Từ điển Pháp-Việt 1884 với tiếng Việt: Đóng góp bị lãng quên của Trương Vĩnh Ký

Trương Vĩnh Ký
* TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT RFI.
Công chúng giờ đây chắc ít ai nghe nói đến cuốn từ điển Pháp–Việt cuối thế kỷ 19 của Trương Vĩnh Ký. Thế nhưng theo một số người am hiểu, cuốn sách kế thừa các tri thức từ điển học Pháp này rất có thể là dấu ấn quan trọng trên chặng đường đầu hình thành tiếng Việt hiện đại, cho thấy Trương Vĩnh Ký không chỉ là người nỗ lực ‘‘phổ biến’’ chữ Quốc ngữ (*) như các ca ngợi lâu nay, mà còn tạo lập nhiều nền tảng cho ngôn ngữ quốc gia tương lai của người Việt.
Trang bìa cuốn Tiểu từ điển Pháp - Việt của Trương Vĩnh Ký, ghi năm xuất bản 1884. © RFI / Trọng Thành.
 
Tiểu từ điển Pháp – Việt (Petit dictionnaire Français – Annamite) của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký dày 1.192 trang, khổ 11x19 cm, ấn hành tại Nhà in Thừa Sai nhà thờ Tân Định, Sài Gòn, là cuốn từ điển song ngữ đầu tiên đối dịch một ngôn ngữ phương Tây và tiếng Việt do chính người Việt biên soạn, và cũng là cuốn từ điển Pháp - Việt đầu tiên. Từ điển bao gồm các từ tiếng Pháp với phần ghi chú từ loại bằng tiếng Pháp, được sắp xếp theo thứ tự a, b, c và phần chuyển dịch ra tiếng Việt với các nghĩa chính, từ đồng nghĩa, và với một số ít trường hợp đi kèm với ví dụ, cụm từ thường dùng, hoặc diễn giải kèm theo.
Từ điển song ngữ giúp người Việt phát triển tiếng mẹ đẻ
Thông thường từ điển song ngữ có chức năng chính là để giúp học ngoại ngữ. Song một số từ điển song ngữ có thể đóng vai trò bà đỡ cho sự hình thành ngôn ngữ quốc gia. Trong giai đoạn ban đầu này, từ điển song ngữ Pháp – Việt không chỉ giúp người Việt học ngoại ngữ (tiếng Pháp), người Pháp học tiếng Việt, mà trước hết là công cụ để giúp phát triển, củng cố chính tiếng mẹ đẻ của người Việt. Học giả Đào Duy Anh trong lời ‘‘Tựa’’ bộ Pháp – Việt tự điển của ông, năm 1936, đã coi việc phát triển từ vựng tiếng Việt là mục tiêu số một (1), điều không dễ hiểu với người Việt sau này.  
Petrus Trương Vĩnh Ký 46 tuổi: Ảnh chụp tháng 6/1883, một năm trước khi ra mắt cuốn từ điển Pháp - Việt đầu tiên. © Wikimedia / Gallica Bibliothèque nationale de France;
 
Nước Pháp đang tiến tới kỷ niệm 500 năm sắc lệnh Villers-Cotterêts (1539), do vua François đệ nhất ban hành, nhằm tăng cường sử dụng tiếng Pháp trong hệ thống nhà nước, sắc lệnh thường được coi như một cột mốc lớn khẳng định vị thế ngôn ngữ quốc gia của tiếng Pháp thay thế cho chữ Latinh. Cùng vào thời điểm lịch sử này, có một sự kiện quan trọng nhưng ít được để ý hơn rất nhiều, đó là sự xuất hiện hai cuốn từ điển song ngữ, Latinh – Pháp (in năm 1538) và Pháp – Latinh (1539) của Robert Estienne. Hai cuốn từ điển song ngữ này được nhiều chuyên gia Pháp đánh giá đã tạo lập nền móng cho sự ra đời của các từ điển tiếng Pháp đơn ngữ đầu tiên sau đó, đặc biệt với bộ đại từ điển của Viện Hàn lâm Pháp (xuất bản lần đầu năm 1694).
Quốc ngữ: Sự tiếp nối cuộc cách mạng ‘‘chuẩn hoá ngôn ngữ’’ từ châu Âu
Về lịch sử hình thành và phát triển của các ngôn ngữ trên thế giới, trong hơn 30 năm gần đây, trong giới ngôn ngữ học Pháp đã phát triển một tiếp cận mới, với sự thúc đẩy của nhà ngôn ngữ học Sylvain Auroux với tác phẩm tiêu biểu ‘‘La révolution technologique de la grammatisation’’ (tạm dịch là: ‘‘Cuộc cách mạng công nghệ chuẩn hoá việc dạy tiếng/học tiếng’’), phương pháp tiếp cận gần như không được biết đến tại Việt Nam. Đối với Sylvain Auroux, trong lịch sử các ngôn ngữ thế giới có ba biến đổi to lớn, mà ông gọi là ‘‘ba cuộc cách mạng về công nghệ’’.
Cuộc cách mạng thứ nhất đi liền với sự ra đời của chữ viết. Cuộc cách mạng thứ ba diễn ra trong những thập niên gần đây, đi liền với các công nghệ ‘‘tự động hoá’’ việc xử lý thông tin ngôn ngữ. Trong khi đó cuộc cách mạng thứ hai (‘‘grammatisation’’) liên quan đến các phương tiện dạy tiếng/học tiếng, bao gồm trước hết là sự hình thành “các sách công cụ”, đặc biệt là sách ngữ pháp và từ điển, cùng sách dạy tiếng, cho phép định hình và thống nhất một ngôn ngữ, cũng có thể gọi là ‘‘cuộc cách mạng chuẩn hoá ngôn ngữ’’.
Nhiều ngôn ngữ, vốn được sử dụng rất phổ biến trong cộng đồng (langue vulgaire – ngôn ngữ thông tục) và ngay cả khi đã có chữ viết, nhưng vì không đi kèm với các chuẩn tắc được xác lập rõ ràng, nên không thể trở thành ngôn ngữ chính thức (langue officielle). Với cuộc ‘‘cách mạng chuẩn hoá’’, các ngôn ngữ thông tục vốn được sử dụng một cách tự nhiên trong cộng đồng, trở thành “một đối tượng tìm hiểu” và học hỏi một cách bài bản.
Trong cuộc cách mạng thứ hai, nở rộ tại châu Âu thời Phục hưng, và từ đó lan rộng khắp thế giới, các từ điển song ngữ thường là bước đệm không thể thiếu, cho phép ra đời các từ điển đơn ngữ (2), một cái mốc căn bản khẳng định vị thế một ngôn ngữ quốc gia. Để nhận biết được những giá trị cơ bản của các từ điển song ngữ Pháp - Việt (3) và đại từ điển Việt – Pháp (hiện chưa được tìm thấy) của Trương Vĩnh Ký (4), cần gắn các từ điển này với truyền thống lớn nói trên, của châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng (5).
Cuốn từ điển nổi tiếng bị quên lãng 
Trước năm 1945, cuốn tiểu từ điển Pháp – Việt của Trương Vĩnh Ký đã được tái bản nhiều lần. Tuy nhiên, cuốn sách từng khá nổi tiếng trước 1945 nhìn chung đã không được giới ngôn ngữ học hiện nay tại Việt Nam chú ý là ghi nhận của nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng (từ Sài Gòn) với RFI: ‘‘Cho đến nay, tôi chưa thấy một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học nào chú trọng cuốn này cả. May lắm thì người ta nhắc tới trong những công trình của Trương Vĩnh Ký có cuốn sách này. Nhưng lấy đấy làm đối tượng phân tích thì không thấy có’’.
Về lý do cuốn từ điển không được chú ý, trả lời RFI qua thư điện tử, nhà ngôn ngữ học Vũ Đức Nghiệu (từ Hà Nội) giải thích: ‘‘Việc ít người chú ý đến cuốn từ điển này là vì những lý do khác chứ không phải nguyên do nội tại của cuốn từ điển này. Thời ông Trương Vĩnh Ký làm ra cuốn này, chắc số người học tiếng Pháp chưa được nhiều. Còn việc sử dụng cuốn từ điển này để tìm hiểu về lịch sử từ vựng tiếng Việt thì bước sang nửa đầu thế kỷ 20 chưa ai quan tâm. Đến nửa sau thế kỷ 20, mới bắt đầu có những nghiên cứu chú ý miêu tả một số nét/một số mặt của lịch sử từ vựng tiếng Việt trong một số sách giảng dạy và nghiên cứu về Việt ngữ nhưng chưa có những chuyên luận sâu về lịch sử phát triển từ vựng tiếng Việt. Đến năm 2003 mới có một chuyên khảo về Lịch sử từ vựng tiếng Việt thời kỳ 1858-1945 (tác giả Lê Quang Thiêm). Năm 2011, có một chuyên khảo riêng về lịch sử từ vựng tiếng Việt (tác giả Vũ Đức Nghiệu)’’.
Việt Nam hết lệ thuộc vào Thiên Triều, nhưng Quốc ngữ chưa thoát vị thế ‘‘chiếu dưới’’
Cuốn Từ điển Pháp – Việt của Trương Vĩnh Ký ra mắt vào một thời điểm đặc biệt. Năm 1884 – 1885 là thời điểm nổ ra chiến tranh Pháp – Thanh tại miền Bắc Việt Nam. Chiến tranh kết thúc với Hiệp ước Thiên Tân (Traité de Tien-Tsin) tháng 6/1885. Vương triều nhà Thanh thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp với Việt Nam, từ bỏ quy chế ‘‘triều cống’’ của Việt Nam với tư cách phiên quốc, được duy trì từ cả ngàn năm. Cuốn từ điển, với hai trang bìa ghi hai năm xuất bản khác nhau 1884 và 1885, dường như đã in dấu ấn của bước ngoặt lớn này.
Trang bìa thứ hai của cuốn từ điển Pháp - Việt của Trương Vĩnh Ký, ghi năm 1885. © RFI / Trọng Thành.
 
Trên trang bìa từ điển đầu tiên, ghi năm 1884, trên cùng là tên chữ Hán (富浪音話撮要字彙合解安南 / Phú lãng âm thoại toát yếu tự vị hợp giải An Nam / Tự vị tiếng Pháp giải nghĩa cô đúc sang tiếng Việt), bên dưới là hàng tít bằng chữ Pháp ‘‘Petit dictionnaire français-annamite’’ (hay ‘‘Tiểu từ điển Pháp – Việt’’). Tên của tác giả Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký cũng đồng thời in bằng chữ Hán. Trên trang bìa thứ hai, ghi năm 1885, tất cả các chữ Hán biến mất. Việc chữ Hán đã hoàn toàn biến mất trong trang bìa năm 1885 phải chăng phản ánh biến đổi địa-chính trị lớn nêu trên?
Ảnh hưởng Hán trong ‘‘Khai Trí Tiến Đức’’ và từ điển Đào Duy Anh nặng hơn Trương Vĩnh Ký nhiều
Nước Việt Nam thuộc Pháp đã cắt đứt với truyền thống Thiên triều – phiên thuộc kiểu Trung Hoa, nhưng việc khẳng định chữ Quốc ngữ độc lập với chữ Hán, và dần thay thế chữ Hán với tư cách là văn tự chính thức, vẫn là một con đường đầy chông gai (6) trong một thời kỳ mà đông đảo người Việt vẫn coi chữ Nho là “chữ ta” (7). Nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng nhấn mạnh hành xử khác thường của Trương Vĩnh Ký, đi trước nhiều nhà biên soạn từ điển tiếng Việt nổi tiếng:
‘‘Ảnh hưởng của chữ Hán thời kỳ Trương Vĩnh Ký còn rất nặng nề trong cách viết văn. Ảnh hưởng đó với Trương Vĩnh Ký trong cuốn từ điển này nhạt hơn nhiều so với từ điển của Khai Trí Tiến Đức (1931). (Việt Nam Tự Điển của) Khai Trí Tiến Đức đầy chữ Hán, với những từ ngữ như ‘‘Cử-quốc giai binh’’, có nghĩa là ‘‘cả nước đều là lính’’. ‘‘Cử tọa’’ thì đồng ý là trong tiếng Việt có, nhưng ‘‘Cử-quốc giai binh’’, hay ‘‘Cử-thế giai trí’’, có nghĩa là ‘‘suốt cả người trong đời đều biết’’ (hay tất cả mọi người trên đời đều biết), thì đó là người Tàu nói chứ người Việt có nói thế đâu. Dễ dàng thấy là điều này không thể có trong từ điển của Trương Vĩnh Ký. Phải nói rằng những người làm từ điển Khai Trí Tiến Đức không ý thức phân biệt rõ giữa từ Hán – Việt, tức từ tiếng Hán đã ‘‘nhập tịch’’ vào tiếng Việt với chữ Hán chỉ ở bên Trung Quốc thôi, không nhập vào tiếng Việt.
Cuốn từ điển Pháp – Việt của Đào Duy Anh ra đời mấy chục năm sau cuốn của Trương Vĩnh Ký, thế mà Trương Vĩnh Ký lại Việt hơn Đào Duy Anh. Sự khác biệt đó tôi cho là rất lớn, bởi mấy chục năm cách biệt như vậy là dài lắm, chứ không phải như mấy chục năm sau này. Cái ngôn ngữ thời Trương Vĩnh Ký khác với thời Đào Duy Anh lắm, thế mà Trương Vĩnh Ký lại chủ trương tiến bộ hơn Đào Duy Anh. Như thế có lạ không ?’’.
Quốc ngữ không ‘‘nấu chung một lò’’ với Hán văn: Khuyến khích người Việt tự tạo từ mới
Gần nửa thế kỷ sau từ điển Pháp – Việt của Trương Vĩnh Ký, nhà nho, nhà cách mạng Phan Bội Châu, trong lời Đề từ cho cuốn Hán – Việt tự điển của Đào Duy Anh (1932), khẳng định ‘‘Quốc-văn ta với Hán-văn, tất phải nấu chung một lò, dệt thêu chung một khổ’’. Trước đó, Phạm Quỳnh trong bài ‘‘Bàn về sự dùng chữ Nho trong văn Quốc ngữ’’ khẳng định : ‘‘Quốc-văn là do hán-văn mà ra, không thể bỏ chữ hán mà không dùng được, cũng không thể dời khuôn phép của hán-văn mà thành-lập’’ được Quốc-văn (Nam Phong Tạp chí năm 1918). Cuốn từ điển Pháp – Việt của Trương Vĩnh Ký ngược lại cho thấy rõ chủ trương Quốc ngữ tiếng Việt hiện đại không ‘‘nấu chung một lò’’ với Hán văn (8).
Tiếng Việt cuối thế kỷ 19 còn rất thiếu từ. Đương thời với Trương Vĩnh Ký đã có nhiều bộ tự điển song ngữ tiếng phương Tây và tiếng Hoa/chữ Hán quy mô lớn mà nhà bác học người Việt khó lòng không biết đến. Nếu ông có ý định sao chép ồ ạt các từ ngữ đương thời của người Trung Quốc chắc chắn không thiếu cơ hội. Trương Vĩnh Ký giữ khoảng cách lớn với chữ Hán để làm gì ?
Trả lời RFI, nhà ngôn ngữ học Vũ Đức Nghiệu nhấn mạnh đến việc Trương Vĩnh Ký, trong cuốn từ điển này, đã khuyến khích người Việt tự tìm, tự tạo các từ ngữ mà trong tiếng Việt chưa có: ‘‘Khi đưa từ ngữ Việt để đối chiếu, nếu tiếng ta chưa có từ ngữ tương ứng, tác giả sẵn sàng “diễn giải nghĩa” của từ Pháp, giống như việc “giải nghĩa” của từ điển tường giải của một ngôn ngữ. Cái này, một mặt do “bí” về từ ngữ để mà dịch, nhưng mặt khác, lại có thể là một lối mở để người đọc có thể sẽ tự tìm lấy các từ ngữ tương ứng ở tiếng Việt để dịch, sử dụng. 
Tác giả có ý ưu tiên dùng tiếng ta (tiếng Nôm), dùng khẩu ngữ thông thường để ‘‘đối dịch’’. Khi chưa có từ ngữ để đối dịch thì ‘‘diễn giải’’. Như chúng ta biết, không thể nói Trương Vĩnh Ký là người không thạo chữ Nho và tiếng Hán - Việt. Ông không thể không biết ‘‘tam giác’’, “đa giác” ‘‘viện bảo tàng’’/‘‘bảo tàng viện’’ “đa diện”, “đa phu”, “đa thê”… nhưng lại dùng: cái ba góc, hình ba góc rồi mở ngoặc chú là tam giác), dùng hình có nhiều góc, viện trữ đồ tích, có nhiều vợ, có nhiều chồng. Tuy tác giả vẫn dùng từ ngữ Hán-Việt không hạn chế, vì những lý do khác nhau (bởi ngắn gọn hơn, rõ nghĩa hơn vì đã quen, hoặc tránh thô tục… chẳng hạn), nhưng rất rõ là có chủ ý tự tạo, tự diễn giải. Nhưng ngược lại, vì chủ ý tự tạo, tự diễn giải đó mà khi tiếng ta lúc đó “chưa đủ chữ” thì cách diễn giải bị dài dòng hoặc quá nôm na. Đấy là ‘‘giảng nghĩa’’ chưa phải là “giải nghĩa” của từ điển học, và chắc chắn không phải là phương pháp ‘‘đối chiếu’’ của một từ điển song ngữ’’.
Việc Trương Vĩnh Ký lựa chọn biện pháp rõ ràng không thể gọi là tối ưu nói trên đặt ra nhiều câu hỏi. Nhưng phải chăng đây là cái giá không thể tránh khỏi để tiếng Việt khẳng định trước hết vị thế độc lập? Nhà ngôn ngữ học Vũ Đức Nghiệu nhận định: “Bây giờ nhìn lại, có thể có người thấy hơi buồn cười, vì thấy điều này có vẻ sơ giản, thậm chí nôm na quá, ví dụ bây giờ ta nói trường bách khoa, ông dùng trường dạy nhiều phép nhiều nghề; nhưng từ bấy đến nay, đã hơn trăm năm, phải công bằng mà nói đó là một sự cố gắng rất lớn ở những bước ban đầu mà tiếng Việt có chữ Quốc ngữ đi cùng, cộng với sự xuất hiện của tiếng Pháp ở Việt Nam”.
Tiếng Việt là ‘‘chủ’’, Hán tự là ‘‘khách’’: Cái nhìn đi trước thời đại
Trương Vĩnh Ký đã chọn con đường đoạn tuyệt với quan niệm ‘‘Dĩ Hoa vi trung’’, và nỗ lực sử dụng các thành tựu ngôn ngữ học châu Âu để phát triển tiếng Việt, để một thứ tiếng nói vốn chỉ là khẩu ngữ, thường dùng để làm thơ, có thể trở thành ngôn ngữ chính thức của xã hội. Nhưng cắt đứt tâm thức sùng bái con chữ vuông không phải là đoạn tuyệt với Hán ngữ, với di sản văn tự Hán – Nôm. Nhà bác học Công giáo Trương Vĩnh Ký, người đầu tiên phiên âm Truyện Kiều chữ Nôm sang Quốc ngữ Latinh, người phiên dịch nhiều tác phẩm kinh điển của Nho giáo sang văn tự Quốc ngữ Latinh, cũng như biên soạn nhiều sách dạy chữ Hán, tiếng Hoa, ắt hẳn hiểu rõ điều này. Ứng xử với nhóm từ ‘‘chữ Nho’’ là điều được Trương Vĩnh Ký chú ý, theo ghi nhận của nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng (9). Trong cuốn từ điển này, các từ được đánh dấu là ‘‘chữ Nho’’ được đặt trong thế tương quan : hoặc có từ ‘‘thuần Việt’’ tương đương đi kèm, hoặc không có (có khoảng 200 từ và cụm từ được Trương Vĩnh Ký đánh dấu chữ Nho trong gần 500 trang đầu của cuốn từ điển, trong đó có khoảng 20 từ tiếng Pháp chỉ có chữ Nho đối dịch, mà không có từ Việt tương đương).
Lời nói đầu cuốn từ điển Pháp - Việt của Trương Vĩnh Ký. © RFI / Trọng Thành.
 
Với ‘‘Enfant adoptif’’ có từ dịch thuần Việt là ‘‘Con nuôi’’, bên cạnh đó là chữ Nho ‘‘Dưỡng tử’’. Với ‘‘Directeur des ponts et des chaussés’’, có từ dịch thuần Việt là ‘‘Quan quản đốc việc cầu đường’’ bên cạnh từ chữ Nho là ‘‘Kiều lộ quản lý’’… Từ ‘‘Chimie’’ không có từ thuần Việt, Trương Vĩnh Ký chọn từ chữ Nho ‘‘Hoá học’’, và ngay bên dưới, từ ‘‘Chimiste’’ được dịch là ‘‘Kẻ thông phép hoá-học’’. Phân loại chữ Nho của Trương Vĩnh Ký như vậy không nhằm mục tiêu mô tả để phục vụ nghiên cứu tiếng Việt - lịch sử tiếng Việt, mà mô tả trước hết là để phục vụ việc sử dụng, cho việc xác lập những cách ứng xử mới với chữ Hán (10). Từ ‘‘Hoá học’’ trong trường hợp này có thể được coi là đã ‘‘nhập tịch’’ vào khối từ vựng tiếng Việt, và kể từ đó không còn cần được đánh dấu là chữ Nho. Việc phân định ranh giới từ vựng chữ Nho với từ vựng tiếng Việt của Trương Vĩnh Ký không phải để hạn chế hay loại trừ chữ ‘‘Nho’’, mà để trước hết khẳng định sự độc lập của tiếng Việt với tiếng Hán (11), và thứ hai là mở ra khả năng tích hợp chữ Hán vào tiếng Việt một cách chủ động, có chọn lọc, theo nghĩa tiếng Việt là ‘‘chủ’’, Hán tự là ‘‘khách’’ (chữ Nho không phải là chữ ta) (12).
Trong giới ngôn ngữ học Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 20 đến nay, nổi lên trào lưu phê phán tiếp cận “Dĩ Âu vi trung’’ (tức phê phán việc áp đặt vào tiếng Việt các quan niệm đặc thù của ngôn ngữ châu Âu), trong đó có học giả Cao Xuân Hạo. Theo một số nhà quan sát, việc phê phán quan điểm ‘‘Dĩ Âu vi trung’’ hiển nhiên có những cơ sở nhất định, nhưng việc chỉ trích quá mức quan điểm “Dĩ Âu vi trung” vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, có thể làm lu mờ đi hai thực tế căn bản khác. Thứ nhất là quan niệm ‘‘Dĩ Hoa vi trung’’ (coi các quy tắc Hán ngữ là khuôn vàng thước ngọc) còn nặng nề, và thứ hai là tình trạng thiếu vắng các công cụ ngôn ngữ học cho phép ‘‘chuẩn hoá’’ tiếng Việt, để tiếng Việt từ một ngôn ngữ “thông tục”, bình dân vươn lên dần dần thay thế cho chữ Hán/tiếng Hán với tư cách ngôn ngữ quốc gia.  
Sự nghiệp phát triển Quốc ngữ của nhà bác học đã không được mấy hưởng ứng tại miền bắc và miền trung Việt Nam, nơi nền cựu học Nho giáo tiếp tục thống trị. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục học hỏi những giá trị tiến bộ Âu – Tây để hiện đại hóa đất nước bùng lên đầu thế kỷ 20, với phương châm hàng đầu kêu gọi lấy Quốc ngữ làm văn tự quốc gia, nhưng tất cả các văn bản chủ yếu của phong trào đều bằng chữ Hán (13). Nói cách khác, việc chuẩn bị để chữ Quốc ngữ được ‘‘chuẩn hoá’’ đủ mức, đủ sức bắt kịp đòi hỏi thay đổi đột phá nói trên của giới trí thức người Việt đã bị chậm đi hẳn một nhịp so với ước vọng ‘‘chữ Quốc ngữ là hồn trong nước’’ (câu thơ khuyết danh tương truyền của một chí sĩ thời Đông Kinh Nghĩa Thục).

Aucun commentaire: