Hai tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg mới xuất
bản một cuốn sách nhan đề "Hidden Hand" (Giấu tay). Cuốn sách là
một công trình sưu khảo công phu về những cuộc xâm
lăng và khuynh đảo của Trung Cộng vào hệ thống chánh trị, kinh tế, khoa học,
văn hoá, và truyền thông ở các nước phương Tây. Có thể xem đó là cuộc xâm
lăng mềm, với tiền là phương tiện chánh. Đây là một cuốn sách hết sức thú
vị,
cung cấp rất nhiều thông tin mang tính mở mắt cho những ai quan tâm đến thời cuộc
và sự ảnh hưởng của Trung Cộng trên trường quốc tế, kể cả Việt Nam. Bài điểm sách này sẽ điểm qua những nội dung chánh, và chia sẻ vài thông điệp chánh trong cuốn sách.
cung cấp rất nhiều thông tin mang tính mở mắt cho những ai quan tâm đến thời cuộc
và sự ảnh hưởng của Trung Cộng trên trường quốc tế, kể cả Việt Nam. Bài điểm sách này sẽ điểm qua những nội dung chánh, và chia sẻ vài thông điệp chánh trong cuốn sách.
Ở Úc, tuần vừa
qua xảy ra một biến cố chánh trị làm cho cuốn sách này trở nên tâm điểm của thời
cuộc. Một Thượng nghị sĩ Úc tên Shaoquett Moselmane (gốc Lebanon) bị cảnh sát
xét nhà riêng sau một thời gian bị cơ quan tình báo Úc ASIO điều tra về những mối
liên hệ giữa ông với Đảng Cộng sản Trung Cộng. Ông dân biểu đã là đối tượng được
báo chí theo dõi về mối liên hệ giữa ông và Đảng Cộng sản Trung Cộng. Từ năm
2018, ông và người phụ tá là John Zhang (gốc Tàu) có những phát biểu ủng hộ nhà
cầm quyền Trung Cộng và chỉ trích những chánh sách cứng rắn của Úc đối với
Trung Cộng.
Báo chí Úc cho
biết nếu chứng cớ từ cuộc điều tra đầy đủ, ông dân biểu này có thể bị truy tố
ra toà về tội giúp cho thế lực nước ngoài can thiệp vào chánh trường Úc. Nếu bị
truy tố thì đây là trường hợp đầu tiên về trên thế giới về sự can thiệp của nước
ngoài vào chánh trường địa phương. Những gì diễn ra trong trường hợp của vị dân
biểu này có thể nói là rất phù hợp với những chiến lược gây ảnh hưởng của Trung
Cộng trong các thể chế dân chủ ở phương Tây.
Chiến tranh
Lạnh
Từ điển tiếng
Anh định nghĩa Hidden Hand là thế lực gây ra những tác động
tiêu cực. Hidden Hand cũng có thể hiểu là những người ở vào vị trí quyền lực
cao nhứt nhưng giấu mặt. Hidden Hand cũng có thể là một hội ái hữu kiểm soát một
mạng hội kín, và những hội kín này thực hiện những mệnh lệnh của thế lực cấp
trên. Thường, những người thực hiện mệnh lệnh không biết ai là người ra lệnh.
Có lẽ mượn ý
nghĩa đó, nên hai tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg (H&O) đặt tựa đề
cho cuốn sách mới là Hidden Hand [1] để mô tả những hoạt động
của Đảng Cộng sản Trung Cộng (CCP) nhằm lũng đoạn chánh trường phương Tây và
thiết lập một trật tự thế giới mới theo ý tưởng của những kẻ điều hành CCP, mà
người đứng đầu hiện nay là Tập Cận Bình.
Tại sao Hidden
Hand? Thật ra, đây là cuốn sách nối tiếp cuốn Silent Invasion (Cuộc
xâm lăng thầm lặng) công bố vào năm 2017 mà tôi có điểm sách [2]. Silent
Invasion viết về những chiêu trò xâm lăng vào Úc của CCP, còn Hidden
Hand thì viết về cuộc xâm lăng của CCP vào các nước phương Tây. Cuộc
xâm lăng này diễn ra trên tất cả lãnh vực, từ chánh trị, kinh tế, khoa học –
công nghệ, gián điệp, đến văn hoá.
Cứ mỗi lần Mỹ
hay Úc nêu những hành động hung hãn của Trung Cộng ở Biển Đông (hay bất cứ nơi
nào trên thế giới), thì phía Trung Cộng đều cho viên phát ngôn than phiền rằng
Mỹ dùng ngôn ngữ thời Chiến tranh Lạnh, là khơi dậy chủ nghĩa McCarthy. Mới
đây, trong lúc mối quan hệ ngoại giao giữa Úc và Trung Cộng hơi căng thẳng,
viên phát ngôn Tàu cũng nói rằng Úc hành xử như thời Chiến tranh Lạnh.
Ngoài miệng thì
than phiền như thế, nhưng về thực chất thì Trung Cộng đã thực hiện Chiến tranh
Lạnh từ … 30 năm trước. Theo H&O, Trung Cộng sau thời chế độ Xô Viết sụp đổ
tự xem mình bị vây hãm bởi các kẻ thù, và những kẻ thù này cần bị đánh bại và
vô hiệu hoá. Để đánh bại kẻ thù, CCP đã phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh từ
thập niên 1990!
Trong Lời
nói đầu, tác giả cho biết nhiều người trong giới trí thức ở phương Tây đánh
giá thấp hay bác bỏ sự đe doạ của Trung Cộng đối với nền dân chủ phương Tây.
Hai tác giả cho rằng đó chính là lí do tại sao họ viết Hidden Hand.
Nói cách khác, tác giả muốn ‘giáo dục’ những ai còn ngây thơ với mối đe doạ từ
Trung Cộng.
Sách bao gồm 13
chương, bàn những vấn đề về sự vận hành và tổ chức của CCP, cách thức mà nó
tranh thủ vận động trong và ngoài nước qua mạng lưới công an và gián điệp, các
biện pháp kiểm soát hệ thống truyền thông, các chương trình lũng đoạn thông tin
ở phương Tây, và ý tưởng thay đổi trật tự thế giới. Nội dung chánh của sách chỉ
chừng 270 trang, nhưng phần tham khảo và bị chú chiếm 130 trang, chứng tỏ tác
giả đã đầu tư rất nhiều công sức và thời giờ vào việc soạn thảo cuốn sách.
CCP và những người
bạn
CCP đã xây dựng
hẳn một mạng lưới ảnh hưởng trên đất Mỹ từ thập niên 1970. Họ có khả năng và đã
mua chuộc rất nhiều kí giả, nhà khoa học, học giả, thậm chí chánh trị gia và những
nhà vận động làm việc cho họ. Cả Joe Biden và Donald Trump đều xem mình là
"bạn" của Tập Cận Bình. Dưới thời Obama, Mỹ đã đứng khoanh tay nhìn
Trung Cộng xây dựng những công trình quân sự trên Biển Đông, vì Obama cũng đánh
giá thấp mối đe doạ của Trung Cộng. John Bloomberg, ứng cử viên Phó tổng thống
Mỹ, cũng có thể xem là một người bạn thân của Tập. Chẳng những các chánh khách,
mà gia đình của họ (như gia đình của Donald Trump, con rể Jared Kushner và con
gái Ivanka Trump) cũng là bạn thương mại với Trung Cộng. Trung Cộng đã có những
người bạn như thế giúp cho họ đạt được những mục tiêu dài hạn.
Nhưng đừng tưởng
rằng Trung Cộng xem mọi người bạn như nhau. Đối với CCP, cái gì cũng được phân
nhóm, và bạn bè cũng được phân nhóm. Phân nhóm để có chánh sách đối phó và đối
xử. Đối với người ngoại quốc, CCP chia thành 4 nhóm như sau:
· Nhóm 1
là những người bạn. Đây là những người đồng ý với và ủng hộ chủ trương của
CCP hết mình. Họ thường được trích dẫn trên hệ thống truyền thông của TC;
· Nhóm 2
là những người bạn có thể tin được. Họ thường là những người trong giới
doanh nhân mà CCP có thể dựa dẫm vào, nhưng không thể tin tưởng;
· Nhóm 3
là những học giả và giới kí giả. Đây là những người yêu Trung Cộng, nhưng
biết rõ những chiêu trò xấu và bẩn của cộng sản và CCP;
· Nhóm 4
là ‘kẻ thù’. Đây là những người yêu Trung Hoa và văn minh Trung Hoa,
nhưng ghét cộng sản. Đây là những kẻ mà CCP sẵn sàng bôi nhọ mỗi khi có dịp;
· Nhóm 5
là ‘thờ ơ’. Đây là những người không biết và không cần biết về Trung Cộng.
Trong cái nhìn của CCP, đây là những người có ích và có thể gây ảnh hưởng bằng
cách mời họ xuất hiện trong các dịp lễ lạt để tạo ra ấn tượng tốt.
Trong một chương
viết về cách CCP lũng đoạn các quan chức ngoại giao nước ngoài, H&O cho biết
các Đại sứ khi mới tới Trung Cộng, họ trước hết bị ‘cách li’ với các nhân vật
cao cấp trong CCP. Sau đó một thời gian, họ sẽ nhận được tin nhắn rằng một quan
chức cao cấp trong CCP muốn gặp họ. Mục tiêu là làm cho người được mời đến gặp
cảm thấy mình ‘đặc biệt’, được tin cẩn, và có thể tiếp cận những thông tin mà
người khác không có. Tuy nhiên, đó chỉ là một chiêu trò tâm lí để khai thác đối
phương!
Khi cần đe doạ,
Trung Cộng dùng ngôn ngữ mơ hồ, mù mờ, để cho đối tượng tha hồ đoán. Thật ra,
đây là một chiêu trò của người cộng sản Tàu, vì sự mơ hồ có tác dụng gây sợ hãi
nhiều người, và ai cũng có thể là những kẻ thù của chế độ.
Đảng và
doanh nghiệp: hôn phối chánh trị
Trong chế độ
Trung Cộng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đảng là một cuộc hôn phối chánh trị.
Mối liên hệ giữa các cán bộ cao cấp trong đảng và doanh nghiệp diễn ra 2 chiều:
cá nhân và chánh trị. Các cán bộ cao cấp trong đảng hoặc gia đình của họ đều đứng
đằng sau hay có quyền lợi tài chánh với doanh nghiệp, và họ hưởng lợi từ doanh
nghiệp. Trong mỗi doanh nghiệp cấp trung và lớn đều có chi bộ của CCP, và chi bộ
chính là nhóm người định hướng, thậm chí điều hành, doanh nghiệp. Các doanh
nghiệp có cán bộ của đảng ‘bảo trợ’ thường làm ăn khấm khá, và họ được ưu tiên
nhiều lãnh vực, kể cả đóng thuế ít hơn các công ti ngoài đảng. Công cuộc chống
tham nhũng mà Tập Cận Bình phát động thật ra chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể đến
các doanh nghiệp do CCP bảo trợ.
Có thể nói tất cả
các nhân vật đứng đầu các tập đoàn lớn (như Alibaba, Baidu, Huawei, Tencent, v.v.) đều là đảng viên của
CCP hay tỏ lòng trung thành tuyệt đối với CCP. Richard Liu (được xem là một
Jeff Bezos của Trung Cộng) từng nói rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ thành hiện thực
trong thế hệ này. Xu Jiayin, một đại gia bất động sản tuyên bố rằng "tất
cả những gì tập đoàn sở hữu là do Đảng cho". Đại gia kĩ nghệ nặng
Liang Wengen thì cảm tính hơn khi nói "cuộc đời của tôi thuộc về Đảng".
Trong quan hệ
doanh nghiệp nước ngoài, CCP còn cài đặt người vào các thiết chế kinh tế của Mỹ
và Âu châu. Một trong những thiết chế mà CCP nhắm tới để gây ảnh hưởng là Wall
Street. Trong chuyến viếng thăm Mỹ, Thủ tướng Trung Cộng không tới Washington
trước, mà đến New York, nơi mà ông có những cuộc hội kiến bận rộn với các nhân
vật trong hệ thống tài chánh Mỹ. Những sếp của các tập đoàn lớn như JP Morgan,
Merrill Lynch, Morgan Stanley, Dow Jones, Goldman Sachs, Citigroup, Bank of
America, v.v. đều được tiếp đón trọng thị. Sau lần tiếp đón là hàng loạt hợp đồng
thương mại trị giá tỉ USD được kí kết.
Nhưng CCP còn
nghĩ đến thế hệ tương lai, và các thiết chế tài chánh Mỹ là mục tiêu. Câu lạc bộ
công tử và tiểu thơ (princelings) là một nhóm trong chương trình này. Chẳng hạn
như tập đoàn JP Morgan có một chương trình có tên là "Sons and
Daughters Program" (nhưng các tập đoàn Mỹ lớn đều có những chương
trình tương tợ) nhằm nâng đỡ các con cháu của các cán bộ cộng sản cao cấp từ
Trung Cộng. Chẳng hạn như Goldman Sachs chỉ riêng năm 2013 đã có 25 con cháu cộng
sản, trong đó có cả cháu nội của Giang Trạch Dân (Jiang Zemin). Merrill Lynch
và Citigroup cũng có nhiều nhân viên là các công tử và tiểu thơ của CCP, kể cả
con dâu của Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang). Morgan Stanley thì mướn con trai của
Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) và con gái của Chủ tịch Ngân hàng Phát Triển Chen
Yuan. Đây là những công tử và tiểu thơ đã hoặc đang theo học tại các trường
hàng đầu của Mỹ. Có thể nói [chương trình] "Sons and Daughters
Program" hoặc tương tợ là nơi ươm mầm cho thế hệ elite tài chánh tương lai
của Trung Cộng.
Hoa kiều vụ
Hiện nay, có khoảng
50 đến 60 triệu Hoa kiều ở nước ngoài. CCP xem đây là một nguồn lực rất quan trọng
trong chiến lược ảnh hưởng thế giới. Trong 3 thập niên qua, Trung Cộng đã có
nhiều biện pháp và chương trình nhằm kéo những Hoa kiều về ‘đất mẹ’ bằng cách
này hay cách khác. Một trong những tổ chức quan trọng nhứt của CCP là "Mặt
trận Đoàn kết" (United Front), với nhiệm vụ chánh là quản lí Hoa kiều và
cái mà họ gọi là "qiaowu" (Hoa kiều vụ). Hai cơ quan phụ trách
việc hiện các chánh sách là Cục Người Hoa ở Nước Ngoài, viết tắt là OCAO (rất
giống với "Uỷ ban Người Việt ở nước ngoài" của Việt Nam). Tuy nhiên,
mạng lưới tổ chức thì phức tạp hơn nhiều so với những gì tôi mô tả (có thể xem
trang 124-125 để thấy sơ đồ tổ chức nhằm khuynh đảo Hoa kiều).
Một số trong cộng
đồng Hoa kiều ở nước ngoài trở thành không chỉ là những tiếng nói của CCP, mà
còn một lực lượng đe doạ những ai dám thách thức sự đàn áp của Trung Cộng. Những
thành viên của Pháp Luân Công bị sách nhiễu và đe doạ bởi những "Hoa kiều"
ở New York là một ví dụ. Sinh viên gốc Duy Ngô Nhĩ nói về sự tàn ác của CCP cũng
bị sinh viên Trung Cộng đe doạ. Một số Hoa kiều ‘độc lập’ (tức không dính dáng
gì đến CCP) cũng bị đe doạ và cô lập. Ở Đức, sự lộng hành của các Hoa kiều thân
Cộng nghiêm trọng đến nỗi có Hoa kiều độc lập cho rằng họ xem Đức như là một
sân vườn của Đảng Cộng sản Trung Cộng!
Một chiến lược của
CCP là khuyến khích và hỗ trợ cho Hoa kiều tham chánh trong chánh trường địa
phương, họ gọi chương trình này là "huaren canzheng" (Hoa kiều tham
chánh). Qua chương trình này, CCP giới thiệu những ứng viên gốc Hoa nhưng thân
Cộng (dĩ nhiên) ra ứng cử cấp địa phương, bang, và thậm chí liên bang. Họ đã
thành công đưa Hoa kiều vào những vị trí quan trọng ở Anh, Úc, và vài địa
phương ở Mỹ.
Mạng lưới gián
điệp: phi chánh thống
Các trung tâm
gián điệp phương Tây thường chỉ tập trung vào những việc như đánh cắp tài liệu
mật của chánh phủ và quân sự, bằng cách tuyển mộ những điệp viên hay cài điệp
viên vào chánh phủ và cơ quan quân sự. Nhưng hoạt động gián điệp của Trung Cộng
vượt ra ngoài biên giới truyền thống đó và bao gồm luôn cả đánh cắp thông tin mật
từ các công ty kỹ nghệ, tập đoàn kinh tế, và cả tổ chức dân sự.
Hệ thống tổ chức
gián điệp và tình báo của Trung Cộng phức tạp hơn nhiều so với các chánh phủ
phương Tây. Ở cấp trung ương có 2 cơ quan tình báo quan trọng là Tổng cục I (trực
thuộc Bộ Công an) và Tổng cục II (còn gọi là 2PLA, thuộc Bộ Quốc phòng). Tổng cục
I về chức năng thì tương đương với CIA và FBI cộng lại, nhưng còn có quyền lực
chánh trị. Tổng cục II dùng nhà báo, học giả, và nhà ngoại giao làm bề mặt để
hoạt động, và cũng có quyền lực chánh trị. Ngoài hai cục đó, Trung Cộng còn có
những Cục khác như Cục 10 (lo các vấn đề ở nước ngoài), Cục 11 (liên quan đến
các ‘think tank’, viện nghiên cứu), Cục 12 (lo về các vấn đề xã hội), v.v. Theo
FBI, chỉ riêng Cục 12 đã thành lập hơn 3000 công ti làm bình phong cho những hoạt
động gián điệp trên thế giới.
Các ‘ổ’ gián điệp
Trung Cộng không chỉ tuyển dụng người trong nước, mà còn tuyển dụng người nước
ngoài và áp dụng các thủ thuật tâm lí để gây áp lực đến nạn nhân. Vào thập niên
1990, cẩm nang của MI5 (cơ quan tình báo Anh) dành cho các doanh nhân làm ăn ở
Trung Cộng có cảnh báo rằng không nên nhận những món quà quá mức, và cảnh giác
với những lời tâng bốc tận mây xanh. Chiến thuật của tình báo Trung Cộng là làm
cho nạn nhân mang nợ bằng những món đắt tiền hay mỹ nhân kế, để nạn nhân tự cảm
thấy có nghĩa vụ phải đáp nghĩa. Hình thức đáp nghĩa có thể đưa nạn nhân vào
vòng tay của các ổ gián điệp Trung Cộng.
Cục tình báo Úc
(ASIO) cũng hay cảnh báo giới ngoại giao và doanh nhân Úc về những chiêu trò
theo dõi của an ninh Trung Cộng. ASIO khuyên tất cả các thành viên trong đoàn
không dùng charger điện thoại của khách sạn, không dùng bất cứ USB nào được cho
làm quà, không bao giờ để máy tính cá nhân trong phòng khách sạn, v.v. Một hình
thức hăm doạ khác là meinren ji, dùng hình ảnh của nạn nhân
trong những tình huống khó xử (có khi là hình ảnh ghép, sửa) làm cho nạn nhân
rơi vào vòng kìm toả của gián điệp Trung Cộng.
Truyền thông:
"Họ của chúng tôi là Đảng"
Chương 9 của cuốn
sách là một trong những chương thú vị, vì trong đó tác giả bàn về hệ thống truyền
thông của CCP. Đây là chương ‘mở mắt’ cho nhiều người phương Tây, nhưng có lẽ
chẳng làm ngạc nhiên ai đã quen với sự kiểm soát hệ thống truyền thông của đảng
cộng sản. Nói ngắn gọn và ví von, tất cả nhà báo Trung Cộng chỉ có 1 họ duy nhứt:
Đảng.
Ai cũng biết CCP
kiểm soát hệ thống truyền thông một cách toàn diện, không chỉ trong nước mà còn
ở nước ngoài. Sự trung thành của giới báo chí đối với CCP là tuyệt đối. Ban Tư
tưởng của CCP thường xuyên gởi chỉ thị cho tất cả các báo và đài mỗi tuần, hướng
dẫn vấn đề gì cần được đề cập và đề cập như thế nào, ai cần được nhắc đến hay
không nên nhắc đến, và hệ thống phải tuân thủ tuyệt đối; họ không có lựa chọn.
Nếu hệ thống
truyền thông không tuân thủ, thì họ sẽ bị phạt. Hình phạt có thể chỉ là cảnh
cáo, nhưng cũng có khi cả ‘sanh mạng chánh trị’. Chẳng hạn như năm 2015, 4 kí
giả Trung Cộng bị phạt vì họ đánh vần sai vài chữ trong bài diễn văn của Tập Cận
Bình làm cho người đọc hiểu rằng Tập Cận Bình sắp từ chức. Trong cùng năm, một
kí giả chuyên về tài chánh bị bắt vì anh ta công bố những con số thật (nhưng đối
với CCP thì đó là những thông tin nguỵ tạo).
Ngay từ 1955,
Mao Trạch Đông đã huấn thị cho Tân Hoa Xã rằng phải "quản lý toàn cầu",
và phải "làm cho cả thế giới nghe tiếng nói của Trung Cộng". Thời của
Mao thì Tân Hoa Xã tập trung vào việc tuyên truyền ở Á châu và Phi châu, nhưng
dưới thời Tập Cận Bình thì cánh tay của Tân Hoa Xã vươn ra Âu châu và Mỹ châu.
Tính từ năm 2009 đến nay, Tân Hoa Xã đã có 180 văn phòng ngoài Trung Cộng, với
tổng hành dinh vùng đặt ở New York, Brussels, Hồng Kong, Moscow, Cairo, Vạn Tượng
(Lào), và Mexico City. Từ 2010, Tân Hoa Xã có hẳn một kênh CNC World (cạnh
tranh với CNN?) truyền tin bằng tiếng Anh đến thế giới.
Ngoài Tân Hoa
Xã, Trung Cộng còn có tờ nhựt báo China Daily (tiếng
Anh). China Daily được thành lập vào năm 1981, với sự giúp đỡ
của nhựt báo The Age của Úc và tài trợ từ Chánh phủ Úc. Tờ China
Daily nhận chỉ thị từ CCP qua Cục Thông tin Quốc gia để quảng bá quan
điểm của CCP và thông tin từ Trung Cộng đến thế giới.
CCP còn tích cực
huấn luyện ký giả từ các nước đang phát triển. Theo "Reporters without
Orders" hàng vạn ký giả từ các nước nghèo (như Việt Nam) được Tân Hoa Xã
tài trợ để tham dự các lớp tập huấn do Ban Tư tưởng của CCP tổ chức. Những ký
giả này sẽ là những "sứ giả" cho CCP và qua đó phát huy ‘quyền lực mềm’
của Trung Cộng.
Một chiến lược
truyền thông khác của Trung Cộng có tên là "Mua tàu đi biển"
(Buying a boat to sail the sea). Theo chiến lược này, Trung Cộng tung tiền ra
mua cổ phần những tập đoàn truyền thông nổi tiếng ở phương Tây. Nếu mua không
được, họ áp dụng chiến lược "Mượn tàu đi biển"
("borrowing a boat to sail the sea"), mà theo đó, Trung Cộng thương
lượng với các tập đoàn truyền thông nổi tiếng ở phương Tây (như New
York Times, Wall Street Journal, Washington Post, Daily Telegraph, Sydney
Morning Herald, Le Figaro, El Pais) để thêm một phụ trương có tên là
"China Watch" do China Daily sản xuất. Ngay cả tập
san khoa học lừng danh Nature cũng có phụ trương chỉ dành cho
Trung Cộng.
Trong khi Trung
Cộng nâng cao nỗ lực quảng bá quan điểm của CCP ra nước ngoài, thì cái cơ chế
này lại hạn chế, thậm chí ngăn chận, luồng thông tin từ ngoài vào Trung Cộng. Từ
năm 2009 Trung Cộng đã chặn hầu hết các mạng xã hội từ phương Tây (như
facebook, google, twitter). Chỉ có mạng LinkedIn của Microsoft thì không bị chặn
vì LinkedIn sẵn sàng theo đường lối hay làm theo chỉ thị của CCP.
Nhưng CCP lại
dùng mạng xã hội phương Tây để quảng bá các tin giả (fake news). Theo H&O,
Trung Cộng có hẳn một đội quân dư luận viên (có tên là "Đảng 50 xu"
hay "50 cent Party) vốn là những nhân viên trong hệ thống chánh quyền của
Trung Cộng. Đội quân dư luận viên này chỉ có một nhiệm vụ duy nhứt là tung tin
giả, đe doạ, và khủng bố những người nào có quan điểm khác với CCP. Mỗi năm, đội
dư luận viên này tung ra 450 triệu bình luận trên các mạng xã hội phương Tây, với
đa số là nguỵ biện và chửi bới, hay nói chung là ‘misinformation’. Đối tượng của
họ là Đài Loan, Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, Đức Đạt
Lai Lạt Ma. Năm 2019, Twitter phải khoá hơn 1000 tài khoản, và sau đó hơn
200,000 tài khoản mà họ nghi là do nhà nước Trung Cộng bảo trợ.
Chánh trị hoá
văn hoá
Đối với CCP, văn
hoá là một mặt trận, nên Trung Cộng rất quan tâm đến việc chánh trị hoá văn
hoá. Tập Cận Bình không giấu diếm gì khi muốn CCP là chủ nhân, là bảo hộ nhân
văn hoá Trung Hoa. Đảng Cộng sản tự cho mình cái quyền phán xét cái nào là văn
hoá chánh thống, và cái nào không phải là văn hoá Trung Cộng. Một ví dụ tiêu biểu
là áo sẩm (qipao hay cheongsam) vốn được xem là trang
phục truyền thống của phụ nữ Trung Hoa, nhưng thật ra nó có nguồn gốc từ Mãn
Châu và được phụ nữ Trung Hoa mặc lần đầu vào những năm 1910. Trong thời Mao,
áo sẩm được xem là trang phục của giới tư sản, nhưng gần đây thì nó được xem là
một biểu tượng văn hoá của Trung Cộng. Và, CCP nhứt định giành quyền quảng bá
áo sẩm, không có bất cứ một tổ chức tư nhân nào liên quan.
Dĩ nhiên, trong
một xã hội mà CCP kiểm soát tất cả lãnh vực, thì văn học cũng không thể thoát
khỏi vòng kìm toả. Một ví dụ tiêu biểu là chủ trương và tầm nhìn của Hội Nhà
văn Trung Cộng. Hội này tuyên bố nhiệm vụ số 1 là "tổ chức các nhà văn
học tập về chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng của Mao Trạch Đông, và lí thuyết của Đặng
Tiểu Bình, và học tập đường lối chánh sách của đảng." Thỉnh thoảng
cũng có nhà văn tự trọng xin ra khỏi Hội, nhưng đa số nhà văn thì muốn lưu lại
trong Hội để hưởng phước lợi và có dịp đi nước ngoài để ‘giao lưu’ cùng các đồng
nghiệp phương Tây.
Năm 2011, CCP
lưu hành một tài liệu nhan đề "Culture Going Global", mà trong đó họ
vạch ra những chiến lược để quảng bá văn hoá Trung Cộng đến thế giới, và CCP muốn
dùng văn hoá để kết nối tất cả Hoa kiều ở nước ngoài. Một tập đoàn có tên là
"Poly Culture" được ra đời vào năm 2000, và nhanh chóng trở thành một
‘thương hiệu’ trong giới elite phương Tây. Theo đánh giá của
các chuyên gia phân tích, Poly Culture có giá trị 140 tỉ USD. Poly Culture còn
là sân chơi của các công tử và tiểu thơ đỏ, là con cháu của các cán bộ thượng tầng
trong CCP.
Hoạt động của Poly
Culture rất đa dạng. Họ tổ chức hàng loạt chương trình hoà nhạc tại các hý viện
lừng danh nhứt và lớn nhứt ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, v.v. Họ bảo trợ các cuộc triển
lãm tranh ảnh về Trung Cộng, và thiết lập các viện bảo tàng quảng bá văn hoá
Trung Cộng tại các nước phương Tây. Nhưng thay vì hoạt động văn hoá thuần tuý
như là một phương tiện ngoại giao, thì Poly Culture lại đem chánh trị vào văn
hoá và gây áp lực lên những nhóm mà họ bảo trợ. Ở Canada và Âu châu, họ ép buộc
ban tổ chức triển lãm không được dùng hình ảnh của Pháp Luân Công, và những
hình ảnh mà họ xem là có yếu tố chánh trị. Thế nhưng trớ trêu thay, họ lại
chánh trị hoá triển lãm bằng những hình ảnh của Tập Cận Bình!
Khoa học và công
nghệ
Có lẽ lãnh vực
khoa học và công nghệ là món mà CCP thèm thuồng nhứt. Điều này cũng dễ hiểu, vì
để hiện đại hoá đất nước, Trung Cộng cần đến nhân tài "knowhow" về
khoa học và công nghệ. Để thu hút nhân tài, CCP đề ra kế sách "Ngàn Nhân
tài" (Thousand Talents Plan). Theo kế sách TTP, nhà khoa học sẽ được
cung cấp tài trợ và cơ sở vật chất để làm nghiên cứu tại Trung Cộng. Số tiền
tài trợ rất hấp dẫn, và dễ làm xiêu lòng những nhà khoa học đang bị khó khăn về
tài trợ ở các nước phương Tây. Do đó, Trung Cộng đã thu hút hàng vạn nhân tài từ
các nước phương Tây. Đa số những người tài này là các nhà khoa học gốc Hoa,
nhưng chương trình Thousand Talents Plan còn tuyển cả giới
khoa học không phân biệt quốc tịch.
Không chỉ tuyển
dụng nhân tài về Trung Cộng, CCP còn tích cực đánh cắp kỹ thuật và dữ liệu khoa
học từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Ỡ Mỹ, có khá nhiều nhà khoa học gốc
Hoa, và một số giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống khoa học. Chẳng hạn
như Bộ Năng lượng (Department of Energy) có đến 35,000 nhà khoa học nước ngoài
đang làm việc tại các trung tâm nghiên cứu (kể cả nghiên cứu về vũ khí), và
trong số này có chừng 10,000 người gốc Hoa hay từ Trung Cộng. Qua các chương
trình giao lưu, CCP dùng các nhà khoa học gốc Hoa ở Mỹ để thu thập dữ liệu khoa
học đem về Trung Cộng.
Một số nhà khoa
học đã trở thành nạn nhân của ‘chương trình’ đánh cắp khoa học này. Năm ngoái,
trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư MD Anderson (Mỹ) phát hiện một số nhà
khoa học gốc Hoa chuyển tài liệu cho Trung Cộng, và những người đó đã bị sa thải.
Năm nay (2020), một nạn nhân nổi tiếng khác là Giáo sư Charles Lieber (Đại học
Harvard) bị FBI bắt vì có cáo buộc rằng ông được tuyển vào chương trình Thousand
Talents Plan và nhận lợi lộc (lương 50,000 USD mỗi tháng [?] và chuyển
giao công nghệ cho Đại học Công nghệ Vũ Hán) nhưng ông không khai báo với phía
Mỹ về những hoạt động đó. Nhưng trong thực tế thì có hàng trăm vụ đánh cắp khoa
học khác ít khi nào được đề cập trên báo chí.
Nhiều nhà khoa học
Trung Cộng mang chức danh khoa học (Giáo sư) sang các nước phương Tây để hợp
tác nghiên cứu, nhưng trong thực tế họ là những sĩ quan quân đội cao cấp. Theo
Alex Joske (một chuyên gia nghiên cứu về Trung Cộng), tính từ 2007 đến nay
(2020), quân đội Tàu đã gởi ra nước ngoài hơn 2500 nhà khoa học nhưng thực chất
là những sĩ quan cao cấp. Họ hợp tác tại các đại học hàng đầu của các nước
phương Tây. Ở Úc, hai trường đại học được đề cập đến là Đại học New South Wales
và Đại học Công nghệ Sydney.
***
Trong khi các
chánh khách phương Tây đặt câu hỏi có phải họ đang ở vào thời Chiến tranh Lạnh
với Trung Cộng, thì Trung Cộng đã có câu trả lời từ 30 năm trước. Không chỉ có
câu trả lời mà họ còn chủ động phát động một cuộc chiến tranh như thế dưới nhiều
hình thức khác nhau. Qua Hidden Hand, bạn đọc có thể thấy rõ những
lãnh vực mà Trung Cộng dưới sự điều hành của CCP đã xâm nhập vào hệ thống các
thiết chế chánh trị, kinh tế, khoa học và công nghệ, truyền thông, và văn hoá của
các nước phương Tây. Gần như các nước giàu có như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý,
Canada, Úc, v.v. đều không ‘thoát’ khỏi sự xâm nhập của CCP. Do đó, câu chuyện
về ông dân biểu Úc được đề cập trong phần đầu của bài điểm sách này chỉ là phần
nổi của một tảng băng chìm.
Đối với chúng
ta, người Việt Nam, đọc cuốn sách này rất ‘thấm’ và học được rất nhiều điều.
Nhìn những nước phương Tây bị ảnh hưởng, thì câu hỏi Việt Nam có bị ảnh hưởng
hay không là câu hỏi thừa thãi. Thỉnh thoảng người nước ngoài đọc báo chí Việt
Nam bắt gặp những danh từ mới như "Thế lực thù địch", "Quyền lực
mềm", "Trỗi dậy trong hoà bình", hay tên của những cơ quan như
"Tổng cục II", "Mặt trận đoàn kết", mà không biết đến từ
đâu, thì cuốn sách này cho chúng ta một câu trả lời về xuất xứ: Trung Cộng.
Trong phần mở đầu
sách, Hamilton và Ohlberg quan sát rằng giới ký giả và học giả khi mới tới
Trung Cộng (qua những chuyến đi do CCP tài trợ) thường có ấn tượng rằng đó là một
đất nước phát triển thần kì, với tốc độ phát triển kinh tế cao nhứt nhì thế giới.
Họ kinh ngạc trước những công trình kì vĩ, những công nghệ chẳng thua kém gì so
với phương Tây. Tuy nhiên, họ quên rằng các nước khác cũng phát triển như vậy,
thậm chí còn cao hơn Trung Cộng. Họ cũng quên rằng CCP chính là thế lực làm cho
Trung Hoa lạc hậu cả 1 thế kỉ. Họ ca ngợi rằng 700 triệu người Hoa đã thoát khỏi
cái nghèo, nhưng họ quên rằng từ 1949 đến nay, chính CCP là thủ phạm làm cho
hàng trăm triệu người Hoa nghèo đói.
Tóm lại, Hidden
Hand là một cuốn sách hay và đáng đọc như cuốn trước (Silent
Invasion). Có thể xem cuốn sách là một cảnh báo — có lẽ hơi muộn — về mối
đe doạ của Trung Cộng đến trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo. Chiến lược
"Một vành đai, Một con đường" mà Trung Cộng
đang quảng bá, khi đặt trong bối cảnh chung, có lẽ chỉ là một con ngựa Troia mà
thôi. Trong khi nhiều người vẫn còn rơi vào những "bẫy mật" của Trung
Cộng, thì cũng có nhiều người trong giới trí thức phương Tây đã ngộ ra mối đe
doạ và có những hành động ngăn chặn. Cuốn sách này có lẽ sẽ giúp cho những ai
còn thờ ơ (nhóm 5, theo cách phân loại của CCP) hiểu được những hình thức xâm
lăng mềm, và hy vọng sẽ không rơi vào những cái "bẫy mật" được trải
thảm bằng tiền.
* N.V.T.
Chú thích:
[1] Sách Hidden Hand của
Simon Hamilton và Mareike Ohlberg, do Nhà xuất bản Hardie Grant phát hành vào
tháng 5/2020. Sách có 402 trang, bao gồm 270 trang nội dung chánh và 132 trang
bị chú và tài liệu tham khảo.
Tác giả Simon Hamilton là giáo sư về đạo đức
công chúng (Public Ethics) thuộc Đại học Charles Sturt (Canberra). Tiến sĩ
Mareike Ohlberg là một nhà nghiên cứu gốc Đức chuyên nghiên cứu về các chánh
sách và ảnh hưởng của Trung Cộng.
[2] https://www.nguyenvantuan.info/single-post/2018/08/26/Diem-sach-silent-invasion
Nguồn: BVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire