TRẬN ĐÓI NĂM ẤT DẬU. * GS Phạm Cao Dương

L Những cái chết đầy oan khiên, rải rắc khắp đầu đường, xó chợ của hai triệu nạn nhân Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu, Có Thật Việt Minh Đã Cướp Gạo Cứu Đói ? . Các Đảng Phái Quốc Gia Đã Làm Gì trước Biến Cố 19/8/1945?
Năm Ất Dậu, tháng ba, còn nhớ mãi
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói!
Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.
Khắp đường xa những xác đói rên nằm
Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp.
Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt
Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma.
                                                          * Bàng Bá Lân, Đói!

Việt Nam! Bao năm ròng rên xiết lầm than!
Dưới ách quân tham tàn, đế quốc sài lang,
Loài Phát-xít cướp thóc lúa, cướp nguồn sống dân mình.
                                 * Lời của bài hát Diệt Phát-xít của Nguyễn Đình Thi.
" Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập  một xã hội với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia (…). "
(Đại diện Việt Minh Lê Trọng Nghĩa nói với Thủ Tương Trần Trọng  Kim, Tháng 7/1945).

Đâu là nguyên nhân của Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945, một trận đói chưa từng có trong lịch sử, đã cướp đi mạng sống của hai triệu người dân Việt ? Và, Mặt trận Việt Minh khi ấy có thật đã ra quân cứu đói ?

Trong những lý do khiến Việt Minh thành công trong việc xách động quần chúng nổi lên cướp chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim ngày 19/8/1945, người ta thường chỉ chú trọng tới những gì người Pháp, người Nhật làm và quy tất cả tội ác cho “Thực Dân Pháp và Phát-xít Nhật” mà bỏ đi hay cố tình bỏ quên nhiều yếu tố khác trong đó có sự kiện chính Việt Minh cũng đã chận bắt các ghe chuyên chở thóc gạo từ Nam ra Bắc và sự kiện mặt trận này cướp phá các kho thóc của người Nhật đem lên núi để nuôi du kích, cán bộ. Tệ hơn nữa, Việt Minh còn  bán gạo ăn cướp ra  thị trường để làm kinh tài cho Đảng, một hành động vừa đánh trống, vừa ăn cướp. 
75 năm đã trôi qua.  Đã đến lúc mọi người phải được quyền biết sự thực để khỏi tủi hương linh những nạn nhân thuộc đủ mọi hạng người, già, trẻ, lớn, bé... đã phải chịu những cái chết đau đớn, oan uổng, tức tưởi nhưng đã bị lợi dụng bởi những trái tim độc ác, vì quyền lợi riêng tư không đập cùng nhịp với tim của cả dân tộc. 
   
Việt Minh chặn cướp các ghe thuyền chở thóc gạo từ miền Nam ra Bắc, đem giấu đi hay chở lên núi nuôi cán bộ, du kích và làm kinh tài cho Đảng khiến nạn dịch trở nên trầm trọng hơn  

Ai cũng biết ngoài những nguyên nhân sâu xa đã có từ trước mà người viết đã có dịp trình bày trong Chương 3 của tác phẩm Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới:  Bảo Đại – Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam, 9/3/1945-30/8/1945 (Amazon ấn và phát hành, 2017 và 2018), một trong nguyên nhân trực tiếp vô cùng quan trọng của Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945 là nguồn gạo tiếp tế từ Nam ra Bắc không thực hiện được vì lý do chiến tranh, máy bay Mỹ thường xuyên oanh tạc tất cả các đường xe lửa, đường bộ và đường biển.  Để giải quyết vấn đề này, Chính Phủ Trần Trọng Kim ngay sau khi nhậm chức, vào Tháng Năm năm 1945 đã đặc phái Bộ Trưởng Tiếp Tế Nguyễn Hữu Thí vô Nam vận động mua gạo chở ra Bắc, đồng thời dùng các thuyền mành thay vì dùng tầu lớn phát xuất từ các hải cảng nhỏ ở Miền Nam thay vì hải cảng Saigon. 
Nỗ lực chở gạo từ Nam Ra Bắc này tuy nhiên đã không mang lại được những kết quả mong muốn vì sự oanh tạc của máy bay đồng minh vẫn tiếp tục và vì sự kiện nằm ngoài tầm tay của mình thì người Việt lại gặp phải một trở ngại mới do chính người mình gây ra.  Đó là Việt Minh từ các chiến khu Quảng Ngãi, trong đó có Chiến Khu nổi tiếng Ba Tơ, kéo xuống chận bắt các thuyền chở thóc gạo đi ngang qua vùng biển của tỉnh này, lấy tất cả chở lên núi.  Sự kiện này được Sử Gia Mỹ David G. Marr ghi trong tác phẩm của ông căn cứ vào tài liệu của huyện Sơn Tịnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi, theo đó Việt Minh đã chặn bắt nhiều thuyền bè chở gạo từ Nam ra Bắc, lấy hết gạo, đem giấu đi hay chở lên núi cho du kích của họ , bất chấp hàng triệu đồng bào của họ đang dài cổ ôm bụng rỗng,  lang thang chịu rét chờ đợi với hàng ngàn người chết la liệt mỗi ngày và vào lúc toàn thể mọi người từ Nam chí Bắc, từ chính quyền trung ương tới những người trẻ bình thường chung sức cứu nạn, từ Bà Hoàng Thái Hậu mẹ Vua Bảo Đại đến các sinh viên, học sinh trong Phong Trào Khất Thực ở Hà Nội, kể cả những người thường bị Cộng Sản coi là Việt Gian thân Pháp như Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh ở Nam Kỳ, Việt Minh cướp phá các kho thóc gạo của người Nhật  ở miền Bắc cũng có mục tiêu tương tự: nuôi du kích, cán bộ và bán lại cho dân chúng làm kinh tài cho Đảng.

Sự kiện cướp phá các kho thóc gạo của người Nhật này đã được các sách vở, tài liệu của những người Cộng sản chính thức ghi nhận coi như một thành tích quan trọng của Việt Minh nhằm mục đích tuyên truyền cho việc cướp chính quyền của họ.  Theo Việt Minh tuyên truyền, mục tiêu của việc cướp phá các kho gạo này là để phân phát cho các nạn nhân nhưng theo hai tác giả Trần Hữu Đính và Lê Trung Dũng  trong tác phẩm Cách Mạng Tháng Tám 1945, những Sự Kiện Lịch Sử xuất bàn  năm 2000 tại Hà Nội, thì không hoàn toàn như vậy.  Hai tác giả này viết: 
"Ở các tỉnh miền núi Bắc Bộ như Cao Bằng, Sơn la, Thái Nguyên, Yên Bái, trong khi các lực lượng vũ trang cùng quần chúng nhân dân khởi nghĩa đánh đồn, chiếm huyện thì đều tiến hành phá các kho thóc, muối chia cho dân, hoặc tích trữ cho bộ đội, du kích."  
Mục tiêu sau, mục tiêu “tích trữ cho bộ đội, du kích” hầu như ít khi được các tác giả trong chế độ Cộng Sản khi họ viết về hiện tượng Việt Minh xúi dân phá các kho thóc, gạo nhắc đến, mặc dầu ai cũng biết nhu cầu tích trữ thóc gạo để dùng trong các chiến khu của Việt Minh để nuôi cán bộ và du kích ngay từ những ngày đầu là một mục tiêu tối cần thiết bên cạnh các mục tiêu kinh tài khác mà Nguyễn Lương Bằng, từ năm 1943, được Trường Chinh trao cho trách nhiệm.  Sự kiện này đã được chính Nguyễn Lương Bằng,  người sau này sẽ là Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà kể lại và được nhà báo Thép Mới ghi như sau:
Tôi từ làng Thượng Cát chỉ huy các mối buôn, thôi thì buôn đủ thứ, buôn gạo, buôn khô dầu, buôn dầu ve, dầu trẩu, buôn bè, buôn mật Mai Lĩnh bán vào Hà Nội, buôn gỗ trai làm lược bán  về dưới chợ Bằng.

Nên để ý là Việt Minh ở các chiến khu hồi này rất cần tiền để duy trì và phát triển các sinh hoạt của họ vì, cũng theo Nguyễn Lương Bằng qua hồi ký kể trên, vào khoảng cuối năm 1943, đầu năm 1944, khi được Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt phân công "phụ trách dân vận một bộ phận an toàn khu, phụ trách binh vận và phục trách về tài chính", ông có hỏi "quỹ của Đảng ta còn bao nhiêu tiền" thì được Trường Chinh trả lời “Tất cả còn hai mươi bốn đồng.” Hai mươi bốn đồng cho ngân sách của một mặt trận đông trên năm sáu ngàn người, có phạm vi hoạt động bao trùm các tỉnh miền thượng và trung du Bắc Bộ và đang mạnh mẽ bành trướng xuống miền đồng bằng đủ nói lên nhu cầu kiếm tiền, kiếm gạo của Việt Minh là cần thiết đến mức độ nào.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là những hoạt động kinh tài này có ảnh hưởng gì tới sự gia tăng của giá bán và nạn khan hiếm lúa gạo hay không và lượng gạo do những tổ chức của Nguyễn Lương Bằng bán ra có phải là gạo cướp từ các kho chứa của nhà nước đương thời hay không?  Câu trả lời phần nhiều nếu không nói thẳng là có.  Vậy thì bên cạnh việc người Nhật thu mua thóc gạo, người ta không thể không nói tới chủ trương cướp phá các kho thóc gạo của Việt Minh rồi đem lên núi làm lương thực cho bộ bội, du kích, cán bộ của họ hay phương tiện kinh tài và lũng đoạn kinh tế, xã hội, như là những nguyên do của Trận Đói Năm Ất Dậu và nạn khan hiếm thóc gạo, có tiền mua không được, cho tiền nạn nhân không lấy.  

PHÁ-CƯỚP THÓC-GẠO
Tác giả Vũ Ngự Chiêu trong bài viết của ông cũng nhắc tới sự cản trở của Việt Minh khi ông nói về việc tổ chức này cung cấp tin tình báo cho các oanh tạc cơ Mỹ vào lúc lực lượng này gia tăng hoạt động nhắm vào các đường giao thông khiến cho Chính Phủ Trần Trọng Kim phải dùng xe đạp để chuyển tin tức. Sử gia này cũng nhắc tới sự kiện Bộ Trưởng Xã Hội Vũ Ngọc Anh bị máy bay Mỹ bắn chết ngày 23 tháng 7 (năm 1945) và việc Việt Minh xúi giục nông dân phá các kho thóc ở các địa phương. Sự thực thì hành động xúi bẩy dân chúng phá các kho thóc ở các địa phương này nằm trong chủ trương của Việt Minh.   Bằng chứng là trong Lời Kêu Gọi của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Chống Nạn Cứu Đói với nguyên văn "…ai là người đương đói khổ, phải rủ nhau kéo đến phủ huyện, tỉnh trưởng, đốc lý đòi phát gạo; chẹn các xe lương và phá những kho thóc của giặc Nhật mà ăn…” hay “Đói! Đói! Phải giữ lấy thóc gạo.  Phải phá những kho thóc gạo của giặc” hay “Đói! Đói! Phải đánh đuổi Nhật Pháp mới khỏi đói"  Hiện tượng phá các kho thóc gạo từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1945 do Việt Minh xúi bẩy và được Mặt Trận ghi nhận như những thành tích lớn lao của họ đã xảy ra ở rất nhiều nơi và được đăng trên các báo Cứu Quốc và Cờ Giải Phóng.  Một vài trường hợp điển hình người ta có thể kể là ở huyện Hiệp Hoà, tỉnh Đề Thám (tức Bắc Giang) ngày 13 tháng 3, phủ Thuận Thành, tỉnh Ngô Gia Tự (tức Bắc Ninh) ngày 15 tháng 3, tỉnh Tán Thuật (tức Hưng Yên) liên tiếp các ngày 9, 10, 12, 14 tháng 5 và 8 tháng 6, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 16 tháng 5, tỉnh Nguyễn Thái Học (tức Vĩnh Yên) ngày 13 tháng 6 … 
Hành động thúc đẩy dân chúng hay tự mình phá kho thóc, kèm theo với sự xúi bẩy dân chúng không nộp thuế, đòi phát gạo…này đã được Việt Minh "kết hợp với phong trào đấu tranh vũ trang trong toàn quốc".   Thay vì gây khó khăn cho người Nhật hay người Pháp, họ đã gây ra rất nhiều khó khăn và nguy hiểm cho các nhà cầm quyền địa phương người Việt đương thời, đặc biệt là các tổng lý và các tri phủ, tri huyện là những người trực tiếp lo việc thâu mua và coi giữ các kho thóc gạo trong địa phương của họ, từ đó cho Chính Phủ Trần trọng Kim.   Nhiều người đã bị bao vây, đánh đập hay bị giết vì đằng sau những người dân thuần túy là những "đội danh dự", những cán bộ và những tự vệ, những du kích võ trang Việt Minh, những người luôn luôn mang theo mình "một cuộn dây thừng để bắt Việt gian".  Mặt khác, khi xúi người dân đi cướp các kho thóc này, Việt Minh đã biến những người dân thật thà, vô tội thành những kẻ phạm tội, bị lộ diện và bị truy tố.   Không còn cách nào để trốn tránh pháp luật, những con người khốn khổ và ngây thơ này đã phải bỏ lên chiến khu cùng với những gì họ cướp được.  Chiến dịch xúi dân cướp phá các kho thóc gạo của Việt Minh như vậy còn đem thêm lợi ích khác cho họ là được thêm người gia nhập hàng ngũ du kích của họ.  Trường hợp của “chú Thấu” trong hồi ký của Nhà Văn Vũ Thụy Hoàng là một trường hợp điển hình.  Cũng cần phải để ý là các tỉnh có các kho thóc bị cướp kể trên không phải là những tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Thái Bình, Hà Đông…, nơi nạn đói hành hoành mà là các tỉnh ở miền trung du không xa các cứ địa của Việt Minh là mấy.  Người dân bị đói nhiều ngày chỉ còn da bọc xương, lê không nối, nằm chết dọc đường khi kéo nhau lên các tỉnh hay phủ huyện lỵ ở miền suôi để kiếm ăn, như Thi Sĩ Bàng Bá Lân miêu tả trong bài thơ Đói của ông, sức đâu mà kéo lên các địa điểm ở tít trên các miền trung du này để cướp phá các kho thóc như được kể:
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói!
Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.
Khắp đường xa những xác đói rên nằm
Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp.
Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt
Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma.

Họ cũng không thể lên đó để lãnh thóc, gạo, cơm, hay cháo từ tay các cán bộ.  Việt Minh cũng khó có thể đem thóc hay gạo xuống các tỉnh miền suôi để phát cho họ.  Trường Chinh sau này khi viết về hiện tượng cướp các kho thóc gạo cũng đã đưa ra những con số và hình ảnh mà người đọc không thể không nghĩ là ông đã phóng đại: "Hàng nghìn kho thóc của Nhật ở Bắc-bộ và Bắc Trung-bộ bị quần chúng chiếm chia cho dân nghèo.  Nạn đói được giải quyết bằng phương pháp cách mạng.  Nông dân Bắc-giang, Thái-nguyên, Bắc-cạn v.v… nổi dậy chiếm đồn điền của Pháp, Nhật và tiến hành chia đất." Câu hỏi được đặt ra một lần nữa ở đây là những thóc gạo cướp được đã được chở đi đâu?  Nếu không phải là lên chiến khu nuôi du kích, cán bộ hay đem bán lại làm kinh tài cho Đảng như trường hợp xảy ra ở Quảng Ngãi cho thóc gạo chở từ Nam ra Bắc để cứu đói hồi còn chiến tranh như đã nói ở trên và sau này, sau biến cố 19 tháng 8 (1945) vào những ngày đầu của tháng 9 cùng năm mà tác giả David G. Marr đã nêu lên trong tác phẩm thứ hai viết về giai đoạn  này của ông. 

Nó cũng là một cái cớ được Việt Minh triệt để khai thác nhằm lên án sự bất lực của chính phủ đương thời hầu xách động quần chúng nông thôn nổi lên cướp chính quyền khi cơ hội đến với họ.  Một hành động "vừa đánh trống, vừa ăn cướp", "vừa ăn cướp, vừa la làng", và họ đã thành công.  Chính quyền đã về tay họ một cách dễ dàng và có chính nghĩa.

VIỆT MINH CÓ CỨU ĐÓI KHÔNG ?
Sự thực thì nạn đói đã không kéo dài.  Ngay từ tháng 5 nhờ vụ lúa chiêm được mùa và với nhu cầu lương thực không còn nhiều như trước do con số quá cao người chết, nạn đói đã giảm dần để sang đến tháng 6 thì gần như không còn nữa. Tất cả đã xảy ra trước khi Việt Minh cướp chính quyền hay nói cách khác, Việt Minh không những không đóng góp được gì vào nỗ lực cứu đói trong thời gian này mà còn xúi bẩy, góp tay, thúc đẩy và cản trở trầm trọng những hoạt động của chính phủ cũng như của các nhà cai trị địa phương.  Chuyện Chính Phủ Lâm Thời Hồ Chí Minh cứu đói sau đó coi như một thành tích của chính quyền mới thực sự chỉ là chuyện cuối mùa, vuốt đuôi không đúng sự thực bằng những thóc gạo họ đã cướp được trước kia chưa dùng tới không cho thì cũng để mục và vất đi mà thôi.

            Độc giả cần phải để ý là Việt Minh và Cộng Sản là một và mục tiêu tối hậu của Đảng Cộng Sản là phá bỏ xã hội cũ để thiết lập xã hội xã hội mới theo xã hội chủ nghĩa nên đối với họ cướp chính quyền chỉ là một giai đoạn và tất cả chỉ là phương tiện và mọi phương tiện đều tốt kể cả mạng sống của người dân.  Quan điểm này đã được biểu lộ qua những lời của Lê Trọng Nghĩa, đại diện Việt Minh, nói với Thủ Tướng Trần Trọng Kim, khi hai người gặp nhau ở Phủ Khâm Sai Bắc Bộ vào khoảng cuối tháng bảy, đầu tháng tám năm 1945 và để từ chối hợp tác với chính phủ của Thủ Tướng Kim để cùng lo việc nước, tránh hại cho dân:

Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định (...). Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công.  Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi.  Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập  một xã hội với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia (…).  Chúng tôi sẽ cướp quyền để cho các nước đồng minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu cho ai nhường.

Đây là một lời nói sắt máu, đầy bạo lực về mạng sống của chính đồng bào mình tưởng khó ai có thể mở miệng thốt ra nhưng sau đó không lâu đã được Đại Tướng Việt Minh Võ Nguyên Giáp lập lại gần giống như vậy với Tướng Pháp Jean-Julien Fonde trước khi xảy ra cuộc chiến Việt Minh – Pháp, 1946-1954 là " Những cái chết – một triệu cái chết của người Việt Nam - không quan trọng" . Câu nói này được in trên mặt hộp bìa đựng của cuốn 1 của bộ phim tài liệu Vietnam, A Television History ( The deaths-one million Vietnamese deaths-not important).  Nhận định này sau đó đã được họ Võ lập lại nhiều lần khi được các ký giả ngoại quốc phỏng vấn trong thời gian chiến tranh và lần chót vào năm 1995, hai mươi năm sau khi Cuộc Chiến Ba Mươi Năm chấm dứt trên truyền hình Mỹ, cả thế giới đều được nghe.  Khi được hỏi là trong cuộc chiến từ ba triệu rưởi đến bốn triệu người đã bị giết, ông có hối tiếc không?  Bằng tiếng Pháp quen thuộc, Võ Nguyên Giáp đã dứt khoát trả lời “Không chút nào! Tôi không hối tiếc chút nào!   
            Thật khó tưởng tượng cho một người Việt Nam bình thường nhưng nó đã được các lãnh đạo Việt Minh khác rồi sau này Cộng Sản Bắc Việt từ  Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh... lập đi lập lại trong suốt cuộc chiến để biện minh cho chủ trương kháng chiến trường kỳ của họ.  Điều này nói lên lý do thắng trận của người Cộng Sản và thua trận của người Quốc Gia cũng như người Pháp và phía đồng minh sau này.  Sự kiện Việt Minh chận cướp các thuyền bè chở thóc gạo từ Nam ra Bắc và cướp phá các kho thóc gạo ở đồng bằng miền Bắc đem lên các chiến khu nuôi cán bộ và du kích và làm kinh tài cho Đảng giữa lúc Nạn Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu đang hoành hành  ở miền Bắc khiến hàng triệu người bị chết la liệt, có tiền không có gạo mà mua nhưng vẫn đổ hết tội cho Pháp và Nhật là một chủ trương coi tất cả chỉ là giai đoạn là phương tiện của Đảng Cộng Sản Việt Nam cần phải được làm sáng tỏ và ghi nhận.  Điều Lê Trọng Nghĩa không nói rõ hay chưa nói rõ hay không thể nói rõ là mười phần chết chín và phần còn lại là  phần dân nào muốn đi theo Xã hội chủ nghĩa Cộng sản   ?  Nhưng những gì Việt Minh đã làm ở thời ông và những gì Đảng Cộng Sản đã và đang làm sau này đã chứng minh ngay giới lãnh đạo của đảng này cũng không biết cho đến cuối Thế Kỷ 21 cũng chưa biết Xã hội chủ nghĩa này sẽ  như thế nào? 

Bằng chứng nh
ư ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước  Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: " Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa (Tuyên bố tại Hà Nội, ngày 24/10/2013).

            Điều nên biết là ng
ược lại, trước đó không lâu, trước khi Việt Minh cướp chính quyền, Hoàng Đế Bảo Đại đã ban hành Dụ Số 1, ngày 17/3/1945 lấy khẩu hiệu Dân Vi Quý làm căn bản cho đường lối cai trị đất nước của ông, đưa nhà vua hay giới cầm quyền xuống địa vị không quan trọng, dựa trên nguyên tắc “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” của Mạnh Tử. 

Tiết đầu thu lập đàn giải thoát và chén rượu giải oan
75 năm đã trôi qua.  Tẩt cả những gì đã xảy ra trong suốt 75 năm qua nay đã trở thành lịch sử.  Các nhân vật ít nhiều liên hệ các biến cố kinh hoàng hay được tận mắt thấy được thảm cảnh của năm Ất Dậu 1945 và những năm sau đó đều đã không còn nữa, nhưng những cái chết đầy oan khiên, rải rắc khắp đầu đường, xó chợ của hai triệu nạn nhân Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu, rồi nhiều triệu dân nữa trong những năm kế tiếp, đã ngấm sâu vào tiềm thức của dân tộc Việt Nam và mãi mãi tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác.  Nỗi oan khiên này còn lâu mới có thể siêu thoát được dù cho các chùa khắp trong nước cũng như ở Hải Ngoại ít nhiều vẫn giữ được truyền thống vô cùng đáng quý của người Việt là hàng năm làm lễ giải oan, xá tội cho các vong nhân vào ngày Rằm Tháng Bảy với tục cúng cháo lá đa cho các cô hồn:

Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân.
Trong dịp này người ta thường đọc bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, một tuyệt tác phẩm của Thi Hào Nguyễn Du, với một giọng vô cùng thê lương, thảm thiết khiến cho người nghe không khỏi mủi lòng, ngậm ngùi, rơi lệ, qua những câu mở đầu:

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô.
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuộm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Dịp đường lê lác đác mưa sa.
Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh...
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương lử đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên,,
Còn chi ai khó ai hèn,
Còn chi mà nói kẻ hèn người ngu.
Tiết đầ thu lập đàn giải thoát,
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi,
Muôn nhờ Đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ tìm về Tây hương....

hay như Nhà Thơ Tô Thùy Yên đã ngậm ngùi:
Chén rượu hồng đây xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này!
* Phạm Cao Dương

Aucun commentaire: