Cuộc
chiến Việt Nam và A Phú Hãn có đôi nét giống nhau nhưng cũng có nhiều phương diện
khác nhau một trời một vực. Người Mỹ đưa quân vào miền Nam VN và A Phú Hãn đều
vì quyền lợi riêng của họ. Hoa Kỳ đưa quân vào miền Nam năm 1965 vì tin vào
thuyết Dominoes, hễ mất VNCH sẽ mất Đông Dương, mất Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện...y
như trong một ván bài Dominoes, đó là chuyện môi hở răng lạnh.
Mỹ
đưa quân vào A Phú Hãn lật đổ chính quyền Taliban năm 2001 vì họ chứa chấp Bin
Laden, người đã gây cuộc khủng bố 9/11 đánh sập hai tòa tháp đôi tại New York.
Cuộc khủng bố đã reo rắc kinh hoàng và vô cùng tại hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ,
chứng khoán đã tụt thê thảm nhiều năm sau đó, khoảng năm sáu năm sau thị trường
mới ngóc đầu dậy được.
Năm
1973, theo báo chí Sài Gòn miền Nam có khoảng 18 triệu dân, miền Bắc khoảng 20
triệu, cả hai miền cộng lại ước lượng 40 triệu. Trong khi dân số Afghanistan 32
triệu, một đất nước nghèo đói xếp hạng 184 trong số 194 nước trên thế giới
(1). Cũng
là chiến tranh kéo dài nhưng chiến tranh VN lớn gấp trăm lần cuộc chiến
Afghanistan với nhiều trận đánh cấp Quân đoàn của cả hai bên. Tháng 3 năm 1972 CSBV đưa 14 Sư đoàn chính
qui, 26 Trung đoàn độc lập, 500 xe tăng, phía Mỹ có 4 Hàng Không Mẫu Hạm yểm trợ,
hơn 400 máy bay chiến thuật, 171 B-52, năm tuần dương hạm, 44 khu trục
hạm hỗ trợ cuộc chiến. Số bom xử dụng trong chiến tranh VN nhiều hơn số bom đã
ném xuống Âu Châu trong suốt thời Đệ nhị Thế chiến ...
Nói về
số người bị thiệt mạng trong cuộc chiến VN gấp hàng chục lần cuộc chiến A Phú
Hãn. Phía CS có 1 triệu người cán binh BV và 100 ngàn lính Mặt trận giải phóng
chết trận, người Mỹ khoảng 58,000 người, VNCH có 230,000 người. Trong khi ấy
Chính phủ A Phú Hãn có 70,000 bị giết, phía Taliban 51,200 tử trận, Mỹ có 2,420
người, NATO có Anh 456 người, Canada 159 người, Pháp 89, Đức 62, Ý 53, các nước
khác 337 người...
Người
Mỹ tham gia chiến tranh VN từ 1950 khi Trung Cộng thắng Tưởng Giới Thạch, họ
giúp Việt Minh thành lập 5 sư đoàn chính qui tại biên giới Việt-Hoa. Mỹ bắt đầu
giúp Pháp từ đó nhưng chỉ giúp tượng trưng vì còn lo cuộc chiến Triều Tiên, tới
năm 1953 Mỹ giúp Pháp 50% chiến phí và năm 1954 giúp 80% chiến phí. Năm 1955,
56 Pháp rút về nước sau khi thất trận Điện Biên Phủ, TT Eisenhower chưa giúp
VNCH nhiều, nhưng năm 1961 TT Kennedy giúp VNCH nhiều vũ khí, ông chỉ gửi cố vấn
và không đưa quân tác chiến sang.
Năm
1965, CSBV đưa nhiều trung đoàn chính qui vào miền Nam đánh phá dữ dội, TT
Johnson đổ quân vào VNCH 184 ngàn lính năm ấy, tới 1968 Quân đội Mỹ tại miền
Nam lên tới 530 ngàn người. Nếu Mỹ không đưa quân vào VN năm 1965 thì miền Nam
có thể mất trong vòng 6 tháng, quân Mỹ chiến đấu tại VNCH từ 1965 tới 1972 thì
rút về nước, Tổng cộng chỉ có 7 năm chứ không phải 20 năm như nhiều người nghĩ.
Có dư
luận cho VNCH năm 1975 có cả triệu quân nhưng lại thua mấy trăm ngàn quân CSBV,
sự thực nói một triệu quân cho oai nhưng chỉ có chưa tới 300 ngàn là lính nhà
nghề gồm 13 sư đoàn chính qui, 15 liên đoàn BĐQ, còn lại chỉ là nghĩa quân, địa
phương quân, cảnh sát, những lực lượng phụ lực quân...
Trong
các cuộc tấn công lớn, CSBV thường đưa hết lực lượng vào trận đánh như trận Tổng
tấn công năm 1972 và năm 1975.
TT
Nixon nói:
“CSBV đã ném tất cả lực lượng của chúng
trong trận Tổng tấn công mùa Lễ Phục sinh 1972: 14 Sư đoàn và 26 Trung đoàn độc
lập được đưa vào miền Nam, chúng chỉ để lại một Sư đoàn và bốn Trung đoàn độc lập
tại Lào và không để một lực lượng chính qui nào tại miền Bắc”
(No
More Vietnams trang 150.)
Trận
Tổng tấn công 1975, chúng đưa 4 Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 (tương đương một
Quân đoàn), bỏ trống hoàn toàn miền Bắc, chẳng thế mà Kissinger đã nói: chỉ cần
một Lữ đoàn TQLC ta có thể chiếm được miền Bắc dễ dàng.
Theo
lời TT Nixon nhờ oanh tạc của Không quân Mỹ năm 1972 mà quân đội BV bị đánh tơi
tời, 75% xe tăng địch bị bắn cháy, tổng cộng số cán binh bị giết tại mặt trận
lên tới hơn 100 ngàn. Cộng quân thảm bại trong Trận tổng tấn công 1972, khoảng
100,000 cán binh bị giết, 700 xe tăng bị bắn cháy (2).
Chưa
có cuộc chiến nào gây chia rẽ nước Mỹ như chiến tranh VN, từ 1965, 66, 67, số
người ủng hộ chính phủ ngày một giảm. Giữa tháng 10-1965, phản chiến
lên cao và lan mạnh trở thành phong trào thế giới kéo hàng trăm ngàn người tham
gia cùng một lúc tại 80 thành phố lớn của Mỹ và cả tại Luân Đôn, Paris, La Mã…
Ngày
27/11/1965 khoảng 40,000 người chống chiến tranh tới bao vây Tòa Bạch Ốc kêu gọi
chấm dứt chiến tranh, cũng trong ngày này Tổng thống Johnson cho tăng quân leo
thang từ 120,000 người tới 400,000 người tại Việt Nam.
Ngày
15/4/1967 có 400,000 người (gần nửa triệu) biểu tình phản chiến tại New York, họ
đi từ Central Park tới trụ sở Liên Hiệp Quốc, cùng ngày có 100,000 người diễn
hành tại Francisco.
Cuộc
chiến VN cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 do hai đảng Dân Chủ Cộng Hòa lãnh
đạo, lập trường của họ trái ngược nhau hoàn toàn. Ở đây tôi không nói đảng nào
làm hay, đảng nào đúng mà chỉ kể khách quan. Đảng Dân Chủ có chính sách bỏ Miền
Nam và Đông Dương, họ cho là cuộc chiến tốn kém, bị dân chúng chống đối, chết
nhiều người cần phải chấm dứt sớm. Các ứng cử viên Tổng Thống Dân Chủ như
Humphrey 1968 và McGovern năm 1972 đã công khai nói như vậy khi ra tranh cử.
Trong
khi ấy, phía Cộng Hòa chủ trương trái ngược, TT Nixon nói phải giữ VNCH và Đông
Dương ít ra trong hai nhiệm kỳ của ông, năm 1975, TT Ford và Bộ trưởng ngoại
giao Kissinger lại cho là bỏ Đông Dương sẽ bị mất uy tín với các nước Á Châu.
TT Nixon chủ trương hòa bình trong danh dự, khi Mỹ rút quân ra VNCH không sụp đổ
và người dân Mỹ ủng hộ lập trường này nên Cộng Hòa thắng cả hai nhiệm kỳ Tổng
Thống.
Mặc
dù Nixon đại thắng trong kỳ bầu cử Tổng Thống 1972, từ xưa đến nay chưa ai thắng
lớn như vậy: 96% phiếu Cử tri đoàn, hơn dối thủ 17 triệu phiếu phổ thông, nhưng
ông luôn bị sức ép từ Quốc Hội Dân Chủ. Họ muốn Nixon phải ký Hiệp Định Paris
trễ lắm là tháng 1/1973 nếu không họ sẽ ra Luật chấm dứt chiến tranh rút quân về
nước. Một điều đặc biệt là cuộc chiến VN từ đầu thập niên 60 cho tới 1975, Dân
Chủ luôn nắm ưu thế tại Quốc Hội.
Tháng
2/1972 TT Nixon đi Trung Cộng, tháng 5/1972 ông đi Nga, nhiều người cho rằng
Nixon hòa với Nga, Tầu để để bỏ miền Nam, nếu muốn bỏ miền Nam thì
việc gì phải đi công du làm gì cho mệt. Sự thực Nixon muốn dùng ảnh hưởng CS quốc
tế để ép BV ký Hiệp Định Paris, tuy nhiên Nga, Tầu không ép được BV ký Hiệp Định.
Ngày 13/12/1972, BV phá hòa đàm Ba Lê, bỏ họp về Hà Nội vì tin rằng Quốc Hội mới
của Mỹ họp khóa đầu năm, sẽ ra Luật chấm dứt chiến tranh, mang quân về nước, BV
khỏi phải ký kết cho mệt.
Nước
cờ sai của Lê Duẩn khiến cho TT Nixon mở cuộc Oanh tạc Giáng sinh năm 1972, trận
oanh tạc lớn nhất thế giới từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Nhờ oanh tạc long trời lở
đất khiến BV hồn vía lên mây xanh phải trở lại bàn Hội Nghị, phái đoàn BV trở lại
Ba Lê được người Mỹ mô tả là hớt ha hớt hải y như những con chó sợ pháo.
Trong
No More Vietnams, “sẽ không còn những Việt Nam” cựu TT Nixon viết hồi ký kể lại
biến cố đã qua và hy vọng sẽ không còn những biến cố như VN, nhưng nay biến cố ấy
lại trở về dưới hình thức khác.
Taliban vào Thủ đô Kabul.
Cuộc Chiến Afghanistan
Cách
đây đúng 20 năm, ngày 9/11 Bin Laden thuộc Al-Qaeda đã đánh sập tòa tháp đôi tại
New York, làm chết 3,000 người Mỹ. TT Bush con lệnh cho Taliban tại A Phú Hãn
phải giao nộp Bin Laden cho Mỹ, Taliban không chịu giao nên Mỹ đổ quân vào chiếm
hôm 7/10/2001. Mười năm sau ngày 2/5/2011 Mỹ mới giết được Bin Laden. Theo như
báo chí mô tả thì quân đội Cộng Hòa A Phú Hãn tha cho cựu chiến binh Taliban ai
về nhà nấy.
Các
nước NATO như Anh,
Canada, Pháp, Đức, Ý ... đã đưa quân vào giúp Mỹ vì theo điều lệ khi một nước
trong khối NATO bị tấn công, các nước khác trong khối sẽ phải giúp đỡ, ở đây Mỹ
bị Al-Qaeda tấn công.
Sau
ngày 7/10/2001 người Mỹ đã lật đổ chính quyền Taliban, lập chính phủ thân Mỹ
nhưng có vài giả thuyết nói Mỹ chiếm A Phú Hãn và ở lại 20 năm vì đất
nước này có nhiều tài nguyên thiên nhiên trù phú. Tôi nghĩ nó cũng giống như nhận
xét của một anh bộ đội một tuần sau ngày 30/4/1975. Anh ta cấp bậc trung úy,
trung đội trưởng, vào nhà tôi chơi và nói.
“Thằng Mỹ nó cho mình viện trợ nhưng mai mốt
nó sẽ lấy của cải vật chất của mình nó đem về, trong địa lý có nói nước ta có
nhiều mỏ vàng, mỏ đồng, chì, kẽm....”
Đó chỉ
là những nhận xét ngu xuẩn, nước Mỹ GDP (nay là 22,000 tỷ) đứng đầu thế giới. Tổng
sản lượng Mỹ bằng một phần năm của cả thế giới, của cải vật chất của họ dư thừa,
ê hề. Mỹ là nước viện trợ nhiều nhất thế giới lại phải đi bòn rút các nước
nghèo mạt rệp, riêng tại A Phú Hãn Mỹ đã tốn kém 2,261 tỷ.
Người
Mỹ vào miền nam VN năm 1965 vì sợ mất Đông Nam Á và nay sợ mất A Phú Hãn vào
tay bọn khủng bố. Mặc dù cuộc chiến này không gây chia rẽ trầm trọng như tại VN
nhưng nó kéo dài quá lâu, tốn kém, ước lượng 2, 261 tỷ Mỹ kim (3). Dù là Cộng
Hòa hay Dân Chủ cũng đều phải nghĩ tới chuyện chấm dứt cuộc chiến này, nghĩa là
rút bỏ, nhưng cách rút quân thì mỗi vị Tổng Thống nghĩ một cách khác nhau, tuy
nhiên cũng có thể sẩy ra một rủi ro lớn, Al- Qaeda trở lại đánh phá nước Mỹ.
Người
Mỹ nói cuộc chiến A Phú Hãn dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, dài hơn cuộc chiến
VN khoảng 5 tháng (4). Phía Taliban nay dựa vào quân viện của các nước trong khối
Hồi Giáo: Pakistan, Iran, Turkmenstan...trong nhiều cảnh khi Taliban tiến vào
Kabul, chúng ta không thấy họ có vũ khí nặng như xe tăng, đại bác, mà chỉ võ
trang súng cá nhân, trung liên, đại liên.
Trong
War in Afghanistan (2001-2021) có đoạn nói về lực lượng hai bên, phía chính phủ
Cộng Hòa Hồi Giáo Afghanistan (Islamic Republic of Afghanistan) có 352,000
quân. Phía Taliban có 60,000 người cộng với các lực lượng hỗ trợ như Haqquani từ
4 tới 15 ngàn, Mahaz 8,000, Tổng cộng Taliban có trên dưới 80,000 quân. Người
ta chỉ cho biết tổng số quân nhân nhưng không nhiều chi tiết, thí dụ phía Quân
chính phủ ta không biết trong số 352,000 người có bao nhiêu lính nhà nghề, bao
nhiêu lính địa phương quân, nghĩa quân, phía Taliban cũng vậy
Nhìn
sơ chúng ta thấy nó chỉ là một cuộc chiến nhỏ nhưng kéo dài, mặc dù dân số của
họ 32 triệu, nhiều hơn dân số VNCH năm 1975 (khoảng 20 triệu), nhưng cuộc chiến
VN lớn gấp trăm lần và đã gây nhiều xáo trộn trong lòng nước Mỹ như đã nói
trên. Cuộc chiến VN do đảng phái bất đồng ý kiến, phía Dân Chủ muốn phải rút bỏ
Đông Dương vì quá tốn kém và chết nhiều người, bị dân chống đối.
Các bảng
(Taliban new Arsenal) nói về vũ khí Mỹ để lại cho Taliban tịch thu hồm 169 thiết
giáp, máy bay trực thăng gồm hơn 100 chiếc, xe nhà binh khoảng 50,000 chiếc.
Trang Một Góc Trời cũng đưa ra những link tiếng Anh nói về vũ khí để lại cho
Taliban nhưng cũng chỉ nói về Súng máy, xe nhà binh, không thấy nói máy bay chiến
đấu.
Từ
14/7 Taliban chiếm nhiều vị trí quan trọng tại biên giới với Pakistan nhưng hôm
sau quân chính phủ chiếm lại. Ngày 12/8 Taliban chiếm 4 tỉnh, sau chiếm thêm 6
tỉnh, ngày 14/8 Jalalabad sắp mất và 15/8 Taliban chiếm Vadard. Ngày 16/8 Tổng
Thống Afghanistan Ashraf Ghani bỏ trốn, ông nói mục đích để tránh đổ máu, lúc ấy
Anh và Mỹ lo cứu người của họ và người Afghanistan. Ngày 26/8 khủng bố ôm bom tự
sát khiến 13 lính Mỹ bị thiệt mạng, cuộc đánh bom đã khiến hàng trăm người thiệt
mạng và bị thương.
Tối
ngày 30/8/2021 người Mỹ hoàn toàn triệt thoái khỏi phi trường Kabul, nay tại
Afghanistan còn nhiều người Mỹ và A Phú Hãn chưa được mang đi. Quân đội chính
phủ Cộng Hòa Hồi
Giáo Afghanistan mặc dù được trang bị và huấn luyện nhiều hơn Taliban nhưng điều
khó hiểu là họ không chiến đấu, gần như giao đất cho Taliban. Từ hôm 12/8
Taliban chiếm được khoảng 10 tỉnh cho tới ngày họ vào Kabul 15/8 chỉ có 4 ngày.
Tình báo Mỹ nghĩ rằng nếu Quân đội của họ rút khỏi A Phú Hãn, Kabul sẽ sụp
đổ trong vòng vài tháng vài tuần, đây chỉ là sự bàn giao
quyền hành khiến người Mỹ không ngờ diễn tiến có thể nhanh như thế. Taliban kiểm
soát Thủ đô Kabul hôm 15/8 trong cuộc tấn công quân chính phủ đã bắt đầu từ
tháng 5/2021, vài giờ sau khi có tin Tổng Thống Asharaf Ghani chuồn khỏi dinh.
Dư luận Âu Châu cũng như tại Mỹ đều lên án, xỉ vả kế hoạch rút quân ngu xuẩn
của Biden đã khiến A Phú Hãn sụp đổ nhanh chóng, Biden tin tưởng Taliban chiếm
được đất nước này cũng phải mất ít nhất 90 ngày. Quân đội của Chính Phủ
Afghanistan không tin tưởng vào người Mỹ khi họ rút quân bất thần nên đã chẳng
dại gì mà chiến đấu để người bạn đồng minh di tản ngon lành thoải mái. Các nước
NATO đều chửi Mỹ đã rút bỏ Afghanistan mà không bàn thảo với họ trong khi NATO
đã sát cánh chiến đấu với Mỹ để chống khủng bố. Liên Âu không còn tin tưởng người
Mỹ.
Kết Luận
Chiến tranh Afghanistan đã chấm dứt từ cuối tháng 8/2021 sau một cuộc lui
binh hỗn độn vô tổ chức và không có kế hoạch.
Đây là cuộc rút quân nhục nhã nhất trong lịch sử Mỹ từ ngày Lập Quốc đến
nay. Chính phủ Biden đã phải hèn hạ năn nỉ kẻ địch nhược tiểu để xin gia hạn di
tản mà không được chúng cho phép.
Nó cũng là cuộc thương thuyết bẩn thỉu nhất của Hoa Kỳ từ xưa đến
nay khi Biden tuyên bố sẽ viện trợ cho lực lượng phỉ Taliban để xin chúng cho
phép di tản những người Mỹ và người làm cho Mỹ còn kẹt lại.
Sau khi cuộc di tản của Mỹ chấm dứt, tại Kabul chính quyền Taliban mở cuộc
diễn hành, họ làm ba chiếc quan tài, một cái bọc bằng cờ Mỹ, một cái bọc cờ Anh
và một cái bọc cờ Pháp để chứng tỏ họ đã đánh đuổi ba thằng Đế quốc đầu sỏ.
Nhiều người nói Kabul di tản gợi nhớ Sài Gòn năm xưa, nhưng như đã nói
trên, cuộc chiến VN khác cuộc chiến Afghanistan một trời một vực. Tại miền Nam
quân đội chiến đấu cho tới khi hết đạn, nhiều cấp chỉ huy đã tự sát để giữ khí
tiết và danh dự cho Quân đội VNCH. Mặc dù có sự sai lầm của giới lãnh đạo trong
cuộc lui binh từ Quân khu II nhưng miền Nam không thể tồn tại khi quân viện bị
Quốc Hội Dân Chủ cắt giảm tới xương tủy từ 1974, 1975.
Sáu
tháng sau khi ký Hiệp định Paris, Quốc Hội Dân Chủ ra Luật Cấm oanh
tạc yểm trợ cho các hoạt động quân sự của Mỹ tại Đông Dương, đồng thời họ ra luật
cắt giảm viện trợ mỗi năm 50%,.. Năm 1973 Mỹ viện trợ VN 2 tỷ 1, năm sau còn 1
tỷ 4, năm sau 1975 còn 700 triệu, tiền mất giá thực ra chỉ còn 500 triệu (5)
Từ giữa năm 1974 hỏa lực giảm từ 60 tới
70%, tháng 3/1975 đạn dược chỉ còn đủ xử dụng trong một tháng, giữa
tháng 4/1975 chỉ còn đủ cho xài khoảng 10 ngày (Cao Văn Viên Những ngày cuối của
VNCH trang 91, 92).
Trong khi đó Quân đội BV đã được khối CS
tiếp viện đầy đủ: Giai đoạn 1973-1975: Tổng số 724,512 tấn gồm 75,267 tấn hàng
hậu cần, 649,246 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, trong đó Liên Xô: 65,601 tấn,
Trung Quốc 620,354 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác : 38,557 tấn (6).
Tại
A Phú Hãn Quân đội buông súng thỏa thuận cho Taliban vào các tỉnh và Thủ đô
Kabul vì họ không muốn chiến đấu cho một cuộc chiến tranh phản bội. Chẳng lẽ
chiến đấu để cho kẻ phản bội thong dong lên máy bay về nước.
Chiến phí của A Phú Hãn như đã nói trên 2,261 tỷ. Chi phí Chiến
Tranh VN trong bài Cuộc chiến VN tốn kém bao nhiêu? Của Alan Rohn (7), họ nói
chi phí trực tiếp là 168 tỷ.
Không
thể so sánh chiến phí của VNCH và A Phú Hãn vì khoảng thời gian cách nhau tới nửa
Thế kỷ, nhưng ta chỉ cần biết Trong khi VNCH trước 1975 có 2,075 máy bay đủ các loại (Nguyễn
đức phương, Chiến tranh VN toàn tập, trang 877), thiết giáp 2,200 chiếc (trang
869) pháo binh có 40 tiểu đoàn 105, 16 tiểu đoàn 155, 45 tiểu đòan 175 (trang
871). Trong khi đó Mỹ đã cung cấp cho Chính phủ đồng minh Afghanistan của họ
như thế không?
Chỉ
nói về hai lần viện trợ của TT Nixon trước khi ký Hiệp định Paris (cuối tháng
1/1973) Enhance và Enhance Plus ta đã thấy TT Nixon đã viện trợ thêm cho VNCH
622 máy bay các loại, 3 tiểu đoàn pháo binh 175mm, hai tiểu đoàn thiết giáp
M-48 (8). Như vậy cuộc chiến tranh VN lớn cỡ nào.
Enhance
và Enhance Phus là nỗ lực cuối cùng của TT Nixon để cứu Đông Dương,
năm 1969 và 1971 ông cho tấn công sang Miên, Lào để làm suy yếu lực lượng địch
ngõ hầu khi rút quân Mỹ về nước thì VNCH vẫn còn tự vệ được, Cộng Hòa cho rằng
bỏ miền Nam sẽ khiến cho Hoa Kỳ mất nhiều uy tín với các nước đồng minh. Mọi nỗ
lực của ông trở nên vô ích khi đảng Dân Chủ dứt khoát rút bỏ Đông Dương, họ đã
được Truyền thông và Phong trào phản chiến ủng hộ mạnh, Dân Chủ cho rằng chỉ có
rút bỏ VN mới giải quyết được cuộc chiến tại đất nhà của nước Mỹ. Nếu nói nước
Mỹ bỏ rơi miền Nam thì không đúng, mà phải nói là do đảng Dân Chủ, trong khi Cộng
Hòa chủ trương ngược lại. Lập trường của TT Nixon, của Dân Chủ bên nào đúng,
bên nào sai chỉ có lịch sử sau này sẽ phán xét.
Nay
Trung Cộng đã lên tiếng giúp Taliban nhưng họ không mặn nồng lắm vì Hồi Giáo
không bao giờ chấp nhận CS vô thần. Cuộc tình duyên Trung Cộng -Taliban nếu có
cũng chỉ là
“Nước mắm thối chấm lòng lợn thiu”
Anh
nhà giầu hay sợ chết, nhiều người Mỹ lại lo ngay ngáy một khi Taliban làm chủ A
Phú Hãn như xưa, họ sẽ chứa chấp Al-Qaeda và sẽ khủng bố Mỹ một ngày đẹp trời.
Đó
là khác biệt giữa VN và A Phú Hãn, trong khi cuộc chiến VN dưới con mắt của đảng
Dân Chủ chỉ là chuyện nội bộ của VN không ảnh hưởng gì tới tới Đông
Nam Á như thuyết Dominoes từ thời TT Eisenhower. Nghĩa là họ cho rằng bỏ VNCH,
bỏ Đông Dương không sao cả.
Có
điều là tại VN, Hoa Kỳ đã rút hết quân từ sau Hiệp định Paris cuối tháng
1/1973, trong biến cố 1975 họ chỉ rút một số người Mỹ làm tại Tòa Đại Sứ, những
người Việt làm cho Mỹ họ cũng cho đi dần dần từ trước. Khác với cuộc chiến
Afghanistan là Quân đội VNCH chiến đấu tới viên đạn cuối cùng để người Mỹ, các
ông lớn lên máy bay đi đảo Guam thoải mái.
Tại
Kabul, quân Taliban không vứt bỏ hay chà đạp cờ của Chính phủ Cộng Hòa
Afghanistan, họ xếp lại đàng hoàng rồi cất đi, có khác với cảnh Việt Cộng vào
dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Lính Việt Cộng vào dinh và chửi bới rất mất dậy
với các viên chức cao cấp VNCH, họ mọi rợ vì không được học các nghi thức quốc
tế, đúng lý ra phải chào ông Tổng Thống rồi hỏi ông có chịu đầu hàng không? Nếu
đồng ý xin ký vào giấy đầu hàng.
Về
điểm này quí vị xem trong phim “Paris brule-t-il? Paris có bị đốt cháy không?”
đều thấy rõ, một anh Trung úy kháng chiến Pháp vào bắt ông Trung Tướng
Đức, anh ta đã dơ tay chào và hỏi ông Trung Tướng có chịu đầu hàng không ?....
Nhưng
cách đây nửa Thế kỷ, Việt Cộng còn sống trong một xã hội bán khai thì cũng
không có gì đáng trách.
* Trọng Đạt
Tham khảo:
(1) List of Countries by GDP
(nominal) per capita.
(2) Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập,
1963-1975, trang 587.
(3) Theo Cost for the war in Afghanistan 2001-2021.
(4) War in Afghanistan, 2001-2021, Wikipedia
(5) Kissinger, Years of Renewal trang 471.
(6) BBC.com ngày 10/5/2006, Viện Trợ quốc tế cho miền
Bắc trong chiến tranh, nguồn chi viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội
chủ nghĩa dành cho miền Bắc trong cuộc chiến.
(7) How Much Did The Vietnam War Cost? $168 Billion
was only the direct cost.
(8) Richard Nixon, No More Vietnams trang 170-171.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire