ĐỪNG TƯỞNG LÀM CÔNG NHÂN HẠNG BÉT XỨ THIÊN ĐƯỜNG LÀ DỄ (PHẠM THANH NGHIÊN)

huynhanhtu_taman‘…Bây giờ cần xác nhận là người từng đăng ký HKTT tại phường này, ông Phó trưởng công an phường 4 quận 8 lại phủi tay là sao? Chả lẽ, làm công dân hạng bét trong cái “thiên đường” xã nghĩa này đối với anh Huỳnh Anh Tú lại khó hơn lấy sao trên trời?...’

Huỳnh Anh Tú và bé Tâm An

Người đàn ông này là chồng tôi, anh Huỳnh Anh Tú, sinh năm 1968,
con của một cựu sĩ quan cảnh sát thời Việt Nam Cộng Hoà. Sau khi miền Nam bị “giải phóng”, gia đình anh Tú cũng như bao gia đình cựu sĩ quan VNCH khác lâm vào cảnh khốn cùng. Năm 1992, gia đình anh Tú bán hết nhà cửa đi vượt biên, hy vọng sẽ bớt khổ sở hơn khi sống ở xứ thiên đường xã nghĩa. Cuộc sống tha hương tại Thái Lan bắt đầu từ đó.
Chứng kiến cuộc sống cùng cực, tủi nhục của đồng bào nơi đất khách, ba anh em họ Huỳnh là Huỳnh Anh Tuấn, Huỳnh Anh Tú và Huỳnh Anh Trí tham gia tổ chức Việt Nam Tự Do với mong muốn góp chút công sức nhỏ bé nhằm đổi thay đất nước từ độc tài tiến đến tự do, dân chủ.
Trong một lần về nước rải truyền đơn kêu gọi người dân đứng lên đòi nhân quyền, cả hai anh em Huỳnh Anh Tú và Huỳnh Anh Trí đều bị bắt. Đó là năm 1999, khi anh Tú 31 tuổi và anh Trí mới 27 tuổi. Họ bị đánh đập, tra tấn trong tù và bị kết án 14 năm tù giam với cáo buộc “khủng bố” (nghe kinh không?). Cùng ra toà với hai anh em nhà Tú- Trí còn có 36 người khác và mức án nặng nhất là 20 năm tù giam. Có vài người đã chết trong tù, có người mắc bệnh trọng rồi qua đời sau khi mãn án ít lâu. Đó là trường hợp của Huỳnh Anh Trí. Trí đã bị cai ngục trả thù bằng cách cùm siết cổ chân bằng chiếc cùm dính máu và thịt của tù nhân bị bệnh AIDS. Sáu tháng sau khi ra tù, Trí qua đời trong đau đớn và tủi hờn. Khi Trí chết, cả bệnh viện lẫn công an đều gây khó khăn cho việc nhận xác em trai của anh Huỳnh Anh Tú. Họ lấy lý do cả hai người đều không có hộ khẩu, không có giấy tờ tuỳ thân chứng minh họ là anh em nên không thể đem người chết về lo tang lễ. Giằng co, cãi lý, rồi trình cả giấy khai sinh (may là còn giữ được) đã vàng ố, cũ mèm ra, họ mới phải chịu thua. Lại cũng phải nói thêm về người anh trai là Huỳnh Anh Tuấn cũng đã chết khi hai người em Tú và Trí vẫn còn ở trong tù. Nhà họ Huỳnh có đến hai người chết trong tay cộng sản.
Ra tù, không giấy tờ tuỳ thân, không công ăn việc làm, không tiền bạc nhà cửa, có lúc anh Tú đã nghĩ đến cái chết. May mắn là còn được các cha Dòng Chúa Cứu Thế cưu mang. Rồi được sự giúp đỡ ban đầu của chị Bùi Thị Minh Hằng, anh Trương Minh Đức và suốt chặng đường sau này là vợ chồng anh chị Thịnh-Phượng, nên anh Tú đến ở tại Vườn rau Lộc Hưng.
Việc làm giấy tờ tuỳ thân quả là rắc rối. Muốn có chứng minh nhân dân, phải có hộ khẩu. Muốn có hộ khẩu, phải có nhà và ngược lại, muốn có nhà phải có hộ khẩu. Thôi thì ngậm đắng nuốt cay, cứ sống vậy cho qua ngày. Một thân một mình, muốn đến đâu thì đến.
Nhưng người tính không bằng Chúa tính. Thấy anh Tú hiền lành nên Chúa muốn anh kết thúc cuộc sống độc thân bằng cách lấy một cô vợ vừa già vừa xấu vừa đanh đá để không bị ai bắt nạt, chỉ một mình cô ta bắt nạt chồng. Anh Tú không có giấy CMND nên cũng chẳng thể đi đăng ký kết hôn được. Cả hai vợ chồng đều những tưởng sẽ không có con cái gì, nên tặc lưỡi “Chả cần, Giáo hội công nhận là đủ rồi”.
Rồi niềm hạnh phúc bất ngờ đến với chúng tôi khi bé Tâm An ra đời. Khi làm giấy khai sinh cho con gái, tôi cảm nhận rõ rệt hơn bao giờ hết nỗi buồn tủi của chồng. Con bé phải mang họ mẹ và phần chi tiết về người cha bị để trống. Khi con bé được một tuổi, ngôi nhà mơ ước của chúng tôi tại Vườn rau Lộc Hưng trở thành hiện thực. Nhưng cả gia đình mới chỉ được ngủ lại căn nhà nhỏ bé, xinh xắn ấy một đêm duy nhất trước khi nó bị biến thành đống gạch vụn chỉ trong một cái dụi mắt.
Cuộc đời của chồng tôi, anh Huỳnh Anh Tú quả là nhiều mất mát, toàn những biến cố kinh hoàng.
Có con, chúng tôi cần phải làm giấy tờ để con gái sau này còn đi học. Và để lớn lên nó không tủi thân, ba nó cũng đỡ mặc cảm. Rồi còn đi làm, đi thuê nhà và nhiều việc khác cần đến giấy tờ nữa chứ.
Theo tư vấn của luật sư, chồng tôi lên toà án yêu cầu cấp lại bản án. Vì trong bản án có ghi rõ ràng, đầy đủ nhân thân của anh Tú. Chúng tôi đã ở ngôi nhà thuê này được gần một năm và anh chủ nhà đã đồng ý cho nhập hộ khẩu. Tôi chưa bao giờ thấy vẻ mặt của chồng mình hớn hở như thế. Tôi đùa: “Gớm! sắp được làm công dân nước CHXHCN Việt Nam nó khác, mặt vênh váo thấy ghét”.
xacnhan_tuongtru_huynhanhtu
xacnhan_tuongtru_huynhanhtu02
giay_chungnhan_chaphanh_antu
giay_chungnhan_chaphanh_antu02
Chồng tôi mang giấy toà án, giấy ra tù, xác nhận của công an phường 12 quận Gò Vấp (về việc tạm trú) và “Đơn xin xác nhận thường trú” lên công an phường 4, quận 8 là để xin xác nhận việc anh từng có hộ khẩu thường trú tại đây. Sau nhiều ngày chờ đợi, hôm nay chồng tôi đã nhận được “xác nhận” của công an phường 4, quận 8. Nhưng không phải là xác nhận việc anh Huỳnh Anh Tú “có đăng ký thường trú tại địa chỉ số 102,104 đường số 10 phường 4, quận 8 tp HCM” là nơi ở trước kia của gia đình anh Tú. Mà là “xác nhận tại hồ sơ công an p4q8 không có thể hiện đk Huỳnh Anh Tú: sinh 1968 từng có HKTT tại số 102,104 Đặng Thúc Liêng (đường 10), p4,q8”.
Như thế kể cũng lạ. Nếu không có hộ khẩu thường trú, thì làm sao anh Tú đi học? Khi bị bắt và ra toà, nhân danh nước CHXHCN Việt Nam, toà đã xác định Huỳnh Anh Tú có hộ khẩu thường trú (cụ thể ở p4, q8) để kết án anh 14 năm tù giam. Rồi khi mãn án, anh cũng được yêu cầu phải đến công an phường 4 quận 8 trình diện. Và chính công an phường 4 đã ký và đóng dấu xác nhận anh Tú có đến trình diện vào năm 2013.
Bây giờ cần xác nhận là người từng đăng ký HKTT tại phường này, ông Phó trưởng công an phường 4 quận 8 lại phủi tay là sao?
Chả lẽ, làm công dân hạng bét trong cái “thiên đường” xã nghĩa này đối với anh Huỳnh Anh Tú lại khó hơn lấy sao trên trời?
Phạm Thanh Nghiên

Aucun commentaire: