ÍT ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NHÀ GIÁO DỤC CHU VĂN AN. * Từ Mai Trần Huy Bích


Tượng Chu Văn An trên bàn thờ tại Văn miếu – Quốc tử giám Hà Nội
(Những chữ Hán trên đôi câu đối sẽ được giải thích ở cuối bài)
Trong ít hôm vừa qua, cộng đồng mạng người Việt huyên náo hơn mức bình thường.
Một YouTube được đưa ra, trong đó người thực hiện và trình bày đánh giá Chu Văn An,
một nhà giáo dục được tôn kính từ thế kỷ 14 là “rất tệ,” là “tối,” rồi đưa tới một lời miệt thị rất nặng,
“thằng cha đó là một thằng cà chớn.” Phản ứng lập tức đến từ rất nhiều phía, bộc lộ một niềm phẫn nộ tới cùng độ. Trong những phản đối ấy có một vài quá đáng, tuy lăng mạ mạnh mẽ nhưng chưa vạch được rõ người đưa ra lời phê phán đã sai ở những điểm nào. Giữa hàng trăm, hàng ngàn lời buộc tội, người viết những dòng này đọc được một lời bênh. Nhưng người bênh có một điểm sai, tưởng Chu Văn An làm đến chức Tể tướng và có quyền rất lớn trong triều Trần. Để đạt được một nhận định vô tư và khách quan, bài này xin được duyệt lại sử sách Việt Nam các đời trước, xem tiền nhân đã chép về Chu Văn An ra sao, cùng tìm hiểu thêm xem trong thời của ông (qua bốn triều vua Trần Minh tông, Hiến tông, Dụ tông, Nghệ tông), Chu Văn An đã có vị trí như thế nào.
Để làm được việc ấy, chúng tôi xin chép nguyên văn hay tóm lược những đoạn viết về Chu Văn An trong:
- Hai bộ chính sử: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (từ sau xin gọi tắt là Toàn Thư, bộ sử của nhà Lê, do Ngô Sĩ Liên và một số sử quan sau ông biên soạn), và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (từ sau xin gọi tắt là Cương Mục, bộ sử của nhà Nguyễn, do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn). 
- Hai bộ sử danh tiếng của học giả tư nhân: Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ (1726-1780), một đại thần, cũng là một trí thức, sử gia rất có danh vọng cuối đời Lê; và Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim (1883-1953), một học giả, sử gia, và nhà giáo dục có uy tín trong nửa đầu thế kỷ 20.
- Hai bộ truyện ký: Nam Ông Mộng Lục của Hồ Nguyên Trừng (1374-1446), con trưởng của Hồ Quý Ly, sống sau Chu Văn An không bao lâu; và Tang Thương Ngẫu Lục của Phạm Đình Hổ (1768-1839) và Nguyễn Án (1770-1815), hai danh sĩ sống vào cuối thế kỷ 18 qua đầu thế kỷ 19.
- Hai bộ sách nghiên cứu: Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, thiên “Nhân vật chí,” của Phan Huy Chú (1782-1840), một học giả uyên bác đầu triều Nguyễn; và Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam do Trần Văn Giáp (1902-1973), một học giả nghiêm túc cận đại làm chủ biên.
- Chúng tôi cũng xin ghi thêm một bài về Chu Văn An trong một cuốn sách giáo khoa dành cho học sinh Việt Nam bậc Tiểu học cho tới năm 1945. Đó là cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ đẳng (lớp Ba những năm sau), tác giả là bốn nhà giáo dục có uy tín trong thời kỳ Pháp thuộc: Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận. 

Trước hết, ĐVSK Toàn Thư chép về Chu Văn An như sau:
“An (người Thanh Đàm ), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo,
không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ... Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào... Minh tông mời ông làm Quốc tử giám Tư nghiệp, dạy Thái tử học. Dụ tông ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê. Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy...”
Chu Văn An được mời ra làm quan trong đời Trần Minh tông, giữ chức Quốc tử giám Tư nghiệp. Khi mất năm 1370 trong đời Trần Nghệ tông, ông vẫn ở chức ấy. Toàn Thư chép:
“Quốc tử giám Tư nghiệp Chu An mất, được truy tặng tước Văn Trinh công, cho tòng tự ở Văn miếu.” ¹

(Danh hiệu ông thực ra là Chu An, sau khi mất được ban tên thụy là Văn Trinh và tặng tước Văn Trinh công. Thời xưa thường tránh nêu tên húy, nên sử sách nhiều đời gọi ông là “Chu Văn Trinh công.” Dần dần ông được quen gọi là Chu Văn An).
Cương Mục chép như sau:
“Chu An tính cương trực, thanh cảnh, giữ tiết khắc khổ thanh tu, không cầu danh lợi hiển đạt. Ở nhà đọc sách, học nghiệp tinh thâm, thuần túy. Gần xa nghe tiếng, đến học rất đông. Học trò nhiều người thi đậu cao, làm quan to, như Phạm Sư Mạnh và Lê Quát đã làm đến Hành khiển, thời thường lui tới thăm hỏi, vẫn cứ thụp lạy ở bên giường thày, hễ được thày nói chuyện một chút thì lấy làm mừng lắm. Hễ kẻ nào làm điều lầm lỗi trái ý thì thày quở trách ráo riết, có khi quát mắng đuổi ra...Dưới triều Trần Minh tông, ông được vời làm Quốc tử Tư nghiệp, dạy Thái tử học. Đến Trần Dụ tông ham mê chơi bời, xao lãng chính sự, bọn quyền thần làm nhiều sự trái phép. Chu An can không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ có thế lực và được cưng chiều cả. Bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng lên, không được trả lời, Chu An liền treo trả mũ áo, trở về điền viên... Thiên hạ đều khen là người có khí tiết cao. Được tin Trần Nghệ tông lên làm vua, Chu An mừng lắm, chống gậy đến bái yết, xong lại xin về, rồi mất ở nhà. Nhà vua sai quan đến tế viếng, đặt tên thụy là Văn Trinh, được thờ phụ ở Văn Miếu.” ²

Tác giả chính của bộ Toàn Thư, sử gia Ngô Sĩ Liên, bình luận thêm như sau:
“Tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ... Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu.” ³
Xin được bổ túc: Khi Trần Minh tông trao cho ông việc dạy Thái tử, đó là Thái tử Trần Vượng, sau nối ngôi là vua Hiến tông. Nhưng Hiến tông chẳng may mất sớm khi mới 22 tuổi, người em lên ngôi là Dụ tông. Những năm đầu của triều Dụ tông chưa suy sút lắm vì Minh tông vẫn còn trên ngai Thái Thượng hoàng. Chỉ sau khi vua Minh tông qua đời, Dụ tông ham vui chơi, bỏ bê chính sự, gần bọn tiểu nhân, triều chính mới suy. Trong phần sau sẽ xin trình bày rõ hơn về những điểm ấy.

Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ chép:
“Quan Quốc tử Tư nghiệp là Chu Văn An mất, Vua sai quan dụ tế, cho tên thụy là Văn Trinh, được thờ ở Văn miếu theo hàng tiên hiền.”
Sau khi nhắc lại những chi tiết Toàn ThưCương Mục đã nói tới, “người thanh tĩnh, giữ tiết hạnh khắc khổ, không cầu lợi lộc cao sang, chỉ ở nhà đọc sách, có nhiều học trò làm nên,” và việc “vua Dụ tông ham chơi, nhiều quyền thần làm điều phạm pháp, ông dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần ...” Ngô Thời Sĩ cung cấp thêm chi tiết sau:
“Khi bình xong nội nạn (chỉ việc Dương Nhật Lễ muốn dứt ngôi nhà Trần), ông mừng lắm, chống gậy lên yết mừng vua (Nghệ tông), rồi lại trở về núi.”
Trong Việt Nam Sử Lược, học giả Trần Trọng Kim cho biết rõ hơn về tình trạng gian thần lộng hành trong triều vua Dụ tông:
“Hiến tông không có con, Minh tông thượng hoàng lập người em tên là Hạo lên làm vua, tức là vua Dụ tông. Trong những năm Thiệu-phong, tức mười mấy năm đầu, tuy Dụ tông làm vua, nhưng quyền chính trị ở Minh tông Thượng hoàng quyết đoán, cho nên dẫu có mấy năm tai biến mất mùa nhưng việc chính trị còn có thứ tự. Từ năm Đại-trị nguyên niên (1358) trở đi, Thượng hoàng mất rồi, bọn cựu thần như ông Trương Hán Siêu, ông Nguyễn Trung Ngạn cũng mất cả, từ đó việc chính trị bỏ trễ nải. Kẻ gian thần mỗi ngày một đắc chí.
Vua Dụ tông về sau cứ rượu chè chơi bời, xây cung điện, đào hồ đắp núi, rồi cho gọi những người nhà giàu vào trong điện để đánh bạc. Bắt các quan thi nhau uống rượu, ai uống được một trăm thăng thì thưởng cho hai trật. Chính-sự như thế, cho nên giặc cướp nổi lên như ong ... Dân tình khổ sở. Cơ nghiệp nhà Trần bắt đầu suy từ đấy.”
Toàn Thư cũng cho biết từ năm Đại Trị nguyên niên (1358) trở đi, vua Dụ tông “chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu.” Có lần vua ngự thuyền nhỏ đi chơi khuya, mãi canh ba mới về, tới khúc sông vắng, bị cướp mất ấn báu, gươm báu. “Vua tự biết mình không sống lâu, càng thả sức chơi bời.”

Sau khi dâng biểu can ngăn không hiệu quả, Chu Văn An đành dâng “Thất trảm sớ.” Tuy thế, những kẻ ông xin chém là những tên gian nịnh, đã kết thành bè đảng, lấy được lòng tin của vị vua bê tha và ham vui. Nếu không có uy tín thật cao, Chu Văn An đã bị họ sát hại. Có khi cũng vì lẽ ấy ông phải lui về núi ẩn cư. Nếu còn ở kinh đô, không khỏi bị họ coi là “cái gai trong mắt.”

Tập truyện ký đầu tiên chép về Chu Văn An là Nam Ông Mộng Lục của Hồ Nguyên Trường. Chu Văn An trung với nhà Trần trong khi thân phụ Hồ Nguyên Trừng là Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Tuy thế, Hồ Nguyên Trừng vẫn viết về Chu Văn An với đầy trân trọng và thương tiếc:
“Chu An, hiệu Tiều Ẩn, người Thượng Phúc...Tính ông liêm khiết cương trực. Ở nhà thường thích đọc sách, học vấn tinh thuần, tiếng vọng xa gần. Học trò đầy cửa ... An điềm đạm, ít ham muốn, không đi thi. Khoảng năm Chí Nguyên, Trần Minh vương bái mời làm Quốc tử Tư nghiệp, dạy Thế tử học ...Minh vương mất, con là Dụ vương chơi bời, bỏ chính sự, quyền thần làm nhiều điều trái phép. An nhiều lần can ngăn không nghe, lại dâng sớ xin chém bảy tên gian thần đều hạng quyền thế, người đương thời gọi là “Thất trảm sớ.” Dâng lên không trả lời, An treo mũ từ quan, về với vườn ruộng. Sau Dụ vương mất, nước có loạn. Quần thần đón lập Nghệ vương. An nghe rất mừng, chống gậy yết kiến, rồi lại về làng, từ chối không nhận chức tước. Ban cho hiệu Văn Trinh tiên sinh, hậu lễ tiễn đưa. Chẳng bao lâu, An mất ở nhà. Nhân sĩ đô thành cảnh ngưỡng cao phong, không ai là không thở than thương tiếc.”

Trong Tang Thương Ngẫu Lục viết vào đầu thế kỷ 19, sau khi Chu Văn An tạ thế đã trên 400 năm, hai tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án cũng nhắc lại những chi tiết như trong các tài liệu trước. Hai ông thêm lời bình luận, Sĩ phu đều kính ngưỡng như núi Thái sơn, sao Bắc đẩu,” và chép lại bài thơ ca tụng Chu Văn An của Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán (tôn thất đời Trần, 1325 hay 1326 – 1390) mà câu đầu là:
Phủ miện hoàn khuê tâm dĩ hôi
(Đối với mũ áo của triều đình và ngọc hoàn khuê cầm tay [y phục của đại thần khi vào chầu thiên tử], lòng đã nguội lạnh như tro).
Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú là một tác phẩm đồ sộ, chia làm 10 thiên. Thiên thứ II, “Nhân vật chí” từ Quyển VI đến Quyển XII. Cuộc đời Chu Văn An được chép ở đầu Quyển XI, “Các nhà nho có đức nghiệp.”

Sau khi nhắc lại một số điều chúng ta đã biết qua các tài liệu trước, nhà bác học họ Phan viết thêm: “Khi Dụ tông mất, ngôi nhà Trần sắp tuyệt. Nghe tin quần thần đón lập Nghệ tông, ông rất mừng, chống gậy lên yết kiến. Rồi lại xin về làng, phong chức gì cũng từ chối không nhận. Vua lấy lễ tôn kính, sai quần thần đưa về. Không bao lâu ông chết ở nhà.” Phan Huy Chú bình luận, “Cái học của ông tinh túy chân chính... Đạo đức ông làm khuôn mẫu, đương thời ai cũng tôn trọng... Ai cũng khen phong độ của ông là cao thượng.”
Phan Huy Chú cũng trích dẫn một bài thơ của Trần Nguyên Đán (đã nhắc tới ở trên) làm sau khi Chu Văn An được vua Trần Minh tông “bái phong” làm Quốc tử Tư nghiệp. Xin được dẫn 3 câu đầu trong bài thơ 8 câu ấy:
Học hải hồi lan, tục tái thuần
Thượng tường sơn đẩu đắc tư nhân
Cùng kinh bác sử công phu đại ...
(Xoay luồng sóng trong biển học để phong tục lại được thuần hậu
Nhà trường đã được bậc đạo đức như Thái sơn, Bắc đẩu đến dạy
Đọc hết kinh, xem rộng sử, công phu rất lớn ...) ¹

Học giả Trần Văn Giáp (thân phụ của các Gs. Trần Văn Dĩnh, Trần Văn Kiện, giáo sư tại Đại học Luật khoa Sàigòn trước năm 1975) là một nhà nghiên cứu uyên bác nhưng cẩn trọng, mỗi chữ, mỗi câu đều có cân nhắc. Trong cuốn Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam do ông chủ biên, phần về Chu Văn An chiếm gần hai trang với lời tóm lược như sau: “Ông là người tính nết ngay thẳng, trong sạch, có tài văn chương, uyên thâm về đạo lý nho học ...Khi ông mất, được thờ tại Văn miếu, cùng hàng với các bậc hiền triết, và có đền thờ riêng nơi nhà ở ẩn của ông trên núi Phượng Hoàng.” Trong sách cũng nói qua về việc dựng đền, các câu đối trong đền, cùng liệt kê các tác phẩm của Chu Văn An. ¹¹

Những người Việt được đi học từ lớp tuổi 65, 66 trở lên đều đã học qua, hay ít nhất biết qua, bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư do các cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận soạn. Bộ này được Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản, và được dùng làm tài liệu giáo khoa chính thức trong các trường tiểu học cho tới năm 1945, làm tài liệu tham khảo ít nhất cho đến năm 1954. Bài về Chu Văn An là bài thứ 34 trong Quốc Văn Giáo Khoa
Thư lớp Sơ đẳng. Nửa sau của bài ấy như sau:
“Vua nghe ông là bậc đạo đức mô phạm, triệu vào kinh cho làm quan để dạy Thái tử. Sau ông thấy chính sự trong triều suy đồi, bọn quyền thần lắm kẻ làm bậy, ông dâng sớ xin chém người gian nịnh. Vua không nghe lời. Ông bèn từ chức, không thiết gì đến công danh quyền lợi nữa.

Người trong nước ai cũng khen ông là bậc cao hiền. Khi ông mất, vua cho đem vào thờ trong Văn miếu, ngang hàng với các bậc tiên nho.” ¹²
Trong tất cả các tài liệu kể trên, suốt một dòng thời gian 600 năm, từ tác phẩm đầu tiên của Hồ Nguyên Trừng (sinh năm 1374) đến tác phẩm cuối dưới sự chủ biên của Trần Văn Giáp (mất năm 1973), Chu Văn An đều được trình bày là một nhân vật đáng kính ngưỡng với cốt cách thanh cao.

Trong Quyển V của Kiến Văn Tiểu Lục, bàn về tài năng, phẩm hạnh con người, nhà bác học Lê Quý Đôn viết, “Chu An dâng sớ xin chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều ngoài quận, rồi cáo quan trả mũ áo về nhà, không chịu tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục, đấy là bậc thanh cao nhất.” ¹³
Trong kho tàng văn học Việt Nam, thơ văn và câu đối ca tụng Chu Văn An rất nhiều. Để làm tiêu biểu, xin được dẫn một bài thơ của Đặng Minh Khiêm (1456? – 1522?) trong Việt Giám Vịnh Sử Tập:
Thất trảm chương thành tiện quải quan
Chí Linh chung lão hữu dư nhà
Thanh tu khổ tiết cao thiên cổ
Sĩ vọng nham nham ngưỡng Thái San

(Thất trảm sớ dâng rồi, giải quan
Chí Linh cao ẩn giữa thanh nhàn
Sửa mình, khí tiết soi thiên cổ
Kẻ sĩ trông vời hướng Thái San).

Câu đối ở đình làng Thanh Liệt (quê của Chu Văn An):
Thất trảm sớ còn thơm, gương sử thẹn cho phường mại quốc
Lục kinh tro chửa nguội, bảng huỳnh treo mãi chốn danh hương.
Những chữ Hán trong cặp câu đối tại bàn thờ Chu Văn An ở Văn miếu Quốc tử giám giới thiệu phía trên (hình chụp không đủ chữ):
Bác ư sử, cùng ư kinh, thánh đạo uyên nguyên khai  --  --
Hành dĩ lễ, tàng dĩ nghĩa, hiền nhân phong tiết thiệu  --  --
Nghĩa:
Học rộng về sử, hiểu thấu nghĩa của kinh, chỗ vực sâu, chỗ khai nguồn của đạo thánh mở ra  --
Ra làm việc đời lấy chữ lễ (ngụ ý theo lệnh vua triệu khi ra làm quan), lui về ở ẩn theo chữ nghĩa (ngụ ý khi đời vô đạo thì lui về), phong tư khí tiết của bậc hiền nhân tiếp nối  -- --
Tóm lại, trong suốt dòng lịch sử dân tộc từ mấy trăm năm nay, Chu Văn An được vô cùng kính ngưỡng. Bên cạnh việc được thờ ở Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, ông còn đền thờ ở quê nhà, tại khu trường dạy học của ông ngày xưa, và đền thờ trên núi Phượng Sơn trong dãy núi Chí Linh, nơi ông về ẩn dật trong những năm cuối đời. Tên ông được đặt cho một trường Trung học quan trọng của Việt Nam, và trên nhiều đường phố ở Hà Nội, Sàigòn, thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí ...

Chu Văn An không thành công trong việc khu trừ bọn gian thần chung quanh vua Dụ tông. Chúng ta có thể nêu nhận xét: ông “không giỏi về chính trị.” Nếu muốn, có thể coi ông là “thường, xoàng, không có mưu lược chính trị.” Tuy nhiên, nói như thế cũng có điểm bất công: từ trước tới sau, ông chỉ tự coi là một nhà giáo dục, và căn bản cũng chỉ là một nhà giáo dục. Sau khi lui về ẩn tại Chí Linh, ông lại tiếp tục làm công việc dạy học. Gọi ông là “rất tệ,” là “tối” đã có phần quá đáng. Không cách nào giải thích, không thể nào biện minh được cho việc gọi ông là “thằng cha,” “thằng cà chớn” một cách ngạo ngược và vô lễ. Cộng đồng phẫn nộ và phản ứng một cách gay gắt cũng là lẽ đương nhiên. 

Chúng ta không có tài liệu đầy đủ về quan chế đời Trần. Tất cả tài liệu về điển chương, chế độ trong hai triều Lý, Trần đã bị quân Minh tịch thu, thiêu hủy, hay đưa về Kim Lăng theo chỉ thị của Minh Thành tổ sau khi chiến thắng Hồ Quý Ly. Nhưng theo quan chế đời Lê, thì Quốc tử giám Tư nghiệp ở hàng Tòng Ngũ phẩm, dưới các chức Thượng thư (Tòng Nhị phẩm), Đô Ngự sử (Chánh Tam phẩm), Thị lang (Tòng Tam phẩm), Phó Đô Ngự sử (Chánh Tứ phẩm), Quốc tử giám Tế tửu (Tòng Tứ phẩm), và Thái y viện đại sứ (Chánh Ngũ phẩm) ¹. Theo quan chế thời Nguyễn thì Quốc tử giám Tư nghiệp ở hàng Tòng Tứ phẩm ¹. Đời Trần chắc không khác bao nhiêu: các học quan chỉ làm công việc dạy học, không có quyền về hành chánh, ngạch trật thường không cao. Ngoại trừ bản  “Thất trảm sớ,” Chu Văn An không còn phương tiện chính thức nào khác để có thể nói lên ý hướng muốn trừ bọn gian thần.

Ở nước Tề đời Xuân Thu bên Trung Hoa, Quản Trọng làm Tướng quốc (Tể tướng) mà không trừng trị được ba kẻ tiểu nhân Thụ Điêu, Dịch Nha, Khai Phương, luôn luôn xu nịnh Tề Hoàn công. Ngạch trật và vị thế  Chu Văn An thua Quản Trọng khá xa, số gian thần, tiểu nhân đông hơn, và Dụ tông là vị vua bê tha, không sáng suốt như Tề Hoàn công. Chúng ta cần thông cảm những chỗ khó của Chu Văn An, và không nên đòi hỏi quá đáng khi phê phán ông.

Khi dâng “Thất trảm sớ,” Chu Văn An sống trong đời vua Dụ tông. Thượng hoàng Minh tông, người có tình “tri ngộ” triệu ông ra làm quan, đã qua đời. Vua Hiến tông, vị Thái tử được ông giáo huấn, đã qua đời quá sớm khi mới 22 tuổi. Giữa ông và Dụ tông không có tương quan gì đặc biệt. Vị vua trẻ ham uống rượu, thích đánh bạc, thích đắp núi, đào hồ, xây cung điện, chắc chắn gần với bọn tiểu nhân khéo chiều chuộng và xu nịnh hơn.

Trở lại với YouTube trong đó Chu Văn An bị miệt thị, ta có thể thấy ngay người thực hiện YouTube ấy đã có một ngộ nhận quan trọng. Tưởng rằng Chu Văn An quyền chức cao, trong khi ông chỉ là một học quan ở Ngũ phẩm. Chê ông không biết bày mưu lập kế chia rẽ bọn gian thần, trong khi ông là một nhà giáo dục thẳng tính với tâm hồn cao khiết. Lầm lẫn ấy đưa tới một hậu quả đáng tiếc. Với phẩm cách cao quý, Chu Văn An rất được kính ngưỡng, đã trở thành một biểu tượng về văn hóa của dân tộc từ bao đời. Buông lời hỗn xược đối với ông trong khi không nêu được lý do là một hành động dại dột, rất khó được dư luận tha thứ.

Phân tích nguyên động lực khiến người thực hiện YouTube có hành động như thế, một số người cho rằng đây là chỉ là “một phần trong một kế hoạch lớn, nhằm soi mòn, triệt hạ những giá trị tinh thần của dân tộc Việt.” Đánh tan uy tín của vị “vạn thế sư” sẽ khiến dân Việt bị hoang mang, tan rã hết niềm tin, hầu “dễ bị đồng hóa.” Có người cho rằng Chu Văn An tiêu biểu tinh phần sĩ phu khảng khái của dân tộc Việt Nam. Đập tan uy tín của Chu Văn An là ý hướng của một nhóm cầm quyền độc tài, muốn dân Việt không ai là người khí khái nữa, sẽ dễ chịu khuất phục. Người viết những dòng này chưa thấy vấn đề trầm trọng đến mức ấy. Cách hành xử của nhà giáo dục Chu Văn An quang minh chính đại, sáng rực rỡ như ánh mặt trời, khó ai có thể  xuyên tạc. Dân tộc Trung Hoa có thành ngữ, “chó Đạo Chích sủa vua Nghiêu.” Uy tín của vua Nghiêu không thể tổn hại khi bị chó [của] Đạo Chích sủa.

Có người cho rằng đây là hành động của một người cao ngạo, kiêu căng, luôn luôn nghĩ rằng mình hơn đời, vậy cần phải “độc sáng,” khác đời. Nếu đúng thế, đây là một việc làm quá táo bạo, dựa trên một nhận thức thiếu chính xác. Việc làm ấy sẽ khiến mức tín nhiệm còn lại bị sụp đổ. Danh vọng, uy tín của một vĩ nhân như Chu Văn An bền vững đã trên 600 năm nay. Một người ở thời chúng ta, dù thông minh tới cỡ nào, làm sao lay đổ được?
Tượng Chu Văn An tại trường Trung học Chu Văn An Hà Nội
Người chụp: Quỳnh Trang
Xuất xứ: Trang mạng VNExpress
Từ Mai Trần Huy Bích

CHÚ THÍCH
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư / Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích ; Hà Văn Tấn hiệu đính (Hà Nội : NXB Khoa Học Xã Hội, 1988), Tập II, trang 151-152.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục / dịch giả, Viện Sử Học (Hà Nội : NXB Giáo Dục, 1998). Ấn bản điện tử do Lê Bắc thực hiện, trang 293.
Toàn Thư (sđd), Tập II, trang 153.
Ngô Thời Sĩ. Việt Sử Tiêu Án / Bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu (San Jose, CA : Văn Sử, 1991), trang 252-253.
Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược (Sài Gòn : Trung Tâm Học Liệu, 1971), trang 173-174.
Toàn Thư (sđd), Tập II, trang 127, 144.
Hồ Nguyên Trừng. Nam Ông Mộng Lục / Trần Nghĩa dịch và chú thích (Hà Nội : NXB Văn Học, 2001), truyện thứ 7.
Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án. Tang Thương Ngẫu Lục / dịch giả, Đạm Nguyên (Sài Gòn : Bộ Giáo Dục, 1970), trang 109-110.
Phan Huy Chú. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí / Tổ Phiên Dịch Viện Sử Học Việt Nam phiên dịch và chú giải (Hà Nội : NXB Khoa Học Xã Hội, 1992), Tập 1, trang 364.
Phan Huy Chú (sđd), trang 365.
Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam / Trần Văn Giáp chủ biên  (Hà Nội : NXB Văn Học, 2000), trang 174-175.
Quốc Văn Giáo Khoa Thư : Lớp Sơ Đẳng / Trần Trọng Kim ... (Hà Nội : Nha Học Chánh Đông Pháp, 1935), trang 42.
Lê Quý Đôn. Kiến Văn Tiểu Lục (Hà Nội : NXB Văn Hóa Thông Tin, 2007), trang 298.
Phan Huy Chú. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (sđd), trang 451-452.
Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược (sđd), trang 189-192.

Aucun commentaire: