Trang nhất báo Le Figaro (30/07/2021 ) chạy tít lớn: "Afghanistan : Phương Tây thua
chạy tán loạn". © Ảnh chụp màn hình Le Figaro.
Afghanistan
là hồ sơ chính của hai tờ báo Le Figaro và Libération số ra ngày 30/07/2021 qua
hàng loạt những chủ đề khác nhau : « Phương Tây bại hoại »,
« Thất bại trên ba phương diện », « Không gì ngăn chận đà tiến của
Taliban ».
Vào lúc liên quân quốc tế rút lui sau 20 năm hiện diện tại quốc gia Nam Á này,
« Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng lấp vào chỗ trống », « Cái
bẫy Afghanistan đe dọa Ấn Độ » còn « Pakistan, gậy ông đập
lưng ông ».
Công dã tràng để rồi nhường chỗ cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
Hàng ngàn người đã thiệt mạng, hàng tỷ đô la bị cuốn trôi, Mỹ và đồng minh
còn chưa hoàn toàn rời khỏi Afghanistan, quốc gia Nam Á này lại trở về với thời
điểm 20 năm trước: Taliban lại ở trước cửa quyền lực, quân đội Afghanistan do
liên quân quốc tế gầy dựng có nguy cơ tan rã, cơ chế chính trị của Afghanistan
« ngàn cân treo sợi tóc ».
Xã luận của Le Figaro nói đến một sự « tụt hậu » trên ba mặt
trận : Trước hết là đối với người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và thanh
niên bị Taliban áp bức trở lại. Kế tới là thất bại trong mục đích chống khủng bố:
Al Qaida thân với Taliban đang hồi sinh. Sau cùng về phương diện địa chính trị,
liên quân quốc tế chưa quay gót, « Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thế chỗ »
Matxcơva « nóng lòng trở lại Trung Á » còn Ankara thì muốn
hiện diện tại Kabul, nơi mà Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát sân bay quốc tế, ngõ
thoát hiểm duy nhất cho khoảng 500 lính liên quân quốc tế cuối cùng còn hiện diện
tại Afghanistan.
« Sau khi đã đẩy phương Tây khỏi Syria, Libya và Thượng Karabakh,
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại tay trong tay sửa soạn lấp vào chỗ của Hoa Kỳ ở Kabul ».
Nhà báo Isabelle Lasserre của tờ Le Figaro giải thích về những mục tiêu mà
Ankara và Matxcơva đang nhắm tới và những bước chuẩn bị của mỗi bên. Nga lo ngại
một khi quân Hồi Giáo cực đoan Taliban trở lại nắm quyền, làn sóng người
Afghanistan tị nạn sẽ tràn qua các nước sát cạnh, lo ngại các quốc gia lân cận
với Afghanistan có nguy trở thành sào huyệt của quân thánh chiến, đe dọa ảnh hưởng
và quyền lợi của Matxcơva tại Trung Á.
Nga và Trung Quốc trong tình trạng báo động
Bên cạnh tham vọng quay lại Trung Á, Libération ghi nhận : Nga lo sợ không
kém về tình hình Afghanistan. Trong phần cuối bài phân tích dài chủ yếu nói về
nội tình Afghanistan, nhà báo Luc Mathieu lưu ý độc giả « Nga và Trung
Quốc trong tình trạng báo động ». Matxcơva huy động thêm 20.000 quân dọc
biên giới, chuẩn bị tập trận chung với Uzbekistan vào đầu tháng 8/2021, tăng cường
khả năng phòng thủ cho Tadjikistan, đề cao cảnh giác quân thánh chiến trà trộn
vào các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Trong khi đó quan tâm hàng đầu của Bắc
Kinh là vùng Tân Cương tự trị. Ngoại trưởng Vương Nghị cách nay hai ngày tiếp
nhân vật số 2 của Taliban Abdul Ghani Barada tại Thiên Tân. Ông đã « vạch
ra lằn ranh đỏ » đòi Taliban không yểm trợ Phong Trào Hồi Giáo Cực
Đoan Đông Turkestan, một tổ chức ly khai người Duy Ngô Nhĩ.
Ấn Độ và Pakistan cũng đang ngồi trên ổ kiến lửa
« Pakistan, gậy ông đập lưng ông » Libération chú ý đến thế
kẹt của chính quyền Islamabad trước nguy cơ Taliban mở rộng ảnh hưởng với các
nhóm nổi dậy Pakistan.
« Chưa đến nỗi cuống lên, nhưng hai trong số các nhân vật thế lực
nhất tại Islamabad, là giám đốc tình báo và lãnh đạo bộ Tổng tham mưu quân đội
Pakistan, hôm 01/07/2021 trước Hạ Viện đã khẳng định cố gắng tìm kiếm một giải
pháp chính trị, giảm thiểu ảnh hưởng của Taliban đối với các nhóm nổi dậy tại
Pakistan ».
Tác giả bài báo nhắc lại Islamabad luôn là « điểm tựa chính »
từ khi Taliban được hình thành năm 1994 thậm chí Pakistan đã giúp phong trào Hồi
giáo cực đoan Afghanistan này chinh phục quyền lực. Cũng Pakistan đã cùng với Ả
Rập Xê Út, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất công nhận nhà nước Taliban.
Thế còn trong trường hợp của Ấn Độ ? Lý do báo Le Figaro đưa ra khá dễ hiểu
: « New Delhi lo ngại Ấn Độ trở thành sân sau của các nhóm thánh chiến.
New Delhi cũng biết rõ Taliban là đồng minh của Pakistan », kẻ thù
không đội trời chung của Ấn Độ. Điều thú vị không kém là để giải tỏa bớt đe dọa
Taliban, thủ tướng Modi đã liên kết với một số nước lớn trong khu vực, đứng đầu
là Nga và Iran.
Nam-Bắc Triều Tiên khẩn cấp xích lại gần nhau
Le Monde là một trong những tờ báo hiếm hoi trong ngày quan tâm đến tình
hình châu Á. Bất đắc dĩ hai nước Triều Tiên phải nối lại đối thoại. Ở phía Bắc,
Kim Jong Un đối mặt với khủng hoảng về lương thực, còn tại phương Nam, Moon Jae
In cần ghi bàn thắng trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 3/2022.
Bình Nhưỡng và Seoul nối lại đường « dây nóng » hôm
27/07/2021 đúng ngày kỷ niệm hai nước Triều Tiên buông vũ khí, khép lại giao
tranh trong giai đoạn 1950-1953. Nhà báo Philippe Pons giải mã thái độ hòa hoãn
này như sau : Có thể đây là khúc dạo đầu, để chuẩn bị cho đối thoại Bắc Triều
Tiên với Hoa Kỳ. Năm 2018 Donald Trump là người mở đường, sau cuộc gặp đầu tiên
với Kim Jong Un tại Singapore. Trước mắt, viễn cảnh thế giới lại trông thấy
lãnh tụ Bắc Triều Tiên tươi cười, bắt tay tổng thống Biden có vẻ còn xa vời và
huyễn hoặc, nhưng trong khi đó Seoul và Bình Nhưỡng cùng đang có nhu cầu
« cấp bách » nối lại đối thoại.
Tháng 3/2022, Hàn Quốc bầu lại tổng thống. Ông Moon Jae In muốn xem chính
sách chìa bàn tay thân thiện với Bình Nhưỡng là một thắng lợi ngoại giao, và qua
đó tạo điều kiện thuận lợi cho ứng cử viên của đảng đang cầm quyền.
Về phía Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un cũng tranh thủ thời gian bởi không
chắc là người kế nhiệm ông Moon Jae In sẽ có thái độ « khoan dung »
với chế độ Bình Nhưỡng.
Một động lực khác nữa là kinh tế Bắc Triều Tiên suy sụp vì hậu quả Covid-19
cho dù nước này vẫn khẳng định là không có một ca dương tính nào với virus
corona. Bình Nhưỡng cần viện trợ lương thực, mà Hàn Quốc là một nguồn đóng góp
quý giá. Philippe Pons cho rằng, điều cấp bách nhất đối với chế độ Kim Jong Un
trước mắt không phải là thỏa thuận hạt nhân mà đơn giản là giải quyết vấn đề
lương thực. Nhật báo kinh tế Les Echos trích dẫn cơ quan thương mại và đầu tư
Hàn Quốc KOTRA, theo đó trao đổi mậu dịch của Bắc Triều Tiên giảm 73,4 % so với
cùng thời kỳ năm 2020. Tờ báo đánh giá, Bắc Triều Tiên đang « trả giá đắt »
cho chính sách tự cô lập đề phòng hiểm hỏa y tế.
Kinh tế Mỹ khởi sắc trở lại
Báo Les Echos loan tin vui : nền kinh tế số 1 toàn cầu là Mỹ « tìm
lại được sức mạnh như trước khi xảy ra khủng hoảng » Covid-19.
Dẫn chứng một vài con số như là tăng trưởng trong quý 2/2021 đạt 6,5 % nhờ
sức tiêu thụ nội địa, thế nhưng, thành quả này thấp hơn mong đợi. Chính quyền
Biden kỳ vọng GDP trong quý II tăng đến hơn 8 %. Tuy nhiên điều đáng nói là
« lần đầu tiên GDP của Mỹ vượt trội so với cùng thời điểm năm 2020 ».
Tác giả bài viết không còn nghi ngờ gì nữa, sự phục hồi đó có được là nhờ các kế
hoạch chấn hưng kinh tế, khắc phục đại dịch Covid-19, mà chính quyền Biden đã gấp
rút tung ra ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ. Thêm vào đó là chiến dịch tiêm chủng
tăng tốc cho phép các hoạt động kinh tế, các sinh hoạt trở lại gần như bình thường.
Xã luận trên báo La Croix cũng lạc quan không kém khi nói đến toàn cảnh
kinh tế thế giới « sáng sủa hơn ». Nhóm GAFA của Mỹ lãi 56 tỷ
đô la quý 2 vừa qua, nhưng đó không là một ngoại lệ. Thị trường thế giới đang
« khởi sắc » trở lại và cỗ máy kinh tế toàn cầu đã được
« tái khởi động ».
Không chỉ có Mỹ, mà ngay tại châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cũng đang lùi bước,
như đã thấy ở Pháp, Đức hay Tây Ban Nha. Đó là nhờ công lao của thuốc vac-xin.
Trong bối cảnh đó không có gì ngạc nhiên khi thấy « chỉ số CAC 40 của
Pháp nhảy vọt » như tựa lớn trên trang nhất báo Les Echos.
Olympic Tokyo : Pháp và những người đàn bà đầy sức mạnh
Về Thế Vận Hội Olympic Tokyo, cho đến tối 29/07/2021, Pháp gặt hái được tổng
cộng 12 huy chương và 8 trong số đó là nhờ vào thành tích của nữ giới. Ca ngợi
thành tích của các nữ vận động viên trong phái đoàn Pháp trong ngày thứ 12 cuộc
tranh tài, tờ Libération chơi chữ « Những cô gái Pháp hốt bạc ».
Bạc ở đây là những chiếc huy chương rực rỡ trên ngực áo của đội đấu kiếm nữ,
của á quân judo Thế Vận Hội Tokyo Madeleine Malonga, của cặp bài trùng Laura
Tarantola và Claire Bové, huy chương bạc trong môn bơi thuyền.
Le Figaro đăng ảnh các nữ vận động viên Pháp rạng rỡ vì vui sướng. Huy
chương bạc nhu đạo Pháp ở hạng mục dưới 78 cân, Madeleine Malonga, vô địch thế
giới, hai lần vô địch châu Âu thất vọng vì đã sơ hở để đối thủ Nhật Bản Shori
Hamada cướp mất chiếc huy chương vàng. Nhưng cô đã nhanh chóng lau những giọt
nước mắt để hướng tới Thế Vận Hội Paris 2024.
Sáng
nay, trong ấn bản được cập nhật trên mạng các báo Paris đều thất vọng sau khi
ông vua judo Teddy Riner, trên 100 cân, vừa bị loại ở vòng tứ kết « Teddy
Riner rớt đài », tựa của Le Monde. « Tiêu tan giấc mơ ba lần
đoạt chức vô địch Olympic » Libération ngậm ngùi ghi nhận « khá
lắm thì chiếc huy chương đồng » an ủi võ sĩ nhu đạo số 1 thế giới
Teddy.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire