Về Petrus Trương Vĩnh Ký (Mai Thanh Truyết)

Pétrus Trương Vĩnh Ký
Lời giới thiệu buổi Hội luận về Petrus Ký ngày 2 và 3/11/2019 tại Dallas và Houston.
Thưa Quý vị,
Vào năm 1615 chữ quốc ngữ được hình thành do Cha Cố Alexandre De Rhode. Nhưng mãi đến 1864, chữ quốc ngữ mới được chính thức giảng dạy ở các trường đạo cùng với chữ Pháp. Trong Nam, nghĩa là từ Huế vào, đến năm 1871, chữ quốc ngữ được dùng trong các kỳ thi, và đến năm 1882, các văn bản chính thức được dùng chữ quốc ngữ. Còn ở ngoài Bắc, sau 1885 mới áp dụng.

Vào năm 1919, Vua Khải Định đã chính thức bãi bỏ khoa cử Nho học và áp dụng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán, nghĩa là năm nay, 2019 là 100 năm kỷ niệm ngày xóa sổ Nho học. Nhưng cách đây hai tháng, nhân ngày nầy, CSBV vội căn cứ và lý luận biện chứng đã nhận định chữ quốc ngữ là do thực dân tạo ra để cai trị chứ chũ quốc ngữ không mang lại lợi ích gì cho công cuộc phát triển quốc gia cả, khi so sánh với các quốc gia khác như Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn…đã tiếp tục dùng những chữ viết cổ điển thay vì La tinh!
Như vậy, chúng ta thấy rằng, Việt Nam là một quốc gia duy nhứt trong vùng Đông Á đã áp dụng chữ và tiếng nói bằng ký hiệu la tinh, và từ đó ngày càng hội nhập vào thế giới Tây phương.

Trong suốt chặng đường dài hơn bốn thế kỷ, chúng ta mới có được chữ quốc ngữ mà chúng ta đang xử dụng hôm nay. Và một trong những công đầu hoàn thiện chữ quốc ngữ, cần phải nhắc đến Cụ Petrus Trương Vĩnh Ký.

Thưa Quý vị,
Trước mắt Quý vị là hai cuốn sách xuất bản từ Việt Nam: - Cuốn “Trương Vĩnh Ký: Bi kịch muôn đời” của Hoàng Lại Giang dài 467 trang và, - Petrus Ký: Nỗi oan thế kỷ dài 616 trang khổ 6.1/2 x 10 in. và chữ khổ 10 của tác giả Nguyễn Đình Đầu.
HLG viết cuốn sách nầy vào năm 2000, năm có một sự kiện nổi bật, phong trào đòi trả lại tên Petrus Trương Vĩnh Ký cho ngôi trường lớn nhứt miền Nam. Và Võ Văn Kiệt, Thủ tướng CS thời bấy giờ cho thành lập nhóm nghiên cứu Petrus Ký. Nội dung cuốn sách nói lên những thành tựu của Cụ Petrus Ký tương đối trung thực, ngoài những lời “dè bẻo, biếm nhẽ” nhè nhẹ. Nhưng phải 15 năm sau mới được cho phép xuất bàn và đã ra mắt bạn đọc vào năm 2016.

Cũng vào năm nầy, cuốn “Nỗi oan thế kỷ” ra đời và do Phan Huy Lê đề tựa ký ngày 5/7/2016. Và chỉ một tuần lễ sau sách bị thu hồi lại! Mặc dù sách được ghi là do tác giả Nguyễn Đình Đầu “chủ biên”, nhưng thiết nghĩ đây là một tập thể được “chỉ đạo” lớp lang trong việc trình bày nội dung cuốn sách.

Nhìn qua, có thể nói đây là một nghiên cứu khá đầy đủ về cuộc đời của Cụ Petrus Ký, nhưng những diễn giảng, suy diễn thường nhắm tới những nhận định chủ quan và một chiều hầu tạo nên ấn tượng không tốt về cá nhân và nhân sinh quan của Cụ đối với đất nước. Mục đích chỉ nhắm tới kết luận là Cụ chỉ là một tay tình báo phục vụ cho mẫu quốc là nước Pháp để xóa đi khía canh yêu nước và văn hóa  dân tộc của Cụ.
Petrus Trương Vĩnh Ký trong y phục triều nhà Nguyễn
Xin trích dẫn một vài tên tuổi của giới “sĩ phu Bắc Hà” như Tô Minh Trung kết án Cụ là một tên tay sai đắc lực đầu tiên của chủ nghĩa thực dân Pháp. Một Phan Huy Lê, đồ đệ của Phan Huy Liệu, là một “nhà văn hóa lớn của miền Bắc, nhận định Cụ “…để thấy như nhìn vào một chấm đen” và phỉ nhổ chúng ta, những người sống ở miền Nam trong việc tạc tượng, dựng tên trường học…”một cách vô sỉ” vì hành vi của Cụ được “gắn liền với công cuộc cướp nước của Pháp”(?)

Xin trình bày ra đây để cùng Quý vị chia xẻ một nét văn hóa một chiều xã hội chủ nghĩa. Cho đến bây giờ, người viết cũng chưa tìm ra lý do cuốn sách bị thu hồi?

Thêm một trường hợp nữa, tôi muốn nói lên hôm nay về Bà Thụy Khuê, một nhà biên khảo phê bình văn học có “tên tuổi” ở hải ngoại hơn 30 năm trở lại đây. Bà đi Pháp du học từ năm 1962, có chồng là KS Lê Tất Luyện.  Bà trở về Việt Nam lần đầu năm 1997, viết “Vấn đề Nguyễn Ái Quốc”. Sau đó Bà im lặng sau khi bị cấm cửa 10 năm (?) Và vì một lý do nào đó, Bà được về lại năm 2017 để viết bút ký với những gì ở Việt Nam cũng nhất.  Bà viết bút ký ”Quê hương trở lại”. Đặc biệt có một chương nói về Nha Trang như sau:”Xa lộ Nha Trang rất đẹp, không kém gì những đại lộ nổi danh trên thế giới mà tôi đã đi qua...”. Bà khen ngợi sự sầm uất ở Nha Trang là do người Tàu làm cho các cô gái Việt có nghề nghiệp tránh được chân lấm tay bùn khi làm nông, và không bị đĩa đeo vào chân tay. Bà không tiếc lời mạt sát các giáo sĩ Tây phương đổ lỗi cho họ là đã dẫn đường cho Pháp chiếm Việt Nam. Bà chê trách Petrus Trương Vĩnh Ký thân Pháp và tiếp tay cho Pháp cai trị Việt Nam. Còn với Nguyễn Tường Tộ, Bà cho rằng 50 lời trần tình của Cụ không có giá trị gì cả! Phải chăng, đây cũng là một trường hợp của những người phản tỉnh theo chiều hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tay với CSBV nhằm bảo vệ cơ chế chuyên chính vô sản đang đi vào ngõ cụt!  

Qua ba thí dụ điển hình kể trên, chúng ta thấy rõ ràng là có một chính sách bôi bẩn và nhục mạ những nhà văn hóa và yên nước của tiền nhân nhằm mục đích đề cao “tính dân tộc” của CS BV mà thôi.
Nhà bia đá Petrus Ký ở Cái Mơn
Cố GS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đệ II VNCH, người chủ trương việc xây dựng tượng đài nhà văn hóa Petrus Trương Vĩnh Ký như sau: “Ông không có Cử nhơn hay Tiến sĩ gì cả kể cả Tú tài. Ông không làm Thượng thơ hay Tổng đốc gì cả. Nhưng Ông có cái vốn kiến thức sâu xa rộng rãi hơn tất cả những người Việt Nam đồng thời với Ông, nhứt là sự hiểu biết về nghiên cứu khoa học của Tây phương, mà hầu hết những nhà trí thức Việt Nam thời bấy giờ chưa có. Cuộc đời hơn 30 năm viết lách của Ông quả thật là một cuộc đời tận tụy, miệt mài và công trình biên khảo trước tác của Ông quả thật là một công trình hết sức quy mô đối với những người đi trước Ông, đồng thời với Ông, hay tiếp nối theo Ông.” ....

Hoặc Cụ Vương Hồng Sển có đôi lời về Petrus ký như sau trong bài viết “KẺ HẬU SANH CHƯA SẠCH CỨT MŨI XIN ĐỪNG TOAN LẤY ĐÁ LIỆNG ÔNG...” như sau:”Năm 1868, trở về Vĩnh Ký đứng lập tờ Gia Định báo, làm gérant du journal, tức ngày nay gọi "quản lý" mà ông dịch dễ dàng là "người coi nhựt trình" để có người ngày nay chê văn ông là "trơn tuột" và kẻ ra mặt chê bai hỗn xược ấy vẫn học chưa tới mắt cá ông Ký mà vẫn khoác lác làm thầy, quên rằng dịch như vậy "tuy rẻ mà mắc", dầu chi ông Vĩnh Ký cũng thuộc hạng tiền bối, đứng đầu làng ký giả và làng văn tân thời".

Thưa Quý vị,
Vài lời về Petrus Trương Vĩnh Ký, xin thưa, Cụ sinh ngày 6/12/1837 và mất ngày 1/9/1898. Trong khoảng thời gian chưa đầy 61 năm nhưng Cụ đã để lại cho Việt Nam và cho cả thế giới một gia tài văn hóa đồ sộ. Ở hải ngoại, do một tình cờ và không có xếp đặt trước, một nhóm thức giả lưu tâm về Cụ và các cựu học sinh Petrus Trương Vĩnh Ký khắp nơi đồng loạt làm hai việc sau đây trong vòng hơn một năm trở lại đây:

·         Ngày 8/12/2018, nhằm kỷ niệm ngày sinh của Cụ, một nhóm thức giả do nhà văn Phạm Phú Minh điều hợp tổ chức buổi Triển lãm và Hội thảo Trương Vĩnh Ký tại nhựt báo Người Việt, Westminster, CA.

·         Ngày 5/1/2019, Nhóm Thiện chí tâp hợp nhiều cựu học sinh Petrus Ký gồm nhiều thế hệ trước và sau 1975, sau hai năm làm việc cật lực đã làm lễ khánh thành tượng Petrus trương Vĩnh Ký tại Trung tâm La San, San Jose.

Và, có thể nói sau hai buổi sinh hoạt về Cụ Petrus Ký nói trên, có rất nhiều phản hồi trong cộng đồng về giá trị văn hóa mà Cụ đã để lại cho dân tộc Việt. Nhiều phản hồi đã gióng lên những lời công đạo cho một nhân sĩ miền Nam đã mang nhiều uẩn khúc trong suốt cuộc đời.

Chính vì vậy, Nhóm tổ chức triển lãm và hội thảo Petrus Ký đã đúc kết buổi Hội thảo ngày 8/12/20kmm,.m,.18 thành một “Kỷ yếu Triển lãm và Hội thảo Trương Vĩnh Ký” nhân ngày giỗ của Cụ và Ra mắt ngày 1/9/2019 nhân ngày giỗ thứ 121 của Cụ tại Wesminster, CA.
Mặt trước bia đá tại Cái Mơn
Và hôm nay 3/11/2019, theo lời đề nghị của Ban chủ trương và Biên tập Kỷ yếu, tại Nhà Việt, Houston, chúng ta tề tựu nơi đây để cùng:
- Tưởng nhớ về một người con Việt cống hiến cả cuộc đời ngắn ngủi cho Việt tộc;
- Cùng nhau nhận diện Chánh – Tà vì chủ nghĩa không tưởng mà có những nhận định sai trái do sự chỉ đạo của đảng CSBV về Cụ.

Thưa Quý vị,
Cuốn Kỳ yếu về Trương vĩnh Ký vừa được xuất bản, hiện có mặt nơi đây là “một cố gắng dùng con đường văn hóa để lám sáng tỏ những đánh giá sai lệch về Cụ Trương Vĩnh Ký, đồng thời tìm hiểu một cách tích cực các công trình lớn lao của Cụ trong việc đổi mới nền văn hóa Việt từ giữa thế kỷ 19” (lời giới thiện của Nhóm chủ trương).


Đồng thời, Ban tổ chức đã mời GS Nguyễn Trung Quân, cựu Hiệu trưởng trường Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ đến từ Nam Cali trình bày về “Những khía cạnh văn hóa của Cụ Petrus Trương Vĩnh Ký”, và nhà “đọc và viết chữ Việt” Phí Ngọc Hùng qua đề tài:”Suy nghĩ của một người Bắc Kỳ về một nhân sĩ miền Nam”.

Hy vọng buổi hội luận sẽ giúp chúng ta nhận định rõ hơn con người và tấm lòng của Cụ qua các dòng chữ ngắn sau đây:
·         Tinh thần nhân bản;
·         Tổng hợp Đông – Tây;
·         Dân tộc như Khai phóng;
·         “Không phải cho tôi” – Sic vos non vobis.

Sau cùng, với những oan nghiệp của cuộc đời, để rồi cuối đời Cụ vẫn phải mang cái uẩn khúc cuối cùng  trong quyển “Cuốn sổ bình sanh” qua bài thơ:
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai,
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
Học thức gửi tên con mọt sách
Công danh rốt cuộc cái quan tài
Dạo hòn lũ kiến men chân bước
Bồ xối côn trùng chắc lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thứa khai.

 Để rồi, Cụ dặn dò một môn sinh là Cụ Trương Minh Ký khắc lên mộ Cụ với những dòng chữ La tinh như sau với lời dịch tiếng Việt:
Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi!
Kiến thức của con người, có nó là nguồn sống.
Những ai sống và tin, tôi sẽ không phải chết đời đời

Để kết luận, lịch sử và văn hóa Việt Nam dù sau hơn 44 năm đã bị bóp méo, chỉnh sửa theo đường lối và chủ trương của CSBV, nhưng trong chúng ta vẫn còn niềm tin nơi sự trường tồn của một nền văn hóa nhân bản và dân tộc của Cha Ông Việt đã để lại.

Và Cụ Petrus Trương Vĩnh Ký qua tâm tình nhắn gửi cuối cùng là một thông điệp bất di bất dịch cần cho chúng ta suy gẩm. Đó là…công danh rốt cuộc cái quan tài…
Xin cám ơn Quý vị đã lắng nghe.
Mai Thanh Truyết
Một người con Việt

Aucun commentaire: