BẾN CÁT QUÊ TÔI và SƯ BÀ DIỆU ÂN. * Nguyễn Vân Xuyên


Thân gửi anh Nguyễn Tấn Phát và anh bạn HQ Trần Kim Điệp.
Trước tiên, Tôi xin có lời thăm sức khỏe an lành đến với hai anh và gia đình.
Sau, xin phép có được một vài lời cho MỘT KỶ NIỆM TÌNH CẢM
của đời Tôi ( cách đây hơn nửa thế kỷ) qua  câu thơ " EM CHỈ LÀ NGƯỜI EM GÁI THÔI "
trong bài thơ mang tên " MỘT MÙA ĐÔNG " của thi sĩ tiền chiến Lưu Trọng Lư và nhạc sĩ Y Vân có phổ nhạc , bản nhạc mang tên " NGƯỜI EM SẦU MỘNG ", và anh Phát không chấp nhận, anh Phát có nói rằng : " Nếu như thế thì thà Chết còn sướng hơn ", còn anh bạn HQ Điệp thì không nói gì và không biết bạn Điệp đã nghĩ sao ?
Giếng công cộng Bến Cát 1967

Riêng phần Tôi, xin được trở lại với quá khứ của hơn 50 năm về trước qua một chuyện tình mà trong đó, câu thơ " Em chỉ là người Em gái thôi " vẫn còn ám ảnh cuộc đời làm người của Tôi cho tận đến ngày hôm nay.

Câu chuyện xin được kể rằng : Quê của Tôi là quận Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương ( tên xưa là Thủ Dầu Một ), từ lúc nhỏ còn đi học, học Tiểu Học ( ở Bến Cát ), học Trung Học ( ở Bình Dương và Sài Gòn ), học Đại Học ( ở Sài Gòn ), rồi vào Lính, rồi vào Tù Cộng Sản ... rồi cuộc Đổi Đời Tang Thương sau Chiến Tranh ... rồi  đời sống tha hương nơi xứ lạ quê người ... Từ nhỏ tại quê quận Bến Cát, Tôi có hai thằng bạn trai rất thân, tên họ của hai thằng bạn nầy là Lê Văn Chơi và Trần Văn Thường ... và một cô bạn gái rất thân, rất đáng yêu, họ tên là Châu Thị Ngọc Sướng ... còn Tôi họ tên là Nguyễn Vân Xuyên, xin được nhấn mạnh là VÂN Xuyên chứ không phải là VĂN Xuyên như nhiều bạn bè lầm tưởng ... Tôi có thắc mắc hỏi thân phụ của Tôi hai chữ Vân Xuyên có nghĩa là gì, ông nói rằng : trước đây, ông có một ông bạn thân rất am tường về văn chương chữ nghĩa và khi Tôi được sinh ra, thân phụ của Tôi nhờ ông bạn nầy đặt cho một cái họ tên ... ông bạn thân nầy đã đặt là Nguyễn Vân Xuyên rồi ông giải thích ( không biết có đúng không ), Vân là Mây ... Xuyên là Sông là Nước ... nghĩa tổng quát là Mây, Nước ... và ông bạn nầy còn nói thêm ( không biết có đúng không ) cuộc đời của Tôi sau nầy sẽ phiêu lưu , bay nhảy khắp năm châu bốn bể ... Và ngày hôm nay Tôi suy gẫm lại thì điều nầy hoàn toàn không đúng ... và nhiều người Việt Nam không phải mang tên Vân Xuyên như Tôi ... cũng ở quê quận Bến Cát như Tôi hiện nay mà Tôi biết, trong đó có những tên như Tèo, Cu, Đực, Chó, Mách, Tét ... họ cũng đang sống năm châu bốn bể như Tôi nhất là ở Mỹ ... thỉnh thoảng họ cũng gọi điện thoại từ Mỹ sang Pháp thăm Tôi ... đã làm cho Tôi có lúc hồn phi phách tán, tẩu hỏa nhập ma ... rồi không biết tên Vân Xuyên của Tôi có nghĩa là gì nữa ... và nơi chín suối chắc thân phụ của Tôi, khi gặp lại ông bạn thân ngày xưa của ông chắc ông cũng cười trừ cho vui !!!

Xin lỗi Tôi đã đi quá xa rồi ... Xin được trở lại : Phải thành thật công nhận : Châu Thị Ngọc Sướng rất Đẹp nhưng không được Hiền ... được xem là người con gái đẹp nhất, là Hoa Hậu của xứ Bến Cát của Tôi vào thời, vào thế hệ của chúng tôi ... còn 2 thằng bạn trai của Tôi, cả 2 thằng đều rất đẹp trai và học giỏi ( hơn hẳn Tôi rất nhiều trên mọi phương diện ), tụi nó đều có vẻ bảnh bao, hào hoa phong nhã ...uyên bác về kiến thức văn học ... mỗi khi nói chuyện, kể chuyện thì thường hay dùng các điển tích văn chương chen vào ... và thỉnh thoảng còn ngâm lên một vài câu thơ, nhất là thơ của các thi sĩ tiền chiến ... hai thằng nầy nói năng trôi chảy, ngọt ngào cho nên rất được sự ngưỡng mộ của Phái Đẹp nhất là Người Đẹp Hoa Hậu Châu Thị Ngọc Sướng.

Cả 3 đứa chúng Tôi, tức là Chơi - Thường - Xuyên ( 1 ) đều mê mệt Châu Thị Ngọc Sướng.
Tôi thì mê thiệt và còn yêu thương nữa ... còn 2 thằng kia thì Tôi không biết tụi nó có mê thiệt Ngọc Sướng hay không, nhưng ngoài mặt và qua những lời nói tán tỉnh thì lúc nào cũng tỏ ra yêu thương trìu mến thiết tha đã làm cho Châu Thị Ngọc Sướng ... ngoài cái tên Sướng ra, nàng còn cảm thấy sướng cả người từ trong lòng ra tới ngoài mặt. Trong nhóm 4 người của chúng tôi, Tôi là người nhỏ tuổi nhất, cả 3 người còn lại thì cùng tuổi nhau và họ lớn hơn Tôi một tuổi.

Thời gian trôi qua ... Rồi thời gian tỏ rõ tình yêu cho nhau là năm Tôi được 17 tuổi, còn họ thì 18 tuổi.
Sợ bị thua 2 thằng bạn đẹp trai, học giỏi, tài hoa của mình, Tôi áp dụng chính sách " Tiên Hạ Thủ Vi Cường " bằng cách tỏ tình và nói lời yêu thương trước với Ngọc Sướng và nói một cách công khai trước mặt 4 người tại nhà của thằng Lê Văn Chơi.
Cơ quan hành chánh của VNCH gần kho bạc Bến Cát

Sau khi nghe Tôi chân thành tỏ tình " Ngọc Sướng, Tôi rất yêu thương Ngọc Sướng ... hôm nay Tôi xin được chính thức lên tiếng tỏ lời yêu thương nầy đối với Ngọc Sướng ... ". Ngọc Sướng với vẻ mặt thật lạnh lùng phán ngay ra một câu trước mặt 3 chúng tôi : " Ông vừa nói gì, ông còn nhỏ, còn non lắm ... ông không có tên trong sổ địa chỉ tình cảm của tôi đâu. Tôi chỉ yêu anh Chơi và anh Thường, một trong 2 người nầy sẽ là người chồng sau nầy của tôi ... xin được tặng ông 2 câu thơ : Chị chỉ là người chị gái thôi ... Đừng mơ đừng mộng hãy quên đời ... ".

Sau khi nghe Châu Thị Ngọc Sướng nói như thế, 2 thằng bạn cao ngạo của Tôi tỏ ra hãnh diện sung sướng nhìn Tôi với những cặp mắt khinh khi coi thường ... từ nay, tụi nó chỉ còn có Một chọi lại Một, tụi nó có quyền hy vọng, còn Tôi thì coi như Tôi vừa nghe " Lời tuyên bố đầu hàng Cộng Sản của Tổng Thống Dương Văn Minh vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tôi tự buông súng, tan hàng và buồn khóc cho số phận thất bại đau thương của mình ".

Tôi vẫn nuôi hy vọng không bỏ cuộc .... âm thầm theo chân của Châu Thị Ngọc Sướng ... Có lần, thấy Ngọc Sướng từ nhà thằng Chơi đi ra ... Tôi đứng chờ ở một khoảng xa rồi tiến ra chận Ngọc Sướng lại và nói : " Ngọc Sướng ơi ! Tôi chân thành yêu thương Ngọc Sướng ... chỉ có Tôi là yêu thương Ngọc Sướng thôi, Ngọc Sướng hãy suy nghĩ lại đi ... 2 thằng kia, tụi nó không có yêu thương Ngọc Sướng đâu ... ".

Châu Thị Ngọc Sướng nhìn Tôi im lặng không nói một lời ... rồi né người qua một bên và tiếp tục đi thẳng ... Tôi quay lại nhìn Ngọc Sướng ... Ngọc Sướng bước đi với 2 vành áo bà ba bên hông người tung bay trong gió ... lòng Tôi thật buồn ... và tự nhiên trong đầu Tôi hiện lên 2 câu thơ :
" Áo bay như vẫy tay chào.
Sướng đi chẳng một lời nào cho Tôi."

( Đời tôi chưa bao giờ biết làm thơ và cũng chưa bao giờ làm thơ ... và đây là 2 câu thơ đầu đời của Tôi và Tôi không bao giờ quên, vẫn còn nhớ đến tận ngày hôm nay. Xin anh Nguyễn Tấn Phát tức nhà thơ Nguyên Trần vui lòng xem dùm Tôi, 2 câu thơ nầy có Đúng, Sai về Niêm, Luật, Vần gì hay không ? Xin cám ơn anh thật nhiều . XUYÊN ).
Nữ sinh quận Bến Cát

Xin được phép có một chút ít vài dòng về gia cảnh của chúng tôi :
1). Châu Thị Ngọc Sướng là con gái của Tiệm Vàng Ngọc Sơn ở tại trung tâm của chợ Bến Cát ( Dì tư Ngọc và chú hai Sơn là thân mẫu và thân phụ của Ngọc Sướng. Ông bà là chủ nhân của Tiệm Vàng Ngọc Sơn và có 4 người con gồm 2 gái và 2 trai theo thứ tự : Châu Thị Ngọc Vui, Châu Thị Ngọc Sướng, Châu Ngọc Toàn và Châu Ngọc Gia tức là một gia đình Vui - Sướng - Toàn - Gia. ).

2). Trần Văn Thường là con Trai duy nhất của Lò Gạch Kim Phi ở Ấp Bến Dong cạnh Khu Vực Vườn Vú Sữa, ngoại ô gần của quận Bến Cát. ( Cô 2 Kim và chú 6 Phi là thân mẫu và thân phụ của thằng Thường. Cha tên Phi và Con tên Thường tức là một gia đình Phi - Thường ).

3). Lê Văn Chơi là con trai trưởng của Nhà Máy Xay Lúa và Xưởng Cưa mang tên Thanh Nhàn ở Cầu Đò, cạnh bờ sông Thị Tính, khu vực ngoại ô phía tây của quận Bến Cát. ( Cô 3 Thanh và cậu 2 Rong là thân mẫu và thân phụ của thằng Chơi. Ông bà là chủ nhân của 2 cơ sở xí nghiệp nầy và có 3 người con gồm 2 trai và 1 gái, đó là Lê Văn Chơi, Lê Văn Nhàn và Lê Thị Ngọc Hạ ... đây là một gia đình Rong - Chơi - Nhàn - Hạ ).

4). Riêng phần gia đình của Tôi : Thân phụ của chúng tôi, ông du học ở Pháp một thời gian, học xong, trở về nước và làm Giáo Sư dạy Pháp Văn cho Trường Bá Nghệ Thủ Dầu Một ... và dạy thêm Pháp Văn tại nhà cho các con em của dân chúng địa phương tại Bến Cát, cho nên hầu hết các con em ở Bến Cát đều là học trò của thân phụ của chúng tôi. Thân mẫu của chúng tôi là chủ nhân 2 cơ sở thương mại về Gạo và Vải, không có bảng hiệu, ở khu vực chợ Bến Cát mà người dân địa phương thường gọi một cách bình dân nôm na là tiệm gạo và tiệm vải của Cô Tư và sau năm 1975 thì gọi là Bà Tư. Anh em của chúng tôi lúc bấy giờ gồm có Nguyễn Vân Xuyên, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Nguyễn Công Tâm và Nguyễn Thi Kim Phúc...

Một đám cưới thật tưng bừng, ồn ào nhưng trang trọng đã xảy ra tại quận lỵ Bến Cát tỉnh Bình Dương giữa chú rể phi công Lê Văn Chơi và cô dâu Châu Thị Ngọc Sướng, chủ nhân tiệm vàng Ngọc Châu, một căn phố lầu 2 tầng, to, đẹp, rộng, tọa lạc đối diện với trường tiểu học Bến Cát. Bên cạnh cặp long phụng trai hùng gái sắc mang tên Chơi, Sướng ( hoặc gọi Sướng, Chơi cũng được ), có kèm theo 2 chàng phụ rể là bạn hữu thân tình mang tên Trần Văn Thường và Nguyễn Vân Xuyên ... thì đất Bến Cát ngày hôm nay đang có một cái đám cưới Vẻ Vang Dân Việt trên cõi đời nầy.

Lúc bấy giờ Trần Văn Thường vừa tốt nghiệp đại hợc sư phạm Đà-Lạt và đang làm giáo sư môn Triết cho một trường trung học công lập ở một tỉnh lớn của đồng bằng sông Cửu Long, miền tây Nam Phần.

Còn phần Tôi thì đang long bong là giáo sư dạy giờ môn Toán cho các lớp Thất, Lục, Ngũ, Tứ bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp cho các trường trung học tư thục và bán công ở Sài-Gòn và các tỉnh quanh Sài-Gòn.

Trong ngày đám cưới, có một số bạn bè cũ cũng là bạn học cùng thời với chúng tôi đến chung vui tham dự và trong số đó có một thằng bạn tên Lê Phát Đạt, thằng nầy ngày xưa nó cũng đã từng mê mệt Châu Thị Ngọc Sướng ... nó kéo riêng Tôi ra ngoài sân vườn nhà của thằng Chơi, cùng đứng dưới gốc một cây mãng cầu, nó cười cười nói với Tôi như sau : " Xuyên nè, tao thấy 3 thằng tụi bây với con Sướng, cùng đứng chung với nhau hả hê vui cười, vái lạy chụp hình trước bàn thờ tổ tiên, ông bà, tao thấy tức cười quá, không khéo ông bà tổ tiên sẽ trừng phạt tụi bây đó nghe Xuyên, nhất là con Sướng với thằng Chơi ... mầy nghe tao nói đây, 3 thằng tụi bây là Chơi, Thường, Xuyên rồi Sướng ... tụi bây thật vô phép, hỗn láo trước mặt ông bà, tổ tiên đó nghe Xuyên, mầy hãy ghi nhớ lời nói ngày hôm nay của tao nghe Xuyên ... ". Nói xong, nó kéo ngay Tôi trở vô nhà và trở lại bàn tiệc và không cho Tôi nói một lời nào...

Rồi thời gian trôi qua ... Tôi nhập ngũ, động viên vào lính, rồi có vợ có con ... thằng Thường cũng nhập ngũ, động viên như Tôi, nhưng nó được biệt phái trở về dạy học trở lại theo diện " sĩ quan biệt phái nhiệm sở cũ ". ... và nó vẫn còn độc thân, chưa lập gia đình, chắc là nó còn thương yêu Châu Thị Ngọc Sướng.

Và Tôi được những người thân trong gia đình Ngọc Sướng cho biết : " Chuyện vợ chồng của Ngọc Sướng và thằng Chơi đã có nhiều lục đục ... có lúc suýt tan vỡ ; vì sau một thời gian ngắn nên vợ thành chồng, thằng Chơi trở nên ăn chơi trác táng,sa đọa bồ, gái, cờ bạc, rượu ... ít khi về lại Bến Cát thăm gặp Ngọc Sướng, để Ngọc Sướng sống cô độc một mình ở Bến Cát ... nếu có về thì cũng chỉ trong chốc lát để xin tiền cha mẹ, khảo tiền của Ngọc Sương để ăn chơi, tiêu xài phung phí cho bồ, gái và cờ bạc ... thậm chí, có lúc thằng Chơi còn mạnh tay đánh đập Ngọc Sướng ... đưa đến trọng bệnh mà không hiểu vì lý do gì Ngọc Sướng vẫn âm thầm cam chịu ... Thật là tệ bạc hết sức !!!

Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, Cộng Quân mở những trận đánh đẫm máu trên khắp 4 vùng chiến thuật từ Bình Long, An Lộc cho đến Kon-Tum, Quảng Trị, Thừa Thiên, Bình Định ... và tận đến Cà-Mau, cuối miền đất nước.

Phi công Lê Văn Chơi, một người chồng bội bạc với vợ ( không có con ), một người đàn ông hào hoa phong nhã, bay bướm với các người tình ... người phi công lái những con chim sắt từ các phi đạo ... từ đường nào dài bằng đường phi đạo ... lính nào Xạo bằng lính không quân ... nhưng phi công Lê Văn Chơi là một phi công tài ba, anh dũng, can trường, luôn xông pha và có mặt trên mọi vùng trời lửa đạn của quê hương. Với phương châm Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm ... Tổ Quốc Không Gian ... không bỏ anh em, không bỏ đồng đội, không bỏ bạn bè ... và phi công anh hùng Lê Văn Chơi đã gẫy cánh đại bàng năm 1972 trên vùng trời An Lộc ... đã anh dũng hi sinh cùng những phi công can trường khác của Quân Chủng Không Quân QL/VNCH.
Thằng bạn thân mang tên Lê Văn Chơi của Tôi đã trở về quê quận Bến Cát trong chiếc hòm gỗ cài hoa và lá cờ vàng ba sọc đỏ ... thằng Chơi đã âm thầm cùng một số người thân trong gia đình bên cạnh người vợ chính danh Châu Thị Ngọc Sướng và một người bạn thân duy nhất là thằng Trần Văn Thường ... lặng lẽ tiến vào nghĩa trang buồn ở Cầu Bến Củi ... Lê Văn Chơi thân mến ... Chơi ơi ! một triệu người quen có mấy người thân ... đến khi lìa đời có mấy người đưa ... Tao xin chào vĩnh biệt mầy ... Tao không thể tiễn đưa mầy vì Tao cũng đang miệt mài xông pha trên chiến trận ...

Trong đám tang của thằng Chơi, thằng Thường khóc thật nhiều nhưng Châu Thị Ngọc Sướng thì hoàn toàn câm lặng không khóc ... khuôn mặt khắc khổ, ánh mắt thật buồn dưới vành khăn tang trắng...

Biến Cố Đau Thương ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến với Miền Nam Việt Nam : Tôi và Trần Văn Thường bị giam tập trung vào các trại tù lao động khổ sai của Cộng Sản Việt Nam.

Năm 1978, thằng Thường được thả ra, trở về quê quận Bến Cát, được cho làm công nhân ở Lò Gạch Kim Phi, nay là Hợp Tác Xã Gạch, Ngói tên Lê Văn Tám ... và năm 1979, thằng Thường chính thức trở thành chồng của Châu Thị Ngọc Sướng, vẫn hiện còn là chủ nhân của tiệm vàng Ngọc Châu và thằng Thường không còn là công nhân của Hợp Tác Xã Lê Văn Tám nữa.

Kể từ năm 1980, cuộc sống vật chất của cặp vợ chồng Sướng Thường bắt đầu dễ thở và khấm khá hơn lên và cũng từ thời điểm nầy, thằng Thường thay đổi tánh tình, sinh ra ăn chơi ... rượu, cà phê, thuốc lá, gái tại các tụ điểm văn nghệ ca hát ... hầu như ngày nào cũng say sưa và về đến nhà là lời nặng tiếng nhẹ, nói năng nhảm nhí ... nôn mửa lên cả giường chiếu ... và Ngọc Sướng cũng im lặng cam chịu.

Năm 1982, Tôi được thả ra khỏi trại tù của Cộng Sản Việt Nam, về Sài Gòn để lo thủ tục giấy tờ sang Pháp theo diện Sum Họp Gia Đình vì vợ và các con của Tôi đã có mặt ở Pháp từ trước Biến Cố Đau Thưong 30.4.75.

Tôi trở về quê quận Bến Cát để thăm gia đình ... lúc đó, cha mẹ và các em của Tôi cũng đang trong tình trạng lo thủ tục giấy tờ chuẩn bị sang Mỹ trong diện ODP/ Sum Họp Gia Đình do em gái của Tôi bảo lãnh.

Không thông báo trước, Tôi đích thân đến tiệm vàng Ngọc Châu để thăm Ngọc Sướng và thằng Thường.

Một điều đáng buồn và đáng tiếc đã xảy ra : Đúng lúc Tôi vừa đến nơi, vừa vào nhà, vừa gặp Ngọc Sướng thì cũng là lúc thằng Thường đang say rượu, quần áo xốch xếch, chân thấp chân cao, nói năng nhảm nhí đang được 2 ông bạn nhậu đỡ kèm hai bên hông đưa về nhà ... thằng Thường nhìn  Tôi và cũng không biết Tôi là ai ... 2 ông bạn nhậu đưa Thường vào phòng và cho nằm ngay xuống giường ...

Ngọc Sướng có vẻ thất thần bối rối và thật buồn ... Tôi xin lỗi Ngọc Sướng ra về ngay và nói với Ngọc Sướng là khi nào thằng Thường thật sự tỉnh táo thì cho người thông báo cho Tôi biết Tôi sẽ đến thăm.

Tôi không biết Ngọc Sướng đã nói gì với thằng Thường mà sáng sớm ngày hôm sau, nó lái xe gắn máy đến gặp Tôi và lúc đó nó hoàn toàn tỉnh táo ... gặp lại Tôi nó rất mừng, ôm sát cứng lấy người Tôi rồi nó mời Tôi đi ăn sáng. Tôi đề nghị cùng nó trở lại nhà Ngọc Sướng và mời cả Ngọc Sướng cùng đi ăn ... cuối cùng thì Ngọc Sướng mời cả 3 người cùng ăn sáng tại nhà và cùng nhau nói chuyện.

Chúng tôi cũng không có nói chuyện gì nhiều với nhau ngoài chuyện hỏi thăm về gia đình ... Sau đó thằng Thường mời Tôi đi uống cà phê và sau đó 2 đứa đi thăm mộ của thằng Chơi.
Được biết tình trạng gia đình hiện nay của Thường và Ngọc Sướng không được êm thắm tốt lành cho nên Tôi bảo thằng Thường đưa Tôi về và tránh né không gặp lại họ nữa ... Tôi âm thầm trở về Sài Gòn không một lời từ biệt.

Tháng 2 năm 1982 Tôi có mặt tại Pháp và sau đó, được biết tình trạng gia đình của thằng Thường và Ngọc Sướng càng ngày càng bi đát trầm trọng hơn lên ... thằng Thường vẫn tiếp tục rượu, gái, say sưa cả ngày ... say quên cả đường về nhà ...

Cuối năm 1984, Tôi nhận được tin thằng Thường qua đời vì bệnh ung thư gan và thân xác của nó được an táng tại nghĩa trang ở Cầu Bến Củi sau chùa Minh Long và nó nằm bên cạnh thằng Chơi  ... Đám tang của thằng Thường còn buồn thảm hơn đám tang của thằng Chơi ... chỉ có ba má thằng Thường, ban đạo tỳ, 2 thằng bạn nhậu của thằng Thường và Ngọc Sướng mà thôi ... Ngọc Sướng, mặt lạnh như mùa đông băng giá, không một giọt nước mắt tiếc thương ( đây là theo lời kể của chú 6 Phi, ba của thằng Thường, kể cho công nhân của Hợp Tác Xã Lê Văn Tám nghe ... và đám công nhân nầy đã kể lại cho dân chúng ở Bến Cát nghe lại )...

Đầu tháng 6 năm 1986, Tôi nhận được một tin đặc biệt từ quê quận Bến Cát : Cô 3 Sướng tức Châu Thị Ngọc Sướng, chủ nhân tiệm vàng Ngọc Châu quyết định đóng cửa và ngưng sinh hoạt vĩnh viễn tiệm vàng Ngọc Châu, cô 3 Sướng cũng quyết định xuống tóc đi tu ở chùa Minh Long ... tất cả của cải tiền bạc của cô 3 Sướng được cúng dường hết cho chùa Minh Long.

Và cũng cùng lúc đó, cô 2 Vui, chị của cô 3 Sướng, chủ nhân tiệm vàng Ngọc Sơn, cũng quyết định đóng cửa và ngưng sinh hoạt vĩnh viễn tiệm vàng Ngọc Sơn, bỏ ra một số tiền thật lớn để thành lập một Cô Nhi Viện bên cạnh chùa Minh Long để nuôi giúp trẻ em mồ côi và tàn tật ... cô 2 Vui là người độc thân không có chồng, con, cha mẹ và 2 em trai đã qua đời ... cô 3 Sướng bây giờ là Ni Cô Diệu Ân ... cho nên cả 2 chị em cùng quyết định hiến thân cho từ thiện giúp đời …

Tháng 1 năm 2015, thân mẫu của chúng tôi qua đời tại Hoa Kỳ. Khi còn sống Bà có một ước nguyện là khi chết thì các con đưa Bà về Bến Cát quê Tôi và chôn cạnh mộ phần của Cha của chúng tôi. Các em của Tôi ở Hoa Kỳ đã thực hiện đúng theo ước nguyện của Bà. Cơ quan Mai Táng Vụ mang tên Thiên Môn ở Little Sài-Gòn thưộc tiểu bang California sẽ đảm trách toàn bộ việc nầy, tức là đưa quan tài về Việt Nam và đưa về tận Bến Cát, rồi lo luôn cả việc lễ nghi an táng cho Bà đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Cầu Bến Củi bên cạnh mộ phần của thân phụ của chúng tôi ( Văn Phòng Đại Diện cho Mai Táng Vụ Thiên Môn tại Sài-Gòn đảm trách toàn bộ công việc tại Việt Nam ). Cơ quan Mai Táng Vụ Thiên Môn tại Hoa Kỳ còn còn cho biết thêm là với khả năng chuyên môn của họ, nắp quan tài có thể mở ra bất cứ lúc nào mình muốn và tại mọi nơi ... người quá cố như đang nằm ngủ, người ngoài có thể nhìn mặt, cầm tay, rờ, vuốt mặt người quá cố ... và đặc biệt là quan tài có thể giữ được trong vòng 2 tháng trước khi an táng mà không gặp một trở ngại nào về vấn đề thời tiết môi sinh. Tất cả các em của Tôi ở Hoa Kỳ ( 5 gái + 1 trai ) đã hoàn toàn đồng ý theo hợp đồng với mọi chi phí do cơ quan MTV/ Thiên Môn đề ra ... và cơ quan MTV/ Thiên Môn tại Hoa Kỳ cũng như tại Việt Nam đã làm việc một cách đứng đắn và lễ an táng cho thân mẫu của chúng tôi tại quê quận Bến Cát đã diễn ra thật tốt đẹp đúng như ý muốn của toàn thể gia đình của chúng tôi...

Vợ của Tôi bận việc đưa các cháu nội, ngoại đi học ... Tôi, một mình, đáp chuyến bay trực tiếp từ Paris về Sài-Gòn ... rồi từ Sài-Gòn tháp tùng cùng gia đình của các em về từ Hoa Kỳ có quan tài của thân mẫu ... tất cả được cơ quan MTV/ Thiên Môn tại Việt Nam tổ chức đưa về tận quê quận Bến Cát một cách an toàn tốt đẹp.

Một điều làm cho Tôi rất ngạc nhiên và vô cùng xúc động, riêng cá nhân Tôi thì hoàn toàn không hề được thông báo trước ( có lẽ vì Tôi riêng rẽ một mình về từ Pháp ) : Khi phái đoàn xe tang về tới Bến Cát, về đến trước cửa nhà thì đã có mặt của Sư Bà Diệu Ân cùng 10 Ni Sư trong Ban Hậu Sự của chùa Minh Long trang trọng đón tiếp và thực hiện ngay lễ An Vị Linh Cửu và Phát Tang cho toàn thể gia đình một cách thật trang nghiêm và chu đáo.

Nghi lễ vừa xong, tiếng khóc nức nở thương tiếc người quá cố vẫn còn day dẳng âm vang ... thì có một ni sư, tay cầm máy phát thanh loại cực nhỏ cất tiếng nói : " Nam Mô A Di Đà Phật. Kính bạch Sư Bà Diệu Ân, Viện Chủ thiền đường Minh Long. Kính thưa toàn thể quý thí chủ của gia đình ... lễ nhập gia, lễ an vị linh cửu và lễ phát tang đã xong. Bây giờ xin kính mời một thí chủ đại diện gia đình gặp riêng Sư Bà Diệu Ân để biết chi tiết chương trình hậu sự và nhất là các lễ thời kinh hàng ngày.

Gia đình của chúng tôi có tất cả 11 người con ( 5 trai + 6 gái ), đã có 1 người con trai thứ 6 qua đời, hiện còn lại 10 với 4 trai và 6 gái ... Tôi là con trai trưởng và Tôi sẽ đại diện cho gia đình để gặp riêng Sư Bà Diệu Ân.

Tôi rót một tách trà đưa về phía Sư Bà Diệu Ân rồi rót một tách trà cho Tôi ... Tôi im lặng nhìn, quan sát Sư Bà Diệu Ân ... lần cuối cùng Tôi gặp Sư Bà Diệu Ân tức Châu Thị Ngọc Sướng cách đây 33 năm tức là vào năm 1982, trước ngày Tôi rời Việt Nam đi Pháp ... lúc đó có mặt thằng Thường, bạn của Tôi, đang là chồng của Ngọc Sướng ... và bây giờ, Ngọc Sướng đang ngồi một mình trước mặt Tôi, thời gian thật dài đã trôi qua, tuổi đời đã chồng chất ... Tôi đã già rồi và Tôi nhìn thấy Ngọc Sướng cũng đã già ... nhưng ở Ngọc Sướng vẫn còn có một vẻ đẹp kiêu sa, đài các mà một thời Tôi đã đắm đuối say mê và yeu thương ... Để đo lường tình cảm của Ngọc Sướng đối với Tôi trong lúc nầy ra sao, Tôi lên tiếng trước : " Thưa Sư Bà, bây giờ Con phải gọi Sư Bà bằng gì đây, thưa Sư Bà ? ".

Không trả lời ngay câu hỏi của Tôi ... Ngọc Sướng im lặng nhìn Tôi ... Tôi nhìn lại Ngọc Sướng và thấy Ngọc Sướng khóc ... những giọt nước mắt nhỏ lăn trên đôi má ... Ngọc Sướng nói nhỏ với Tôi trong xúc động nghẹn ngào : " Trước mặt mọi người vì lễ, đạo, xin Xuyên gọi tôi là Sư Bà, còn nếu chỉ có một mình tôi với Xuyên thì Xuyên muốn gọi tôi là gì cũng được, Xuyên cứ gọi như ý Xuyên muốn " .

Hồi còn nhỏ, lúc còn đi học ở tiểu học, rồi vài năm ở trung học, Ngọc Sướng lúc nào cũng gọi Tôi là Xuyên một cách thân mật, đúng với cái tên Xuyên mà cha mẹ đặt cho ... Kể từ khi Tôi chính thức tỏ tình với Ngọc Sướng và không được chấp nhận ( tức là năm Tôi được 17 tuổi và Ngọc Sướng thì 18 ), thì từ đó, Ngọc Sướng không bao giờ gọi tên Xuyên của Tôi nữa mà chỉ gọi Tôi là ông hoặc nói một cách trống không, mông lung ... và ngày hôm nay, hơn 50 năm ... Ngọc Sướng mới gọi lại tên Xuyên một cách thân mật của ngày nào ... Tôi đã khóc lúc nào không hay ... những giọt nước mắt của Tôi đã rơi và Tôi cũng không biết vì sao Tôi đã khóc ? 

Suy nghĩ một lúc rồi Tôi hỏi Ngọc Sướng : " Làm sao mà Ngọc Sướng biết được Má của Tôi mất và sẽ được đưa về Bến Cát an táng mà tổ chức cho gia đình của chúng tôi một buổi lễ tôn giáo thật trang trọng như hôm nay ? ".
     Ngọc Sướng có vẻ bình tỉnh và trả lời với những lời nói thật rõ ràng : " Xuyên này, việc cô 4 mất ở Mỹ và sẽ đưa về Bến Cát an táng, tin nầy, cả tuần lễ nay, ở xứ Bến Cát nầy hầu như mọi người đều biết cả rồi ... cô 4 vừa mất, Mỹ Dung đã gọi về báo cho tôi, cho Khanh và cho bạn bè của Mỹ Dung ở Bến Cát biết ... Ở đây, mọi người trong nhà và chúng tôi đã chuẩn bị tất cả mọi việc hậu sự cho cô 4 rồi ... gia đình của Xuyên ở đất Bến Cát nầy, từ lâu đời đã là một gia đình lớn, gia đình có tiếng tăm, Thầy và cô 4 luôn luôn được mọi người ở đây yêu thương và quý trọng ... các anh chị em trong gia đình của Xuyên cũng có người học giỏi và có danh phận, có tài ... tôi nghe nói vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Xuyên được bổ nhiệm về làm Quận Trưởng ( 2 ) của quận Bến Cát mình, nhưng vì nhu cầu công vụ Xuyên bị tạm giử lại không về được Bến Cát ... cũng may mắn và tốt cho Xuyên thôi, nếu mà Xuyên về đây ... không biết số mạng của Xuyên đã ra sao, chắc Xuyên đã biết vụ ông xã Bộ, ông xã Tiêu và dượng 6 Tao của Xuyên rồi chứ ... bị giết chết rồi vùi mất xác mà tận đến ngày hôm nay cũng không biết ở đâu ... thật đáng sợ quá ? ".

Tôi hỏi lại Ngọc Sướng : " Sợ gì hả Ngọc Sướng, cùng lắm là chết. Tôi mà chết thì sẽ đem vô nghĩa địa Cầu Bến Củi, nằm cạnh thằng Chơi, rồi sau nầy sẽ có thêm thằng Thường ... mình sinh ra, lớn lên ở đây và khi chết thì lại được chôn ở đây thì còn gì sung sướng hạnh phúc cho bằng hả Ngọc Sướng ? ".

Nghe Tôi nhắc đến tên của thằng Chơi và thằng Thường thì Ngọc Sướng buồn bã nói : " Xuyên ơi, tôi có chung sống với ông Chơi và ông Thường thì tôi mới thấy lời nói của Xuyên là đúng, tôi nhầm lẫm và hối hận vô cùng ... tôi cảm thấy tội nghiệp Xuyên và yêu thương Xuyên thật nhiều ... với ông Chơi, 6 tháng sau ngày cưới là tôi như sống trong địa ngục cho đến ngày đưa ông ấy ra nghĩa trang. Trước khi quyết định chính thức làm vợ ông Thường, tôi nghĩ và hi vọng rằng, ông Thường qua bài học của ông Chơi, ông Thường sẽ yêu thương tôi nhiều hơn ... nhưng lịch sử đã tái diễn ... mà tái diễn còn thậm tệ hơn trước nữa, cũng chỉ hơn 6 tháng ngắn ngủi bên nhau rồi tôi lại sống trong địa ngục ... với ông Chơi, còn chút may mắn khuất mặt khuất mày tận đâu đâu .. còn phần ông Thường thì nó diễn ra tại đất Bến Cát nầy ... gia đình của tôi thật xấu hổ với mọi người, đến nỗi ba má của tôi phải mang bệnh mà chết ... và chính Xuyên cũng đã tận mắt chứng kiến khi Xuyên về Bến Cát thăm chúng tôi trước khi Xuyên đi Pháp ... tôi biết lúc đó Xuyên rất thương và rất tội nghiệp cho tôi, đến nổi Xuyên không dám trở lại từ giã tôi trước khi đi. Hai lần tôi đưa 2 người chồng ra nghĩa trang buồn mà tôi không thể khóc được ... nhưng ngày hôm nay, một mình ngồi trước mặt Xuyên ... nhớ lại những lời yêu thương chân tình mà Xuyên đã nói với tôi cách đây hơn 50 năm, lúc chúng mình còn rất trẻ ... Xuyên ơi, tôi đã khóc, những giọt nước mắt hối hận yêu thương đã lăn trên má của tôi, tôi muốn dành cho Xuyên ... Xuyên ơi, tôi xin lỗi Xuyên, hôm nay, tôi muốn chính thức nói lời yêu thương Xuyên và trả lại sự công bằng cho tình cảm mà Xuyên đã dành cho tôi. Hiện nay, tôi là một ni sư, là người đã tu hành quy y nơi cửa Phật, mà tôi nói những lời nầy với Xuyên là tôi đã và đang có tội đối với các đấng Phật, Trời ...nhưng tôi xin nhận chịu, xin được sám hối và xin được tha tội vì đó là sự thật. Xuyên ơi, cô 4 qua đời là một niềm đau thật to lớn cho gia đình ... nhưng cô 4 tâm nguyện là được đưa về Bến Cát an táng là một điều may mắn cho tôi, là cho tôi được gặp lại Xuyên ... nếu không, thì làm sao tôi được gặp lại Xuyên để nói lên những lời trần tình nầy ... Bây giờ, tôi cảm thấy lòng mình thật thanh thảng, hạnh phúc mặc dù tôi đang có tội với các đấng thiêng liêng. Tôi đã cố tình thu xếp để được gặp riêng Xuyên, tôi nghĩ Xuyên cũng đã hiểu và nhận thấy điều nầy.

Uống một ngụm trà ... Ngọc Sướng nói tiếp : Mỹ Dung đã có bàn mọi việc với tôi, sau đám tang của cô 4, mọi người trở lại Mỹ, Xuyên trở lại Pháp, một mình Mỹ Dung ở lại lo việc xây mộ cho cô 4 và sửa lại mộ của Thầy cho 2 ngôi mộ cùng một kiểu mẫu như nhau, thời gian kéo dài chắc phải khoảng 1 tháng rồi Mỹ Dung trở lại Mỹ. Tháng 7 tới, tất cả mọi người trở về Việt Nam và về Bến Cát, lần nầy kể cả các con, các dâu, rể và các cháu để chính thức cùng thăm và khánh thành mộ của Thầy và cô 4 ... Xuyên nhớ đưa vợ, các con và các cháu về thăm nhà cho tôi có dịp được gặp mặt mọi người. Mọi chương trình lễ nghi thì Mỹ Dung đã biết hết rồi ... bây giờ tôi chỉ cho Xuyên biết một cách tổng quát mà thôi ... Trong vòng 1 tuần lễ, kể từ ngày mai, mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, luôn luôn có 2 ni sư có mặt bên cạnh quan tài của cô 4 để trực tiếp lo việc hoa, quả, nhang đèn, cúng cơm cho cô 4, đồng thời, có bổn phận mở nắp quan tài cho những ai muốn nhìn mặt hoặc nắm tay của cô 4. Trong ngày có 3 thời kinh, sáng từ 10 giờ đến 11 giờ, chiều từ 3 giờ đến 4 giờ và tối từ 7 giờ đến 8 giờ. Những thời kinh nầy do chính tôi chủ trì cùng với 10 ni sư của thiền đường Minh Long, Xuyên và các em lớn như Xuyến, Tâm, Phúc thay phiên nhau có mặt tham dự ... các em nhỏ không bắt buộc có mặt ... riêng Mỹ Dung được hoàn toàn miễn để lo những công việc khác ... thời gian còn lại, ngoài những giờ có thời kinh thì để cho khách, bà con đến viếng, lạy thắp nhang cho cô 4. Ngày cuối cùng, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan MTV / Thiên Môn đến từ Sài-Gòn, tổ chức đưa tiễn cô 4 ra nghĩa trang. Xuyên hãy an tâm cho tang lễ của cô 4, mọi việc đã có chúng tôi, Mỹ Dung và các bạn của Mỹ Dung lo liệu cả rồi. Đặc biệt tối nay, lúc 7 giờ sẽ có một thời kinh đại trà khoảng 1 giờ đồng hồ cho toàn thể con, cháu trong gia đình do tôi làm chủ lễ, tôi đã cho Mỹ Dung biết việc nầy rồi ... Xuyên này, một lần nữa cho tôi xin lỗi ... đừng buồn, giận tôi nha Xuyên ... chúng mình bây giờ ai cũng già hết rồi ... còn được gặp lại nhau, đó là Duyên, là Đức, là Phước, là Hạnh đó nha Xuyên, Xuyên có thắc mắc gì không, cho tôi biết tôi trả lời ...".

Thấy Sư Bà Diệu Ân trình bày mọi việc một cách trôi chảy ... Tôi lợi dụng chỉ có một mình Tôi và Bà, Tôi bèn cười cười hỏi Bà : " Thưa Sư Bà, con thấy ở bên Pháp, các sư ông và sư bà cùng tu chung với nhau dưới một mái chùa, con không biết ở Việt Nam ra sao, nếu có thể được, vài năm nữa con xin phép sư bà, đưa vợ con về Việt Nam rồi vợ chồng tụi con xin vào tu chung với sư bà ở chùa Minh Long cho vui, thưa sư bà ... ".
Sư Bà Diệu Ân bật cười và nói : " Mô Phật, đồ quỷ, đừng đùa giỡn, tội lắm đó nha thí chủ ... thôi xin chia tay, tối nay sẽ gặp lại nhau. Mô Phật "....

Đám tang của thân mẫu chúng tôi đã diễn ra đúng như mọi chương trình đã hoạch định và hoàn tất tốt đẹp...

Tháng 7 năm 2015, Tôi cùng vợ về Bến Cát và tất cả gia đình các em của Tôi về từ Hoa Kỳ để thăm và làm lễ khánh thành mộ phần của phụ mẫu chúng tôi

Trong dịp nầy, tại chùa Minh Long, Sư Bà Diệu Ân có gặp riêng vợ chồng chúng tôi ... Sư Bà Diệu Ân trong tư thế thật trang trọng, bà nói với vợ của Tôi một câu như sau : " Nam Mô A Di Đà Phật. thí chủ là một người có được phận duyên thật tốt, có được một đời sống tình cảm gia đình hạnh phúc an lành, có được một người bạn đời thủy chung hết mực thương yêu mình ... bạch thí chủ, đã hơn 70 tuổi đời mà vẵn còn được vui sướng sống bên nhau ... đó chính là Duyên, là Đức, là Phước, là Hạnh. Xin chúc mừng cho thí chủ và gia đình. Nam Mô A Di Đà Phật ".
Cả 2 chúng tôi cùng chấp tay trước ngực và cùng nói : " A Di Đà Phật. Chúng con xin cám ơn sư bà "....

Đầu tháng 11 năm 2019, Tôi nhận được một TIN BUỒN từ quê nhà Bến Cát : " SƯ BÀ DIỆU ÂN ĐÃ VIÊN TỊCH TẠI THIỀN ĐƯỜNG MINH LONG ". Sư Bà đã qua đời vì chứng bệnh Tim và lễ an táng của sư bà đã được tổ chức trọng thể trong sự thương tiếc của dân chúng tại địa phương Bến Cát ... thân linh của sư bà được an vị dưới chân của Đức Chư Phật của thiền Đường Minh Long.

Nhận được Tin Buồn nầy, Tôi lặng người thật lâu ... nhớ về Bến Cát ... tôi buồn bã đứng dậy cùng vợ của Tôi đến trước bàn thờ Phật, cùng thắp nhang và cầu nguyện cho SƯ BÀ DIỆU ÂN sớm được siêu thoát ...

Buồn bã im lặng ngồi xuống sàn nhà ... và tự nghĩ cho thân phận của mình :
" MUÔN DẶM HỒN THIÊNG VỀ ĐẤT MẸ
TRĂM NĂM XÁC TỤC GỬI QUÊ NGƯỜI."
Ba-Lê, một ngày thật buồn ngày 27 tháng 05 năm 2020....
* Nguyễn Vân Xuyên.

* Ghi chú (1) :
Năm 11,12 tuổi, chúng tôi theo học năm cuối cùng của bậc tiểu học ở trường tiểu học quận Bến Cát. Ông hiệu trưởng mà chúng tôi thường gọi là ông Đốc ( tức là ông Đốc Học ) lúc bấy giờ là ông Dương Văn Tương. Ông Đốc Tương là thân phụ của thằng Dương Quang Thọ, một thằng bạn học cùng lớp ở bậc trung học vơi Tôi sau nầy ở Bình Dương ... Tôi còn nhớ rất rõ là Tôi đã ngồi cùng bàn với thằng Thọ, thằng Minh Rỗ và thằng Trí Thẹo.

Tại trường tiểu học Bến Cát, theo quy định được tổ chức thì có 2 lớp Nhứt, lớp Nhứt A và lớp Nhứt B. ( thời điểm đó, bậc tiểu học có 5 lớp tính từ dưới lên trên theo thứ tự : lớp Năm hay còn gọi là lớp Chót, lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì và lớp Nhứt ).

Mỗi lớp Nhứt có khoảng 30 học sinh gồm có nam lẫn nữ và được cho học chung. Lúc bấy giờ, lớp Nhứt A do thầy Nguyễn Văn Thái phụ trách ( thầy Thái còn độc thân và quê ở Bến Súc ), lớp Nhứt B do thầy Trương Văn Thà phụ trách ( thầy Thà lúc bấy giờ cũng còn độc thân, sau nầy thầy cưới cô Bồ Xuân Sắc, dạy lớp Tư làm vợ. Cả 2 thầy, cô đều cùng quê ở Búng, tức xã An Thạnh quận Lái Thiêu tỉnh Bình Dương ).

Theo như các quy định thông thường thì cuối năm lớp Nhì, trước khi bãi trường, các học sinh được lên lớp Nhứt trong niên khóa tới đã được biết mình sẽ học lớp Nhứt nào rồi.

Vào ngày khai giảng cho năm học mới, các học sinh tự động vào lớp Nhứt của mình, các bạn bè thân thiết thì tự tìm lại với nhau và cùng ngồi chung bàn, các học sinh nam nữ không được quyền ngồi chung một bàn.

Chúng tôi 4 đứa trong nhóm bạn thân thiết tức là Lê Văn Chơi, Trần Văn Thường, Nguyễn Vân Xuyên và Châu Thị Ngọc Sướng được học cùng  lớp Nhứt A của thầy Thái.

Lớp Nhứt A của chúng tôi có tổng cộng 30 học sinh gồm 18 nam và 12 nữ. Tính từ bàn viết của thầy Thái, phía sau có tấm bảng đen to nhìn xuống, có 12 bàn học chia thành 6 bàn bên phải và 6 bàn bên trái, ở giữa có lối đi rộng ngăn cách hai bên, bên phải dành cho nam sinh và bên trái dành cho nữ sinh và mỗi bàn có 3 người.

Phía bên phải của nam sinh, 18 người đã ngồi đầy đủ vào 6 bàn, còn bên phía nữ sinh, chỉ có 4 bàn đầu là 12 người và còn 2 bàn phía sau thì còn trống không có người ngồi.

Khi niên khóa học mới bắt đầu khai giảng, có một sự kiện thật đặc biệt xảy ra cho lớp Nhứt A của chúng tôi ... điều nầy không ai biết trước và cũng không ai nghĩ ra. Người đầu tiên khám phá ra và hô oáng lên và nó gọi đây là " Ý Trời ", đó là thằng Chung Văn Tấn, nó ngồi ở bàn thứ nhì và ngồi ngay phía sau lưng Tôi.

Số là : Ở bàn đầu tiên phía bên phải của nam sinh, có 3 thằng nam sinh ngồi, tính từ ngoài vào theo thứ tự, đó là Lê Văn Chơi, Trần Văn Thường và Nguyễn Vân Xuyên tức là Chơi, Thường, Xuyên.

Về phía bên nữ, bàn đầu tiên đối diện với bàn của chúng tôi có 3 nữ sinh tính từ ngoài vào theo thứ tự là Châu Thị Ngọc Sướng, Phạm Thị Thành Thật và Lê Thị Trí Nhiều tức là Sướng, Thật, Nhiều.

Nếu đọc chung cho 2 bàn cả nam lẫn nữ thì thành câu thơ : Chơi Thường Xuyên, Sướng Thật Nhiều ... Đúng là Ý Trời ... nhưng trong lớp có một thằng Tàu lai tên là Tăng Thêm Tài thì nó bảo đây là một tin tức vô cùng " Động Trời " chứ không phải " Ý Trời ".

Niên học vừa mới bắt đầu khai giảng mà xảy ra biến cố tai hại đặc biệt nầy ... ồn ào, xôn xao, lời qua tiếng lại ... gây náo động cả trường kéo dài cả một tuần lễ. Ông Đốc Tương, thầy Thái, thầy Thà cấp tốc họp kín để tìm giải pháp ổn thỏa cho vấn nạn nầy.

Cuối cùng, một quyết định được ban ra như sau : " Tôi ( Xuyên ), thằng Chơi và 2 nữ sinh mang tên Thật và Nhiều, xách cặp sách, vở sang qua lớp Nhứt B của thầy Thà. Hai anh em thằng Trung thằng Hậu tức là Lê Văn Trung và Lê Văn Hậu cùng 2 nữ sinh mang tên Thanh Xuân và Bích Liễu được chuyển qua lớp Nhứt A của thầy Thái để thay thế chỗ cho chúng tôi.

Mặc dù bị chia cắt, nhưng nhóm bạn 4 người thân thiết của chúng tôi ( Chơi, Thường , Xuyên và Sướng ), ngoài những giờ học trong lớp, chúng tôi vẫn tiếp tục vui đùa bên nhau từ trường học cũng như ở nhà ...Thật vui vẻ ...

Bây giờ Tôi xin được nói vài dòng về những người bạn của Tôi trong thời gian Tôi theo học bậc trung học ở Bình Dương.
Lớp học mà Tôi nhớ rõ ràng và chi tiết nhất là lớp  của Đệ Ngũ trường trung học tư thục Văn An. Trường Văn An do thầy Nguyễn Văn An ( sinh năm 1903 ) làn chủ nhân, đồng thời là Hiệu Trưởng ... và thầy An còn dạy thêm môn Pháp Văn ( phần Grammmaire và conjugaison des verbes )

Lớp học nầy có tổng cộng 40 học sinh ( 18 nữ và 22 nam ). Tôi còn nhớ đầy đủ tên, họ và tuổi tác của tất cả 40 người nầy. Hôm nay, trong bài viết nầy, Tôi chỉ xin nói vắn tắt đến những người bạn có những điểm đặc biệt riêng tư mà thôi.

Thú thực, cũng nhờ lớp học nầy mà Tôi đã được thầy An thương mến, giúp đở tận tình về vật chất cũng như tinh thần trên đường học vấn sau nầy ... có một lần gặp Tôi, Ngọc Dung ( một người bạn học cùng lớp ) đã nói với Tôi như sau : " Xuyên có biết không, Xuyên là người học trò cưng nhất của thầy An đó, thầy An rất thương Xuyên và thường hay hỏi thăm Xuyên ". Số là : năm học Đệ Ngũ đó, Tôi đã thi nhảy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp và may mắn thi đậu và đậu hạng Bình Thứ, làm cho trường Văn An được nổi tiếng ... và sau đó, thầy An khuyến khích thêm cho việc học của Tôi bằng cách bảo người con trai lớn của thầy là anh Nguyễn Trường Xuân ( sinh năm 1930 ) tức là nhạc sĩ Nam Phong, đã từng du học ở Pháp về Âm Nhạc, đang dạy Âm nhạc ở Sài-Gòn về Bình Dương đích thân đưa Tôi xuống Sài-Gòn lo giấy tờ, học bạ, giúp đỡ tài chánh bao lo nơi ăn chốn ở cho Tôi nhảy thẳng lên lớp Đệ Nhị để học thi Tú Tài 1 và sau đó Tú Tài 2 ... và Tôi cũng may mắn, liên tiếp 2 năm thi đậu luôn được Tú Tài 1 và 2 ... rồi được thầy An cho về Bình Dương dạy môn Toán cho trường Văn An ... và Tôi có tên là " Xuyên Học Nhảy " ở Bình Dương trong thời gian nầy.

Trở lại lớp Đệ Ngũ của trường Văn An của chúng tôi lúc bấy giờ, trong số 18 nữ sinh, có 4 người đẹp gọi là Tứ Quý, có tên " Nhứt Nhạn, nhì Dung, tam Hằng, tứ Rắc " , tức là Trần Hồng Nhạn ( ở Úc Châu, nhưng đã qua đời ), Nguyễn Ngọc Dung, còn gọi là Dung Chùa Bà vì nhà ở sau Chùa Bà, Phạm Nguyệt Hằng ( ở Bến Cỏ, Phú Hòa Đông ), chị Nguyễn Thị Rắc ( nhà ở Xóm Đạo, đường Ngô Quyền tỉnh Bình Dương ). Còn nam sinh, có 4 thằng gọi là " Dị Nhân " mang tên " Nhất Ngọc, nhì Ninh, tam Thành, tứ Trí ", tức là Nguyễn Văn Ngọc, còn gọi là Ngọc Brillantine, thằng nầy tướng nhỏ con, mặt mày trắng trẻo, ăn mặc bảnh bao, đầu tóc lúc nào cũng bôi brillantine láng bóng và tóc chải kiểu bảy, ba, phân chia ngay đường thẳng lối, thằng Ngọc, sau nầy trốn lính, vào tu ở chùa Hội Khánh và nó đã viên tịch sau thầy Thích Quảng Đức 10 năm tức là vào năm 1973 ( điều nầy do bạn bè nói lại, không biết có đúng không ), Phạm Vĩnh Ninh tức Ninh Cà Lăm, thằng nầy giọng nói cà lăm nhưng rất ham nói và dành nói trong các cuộc tranh luận, học Kiến Trúc, trung úy Công Binh, chết mất xác trên đường di tản vào tháng 3 năm 1975 tại Đà-Nẵng, Nguyễn Văn Thành, còn có tên là Thành Thi Sĩ, thằng nầy thích nói chuyện văn chưong, học thuộc lòng nhiều bài thơ tình tiền chiến ... nhà ở Bà-Lụa, sau nầy đi theo Việt Cộng làm Trưởng Ban Kinh Tài ... bị lính Trinh Sát của tiểu khu Bình Dương phục kích bắn chết ở khu vực phía sau Thánh Thất Cao Đài ở xã Phú Văn quận Châu Thành tỉnh Bình Dương, Nguyễn Văn Trí tức Trí Thẹo, thằng nầy, hồi nhỏ không biết đã nghịch ngợm như thế nào mà khi bước chân vào lớp thì bên má phải của nó đã có một vết sẹo thật dài ... nhà thằng Trí Thẹo ở Bưng Đĩa, xã Tân Định quận Bến Cát, vùng đất nầy hoàn toàn bị Việt Cộng chiếm đóng và kiểm soát ... thằng nầy đi theo Việt Cộng có bí danh là Sáu Trí, nó chỉ huy lực lượng Ám Sát Biệt Động của Việt Cộng ở vùng Bến Súc, Dầu Tiếng, Bến Cát ... nhiều viên chức xã, ấp ở quận Bến Cát đã bị nó bắt cóc và sát hại ... cái tên Sáu Trí mà khi đi họp hành quân ở chi khu Bến Cát, Tôi đã nghe trung úy Tân, trưởng ban 2 của chi khu Bến Cát nhiều lần nhắc đến với vẻ mặt nể sợ ... đơn vị của Tôi tăng phái cho chi khu Bến Cát và có nhiệm vụ đánh vào xã An Điền. Tôi hoàn toàn không biết thằng Trí Thẹo chính là thằng Việt Cộng có bí danh Sáu Trí mà Tôi chỉ biết là Tôi có một thằng bạn học tên Nguyễn Văn Trí đã đi theo Việt Cộng ... Một định mệnh vô tình của cuộc đời ... Tôi, một sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộnh Hoà đã so kiếm với một thằng Việt Cộng mang bí danh Sáu Trí  tức là thằng Trí Thẹo ... là thằng Nguyễn Văn Trí, bạn học ngày xưa của Tôi, nay nó đã đi theo Việt Cộng.

Cuối cùng thằng Trí Thẹo và một số đồng chí của nó đã bị Toán Thám Báo của đại đội do Tôi chỉ huy bắn hạ tại Cầu Ông Kỳ, xã An Điền quận Bến Cát.

Hạ Sĩ 1 Nguyễn Minh Thoại, Trưởng Toán Thám Báo của đại đội, hướng dẫn Tôi đến xem những xác chết  và súng đạn của Việt Cộng được gom lại.

Đưa cho Tôi cây súng K.54 và một cái bóp nhỏ đựng tiền bạc, giấy tờ, hạ sĩ 1 Thoại nói : " Thưa trung úy, em lấy cây K.54 và cái bóp của thằng Việt Cộng chỉ huy là thằng trên mặt nó có một vết sẹo dài.

Nhìn kỹ thằng Việt Cộng chỉ huy, có một vết sẹo dài trên má, Tôi giật mình choáng váng nhận ra ngay đó là thằng Nguyễn Văn Trí tức là thằng Trí Thẹo, bạn học ngày xưa của Tôi ... Tôi mở cái bóp nhỏ ra xem ... Tôi nhìn thấy 1 tấm hình nó chụp lúc còn trẻ ở tiệm chụp hình Đại Đồng ở hông chợ Bình Dương ( phía trên, góc trái của tấm hình, có in 2 chữ Đại Đồng ).

Xếp cái bóp lại, Tôi thở ra một hơi thở thật mạnh rồi nói với hạ sĩ 1 Thoại : "  Thoại, tao giữ lấy cây K.54 và cái bóp, mầy ở đây, chờ trung úy Tân của chi khu Bến Cát đến, mầy trực tiếp bàn giao mọi việc cho ông ta và bảo ông ta không cần gặp tao ... xong mọi việc thì gom quân và mình rút quân về chợ Bến Cát ".

Nói xong, Tôi buồn bã, im lặng đi ngược trở lại vị trí đóng quân của bộ chỉ huy đại đội.
Một lúc sau ... Thoại dẫn lính đến gập Tôi và nói : " Thưa trung úy, mọi việc đã xong. Ông trung úy Tân nhìn xác mấy thằng Việt Cộng, ông có vẻ vui mừng và nói với mấy thằng lính đi theo ông " tụi bây ơi, thằng Sáu Trí đã chết rồi ... tuyệt vời ... tuyệt vời ".

Nghe Thoại nói như thế, Tôi im lặng không trả lời và nghĩ rằng : " Thằng Trí Thẹo, bạn của Tôi, đúng là thằng Việt Cộng với bí danh Sáu Trí mà Tôi đã nghe trung úy Tân nói trong lúc họp hành quân ... và bây giờ thằng Thoại cũng nghe ông nói và nó lập lại cái tên nầy với Tôi ... đúng là thằng Nguyễn Văn Trí đi theo Việt Cộng đã thực sự chết rồi ... Việt Nam ... Quê Hương ... Tình Người ... Thảm Trạng và Đau Thương ...
* Ghi chú (2) :
Các cấp lãnh đạo và chỉ huy cao cấp của tỉnh Bình Dương vào cuối tháng 4 năm 1975 :

*   *   *
   
- Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Bình Dương : Đại Tá Nguyễn Văn Của ( Khóa 7 Võ Bị Đà-Lạt ).
- Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh : Ông Đốc Sự Hành Chánh Võ Tấn Vinh.
- Tiểu Khu Phó kiêm Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu Bình Dương : Trung Tá Kiều Tấn Ứng.
* Quận Trưởng kiêm  Chi Khu Trưởng Châu Thành : Thiếu Tá Nguyễn Chí Hiền ( khóa 17 SQTB/Thủ Đức).
* Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Lái Thiêu : Trung Tá Nguyễn Thế Bình.
* Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Phú Giáo : Thiếu Tá Nguyễn Văn Hải ( khóa 21 Võ Bị Đà-Lạt ).
* Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Phú Hoà : Thiếu Tá Châu Xuân Lộc ( khóa 8  SQTB/Thủ Đức ).
* Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Trị Tâm ( Dầu Tiếng ) : Thiếu Tá Nguyễn Văn Quý.
* Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Bến Cát : Thiếu Tá Nguyễn Kỳ Sương ( khóa 16 Võ Bị Đà-Lạt ).
*   *   *
Xin được thưa rằng : Ở tỉnh Bình Dương của chúng tôi, từ các thế hệ đàn anh, thế hệ của chúng tôi và các thế hệ đàn em sau nầy, đã có rất nhiều người xuất thân từ Trường Quốc Gia Hành Chánh ( trước đó gọi là Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ) ... theo như Tôi biết ( có thể sai sót ), có các anh Nguyễn Thành Nhơn ( Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh tỉnh Biên Hòa ), anh Nguyễn Thanh Cần ( Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh tỉnh Phong Dinh, tức Cần Thơ. Anh Cần có một người em trai là anh Nguyễn Hữu Của ... anh Của + Chị Kim Sa hiện sống định cư tại Hoa Kỳ. Anh Của là Hội Trưởng hội Ái Hữu Đồng Hương Bình Dương Hải Ngoại, đồng thời là Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút Đặc San Bình Dương ... anh Của còn là thành viên của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam tại Hải Ngoại và Hoa Kỳ ... là tác giả của nhiều quyển sách xuất bản tại hải ngoại.

Riêng anh Võ Tấn Vinh ( ở Hoa Kỳ nhưng đã qua đời), anh là con trai của ông Đông Y Sĩ Võ Văn Chẩm, một Đông Y Sĩ giỏi và rất nổi tiếng ở tỉnh Bình Dương trước năm 1975. Anh Vinh còn có những người em trai là anh Giáo Sư Võ Tấn Phước tức nhà văn Võ Kỳ Điền, anh Dược Sĩ Võ Tấn Đức và bạn Võ Tấn Tài ... theo Tôi nghĩ, Tôi cùng thế hệ trung học với bạn Võ Tấn Tài ... ngoài ra còn có những bạn khác mà Tôi còn nhớ như Thân Văn Tạo, Dương Náo, Huỳnh Kim Phi, Nguyễn Văn Phát Thanh, Vương Thế Đức ... .... Nguyễn Văn Diệp ( vợ của Diệp là Lê Thị Kiều và Kiều là con gái thứ Bảy của ông bà thầy giáo Lê Văn Kỹ. Trong gia đình nầy còn có : anh hai Lưỡng tức Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù QL/VNCH, chị ba Thanh, tức cô giáo Lê Thị Ngà, anh năm Minh, tức Thiếu Tá Lê Quang Minh, khóa 12 SQTB/ Thủ Đức, Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Thạnh Phú tỉnh Kiến Hòa ( Bến Tre ), chị sáu Nguyệt tức Lê Thị Nguyệt, em bảy Kiều tức Lê Thị Kiều và em út Phước tức Lê Quang Phước, du học Hoa Kỳ trước năm 1975 và sau 1975, có thời là chủ nhân Trung Tâm Băng Nhạc Người Đẹp Bình Dương ở Hoa Kỳ ... Tôi ( Nguyễn Vân Xuyên, trong thời gian theo học bậc Trung Học đã có thời ở trọ học tại nhà của bà giáo Lê Văn Kỹ ) ... Xin được nhắn riêng với bạn Nguyễn Văn Diệp : " Diệp ơi ! thằng Nguyễn Văn Tới tức thằng Tới Biệt Động Quân, bạn của tụi mình, quê ở Bến Cát với Tôi, nó đã QUA ĐỜI năm 2018 ở Bến Cát ... trước đây, có lúc, Tôi đến Hoa Kỳ thăm gia đình, ăn cơm ở nhà Diệp Kiều (do 2 bạn mời), lúc đó, có Dương Náo, anh Ngôi + Ngọc Dung .... Diệp có hỏi thăm Tôi về thằnh Tới, lúc đó nó còn sống ... giờ đây, nó đã bỏ bạn bè, đồng đội ... thuyên chuyển về Vùng 5 Chiến Thuật ... đến trình diện Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân để nhận nhiệm vụ mới ... 

* Ghi chú (3) : Quận Bến Cát tỉnh Bình Dương từ năm 1960 đến năm 1975 có những vị Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Bến Cát như sau :

1). Đại Úy Hồ Văn Hùng. (1960 - 1962) : Tốt nghiệp khóa 9 Võ Bị Đà-Lạt, gốc Thiếu Sinh Quân, cấp bậc cuối cùng là Trung Tá.

2). Trung Úy Huỳnh Văn Lương. (1962 - 1964) : Gốc ở Sư Đoàn 5 Bộ Binh, ông thăng cấp Đại Úy năm 1963, sau trở lại Sư Đoàn 5 Bộ Binh, làm Tiểu Đoàn Trưởng, bị tử trận hy sinh, truy thăng cố Thiếu Tá. Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 5 BB ở quận Lái Thiêu mang tên của ông, đó là Trung Tâm Huấn Luyện Huỳnh Văn Lương.

3). Đại Úy Lê Nguyên Vỹ. ( 1964 -1966 ) : Tốt nghiệp khóa 2 ( Lê Lợi ) trường Võ Bị Địa Phương, Huế năm 1951, gốc ở Sư Đoàn 5 Bộ Binh, trong thời gian đảm nhiêm chức vụ ông được thăng cấp Thiếu Tá, trở lại Sư Đoàn 5 BB, ông đảm nhiệm chức vụ Trung Đoàn Trưởng và được thăng cấp Trung Tá, rồi Đại Tá. Với cấp bậc Đại Tá, ông làm Tư Lệnh Phó rồi làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB và thăng Chuẩn Tướng. Ông tự sát ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB tức Căn Cứ Lai Khê thuộc quận Bến Cát tỉnh Bình Dương.

4). Đại Úy Nguyễn Thế Bình. ( 1966 -1968 ) : Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ ông được thăng cấp Thiếu Tá. Sau cùng, ông là Trung Tá Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Lái Thiêu tiểu khu Bình Dương.

5). Thiếu Tá Trương Bảo Thiện. ( 1968 -1970 ) : Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ ông được thăng cấp Trung Tá. Sau cùng, ông là Trung Tá Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Nhơn Trạch tiểu khu Biên Hòa.

6). Thiếu Tá Hồ Ngọc Quang. ( 1970 - 1971 ) : Trong thời gian đảm nhậm chức vụ ông thăng cấp Trung Tá.

7). Đại Úy Phan Mạnh Tuân. ( 1971 - 1973 ) : Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ ông được thăng cấp Thiếu Tá và cấp bậc sau cùng là Thiếu Tá thuộc tiểu khu Long An, quân đoàn 3, quân khu 3.

8). Thiếu Tá Nguyễn Kỳ Sương. ( 1973 - 22.4.1975 ) : Tốt nghiệp khóa 16 Võ Bị Đà-Lạt. Theo công lệnh của Bộ Nội Vụ và của Quân Đoàn 3, Quân Khu 3, Thiếu Tá Nguyễn Kỳ Sương đảm nhiệm chức vụ Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Bến Cát của tiểu khu Bình Dương đến ngày 22 tháng 4 năm 1975, nhưng vào giờ chót, Thiều Tá Sương, tiếp tục đảm nhiệm chức vụ nầy cho đến ngày 30.4.1975 và ông bị bắt cùng một số sĩ quan thuộc Chi Khu Bến Cát, bị giam tại Bến Cát, sau đó họ bị giải giao về giam ở Trung Tâm Cải Huấn tỉnh Bình Dương ( đường Đinh Bộ Lĩnh ). Và ngày 30.4.1975, tại Bến Cát, ông Vương Văn Bộ, xã trưởng xã Mỹ Phước, ông Nguyễn Văn Tiêu, xã trưởng xã  Lai Hưng, trung sĩ 1 Lê Văn Tao, trưởng tiểu ban thẩm vấn thuộc ban 2 của Chi Khu Bến Cát, cả 3 người bị Việt Cộng xử tử và vùi chôn mất xác cho tận đến ngày hôm nay.

9). Đại Úy Nguyễn Vân Xuyên. ( Khóa 26 SQTB/ Thủ Đức ) : Trưởng Ban Truyền Tin của Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp thuộc Tổng Cục Quân Huấn Bộ TTM/ QLVNCH, đồn trú tại tỉnh lỵ Phước Tuy ( Bà-Rịa ), được công lệnh bổ nhiệm của Bộ Nội Vụ và của Quân Đoàn 3, Quân Khu 3, đảm nhiệm chức vụ Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Bến Cát của tiểu khu Bình Dương kể từ ngày 23.4.1975, nhưng vào giờ chót bị giữ lại vì nhu cầu công vụ, tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Truyền Tin của TTHL/Quốc Gia Vạn Kiếp cho đến ngày 30.4.1975 ... và BIẾN CỐ ĐAU THƯƠNG ngày 30.4.1975 đã đến với MIỀN NAM VIỆT NAM.

Aucun commentaire: