CHÚNG TA ĐỀU CÓ THỂ TRỞ THÀNH LEADER (2) (DƯƠNG THÀNH TÂN)


nhin_khia_canh_khac_nhau‘…Bấy lâu nay người Việt chúng ta có cái nhìn rất thiếu sót về khái niệm lãnh đạo, nên thường chấp nhận loại lãnh đạo độc tài vì không có mô hình lãnh đạo khác thay thế…’



Bí quyết để hiểu người đối diện và lấy sự tin tưởng của họ, vỏn vẹn chỉ là:
Tự đưa vào vai của người đối diện để nhìn sự việc bằng đôi mắt và sự cảm nhận của họ.

Lãnh đạo với mục đích phục vụ những người khác là một công việc rất dễ dàng nếu biết áp dụng vài quy tắc đơn giản. Dù không thông minh hơn những người xung quanh, chỉ cần tuân thủ vài nhận định căn bản thì vẫn có thể điều hành mọi tổ chức.
Quy tắc đầu tiên mà cũng là quan trọng nhất của người lãnh đạo để phục vụ là:
Lắng nghe.
Khi chịu khó lắng nghe, người lãnh đạo có thể giải quyết hết gần 75 % lủng củng trong nội bộ. Công ty biết lắng nghe khách hàng, (và điều có lẽ quan trọng hơn, mà những ông chủ người Việt Nam ít có, là biết lắng nghe nhân viên), thì sẽ được có đủ thế mạnh tâm lý để phát triển thành một công ty to lớn.
Quy tắc thứ hai của lãnh đạo để phục vụ là:
Tự nhập vào vai của người đối diện để nhìn sự việc bằng đôi mắt và sự cảm nhận của họ
Nếu là cấp cao, thì nên hạ mình xuống để nhìn sự việc với cái nhìn hạn chế của cấp dưới. Nếu là cấp dưới thì phải nâng mình lên để phán xét sự việc qua cái khó khăn và trách nhiệm của cấp trên. Ở bất cứ địa vị hay trong tổ chức nào, người nào biết  áp dụng quy tác thứ hai này sẽ được ba lợi ích:
a) Tiết kiệm được thời gian.
b) Phát hiện và giải quyết được những lỗi lầm cá nhân lẫn tổ chức mau lẹ hơn những kiểu mẫu lãnh đạo khác. (Lắm khi họ phát hiện lỗi lầm trước khi nó xảy ra !)
c) Trở thành một yếu tố hàn gắn các thành viên lại với nhau.
Xin kể lại những bằng chứng có thật của cá nhân để kiểm chứng:
Thảm họa cá nhân biến thành lẽ sống
Là người Việt Nam, tôi lớn lên trong môi trường mà sự sợ hãi được xem như là một phương pháp giáo dục. Hồi nhỏ thì phải sợ cha mẹ, đi học thì phải sợ thầy cô, trưởng thành thì sợ cấp trên... Từ một đứa trẻ bình thường, lần hồi tôi bị uốn nắn thành một người bất bình thường. Tôi lớn lên lành lặn trong thể xác nhưng bị khuyết tật về tâm hồn. Lựa chọn của những người cầm roi hay cầm quyền là :
Không cần thương yêu, chỉ cần sợ sệt!
Tuổi thơ bị ám ảnh đến mức tôi không muốn lập gia đình, rồi khi lập gia đình rồi lại sợ có con vì sợ tụi nó cũng gặp những bất hạnh như mình.
Nhưng tôi nuôi con rất dễ dàng. Bí quyết, nếu xem đây như là một phép mầu để một người cha què quặt trong tâm hồn nuôi con tự tin và mạnh mẽ, vỏn vẹn là tự đặt mình vào vị trí của  nó.
Sự lợi ích của việc tự đạt mình vào sự cảm nhận hồn nhiên và bé bỏng của chúng nó là bậc cha mẹ ít cần dùng sự cấm đoán hay bắt buộc. Do đó hạn chế được những xung đột trong gia đình. Khi con tôi muốn chơi tennis, tôi đồng ý ghi danh trả tiền và sắp xếp thời giờ đưa rước. Một năm sau nó muốn đổi qua bơi lội thì tôi cũng đồng ý. Rồi nó chán bơi lội quay qua học âm nhạc thì tôi cũng gật đầu. Dù con tôi không trở thành Kim Clijster, Michael Phelp hay Mozart thì cũng chẳng sao. Thay vì bắt buộc con tôi phải học đủ thứ nhứ để thành kỳ tài như lắm cha mẹ muốn như thế, tôi cứ thủng thỉnh chờ đợi con mình ngỏ ý, rồi tìm cách hỗ trợ cho nó thực hiện. Vì luyện tập toàn những môn yêu thích, nên kết quả không thua những bậc cha mẹ ép buộc con cái học hành hết môn này đến môn khác.
chame_dochai01

Không khéo thì chúng ta đều là những cha mẹ độc tài.
Chế độ cộng sản độc tài sống được là nhờ sự độc tài trong gia đình.


Khi con tôi giao du với bạn có tâm địa xấu hay hỗn hào. Thay vì cấm đoán rồi gây ra cãi cọ đưa đến suy nghĩ tiêu cực là cha mẹ không hiểu mình. Tôi vẫn đồng ý nhưng song song đó, chụp lấy những bằng chứng trước mắt để phân tích rằng bạn của nó có nhiều khuyết điểm. Dần dần con tôi cắt đứt quan hệ với những bạn xấu mà tôi không cần dùng đến sự cấm đoán.
Như mọi đứa trẻ khác, con cái chúng ta cần thử thách và tự rút kinh nghiệm từ những thành công lẫn thất bại. Nếu chúng ta cứ mãi cấm đoán, bất kể đúng hay sai, những lỗi lầm nhỏ nhoi tránh được bây giờ sẽ được lập lại ở tương lai với một tầm vóc quan trọng và hậu quả cay đắng hơn. Lắm lúc tôi biết con tôi làm thế là sai, nhưng thay vì nói không và cấm đoán, tôi chỉ cảnh báo những hậu quả sẽ xảy ra, rồi tự con thử nghiệm và tự điều chỉnh. Vậy mà tôi cũng được giải "Người Cha Tốt Nhất Của Thế Giới" luôn nhiều năm liền do con mình tự làm giám khảo chấm điểm!!!!
Áp Dụng Quy Tắc Hai Vào Nghề Nghiệp
Trước đây trong đơn vị tác chiến, dù có tiếng là một người lính can trường và kỷ luật hàng đầu của đơn vị, tôi cũng không được đồng đội kính trọng mà cũng không được cấp trên tin tưởng. Lúc phân công nhiệm vụ trước khi hành quân, nếu lỡ người chỉ huy bị tai nạn gì thì phải có người thay thế lên để nắm quyền. Tôi thường thắc mắc là tại sao lúc nào mình cũng là sự chỉ định sau cùng để chỉ huy, thua cả những đồng đội thấp cấp bậc hơn mình???!!!
Sau đó tôi ra lính và làm việc trong công ty đa quốc gia chuyên về an ninh. Cũng như mọi người làm công ăn lương, tôi có quyền trên một số người và dưới quyền với một số người khác. Với công việc chính là kiểm soát và trừng phạt, mỗi ngày phải đụng chạm từ 300 đến 700 người, vậy mà tôi lại được lòng hầu hết  95 % trong số đó.
Sự thay đổi ngoạn mục trong việc ứng xử ở công ty có được là do mò mẫm học hỏi và đọc sách, rồi thử nghiệm rồi rút kinh nghiệm mà ra. Bí quyết, nếu xem đây như một như một phép mầu để trụ vững trong một vị trí nhạy cảm dễ gây hận thù,  tóm tắt lại thì cũng vỏn vẹn chỉ là đặt mình vào vị trí của người khác.
Tự đặt mình vào vai của người khác để lắng nghe chu đáo hơn
Trong thời kỳ kỹ thuật truyền tin phát triển phong phú vượt bực, chất lượng diễn đạt lại bị nghèo nàn ngược lại. Mỗi cá nhân chúng ta càng ngày là "một thế giới" riêng biệt đang sống càng xa với những "thế giới" khác. Chúng ta dùng một cùng ngôn ngữ nhưng chưa chắc diễn đạt cùng ý nghĩa. Người lãnh đạo để phục vụ chỉ biết vểnh tai thôi lắng nghe vẫn chưa đủ. Người nghe còn phải tự đưa vị trí vào của người diễn đạt để hiểu rõ những thông điệp. Xem ra thì quy tắc 2 chỉ là một sự nối dài tiếp tục của quy tắc thứ 1. Nó cho phép người nghe biết lắng nghe hiệu quả hơn. Chỉ vậy thôi mà vẫn nâng người lãnh đạo lên cao hơn một đẳng cấp.
Con của đồng nghiệp, Tim S., có khả năng bẩm sinh là biết ăn nói lẫn diễn tả cử chỉ y như... người đối diện. Tim làm nghề bán xe, ngoài việc bán xe mức thấp nhất do công ty ấn định, chàng Tim có thể dùng từ ngữ kỹ thuật với kỹ sư, biết nói yếu tố kinh tế với thương gia, mà cũng biết dùng từ ngữ cơm đường cháo chợ với người bình dân. Chỉ nhờ sở trường tưởng như nhỏ nhặt này, Tim là nhân viên bán được nhiều xe nhất của hãng PSA - Citroen ở cấp quốc gia liên tục 8 năm. Sau này Tim đổi qua hãng Mercedes lại tiếp tục đứng vào hàng đầu.
Tự Đưa Mình Ngang Hàng Với Người Khác Sẽ Tránh Được Xung Đột Không Đáng Có
Trở lại trường hợp cá nhân, nhờ con mà tôi mới ý thức được khái niệm đạo đức vô lý, kèm những kể lể công đức kiểu:
Ơn cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ...
Con của tôi là kết quả của tình yêu nên chuyện dĩ nhiên là chúng tôi phải có bổn phận và trách nhiệm. Từ khi con tôi sinh ra đến giờ, chưa bao giờ tôi xem nó phải mang ơn nghĩa gì gì với mình. Ngược lại, nhờ con mà tôi mới ý thức được những bất cập trong sự giáo dục kiểu mẫu Việt Nam. Nhờ con mà tôi khám phá ra những thú vui mà mình tưởng như đã biến mất cùng tuổi thơ như nuôi cá kiểng, chạy xe đạp, bơi lội... Không biết quan hệ cha mẹ và con cái của người khác, ai đã mang nợ của nhau ??? Về phần tôi thì rõ ràng là tôi nợ con tôi nhiều hơn. Châm chế lắm thì cha con tôi đã mang ơn nợ lẫn nhau. Nó giúp tôi xóa bỏ nhiều mặc cảm về giáo dục trong gia đình không do lỗi lầm của chính tôi làm ra, mà ngoài nó ra, chưa chuyên gia hay sách vở về tâm lý nào làm được!
Căn Bệnh Của Văn Hóa Việt Nam: Không Dám Ngước Lên
Nếu xem con ngang hàng với tôi là ý thức tự nhiên, thì xem những người làm việc trong công ty cũng ngang hàng với mình, theo văn hóa Việt Nam là điều bất bình thường. Xã hội Việt Nam bị "giai cấp hóa" từ trong trứng nước theo văn hóa Trung Hoa; có kẻ trên người dưới, có cấp bậc kèm theo quyền hành, có chỉ huy và có phục tùng. Trong gia đình thì có giai cấp vì vị trí sanh đẻ như cậu mợ, cô chú, dượng dì. Ngoài đời thì giành giựt cấp bậc lẫn chức tước, kẻ trên đè người dưới.
Tạo hóa trớ trêu, thủ tướng Nguyễn Văn Phúc bị bệnh niểng lại cầm đầu một dân tộc được dạy bảo để không dám ngước đầu nhìn lên. Sự cúi đầu với ngoại bang chỉ là kết quả cuối cùng của sự cúi đầu với cha mẹ, thầy cô, người lớn...
Thật tình thì lúc đầu tôi cũng rất ì ạch trong sự giao tiếp. Không phải tự muốn đưa mình vào vị trí người khác là làm được liền. Không có gì chán ngấy bằng phải nghe người đối diện nói lê thê những chuyện không đâu vào đâu. Nhưng khi nhập vai vào người khác thì chúng ta hiểu nhiều hơn những gì họ muốn giải bày. Chúng ta sẽ hiểu họ muốn gì và cần gì qua những cử chỉ, bộ dáng, nét mặt, ánh mắt... Chúng ta hiểu được cả những gì họ không muốn nói hoặc không có khả năng trình bày. Dần dần rồi thì mọi cuộc đối thoại đều có ý nghĩa. Vốn là người hay lơ đễnh, dần dần tôi tập trung lắng nghe bởi vì mỗi cuộc đối thoại đều lý thú.
Cảm giác là được lắng nghe là chìa khóa mở cửa nhiệm mầu trong mọi giao tiếp, nó cho những sự mở lòng quan trọng hơn. Hồi nào không hay, tôi trở thành tâm phúc của cấp trên và nơi kêu oan của cấp dưới. Khi được vào vị trí này, thì tôi hết còn tốn thời gian tìm kiếm thông tin nữa mà tự nhiên thông tin đến với mình. Những tai nạn có thể xảy ra trong tương lai được báo trước nên tôi có đủ thời gian để tìm cách đối phó. Và nhiều khi giải quyết được trước khi nó xảy ra nữa. Công việc 8 tiếng của 1 ngày làm việc có thể vun vén êm xuôi vào một tiếng. Bảy tiếng đồng hồ kia có thể dùng để đọc sách hay để thọc tay vào trong túi nói dóc mà không ai phàn nàn gì. Vì thói quen để trên bàn làm việc nhiều cuốn sách về nhiều đề tài khác nhau, tôi "câu" được lắm thành phần. Cấp trên ngừng lại để nói về cách quản trị, cấp dưới ngừng lại để nói chuyện vườn tược, nấu ăn, chụp hình... Vốn đã sẵn tính tò mò, nhờ vậy mà tôi được những chuyên gia "bất đắc dĩ" truyền dạy lắm hiểu biết, mà nếu tự tìm thì chắc tôi phải mất mấy kiếp người!
Kết Luận
Bấy lâu nay người Việt chúng ta có cái nhìn rất thiếu sót về khái niệm lãnh đạo, nên thường chấp nhận loại lãnh đạo độc tài vì không có mô hình lãnh đạo khác thay thế. Cơ cấu của mô hình lãnh đạo độc tài bắc buộc cấp dưới không được phán xét hay cãi lại cấp trên. Dần dần đã thành một thứ đạo đức ăn sâu vào cuộc sống người Việt Nam như một chuyện tự nhiên. Nhưng một người bị hạn chế tâm lý không dám nhìn lên sẽ không có cái nhìn tổng quát, nên không thể là một người giỏi trong tổ chức. Cùng lắm thì chỉ là kẻ thi hành thạo nghề. Trong những công ty đa quốc gia, có lắm trưởng phòng, trưởng viện, trưởng khoa, trưởng bộ phận... là người Việt vì chuyên môn. Nhưng cá nhân tác giả chưa thấy CEO tổng giám đốc nào là người gốc Việt.
Lãnh đạo, nhất là lãnh đạo để phục vụ những người xung quanh là một lãnh vực hoàn toàn có thể học hỏi và truyền thụ được. Không phải ai cũng được sinh ra là có liền những khả năng để điều hành. Nếu hiểu biết và tuân theo vài quy tắc căn bản, mọi người tầm thường (thậm chí rất tầm thường như tôi) đều có thể trở thành lãnh đạo khi tình huống bắt buộc.
Dương Thành Tân
(Còn tiếp, kỳ sau :  Khái niệm lãnh đạo phục vụ áp dụng vào trong tổ chức chính trị. )

Aucun commentaire: