THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN ĐẾN NỖI ĐÃ BAN CON MỘT, ĐỂ AI TIN VÀO CON CỦA NGƯỜI THÌ KHỎI PHẢI CHẾT, NHƯNG SỐNG MUÔN ĐỜI (GA 3,16) - ( Lê Thị Ngọc Vân )


Mùa Giáng Sinh đã thật sự bước vào những ngày đón Chúa Hài Đồng con THIÊN CHÚA của người Kitô hữu trên toàn thế giới.

Riêng người tín đồ Cao Đài với một niềm tin của tôn chỉ ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ là "Quy Tam Giáo, Hiệp Ngũ Chi", Vạn Lý Quy Nguyên đồng nhất thể, đã thờ phượng Chúa JESUS CHRIST,
và Thánh Lễ đêm 24-12 hằng năm vẫn được tổ chức tại Tòa Thánh Tây Ninh và vào trưa 25-12 tại các Thánh Thất địa phương. Trên Thiên Bàn tại tư gia hàng ngày các tín đồ Cao Đài cúng lạy đều nhìn thấy hình Chúa JESUS,
nhưng thực sự đã hiểu hết về cuộc đời của vị Giáo Chủ Nhị Kỳ Phổ Độ cách đây 2019 năm, như đã hiểu rõ về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay không? Theo số đông người Việt hình ảnh Đức Phật gần gũi hơn và người ta tin Phật, tín đồ Cao Đài cũng không ngoại lệ. Với người Cao Đài Việt Nam nhìn thấy hình Chúa và Thánh Ngôn ngắn gọn về Chúa JESUS rồi cũng không mấy ai tìm hiểu thêm sâu xa về Ngài. Đạo Thánh của Ngài loan truyền như thế nào.
Đạo muội nhờ được học từ nhỏ ở trường học của Thiên Chúa cho đến khi thi Tú Tài, nên muội đã tìm hiểu nghĩa lý của Đạo Công giáo có tương quan gì với Đạo CAO ĐÀI mà cha mẹ tín ngưỡng. Thật sự khi tìm hiểu dù ít nhiều, đạo muội cũng thấy được những liên quan giống nhau giữa hai nền Tôn Giáo được khai Đạo cách nhau gần 2000 năm,

Nhưng tôn chỉ dạy Đạo cùng một điểm là đem tình thương yêu đến mọi người và cùng tôn kính một Đấng THƯỢNG ĐẾ là CHA chung của muôn loài.

Về ý nghĩa ngày Lễ Giáng Sinh: Bà Maria, Người được THIÊN CHÚA chọn làm Mẹ xác thân của Chúa JESUS CHRIST qua lời ban truyền của các Thiên Sứ (Thiên Thần) bằng một mầu nhiệm Thiêng Liêng để Con của THIÊN CHÚA đến với thế gian. Và Chúa JESUS đã được hạ sanh xuống trần trong một vị thế cơ hàn giữa đêm đông lạnh giá. Điều này chính THƯỢNG ĐẾ muốn đưa ra một thông lệnh giá trị của con người là do phẩm giá làm người mà THƯỢNG ĐẾ đã ban cho điểm Linh Quang, không phân biệt giàu nghèo, địa vị. Chúa Jesus đã sống trong một cảnh nhà nghèo, phải lao động, Ngài gần gũi với kẻ nghèo, với người bị xã hội thời đó coi thường. Ngài nâng đỡ bênh vực những người cô thân yếu thế, bệnh tật. Ngài rao giảng tình thương THIÊN CHÚA và dạy mọi người biết THƯỢNG ĐẾ LÀ CHA. Ngài cố gắng kiến tạo một thế giới mới xây dựng trên nền yêu thương và chia xẻ. Thế giới của sự thật, công bình và bác ái thay cho một thế giới nhiều áp bức, bóc lột, đầy hận thù và dối trá lọc lừa. Chúa JESUS đã dạy: Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới trở nên con cái của CHA anh em, Đấng ngự trên Trời, vì NGƯỜI cho mặt trời lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương" ( Mathieu 5,44,45)
   
Và cuối cùng khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài cầu xin CHA tha thứ cho những kẻ làm hại mình: " Lạy CHA, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Luca,23,34)
Phút cuối cùng của cuộc đời Đức Jesus Christ là phút ĐẸP nhất khi Ngài thốt lên câu nói đó, và Ngài đã về lại bên lòng Đức THƯỢNG ĐẾ.
   
 Với người tín đồ Cao Đài đều hiểu rằng Đức CHÍ TÔN cũng là Đức THƯỢNG ĐẾ đã từng nói trong Thánh Giáo " Sự thương yêu là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh."
Trong một Thánh Giáo, NGÀI đã dạy : " Các Con phải biết, Đạo tại lòng Bác Ái và Chí Thành.Bác ái là hay thương xót sanh linh hơn thân mình, cho nên kẻ có lòng bác ái coi nhẹ mình hơn mảy lông mà coi thiên hạ trọng bằng Trời Đất"

Khi một người Công giáo qua đời, người ta thường nói rằng người đó đã về " Nước Chúa" hoặc về "nhà CHA". Ý nghĩa này cũng tương tự người Cao Đài đã về quê cũ hay về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Cùng quan điểm người Công giáo nghĩ rằng sự sống vĩnh cửu này tùy thuộc vào cách sống trong cuộc đời hiện nay. Và chỉ có THIÊN CHÚA mới thực hiện sự công bằng tuyệt đối, như người tín đồ Cao Đài tin vào Luật Thiên Điều và cân công bình của CHÍ TÔN sẽ  chấm công thưởng phạt.
Những người chưa thực hiện được luật thương yêu đầy đủ, còn ích kỷ, ghen ghét và thỏa hiệp với tội lỗi thì đối với người theo đạo Công giáo sẽ vào lò Luyện Ngục để thanh luyện cho trở nên sáng suốt, để sau này được trở về nơi Thiên Chúa.

Người tín đồ Cao Đài nếu phạm tội sau khi cân tội phước rồi, nếu tội lỗi còn ô trược thì cũng vào nơi gọi là Âm quang, cũng để học hỏi trau sửa tu luyện.

Những điểm tương đồng căn bản giữa Đạo Công giáo và Cao Đài chứng tỏ quan điểm Tu hành của hai nền Tôn Giáo cũng chỉ là một nhằm đưa nhân loại đến một thế giới Đại Đồng, và trở nên Thánh Thiện gần gũi với hình ảnh của Đấng THƯỢNG ĐẾ là CHA của muôn loài.

Hôm nay nhân ngày Lễ Giáng Sinh, đạo muội mạn phép luận bàn, mong rằng thiển ý của muội góp phần làm sáng đức tin ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, và bớt đi sự phân biệt Tôn Giáo. Chúng ta cùng hiểu rõ hơn về một nền Thánh Đạo Nhị kỳ Phổ Độ cách đây 2019 năm. 
Đạo muội kính chào, chúc một Giáng Sinh An lành, và niềm tin Đạo Pháp Vô Biên.
Lê Thị Ngọc Vân 

Aucun commentaire: