CHÁNH TRỊ SỰ HỨA PHI: “LIÊN HIỆP QUỐC CẦN PHẢI CÓ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ HƠN CHO TỰ DO TÍN NGƯỠNG (TUẤN KHANH)

chanhtrisu_huaphi02
Chánh trị sự Hứa Phi, cùng phu nhân / Nhà Nam Media

”...với Đạo Cao Đài chúng tôi, trải qua hàng chục năm, con số đấu tranh cho niềm tin của mình được nhìn thấy không phải là cá nhân, mà là từng tín hữu, từng đồng đạo vẫn luôn tranh đấu bằng những hành động từ nhỏ nhất – tưởng là không đáng gì – nhưng là cách để cố gắng gìn giữ đạo lý của mình...”
Ngày 22/8/2019, được Liên Hiệp Quốc chấp nhận là “Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin”. Tuy là năm đầu tiên,
nhưng được biết các tôn giáo tự do như Phật giáo, Công giáo, Hòa Hảo, Cao Đài,
Tin Lành… đã hưởng ứng bằng thánh lễ, các chương trình ủy lạo các nạn nhân vì niềm tin tôn giáo… Từ Lâm Đồng, Việt Nam, chánh trị sự Hứa Phi của Đạo Cao Đài Chơn Truyền đã dành ít thời giờ nói về sự kiện này.
*****
* Như vậy, thế giới sau nhiều năm phản ứng và tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng, thì cuối cùng Liên Hiệp Quốc cũng đã chọn được một ngày, ngày 22-8, để Tưởng niệm các Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin. Thưa Chánh trị sự, ông có suy nghĩ gì về ngày này?
– Liên Hiệp Quốc công nhận ngày 22-8 là “Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin” là một điều đáng mừng. Để có một ngày mà toàn thế giới cùng nhớ đến những người vì tự do tín ngưỡng mà bị đàn áp thì rất tốt. Nhưng chúng tôi mong rằng Liên Hiệp Quốc cần đi sâu đi sát, đặc biệt trước các hoạt động tuyên truyền của cộng sản. Người tranh đấu cho niềm tin tín ngưỡng của mình ước muốn Liên Hiệp Quốc vạch rõ những luận điệu từ nhà cầm quyền và có hành động cụ thể hơn.
* Phía bên Cao Đài Chơn Truyền đã từng có những hồ sơ hay những tập hợp nào gửi cho Liên Hiệp Quốc, trình bày về tình trạng bị bách hại của mình chưa?
-Từ năm 1979, Cao Đài chúng tôi đã có dịp kiến nghị nhiều lần với các đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc. Từ năm 2014, chúng tôi cũng có nói rõ tình trạng của mình với ông Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Bản thân ông Heiner cũng đã lên tiếng nhiều lần về tình hình tôn giáo của Việt Nam nói chung.
Không những vậy, những lần tiếp xúc với đại diện của Liên Minh Châu Âu hay Quốc Hội Hoa Kỳ, chúng tôi cũng luôn nhấn mạnh rằng cộng sản Việt Nam đã tước mất quyền tự do tôn giáo của chúng tôi. Để thay thế và phế bỏ Cao Đài thật sự, cộng sản đã dựng lên cái gọi là Hội Đồng Chưởng Quản để lừa dối tín hữu.
Hàng năm, chúng tôi vẫn gửi đi khắp thế giới các kiến nghị, thông qua các kênh trực tiếp hay gián tiếp, không ngừng vạch trần sự bức hại của nhà cầm quyền với tôn giáo chúng tôi.
* Những tường trình đó, có tác dụng không, theo quan sát của ông?
– Là một người tu hành, tôi không thể nói tránh đi hay nói dối. Thưa anh, tôi muốn nói rằng mọi sự lên tiếng của chúng tôi được đáp lại, tùy thuộc về vấn đề chính trị ngoại giao của các quốc gia với Việt Nam. Đó là điều mà chúng tôi phải mở rộng các kiến nghị của mình, mong là các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Việt Nam nên đặt nhân quyền và dân quyền lên các ý nghĩa ngoại giao và kinh tế.
Chính vì vậy, thật là mừng khi Liên Hiệp Quốc đã khẳng định ngày 22 tháng 8 là ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin, nhưng bên cạnh xây dựng hình thức, Liên Hiệp Quốc cần có những hành động mang tính cụ thể mà mạnh mẽ.
* Mới đây, có tin tức nói cái gọi là Cao đài 1997 hay Hội đồng Chưởng quản của của nhà nước lập ra, đã bị tố cáo và bị vạch mặt tại Hoa Kỳ như một kiểu tôn giáo trá hình, hãm hại Cao Đài Chơn Truyền. Ông nghĩ sao về tin tức này?
– Từ năm 1975, cộng sản đã tìm cách tận diệt Cao Đài Chơn Truyền, và đến năm 1979, họ dựng lên cái gọi là Hội Đồng Chưởng Quản. Sau khi dựng lên tổ chức này, nhà nước cộng sản cũng bắt bớ, sách nhiễu các chức sắc của Cao Đài Chơn Truyền. Có người đã chết trong lúc bị giam cầm. Bản thân tôi, đã hơn 40 năm bị bao vây, cô lập không ngừng. Nói vậy, để biết, sự có mặt của tổ chức Cao Đài giả hiệu đã xuất hiện từ năm 1979, chứ không phải là 1997 như tin tức hiện nay.
Vạch rõ chân tướng của các tổ chức tôn giáo trá hình là điều tốt, nhưng nếu đi sát với lịch sử tranh đấu vì niềm tin tôn giáo, ở đây là Cao Đài, thì cần thiết phải chi tiết hơn nữa.
* Như vậy, đã có một lịch sử rất cam go của những người theo Cao Đài Chơn Truyền từ năm 1975 đến nay, với những tín hữu và chức sắc Cao Đài muốn bảo vệ tín ngưỡng của mình. Hiện đã có những ghi chép nào giữ lại về những điều này?
– Phía Cao Đài Chơn Truyền cũng có lịch sử riêng của mình, cũng thu thập các sự kiện. Hiện gần đây cũng có những tổ chức, hội đoàn quốc tế… đề nghị chúng tôi đưa ra danh sách những người bị bách hại, những người bị đấu tranh để vinh danh. Thật ra, đó là thiện ý đáng quý. Nhưng với Đạo Cao Đài chúng tôi, trải qua hàng chục năm, con số đấu tranh cho niềm tin của mình được nhìn thấy không phải là cá nhân, mà là từng tín hữu, từng đồng đạo vẫn luôn tranh đấu bằng những hành động từ nhỏ nhất – tưởng là không đáng gì – nhưng là cách để cố gắng gìn giữ đạo lý của mình. Thượng đế nhìn thấy, và vinh danh cho niềm tin của chúng tôi, vậy là đã đủ.
Chúng tôi tin rằng, có niềm tin là được quyền năng thiêng liêng ủng hộ. Tín ngưỡng có sức mạnh mãnh liệt vô cùng. Người chỉ thờ cúng ông bà, tổ tiên sẽ phù hộ. Phật giáo thì sẽ có Phật tổ dẫn đường. Công giáo thì có Đức Chúa chở che. Và đối với kẻ bách hại mình, đức tin của chúng tôi càng mạnh mẽ hơn.
Tuấn Khanh

Aucun commentaire: