- ‘…Cuốn sách, như tôi viết trong lời kết, nếu bạn làm theo nó, chỉ có thể giúp giảm bớt thiệt hại, tổn thất của bạn và gia đình, chứ không thể khiến bạn thắng lợi hoàn toàn, vang dội trước nhà tù, trại giam, công an…’
Trong bối cảnh công an tiến hành “ra quân truy quét”… sách chính trị ngoài luồng trên khắp cả nước, và hàng chục người mua/xin sách của Nhà xuất bản Tự Do bị công an bắt bớ, có shipper đã mất tích, chúng tôi (Luật Khoa tạp chí, Nhà xuất bản Tự Do, và tôi) quyết định công bố bản mềm cuốn “Cẩm nang nuôi tù”, tại đường link sau đây:
Mời các bạn đọc trực tiếp trên mạng hoặc tải về máy để đọc sau.
Từ lâu tôi đã mong muốn viết một (hoặc một vài) cuốn sách nghiên cứu về ngành công an và quân đội ở Việt Nam. Đó là hai thiết chế quan trọng và cần thiết trong mọi xã hội nhưng rất tiếc, ở Việt Nam, chúng lại là hai cột trụ bảo vệ chế độ độc tài và càng ngày càng tỏ ra là hai thế lực cản trở con đường phát triển của đất nước, nhất là công an; thực chất Việt Nam đã trở thành một nhà nước công an trị.
Và “Cẩm nang nuôi tù” thật ra chưa phải cuốn sách tôi muốn viết đó, vì nó không nhằm mục đích nghiên cứu và không tập trung vào đối tượng công an. Nó đúng nghĩa là một cẩm nang cực kỳ dễ hiểu (sử dụng văn nói là chính) dành cho tất cả những gia đình có người thân vướng vòng lao lý (bị điều tra, bị bắt, ra toà, đi tù).
Như bạn đọc có thể thấy, cuốn sách dành phần lớn nội dung để hướng dẫn mọi người cách vận dụng pháp luật Việt Nam và quốc tế để bảo vệ mình và thân nhân, cách làm truyền thông, cách vận động quốc tế (kể cả vận động xin tị nạn chính trị cho tù nhân lương tâm). Sách cũng có một chương nhỏ phân tích tâm lý công an trong nhà nước cảnh sát.
Ý tưởng viết “Cẩm nang nuôi tù” đến với tôi vào đầu tháng 9/2018. Đó là khi tôi vừa… ngồi dậy được sau vụ bị công an đánh trong đêm liveshow “Sài Gòn kỷ niệm” của ca sĩ Nguyễn Tín, và nhận thông tin rằng khoảng một phần ba trong số những người đưa tôi đi bệnh viện và nuôi giấu tôi những ngày ấy đã bị bắt giam. Có thể là do công an muốn ngăn chặn họ tổ chức hoặc tham gia biểu tình chống đặc khu vào dịp 2/9.
Bạn thử tưởng tượng cảm giác của một người tỉnh dậy (sau một thời gian nằm bẹp) và nghe tin bạn bè mình, những người mình mang ơn, đã bị bắt? Chưa hết, bạn còn hoàn toàn bất lực, vì không biết họ bị bắt vì tội gì, bị giam ở đâu, có bị đánh không, có cách nào giúp họ không. Gia đình của họ gọi bạn kêu cứu, bạn muốn bật khóc, vì bó tay. Gia đình chạy vạy thuê luật sư, nhưng luật sư cũng chịu nốt vì công an bảo đây là án “an ninh quốc gia”, không cho bất kỳ ai vào gặp người bị giam trong giai đoạn điều tra.
Cùng vào lúc đó, những lời mời mọc, gạ gẫm “chạy án” bắt đầu đến tai một vài gia đình, với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Tôi chỉ muốn gầm lên: “Không! Không cho bọn nó xu nào cả”. Nhưng tôi thì ở xa các nạn nhân mà công an thì ở gần họ. Tôi không thể đến bên họ, ở cùng, chia sẻ với họ, mà công an thì rình rập, theo dõi họ tối ngày.
Tôi bất lực nghe tất cả những câu chuyện ấy. Tôi đã không thể làm bất cứ một việc gì để giúp họ, để giảm bớt nỗi đau khổ của họ, thậm chí để trả ơn họ. Thật chua chát.
Cũng như đã bao lần tôi ngồi ngóng tin anh chị em đánh BOT bị công an, côn đồ tấn công, bắt bớ… và nghe được những câu nói kiểu như: “Các nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền đâu cả rồi? Sao không đến với anh em tài xế đi, lại ngồi mà cào phím? BOT là vấn đề dân sinh đấy, phải biết dân cần cái gì chứ không phải ba cái thứ dân chủ nhân quyền cao xa…”.
Than ôi, giá như những người phán xét hiểu được rằng công an cũng khôn lắm, công an không ngu đến mức để cho giới hoạt động và dân chúng kết hợp được với nhau. Giá như họ biết tôi… khốn nạn đến mức nào mỗi lần bị công an thực hiện chiêu bài “vô hiệu hoá” kéo dài. Giá như họ biết sự có mặt của tôi (hoặc bất kỳ một người bất đồng chính kiến nào khác) ở nơi xảy ra các biến cố, như trong cuộc chiến chống BOT bẩn, đôi khi còn có hại cho mọi người hơn, bởi nó tạo cớ cho công an quy chụp, vu khống, dựng chuyện “phản động giật dây”.
* * *
Vì tất cả những lý do ấy, tôi bắt đầu viết “Cẩm nang nuôi tù” từ ngày 06/12/2018.
Tôi mong bạn đọc sẽ đón nhận nó như một món quà, một sự hỗ trợ ít ỏi từ tôi đến tất cả những nạn nhân của bất công và oan sai trên đất nước này, cũng như một lời xin lỗi: Trong hoàn cảnh và trong khả năng hạn hẹp của mình, tôi đã không thể làm gì hơn để giúp họ, để chống bất công và gánh đỡ cho họ những đau khổ, tai ương do thể chế này gây ra.
Cuốn sách, như tôi viết trong lời kết, nếu bạn làm theo nó, chỉ có thể giúp giảm bớt thiệt hại, tổn thất của bạn và gia đình, chứ không thể khiến bạn thắng lợi hoàn toàn, vang dội trước nhà tù, trại giam, công an.
Nhưng có một điều tôi tin, tin một cách chắc chắn: Thêm hiểu biết là bớt sợ hãi. Cuốn sách này có thể giúp bạn thêm hiểu biết để đứng vững, nhất là khi gia đình có người dính vòng lao lý. Ngay cả khi bạn may mắn không có chuyện gì phải lo nghĩ đến pháp luật, thì những kiến thức trong sách cũng giúp bạn có những hiểu biết căn bản và hữu ích.
Phạm Đoan Trang
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire