Chùa Keo - Dũng nghĩa - T.Thái Bình |
Theo dõi tấn thảm kịch của
Phật Giáo Việt Nam dưới chế độ cực quyền, chúng tôi có một số nhận định, xin
ghi lại như sau:
I . Về chính sách của đảng
Cộng Sản
Theo một số tài liệu và
căn cứ vào những sự việc cụ thể, có thể nói từ 1954 đến nay, đảng Cộng Sản Việt
Nam đã hủy hoại Phật Giáo theo hai chính sách: Thứ nhất là hủy diệt và thứ hai
là biến Phật Giáo thành công cụ.
1 . Chính sách hủy diệt
Với cơ chế chuyên chính vô
sản, việc huỷ diệt Phật Giáo đã được thực hiện triệt để ở miền Bắc sau 1954, và
dưới cơ chế cải tạo xã hội chủ nghĩa, Phật Giáo đã bị tiêu huỷ dễ dàng.
Tháp chùa Phổ Minh ở Tức Mặc - T. Nam định
Trước hết là quản thúc
hoặc giết những vị sư chống lại chính sách tôn giáo của đảng Cộng Sản. Sách
Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 3 của Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh) đã ghi lại:
- Hòa thượng Thích Mật Thể
theo kháng chiến cho đến năm 1961 thì mất. Trong thời gian từ 1957 đến 1961, vì
chống lại chính sách tàn phá Phật Giáo của nhà nước Cộng Sản, ngài đã bị quản
thúc, cô lập hoàn toàn ở Hà Tĩnh và Nghệ An.
- Thiền Sư Tố Liên, người
có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển cơ sở Phật Giáo miền Bắc, và
thiền sư Tuệ Tạng, Thượng Thủ Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc, đã bị quản thúc, cô
lập ở Nam Định.
- Thiền sư Vĩnh Tường, trụ
trì chùa Thần Quang, Hà Nội, người đã đúc pho tượng bằng đồng lớn nhất Việt
Nam, đã bị bức tử, phải uống át xít tự tử năm 1955 tại chùa Thần Quang.
“Phật Giáo tại miền Bắc, từ năm 1954 trở đi đã chìm vào
bề sâu. Không tạp chí Phật Giáo nào được xuất bản, không Phật Học Viện nào được
mở cửa thâu nhận học tăng, không có kinh sách nào được xuất bản, trừ bộ kinh
Lăng Nghiêm của cư sĩ Tâm Minh. Phật tử chỉ được tổ chức lễ mỗi năm hai kỳ:
Ngày Phật Đản và ngày Vu Lan. Tăng sĩ từ 30 tuổi trở xuống đều phải cới áo hoặc
để đi vào quân ngũ hoặc đi vào mặt trận sản xuất. Các Phật Học Viện không còn
học tăng. Mỗi tự viện chỉ còn lại một hoặc hai tăng sĩ lớn tuổi. Những vị này
phải dùng phần lớn thì giờ của mình để làm công việc canh tác sản xuất. Ruộng
đất của chùa được hiến cho nhà nước để làm cách mạng xã hội. Giáo Hội không còn
tài sản nào để làm cơ sở hành đạo”.
Chùa Thanh
Tịnh, Tỉnh Thái Bình
Sách Việt Nam Phật Giáo Sử
Luận chỉ ghi được mấy vị cao tăng nổi tiếng, với ít nét về sự hủy diệt trên.
Còn sự thực thì con số tăng ni bị hủy diệt chắc phải rất lớn. Vì theo sự chứng
kiến tại chỗ của Hòa Thượng Quảng Độ trong thời gian Hoà Thượng bị lưu đày ở
Thái Bình, được ghi lại trong sách “Nhận Định Về Những Sai Lầm Tai Hại Của Đảng Cộng Sản Việt Nam Đối Với Dân Tộc
và Phật Giáo”, thì từ 1954, Cộng Sản tiếp thu Hà Nội, đã hoàn toàn làm
chủ miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra, bắt đầu thực hiện chủ nghĩa cộng sản, nhất
là sau cuộc đấu tranh giai cấp, cải cách tố khổ, thì ở nông thôn, việc phá đình
chùa, miếu mạo không còn phải e ngại gì nữa. Nhiều đình chùa bị trưng dụng làm
nhà kho chứa thóc lúa, nông cụ, hoặc phá đi để lấy gạch, gỗ để làm nhà kho, sân
kho, nhà nuôi lợn của Hợp Tác Xã. Còn ở thành thị thì chùa được trưng dụng làm
cơ sở sản xuất công nghệ, làm trụ sở uỷ ban, làm nơi hội họp, cũng có chỗ làm
nhà chăn nuôi.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải
(tác giả Bão Táp Triều Trần) đã tổng kết:
“Phải nói chính quyền đã
có khá nhiều biện pháp cứng rắn trong lãnh vực này (tôn giáo) như cấm các hội
lễ, phá chùa, đập tượng, dỡ bỏ hoặc ngăn cấm các đền thờ Mẫu, đưa đi cải tạo,
bắt giam các người làm nghề bói toán, đồng cốt nhảm nhí... Đảng viên, đoàn viên
phải từ bỏ các tôn giáo mình theo. Trong các gia đình phần lớn không còn bàn thờ
tổ tiên. Các chùa chiền ở nông thôn nếu còn sót lại thì hoang phế, quạnh hiu,
các điện thờ Mẫu ở các gia đình không được phép tồn tại. Các chùa chiền, đền
miếu còn sót lại ở đô thị cũng vắng tanh vắng ngắt. Một số người già lui tới
các nơi thờ phụng này, gần như là một sự lén lút. Tưởng như chúng ta đã triệt
bỏ được tận gốc của vấn đề”.
(Hoàng Quốc Hải:
Văn Hóa Phong Tục, Hà Nội, Văn Hóa Thông Tin, 2001, trg 435”
Và trong một bữa ăn tại
nhà của nhà thơ, tiến sĩ sử Phan Lạc Tuyên năm 1982 (Sài Gòn), ông Hoàng Quốc
Hải và học giả Đào Duy Anh đã cho biết ở miền Bắc sau 1954, việc tận diệt tinh
thần duy tâm với việc phá bỏ đình chùa, miếu, nhà thờ... đã trở thành một thứ
thành tích của mấy ông quan cộng sản bí thư, chủ tịch của các tỉnh, huyện.
2. Chính sách biến
Phật Giáo thành công cụ.
Sau khi chiếm miền Nam và
thống nhất đất nước, đảng Cộng Sản tiến hành việc thống nhất Phật Giáo thành
một tổ chức chính trị do đảng lãnh đạo. Ông Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ cộng sản
ở miền Nam, đặc trách về tôn giáo và là cán bộ chủ chốt trong công tác thống
nhất Phật Giáo năm 1981, trong bài “Thống
Nhất Phật Giáo”, viết năm 1994 đã cho biết việc thống nhất Phật Giáo là thống nhất Phật Giáo của
đảng gồm Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam ở miền Bắc và Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước ở miền Nam với Giáo Hội
Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tiến trình thống nhất gồm những việc sau:
1 . Chính quyền ép buộc.
Với Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam Thống Nhất, chính quyền chủ trương tranh thủ Hoà Thượng Thích Đôn Hậu,
Chánh thư ký Viện Tăng Thống, Hoà Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa
Đạo, Thượng Tọa Thích Trí Quang, Viện Hóa Đạo. Còn Thượng Tọa Thích Huyền
Quang, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký
Viện Hóa Đạo, Thượng Tọạ Thích Thiện Minh, Cố Vấn Viện Hóa Đạo cương quyết
chống lại việc thống nhất theo ý đảng, nên được gọi là thành phần cực đoan quá
khích, sẽ dùng chuyên chính vô sản giải quyết.
Gọi là tranh thủ những
người có thể tranh thủ, nhưng thực sự là chính quyền đã ép buộc. Việc này Đỗ
Trung Hiếu chỉ nói mấy điều về chính sách và không nói việc ép. Còn trong bài
bài nói chuyện với tăng sinh tại chùa Từ Hiếu ở Huế năm 2002, Thượng Tọa Tuệ Sỹ
cho biết:
“Tôi nói cái nguyên nhân
khai sinh ra Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và từ khi Giáo Hội ra đời. Đó là thời
kỳ rất căng thẳng . Lúc đó Hòa Thượng Trí Thủ làm Viện Trưởng Viện Hoá Đạo, và
có hôm đi họp về Ôn kể lại với tôi việc tiếp xúc chính quyền. Hồi đó Mai Chí
Thọ làm chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chi Minh, và ông Mai Chí Thọ nói
thế này: “Các thày chỉ có hai con đường: Một là theo, hai là
chống. Các thầy theo, chúng tôi tạo điều kiện cho sinh hoạt. Còn các thầy
chống, chúng tôi còn đủ xe tăng thiết giáp đó. Các thầy muốn chống thì chống
đi!”. Hòa Thượng nói: Theo, chúng tôi không theo, mà chống, chúng tôi cũng
không chống. Nhưng họ nói không có con đường thứ ba. Rồi tới khi vận động thành
lập thống nhất, Ôn rất căng thẳng. Dưới áp lực của chính phủ, hoàn toàn Ôn
không muốn làm. Ôn bảo muốn rút lui. Ôn không chịu nổi vấn đề này. Nhưng cuối cùng
Hòa Thượng Trí Thủ đã phải đi tiếp và thầy Tuệ Sỹ đã nhắc lại lời của Hòa
Thượng về việc Hoà Thượng phải đi tiếp là: “Tôi sẽ chịu nhục cho mấy thầy
làm việc”.
Chùa Từ Quang
2. Chính quyền đẩy:
Với phương cách uyển
chuyển và dùng sự liên hệ mật thiết của Đỗ Trung Hiếu với Hòa Thương Trí Thủ
(Mẹ của Hiếu đã qui y Hòa Thượng Trí Thủ, và năm 1959, bị an ninh VNCH truy
gắt, Hiếu đã được Hòa Thượng cho nương náu ở Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang),
chính quyền vận dụng Đỗ Trung Hiếu đẩy Hoà Thượng Trí Thủ với những lời lẽ rất
đẹp là việc thống nhất là sự nghiệp của chính các nhà sư. Đảng chỉ vạch đường
và tạo điều kiện cho các nhà sư làm. Vì thế Hòa Thượng Trí Thủ, Hòa Thượng Đôn
Hậu, Hòa Thượng Trí Tịnh, Thượng Tọa Minh Châu đã đứng ra thành lập Ban Vận
Động Thống Nhất Phật Giáo và Hòa Thượng Trí Thủ đã được bầu làm Trưởng Ban.
3. Thảo Hiến chương và
thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Theo Đỗ Trung Hiếu thì sau
khi thành lập Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo, Hòa Thượng Trí Thủ bàn bạc với
Hòa Thượng Trí Tịnh tiến hành soạn thảo Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam. Vì thế Hòa Thượng Trí Tịnh đã cùng với Hòa Thượng Mật Hiển, Thượng Tọa
Minh Châu và Từ Hạnh thảo Hiến Chương ở chùa Vạn Đức, huyện Thủ Đức. Nhưng sự
thật việc thảo Hiến Chương theo Biên
Niên Sử Gia Đình Phật Tử (1975-1998), Thị Nguyên cho biết là Mười Anh (Đỗ
Trung Hiếu), Từ Hạnh và Ba Lực đã soạn thảo Hiến Chương, được Trưởng Ban Dân
Vận Trần Quốc Hoàn chấp thuận và chỉ đạo cho Trí Tịnh, Mật Hiển và Minh Châu
đem về chùa Vạn Đức nhuận chính lại theo văn phong với sắc thái Phật Giáo.
Từ đó Bản Hiến Chương mới
có những câu sau ở lời nói đầu:
- Cũng như trong sự nghiệp
giải phóng dân tộc ngày nay do Hồ Chủ Tịch và Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo.
- Cả nước đang xây dựng
chủ nghĩa xã hội.
- Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam là một tổ chức Phật Giáo duy nhất đại diện cho Phật Giáo Việt Nam về mọi
mặt quan hệ ở trong nước và nước ngoài.
- Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam.
- Chương II điều 4 thêm:
Và tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
- Chương V điều 18 qui
định hoạt động của giáo hội gồm vào trong 6 ban một cách hình thức.
- Chương VI, từ điều 23
đến 26, 27 tổ chức Giáo Hội teo dần và cơ sở là tự viện, tịnh xá, niệm Phật
đường, tức lấy chùa làm cơ sở chứ không phải lấy quần chúng phật tử làm đơn vị
cơ sở của tổ chức giáo hội.
Đỗ Trung Hiếu kết luận:
Như vậy tinh thần của cụ Xuân Thủy được thể hiện trong bản Hiến Chương này rõ
rệt: Đạo pháp – Dân Tộc - Chủ Nghĩa Xã Hội và cơ cấu tổ chức là hình tháp lộn
ngược. (Đỗ Trung Hiếu nói như vậy vì 2 năm trước Hiếu đã được Xuân Thủy chỉ đạo
về nội dung và cơ cấu tổ chức Giáo Hội Thống Nhất).
Như thế việc thảo Hiến
Chương, Hiếu làm dềnh dang, mô tả tính chất thiêng liêng: “Buổi khai bút trang nghiêm tại thiền viện, lầu 3 chùa Vạn Đức, Hòa
Thượng Trí Tịnh, Mật Hiển, Thượng Tọa Minh Châu, Từ Hạnh tắm gội tinh khiết.
Toàn thiền viện xông trầm thơm nức, ngập phòng trầm hương nghi ngút, bay quyện
thiêng liêng. Tất cả qùi trước Đức Phật nguyện cầu và khai bút”.
Nhưng thật sự thì Đỗ Trung
Hiếu đã lừa dối Hòa Thượng Trí Thủ, nên cuối cùng mới có vấn đề là Ban Tôn Giáo
Chính Phủ đề nghị Hiếu gặp Ôn Già Lam để thuyết phục theo hướng này (hướng của
đảng). Hiếu từ chối. Ông Nguyễn Quang Huy (Ban Tôn Giáo Chính Phủ) gặp Hòa
Thượng Trí Thủ và Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam để đả thông. Tăng
ni và phật tử trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phản ứng gay gắt.
Hòa Thượng Trí Thủ nói với Hiếu: Thống nhất theo kiểu này, tới cũng khó mà lui
cũng khó. Hiếu lại dùng lời đẹp thuyết phục: Thực tế diễn ra có thể tốt đẹp
hơn. Mấu chốt bây giờ là con người. Mình phải uyển chuyển.
4. Thành lập Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam
Trên 140 đại biểu miền Nam
ra Hà Nội (1/11/81) tham dự Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam. Đại hội họp
4 ngày, từ 4-7/11/1981, và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập với thành
phần lãnh đạo:
Hội Đồng Chứng Minh: Pháp
Chủ: Hòa Thượng Thích Đức Nhuận.
Đệ Nhất Phó Pháp Chủ: Hòa
Thượng Thích Đôn Hậu.
Hội ĐồngTrị Sự: Chủ Tịch:
Hòa Thượng Thích Trí thủ.
Phó Chủ Tịch: Hòa Thượng
Thích Trí Tịnh.
Như thế Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam ra đời đã xóa sổ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Và việc thực
hiện việc xóa sổ đã được tiến hành từ năm 1978. Thời gian phải kéo dài vì trong
việc này, đảng chỉ kéo được mấy người chủ chốt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Thống Nhất là HT Đôn Hậu, HT Trí Thủ, HT Trí Tịnh và TT Minh Châu, còn nhiều vị
trong Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo đã chống lại mà tiêu biểu là TT Thiện Minh, Cố vấn Viện Hóa Đạo, TT Huyền Quang, Phó viện Trưởng Viện Hóa Đạo,
TT Quảng Độ, Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, TT Minh Kiến, Phó Tổng thư Ký Viện Hóa
Đạo... Những vị này đã quyết liệt phản kháng âm mưu thống nhất Phật Giáo theo
mô hình của đảng Cộng Sản.
Đảng gọi những vị này là
thành phần cực đoan quá khích. Vì thế tháng 4/78, Thượng Tọa Thiện Minh bị bắt
và bị tra tấn đến chết (gẫy hết răng và vỡ đầu) ở tại trại 4X, trại thẩm vấn,
đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn, nhưng công an lại chở xác ra Hàm Tân (Thuận Hải).
Giấy báo tử được đưa về chùa Già Lam và Hoà Thương Trí Thủ đã cùng TT Trí Quảng
và Trí Siêu đi ra Hàm Tân để nhìn mặt. Hòa Thượng Trí Thủ xin được vuốt mặt
người chết. Công an không cho. Xin tham dự buổi lễ mai táng. Không cho. Công an
không cho phép làm bất cứ việc gì, với lý do “Cho dù đã chết, ông Đỗ Xuân Hàng (Thiện Minh) vẫn là một tội nhân, mà
tội nhân thì nội quy trại không cho phép những yêu cầu như thế 1988)”. (Bảo
Trân: Câu chuyện thầy Thiện Minh, Quê Mẹ, số 90-91, Paris .
Còn TT Huyền Quang, TT
Quảng Độ bị bắt (2/1982), bị đưa đi quản thúc ở Quảng Ngãi và Thái Bình.
Như thế là trên danh nghĩa
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã bị khai tử và từ sự khai tử này Giáo
Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội của đảng Cộng Sản) đã chiếm đoạt nhân sự và cơ
sở của GHPGVNTN làm cơ sở của mình. Sự việc này đã được HT Quảng Độ ghi lại
trong cuốn Nhận Định như sau:
“ Sau đó, HT Trí Thủ, Trị Sự Trung Ương của Giáo Hội
Nhà Nước về chiếm văn phòng Viện Hóa Đạo tại chùa Ấn Quang làm văn phòng Thành
Hội Phật Giáo của Giáo Hội Nhà Nước. Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, chánh thư ký
kiêm xử lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN đã gửi văn thư phản đối việc làm của HT Trí
Thủ. Rồi từ đó trở đi, tất cả tổ chức của GHPGVNTN từ trung ương đến các địa
phương đều bị buộc phải hạ bảng hiệu của Giáo Hội xuống và trương bảng hiệu của
Giáo Hội Nhà Nước lên thay, luôn cả trụ sở, nhân viên của GHPGVNTN trước đây
cũng được biến thành trụ sở, nhân viên của Giáo Hội Nhà Nước, cũng chánh đại
diện, thư ký và ban này, ban nọ, hệt cơ cấu tổ chức của GHPGVNTN, chỉ khác cái
tên gọi “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” tức Giáo Hội Nhà Nước mà thôi. Thật là
một đòn gậy ông đập lưng ông hiểm độc. Đây mới chỉ là mưu đồ ngắn hạn, tức mới
chỉ dùng người của GHPGVNTN để triệt hạ GHPGVNTN, còn về dài hạn thì cái Giáo
Hội Phật Giáo Nhà Nước ấy được dùng để tiêu diệt Phật Giáo một cách hợp thức,
hợp pháp, cũng như cái Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam do sư cụ Trí Độ làm
hội trưởng ngoài Bắc trước đây vậy”. Việc hủy diệt tôn giáo nói chung và Phật Giáo nói
riêng là mục tiêu chiến lược của đảng Cộng Sản. Nhưng sau khi chiếm miền Nam,
chiến thuật của đảng đã thay đổi. Theo Đỗ Trung Hiếu thì “Cuộc thống nhất
Phật Giáo lần này (1981), bên ngoài do các Hòa Thượng gánh vác, nhưng bên trong
bàn tay Đảng Cộng Sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến
Phật Giáo trở thành một tổ chức bù nhìn của đảng”. Như thế là đảng Cộng Sản
đã từ chính sách hủy diệt ở miền Bắc chuyển sang chính sách đảng hóa Phật Giáo,
biến Phật Giáo thành công cụ. Vì thế sau khi sau khi thành lập Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam, Phật giáo được phép phát triển cơ sở mà giai đoạn đầu là biến
những cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành của mình. Rồi được
phép in sách, xây thêm chùa, đào tạo tăng sĩ với những Viện Phật Học, từ cấp
thấp tới cấp cao và Phật tử được tới chùa lễ tự do.
Việc thay đổi chính sách
này có thể giải thích là do tình thế biến đổi, nhất là từ thập niên 1990, đảng
Cộng Sản phải thực hiện một chính sách gọi là đổi mới để quay đầu sang thế giới
tư bản kiếm tiền, kiếm kỹ thuật và học cách làm ăn kiểu tư sản, nói chung là
tìm cách sống chung với thế giới dân chủ. Vì thế đảng không thể duy trì chính
sách hủy diệt tôn giáo như ở ngoài Bắc sau 1954 hay ở miền Nam vào những năm
cuối thập niên 1970 mà phải mở cửa cho tôn giáo để tôn giáo có một phần sinh hoạt
gọi là tự do, nhưng là tự do trong vòng tay của đảng, trong hệ thống đảng hóa
tôn giáo với thành phần lãnh đạo là người, là sư của đảng. Nói chung là biến
tôn giáo thành tổ chức của đảng. Có lẽ cho tới nay đảng chỉ hóa được một số
linh mục, chớ đảng chưa đưa được Giáo Hội Thiên Chúa Giáo vào Mặt Trận Tổ Quốc.
Còn Phật Giáo, vốn là một tôn giáo truyền thống, là một phần cốt tuỷ của văn
hóa dân tộc, và tinh thần Phật Giáo bàng bạc ở đa số dân chúng trên cả nước.
Nói là bàng bạc vì ngôi chùa và ông sư là hình ảnh thân thiết với người dân,
nhất là ở nông thôn. Trong đó có nhiều người ít tới chùa, nhà chỉ có bàn thờ tổ
tiên, nhưng vẫn coi mình là Phật Giáo với những ý niệm thiện ác, từ bi, hỷ xả,
nghiệp báo, luân hồi. Vì thế tới lúc không hủy được nữa thì đảng phải tìm cách
đảng hóa Phật Giáo, hóa những ông sư và phát triển cái hóa đó để đảng sử dụng.
Do đó, sự phát triển của Phật Giáo dưới hệ thống đảng doanh sẽ đưa Phật Giáo
tới suy vi. Và lúc đó Phật Giáo chỉ còn là một tổ chức để những ông sư đua
tranh quyền lợi thế tục theo sự ban phát của đảng. Vấn đề này có thể nhận ra ở
hai điểm sau:
Về việc biến thành công
cụ:
Những ông sư lãnh đạo Giáo
Hội Phật Giáo Việt Nam bị đảng hóa nên cũng qua đảng giành độc quyền Phật Giáo
và nói theo đảng một cách lộ liễu là khi thế giới chỉ trích chính quyền đàn áp
các vị tăng sĩ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau Đại Hội Nguyên
Thiều ở Bình Định, tháng 10/2003, thì các vị tăng sĩ lãnh đạo Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam như Hòa Thượng Trí Tịnh, Thanh Tứ, Trí Quảng, Chơn Thiện và Quảng Thiện... đã nhất
loạt đồng thanh lên tiếng, vừa để bênh vực chính quyền, vừa giành độc quyền
chính thống của mình qua mấy điểm xác quyết:
- Thứ nhất là nhà nước
XHCNVN không đàn áp tôn giáo, không có việc bắt bớ tăng ni, tín đồ Phật Giáo.
- Thứ nhì là Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 là Giáo hội chinh thống, đại biểu duy
nhất cho Phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
- Thứ ba là Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất không còn nữa, vì đã sáp nhập vào Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam trong Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo năm 1981.
- Thứ tư là phản đối hai
nghị quyết về tự do tôn giáo tại Việt Nam của Hạ Viện Hoa Kỳ (19/11/03) và của
Quốc Hội Âu Châu (20/11/03) là vu cáo xuyên tạc tình hình thực tế về tôn giáo
tại Việt Nam và xâm phạm vào vấn đề nội bộ của Việt Nam.
Tất nhiên chúng ta hiểu
khi nói lên những điều này là các vị sư lãnh đạo GHPGVN đã thành một cái loa
của đảng Cộng Sản. Vì các vị ấy đã trên dưới 70 tuổi, như các ngài Trí Tịnh,
Trí Quảng, Chơn Thiện và Quảng Thiện đã là những vị sư thuộc GHPGVNTN trước
1981 thì đã nằm lòng cái thảm kịch bị bức tử trên danh nghĩa, nhưng không chết
thực của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ 1981 đến nay, và cũng nằm
lòng chính sách tàn phá tôn giáo của đảng Cộng Sản.
Về sự phát triển.
Trên bề mặt, Phật Giáo từ
thập niên 1990 tới nay đã phát triển với nhiều chùa lớn, với những Viện Phật
Học ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn... và các viện ấy đã đào tạo được nhiều lớp tăng sĩ.
Nhưng nhìn vào nội dung thì đó không phải phát triển vì đạo pháp và dân tộc mà
là phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa cho đảng Cộng Sản, đào tạo người cho
đảng dùng. Vì cả một Giáo Hội lớn như thế với nhiều Viện Nghiên Cứu Phật Học mà
chỉ có độc nhất tờ báo Giác Ngộ, dùng để chuyên chở tiếng nói của đảng về những
chủ trương đối ngoại và chuyên chở những thông cáo của Mặt Trận Tổ Quốc, còn
phần nói về đạo không tới đâu. Rồi sự phát triển chùa lớn dưới một chế độ độc
tài áp chế không phải vì đạo pháp dân tộc mà là phát triển để làm kiểng, để
phát triển mê tín, nơi để đảng kinh doanh Phật Thánh và là thứ vật chất đảng
dùng để trói những ông sư theo đảng.
Còn việc đào tạo tăng sĩ
cho đến nay chúng ta không biết con số bao nhiêu. Nhưng qua lời của Thượng Tọa
Tuệ Sỹ, trong bài nói chuyện với tăng sinh ở chùa Từ Hiếu (Huế) thì “ Ở đây mình có rất nhiều trường học, trung
cấp có, cao đẳng có, học viện có... mà các thầy dạy cao đẳng Phật học chỉ trừ
vài người, số còn lại không ai biết chữ Hán hoặc biết rất ít. Đọc sách chưa đủ
chữ để đọc mà nghiên cứu kinh điển không biết chữ Hán coi như mất hết 50%.
Không biết luôn Pali với Sankrit thì mất hết 100%. Trình độ học Phật như thế
thì đi tới đâu. Thành ra mình phải thấy cái điều bất thường này là chùa to thì
rất nhiều, tăng ni rất nhiều, trường học cũng rất nhiều mà nội dung không có.
Một tình trạng không đơn giản chỉ là suy sụp mà là ... mình nói như la làng lên
đi là nguy hiểm cho sinh mạng của Phật Giáo. Bởi học kiểu đó rồi ra trường,
kinh điển đọc không hiểu, giảng kinh tầm bậy, cứ theo ý mình mà giảng kinh. Và
Phật Giáo nếu còn tồn tại, chỉ tồn tại theo cái cách mà người ta coi ông Phật
cũng như ông Địa. Nghĩa là thờ Phật để cầu buôn may bán đắt, cầu cho đừng bệnh
tật, cho trúng số đề...”
Từ sự thực này, chúng ta
hiểu việc phát triển bề mặt, nhiều viện đào tạo tăng sĩ cũng giống như đảng đào
tạo cán bộ để có người phát triển Phật Giáo theo đường lối của đảng – đào tạo
sư đi cúng và quảng bá mê tín – Phát triển Phật Giáo như thế là để hủy diệt
tinh thần Phật Giáo. Tàn phá kiểu hủy diệt như ở miền Bắc sau 1954 thì nhanh hơn.
Vì chỉ trong 20 năm mà làng không còn chùa, không còn sư, nên những người trẻ
sinh sau 1954 đã không hiểu biết gì về Phật Giáo. Vì thế trong lễ Phật Đản năm
1975 tại chùa Hưng Long, Phú Thọ Hòa (SàiGòn), mấy anh bộ đội miền Bắc đã đứng
trước chùa chỉ lên hình Đức Phật hỏi: Thằng bé kia là thằng nào?
II . Thảm kịch của Phật Giáo
Việt Nam
A . Với Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam Thống Nhất
1. Phục hoạt
Mặc dù Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam Thống Nhất bị đảng Cộng Sản xóa sổ, nhưng Hòa Thượng Thích Đôn Hậu đã
phản đối và từ chức Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật Hội Đồng Chứng Minh của Giáo
Hội Phật Giáo Việt Nam để trở về giữ Giáo Hội Thống Nhất. Với phần còn lại của
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, khoảng 10% cơ sở trên toàn quốc (miền
Trung và miền Nam), Hòa Thượng Đôn Hậu, chánh thư ký Viện Tăng Thống, kiêm xử
lý Viện Tăng Thống khi đệ nhị Tăng Thống Thích Giác Nhiên viên tịch, đã cố gắng
phục hoạt Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất. Trong thông điệp (31/10/1991) Hòa
Thượng Đôn Hậu hiệu triệu Tăng sĩ và Phật tử Việt Nam khôi phục lại Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Thống Nhất dưới Hiến Chương 1964. Kêu gọi tăng sĩ thuộc GHPGVNTN ở hải ngoại
gây dựng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoại.
Năm 1992, Hòa Thượng Đôn
Hậu viên tịch, Hòa Thượng Huyền Quang từ chỗ bị quản thúc về Huế đãnh lễ trước
giác linh Hòa Thượng Đôn hậu tại chùa Thiên Mụ. Nơi đây Hòa Thượng Huyền Quang
tiếp nhận ấn tín Viện Tăng Thống, Viện Hóa Đạo đồng thời tiếp nhận Xử Lý Viện
Tăng Thống.
Trong năm 1992, các Giáo
Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập tại hải ngoại:
- Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất tại Âu Châu năm 1990.
- Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ, tháng 9 – 1992.
- Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất tại Canada, tháng 10 -1992.
- Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất tại Úc và Tân Tây Lan, năm 1992.
Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ là Văn Phòng II Viện Hóa Đạo và văn phòng được đặt
tại chùa Điều Ngự (California).
3. Đại hội bất thường.
Lưỡng Viện Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất đã tổ chức Đại Hội Bất Thường ngày 1/10/2003 tại tu
viện Nguyên Thiều, Bình Định để củng cố nhân sự lưỡng viện. Bầu một số vị vào
Viện hóa Đạo, trong đó Thượng Tọa Tuệ Sỹ được bầu làm Phó Viện Trưởng Viện Hóa
Đạo.
Hội Đồng Lưỡng Viện uỷ
nhiệm Văn Phòng II Viện Hóa Đạo tổ chức đại hội bất thường tại tu viện Quảng
Đức, Melbourne, Úc Đại Lợi, ngày 10-11-12/10/2003. Đaị Hội đã thừa uỷ nhiệm Hội
Đồng Lưỡng Viện suy tôn Hoà Thượng Huyền Quang lên ngôi vị Đệ Tứ Tăng Thống.
4. Nội bộ giáo hội mâu
thuẫn
Trong khi Giáo Hội đang
trên đà phát triển thì nội bộ lại đụng phải sự chia rẽ, đi vào hỗn loạn qua 3
giáo chỉ:
- Giáo chỉ số 2:
Đức Tăng Thống đệ tứ ban
hành Giáo Chỉ số 2 (29/11/05), trong đó đưa ra 1 danh sách thành phần nhân sự
mới của Viện Hóa Đạo trong nước và loại bỏ quá bán thành viên của Viện Hóa Đạo,
trong đó có thượng tọa Tuệ Sỹ, được bầu trong đại hội Nguyên Thiều và 6 vị
khác. Giáo chỉ số 2 đã gây ra bất ngờ cho các Giáo Hội tại hải ngoại vì không
có sự tham khảo và biểu quyết theo nguyên tắc dân chủ của Hiến Chương. Giáo Hội
tại Canada đã gửi thỉnh nguyện thư cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
nêu đích danh ông Võ Văn Ái, phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo, kiêm Giám Đốc Phòng
Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế tại Paris, là người đã thao túng, lạm quyền, truyền
thông tin sai lạc, đưa đến sự chia rẽ nội bộ Phật Giáo trong và ngoài nước.
Thượng Tọa Thích Tâm
Không, trong bài “50 Năm Nhìn Lại Thực Trạng Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất”
(quangduc.com) đã viết: “Cuộc họp bất thường tại chùa Diệu Pháp (16/3/2006)
cũng như các luận điệu sau đó từ Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế và vài thành
viên mới của Viện Hóa Đạo giải thích rằng sở dĩ có sự thay đổi nhân sự trong
Viện Hóa Đạo là do Thượng Tọa Tuệ Sỹ, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và các vị
Tổng Vụ Trưởng khác đồng viết đơn xin từ chức. Thực tế thì TT Tuệ Sỹ vì không
chấp nhận cung cách làm việc không theo Hiến Chương của HT Quảng Độ và sự lạm
quyền của ông Võ Văn Ái trong việc sắp xếp nhân sự điều hành Phật sự của Giáo
Hội nên đã viết đơn xin hoán chuyển công tác. Trong thư đệ trình HT Quảng Độ,
TT Tuệ Sỹ đã viết như sau: “Riêng trường hợp của con, do tình hình có nhiều
thay đổi, con đề nghị xin được hoán chuyển đến bất cứ vị trí nào thích hợp để
phục vụ Đạo Pháp thích hợp hơn, vì sau nhiệm kỳ 2 năm, con tự thấy vai trò Phó
Viện Trưởng không phù hợp với năng lực của mình”.
Đây không phải là đơn từ
chức, nhưng đã được ông Võ Văn Ái nắm lấy như là cơ hội tốt để loại trừ TT Tuệ
Sỹ ra khỏi Viện Hóa Đạo, hòng dễ thao túng, điều khiển Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất thông qua HT Quảng Độ, là người đặt trọn niềm tin vào miệng lưỡi
và các thông tin một chiều từ ông Ái.
Kể từ Giáo Chỉ 2, phản ứng
bất bình lan rộng trong khắp các thành viên thuộc 4 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Thống Nhất tại hải ngoại. Nhiều thành viên im lặng rút lui, hững hờ với Phật sự.
Giáo Hội, nhiều thành viên
đã tỏ ra bất phục, mất niềm tin nơi sự lãnh đạo của HT Quảng Độ. Trong khi
nhiều tăng ni và cư sĩ trong hoặc ngoài GHPGVNTN đã viết bài chất vấn, đặt vấn
đề về chức năng phát ngôn của ông Võ Văn Ái. Để bảo vệ quan điểm và những sai
quấy của mình, ông Võ Văn Ái cùng với những cộng sự đắc lực trong Văn Phòng II
Viện Hóa Đạo đã công kích, vu khống hầu hết tăng ni và cư sĩ có thiện cảm hoặc
bênh vực TT Tuệ Sỹ. Luận điểm đầy ác ý của ông Võ Văn Ái cho rằng TT Tuệ Sỹ
thỏa hiệp với Cộng Sản và “Âm mưu thành
lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không Huyền Quang - Quảng Độ”. Ai bênh vực TT Tuệ Sỹ thì đều là Cộng
Sản hoặc là phần tử thỏa hiệp với Cộng
Sản”.
Giáo chỉ số 9:
Giáo chỉ số 2 đẩy văn phòng
II Viện Hóa Đạo vào tình trạng bị cô lập, không được sự ủng hộ của nhiều thành
viên GHPGVNTN hải ngoại. Trong tình thế này, nhân giỗ Tổ Liễu Quán hàng năm,
đầu năm 2007, được tổ chức tại Phật Học Viện Quốc Tế, California, tăng ni và cư
sĩ đề nghị tổ chức lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư thay vì chỉ giỗ tổ Liễu Quán và
lấy ngày Hiệp Kỵ Chư Tổ làm ngày đoàn tụ của tăng ni, phật tử hải ngoại. Được
sự tán đồng về lễ Hiệp Kỵ này, tăng ni đã thành lập Đoàn Tăng Ni Hải Ngoại.
Trong lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại
Tổ Sư lần thứ nhất vào 20,21.22/9/2007, Đoàn Tăng Ni đã tổ chức Ngày Về Nguồn
tại chùa Pháp Bảo, Toronto, Canada. Việc này trái ý ông Võ Văn Ái, nên ông Ái
đã xuyên tạc Về Nguồn là Về với Cộng Sản. Từ đó có Giáo Chỉ số 9. Để thi hành
Giáo Chỉ số 9 của đệ tứ Tăng Thống, Hòa Thượng Quảng Độ đã ra Bản Thông Bạch
hướng dẫn thi hành Giáo Chỉ ngày 25/9/07.
Nội dung Giáo Chỉ số 9 và
Thông Bạch loại bỏ hầu hết tăng ni phật tử trong các Giáo Hội hải ngoại. Trong
đó điều 3 quy định:
- Văn phòng II Viện Hóa
Đạo trực thuộc sự chỉ đạo và điều hành của Viện Trưởng Viện Hóa Đạo trong nước.
Thành viên Văn Phòng II Viện Hóa Đạo do Viện Trưởng Viện Hóa Đạo thỉnh tuyển và
chỉ định.
- Giải tán các Giáo Hội
Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống
Nhất tại các châu được hình thành theo quyết định số 27-VPLV/VHĐ do quyền Viện
Trưởng Viện Hóa Đạo ban hành ngày 10/12/1992.
Giáo Chỉ 9 và Thông Bạch
Hướng Dẫn không được tiến hành theo Hiến Chương. Vì thế hầu hết tăng ni, cư sĩ
thuộc 4 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hải ngoại đều phủ nhận, không
tuân hành. Từ việc các Giáo Hội hải ngoại không tuân thủ Giáo Chỉ 9, nên đến
tháng 8/2008, Hòa Thượng Quảng Độ lại phổ biến Thông Bạch số 31/VHĐ/VT cáo buộc
4 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hải ngoại là tiếm danh Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất và tuyên bố là không thừa nhận, không chịu trách nhiệm đối với
các Giáo Hội này.
Để đáp lại thông bạch, kể
cả Giáo chỉ 2, Giáo Chỉ 9 và Thông Bạch Hướng Dẫn, toàn thể 104 vị tăng của 4
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hải ngoại ra tuyên bố chung ngày 9/9/08,
đưa ra 6 điểm. Trong đó có mấy ý chính:
- Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất là sự kết tinh tâm nguyện và hoài bão của tập thể tăng ni, phật
tử, chung sức xây dựng nên. Giáo Hội không là của riêng một cá nhân hay một
nhóm thiểu số. Không ai có quyền loại bỏ nó.
- Do đó, mỗi Giáo Hội tự
quyết định và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình.
- Danh xưng Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất là của chung của tăng ni, tín đồ Phật Giáo Việt Nam có
chung tâm nguyện kết hợp thống nhất, chung lý tưởng tu học chánh pháp, phụng sự
quần sinh theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam mà Lịch đại tổ sư đã truyền thừa
và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã kế thừa từ khi thành lập năm 1964.
- Lên án việc gây mâu thuẫn,
đòi giải tán các tổ chức Giáo Hội Phật Giáo hải ngoại là một tác nghiệp phá hòa
hợp tăng, chà đạp lên công đức xây dựng Giáo Hội. Việc làm đó mới là tiếm danh
và hoàn toàn không xứng đáng với danh xưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống
Nhất.
Giáo chỉ 10:
Năm 1913, xảy ra một sự
kiện, Hòa Thượng Quảng Độ gọi Hòa Thượng Thích Chánh Lạc là tăng phạm trọng
giới dâm và vọng, nên yêu cầu đuổi HT Chánh Lạc ra hỏi Giáo Hội. Tuy nhiên
nhiều thành viên của Giáo Hội như Hòa Thượng Thích Viên Định, Viện Trưởng Viện
Hóa Đạo, Thích Viên Lý, chủ tịch Văn phòng II, không đồng ý, thậm chí còn có ý
định đưa HT Chánh Lạc về làm Cố Vấn Văn Phòng II thay vị trí HT Thích Hộ Giác
mới viên tịch. Vì việc này, ngày 30/8/2013, HT Quảng Độ thông báo từ nhiệm chức
vụ Tăng Thống. Nhưng đến ngày 4/9/13 HT Quảng Độ nhận lại chức vụ Tăng Thống.
(Tháng 11/2011, Đại Hội kỳ
IX của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại chùa Điều Ngự,
California, suy tôn HT Quảng Độ lên Đệ Ngũ Tăng Thống, sau khi Đệ Tứ Tăng Thống
Huyền Quang viên tịch từ năm 2008, và HT Quảng Độ đã xử Lý Viện Tăng Thống từ đó)
Ngày 9/12/2013, HT Quảng
Độ đưa ra giáo chỉ 10 cách chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo của HT Thích Viên
Định, và cách chức chủ tịch văn phòng II của HT Thích Viên Lý với lý do là bất
tuân giáo chỉ của Tăng Thống.
Năm 2014, HT Viên Định, HT
Viên Lý và một số vị tăng khác cho rằng Tăng Thống Quảng Độ đã hành sử vượt quá
quyền hạn Tăng Thống, nên đã thành lập Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Thống Nhất, tách khỏi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tăng Đoàn tôn Hòa
Thượng Thích Thiện Hạnh (tại Huế) làm Thượng Thủ, HT Chánh Lạc làm Chủ Tịch Hội
Đồng Giáo Phẩm và HT Viên Định làm Viện Trưởng Hội Đồng Điều Hành. Từ đó các
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hải ngoại đã hoạt động độc lập và Giáo
Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong nước đã gần như không còn hoạt động gì
từ sau 2014.
Theo dõi những biến động
của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với những Giáo Chỉ, với những cách
chức và từ chức, thay người này bỏ người kia, chúng ta thấy HT Quảng Độ đã đi
vào sai lầm, phá vỡ Giáo Hội mới phục hoạt, theo dư luận chung của một số vị
tăng ở hải ngoại thì cái sai đó là do HT Quảng Độ đã nghe theo ông Võ Văn Ái để
đi vào tính chất phe phái. Cũng theo dư luận chung của nhiều vị lãnh đạo Phật
Giáo Thống Nhất hải ngoại thì ông Võ Văn Ái đã là nhân tố gây chia rẽ, đẩy Giáo
Hội Phật Giáo Thống Nhất vào khủng hoảng tan rã mà nhà văn, cựu tù nhân lương
tâm Huỳnh Ngọc Tuấn (thân phụ của chiến sĩ dân chủ Huỳnh Thục Vy) đã nói: Võ
Văn Ái là siêu Tăng Thống. Từ sự tan rã này, cả hai phía Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam Thống Nhất và Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cùng đi
vào bóng tối.
Còn Hòa Thượng Quảng Độ đã
mất hết uy tín và đi vào một thảm kịch là Đệ Ngũ Tăng Thống của Giáo Hội mà bị
Hòa Thượng trụ trì Thanh Minh Thiền Viện mời ra khỏi thiền viện ngày 15/9/2018,
nơi Hòa Thượng đã sống và hoạt động sau 1975. Hòa Thượng tá túc tại một số chùa
ở Sài Gòn rồi cuối cùng, ngày 5/10/2018, phải đi tàu hỏa ra Bắc về quê ở Thái
Bình. Nhưng ra Bắc Hòa Thượng thấy không yên, nên chỉ được 1 tháng, đứa cháu
gái của Hòa Thượng là Thu Huyền đã lái xe đưa Hòa Thượng trở vào Sài Gòn và
được Thượng Tọa Thích Nguyên Lý, trụ trì chùa Từ Hiếu ở Sài Gòn đón nhận.
Hòa Thượng Quảng Độ và ông
Võ Văn Ái nghĩ gì trước thảm kịch này?
Giáo Hội đang chống đỡ sự
tàn phá của của một chính quyền độc tài toàn trị mà nội bộ lại nẩy sinh tính
chất phe phái để tự hủy mình. Chúng tôi gọi thảm kịch này là thảm kịch kép:
Thảm kịch do đảng Cộng Sản gây ra và thảm kịch do chính nội bộ của Giáo Hội tự
tạo.
B . Với Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam
Sau khi Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam được thành lập, Phật Giáo đã phát triển với nhiều chùa lớn nguy nga,
nhưng sinh hoạt tôn giáo không còn phát triển đạo pháp mà thay vào đó bằng mê
tín với nhiều hoạt động thế tục. Chùa trở thành nơi làm ăn, làm tiền qua hình
thức tôn giáo. Còn tăng sĩ đã bị đảng hóa và tục hóa trong đời sống. Đảng Cộng
Sản Việt Nam đã đảng hóa Phật Giáo và dìm Phật giáo vào một thảm kịch chưa từng
có trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Thảm kịch ấy đã diễn ra như sau:
1. Với bản thân của tăng
sĩ:
Theo sự hiểu biết bình
thường của một Phật tử thì người đi tu là để Thượng Cầu Bồ Đề, Hạ Hóa Chúng
Sinh. Mức tu đạo của các vị tăng có cao thấp khác nhau, nhưng tất cả vẫn là
biểu tượng của tinh thần thiện, bi, trí, dũng, một mẫu mực đạo hạnh cho đời
trông vào và vươn tới. Từ đó nhìn vào những vị sư ngày nay, chúng ta thấy đa số
các tăng sĩ đã đi ngược lại con đường tu là Thượng cầu Đảng Hạ làm tiền chúng
sinh.
Xin ghi lại một số ông sư
có tên trên truyền thông:
- Trong bài “Khi đi tu
ở chùa trở thành một nghề trong xã hội”, Mạnh Cường ghi mấy nhà sư điển
hình của nghề làm sư:
- Đại Đức Thích Thanh Mão,
trụ trì chùa Phú Thị, Văn Giang, Hưng Yên, mê văn nghệ, ca hát, khoe dàn
Karaoke 450 triệu đồng. Còn rượu, thầy khoe uống nửa lít một bữa nếu ngon miệng
và có anh em đông vui. Thầy làm kinh tế, thu gom cây cảnh lên Hà Nội bán. Được
phóng viên hỏi: Như vậy có vi phạm các điều qui định của giáo lý nhà Phật
không? Sư Mão trả lời: Chúng tôi được quyền đi buôn, được quyền làm đủ mọi thứ.
Chúng tôi làm đúng quyền công dân. Tôi là công dân đặc biệt, mặc áo nâu đi ở
chùa thôi.
- Sư Thích Minh Thịnh, trụ
trì chùa Nhạn Tháp, Hưng Yên. Một trong hai nhân vật chính của loạt phóng sự
trên báo Lao Động “Trụ trì uống rượu tây,
nhắm tiết canh”, không những ăn thịt, uống rượu, nhắm tiết canh mà còn văng
tục chửi thề đánh nhau...
- Đại Đức Thích Thanh
Cường, Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo huyện Tử Kỳ, Hải Dương, trụ trì chùa Cương
Xá, sở hữu 3 trang facebook, trong đó 2 trang được thầy dùng post ảnh “tự sướng” với những xa hoa lệch lạc,
khoe siêu xe, điện thoại sang, tổ chức sinh nhật hoành tráng, đứng kề bên các
cô, các bà chụp ảnh trong buổi sinh nhật.
Sư Thích Thanh Cường giữ
nhiều chức vụ trong chính quyền cũng như Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Hải Dương,
đồng thời là Hiệu Phó Trường Trung Cấp Phật Học Hải Dương, Ủy Viên Hội Liên
Hiệp Thanh Niên Việt Nam.
- Sư Thích Pháp Định, trụ
trì chùa Gia Hưng, xã Thanh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre. Nổi tiếng với màn
khóa môi với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong cuộc đấu giá chai rượu tây trị giá 50 triệu
đồng. Bị tố là có lối sống nhập thế kinh hoàng như lên mạng chat tìm bạn tình,
đi bar, đi thư giãn ở SPA đồng tính...
- Sư thầy Thích Minh
Tuyền, 31 tuổi, đã tu 10 năm tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan tỉnh Đăk Lăk. Thầy đội
mũ phớt, mặc áo thun, quần short, đeo dây chuyền và kính đen, tay cầm ba toong
đập vỡ kính cửa xe và gương chiếu hậu ô tô mà miệng liên tục chửi rủa, dọa giết
và bắt lái xe phải xin lỗi... (Trí Thức VN – 18/10/2019)
- Xin ghi thêm một chuyện
nữa của luật sư Lê Công Định:
Trong bài “Mẩu Chuyển
Nhỏ Về Một Sư Trụ Trì”, ông Định viết: Năm 2007, nhân dịp các anh Lê Quốc
Quân và Phạm Hồng Sơn đi tù về, tôi có dịp ra Hà Nội làm việc, tiện thể ghé
thăm các anh. Anh Quân quen ông Từ gác một ngôi cổ tự bên bờ Hồ Tây, nên rủ
chúng tôi đế viếng cảnh chùa đêm trăng rằm. Sân chùa vắng lặng, bốn người ngồi
đàm đạo thế sự dưới ánh trăng. Khoảng 10 giờ khuya, sư trụ trì chạy xe Honda
Wave về, dựng chân chống giữa sân chùa. Ông Từ già nhìn ra bảo “Hắn đi chơi
gái mới về đấy”. Ba chúng tôi trố mắt nhìn nhau không hiểu. Ông Từ chậm rãi
giải thích, thì ra chú sư ấy, khoảng ngoài 30 tuổi, là sĩ quan anh ninh được
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam “thuyên
chuyển” về làm trụ trì độ hai năm trước. Khi thấy chúng tôi vẫn ngồi lại,
sư thầy ra giữa sân chống nạnh, căng mặt nhìn lườm lườm. Chúng tôi liền đứng
lên dọn dẹp đi về. Song không còn kịp, vì sư thầy đã nổi nóng, lớn tiếng văng
tục mắng chúng tôi ra rả, với những tiếng ĐM. Ông Từ bực bội, nên mắng lại chú
sư: Đồ mất dạy! Chú sư nổi xung thiên, tóm ngay một cây gậy dài, rượt ông Từ
già chạy vòng quanh sân, mồm tụng tiếp: ĐM, tao đập chết mẹ mày! Ba chúng tôi
lật đật nhảy vào can....
Nay trước tình cảnh sa đọa
ngày càng nghiêm trọng của Phật Giáo Việt Nam, bỗng nhớ đến câu chuyện trên.
Quả thật chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, Phật Giáo lại biến chất như thời
Cộng Sản quỷ quái ngày nay. (Bacaytruc.com12/2/2019)
Nhà văn Đặng Văn Sinh
trong bài “Đạo Phật Thời Mạt Pháp” viết:
“Có thể nói, sư trụ trì
các chùa làng chưa bao giờ hư hỏng như bây giờ. Hầu hết đại đức được bổ nhiệm
về còn ít tuổi, học hành lởm khởm, đi tu như một cách kiếm sống, chứ ít người
xuất phát từ niềm tin và sự ngộ đạo. Công việc đầu tiên của một sư thầy mới về
chùa là đòi mua ô tô. Không hiếm trường hợp chùa nhỏ, dân địa phương nghèo, khó
đáp ứng nhu cầu vật chất, sư bỏ tự, về Tỉnh Hội Phật Giáo đòi chuyển đi nơi
khác. Sinh hoạt của thầy chùa thời @ cũng hiện đại, khác xa các bậc cao tăng tu
khổ hạnh ngày xưa. Ăn chay là ví dụ một tháng đôi ba lần cho phải phép. Tôi đã
chứng kiến một đại đức trụ trì chùa Q S, phường B “thụ trai” như thế nào (Thầy
đã bị dân địa phương làm đơn đuổi khỏ chùa, nhưng không biết vì sao Thầy vẫn ở
lại). Buổi sáng, một vãi già (có hôm là vãi non) ra quán gần đấy mua cho thầy
tô phở bò. Buổi trưa và chiều, các bà phân công nhau nấu cơm, đương nhiên thức
ăn phải có thịt cá. Còn bia thì vô tư, lúc nào trai phòng cũng trữ sẵn vài két.
Thầy dùng xong, một phật tử rửa bát, còn cô vãi non pha nước dâng lên.
Nói tóm lại, việc đời thầy
rất sành, nhưng việc đạo thì ít khi mó tới tay, trừ những lúc liên quan đến hòm
công đức. Chẳng hạn giờ thỉnh chuông, đã có hai ông già thay nhau chấp tác.
Viết sớ, giao cho bọn bợm nhậu, mặt mũi gớm guốc, xăm trổ đầy mình. Đó cũng là
đám đệ tử ruột của sư mỗi khi thầy ra thành phố hát Karaoke hay đóng cửa tăng
phòng đánh phỏm ăn tiền.
Vị đại đức này có cái đức
đáng quý nhất là rất thích xem Video “tươi mát”, thích chơi phỏm và năng lui
tới các quán Karaoke. Sư trẻ mà các vãi, nhất là vãi non lại quá “sùng đạo”,
tranh nhau chăm sóc thầy, sinh ra bất hòa vì ghen tức, đến nỗi sân chùa trở
thành nơi khẩu chiến thường xuyên giữa các nữ thí chủ. (Đặng văn Sinh: Đạo
Phật Thời Mạt Pháp - Thông Luận – ethongluan.org 11/16/19)
Từ những sư trụ trì trên
đây, có thể thấy:
Đảng Cộng Sản đã thay đổi
nội dung của ngôi chùa với những ông sư công an. Đi tu không còn chuyện qui y
Phật Pháp Tăng, cầu đạo mà đi vào chùa để đảng hóa chùa, để cầu vật dục. Những
ông sư trụ trì đã thế thì những ông sư khác trong chùa cũng không thể tu đạo mà
phải sống theo thầy. Sư không còn Thượng Cầu Bồ Đề mà chỉ Hạ Hóa Chúng Sinh với
tính chất khác là đẩy Phật tử vào mê tín để chùa thu được nhiều tiền.
Tóm lại các ông sư ở chùa
nhưng phản Phật, làm ô uế ngôi chùa trong lòng dân Việt. Đời sống ấy là một
thảm kịch vì phải thường trực sống ngược với Phật và với đời, dối mình và dối
người.
2 . Với đạo pháp:
Theo số liệu của Giáo Hội
Phật Giáo Việt Nam thì cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y tam bảo, có 839 đơn
vị gia đình Phật tử, khoảng 44.498 tăng ni và 14.775 tự viện, tịnh xá, niệm
Phật đường. Nhìn theo bề mặt thì Phật Giáo đã phát triển lớn về chùa chiền,
tăng sĩ và Phật tử. Nhưng dưới chế độ đảng hóa Phật Giáo thì sự phát triển đó
không phải phát triển cho Đạo Pháp mà phát triển cho chính sách thế tục hóa
chùa của đảng. Việc thế tục hóa chùa này có thể thấy ở mấy điểm sau:
a . Chùa là nơi phát triển mê tín dị đoan:
Việc này đảng Cộng Sản đã
đi từ cực đoan này sang cực đoan khác. Vì 20 năm xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc,
đảng Cộng Sản đã tiêu huỷ chùa chiền và tận diệt mê tín. Còn nay thì đi ngược
lại, phát triển chùa để phát triển mê tín với những việc cúng sao giải hạn, làm
lễ cầu tài lộc, buôn bán, thăng quan tiến chức...
Trong bài “Việt Nam: Đi
tu mà giàu và chùa giống công ty”, ông Hoàng Trúc viết:
- Phật tử đến chùa cũng
chụp giật, chụp ảnh post lên mạng, nhét tiền vào tượng Phật rồi vội vã lên xe
tiến đến một ngôi chùa khác.
- Người tới chùa bây giờ
cũng khác xưa, thay vì cầu mong được giải thoát thì đa số đã chuyển sang cầu
an. Người nhà đau yếu đi chùa xin cái lễ, công việc làm ăn thất bại lên chùa
xin lễ, bán nhà không được cũng lên chùa xin cái phép bán nhà...
Về chuyện phát triển mê
tín, xin ghi lại hai chùa điển hình:
- Chùa Phúc Khánh, Hà Nội:
Thượng Tọa Thích Thanh
Quyết trụ trì chùa Phúc Khánh, đồng thời là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo
Hội Phật Giáo Việt Nam. Sư còn phụ trách chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Non
Nước (Hà Nội) và Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội. Việc dâng sao giải hạn
đã được chùa Phúc Khánh đẩy lên cao chót vót.
Hai ông Trần Tuấn và Đình
Trường, trong bài “Chùa Phúc Khánh: Giải hạn xong, muốn cầu an lại phải
đóng thêm tiền” (Lao Động 18/12/19) đã ghi lại một số điều:
- Sau khi Dâng Sao Giải
Hạn với 150 nghìn đồng/lượt, nếu ai muốn “Cầu An” cho gia đình thì lại phải chi
phí thêm 150 nghìn đồng nữa. Chùa có giá biểu rất rõ ràng cho việc này.
Trong tháng giêng, ngoài
việc tổ chức đại lễ cầu an, chùa Phúc Khánh cò liên tiếp mở các khóa lễ Dâng
Sao Giải Hạn với hàng nghìn người tham dự. Mỗi khóa lễ, ngoài cổng hay tuyến
đường chung quanh chùa Phúc Khánh thường xuyên đi vào tình trạng tắc nghẽn vì
dân ngồi dự lễ quá đông.
- Hòm công đức, cỡ to bằng
cái tủ nhỏ, được để khắp nơi trong chùa, từ sân, chính điện đến sát các bàn
thờ, pho tượng. Khách đến hòm Công Đức, người ít thì 50, 100 nghìn, người nhiều
hơn thì 500 nghìn, cứ thế cuốn sổ ghi danh Phật tử “Thành Tâm” ngày một dày thêm. (Đặc biệt là ở mỗi hòm Công Đức có
sư ngồi để chứng kiến Phật tử ghi danh Công Đức).
Chùa Ba Vàng:
Chùa Ba Vàng, thành phố
Uông Bí, Quảng Ninh, to lớn nguy nga. Ngôi chùa ở trên núi có chính điện lớn
nhất Đông Dương. Trụ trì là đại đức Thích Trúc Thái Minh đã bày ra trò Thỉnh
Vong Báo Oán, Giải Nghiệp, Giải Vong cho hàng nghìn người, thu hàng trăm tỷ
đồng. Một lễ oan gia bắt phải đóng mấy trăm triệu.
Trong cuộc pháp thỉnh với
gần 1000 Phật tử vào tối 21/3/19, trụ trì chùa Ba Vàng khẳng định Pháp Thỉnh “Oan Gia Trái Chủ” là chính pháp. Những
gia đình nghèo khó càng phải nên cúng dường để có thể thoát nghèo.
- Phật dạy chúng ta bố thí
và cúng dường. Mình cúng để giải bệnh, giải nghiệp của mình mà mình lại còn kêu
sao. Phật dạy các Phật tử mất tiền đấy. Phải mất tiền mới có phúc. Phật dạy bố
thí đứng đầu trong lục độ. Chịu khó bố thí đi.
- Trong một buổi nói
chuyện livestream, đại đức Thái Minh nói: “Vong linh đi theo báo oán, báo thù
rất nhiều, tác động vào chúng ta. Chùa ta có Pháp Thỉnh Oan Gia Trái Chủ để
giải những oán kết này. Việc thỉnh giải oan gia trái chủ chỉ có đức của Phật từ
bi mới làm được. Chùa chúng ta thỉnh được vong, giải được oán kết là do năng
lực của đại chúng. Sư khẳng định Oan Gia Trái Chủ là hoàn toàn có thật và chùa Ba Vàng có lễ
Giải Oán Kết, Giải Oan Gia Trái Chủ.
Xin ghi lại hai bình luận:
- Nhà báo facebooker
Nguyễn Đức bình luận: Ma tăng chùa Ba Vàng đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng tín
ngưỡng tôn giáo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cúng một lễ oan gia mà bắt người
ta nộp 950 triệu. Thật là cưỡng đoạt bá tánh vốn mê lầm tin lời ma sư.
- Nhà báo Hoàng Hải Vân
trên trang facebook viết: Việc truyền bá mê tín dị đoan Vong Báo Oán mỗi năm
thu hàng trăm tỷ của ngôi Chùa Ba Vàng “kỷ
lục Đông Dương” này là sự biến dị trơ tráo của tình trạng buôn tăng bán
Phật đang diễn ra khắp nơi.
b. Chùa là nơi kinh doanh
Trong bài “Thời mạt
pháp, chùa là sàn giao dịch kinh doanh, sư là nhà kinh tế”, ông Mạnh Cường (trong
Trí thức vn -18/10/19) đã ghi việc các nhóm lợi ích liên kết với các sư để
đầu tư vào du lịch, biến các ngôi chùa lớn thành những khu Du Lịch Tâm Linh.
Có thể kể:
- Quần thể chùa Bái Đính
(Ninh Bình) rộng 540 ha , hiện đang giữ
nhiều kỷ lục: ngôi chùa rộng nhất Việt nam, tượng Phật bằng đồng lớn nhất Châu
Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, có nhiều tượng La Hán nhất.
Cũng là ngôi chùa có nhiều tiện nghi nhất. Trong khuôn viên có khách sạn và
quán cà phê. Du khách phải sử dụng tiện nghi của chùa với giá cao: Giữ xe ô tô,
xe máy, vé lên bảo tháp, thuê hướng dẫn viên...
- Khu Tâm Linh đảo Cái
Tráp (Hải Phòng) ngoài tượng Phật cao 150 mét, còn có khu biệt thự nghỉ dưỡng,
sòng bạc casino.
- Khu chùa Tam Chúc (Hà
Nam) diện tích 5000 ha , tổng số vốn đầu
tư 11.000 tỷ đồng, là chùa lớn nhất thế giới.
- Khu du lịch tâm linh Hồ
Núi Cốc (Thái Nguyên) rộng 18.940 ha .
- Dự án khu du lịch chùa
Hương, rộng 1000 ha , vốn đầu tư
15.000 tỷ đồng.
- Dự án Tam Đảo II, diện
tích 300 ha , được tập đoàn
Sungroup đầu tư, vốn 25.000 tỷ đồng.
Tất cả những khu du lịch
tâm linh đều có diện tích rộng như thế, vì đi cùng với chùa lớn là nhà hàng,
khách sạn, khu nghỉ dưỡng và sòng bài, tất cả song hành với Phật.
3. Với dân tộc
Phật giáo đã gắn kiền với
dân tộc ta trên 20 thế kỷ, và đã đi vào dòng sinh mệnh văn hóa và nguồn văn hóa
Phật Giáo đã tác động vào con dân Việt ở nhiều mặt:
Về đời sống:
- Tâm linh: Hướng về giải
thoát, thanh tịnh.
- Tương giao xã hội: Từ
bi, hỷ xả, hiếu hòa.
- Đạo đức: Nghiệp báo, luân hồi, thiện tâm, làm lành
tránh ác.
- Tập tục: Ăn chay, thờ
Phật, bố thí.
Về chính trị: Phật Giáo
nhập thế không xa lià chính trị, nhưng độc lập và tác động vào chính trị để
chính trị đi vào nhân đạo, công bình, công lý. Theo dòng lịch sử, Phật Giáo có
những thời bị suy trầm, nhưng bao giờ cũng giữ vị thế độc lập, tác động vào
những triều đại vua quan để tìm sự lợi ích cho quần sinh.
Về tinh thần dân tộc yêu
nước: Từ truyền thống văn hóa Dũng Nhân và Trí, Phật Giáo đã thành chỗ dựa tinh
thần của con dân Việt trong lịch sử thăng trầm của dân tộc. Tạm kể từ thời thực
dân Pháp thì những ngôi chùa với làng đã trở thành những pháo đài văn hóa dân
tộc để những sỹ phu, nhà nho tìm đến khi hệ thống Nho giáo đã bị tan tác dưới
nền thống trị của Pháp. Từ đó chùa đã trở thành những nơi để những nhà nho,
những chiến sĩ yêu nước tụ hội, liên lạc và trú ẩn trong công cuộc đấu tranh
chống thực dân. Chẳng hạn, sư Trạch, có võ nghệ cao cường nên đã trở thành vệ
sĩ của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học. Rồi đến thời đảng Cộng Sản nhân danh dân
tộc yêu nước, chống Mỹ cứu nước để xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa thì Phật Giáo
cũng đã yểm trợ cuộc chiến tranh của đảng Cộng Sản.
Từ những điểm trên, chúng
ta thấy chế độ độc tài toàn trị của đảng Cộng Sản đã đi ngược nội dung văn hóa
dân tộc. Đảng hóa Phật giáo là đảng đã hủy hoại văn hóa dân tộc. Vì thế Giáo
Hội Phật Giáo Việt Nam lấy tiêu đề Dân Tộc, nhưng đó không phải là nội dung dân
tộc mà là nội dung xã hội chủ nghĩa của đảng Cộng Sản.
4. Với xã hội chủ nghĩa
Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam đề ra 3 nội dung: Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhưng qua sự phân tích về hai nội dung Đạo
Pháp và Dân Tộc, chúng ta thấy nội dung Xã Hội Chủ Nghĩa đã hóa cả 2 nội dung
đạo pháp và dân tộc. Như thế thực sự Giáo Hội chỉ có một nội dung để hoằng
dương là xã hội chủ nghĩa. Ba nội dung trở thành một: Giáo hội của đảng, chùa
của đảng, sư của đảng, tiếng nói của Phật Giáo là tiếng nói của đảng, chùa là
cơ sở làm ăn của đảng. Chùa xã hội chủ nghĩa và giáo chúng đi lễ là hình ảnh
đẹp của tự do tôn giáo để đảng nói với thế giới về tự do tôn giáo của nhà nước
xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì thế đảng Cộng Sản đã luôn đăng cai đại lễ Vesak,
Phật đản quốc tế Vesak. Lễ này chính thức được Liên Hiệp Quốc chấp thuận năm
1999, qui định sẽ được tổ chức hàng năm tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York và
những trung tâm Phật Giáo trên thế giới.
Năm 2001, đại lễ Vesak đã
được tổ chức lần thứ nhất tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Và từ đó đến nay, chính
quyền và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã đăng cai 3 lần: Năm 2008 tại Hà Nội,
năm 2014 tại chùa Bái Đính, và năm nay (2019) tại chùa Ba Chúc. Đại lễ nào cũng
tổ chức quy mô với hàng chục ngàn người tham dự cùng hàng ngàn đại biểu quốc tế
và khách mời. Sau đại lễ, tất nhiên báo chí nhà nước tổng kết những thành tựu
to lớn với điểm quan trọng nhất là đại lễ đã thể hiện rõ chính sách tôn trọng
tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nhưng năm nay, đại lễ Vesak có hai việc đặc biệt đã
được ông Gió Bấc viết một bài trên RFR (11/26/19) với nhan đề: Đại lễ Vesak
2019: Những vết đen điếm nhục của Phật Giáo Quốc Doanh.
Để giữ nguyên văn lời mô
tả với vài chỗ tóm tắt, chúng tôi xin ghi lại một số đoạn trong bài:
Báng bổ đạo pháp:
Tối 10/5/2019, tại Học
Viện Phật Giáo Việt Nam, Sóc Sơn, Hà Nội, Hòa Thượng tiến sĩ Thích Thanh Đạt,
ủy viên thư ký Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Thượng Tọa tiến sĩ
Thích Thanh Quyết, Phó chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam,
các cán bộ lão thành các cấp cùng hàng trăm tăng ni Phật tử tham dự, Thượng Tọa
Thích Thanh Quyết đã cùng nhà đầu tư Hà
Huy Thanh, cháu cố Tổng Bí Thư Hà Huy Tập, làm lễ kéo khăn nhiễu công bố bức
tranh “Đạo Pháp và Dân Tộc”. Bức tranh vẽ một bên là Phật Thích Ca Mâu
Ni, một bên là Hồ Chí Minh và ở giữa là bánh xe chuyển pháp luân.
Thích thanh Quyết dám đại
xảo ngôn cho rằng bức tranh có bố cục trọng tâm là Bánh Xe Chuyển Pháp Luân,
nói lên sự vận động của quy luật nhân quả, sinh diệt mà chúng sinh giác ngộ
được Phật pháp. Đây là bức tranh có ý nghĩa đặc biệt, đức Phật Tổ Thích Ca và
bác Hồ đều là những vị cứu tinh của nhân loại, càng có ý nghĩa hơn khi đúng với
tinh thần của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là Đạo Pháp và Dân Tộc, Đức Phật biểu
trưng cho Đạo Pháp, bác Hồ tượng trưng cho tinh thần dân tộc.
Cư sĩ, nhà văn, tiến sĩ
Trần Kiêm Đoàn, đang giảng dạy ở Đại học Mỹ, viết trên fb: “Đạo pháp và dân
tộc cần được xây dựng trên căn bản nhân văn và trung thực”. Ông Đoàn viết:
Trong khi Vesak, lễ hội Phật Đản thế giới đang diễn ra ở Hà Nam thì hậu trường
sân khấu lại có những màn trình diễn vớ vẩn như bức tranh này. Đây là một hình
thức báng bổ Phật Giáo cũng như hạ thấp tinh thần dân tộc và lịch sử Việt Nam
xuống ngang tầm với trò quảng cáo lãnh tụ và tuyên truyền chính trị.
- Thích Thanh Quyết đã hết
sức xảo ngôn khi đánh đồng Đức Phật với Hồ Chí Minh là cứu tinh của nhân loại.
Đức Phật thật sự là vị cứu tinh khi tìm ra chân lý Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo để
con người thoát khỏi sự vô minh, hướng đến tuệ giác, an lạc. Còn Hồ Chí Minh
không để lại gì cho nhân loại. Di sản của Hồ là những tội ác chồng chất đối với
con dân Việt. Đánh đồng đức từ bi vô lượng với kẻ hiếu sát, Thích Thanh Quyết
đã tự lột áo nhà tu, lộ nguyên hình là tên cán bộ công an nói láo không biết
ngượng miệng.
Văn nghệ sexy phục vụ chư
tăng:
Không chỉ sốc với bức
tranh Đạo Pháp và Dân Tộc của ma tăng Thích Thanh Quyết, dư luận còn sốc hơn
khi xem đài truyền hình Việt Nam tường thuật diễn biến đại lễ Vesak Liên Hiệp
Quốc 2019, trong đó có chương trình văn nghệ hát múa sexy của các diễn viên với
trang phục lộ rõ đường cong cơ thể và sắc màu da thịt.
Fb Võ Khánh Tuyển đăng bài
viết “Nghĩ gì” đã hỏi: Không biết các vị chức sắc tu hành của Phật Giáo,
đại biểu Phật Giáo của bao nhiêu nước tham dự sẽ có suy nghĩ gì khi được Giáo
Hội Phật Giáo Việt Nam “chiêu đãi” thế này?
Fb Chu Hồng Quỳ đã chỉ ra
điều cốt tử là Nghe Xem Các Hình Thức Biểu Diễn Nghệ Thuật là 1 trong 28 giới
cấm của giới bồ tát tại gia, là 1 trong 48 giới cấm của bồ tát xuất gia, 1
trong 250 giới cấm của giới tỳ kheo, cũng là 1 trong 384 giới cấm của giới tỳ
kheo ni. Thậm chí trong 8 giới cấm ở ngày thọ giới bát quan trai của giới Phật
tử tại gia cũng có giới cấm nghe xem này. Vậy mà các người ngửa cổ, vểnh tai
xem hát hò, múa may ở Đại Lễ Phật Đản Thế Giới Vesak 2019.
Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam ngày nay đã suy đồi cùng cưc và bày ra nhiều trò dị hợm đi ngược với giới
luật của Thích Ca.
Quảng bá kinh doanh du
lịch tâm linh
Nguyên giảng viên đại học,
nhà báo Nguyễn Thông cũng ngậm ngùi viết trên Fb “Hỏng cả sinh nhật
Đức Phật”. Thú thực xem các cảnh trên TiVi, tôi có cảm giác đại lễ Vesak
Phật Đản 2019 mà xứ ta đăng cai tổ chức không khác gì một chương trình nghệ
thuật tổng hợp -tạp kỹ- thời trang và kết hợp khoe mẽ chính thể, quảng bá du
lịch, chứ chả có gì của Phật, của tôn giáo từ bi, bác ái.
Những dòng ngắn ngủi của
nhà báo Nguyễn Thông đã bật ra một vấn đề quan trọng. Ngoài việc làm bức tranh,
làm hoạt cảnh tự do tôn giáo che đạy cho sự đàn áp dã man những bậc tu hành
chân chính, đại lễ Vesak do Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh Việt Nam tổ chức còn
là cơ hội quảng cáo cho mô hình du lịch tâm linh của các nhóm lợi ích đang
khuynh đảo quốc gia...
Báo Dân Việt có bài viết
nhận xét: Những năm gần đây, một khái niệm mới trong nền kinh tế Việt Nam nói
chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng, đó là Du Lịch Tâm Linh. Thử dùng từ
khóa “Du lịch tâm linh Việt Nam” trên Google, chúng ta sẽ có 14.200.000 kết
quả. Điều đó cho thấy sức quảng cáo cho mô hình này kinh khủng đến mức nào.
Càng kinh khủng hơn là việc các nhóm lợi ích đã chia chác tài nguyên đất đai,
núi rừng, thắng cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử để trục lợi qua danh nghĩa mỹ
miều “Du lịch tâm linh”.
Những vết nhọ về nội dung
đại lễ cho thấy thực tâm của nhà nước và Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh. Đại lễ
Vesak 2914 tổ chức tại chùa Bái Đính và lần này tại Tam Chúc đều là cơ hội và
mục tiêu quảng bá cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch tâm linh của tỷ phú Xuân
Trường. Trong các dịch vụ kinh doanh ấy có cả Casino. Trong khi đó chùa Liên
Trì ở Thủ Thiêm ở Sài Gòn, chùa An Cư ở Đà Nẵng bị chính quyền đập phá cũng để
phục vụ cho các dự án kinh doanh địa ốc. (người viết xin ghi thêm một mục đích
nữa là huỷ chùa của những nhà sư kiên trì của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống
Nhất).
Trong phần kết luận, ông
Gió Bấc đã kêu gọi: “Viết những dòng này, chúng tôi muốn gởi đến quý vị cao
tăng, quý nguyên thủ quốc gia đã nhọc công tham dự lễ Vesak 2019, xin hãy phát
tâm lắng nghe tiếng nói đau khổ của tăng ni, Phật tử Việt Nam và có thái độ
đúng đắn trong ứng xử với Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh hiện nay. Đây thực chất
không phải là Giáo Hội Phật Giáo mà chỉ là một tổ chức ngoại vi trá hình của
đảng Cộng Sản. Họ đang kinh doanh mua
thần bán thánh, gieo rắc mê tín dị đoan như cúng sao giải hạn, giải oan trái
chủ, kích hoạt lòng tham mê muội của con người. Hệ thống công an tôn giáo, Ban
Tôn Giáo Chính Phủ kiểm soát về nhân sự toàn bộ hệ thống giáo hội này.
IV . Sự mâu thuẫn của đảng
Cộng Sản Việt Nam
Đảng Cộng Sản Việt Nam
theo chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa duy vật coi tôn giáo là thuốc phiện phải
diệt trừ. Nhưng từ cuối thập niên 1980 cho đến nay, sau khi thu tóm Phật Giáo
vào tay với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thì cho phép xây cất nhiều chùa, thiết
lập học viện Phật Giáo trên khắp nước và cho phép Phật tử tự do đi chùa, tự do
phát triển mê tín dị đoan. Như thế đảng Cộng Sản đã đi vào mâu thuẫn ở tư tưởng
và việc làm. Theo Duy vật Mác- Lênin là phải hủy diệt sư và chùa, nhưng đảng
lại xây chùa và đào tạo tăng sĩ. Chúng ta có thể hiểu đây là thủ đoạn xây chùa
để diệt Đạo như phần trên đã bàn tới. Có điều khi thực hiện việc này, tình thế
lại có nhiều biến đổi là đảng viên đã lập bàn thờ tổ tiên, thờ Phật và chuyện
quan chức cộng sản và gia đình thường đi chùa để cầu xin Phật độ và như thế là
đã từ duy vật chạy qua duy tâm, tin vào sự linh thiêng siêu hình. Sự việc này
không phải ở đảng viên cấp thấp hay cấp trung mà ở cấp cao. Đảng viên ở hàng
tột đỉnh cũng biến đổi như thế, nên mới có chuyện ông Trần Đại Quang năng đi
chùa, giúp chùa Việt Nam Quốc Tự đúc tượng Phật và cúng cho chùa Vĩnh Nghiêm
một bộ 2 cây đèn và lư trầm bằng đồng to lớn, trị giá 19 tỷ đồng (khoảng
800.000 đô la). Ngày 2/3/2018, ông Quang và bà vợ là Nguyễn Thị Hiền đã qua Ấn
Độ tới chiêm bái chùa Mahabodhi, bang Bihar. Nơi đây ông Quang đã gục mặt vào
Di Tích Đại Tháp Giác Ngộ, trong khi bà vợ vẻ thảm não nhìn ông Quang. Qua ảnh
đó, chúng ta có thể cảm được là cả hai đã tới đây cầu nguyện, cầu Phật cứu độ.
Trước ông Quang, đảng viên
Cộng Sản Nguyễn Tấn Dũng, khi làm thủ tướng cũng đã sang Ấn Độ chiêm bái nơi
Phật Nhập Diệt, và khi bỏ áo quan trở về làm người tử tế đã tới chùa. Còn ông
Cộng Sản Đỗ Mười, thường vỗ ngực tự xưng là Bôn Sê Vích, sau khi phá chùa mấy
chục năm đã trở về làm bạn tri âm, tri kỷ với Hòa Thượng.
Về chuyện này, chúng ta có
thể thấy thêm là đám tang của hai ông Trần Đại Quang và Đỗ Mười đã được tổ chức
theo nghi lễ Phật Giáo. Có bàn thờ hương khói nghi ngút, có lễ dâng hương,
chuông trống và sư tụng niệm kinh cầu siêu. Có một điểm đặc biệt, khi làm lễ
trước quan tài của ông Quang, ông Nguyễn Phú Trọng đã dùng những ngón tay
bắt Ấn Quyết trừ tà ma (kiểu bắt ấn quyết của mấy ông thầy phù thủy ở miền
Bắc khi đi cúng trừ tà). Ông nào chụp được mấy ngón tay bắt Ấn của ông Trọng
thật tinh mắt, nhanh nhạy. Điều này nói lên tâm trạng bất an của ông
Trọng khi đối diện với xác của ông Quang. Như thế phải hỏi ông Trọng, lãnh
đạo đảng Cộng Sản, nhà lý luận Mac xít – lêninnit, đầy ắp duy vật trong máu sao
lại sợ ma qủy? Và như thế bàn tay bắt Ấn đã đuổi Duy Vật ra khỏi máu, khỏi đầu
ông Trọng. Người lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng Sản cũng đã từ bỏ chủ nghĩa
duy vật.
Khi hai ông Trần Đại Quang
và Đỗ Mười đi vào lòng đất, chùa Việt Nam Quốc Tự đã làm lễ cầu siêu cho ông
Quang với trên 500 tăng ni, và Hòa Thượng Thích Trí Quảng, trụ trì chùa Việt
Nam Quốc Tự ca ngợi ông Quang là người đã có nhiều đóng góp to lớn cho chùa, có
công lao trong việc thắt chặt mối đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, các tôn
giáo để tạo sự đoàn kết toàn dân. Còn ông Đỗ Mười đã được chùa Trấn Quốc (Hà Nội)
và chùa An Viên (Tuyên Quang) làm lễ cầu siêu với hàng trăm tăng ni, và trong
một bài viết, Hòa Thượng Thích Thanh Nhã, Phó Thường Trực Ban Nghi Lễ Trung
Ương, trụ trì chùa Trấn Quốc, đệ tử Hòa Thượng Thích Kim Cương Tứ, đã ca ngợi
“Lúc sinh thời Hòa Thượng Thích Kim Cương Tứ đã kết Tổng Bí Thư Đỗ Mười là
người tri âm, tri kỷ. Hòa Thượng thường nhắc nhở đám hậu sinh: Tổng Bí Thư Đỗ
Mười là một bậc lãnh tụ đáng kính, vừa có tâm đạo, vừa có đức lớn trong đời,
bởi ngài luôn luôn quan tâm tới Phật Giáo cả nước, tới vận mệnh quốc gia dân
tộc. Rồi Thượng Tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương thì tôn vinh Đỗ Mười là
Bồ Tát.
Qua những điều trên, chúng
ta thấy các ông lãnh đạo đảng Cộng Sản, xác định chủ nghĩa Mac-Lênin là hệ tư
tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội Việt Nam và là người có nhiệm vụ thực
hiện chủ nghĩa duy vật trong việc xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội, gọi là
cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng các ông lại sống duy tâm với cầu Phật, đúc
tượng Phật, đúc chuông, cúng dường, tri âm, tri kỷ với các ông sư. Như thế là
đảng Cộng Sản đã đi vào mâu thuẫn kép: Mở cửa chùa cho dân, rồi cho chính mình,
nhưng vẫn phải diệt Phật. Vậy phải hiểu sự mâu thuẫn này như thế nào?
Theo chúng tôi hiểu thì
đảng Cộng Sản đã tới chỗ cùng của tư tưởng. Không còn tin vào Mac- Lênin, không
còn tin vào chủ nghĩa duy vật, nhưng vẫn phải giữ cái tên xã hội chủ nghĩa, duy
trì chính sách chuyên chính để giữ quyền lực. Tất cả xã hội phải ở trong tay họ
dưới cái tên xã hội chủ nghĩa. Vì thế xã hội Việt Nam mới đi vào tình trạng
trôi bồng bềnh giữa những mâu thuẫn của đảng Cộng Sản. Họ chỉ biết quyền lực
với bạo lợi chủ nghĩa, còn xã hội đi tới đâu, xấu tới đâu cũng tốt. Từ đó mới
sinh ra những quái thai với cái đuôi xã hội chủ nghĩa. Như ở tôn giáo thì cái
đuôi xã hội chủ nghĩa đã tạo thành những thảm kịch tôn giáo. Còn ở kinh tế thì
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo thành nền kinh tế “không chịu phát triển” với 3 cái chân khập
khiễng: Nhà nước yểm trợ, bù lỗ cho những xí nghiệp quốc doanh ăn hại, đái nát.
Dành những ưu đãi cho xí nghiệp nước ngoài, nhưng kiềm chế xí nghiệp tư nhân
của dân Việt, vì sợ dân trở thành những người giàu có. Từ đó mới có chuyện ông
Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trước Quốc Hội: Đừng sợ dân giàu các đồng chí ạ!
Kết luận
Trước thảm kịch của Phật
Giáo qua những hình ảnh mấy ông sư trụ trì ăn thịt cá, đi chơi gái, qua những
sự việc của chùa Ba Vàng, chùa Phúc Khánh và đại lễ Vesak, có một số bài viết đưa
ra những đề nghị để chấn hưng Phật Giáo. Chúng tôi nghĩ Phật Giáo dưới chế độ
độc tài toàn trị của đảng Cộng Sản không cách gì có thể chỉnh đốn, vì đảng muốn
làm như thế, và cách làm của họ đã theo đúng chính sách của đảng. Họ đã thành
công khi tạo được một thứ Phật Giáo của họ với nhiều chùa, với nhiều dân đến
chùa, với nhiều phương pháp thu góp tiền bạc của giáo chúng. Quan trọng nhất là
một tôn giáo lớn như Phật Giáo đã trở thành một tổ chức ngoại vi của đảng. Vì
thế, đảng đi xuống tới đâu thì Phật Giáo đi xuống tới đó. Tuy nhiên không vì
thế mà chúng ta tuyệt vọng. Vì sao không tuyệt vọng thì theo thiển ý có thể dựa
vào mấy điều sau:
1 . Sự trường tồn của đạo Phật với lịch sử dân tộc đã
trên 2000 năm. Theo dòng lịch sử đó, đạo Phật có thăng trầm, nhưng không bao
giờ bị đứt đoạn. Và đạo Phật đã trở thành truyền thống, sống trong tâm trí của
con dân Việt. Sự thấm nhuần có người đậm người nhạt, nhưng đều hiểu những ý
niệm phổ quát của giáo lý Phật: Giải thoát, từ bi, hỷ xả, bi trí dũng, thiện
ác, luân hồi, nghiệp báo... Sự phát triển của Đạo Phật Xã Hội Chủ Nghĩa hiện
tại là cơ may, vì những cái xấu nổi lên, biểu hiện trong sinh hoạt xã hội, còn
những cái tốt chìm xuống. Đảng Cộng Sản là một tổ chức chính trị chủ ác, không
thể hòa được với đạo Phật. Không thể diệt được đạo Phật trong lòng người dân.
Bây giờ họ chỉ chiếm được những ngôi chùa với cái áo nâu hay áo vàng. Bằng
chứng là những đảng viên, những người lãnh đạo đảng Cộng Sản, từng cá nhân và
gia đình họ, đã trở về với Phật dù phải sống trong mâu thuẫn, vì họ không thể
bỏ chính sách của đảng. Do đó, chỉ khi nào chế độ Cộng Sản tàn lụi trên đất
nước Việt, lúc ấy mới có thể nói chuyện phục hưng Phật Giáo.
2 . Sự biểu hiện tích cực là trước sự suy đồi của
Phật Giáo do đảng Cộng Sản gây nên, chúng ta thấy mạng xã hội, đa số là những
người trẻ, lên tiếng tố cáo, phản bác những việc làm bê bối của chùa này, chùa
nọ, ông sư kia. Hiện tượng đó chứng tỏ thế hệ trẻ Việt Nam đã quan tâm đến xã
hội, quan tâm đến Phật Giáo. Vì thế khi tìm hiểu vấn đề, chúng tôi đã phải tìm
đến mạng của các bạn trẻ ấy. Bằng chứng là bức tranh Đạo Pháp và Dân Tộc của sư
Thanh Quyết, và buổi trình diễn múa hát sexy của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
chiêu đãi các đại biểu Phật Giáo quốc tế, đã nhận được cả một biển tiếng nói
phẫn nộ trên mạng xã hội của những người trẻ. Trước sự việc ấy, ai dám nói chế
độ độc tài toàn trị đã triệt tiêu được ý thức thiện ác, đúng sai của thế hệ trẻ
Việt nam?
3 . Từ thảm kịch của Phật Giáo Việt Nam, chúng tôi
liên tưởng đến thảm kịch của Phật Giáo Trung Hoa thời nhà Nguyên. Theo sử gia
E. Eberhard trong A History of China thì nhà Nguyên đặc biệt ưu đãi Phật Giáo,
Lão Giáo và Lạt Ma Giáo, nên Phật Giáo đã phát triển nhanh về lượng. Năm 1292
có 42.318 ngôi chùa với trên 213 ngàn sư, ni. Nhưng với chính sách dùng tôn
giáo làm đồng minh, nhà Nguyên đã làm sa đọa Phật Giáo. Vì dưới chế độ thống
trị nghiệt ngã và bần cùng hóa dân chúng của triều Nguyên, người Trung Hoa đã
vào chùa để tìm phương tiện sinh sống qua ngày, chứ không phải vào chùa vì đạo
pháp và đạo hạnh. Do đó, chùa đã trở thành nơi dựa thế những ông quan nhà
Nguyên để dung dưỡng cái xấu và làm điều sằng bậy.Từ đó Phật Giáo Trung Hoa đã
đi vào thời mạt pháp gần một thế kỷ (1277 – 1367). Nhưng khi nhà Nguyên sụp đổ,
và nhà Minh lên trị vì thì Phật Giáo Trung Hoa lại phục sinh khởi sắc, vì Phật
Giáo Trung Hoa cũng có truyền thống lâu đời, đã ăn sâu vào tâm não người dân
Trung Hoa. Trong thời mạt pháp, những bậc chân tu đã tìm nơi ẩn dật và họ đã là
những nhân tố làm sống lại Phật Giáo thời Minh. (Chu Nguyên Chương, người lập
nên nhà Minh, cũng đã vào chùa làm sư đi khất thực để tìm hào kiệt khởi sự diệt
Nguyên).
(W. Eberhard: A
History of China, a Public Domain Book, 2012, p. 182)
4 . Tình thế Phật Giáo Việt Nam ngày nay cũng gần như
vậy. Những cái xấu đã biểu hiện lên bề mặt xã hội, còn những vị chân tu đã tìm
thanh tịnh tại tư gia hay trong những cái cốc xa lánh bụi trần mà chúng tôi
biết được một số quí vị ấy qua những ông cư sĩ ở hải ngoại hàng năm về một số
chùa nhỏ ở miền quê làm việc xã hội. Có cái may là Việt Nam ngày nay, với kinh
tế thị trường, làm ăn tự do, nên các vị tìm đạo có thể ẩn dật để nghiên cứu và
sống với đạo. Hy vọng các vị có một số đệ tử để một ngày nào đó sẽ trở thành
những cái nhân lớn cho việc phục hưng Phật Giáo Dân Tộc. Đảng Cộng Sản sẽ tàn
lụi như một cái áo rách, còn Phật Giáo thì muôn đời./.
Việt
Dương
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire