«...Vì không nắm vững cách thức tổ chức theo những quy tắc dân chủ, nhiều tổ chức lận đận èo uột suốt mấy chục năm dài, hễ cứ phát triển được một thời gian rồi xảy ra xung đột nội bộ gây ra những cuộc ra đi. Điều đáng lưu ý là không một cá nhân nào ra đi tay không...»
Khi một tổ chức săm soi tìm cách giải quyết những lủng củng nội bộ, làm sao phân biệt được đâu là lỗi lầm cá nhân và đâu là lỗi lầm của tổ chức ?
Tưởng chừng khó nhưng thật ra rất dễ nhận diện vấn đề này :
Hễ cá biệt và ít ỏi là lỗi của cá nhân. Hễ số nhiều và lập lại thường xuyên là lỗi của tổ chức!
Nếu một khúc đường thi thoảng bị đụng xe thì do lỗi cá nhân. Nếu nơi ấy xảy ra tai nạn thường xuyên là do chính cấu trúc con đường.
Nếu chỉ một vài quan chức cộng sản tham nhũng thì là lỗi lầm cá nhân. Nhưng nếu xảy ra trên phương diện rộng, ở mọi nơi và ở mọi lúc, là lỗi của chính quyền cộng sản.
Nếu vài ba cá nhân hục hặc trong tổ chức đấu tranh mà ra đi thì đó là lỗi của những người đó. Nhưng nếu thường xuyên và trải rộng thì nên nhìn lại cách thức vận hành của tổ chức. Trong phạm vi bài này, xin mổ sẻ một vấn đề then chốt mà mọi tổ chức đấu tranh phải vượt qua để phát triển.
Hiện tượng phe nhóm làm tổ chức lận dận
Ước muốn của mọi tập thể, gồm cả các tổ chức chính trị lẫn bất lợi nhuận, là thành viên trung thành với tổ chức hơn là trung thành với nhau. Nếu có bất hòa, thì thành viên phải bênh vực tổ chức hơn là bênh vực cho nhau. Nhưng ước mơ "cao đẹp" này không phù hợp với thực tế. Nhu cầu kết hợp giữa cá nhân với nhau là một sự tự nhiên không thể tránh. Khi đủ điều kiện, những nhóm người này có thể kết lại thành phe nhóm và có những quyết định riêng, đôi khi trái ngược với sự an bài của cấp trên. Dần dần họ sẽ hoạt động độc lập. Tùy theo cách thức ứng xử của cấp trên, nhẹ thì đưa đến cãi vã, nặng thì xung đột và đổ bể. Thậm chí ngay cả lật đổ ban bệ lãnh đạo nếu hội tụ được đủ số lượng nhân sự.
Sức mạnh của tổ chức xuất phát từ sự gắn bó.
Nếu tổ chức đấu tranh nào đã khốn đốn vì từng gặp xung đột trong nội bộ thì xin tìm hiểu thêm về những lắt léo về tâm lý trong tổ chức:
Nhiều người lầm tưởng rằng sức mạnh của một tổ chức nằm trong sự kỷ luật sắt đá hoặc là số lượng đông đảo. Nhưng sức mạnh của mọi tập thể, đầu tiên và quan trọng nhất, là do sự gắn bó của những thành viên với nhau. Khi họ gắn bó thì sẽ có những kết quả tự nhiên kèm theo là tin tưởng lẫn nhau, kỷ luật cá nhân, phối hợp ăn khớp, thông tin chạy đều... vân vân. Sự gắn bó của vài ba cá nhân lại thành một tổ nhóm là tình cảm tự nhiên và bền chặt nhất trong những tình cảm khác của một tổ chức .
Nguy hiểm của việc xem phe nhóm như là kẻ thù trong nội bộ
Trong một tổ chức chính trị, mang tiếng đấu tranh cho dân chủ, nhưng không được tổ chức theo hình thức bình đẳng (một vài người có quá nhiều quyền hành mà những người khác chỉ là kẻ thừa hành) thì phe nhóm là sự nguy hiểm mà cấp lãnh đạo độc đoán muốn xóa bỏ. Thay vì đối đầu với kẻ thù, họ lại đối đầu với nhau!
Những nhóm nhỏ gắn chặt với nhau có thể phản đối mệnh lệnh của nhóm lãnh đạo. Thông thường thì sự xung đột bắt đầu với những sự kiện cỏn con, lắm khi vì hiểu lầm, rồi vì không được giải quyết thỏa đáng nên dần dần nghiêm trọng đến mức không thể hàn gắn.
Khi phải thường xuyên xử lý những lục đục trong nội bộ thì tổ chức không còn khả năng đối đầu với những nguy hiểm ở bên ngoài. Hễ có xung đột là trước sau gì cũng có cuộc ra đi, và thường thì không phải một cá nhân mà cả nhóm. Cộng sản khỏi cần đánh phá, các thành viên triệt hạ nhau tận tình và hiệu quả hơn gấp mấy lần kẻ thù !
Lợi thế khi xem nhóm nhỏ như là sức mạnh của tổ chức, Teamwork.
Dẹp bỏ hiện tượng phe nhóm cho bằng được trong tổ chức không phải chỉ cách xử lý duy nhất. Nhiều đơn vị kinh tế lẫn NGO lại xem kết nối của thành viên vào những nhóm nhỏ như thế mạnh quan trọng nhất của tập thể. Nếu khai thác đến nơi đến chốn, thì đây là sức mạnh vô biên để phát triển và vượt qua các tổ chức khác. Công ty Amazon đã tổ chức như thế. Họ hạn chế số lượng nhân sự khi làm việc chung và họp hành, (mà họ gọi là cuộc họp-pizza, vừa đủ nhân sự để ăn một cái bánh pizza). Họ để ý rằng đông nhân sự trong một cuộc họp là lý do đưa đến công việc bị trì trệ, vì không thể trao đổi thẳng thắng và chân tình bằng những cuộc họp chỉ có 5,6 người. Với những cải tiến khác, tưởng chừng như nhỏ nhặt trong việc tổ chức, thế mà dần dần họ đánh bại những đối thủ nặng ký và lâu năm.
Ai đã từng là lính tác chiến, Cộng Sản hay Cộng Hòa, chắc phải công nhận rằng nếu bị hô hào họ hy sinh cho tổ quốc thì chưa chắc họ đã làm. Tổ quốc là một cái gì trừu tượng, gồm cả những kẻ ăn trên ngồi trước, những người lạ mặt lạ tên, kẻ đâm lưng chiến sĩ, những nhân vật mà họ ghét cay ghét đắng... Nhưng nếu họ phải hy sinh cho đồng đội, những kẻ đã chia cơm sẻ áo với mình thì họ lại sãn sàng, và thực hiện rất tự nhiên.
Chiến lược gia Lidell Hart đã viết về tâm trạng lính tráng:
Trong mỗi người lính đều có hai tình yêu thiêng liêng: Tổ quốc và gia đình. Tình yêu cho gia đình lúc nào cũng mãnh liệt hơn là tình yêu cho tổ quốc. Tài hoa của người cầm quân là làm cách nào để những người lính này xem đồng đội cũng như một gia đình. Họ sẵn sàng hy sinh cho nhau, thì hoá ra họ cũng hy sinh cho đơn vị, và rộng hơn là hy sinh cho tổ quốc.
Trong mỗi người lính đều có hai tình yêu thiêng liêng: Tổ quốc và gia đình. Tình yêu cho gia đình lúc nào cũng mãnh liệt hơn là tình yêu cho tổ quốc. Tài hoa của người cầm quân là làm cách nào để những người lính này xem đồng đội cũng như một gia đình. Họ sẵn sàng hy sinh cho nhau, thì hoá ra họ cũng hy sinh cho đơn vị, và rộng hơn là hy sinh cho tổ quốc.
Kinh nghiệm của Đảng Dân Chủ Đa Nguyên
Là một đảng phái chính trị, qua những kinh nghiệm đau đớn, thành công lẫn thất bại, chúng tôi nhận thấy rằng sự tàn phá và thiệt hại ghê gớm nhất của mọi tổ chức chính trị Việt Nam đấu tranh cho dân chủ không có nguồn gốc từ sự phá hoại của cộng sản. Mà vì do xung đột nội bộ. Trong đó hơn 3/4 sự ra đi là vì thành viên xung đột với ban bệ lãnh đạo. Ban bệ lãnh đạo, chính họ cũng phải thu nhỏ thành một nhóm; phe nhóm có quyền lực!
Dù có thành tâm và thiện chí, nhưng vì phải giải quyết quá nhiều vấn đề mà thường thiếu thời gian, chuyên môn, thông tin... nên thường có những quyết định thiếu xót. Dù có quyền hành như bàn thảo lẫn chỉnh sữa nội quy, nắm giữ tài chánh, được quyền thưởng phạt... nhưng cũng vì thế mà phe nhóm quyền lực này mắc phải sai lầm nhiều hơn những nhóm khác. Nói thẳng ra, họ cũng chỉ là những con người bằng xương bằng thịt, lắm tài lắm tật, mỗi ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ.
Mặt khác, những thói quen cá nhân tầm thường bỗng trở thành lỗi lầm to tát khi trở thành lãnh đạo. Chẳng hạn như một thành viên hay có thói quen làm việc bằng đối thoại trực tiếp. Khi trở thành lãnh đạo, nếu chỉ sử dụng cách thức này để liên lạc thì sẽ dẫn đến thiếu sót, mất nhiều thời gian mà thông tin được công bố đồng đều, những cuộc họp kéo dài với tình trạng độc thoại, tốn kém thời gian lập đi lập lại....
Cấp dưới ở tại hiện trường, có đầy đủ thời gian lẫn thông tin nhưng không có quyền quyết định nên bị bức xúc. Rốt cuộc, trong mọi tổ chức chính trị đấu tranh cho dân chủ, thành phần dễ gây ra xung đột và dễ làm chia rẽ tổ chức nhất là ban bệ lãnh đạo!
Mô hình tổ chức dựa vào ý chí tự do và dân chủ.
Thưa các tổ chức và các cá nhân có ý muốn gia nhập vào những tổ chức đấu tranh,
Nếu cứ theo mô hình quyền lực từ trên xuống, với những hệ lụy kèm theo, ban bệ lãnh đạo làm việc bị quá tải nên xảy ra sai lầm, rồi khi bị sai lầm thì không có thời gian chỉnh sữa. Chúng ta có nhiều cách thức tổ chức thông minh hơn.
Thay vì tìm mọi cách để triệt hạ các phe nhóm thì nên tạo điều kiện để cho các nhóm làm việc, teamwork, phát triển và làm việc hiệu quả.
Để áp dụng và khai thác teamwork thì ban bệ lãnh đạo phải chấp nhận từ bỏ quyền lực, nhường quyền quyết định cho những nhóm khác có đủ chuyên môn. (Điều mà không phải tổ chức hay lãnh đạo nào cũng làm được). Mặt khác, cũng phải bãi bỏ vai vế chức tước để phát huy hết khả năng của mọi người :
A. Người đưa ý kiến cũng là một trong những người thi hành (không nên nói để người khác, hoặc nhóm khác làm)
B. Gom những người muốn triển khai cùng một dự án thành một teamwork không quá 6,7 người để có thể hoạt động một cách dân chủ. Sau đó rồi cứ để nhóm này tự do đơm bông kết trái. Nếu có xung đột thì cũng dễ dàn xếp và đi đến thỏa thuận mau chóng trong nhóm nhỏ.
C. Ban bệ lãnh đạo không can thiệp vào những gì nhóm đó đã quyết định và thực hành. (Vì ban bệ lãnh đạo cũng chỉ là một teamwork, thiếu khả năng giải quyết mọi trường hợp đến nơi đến chốn).
Kết luận, để từ phe nhóm tiêu cực trở thành Teamwork tích cực
Vì kém hiểu biết về cách thức tổ chức theo những quy tắc dân chủ, nhiều tổ chức lận đận èo uột suốt mấy chục năm dài, hễ cứ phát triển được một thời gian rồi xảy ra xung đột nội bộ gây ra những cuộc ra đi. Điều đáng lưu ý là không một cá nhân nào ra đi tay không. Tùy theo sự quan hệ và đống góp của họ trong tổ chức, khi ra đi thì sẽ mang theo những người mà họ đã từng gắn bó. Riết rồi đối phó với "tệ nạn phe phái" và những sự ra đi đã trở thành trọng tâm hàng đầu của tổ chức.
Xin đừng tìm mọi cách để triệt tiêu phe nhóm vì đó là một nhu cầu gắn bó đã có từ khi con người biết sống chung với nhau để chống lại nguy hiểm của thiên nhiên từ thời ăn lông ở lỗ. Hiện tượng phe nhóm xuất hiện từ khi có quyền lực. Khi một số người muốn áp chế quyền hành lên những người khác, thì tự nhiên sẽ có nhu cầu cá nhân chống lại sự áp đặt này.
Thay vì vậy, xin xem sự gắn bó giữa những cá nhân với nhau là nền tảng của tổ chức. Nhờ sự gắn bó này, chúng ta có thể đơn giản hóa nhiều văn kiện, có thể viết cương lĩnh ngắn gọn, đúc kết nội quy vào vài câu. Nếu có xung đột thì cũng xảy ra ở mức cá nhân với cá nhân mà tổ chức không bị mất mát trầm trọng.
Dần dần chúng ta mới có những tổ chức mạnh để đương đầu với cộng sản, áp dụng và thực thi đúng đắn tinh thần dân chủ đa nguyên.
Dương Thành Tân
(*) Bài viết trước đây : https://ethongluan.org/index.php/doc-bai-luu-tru/3023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire