Đường Về Quê Hương (Nguyễn Vũ Huy Phong)

Làng Tre Phú An ở Bến Cát, Bình Dương

Tấm vải liệm xác chết không có túi.
Ở trên Thiên Đàng và dưới Địa Ngục không có chính quyền, không có các cơ sở hành chánh, không có các cơ sở xí nghiệp, không có các thư viện, đại hí viện, phòng triển lãm, không có NGÂN HÀNG.... đặc biệt tại các nơi nầy MỌI NGƯỜI ĐỀU NHƯ NHAU….
và mọi việc đều được quyết định bởi NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ và DIÊM VƯƠNG.


Cách đây hơn một năm, vào một buổi chiều thứ sáu cuối tuần, từ sở làm trở về nhà, vừa mở cửa bước vào nhà, chuông điện thoại ở phòng khách reo lên, Tôi vội cầm máy lên nghe thì đầu dây bên kia có tiếng nói:
- Phong đó à! Tao, Thuấn đây. Hôm nay Tao không có đi làm, do sự giới thiệu của mấy người bạn Việt Nam, Tao có đem đi sửa và đóng đế mấy đôi giấy cũ ở một tiệm Topy của một thằng thợ Việt Nam ở Paris 20. Thằng chủ tiệm kiêm thợ đóng giầy nó bảo nó quê ở quận Bến cát tỉnh Bình Dương, cũng chính là quê của Mầy.....Tao nói đến tên của Mầy, nó nghe nó có vẻ mừng rở và nó nói nó biết  Mầy và gia đình Mầy, nó tưởng Mầy ở Mỹ chứ không phải ở Pháp, và nó bảo nó cùng lứa với thằng em trai út của Mầy. Nó có xin số điện thoại của Mầy, Tao có cho nó và nó bảo nó sẽ liên lạc với Mầy, vậy Mầy có nhận được điện thoại của nó thì Mầy đừng ngạc nhiên nghe Phong….
Nó tên là Nhiều, Mầy có biết nó không?
Tôi trả lời ngay cho Thuấn là Tôi biết Nhiều và biết rất rõ cả gia đình Nhiều ở tại Bến Cát quê tôi.
Đổng nội Bến Cát
Sau đó thì Thuấn kể cho Tôi nghe một cách dài dòng về người Việt Nam mang tên Nhiều và gia đình anh ta hiện nay tại Pháp qua sự kể lại của những người Việt Nam trong cộng đồng quen biết với gia đình anh ta: " Gia đình của Nhiều ở thành phố Versailles, Nhiều có một tiệm sửa và đóng đế giầy do Nhiều làm chủ, đồng thời cũng là thợ (chỉ có một mình Nhiều làm việc) ở Paris 20. Vợ của Nhiều có một tiệm bán Plats à Emporter ở vùng Versailles. Hai vợ chồng Nhiều, từ ngày sang Pháp bằng đường vượt biên (bằng đường biển), đã cật lực làm việc và hàng năm chỉ nghỉ duy nhất có một tháng để du lịch về Việt Nam. Cả hai vợ chồng đều rất khoe khoan khoác lác về các chuyến du lịch Việt Nam theo kiểu Áo Gấm Về Làng, về tiền bạc mình đang có và hết lời ca tụng về sự phồn vinh đổi mới của đất nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa hiện nay. Vì thế, những người Việt Nam trong vùng Versailles quen biết với gia đình Nhiều gọi cặp vợ chồng nầy với hai tên là " Nhiều Nổ " và " Hạnh Kho Đạn " ( vợ của Nhiều tên là Hạnh). Ngoài ra, cặp vợ chồng nầy hoàn toàn không có liên lạc sinh hoạt gì với Cộng Đồng Người Viện Nam tại Pháp....Gần như làm việc cả bảy ngày trong tuần và mỗi năm chỉ nghỉ việc đúng một tháng và tháng nầy chỉ để về Việt Nam du lịch..."
   Thực ra thì Tôi biết khá rõ về gia thế của Nhiều và Hạnh vào thời điểm trước năm 1975 ở tại quận Bến Cát tỉnh Bình Dương quê tôi :
- Huỳnh Văn Nhiều là con trai lớn của chú hai Được và thím ba The. Chú hai Được có một Lò Rèn chuyên trách rèn dao, rựa, cuốc, xẽng, sửa bánh xe bò, xe ngựa và đóng móng bò, ngựa ở khu vực Cầu Bến Củi.
Trái Gùi Bến Cát

Chú hai Được và thím ba The có 3 người con gồm hai trai và một gái, đó là Huỳnh Văn Nhiều, Huỳnh Văn Phước và Huỳnh Thị Đức.
Thằng Nhiều cùng lứa với thằng em trai út của Tôi và vào năm 1975, nó đã có vợ ( vợ của Nhiều là Hạnh ), lúc bấy giờ Nhiều là lính Nghĩa Quân của Chi Khu Bến Cát. Các bạn cùng trang lứa với Nhiều tại khu vực chợ Bến Cát gọi thằng Nhiều là " Nhiều Lò Rèn ".
Còn Hạnh, tức Phạm Thị Hạnh là con gái của chú năm Tiền và dì tư Nết. Trước năm 1975, chú năm Tiền và dì tư Nết có một lò làm Bún ở khu vực Vườn Vú Sữa và có 2 người con gái, gái lớn là Phạm Thị Hiền và gái nhỏ là Phạm Thị Hạnh................
Vào buổi tối cùng ngày, khoảng 21 giờ 30, Tôi nhận được điện thoại của Nhiều và Nhiều vui vẻ nói ngay với Tôi:
- Thưa anh Phong, em là Nhiều, Nhiều Lò Rèn ở Bến Cát, em là bạn của thằng Minh Nhà Lầu, em út của anh, anh có còn nhớ em không….em là con của hai Được, ba The, nhà có lò rèn ở Cầu Bến Củi, cạnh nhà ông Xã Bến, chắc anh còn nhớ gia đình của em chứ anh Phong..... tụi em cứ tưởng anh ở bên Mỹ với bác Tư, với chị Liên, chị Hà, chị Dung và thằng Minh..... Em muốn gặp anh, nếu anh rảnh, ngày mai em mời anh đi ăn cơm trưa ở khu Belleville để anh em mình nói chuyện chơi. Em sẽ kể cho anh nghe nhiều về Bến Cát vì năm nào em cũng về Bến Cát.

Rời xa quê hương Việt Nam, nhất là quê nhà Bến Cát đã hơn 25 năm, Tôi cũng muốn biết về tình trạng hiện nay của quê mình nên Tôi nhận lời gặp Nhiều vào trưa ngày mai...........
Đúng như lời Thuấn đã nói với Tôi hôm qua (theo lời kể của mấy người Việt Nam ở Versailles ), vừa gặp Tôi là Nhiều đã khoe khoan về tiền bạc, về sự giàu sang mà vợ chồng Nhiều hiện đang có cũng như say sưa, hảnh diện kể lại những chuyến đi du lịch huy hoàng về Việt Nam theo kiểu "Áo Gấm Về Làng", và đặc biệt Nhiều tự khoe với Tôi là hiện nay vợ chồng Nhiều đã đưa một số tiền khá lớn về Việt Nam cho gia đình xây một ngôi biệt thự 3 tầng thật to lớn nguy nga ở huyện Bến Cát, tọa lạc ở Ngã Ba Xóm Xoài và đồng thời mua đất xây dựng một Trại Chăn Nuôi Bà Sữa tại Lai Khê...........
Ăn một miếng thịt heo quay, uống một ngụm bia Tsing-Tao, Nhiều chồm người về phía trước cho gần Tôi hơn (Tôi ngồi đối diện với Nhiều ),
Nhiều nói nhỏ cốt chỉ để đủ cho một mình Tôi nghe thôi : " Anh Phong, anh biết rõ gia đình của em trước năm 1975 ở Bến Cát mà anh Phong, gia đình em thuộc loại gia đình nghèo, rất nghèo.... em chỉ là thằng Nhiều Lò Rèn, còn các em của em chỉ là thằng Phước Đóng Móng Bò, con Đức Quạt Lò..... Trước đây gia đình tụi em nghèo khổ quá.... Bây giờ gia đình tụi em phại  "Phất" lên mới được và riêng em phải  " Nổi" mới được anh Phong à. Giấc mơ của em là Giấc Mơ Hồi Hương, đường về của em là Đường Về Quê Hương của thằng Nhiều Giàu Sang, thằng Nhiều Đô-La, thằng Nhiều Tỷ Phú cho dân Bến Cát nễ mặt và trong tương lai tụi em sẽ trở về Việt Nam và ở lại luông không trở qua Pháp nữa…. Anh Phong, anh thấy không, ba của tụi em tên là Được, ông đặt tên cho các con là Nhiều, Phước, Đức... với ước mong nhờ phước đức mà được giàu sang.... thế mà gia đình tụi em ngày xưa quá vất vã nghèo khổ, tụi em có đứa nào được học lên đến bậc Trung Học đâu, xong Tiểu Học là ở nhà phụ làm lò rèn cho đến tuổi vào lính Nghĩa Quân tại quận như em và thằng Phước.... Có lẽ bây giờ gia đình của tùi em mới đúng là "Được, Nhiều, Phước, Đức " đó anh Phong ơi! Tiếc là ba má tụi em hiện nay không còn sống để vui hưởng Vinh Hoa Phú Quý do tụi em tạo nên….
Ở bên Pháp, dù em có hèn hạ cực khổ đến đâu cũng không sao, miễn là khi nào về quê mình ở Bến Cát mà được dân Bến Cát nể mặt là được rồi "..............................
Cũng do lời Nhiều kể lại : " Căn biệt thự ở Ngã Ba Xóm Xoài hiện nay là do vợ chồng em gái của Nhiều đứng tên, đó là Huỳnh Thị Đức, Nguyễn VănViễn. Còn Trại Chăn Nuôi Bà Sữa ở Lai Khê thì do vợ chồng của người chị của Hanh ( vợ của Nhiều ) đứng tên, đó là Phạm Thị Hiền, Trần Văn Lụa ".
Những nhân vật liiên hệ với gia đình Nhiều mà Nhiều vừa kể tên thật ra chẳng xa lạ gì qua sự hiểu biết của Tôi tại địa phương Bến Cát vào thời điểm trước năm 1975: Nguyễn Văn Viễn, chồng của Đức là con trai của chú sáu Vĩnh và dì bảy Que....chú sáu Vĩnh là dân cò bạc, nhà của chú chuyên môn chứa các sòng bài....dì bảy Que thì bán gà ở Chợ Bến Cát. Còn Trần Văn Lụa, chồng của Hiền là con trai của chú hai Nhung và dì tư Cánh.... gia đình có lò nấu rượu và chuyên môn bán rượu đế, rượu nếp than ở khu vực Ấp Kiến Điền.....
     Thời gian tiếp xúc qua lại giữa Tôi và vợ chồng Nhiều, Hạnh thấm thoát mà đã hơn một năm rồi.....Mỗi lần gặp Tôi là cả hai vợ chồng chỉ kể chuyện khoe khoan tiền bạc, khoe khoan chuyện giàu sang, khoe khoan chuyện về Việt Nam du lịch và đặc biệt là chuyện dành dụm tiền bạc gửi về Việt Nam để chuẩn bị cho ngày trở về sống luôn vĩnh viễn trên quê hương Việt Nam và cũng có lần hỏi Tôi cho biết ý kiến về quyết định của họ trong việc về Việt Nam sinh sống luôn trong tương lai và các con của họ thì để lại tiếp tục sinh sống ở Pháp. Nhiều, Hạnh có 2 người con gái và cả hai đều đã có chồng và ở riêng..... Một người có chồng là người Pháp, làm công nhân cho hảng xe hơi Renault và một người có chồng là
người Ả-Rập làm tài xế lái tắc-xi tại Paris.... còn hai người con gái của Nhiều, Hạnh thì đều làm caissières cho một Super-Marché.
Tôi trả lời họ như sau: "Nhiều, Hạnh nầy, anh chỉ biết gia đình của các em cũng như biết các em thời trước năm 1975, anh cũng biết về Bến Cát quê mình thời trước năm 1975 mà thôi. Bây giờ tất cả đều đã thay đổi, đúng là Đổi Đời cho nên không biết đâu mà mò, mà cho ý kiến.... Anh chỉ xin trình bày cảm nghĩ của anh mà thôi, chuyện đúng sai xin miễn bàn.
Trước khi các em quyết định về Việt Nam sinh sống luôn thì hãy suy nghĩ cho thật kỷ trước khi quyết định.
Còn việc của cải tiền bạc, nhà cửa, cơ sở làm ăn ở Việt Nam đang nhờ người thân trong gia đình đứng tên dùm thì mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh riêng, không ai giống ai, không gia đình nào giống gia đình nào.
Nhưng căn cứ theo kinh nghiệm chung và căn cứ theo đa số của các sự việc xảy ra thì đã có nhiều người ở nước ngoài bị người thân trong gia gia đình gạt gẫm, sang đoạt tài sản, nhà cửa do họ đứng tên. Anh cầu mong các em không bị nằm trong trường hợp xấu xui nầy. Còn trường hợp của anh như các em đã biết, tất cả gia đình của anh ở Mỹ chỉ riêng một mình anh ở Pháp.
Các em của anh thì anh không biết tụi nó tính sao, còn phần anh xin tạm nghĩ rằng:
" Muôn dặm hồn thiêng về Đất Mẹ
Trăm năm xác tục gửi Quê Người".


Cả Nhiều lẫn Hạnh đều quả quyết rằng: "Gia đình tụi em chắc chắn không có chuyện gạt gẫm, sang đoạt tài sản nhà cửa xảy ra vì hơn mười năm nay, gia đình hai bên đều do vợ chồng tụi em gửi tiền về giúp đỡ mới có được cuộc sống sung sướng giàu sang như hôm nay, được mọi người dân Bến Cát nễ phục, kính trọng ca ngợi hết lời.... con Đức và chị Hiền là người trong gia đình phải làm sao cho xứng đáng với những cái tên Hiền, Đức mà cha mẹ đặt cho chứ anh Phong. Hơn nữa, mặc dù vợ chồng con Đức, vợ chồng chị Hiền đứng tên nhà, trại trên giấy tờ, nhưng những bản chính của các giấy tờ tụi em giữ ở bên Pháp, ở Việt Nam chỉ là những bản photocopies mà thôi, muốn bán cho người khác hay muốn sang đoạt cũng không phải là chuyện dễ dàng đâu anh Phong! " .

Nghe Nhiều, Hạnh nói như thế, Tôi chỉ biết im lặng và mĩm cười mà thôi.......
Vợ chồng chúng tôi đi nghỉ hè trong vòng một tuần lễ với vợ chồng đứa con gái (và một đứa cháu ngoại gái) tại khu Center Parc vùng Sologne, thuộc thành phố Chaumont à Tharonne. Chiều ngày thứ Sáu trở về Paris, vừa mở cửa bước vào nhà, chuông điện thoại ở phòng khách reo, Tôi cầm máy lên nghe và có tiếng nói: "Phong đó à, Tao, Thuấn đây....." Bữa nay tao không có đi làm, đến đóng mấy cái đế giầy ở tiệm giầy rhằng Nhiều. Thằng Nhiều nó đang tìm Mầy chắc có chuyện quan trọng. Nó bảo nó đã điện thoại cho mầy cả tuần nay mà chỉ gặp répondeur, tao bảo mầy đi vacances cuối tuần mới về, chắc nó sẽ gọi lại cho mầy. Lần nầy trông nó không được vui và hoàn toàn không có ba hoa chích chòe như mấy lần trước, trong gia đình chắc đang có vấn đề... Buổi tối ngày hôm sau, Tôi nhận được điện thoại của vợ chồng Nhiều mời vợ chồng tôi đến nhà Nhiều, Hạnh dùng cơm trưa vào ngày Chủ Nhật. Cả Nhiều lẫn Hạnh quyết định đóng cửa tiệm vào ngày chủ nhật để đón tiếp chúng tôi.
Vợ của tôi bận việc gia đình, Tôi đến một mình thăm vợ chồng Nhiều, Hạnh.
Vừa gặp mặt Tôi, cả hai vợ chồng Nhiều, Hạnh cùng một lúc lên tiếng với vẻ bực tức, chửi rũa, lên án thậm tệ người thân trong gia đình ở Việt Nam... Nhiều phải nghiêm giọng nói ngay với Hạnh: " Bà im dùm tôi có được không. Để tôi nói trước rồi sau đó bà muốn nói gì thì nói. Cả hai người cùng nói một lượt thì làm sao anh Phong nghe được". Hạnh hoàn toàn im lặng và Nhiều với vẻ mặt thật buồn, nghiêm trọng nói: "Anh Phong ơi! Trời hại tụi em rồi anh Phong ơi! Cách đây hơn một tháng, thằng Phước có gọi điện thoại qua báo tin cho tụi em biết là vợ chồng con Đức và vợ chồng bà Hiền đã bán cả căn nhà ở Xóm Xoài và trại chăn nuôi ở Lai Khê của tụi em cho người khác rồi....Tụi khốn nạn bất lương nầy, sau khi bán xong nhà, trại đã mang tiền đi nơi khác làm ăn và sinh sống. Vợ chồng con Đức đi Vũng Tàu mở khách sạn, nhà hàng ăn uống, còn vợ chồng bà Hiền lên Lâm Đồng mở xưởng bào chế cà phê. Nghe thằng Phước báo như thế, tụi em tức tốc bay ngay về Việt Nam, về ngay Bến Cát để tỏ rõ mọi sự và tụi em có mang theo bản chính của giấy tờ chính rhức của nhà, trại.... Anh Phong có thể tưởng tượng được không, bọn khốn nạn bất lương Đức, Viễn và Hiền, Lụa đã cấu kết với bọn Công An và bọn làm việc ở Cơ Quan Nhà Đất ở huyện Bến Cát bằng cách là khai mất giấy tờ nhà, trại rồi xin lại giấy tờ mới, và sau đó thì bán nhà, trại lại cho bọn Việt Cộng làm việc ở Cơ Quan Tỉnh Ủy.... Tụi em đến gặp những người chủ nhà mới thì họ không tiếp và bảo rằng không biết tụi em là ai. Tụi em lên tiếng cải vã trình giấy tờ nhà, trại, họ đòi kêu Công An đến bắt tụi em....Tụi em mang giấy tờ đến Ban Nhà Đất của huyện khếu nại xin giải quyết, bọn Việt Cộng làm việc ở đây nói rằng giấy tờ tụi em đang có là giấy tờ của Hiền, Hạnh khai mất....họ đã xin lại giấy tờ mới đúng tên của họ...bọn Việt Cộng giữ luôn giấy tờ của tụi em và đuổi tụi em về... và hăm dọa đòi bắt giam tụi em về tội ăn cắp giấy tờ nhà, trại của người khác và muốn làm loạn gây mất an ninh trật tự công cộng.... Tụi em trở ngay xuống Sài Gòn và sau đó trở lại Pháp. Có lẽ từ nay tụi em sẽ không bao giờ về Việt Nam nữa, tụi em không muốn nghe nhắc đến hai chữ Bến Cát nữa anh Phong ơi!....Cũng theo lời thằng Phước kể lại cho tụi em, ở Bến Cát mình bây giờ đã xảy ra nhiều chuyện động trời anh Phong ơi:
Làng Tre Phú An ở Bến Cát, Bình Dương

Vợ  chồng con Ông Kim Hoa ( trước năm 1975 là con gái của tiệm thuốc đông y Ông Ích Lợi ) từ Canada về Bến Cát mua nhà cho thằng em trai tên Ông Kim Nguyên đứng tên, thằng Nguyên bán nhà lấy tiền mua tiệm tạp hóa ở chợ Bến Cát làm của riêng. Con Hoa từ Canada về Bến Cát vác gậy đập và đánh nhau với thằng Nguyên và làm ầm cả chợ...Công An can thiệp bắt giam con Hoa rồi kết tội là Việt Kiều từ nước ngoài về Việt Nam đánh trọng thương người trong nước và gây rối trị an tại địa phương..... Rồi... thằng Sơn lai, con bác Út Lộc ở Vườn Vú Sửa ( thằng Sơn là con lai Mỹ được đi Mỹ theo diện Con Lai ), từ Mỹ về Bến Cát mua nhà cho con Kim Thu, con ruột của bác Út Lộc đứng tên….
con Kim Thu bán nhà lấy tiền lên Long Khánh mở lò than, thằng Sơn lai về thấy người khác ở nhà của mình... vác búa đập nhà và bị Công An bắt nhốt ba ngày mới thả ra.... sau đó về Sài Gòn và trở về Mỹ….trước khi rời Bến Cát, Sơn lai dùng dao cắt tay và thề là sẽ không bao giờ trở về Bến Cát nữa....Anh Phong thấy không..;xứ Bến Cát và dân Bến Cát mình bây giờ không còn như xưa nữa anh Phong ơi.
Trên đồi Bến Cát 
Trước khi chia tay Nhiều, Hạnh, Tôi nghiêm trang nói: "Thôi, hai em đừng buồn, có người về Việt Nam đã mất của cải, tiền bạc và còn mất cả mạng sống nữa.... các em chỉ mất tiền của mà thôi. Bến Cát quê mình là đất TỐT và người dân Bến Cát mình là NHỮNG NGƯỚI TỐT. Bây giờ sở dĩ không còn tốt nữa là vì sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nó đã bị nhửng con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa làm cho nó ĐỔI ĐỜI và trở thành XẤU. Bây giờ không phải chỉ có Bến Cát quê mình Đổi Đời mà cả nước Việt Nam đã Đổi Đời....Thôi anh xin chia tay và xin chúc sức khỏe cho gia đình các em....có rảnh thì sang Mỹ thăm lại bà con Bến Cát mình trong đó có gia đình anh.... thằng Minh nhà lầu, em trai út của anh, nó cũng thường hay nhắc đến hai em mỗi khi anh sang Mỹ thăm gia đình.
* Nguyễn Vũ Huy Phong.
(Bài viết nầy trích từ tập truyện TRÔI THEO DÒNG ĐỜI của Nguyễn Vũ Huy Phong).

Aucun commentaire: