‘…anh ở trong hoàn cảnh không có sự hỗ trợ từ bên thứ ba, hơn nữa có khả năng anh sẽ bị “giam giữ một cách tùy tiện và không công khai” trong thời gian dài, nên anh buộc phải “hợp tác” với cảnh sát Trung Quốc để thực hiện hai video ghi lại lời thú nhận…’
Cựu nhân viên lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông Trịnh Văn Kiệt
Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng), một cựu nhân viên của Lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông nói với BBC rằng, anh bị cảnh sát Trung Quốc tra tấn ở Thâm Quyến, vu cáo anh là gián điệp, tham gia kích động tình trạng bất ổn ở Hồng Kông. Anh Trịnh cũng tiết lộ, một lượng lớn người biểu tình Hồng Kông bị bắt đã được chuyển đến Trung Quốc.
Trịnh Văn Kiệt, 29 tuổi, là một công dân Hồng Kông đã làm việc cho chính phủ Anh gần hai năm. Anh mất tích vào ngày 8/8 năm nay khi đang trên đường từ Thâm Quyến, Quảng Đông trở về Hồng Kông sau một chuyến công tác. Hôm 21/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo anh Trịnh bị bắt và giam giữ trong 15 ngày vì vi phạm pháp luật, bề mặt là liên quan đến “mua dâm”. Tuy nhiên, trái với những thông tin trên, anh Trịnh nói với BBC rằng anh bị cáo buộc châm ngòi bất ổn chính trị tại Hồng Kông.
Trịnh Văn Kiệt trong cuộc phỏng vấn với BBC (ảnh chụp màn hình).
Sau khi được thả ra ở Thâm Quyến, Trịnh Văn Kiệt đã xin nghỉ việc tại Lãnh sự quán. Hôm 20/10, BBC công bố cuộc phỏng vấn với Trịnh Văn Kiệt. Anh đã thuật lại chi tiết việc bị cảnh sát Trung Quốc tra tấn, đồng thời kể về một số tình huống mà anh biết được trong thời gian bị giam giữ.
Nhân viên sứ quán họ Trịnh bị tra tấn trong tù
Anh Trịnh kể: “Cảnh sát nói họ hoạt động bí mật và ở đây không có nhân quyền nào cả”. “Tôi bị còng tay, bịt mắt và trùm đầu”.
Anh đã bị buộc phải giữ nguyên một tư thế trong nhiều giờ. Nếu không tuân theo, anh sẽ bị đánh. “Họ sẽ đánh vào những phần xương, chẳng hạn như mắt cá chân … hoặc các bộ phận dễ bị tổn thương khác”, anh Trịnh tiết lộ.
Anh Trịnh diễn tả lại tư thế cảnh sát Trung Quốc bắt anh phải đứng nhiều giờ mỗi ngày
(ảnh: The Telegraph).
Cựu nhân viên Lãnh sự quán Anh nói thêm, cảnh sát Trung Quốc không cho anh ngủ. Họ ép anh phải hát quốc ca Trung Quốc để giữ tỉnh táo.
Cảnh sát thẩm vấn còn túm tóc anh, ép mặt anh vào màn hình điện thoại để mở khóa nhận dạng khuôn mặt.
Tờ Guardian hôm 20/11 cho biết, trong suốt quá trình tra tấn, cảnh sát luôn lăng mạ anh. Trịnh Văn Kiệt không được phép nói gì, nếu muốn lên tiếng thì trước tiên anh phải nói “Thưa ông…”, nếu không anh sẽ bị vả vào miệng hoặc đánh vào mặt.
Bị ép phải nhận tội gián điệp
Anh Trịnh nói rằng, cảnh sát Trung Quốc tra tấn để buộc anh phải thừa nhận việc kích động tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông với danh nghĩa là gián điệp Anh.
“Cảnh sát muốn biết Vương quốc Anh đóng vai trò gì trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Họ hỏi chúng tôi đã hỗ trợ bao nhiêu kinh phí và những thiết bị gì cho người biểu tình”, anh Trịnh kể lại.
Anh nói thêm: “Tôi khẳng định với họ rằng, vương quốc Anh không cung cấp tiền hoặc bất kỳ trợ giúp nào cho các cuộc biểu tình”.
Anh Trịnh cũng được yêu cầu xác định những người anh biết từ hơn 1.000 bức ảnh người biểu tình ở Hồng Kông, đồng thời viết tên và mối liên hệ chính trị.
Theo Guardian, cảnh sát Trung Quốc thông báo với anh Trịnh rằng anh bị buộc tội “mua dâm”, nếu anh “hợp tác” với họ, thì anh sẽ chỉ chịu mức giam giữ hành chính nhẹ, thường là 15 ngày. BBC cho biết, Trịnh Văn Kiệt lúc đầu không thừa nhận tội danh mua dâm. Anh nói rằng, hồi ở Thâm Quyến anh có vào tiệm mát-xa, nhưng không làm chuyện gì có lỗi với gia đình. Tuy nhiên lúc đó, anh ở trong hoàn cảnh không có sự hỗ trợ từ bên thứ ba, hơn nữa có khả năng anh sẽ bị “giam giữ một cách tùy tiện và không công khai” trong thời gian dài, nên anh buộc phải “hợp tác” với cảnh sát Trung Quốc để thực hiện hai video ghi lại lời thú nhận, một nói rằng anh đã “phản bội tổ quốc” và một với nội dung anh đã “mua dâm”.
Trịnh cho biết, chính quyền Trung Quốc đã cảnh báo anh, khi thả ra sau 15 ngày giam giữ: “Nếu tôi tham gia các cuộc phỏng vấn với truyền thông hoặc công khai bất cứ điều gì ngoài việc đã ‘mua dâm’, tôi sẽ bị đưa về Trung Quốc”.
Thông tin về những người biểu tình Hồng Kông đã bị bắt
Trịnh Văn Kiệt nói, anh không phải là người Hồng Kông duy nhất bị đối xử tàn bạo.
“Tôi thấy một nhóm người Hồng Kông bị bắt và thẩm vấn. Tôi nghe ai đó nói bằng tiếng Quảng Đông: “Giơ tay lên – có phải mày đã giương cờ trong cuộc biểu tình không?”, cựu nhân viên ngoại giao Anh nói.
“Cảnh sát mật còn nói thẳng, hàng loạt người biểu tình ở Hồng Kông đã bị bắt và đưa đến Trung Quốc để giam giữ”.
Anh Trịnh cho rằng việc quay trở lại Hồng Kông là quá nguy hiểm. Thêm nữa, vì lo ngại cho sự an toàn của mình, anh Trịnh từng từ chối không để chính phủ Anh ra một tuyên bố lên án chính quyền Trung Quốc đã đối xử tàn bạo với anh trong giam giữ. Trịnh Văn Kiệt đang xin tị nạn để được an toàn.
Minh Lam
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire