Theo
như thông lệ hàng ngày vợ chồng chúng tôi: Buổi sáng thức dậy, vệ sinh cá nhân,
ăn điểm tâm sáng, một vài động tác thể dục dưỡng sinh khoảng từ 15 đến 30 phút
... rồi, khoảng từ 10 giờ 30 phút, chúng tôi di tản bộ một vòng qua các đường
phố nơi chúng tôi đang cư ngụ
trong khoảng 30 phút rồi trở về nhà ... và bắt đầu cho một ngày sinh hoạt. (sinh hoạt nầy được tiến hành đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần ... hai ngày cuối tuần, thứ bảy và chủ nhật thì hoàn toàn dành cho các con, các cháu và bạn bè, anh chị em trong gia đình của vợ tôi. Tùy theo hứa hẹn, hai ngày cuối tuần sẽ dành cho ai theo lịch trình đã có ước tính trước rồi).
trong khoảng 30 phút rồi trở về nhà ... và bắt đầu cho một ngày sinh hoạt. (sinh hoạt nầy được tiến hành đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần ... hai ngày cuối tuần, thứ bảy và chủ nhật thì hoàn toàn dành cho các con, các cháu và bạn bè, anh chị em trong gia đình của vợ tôi. Tùy theo hứa hẹn, hai ngày cuối tuần sẽ dành cho ai theo lịch trình đã có ước tính trước rồi).
Hôm nay, có một
sự việc đặc biệt xảy ra : Sau khi đi một vòng trở về nhà, mở thùng thơ bưu điện
(như thường lệ) trước khi lên nhà riêng, căn nhà (hộ) nhỏ ở lầu 1 trong một khu
chung cư có 4 căn với 2 tầng lầu mà tầng trệt (rez de chaussée) là một căn hầm
(cave) chứa đồ vật dụng chung cho 4 căn nhà phía trên. Trong thùng thơ, không
có thơ mà chỉ có một mảnh giấy nhỏ loại giấy quảng cáo của một ngôi nhà thờ Thiên
Chúa nằm cùng đường với chung cư của chúng tôi (cách khoảng 300 mét) ... và mảnh
giấy giới thiệu có nội dung như sau " Từ nay, nhà thờ sẽ tiếp nhận các
quần áo cũ, nón, vớ, găng-tay, giày, dép cũ ... các vật dụng nầy sẽ được chuyển
giao lại cho các cơ sở từ thiện Secours - Catholiques ".
Thực ra thì tại
thành phố nơi chúng tôi cư ngụ, cũng đã có một số địa điểm tiếp nhận các vật dụng
kể trên cho các cơ quan từ thiện, như so với tư gia của chúng tôi thì hơi quá
xa, cho nên chúng tôi cũng ngại ngùng trong việc mang đồ vật đến đó và cũng là
lý do làm cho chúng tôi luôn luôn tỏ ra rất ngại trong việc kiểm soát lại, thu
xếp lại các đồ dùng cũ kỹ lâu ngày cần phải loại bỏ đang có thật nhiều trong
nhà.
Nhưng bây giờ, gần
cạnh bên nhà có một địa điểm thu nhận đồ đạc cũ đã làm cho chúng tôi (đúng ra
là Tôi) có can đảm, có nhiều nghị lực thực hiện công việc mà từ lâu mình muốn
làm nhưng chưa làm được ... và hôm nay, Tôi quyết định bắt tay ngay vào việc nầy.
Sau khi ăn cơm
trưa xong, nghỉ ngơi khoảng 30 phút là Tôi bắt đầu làm việc ngay : Trong lúc dọn
dẹp, sắp xếp lại các vật dụng thì tình cờ Tôi tìm thấy lại " MỘT ĐÔI
GIÀY CŨ " mà cách đây hơn 10 năm, Tôi đã được người con trai tặng cho
... và đôi giày nầy đã để lại cho Tôi một DẤU ẤN KỶ NIỆM thật đặc biệt trong đời.
Nhưng có một điểm
quan trọng mà Tôi muốn được xin thưa rằng : Ở trên đời nầy, không phải hoàn
toàn tuyệt đối cho tất cả mọi người ... nhưng có một số người, trong cuộc đời của
riêng mình, vì duyên, vì số, vì định mệnh ... đã có một số sự việc xảy đến với
mình mà chính mình không thể ngờ được mà mình phải xem đó là một HUYỀN BÍ ...
xin được tạm gọi đó là Ý TRỜI ... và trong số những người đó có trường hợp của
cá nhân Tôi, việc đó qua MỘT ĐÔI GIẦY mà người con trai của Tôi đã tặng cho mà
Tôi xin phép được kể dưới đây.
Cầm trên hai tay
hai gói quà ( 1 gói nhỏ và 1 gói lớn ), đứng trước mặt cả hai vợ chồng chúng
tôi, con trai của chúng tôi nói : -
Thưa Ba, Mẹ, hôm nay con xin tặng Ba, Mẹ mỗi người một món quà .
Đưa gói quà nhỏ
cho vợ tôi và gói quà lớn cho Tôi và con trai chúng tôi nói : - Ba, Mẹ mở ra
xem đi .
Vợ của tôi mở
ngay gói ra xem, đó là một chai dầu thơm.
Tôi cầm gói quà
nhưng không mở ra xem mà Tôi hỏi ngay con tôi : Ba muốn biết là con tặng cho Ba
món quà gì trước khi Ba mở gói quà ra xem có được không ?
Không trả lời
câu hỏi của Tôi, con trai của chúng tôi trịnh trọng nói : - Thưa Ba, con có một
việc muốn thưa riêng với Ba về vấn đề quà tặng, Ba có cho phép con nói, có được
không Ba ?
Tôi bình thản
nói : - Được, con cứ tự nhiên
nói, Ba nghe .
Con trai của
chúng tôi nói : - Thưa Ba, trước đây ở Việt Nam, con còn quá nhỏ, con không biết,
không có nhận xét được về Ba, nhưng ở Pháp, khi con lớn lên và khi con biết suy
nghĩ, nhận xét thì con thấy, Ba là một người không chú trọng, không quan tâm
nhiều đến vấn đề ăn mặc, chưng diện, không chú trọng đến quần áo, giày dép, đồng
hồ ... Hôm nay con xin tặng Ba một đôi giày, con không dám nói đến giá cả tiền
bạc, nhưng con xin thưa, đây là một đôi giày thuộc loại tốt, đẹp và có giá trị
thời trang, xin Ba nhận ... và từ nay cứ sử dụng thoải mái, đừng lo lắng, tiết
kiệm, hạn chế những quà tặng mà con tặng cho Ba ... đồ dùng là để mình xử dụng,
để xài ... cứ xài hàng ngày chứ không cần phải chờ đến các dịp lễ, tết ... Ba mở
ra xem đôi giày đi Ba.
Tôi mở gói quà
ra xem, đó là một đôi giày da hiệu J.M. Weston. Một đôi giày số 40, Tôi mang
vào rất vừa vặn với đôi chân của mình. Với tôi, đó là một đôi giầy đẹp và hợp với
đôi chân của mình.
Tôi nói : - Cám
ơn con, Ba hài lòng với đôi giày nầy. Ba muốn bên trong của đôi giày nầy, mỗi
chiếc có 1 auto-collant hình Hoa Mai để làm kỷ niệm có được không con ?
- Dạ được. - Con
sẽ lo cho Ba ngay ngày mai việc nầy.
Ông bà, cha mẹ
(và kể cả các anh chị em của chúng tôi trong gia đình sau nầy) theo " ĐẠO
GIA TIÊN " tức là đạo thờ cúng tổ tiên ông bà.
Khi tôi còn trẻ,
ở trong nhà, tôi chỉ nhìn thấy cha mẹ của chúng tôi có thiết lập một bàn thờ,
trên đó có các ảnh của ông bà nội, ông ngoại của chúng tôi (là những người đã
qua đời) ... và hàng năm thì có những ngày cúng giỗ và vào dịp Tết Nguyên Đán
thì có cúng bái vào đêm 30 cuối năm gọi là cúng Giao Thừa và cúng thêm bốn ngày
đầu năm (mùng 1, 2, 3 và 4). Ngoài ra, tôi không thấy có gì thêm.
Như trên tôi đã
trình bày, gia đình của chúng tôi theo Đạo Gia Tiên, cho nên từ khi có mặt tại
Pháp sau Biến Cố Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975. Tôi hoàn toàn không tham gia sinh hoạt
ở các cơ sở tôn giáo như chùa, nhà thờ, giáo xứ, thánh thất, tịnh xá, đạo tràng
... mặc dù tại Pháp, các cơ sở tôn giáo đã hoạt động rất mạnh mẽ và cộng đồng
người Việt Nam tham gia rất đông đảo.
Thỉnh thoảng Tôi
cũng có đến các cơ sở tôn giáo kể trên (nhưng rất ít và hạn chế). Thật ra, tôi
chỉ đến khi nào có dịp được các bạn bè thân hữu mời đến tham dự các buổi lễ cầu
siêu, cầu nguyện, giỗ chạp của thân nhân ... Nói tóm lại, tôi là một người theo
Đạo Gia Tiên chứ không phải là một người theo Đạo Phật, không phải là một Phật
Tử và ngôi chùa mà tôi có dịp đến nhiều lần là CHÙA KHÁNH ANH ở thành phố
BAGNEUX thuộc ngoại ô của thủ đô Ba-Lê.
Hôm nay là ngày
kỷ niệm " Sinh Nhật 3 Tuổi " của một đứa cháu Ngoại Gái của
chúng tôi, và buổi tiệc sinh nhật được tổ chức tại nhà của vợ chồng con gái ở một
vùng ngoại ô của Ba-Lê.
Đồng thời, hôm
nay, tôi cũng được mời tham dự " Buổi Cúng Đúng Một Năm " của
một người bạn trong cộng đồng tại Chùa Khánh Anh ở thành phố Bagneux.
Vợ của tôi đã rời
khỏi nhà từ sáng sớm cùng vợ chồng của con trai để đến thẳng nhà vợ chồng con
gái cho buổi tiệc Sinh Nhật Cháu Gái ... Riêng tôi, sẽ đến sau và muộn hơn vì
tôi phải đến tham dự buổi lễ tôn giáo ở chùa Khánh Anh.
Trước tiên là phải
tham dự một buổi lễ tôn giáo và sau đó tham dự sinh nhựt của cháu gái cho nên
hôm nay tôi ăn mặc rất trịnh trọng và mang đôi giày J.M. Weston của con trai tặng
và hôm nay cũng là lần đầu tiên tôi xuất hành với đôi giày mới nầy.
Buổi lễ tôn giáo
tổ chức ở chánh điện từ 11 giờ đến 12 giờ và sau đó là bữa ăn trưa chay ở dưới
nhà ... Tôi chỉ xin tham dự buổi lễ ở chánh điện mà thôi.
Cũng như tất cả
mọi người, trước khi bước chân lên chánh điện ở lầu 1, tôi xếp đôi giầy ở khu vực
giày dép nơi cầu thang.
Buổi lễ chấm dứt,
mọi người lần lượt xuống nhà để dùng cơm trưa, còn tôi thì xuống nhà lấy giày để
đến nhà của vợ chồng con gái để tham dự tiệc Sinh Nhật.
Một bất hạnh đã
xảy ra cho tôi : " ĐÔI GIẦY J.M. WESTON của Tôi, không cánh mà đã bay mất
".
Không tìm thấy
đôi giày của mình, nhưng tôi không biết phải làm sao, chỉ biết ngồi chờ cho tất
cả mọi người lấy xong giầy dép của họ và còn lại một đôi giày duy nhất không có
chủ nhân nào nhận ... tôi nghĩ rằng chắc chắn CHỦ NHÂN CỦA ĐÔI GIÀY NẦY đã LẤY
CẮP ĐÔI GIẦY J.M. WESTON của tôi rồi. Đây là một đôi giày không thật cũ cũng
không thật mới. Tóm lại, đây chỉ là một đôi giày thuộc loại rẻ tiền và bình thường
... Tôi đành phải mang đôi giày nầy vào chân và rời khỏi chùa Khánh Anh.
Người đã lấy cắp
đôi giày của tôi và là chủ nhân của đôi giày cũ để lại cho tôi, tôi xin phép được
đặt cho ông ta tên là Lương Nhân và mang họ Bất, tức là ông BẤT LƯƠNG NHÂN.
Vừa bước chân
vào nhà, con trai của tôi nhìn tôi từ đầu đến chân và ngạc nhiên hỏi : - Ba,
hôm nay sinh nhật của Phương Dung, Ba ăn mặc kẻng và chiến quá mà tại sao Ba lại
mang đôi giày cũ ... còn đôi giày mới con tặng cho Ba đâu, Ba lại không mang ?
Tôi buồn bã trả
lời : - Ba vừa đi chùa Khánh Anh ở Bagneux và đã bị mất đôi giày mới con cho ở
đó rồi và đôi giày cũ nầy là của thằng ăn cắp để lại, Ba phải đành mang vào
chân để về nhà ... Xui quá !
Không tỏ vẻ buồn
bực mà con trai của tôi lại vừa mĩm cười vừa nói : - Trời ơi ! ở chùa, ở chỗ từ bi, bác ái mà người ta
cũng ăn cắp giày dép của nhau ...người ta không có lòng từ tâm, thiện tâm chút
nào sao Ba ? Thôi, không sao đâu Ba, để tuần sau Con sẽ mua cho Ba đôi giày
khác ... hôm nay, coi như Ba đã cúng dường một đôi giày.
Tôi trả lời ngay
với con tôi : - Thôi con, việc đó tính sau đi ... Ba sẽ trở lại các chùa để tìm
lại đôi giày của Ba. Nếu Trời Phật thương và linh thiêng thì Ba sẽ tìm lại được
đôi giày của Ba.
Hàng tuần, vào
hai ngày cuối tuần, tức là thứ bảy và chủ nhật, Tôi, một mình đích thân lái xe
đến các chùa trong phạm vi Ba-Lê và các vùng phụ cận, quan sát các nơi để giày
dép của các thiện nam tín nữ coi có đôi giày của mình không.
Mỗi lần rời khỏi
nhà, lái xe đến các chùa, khi ngồi vào xe bắt đầu nổ máy lên đường, tôi luôn
luôn khấn nguyện như sau :
- Kính thưa Thượng
Đế, ông là Đấng Linh Thiêng, Đấng Toàn Năng, xin ông hãy giúp Con tìm lại được
đôi giày của Con. Con không phải là một Phật Tử, nhưng Con nghĩ rằng, chùa là
nơi tôn nghiêm, là nơi thể hiện lòng từ bi, bác ái, thiện tâm, thiện đức và Con
đã đến chùa với lòng thành kính đối với Ngài và với những người quá cố. Thật sự,
khi Con bị mất một đôi giày, Con không tiếc là mình bị mất một đôi giày đáng
giá về tiền bạc, nhưng Con nghĩ rằng, nếu Con bị mất đôi giày ở chùa thì Ngài
đã BẤT CÔNG đối với Con ... Con cầu xin Ngài hãy chứng giám cho lời cầu xin của
Con và xin Ngài hãy chứng tỏ cho Con thấy được một SỨC MẠNH QUYỀN NĂNG TÔN GIÁO
VÔ BIÊN của Ngài, tức là cho Con tin là có THƯỢNG ĐẾ, thưa Ngài, Ngài Thượng Đế
.
Hơn 2 tháng trôi
qua, tôi hoàn toàn vô vọng không tìm lại được đôi giày của mình ... vợ và các
con của tôi khuyên tôi nên bỏ cuộc mà trở về với cuộc sống bình thường của mình
... nhưng tôi quyết định TIẾP TỤC TÌM KIẾM và KHÔNG BỎ CUỘC.
Tôi đã tham dự lễ
an táng cho thân phụ của một người bạn thân ở nghĩa trang Thiais và hôm nay tôi
được mời tham dự buổi lễ.
" Cúng
Thất 49 Ngày " cho
người quá cố ở chùa Khánh Anh (Bagneux).
Buổi lễ được diễn
ra bình thường như hầu hết các buổi lễ khác đã được tổ chức: Lễ cúng bái ở
chánh điện từ 11 giờ đến 12 giờ và sau đó là bữa ăn trưa chay ở dưới nhà.
Tôi hứa với gia
đình của người bạn là tôi đến tham dự buổi lễ cúng bái chứ không ăn cơm trưa.
Lần nầy đến chùa
Khánh Anh, tôi vẫn mang đôi giày cũ của ông Bất Lương Nhân và cũng khấn nguyện
trong đầu là cầu mong Thượng Đế giúp cho tôi tìm lại được đôi giày đã bị mất cắp
của mình.
Tôi đến cũng hơi
trễ, quan sát khu vực để giày dép ... không thấy đôi giày của mình. Tôi bỏ giày
ở một góc cầu thang và trèo lên chánh điện tham dự cuộc lễ bái.
Khu chánh điện
đông nghẹt người, vì hôm nay có nhiều gia đình khác nhau cùng tổ chức lễ bái, cầu
siêu và cúng thất do chính Hòa Thượng Thích Minh Tâm làm chủ lễ.
Phía vách sau
cùng của chánh điện có một số người đứng. Còn khu vực gian giữa thì các thiện
nam tín nữ ngồi, quỳ bái lạy cầu nguyện, đọc kinh.
Hầu hết mọi người,
kể cả những người đang đứng đều cầm trên tay kinh, sách, nhang đèn. Tôi đứng ở
cuối vách chánh điện, phía sau cùng và gần cầu thang xuống nhà, bên cạnh những
người đồng hương Việt Nam hoàn toàn xa lạ không quen biết. Tôi đảo mắt nhìn vào
phía trong gian giữa, thấy một vài người bạn quen, kể cả vợ chồng anh bạn thân
... họ đang hành lễ và đọc kinh trong tư thế thật nghiêm trang, mắt hướng về
bàn Chư Phật cho nên họ không nhìn thấy tôi.
Vì không phải là
một Phật Tử mà lại đến muộn cho nên tôi đứng trong tư thế thong thả, hai tay bỏ
thòng chắp lại trước bụng.
Bất thần, có một
người đàn ông, khoảng trên dưới 50 tuổi, ở khu giữa của chánh điện, từ từ bò ra
phía cầu thang xuống nhà, trên tay cầm một bịch ny-lông màu xanh dương đậm ...
khi đến khu vực cầu thang, ông ta đứng lên, khuôn mặt có vẻ nhăn nhó đau đớn
trong tư thế thật hấp tấp, vội vã. Ông ta nhìn một lượt mọi người đang đứng ở cầu
thang trong đó có tôi. Tự nhiên, ông ta nhìn ngay tôi và nói : - Anh cho tôi gửi
bịch đồ, tôi đi toilette gấp, tôi sẽ trở lại ngay .
Tôi đưa tay cầm
lấy bịch ny-lông, còn ông ta thì hối hả chạy đến cầu thang xuống nhà.
Hơi tò mò, tôi mở
hé bịch ny-lông ra và nhìn vào bên trong ... Thật bất ngờ, tôi thấy đôi giày hiệu
J.M. Weston. Tôi ngó ngay vào bên trong của một chiếc giày và thấy ngay một
auto-collant Hoa Mai. Tôi giật mình ... đây đúng là đôi giầy của chính tôi. Tôi
quyết định xuống cầu thang ngay, mang ngay đôi giày vào chân, thoát nhanh ra khỏi
chùa, ra đường, vào xe và lái xe về nhà. Tôi đã tìm lại được đôi giày đã mất tại
nơi nầy cách đây hơn 2 tháng ... và ngày hôm nay, cũng tại nơi nầy, đôi giày
J.M. Weston mà con trai tôi đã tặng đang nằm lại trong đôi chân của tôi ... Quả
thật THƯỢNG ĐẾ đã thương tôi và chứng giám cho lời cầu xin của tôi.
Qua sự việc tôi
bị mất cắp một đôi giày và sau đó tìm lại được, tôi có những nhận xét và cảm
nghĩ như sau xin phép trình bày :
* Sau khi mở bịch
ny-lông và nhìn thấy ĐÚNG đôi giày của mình, vì phía bên trong của chiếc giày
có vết tích đặc biệt do tôi làm dấu để kỷ niệm (Hoa-Mai). Đây là yếu tố quan trọng
xác quyết cho chủ nhân của đôi giày. Có lẽ hình dấu nầy cũng tương đối đẹp đối
với ông Bất Lương Nhân cho nên ông cũng giữ lại mà không xóa bỏ đi ... điều nầy
may mấn cho tôi.
* Nếu như tôi ở
lại chờ gặp ông Bất Lương Nhân để tranh luận về chủ nhân của dôi giày thì tôi lấy
lý do gì để cho rằng đôi giày nầy là của tôi ... và nếu như ông Bất Lương Nhân
lớn miệng, to tiếng cãi chày cãi cối cho rầng đôi giày nầy của ông ta trước mặt
mọi người, thì chắc chắn tôi sẽ là người thua cuộc, vì khi ông Bất Lương Nhân
giao bịch ny-lông nhờ tôi giữ giùm thì có những người đang đứng ở cầu thang
nhìn thấy (mặc dù những người nầy không quen biết tôi và cả ông Bất Lương
Nhân), nếu nhìn thấy thì chắc chắn có người sẽ đồng ý xác nhận ngay sự việc nầy.
* Việc tôi âm thầm
rời khỏi chùa Khánh Anh, theo tôi, tôi đã hành động ĐÚNG, vì đối với một người
tham lam, tiểu nhân thì tôi không nên hành động theo kiểu cách của MỘT NGƯỜI QUÂN
TỬ.
* Tại sao ông Bất
Lương Nhân không mang theo bịch ny-lông (trong đó có đôi giày) với mình vào
trong toilette ?
- Có lẽ khu vực
toilette không được rộng rãi, sạch sẽ ... ông Bất Lương Nhân sợ mang theo sẽ phải
để bịch ny-lông dưới sàn nhà và sẽ dơ bẩn bịch ny-lông chăng ?
- Hay là ông Bất
Lương Nhân đang ở trạng thái quá vội vã, cấp bách cho việc giải quyết tiểu tiện,
ông Bất Lương Nhân muốn được rảnh tay mà giải quyết nhanh chóng việc tiểu tiện
nầy !!!
* Tại sao ông Bất
Lương Nhân không gửi bịch ny-lông nầy cho người khác mà lại gửi nó cho tôi, vì
lúc bấy giờ cũng có rất nhiều người đang đứng ở khu vực cầu thang như tôi ?
Phải thành thật
mà nói, lúc bấy giờ, tôi là người duy nhất đang đứng trong tư thế thoải mái,
nhàn hạ, hai tay chắp lại buông thòng trước bụng, trong khi các người khác thì
trên tay họ, hoặc cầm kinh, sách hoặc cầm nhang đèn, hoặc chắp tay theo kiểu
trang nghiêm bái, xá trước ngực.
Tóm lại, tôi là
người đáng được ông Bất Lương Nhân giao cho nhiệm vụ giữ dùm bịch ny-lông. Chắc
đây ĐÚNG LÀ Ý TRỜI.
* Khi tôi vừa ra
tới ngoài đường, mở cửa xe, vào xe, nổ máy, bắt đầu rồ ga chuyển bánh thì cũng
là lúc tôi nghe một hồi chuông lớn và dài ở chánh điện báo hiệu buổi lễ ở chánh
điện đã chấm dứt.
* Khi ông Bất
Lương Nhân trở lại cầu thang và không thấy tôi, ông Bất Lương Nhân sẽ nghĩ ngay
trong đầu rằng : đôi giày của mình đã bị ăn cắp bởi một thằng bất lương khốn nạn
nào đó rồi ... vì có lẽ lúc bấy giờ ông ta nghĩ rằng đôi giày J.M. Weston là
đôi giầy của chính ông ta. Và có lẽ, sau một phút suy nghĩ tiếp theo, ông Bất
Lương Nhân sẽ suy nghĩ lại rằng " trước đây, mình đã ăn cắp đôi giày nầy
của người khác và hôm nay mình bị một thằng khác nó ăn cắp theo sau đó. u cũng là số mệnh và Ý Trời ".
* Ông Bất Lương
Nhân sẽ buồn bã cùng mọi người lần lượt xuống nhà lấy giày dép và chờ ăn cơm
chay trưa. Nhưng trường hợp của ông ta thì phải chắc chắn ngồi chờ cho tất cả mọi
người lấy đúng giầy dép của họ ... và sau cùng, đôi giày duy nhất còn lại không
có chủ nhân của nó thì lúc bấy giờ ông ta mới dám đút chân vào mang ... và đây
là việc mà tôi đã phải làm cách đây hơn 2 tháng ... và hôm nay tới phiên ông Bất
Lương Nhân phải làm.
* Điều thú vị và
bất ngờ là ông Bất Lương Nhân sẽ phải mang vào chân chính đôi giày của mình mà
cách đây hơn 2 tháng mà ông ta đã để lại khi ăn cắp đôi giày của người khác, đó
là đôi giày J.M. Weston của tôi. Và hôm nay, chính chủ nhân của đôi giày J.M.
Weston đã lấy lại được đôi giày của ông ấy và để lại đôi giày cũ của ông Bất
Lương Nhân cho ông Nhân ...ĐÚNG LÀ TRỜI CAO CÓ MẮT ... và TÔI TIN CÓ THƯỢNG ĐẾ.
* Trước khi viết
câu chuyện nầy lên các trang giấy, Tôi có kể câu chuyện nầy với một vài người bạn
để nghe cho vui. Có người tỏ ra tức giận và nói : Tìm lại được đôi giày của
mình trong tay, sao ông không mang luôn về nhà đôi giày cũ của thằng ăn cắp cho
nó đi chân không về nhà cho nó đáng đời nó.
* Tôi có thưa rằng
:
- Chính tôi cố
tình để lại đôi giày cũ cho chủ nhân của nó.
Chắc chắn nó sẽ
không đi chân không về nhà đâu ông bà ơi ... nhà chùa tưởng nó bị người khác ăn
cắp giầy, sẽ thương và tội nghiệp cho nó mượn một đôi giày khác để mang về nhà.
Riêng phần tôi,
tìm lại được đôi giầy của mình là một điều may mắn, nhưng nếu tôi mang luôn đôi
giầy của người khác về nhà thì tôi sẽ mang tội ăn cắp giầy của người khác. Và
điều quan trọng hơn cả là nếu như ông Bất Lương Nhân (tức thằng ăn cắp) không
thấy và lấy lại đôi giầy của chính mình thì nó sẽ nghĩ rằng (như tôi đã trình
bày ở trên). Trước đây, nó ăn cắp một đôi giầy của một người nào đó, và bây giờ
nó bị một thằng ăn cắp khác lấy đôi giày nầy tiếp theo thôi, chứ nó không nghĩ
rằng chủ nhân của đôi giầy bị nó ăn cắp ... nay đã lấy lại được đúng đôi giày của
mình ... Bất Lương Nhân phải hiểu và biết điều đó.
Ba-Lê, ngày 22 tháng 8 năm 2020.
* Nguyễn
Vũ Huy Phong.
- Bài viết nầy cách đây hơn 10 năm tôi đã có
viết ... và hôm nay xin được viết lại lần thứ hai.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire