã lánh mặt, không tới đây thì bọn ‘cu- li’ tụi mình cứ ra báo.”
– Ai chịu
trách nhiệm với chủ báo? Tụi bán báo con nít cỡ này, lo chuyện nhà, lo đi chơi
hết rồi.
Máy bay trực
thăng bay khi cao, khi thấp. Thôi thì tìm bạn quen ở bên kia cầu chữ Y. Súng nổ xa xa. Hàng chục kiểu xe bọc sắt, xe
tăng đậu chật trên cầu, cản trở lưu thông.
Bọn lính Mỹ
ngồi thủ trong xe, tung ra nhiều bao để đựng cát, tung tiền thêm để mướn trẻ
con hốt cát cho đầy, sắp xếp lại để làm một thứ phòng tuyến bảo vệ mớ xe bọc sắt.
Chúng lại có sáng kiến thuê bọn trẻ em mua từng cây nước đá đem về xếp hai bên
vách phiá trong xe cho thêm mát. Nằm bên cạnh cục nước đá, chúng tha hồ lật xem
mấy tạp chí có nhiều ảnh chuyên về khiêu dâm. Bên kia cầu chữ Y, máy bay cứ bắn
phá vào nhà cửa của thường dân.
*
Tôi đã định
không viết gì về đoạn văn cà chớn trên đây, để quí vị đọc, quí vị thấy sự ngu
xuẩn của người viết. Tôi không thể ngờ được anh ta – anh Đá Bát Sơn Nam – lại
có thể viết tệ mạt đến như thế:
– Ác chiến
trong thành phố (?), “Nữ Cán Cộng” làm cái trò khỉ gió là mượn dao bổ dưa hấu mời
bà con ăn.
– “Chú bé” mà
đạp xích-lô? “Chú bé” đến xin mấy anh VC “cấp súng” và được cấp súng liền một
khi, để chú ôm súng ra bắn nhau với “bọn địch”, chú nói chú thà chết với mấy
anh bộ đội hơn là chú sống với “tụi nó.”
– Lính Mỹ ngồi
trong xe tăng, xe bọc sắt còn dùng bao cát che quanh xe, mua cây nước đá để
trong xe tăng cho mát!!!
Viết ngu
quá cỡ thợ mộc. Không những chỉ ngu, một thằng điên mới viết những chuyện nhảm như thế. Vậy
mà Hồi Ký vẫn in ra, không ai chê người viết viết láo. Hết nước nói.
Hắn nhận hắn
ở trong phe Cộng, hắn coi phe “Quốc Gia là địch.” Hắn chết! Thương tiếc, vĩnh
biệt kí gì!
Mời quí vị đọc
Đá Bát Sơn Nam thêm một đoạn nữa:
( Tôi thấy đã đủ,
nên không trích thêm. Ai muốn đọc, tôi xin gởi tiếp )
BXC
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire