TIỄN BẠN (TRỌNG ĐẠT)

Tôi đưa bạn Tấn của tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng thấm thoát đã gần một năm qua, hôm ấy vào đầu mùa Xuân, hoa hồng, tường vi, hoa cúc.. nở đầy trước vườn. Đời tôi từ mấy chục năm nay đã tiễn đưa ba người bạn biền biệt ra đi.
Ba mươi năm trước, tôi đã tiễn đưa Ninh, người bạn cùng khóa ban Cao Học, chúng tôi cùng học tại một trường của chính phủ đào tạo công chức.
Ninh cũng cùng lớp với Tấn. Ra trường được hơn một năm, bỗng một hôm tôi được bạn bè cho biết Ninh đứt mạch máu chết. Học chung trường, cùng lớp nhưng tôi và chàng không thân nhau, được biết chàng di cư vào Nam có một mình, ở với người anh bà con, cũng gần như tứ cố vô thân. Khi xác còn quàn tại nhà, mấy người bạn cùng khóa như anh Sơn, Tịnh đi phúng điếu về bảo:
- Vắng quá, đám ma gì mà vắng he!
Hôm tiễn đưa chàng, Tịnh lái xe chở tôi đi, những người bạn đồng học chỉ tiễn Ninh nửa đường rồi quay về. Chúng tôi đưa chàng lên tận nơi trên Gò Vấp, đám táng trông có vẻ nghèo nàn, đơn sơ quá. Lúc sắp hạ huyệt tôi đưa mắt nhìn quanh chỉ thấy loáng thoáng chừng mười mấy người, hầu hết là bạn bè, hàng xóm. Không gian vắng lặng lạ thường, chỉ có tiếng lịch kịch của mấy người phu đang hạ quan tài. Bọn phu chuẩn bị lấp đất chôn thì một bà mặc áo dài màu nâu chạy lại huyệt, tay cầm hòn đất, miệng mếu máo khóc bảo chúng tôi:
- Các anh ơi! Ném cho cậu ấy hòn đất!
Rồi tự nhiên bà ấy khóc um lên:
- Mới hôm nào cậu ấy lại nhà chơi với chú em tôi, thế mà bây giờ cậu ấy.. hu.. hu !! Tội nghiệp cậu ấy!
Tiếng khóc của bà phá tan bầu không khí yên lặng. Mặc dù khi an táng chỉ có một lời khóc của một người hàng xứ, người dưng nước lã, nhưng nó lại cảm động và chân thành hơn là những lời khóc hình thức mà ta thường thấy ở nhiều đám như :
- Ới cha ơi! Biết bao giờ con mới lại được gặp cha! Hay.
- Ới anh ơi! Anh nỡ nào bỏ em đi cho đành anh ơi!. . .
Bà mặc áo nâu bật khóc vì đám ma vắng quá, buồn quá. Dù đám ma hay đám cưới, người ta đều thích làm cho to nó mới oai.
Người ta thương tiếc cho Ninh, chàng còn trẻ, chưa vợ chưa con, đời chàng còn tươi như đóa hoa mới nở, đường công danh, hoạn lộ của chàng còn dài, thế mà nay chàng như hoa đã lìa cành....Thế rồi mười lăm năm sau, tôi tiễn một người bạn tù đến nơi an nghỉ. Đó là một đám ma nghèo nàn, bệ rạc trong một xã hội bần hàn, đói rách.
Nam ở tù cải tạo cùng nhà, cùng trại với tôi, được thả về cùng ngày lại ở gần nhà. Chàng cũng chưa vợ con, ở nhờ ông cụ. Ông cụ khá giả, nhà có vườn tược rộng rãi gần Gò Vấp. Mẹ Nam mất đã lâu, ông cụ có vợ khác, mỗi lần lại chơi chàng nhìn bà mẹ ghẻ nói thầm với tôi:
- Tôi chẳng thèm ngó đến cái mặt!
Sau chàng lại dọn đến ở với người em ở Tân Bình. Ít lâu sau tôi lại chơi, Nam than thở:
- Tôi làm cho tổ hợp được mấy tháng lại hết việc. Ở đây em tôi nó cũng thất nghiệp, nó sống nhờ vợ nó bán hàng ngoài chợ, tôi cũng ngại quá!
Chừng nửa năm sau, thỉnh thoảng tôi lại chơi nhưng ít khi gặp, chàng hay ở nhà bạn bè và ban đêm đi giao bánh ngọt cho các cửa hàng, nghe nói cũng vất vả lắm. Tối tối, đi lại lò bánh lấy hàng, đêm hôm khuya khoắt đạp xe đem đi giao cho các cửa tiệm. Hàng nghìn hàng vạn người cải tạo như Nam, ông chẳng ra ông, thằng cũng chẳng ra thằng, họ phải kéo lê tấm thân tàn ma dại giữa cái xã hội bần hàn đói khổ này, một xã hội đã hạ giá trị con người đến chỗ không còn nhân phẩm, con người chỉ biết chạy kiếm miếng ăn! quanh năm suốt tháng  chỉ biết chạy ngược chạy xuôi, dầm mưa dãi nắng  để kiếm cái gì bỏ vào mồm cho khỏi đói, ngoài ra không có gì khác.
Nam đạp xe giao hàng vất vả nhưng cũng chẳng đủ ăn, đủ xài. Có hôm chàng chỉ ăn có một ổ bánh mì, mặc dù bữa đói bữa no nhưng chàng lại tự ái cao, mỗi lần bạn mời ăn cơm chàng cứ chối đây đẩy:
- Không! Tôi vừa đi ăn ngoài tiệm về mà!
Bụng đói cồn cào nhưng chàng vẫn giữ thể diện, Nam ít khi về nhà, ông cụ, bà dì ghẻ, chú em, em dâu hờ hững với chàng. Đã thiếu ăn, chàng lại thiếu cả tình thương, đêm đêm sông pha sương gió kiếm ăn, giá lạnh, hơi độc, sương đêm lâu ngày tích tụ làm cho cơ thể chàng suy nhược dần dần.
Một buổi tối nọ, Nam bị mắc mưa to rồi sinh ra cảm nặng, chàng nghỉ ở nhà bạn hai ngày, bệnh ngày càng nặng, chàng đi xích lô về nhà. Đến tối mê man chẳng còn biết gì, chú em định đưa đi nhà thương nhưng không kịp, chàng trút hơi thở trên giường. Một người bạn báo tin cho tôi rồi thở dài kết luận:
- Nguyên do cũng tại vất vả quá, đi đêm đi hôm mãi, khí độc của trời đất nó tụ lại, ăn uống thiếu thốn, cảm một cái là chết chứ có gì đâu!
Hôm đưa đám Nam tôi đến rất sớm, ông cụ thân sinh chàng ngồi khóc vật vã:
- Ới con ơi! Từ nay bố mất con rồi! ới con ơi là con ơi!
Ông cụ vật vã thảm thương lắm. Thấy vậy anh bạn tôi lườm, nguýt rồi nói nhỏ với tôi:
- Cụ thương con sao không nuôi nó, không đem nó về ở chung, nó chết rồi mới vật vã!
Bà em dâu bày cỗ ra cúng, lễ vái sì sụp, anh bạn lại lườm, nguýt rồi nói nhỏ với tôi:
- Lúc sống thì không cho ăn, chết rồi mới cúng!
Hai giờ sau chúng tôi đưa chàng lên lò thiêu xác bằng ô tô buýt. Đưa mắt nhìn trước sau, tôi chỉ thấy chừng mươi người, nhà nghèo không kèn, không trống, không có đất chôn nên phải thiêu cho rẻ.
Tại lò thiêu, mấy người bạn trò chuyện với nhau về cuộc đời bi thảm của Nam, có người nói:
- Ôi thôi! Chết như thế cũng là rảnh nợ đời, cuộc đời anh ấy sao mà bạc bẽo quá!
Đời chàng bạc bẽo thật, Cộng Sản nó bỏ tù chàng gần sáu năm, khi trở về cái xã hội bần hàn đói rách, bà con ruột thịt của chàng nhìn chàng bằng cặp mắt lạnh lùng như gió heo may! Ông cụ, chú em, bà dì ghẻ, em dâu hờ hững với chàng, cuộc đời sao mà bạc như vôi! Họ hờ hững với chàng để gìn giữ cuộc sống của họ giữa cái xã hội vô cùng khó khăn mà con người ta giành giựt, đấm đá nhau chỉ vì miếng ăn. Nam đã chạy ngược chạy xuôi, sông pha sương gió, kiếm ăn thâu đêm suốt sáng nhưng chua chát thay.. nó cũng không đủ bỏ vào mồm...
Chúng tôi đưa tiễn Nam đến nơi an nghỉ để giải thoát chàng khỏi cuộc đời bạc bẽo. Thế là chàng đã rảnh cái nợ đời!
Và rồi mười lăm năm sau, hay mùa xuân năm ngoái tôi tiễn bạn Tấn của tôi. Người ta thường gọi đùa chàng là “Tấn chân gỗ” vì có thời chàng làm phó quận ở miền Nam, Việt Cộng tấn công quận, Tấn bị thương ở chân nhưng giả chết, khi địch vào quận lục soát tưởng là chàng đã chết, chúng quanh quẩn một hồi rồi rút đi. Nhờ giả chết hay quá nên cuộc đời chàng đã kéo dài thêm ba mươi sáu năm nữa cho đến tận mùa xuân năm ngoái, dáng đi của chàng trông hơi cà nhắc, cà nhắc một tí thôi, nhưng thoát chết cũng là phước đức rồi!
Tấn cũng học cùng khóa với tôi và Ninh, ra trường có làm chung nhiệm sở chừng hai năm, tôi đi sở khác. Cộng Sản chiếm miền Nam, chúng tôi đi tù cải tạo, lại gặp Tấn trong trại nhưng chàng được về sớm lắm, chắc là có bảo lãnh gì đấy. Cải tạo về, dở ông dở thằng, chàng cũng lăn lộn kiếm sống vất vả mấy năm, bỗng có người quen rủ đi chỉ phải đóng hai cây, thế là hai bố con Tấn đi thoát, thật là phước đức, người ta mất dăm bảy cây không đi được, hồi ấy chàng bán cái xe Honda lấy một cây và thu vét hết trong nhà đánh một ván bài chót.
Vào Mỹ chàng vừa làm vừa học điện tử, vừa gởi tiền về cho vợ con còn ở Việt Nam. Tấn ở Mỹ cả chục năm, bảo lãnh cho vợ con sang thì tôi mới được vào Mỹ.
Hồi ấy tôi mới vào Mỹ lớ ngớ y như chim chích vào rừng! liên lạc được với hội đồng môn cùng trường le que co dăm bảy người, rồi Tấn với tôi lại gặp nhau nơi đất khách. Hồi trước không thân lắm nhưng nay Tấn tỏ ra hết sức ân cần với tôi. Chàng thỉnh thoảng xuống thăm tôi và mời về nhà ăn cơm. Một hôm trời đông giá lạnh, tuyết rơi lả tả, chàng cũng lái xe gần hai chục dặm chở tôi lên nhà để đãi tiệc.
Tôi ở gần Tấn được mấy năm, đang lúc quạnh hiu, bỡ ngỡ, chàng là một niềm an ủi lớn cho tôi. Tôi dọn đi làm ăn ở bang khác mấy năm rồi lại trở về, khi ấy Tấn đi mổ ruột dư, tôi lên thăm chàng, cũng mừng cho chàng thoát chết, nhưng ít lâu sau nhóm bạn hữu lại bảo chàng bị ung thư, tưởng là ruột dư nhưng bác sĩ khám phá ra là ung thư, tôi cũng lo cho Tấn vì ung thư thì có mà ông giời cũng không chữa được.
Bạn cùng trường ngày một đông hơn, nay chi hội đồng môn đã được mấy chục người, qua một buổi họp mặt, tôi thấy Tấn sa sút đi nhiều, chàng già hẳn đi, trông phờ phạc bệnh hoạn. Thỉnh thoảng lên thăm Tấn, có lần nói chuyện chàng vỗ nhẹ vào bụng, nét mặt âu sầu bảo tôi:
- Cái bụng tao nó vẫn đau, mỗi lần ăn xong tao lại thấy đau đau, hằng năm mày nên đi khám nghiệm, mới bị thì dễ chữa hơn, mình già rồi, dễ đau lắm!
Nói rồi chàng ngồi thừ ra ghế, tôi thấy trong đôi mắt chàng thoáng hiện vẻ lo âu, buồn bã. Chàng đau đớn ít, nhưng lo lắng, buồn rầu thì nhiều vì phải tự chứng kiến cái chết cứ từ từ tiến lại, ung thư có nghĩa là đã trông thấy bóng dáng của Tử Thần. Mặc dù mấy tháng bác sĩ lại khám nghiệm cho chàng, dù phương pháp trị liệu tối tân của xứ văn minh hữu hiệu đến đâu cũng không ngăn nổi bước đi của Thần Chết. Tôi cũng thương cho Tấn, lo cho chàng nhưng biết làm gì hơn được? Cái đau khổ nhất của chàng không phải là cơn đau thể xác, nhưng trước mắt chàng thấy rõ hơn ai hết bóng dáng Tử Thần cứ từ từ tiến lại.
Tôi rất muốn thăm Tấn nhưng đường lên nhà bạn xa và nguy hiểm, phải qua mấy con đại lộ chi chít những xe, chúng chạy ào ào như thác. Tuy vậy, có dịp lên Dallas tôi đều ghé thăm bạn, có lần anh thừ người bảo tôi:
- Cái bụng tao nó vẫn đau, bảo hiểm nó trả tám trăm ngàn rồi mà chả đi đến đâu mày ạ!
Tôi thấy Tấn ngày càng suy yếu, tóc chàng bạc hẳn đi, mất hết cả phong độ, căn bệnh quái ác vẫn chưa chịu tha cho anh, nó bắt anh phải sống cho đến chết. Cái căn bệnh kinh hoàng tàn ác ấy không cho con bệnh chết ngay! Nhưng nó bắt người ta phải sống trong lo âu khắc khoải, đau đớn dai dẳng cho đến chết, một căn bệnh quái ác và vô cùng tàn nhẫn.
Thấm thoắt bệnh hoạn đã kéo dài bốn, năm năm qua, tự nhiên tôi nghe người bạn bảo ở phổi của Tấn có vết đen, thời kỳ cuối cùng của bệnh ung thư. Chàng đi nằm bệnh viện trị liệu một thời gian lâu, nhưng bác sĩ biết là vô vọng, họ cho Tấn về nhà chờ chết.
Hôm tôi lên nhà thăm, thấy chàng vui vẻ, thản nhiên chẳng có vẻ gì cho lo sợ cả, mặc dù phải đeo bình nước tiểu, chàng vẫn tươi cười hỏi thăm tôi mọi chuyện, nào việc làm, nào chi hội đồng môn. Bao nhiêu lo âu, khắc khoải chồng chất bấy lâu nay đã đến lúc bão hòa, một người đã cầm chắc cái chết trong tay không còn biết sợ là cái gì nữa. Tôi chỉ nói chuyện trời trăng mây nước như ông Kèo, bà Cột sắp cưới vợ, gả chồng cho con, an ủi hoặc lên dây cót tinh thần một người sắp chết chỉ là trò giả dối. Ít lâu sau gia đình xin hãng bảo hiểm cho chàng được vào nằm ở một bệnh viện gần nhà vì vợ con không đủ sức trông coi, họ đồng ý.
Một buổi chiều cuối đông, tôi đến thăm Tấn lần chót tại bệnh viện để tỏ chút tình bằng hữu với người bạn tri kỷ lúc sắp ra đi. Đó là một bệnh viện nhỏ, bãi đậu xa vắng tanh vắng ngắt.
Vào đến phòng tôi thấy chàng nằm dài trên giường, mặt hốc hác nhưng tỉnh táo. Bà vợ đưa gương cho chàng soi mặt bảo:
- Này! Ông soi mặt xem có bị méo không?
Bà ta vẫn thản nhiên vui cười mặc dù đã phải khổ sở hầu hạ người chồng bệnh hoạn bấy lâu nay. Cô con gái ngồi cạnh tỏ vẻ u sầu. Tấn tươi cười bảo tôi:
- Mày ơi! Tuần trước tao tưởng tao đi rồi, bạn bè đứng vây quanh, tao thiếp đi, vợ con tao nó khóc, thế mà tao lại tỉnh.
Tôi nghĩ thầm:
- Không đi tuần trước thì tuần sau cũng vậy chứ gì!
Tôi chỉ thăm hỏi bâng quơ vì biết rằng đối với người cầm chắc cái chết trong tay, an ủi cũng chỉ là thừa. Tôi rán ngồi lâu thêm để cố đem lại một chút tình bằng hữu sưởi ấm lòng chàng nay đã nguội lạnh như một đống tro tàn và cũng là để tỏ tình đưa tiễn kẻ ở người đi, biết bao giờ mới gặp lại nhau? Nói chuyện khá lâu, tôi ra về, bãi đậu xe vắng ngắt, trời đã tối đen, đường phố đã lên đèn, những hạt mưa phùn rơi lất phất rơi trên vai tôi. Tôi không ngăn nổi xúc động đang dâng lên trong lòng vì thương bạn và biết rằng chiều nay mình gặp Tấn lần cuối cùng, thế là hết! Tôi bỗng nhớ lại thời tuổi trẻ đã qua... mới ngày nào bạn bè cùng ra trường ban Cao Học, chàng còn trẻ đẹp trai,  đời tươi như hoa... thế mà bây giờ .. đã mấy chục năm qua! Cuộc đời y như một giấc mơ qua.
Mấy tuần sau một người bạn báo tin cho tôi biết Tấn đã qua đời, anh ấy kết luận:
- Ôi thôi, cũng mừng cho ông ấy, vừa khổ cái thân, làm khổ vợ con lại làm phiền xã hội đã năm sáu năm rồi.
Hôm làm lễ an táng người ta chở xác chàng về ghé thăm nhà rồi mới lên nhà thờ làm lễ và đem chôn, y như trong phim The Road Home, Đường Về Nhà của Trương Nghệ Mưu. Tôi đi chung xe với một người bạn đến nhà thờ, lúc ấy họ đang làm lễ, ông cha giảng hay lắm, dẫn thơ Kiều, Nguyễn Công Trứ để nói về đời người, linh hồn bất tử.
Cha giảng xong, ca đoàn ở góc bên trái nhà thờ cất tiếng hát vang, các cô học sinh giọng trong và cao lanh lảnh, họ hát rất hay nhưng sao tôi thấy giọng hát ấy buồn thấm thía và lạnh lẽo y như khí lạnh ngoài trời hôm ấy. Giọng hát cao vút lên, vô cùng thấm thía khiến tôi sững sờ, bâng khuâng, tê tái. Mỗi lần giọng ca vút lên tôi thấy lòng mình tự nhiên giá lạnh như băng tuyết. Các cô gái trẻ hát rất lâu, giọng hát lanh lảnh vang lên cho đến khi lễ tất.
Gia đình lên cám ơn quan khách rồi mọi người lục đục chuẩn bị lên đường. Hai người nhân viên nhà đòn người Mỹ ăn mặc lịch sư, nét mặt nghiêm nghị đẩy cái quan tài đen ngòm xuống phía dưới tiến thẳng về phía tôi, cái quan tài đen ngòm ấy như đâm thẳng vào tôi!... Bà vợ, các con trong bộ tang phục đen, đầu chít khăn trắng sụt sùi lệ ngắn lệ dài.
Khác với những lần tiễn bạn trước đây, bây giờ lần đầu tiên tôi đi đưa ma tại Mỹ. Một đám ma văn minh, toàn những xe hơi bóng loáng, thầm lặng, không có tiếng khóc than, có tiếng trống kèn tò te, nhưng tôi thấy lòng mình tê tái và buồn ra riết. Đoàn xe đi chầm chậm một lúc lâu mới đến tha ma. Lúc hạ huyệt mấy chục người bạn đồng môn xúm xít vây quanh, ai nấy tỏ vẻ tiếc thương cho Tấn. Thấy ông anh Tấn ném mấy bông hồng xuống hố, tôi cũng bắt chước ném theo.
Chỉ trong một cái chớp mắt thôi! Người phu nhà đòn lái xe máy ủi vèo vèo lấp đất.
. ..  Thế là hết, chấm dứt một đời người!.  ...
Bọn đồng môn ai nấy tê tái, bàng hoàng chứng kiến cái kiếp người phù du, mong manh như một ngọn đèn dầu!
Đánh vèo một cái thế là hết!
Mặc dù Tấn được ra đi trang trọng, văn minh, song tôi thấy sự ra đi ấy gieo vào lòng tôi những cảm giác tê tái, thấm thía và buồn mênh mang như không có bút mực nào mà tả cho siết được.
Tôi trở về nhà vào lúc xế chiều, xuân sang tiết trời ấm áp, mấy khóm hồng, khóm cúc, tường vi nở hoa rực rỡ trước vườn, chim chóc cất tiếng hót líu lô chào mừng mùa xuân trở lại. Cành cây đâm chồi, nảy lộc, báo hiệu sự sống hồi sinh sau những ngày tháng dài của một mùa đông giá lạnh, vạn vật mỹ miều cùng với trăm hoa đua nở trong khoảng không gian đầm ấm.
Nhưng sao tôi tự nhiên thấy lòng buồn rười rượi và chán chường vô tả, thực không bút mực nào mà tả cho siết nỗi lòng của tôi khi ấy. Tại ly hương chăng? Tại cuộc đời đã đến lúc xế chiều? Hay tại những nỗi giá lạnh vô hình của giây phút thiêng liêng sinh ly tử biệt? Khi ấy tôi đang đứng bên những đóa hoa hồng mới nở, tươi đẹp rực rỡ trong gió xuân, một làn gió nhẹ thoảng đưa những bông hoa đỏ thắm và thơm ngát ngả nghiêng như đón chào tôi trở về nhà, năm nay hoa hồng nở đẹp quá! Thật là tuyệt vời.
Nhưng sao tiếng ca réo rắt, lạnh lẽo, cao vút của các cô gái hát bài thánh ca vẫn vang dội bên tai tôi, hình ảnh các cô gái ở góc bên trái của Thánh đường với giọng ca cao vút, lạnh lùng cho đến lúc này vẫn còn hiện rõ trong trí tôi cùng với hình ảnh của chiếc quan tài đen ngòm đang lừng lững tiến thẳng về phía tôi. Tất cả như muốn kéo tôi ra xa khỏi khung cảnh trăm hoa đua nở tươi đẹp tuyệt vời cùng với hương thơm ngào ngạt của buổi đầu xuân.
Giọng ca ấy đã khiến tôi thấy hiện lên trong lòng một cảm giác rờn rợn, lạnh lẽo. Nó bao bọc quấn quít lấy tôi và cứ đi theo tôi mãi, tôi muốn dứt nó ra, nhưng khốn thay. . tôi không thể nào mà dứt nó ra cho được.
Trọng Đạt

Aucun commentaire: