Vũ Quần Phương
”...Năm 1978, tạp chí Văn Nghệ quân đội do anh Vương Trọng biên tập thơ đã giới thiệu 5 chương “Đất nước hình tia chớp” và chương “Mẹ sinh nhiều con trai” do nhà thơ Vũ Quần Phương dựng trên buổi Tiếng thơ “Đài tiếng nói Việt Nam mới khiến kẻ vô danh này nổi tiếng. Tác phẩm này như tấm vé vào đời của Trần Mạnh Hảo...”
“ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP” GIẤY THÔNG HÀNH VÀO ĐỜI, GIẤY THÔNG HÀNH RA BIÊN GIỚI 6 TỈNH PHÍA BẮC THAM GIA ĐÁNH GIẶC TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC SAU NGÀY 17-2-1979 CỦA TRẦN MẠNH HẢO.
Vương Trọng
Lưu Trọng Văn
Hình ba nhà thơ "ân nhân" của "Đất nước hình tia chớp" : Vũ Quần Phương, Vương Trọng, Lưu Trọng Văn.
Năm 1977, viết xong trường ca “ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP” tự tin, phấn khởi đi tàu lửa từ Sài Gòn ra Hà Nội, ở nhờ nhà số 4- Lý Nam Đế ( trụ sở văn nghệ quân đội do bạn thân tôi là anh LÊ LỰU báo cơm cả tháng nhà ăn báo “Quân đội nhân dân”, lại cho ở cùng phòng cả tháng) tôi mang ra Bắc 4 bản thảo đánh máy trường ca này.
Bản thảo “Đất Nước hình tia chớp” đầu tiên tôi đưa ngay cho anh Vương Trọng biên tập thơ của tạp chí “Văn Nghệ quân đội”. Chỉ qua một đêm, anh Vương Trọng ( sinh năm 1943 ) khều tay nói thầm như tin phản động : “hay lắm, để tớ trích mấy chương in trên tạp chí.”
Cám ơn anh Vương Trọng. Vui như tết.
Lại mang một bản thảo đánh máy “Đất nước hình tia chớp” đến anh Vũ Quần Phương ( sinh năm 1940). Anh Phương bấy giờ đang phụ trách buổi “Tiếng Thơ” của Đài tiếng nói Việt Nam. Anh Phương cười tủm kiểu Nam Định nói thầm : khá lắm, tớ nhất định dựng bằng được chương 9 : “Mẹ sinh nhiều con trai” phát ngay trên đài Hảo sẽ nổi tiếng như cồn.
Cám ơn anh Phương. Lại vui như tết!
Lại mang một bản thảo “Đất nước hình tia chớp” đến trao tận tay cho nhà thơ Tạ Hữu Yên ( biên tập thơ của NXB QĐ ND- Anh Yên sinh năm 1927, lứa chống Pháp). Chờ anh Yên đọc xong mất 5 ngày, tôi đến nhà xuất bản hỏi, anh Yên bảo yên trí, mời Hảo đi ăn phở với tớ. Ăn xong, anh Yên phán : thơ yếu lắm, chưa in được Hảo ơi, rất tiếc.
Cầm lại bản thảo mang về, buồn hơn chấu cắn. Mãi 30 năm sau nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân mới xuất bản “Đất nước hình tia chớp” và ẵm ngay giải thưởng Hội nhà văn VN.
Còn bản thảo cuối cùng của “Đất nước hình tia chớp” Trần Mạnh Hảo tìm đến nhờ chị Ý Nhi ( sinh năm 1944) đọc xem nhà xuất bản TÁC PHẨM MỚI sau đổi tên là “ NXB Hội Nhà Văn VN” có in được không. Ba ngày sau, chị Ý Nhi trả lại bản thảo, nói y như anh Tạ Hữu Yên : thơ còn kém chất lượng, rất tiếc chúng tôi chưa thể in thành sách được.
Mang bản thảo “Đất nước hình tia chớp” này về, lòng lại buồn như chấu cắn!
Năm 1978, tạp chí Văn Nghệ quân đội do anh Vương Trọng biên tập thơ đã giới thiệu 5 chương “Đất nước hình tia chớp” và chương “Mẹ sinh nhiều con trai” do nhà thơ Vũ Quần Phương dựng trên buổi Tiếng thơ “Đài tiếng nói Việt Nam mới khiến kẻ vô danh này nổi tiếng. Tác phẩm này như tấm vé vào đời của Trần Mạnh Hảo. Cám ơn anh Vũ Quần Phương và anh Vương Trọng.
Sang năm 1979, nhà thơ Vương Trọng còn giới thiệu gần như trọn vẹn trường ca thứ 2 của Trần Mạnh Hảo, trường ca “Mặt trời trong lòng đất” trên nguyên một số của tạp chí “Văn Nghệ quân đội”.
Kể từ năm 1975 đến nay, ở Hà Nội, tôi thấy chỉ có ba biên tập thơ này có mắt xanh thơ : Trinh Đường, Vũ Quần Phương, Vương Trọng.
Thơ báo Văn Nghệ hàng chục năm nay dở ẹc vì không có những người như ba ông kễnh thơ kia biên tập.
Sau ngày giặc Trung Quốc đánh 6 tỉnh biên giới phía Bắc, anh Vũ Quần Phương kể, ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP phát nhiều quá, nát cả băng, đã thay băng mới. Trong Sài Gòn, có Đài Tiếng nói Việt Nam 2, do anh Khánh Căn ( chồng chị ca sĩ Tân Nhân) làm trưởng ban Văn Nghệ, anh Trần Nguyên Vấn làm phó ban, anh Lưu Trọng Văn làm biên tập thơ văn cũng đã cho phát nhiều chương “Đất nước hình tia chớp” trên làn sóng đài này mà ngoài Lạng Sơn, Cao Bằng nghe rõ lắm. Cám ơn các anh Khánh Căn, anh Trần Nguyên Vấn và bạn vàng Lưu Trọng Văn.
Sau ngày giặc Trung Quốc kéo 60 vạn quân đánh vào biên giới phía Bắc. Nhà thơ Viễn Phương, chủ tịch Hội Văn Nghệ Sài Gòn gợi ý : Hảo nên ra ngay biên giới phía Bắc đọc “Đất nước hình tia chớp” cho bộ đội nghe. Vì trường ca này đang phát có khi chục lần mỗi ngày trên đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Tôi mừng quá, ra Bắc ngay bằng vé máy bay do cơ quan mua vé đi về. Với giấy giới thiệu viết riêng cho các cơ quan đơn vị bộ đội trên cả nước : “ Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, tác giả trường ca “Đất nước hình tia chớp” từ miền Nam ra Bắc đọc thơ này cho bộ đội ra trận, mong các cơ quan đơn vị giúp đỡ cho nhà thơ di chuyển và thâm nhập thực tế 6 tỉnh biên giới phía Bắc.
Xuống phi trường Gia Lâm, bằng giấy giới thiệu tuyệt vời này, tôi đã đi lại và ăn ở miễn phí, được các đơn vị bộ đội, các tỉnh đội quý hóa coi như mình vừa bắn chết cả vạn giặc Trung Quốc không bằng.
Tôi đã đi trong tiếng đạn pháo của giặc Trung Quốc từ Lạng Sơn qua Cao Bằng, qua Lào Kai, Yên Bái cùng với các nhà thơ các dân tộc như Hoàng Hạc, Pờ Sào Mìn, Mã Thế Vinh, Lò Ngân Sủn...suốt tháng 3 và tháng tư năm 1979 để tham gia thực tế và đọc thơ cho bộ đội nghe trước khi vào trận, Mỗi lần tiếng thơ không cần micro của tôi cất lên :
…Chưa bao giờ mẹ sinh nhiều con trai đến thế
Chúng con đi mạnh khỏa vô cùng
Những binh đoàn ào lên bão bể
Tỏa nhánh về biên giới vòng cung
Tất cả núi đều đổ ra biên giới
Tất cả rừng đều cuộn tới chở che
Giặc Trung Quốc mà liều xông tới
Những đỉnh núi kia sẽ đổ xuống đè
Cau nhà ta chưa đủ mo để gói
Những nắm cơm của mẹ chất ba lô
Những chân trời cháy lên tiếng gọi
Biển cả reo một tiếng rung bờ…
….
Tiếng thơ át trong tiếng vỗ tay của những người lính trẻ. Nghe thơ xong họ ra trận địa ngay và có rất nhiều anh lính trẻ ngã xuống lấy máu mình nuôi đất mẹ Việt Nam …
Sài Gòn đêm đã sang này 15-2-2019, chỉ còn hai ngày nữa kỷ niệm 40 năm ngày cuộc chiến tranh biên giới do vua giặc Đặng Tiểu Bình xua 60 vạn quân sang chém giết đốt phá quê hương chúng ta.
Trần Mạnh Hảo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire