Chuyện
đập Tam Hiệp thì cả ở Trung Quốc và
Thế giới đã bàn tán nhiều năm
rồi. Kẻ bảo không nên làm mà tiêu biểu nhất là chuyên gia Thủy lợi Hoàng Vạn
Lý, người mà nếu ở vào triều đại vua chúa có thể xếp vào hàng “Gián nghị Đại
phu”.
Ông không những
can Chính phủ không nên làm mà còn liệt kê ra 12 điều gọi là hậu quả nếu làm.
Dân mạng bảo đúng 11 điều rồi, còn lại điều 12 là chưa xẩy ra:
Thượng nguồn lũ
lụt nghiêm trọng, đập Tam Hiệp sẽ nổ tung! Ông này chỉ tha thiết xin được gặp Tổng
Bí thư hay Thủ tướng 30 phút để trình bày lý do không thể làm con đập này mà
không được. Người nhà của ông nói lúc lâm chung, ông không nói gì khác ngoài lẩm
bẩm câu không thể làm đập Tam Hiệp!
Ngược lại, rất
đông các chuyên gia và lãnh đạo thì quyết tâm làm vì nó mang “tầm vóc mới của
TQ”, khẳng định làm được và an toàn. Phái này còn có người nói tướng lên, con đập
này sẽ trường tồn 10 ngàn năm. (Sau này, báo chí rút xuống 1 ngàn năm, rồi rút
xuống tiếp 100 năm và cách đây mấy hôm thấy có ý kiến nêu trên các phương tiện
truyền thông TQ là thiết kế và thi công “có vấn đề”!).
Khổ thân cho dân
Hà Bắc, nhất là dân Vũ Hán. Cúm tàu phải chạy loạn cũng từ Vũ Hán. Nay lũ lụt,
động đất, rồi nguy cơ vỡ đập đã đẩy hàng vạn dân Hà Bắc phải tháo chạy khắp
nơi, trở thành những kẻ lang thang không nhà, không quê ngay trên mảnh đất chôn
nhau cắt rốn của mình.
Vỡ hay không vỡ
thì chưa ai khẳng định được. Nhưng dư luận trên mạng (tuy đã khống chế tối đa)
cũng không kém gì mưa lũ thượng nguồn của hơn 200 con sông phía nam Trung Quốc
đã gây ra nỗi hoảng loạn của hàng trăm triệu dân nhưng truyền thông chính thống
thì đưa tin như không có vấn đề gì nghiêm trọng (truyền thông Việt nam cũng
không đưa hơn), mà đưa tin về biểu tình ở Mỹ là đậm nét hơn cả. Chỉ có Trung
Nam Hải là “bình chân như vại”, vẫn tăng cường lực lượng quân sự lên biên giới
Tây Bắc để đánh nhau với Ấn Độ; vẫn tập trận lớn ở biển Đông; vẫn triển khai
quyết liệt “Luật an ninh quốc gia Hong Kong”; vẫn hò hét đánh nhau với Mỹ, với
Nhật ở trên biển…
Trước tình hình
trong nước, ngoài nước như thế, nhất là đợt mưa lũ cực lớn, kéo dài và diễn ra
trên diện rộng chưa từng có, làm cho rất nhiều người có học không thể không để
tâm đến con đập Tam Hiệp. Trong số này, có mấy ông chuyên nghiên cứu về sấm
truyền mà người Trung Quốc gọi họ là các nhà “Dự ngôn học”, chuyên tán tụng về
những lời sấm (thơ cổ), tượng sấm (tranh).
Mà các loại dự
ngôn này thì có nhiều, đâu từ thời Tần Thủy Hoàng đã có lời sấm và kéo dài đến
triều đại Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình vẫn có những lời sấm truyền về nhiều
nhân vật, về nhiều sự kiện hệ trọng của đất nước Trung Hoa. Trong số các lời sấm,
lời tiên tri đang được bàn tán nhiều nhất hiện nay là lời sấm của nhà tiên tri
lừng danh đời Minh, ông Lưu Cơ, tự là Bá Ôn.
Bia ký Lưu Bá Ôn lộ ra trong một trận động đất, văn tự trên bia đá ghi lại một
cảnh tượng vô cùng đáng sợ: “Khi năm heo và chuột đến, để chứng minh thiện ác
báo ứng, một kiếp nạn cự đại sẽ xảy ra". (Ảnh tổng hợp)
Đây là nhân vật
mà triều đại nào sau ông cũng có người nghiên cứu về ông, giải mã sách của ông,
đặc biệt là cuốn “BÀI CA BÁNH NƯỚNG”, người ta nói dự báo cả Trung Quốc và thế
giới đến khoảng thế kỷ 23 hay 24 thì không biết thế nào. Ông là Tiến sĩ cùng đỗ
một khoa với Thi Nại Am (năm 1330). Chu Nguyên Chương lúc dấy binh khởi lập nhà
Minh, biết tài hai ông Tiến sĩ này nên cho người mời hai ông làm quân sư cho
mình. Hai ông lại là bạn thân của nhau. Không hiểu vì sao chỉ có Lưu Cơ nhận lời
còn Thi Nại Am thì thác chuyện từ chối rồi về dạy học.
Trong đám học
trò này, có một học trò yêu của ông là La Quán Trung và sau đó cũng vì thời thế
bắt buộc, ông bỏ dạy học ở ẩn vào một vùng đầm lầy không khác mấy với Lương Sơn
Bạc, không quên mang theo trò cưng là La Quán Trung.
Chính nơi đây
ông viết bộ Thủy Hử. Có lẽ vì còn tức Thi Nại Am không nhận lời làm quân sư cho
mình, khi đã trở thành Minh Thái tổ (1368) Chu Nguyên Chương bèn ra lệnh bắt
giam Thi Nại Am vào đại lao vì viết sách Thủy Hử “xúi giục nổi loạn” chống lại
triều đình.
Đang ở trong
thiên lao thì Lưu Bá Ôn, lúc này đương là quân sư của Chu Nguyên Chương vào
thăm, Thi Nại Am hỏi Lưu Bá Ôn làm sao để ra khỏi nhà lao? Lưu Bá Ôn nói: Ông
làm như thế nào mà phải vào đây thì hãy làm như thế sẽ ra khỏi đây. Hiểu ý bạn,
Thi Nại Am xin giấy bút và viết tiếp bộ Thủy Hử, bắt đầu từ việc hình thành ý định
“quy thuận triều đình” của Trại chủ Tống Giang cho đến kết thúc rồi gửi cho Lưu
Bá Ôn. Đọc xong, Lưu Bá Ôn liền tâu với Minh Thái Tổ rằng Hoàng thượng đã bắt
giam oan người. Thi Nại Am mới viết được một nửa, nay ông ấy viết tiếp nửa còn
lại, xin Hoàng thượng minh giám. Chu Nguyên Chương đọc xong bèn tha cho Thi Nại
Am, còn chúng ta, đọc đến đoạn Tống Giang và các anh hùng Lương Sơn Bạc quy
hàng thì vô cùng chán ngán.
Cũng trong thời
gian Thi Nại Am bị giam cầm thì cậu học trò yêu của ông là La Quán Trung thuê
trọ ở gần nhà lao để thăm nom chăm sóc thầy lúc đấy đã già yếu. Không để lãng
phí thời gian, La Quán Trung vừa dạy học kiếm sống, vừa tìm đọc sách Tam Quốc
Chí và các tài liệu liên quan rồi viết ra bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa còn lừng danh
hơn cả sách của thầy.
*
* *
Trở lại với dự
đoán của Lưu Bá Ôn, mạng xã hội của TQ đang truyền tụng rầm rộ về lời sấm (dự
ngôn) trên tấm bia ở Kim Lăng (“Kim Lăng tháp bi văn”. Kim Lăng tên cũ là Ứng
Thiên, ở thành Nam Kinh, nơi Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng đế vào năm 1368).
Bài văn bia này chỉ phát lộ khi Tưởng Giới Thạch ra lệnh đập phá Tháp Kim Lăng.
Toàn bài có 63 câu, 544 chữ.
Cũng như Sấm Trạng
Trình của Việt Nam, văn bia Kim Lăng cũng viết theo thể thơ cổ và dùng các phép
ẩn dụ, chiết tự nên khó có thể nói có nhà dự ngôn học nào ở Trung Quốc đã giải
nghĩa được một cách chính xác mà thường là còn có sự suy đoán khác nhau, khác
nhau về nghĩa và khác nhau về thời gian liên hệ với sự kiện hoặc nhân vật nào
đó.
Theo lệnh của
Minh Thái tổ, Lưu Bá Ôn chủ trì xây dựng Tháp Kim Lăng (khoảng năm 1400), cách
Tưởng Giới Thạch hơn 5 thế kỷ, vậy mà ta thấy 3 câu mở đầu như vừa mới viết
xong ngay lúc đang đập phá Tháp:
“Kim Lăng
Tháp, Kim Lăng Tháp
Lưu Cơ kiến,
Giới Thạch sách
Sách liễu Kim
Lăng Tháp, quân dân tự kỷ sát”.
(Tháp Kim Lăng,
Tháp Kim Lăng. Lưu Cơ xây, Giới Thạch phá. Khi Tháp Kim Lăng phá rồi, quân dân
tự giết hại lẫn nhau).
Đây đúng là là
thời điểm bắt đầu cuộc nội chiến Quốc-Cộng đẫm máu.
Tiếp theo là
hàng loạt dự báo về quá trình hoạt động của Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch
và đảng CS của Mao Trạch Đông và Lâm Bưu cho đến Giang Trạch Dân… Tất nhiên đây
là theo luận giải của các nhà nghiên cứu về dự ngôn, sấm ký còn tuyệt nhiên
không có một chữ nào là Mao Trạch Đông hay Lâm Bưu ở đây cả.
Ví như câu 29: “Tứ
thủy hạnh mộc nhật, tam hổ sinh hào cường” được tác giả Mộc Tử lý giải: “Chữ
Hạnh 幸 ghép với bộ Thủy 氵 thành
chữ Trạch 泽; chữ Nhật 日 ghép
với bộ Mộc 木 thành chữ Đông 東; Tam 三 Hổ 虎 là chữ
Bưu 彪”. (Ngay cả tên tác giả “Mộc Tử” cũng là bắt chước kiểu
chiết tự của người xưa, chữ Mộc 木 ghép với chữ Tử 子là chữ
Lý, chắc ông này họ Lý?)…
Từ câu 51 trở về sau đang được cư dân mạng Trung Quốc bàn
tán sôi nổi, mà nhiều người cho rằng nó ứng với thời điểm hiện nay, khi tình trạng
mưa lũ lớn đe dọa sự an toàn của đập Tam Hiệp gắn với những mô tả hậu quả khủng
khiếp do đại nạn này gây ra.
51. “Nhất khí sát nhân thiên thiên vạn,
đại dương tàn bạo quá sài lang”.
“Nhất khí” ở đây là chỉ bệnh dịch gây ra họa chết người
hàng nghìn hàng vạn. (Nhận định của Lưu Cơ là hàng nghìn, hàng vạn, còn TQ thì
công bố rất ít). Câu này đã từng có người lý giải vể tình trạng Đại dịch SARS
vào năm 2003, năm Mùi (Dương, Dê). Nhưng nay nhiều người cho rằng câu này chỉ Đại
dịch Cúm Vũ Hán.
Vậy, chữ “Đại dương” ở đây chỉ cái gì mà khẳng định “tàn
bạo quá sài lang”? Liệu có thể lý giải chữ Đại 大 ghép
với chữ Dương 羊 là chữ Mỹ 美, chỉ
tác động tồi tệ của cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động hay còn nghĩa nào
khác? Cũng có thể nghĩ tới nghĩa thực, cả một biển nước gây thiệt hại vô cùng lớn
chăng?
Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock
52. “Khinh khí động sơn nhạc,
nhất tuyến thiết nan đương”
Theo quan niệm của người xưa, “khinh khí” ở đây nhiều khả
năng chỉ vào tình trạng động đất, gây chấn động cả núi cao rừng sâu (động sơn
nhạc) và như thế thì “nhất tuyến thiết nan đương”, một cái “dây thép” là chỉ
con đập Tam Hiệp sẽ không chịu đựng nổi.
Với tình hình mưa lũ thượng nguồn như hiện nay mà cộng
thêm động đất nữa (đáng lưu ý là ông Quyền Lãng, một thầy bói, thầy Phong Thủy
được cho là cao tay nhất Hong Kong đưa ra dự đoán vào tháng 5 hay 6 âm lịch sẽ
có động đất ở thượng nguồn đập Tam Hiệp), thì quả thật đập Tam Hiệp dù được
dùng rất nhiều từ “nhất” hay “vĩ đại”, “khổng lồ”… cũng chỉ như một sợi dây
thép (nhất tuyến thiết) mong manh yếu ớt, khó mà chống đỡ được (nan đương) trước
sức mạnh của thiên tai.
53. “Nhân phùng mãnh hổ nan huýnh tỵ,
hữu phúc chi nhân trụ Sơn trang”
Người dân gặp phải Hổ dữ thì khó tránh, những kẻ may mắn ở
nơi xa (nó). Một số người lý giải, đây là chỉ thảm họa mà Giang Trạch Dân gây
ra ở Thiên An Môn vì Giang cầm tinh con Hổ.
Nhưng đang trong mạch văn này mà đưa sự kiện Thiên An Môn
vào đây nghe ra không đáng tin vì sự kiện ấy đã diễn ra từ năm 1989 rồi. Theo
thiển ý của tôi, có thể đoán rằng thảm họa gì đó lớn hơn nữa sẽ xảy ra vào năm
2022, năm Nhâm Dần (năm con Hổ) mà con người khó tránh, may ra chỉ những người ở
nơi sơn trang nào đó là có phúc lớn, không bị nạn. Chỉ là một nạn “Đại hồng thủy”
thì mới diễn ra như vậy.
54. “Phồn hoa thị biến uông dương,
cao lâu các biến nê cương”
Đô thị phồn hoa sẽ chìm trong biển nước, lầu cao gác tía
cũng sẽ bị đổ nát thành đống bùn lầy. Gắn với các ý trên thì đây là thảm họa của
nạn đại hồng thủy rất có thể do vỡ đập Tam Hiệp mà sinh ra.
55. “Phụ mẫu tử nan mai táng,
đa nương tử nhân tôn giang”
Cha mẹ chết khó mai táng, cha mẹ chết con cháu khiêng (đi
chôn). Cha mẹ chết mà không có chỗ chôn thì có thể là bị nước ngập. Cha mẹ chết
mà con cháu phải khiêng đi chôn thì đó là thảm họa không gì bằng về mặt tâm
linh đối với người phương Đông. (Người người đều bị nạn thì ai còn giúp ai được
nữa).
56. “Vạn vật đồng tao kiếp,
trùng nghĩ diệc tao ương”
Vạn vật đều cùng chịu một kiếp nạn, đến bọn côn trùng như
sâu kiến cũng phải chịu tai ương.
* * *
Cổ nhân đã căn dặn “Thiên cơ bất khả lộ”. Thế gian là vô
thường thì cơ trời khó ai biết được, chỉ những người có may mắn thế nào đó mới
biết được ít nhiều. Nhưng khác với phương Tây, những con người đặc biệt này ở
phương Đông, cả ở TQ, VN, Hàn Quốc, Ấn Độ… đều không thể viết thẳng, nói thẳng
ra những gì họ được “nhìn thấy” hàng trăm năm trước và hàng trăm năm sau họ. Họ
phải dùng những cách thể hiện kín đáo, lắt léo để diễn đạt, nhiều khi sự việc ấy,
nhân vật ấy xuất hiện rồi thì mọi người mới biết là ứng nghiệm.
Chính vì thế, những nhà nghiên cứu hậu thế dù tài giỏi đến
đâu cũng không thể lý giải chính xác được mà chỉ như “thầy bói sờ voi”. Sờ thấy
đấy nhưng không thể là con voi được. Ai đọc, ai nghe cũng luôn phải nhớ như thế.
Đôi lời bàn lúc tiết trời Hạ của năm Canh Tý ở Hà Nội,
nóng quá không dám đi đâu khỏi nhà rồi viết ra thế, gửi cho các bác, các bạn hữu
gần xa xem như một thứ thư giãn, may ra làm dịu mát được chút gì trong những
ngày oi bức vậy.
* Nguyễn Thái
Nguyên
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire