- ‘…Điều đáng lên án là trong quá trình giam giữ, Lê Anh Hùng đã bị đối xử rất thô bạo. Điển hình là khi bị cưỡng bức đưa đi giám định tâm thần, Anh đã tuyệt thực phản đối nhưng đã bị các nhân viên công quyền đè ra, truyền thức ăn qua đường mũi, miệng đến chảy cả máu…’
Là người bạn khá thân của Lê Anh Hùng, tôi và các bạn bè Anh thường đưa bác Niêm, mẹ Lê Anh Hùng đi thăm nuôi Hùng từ những ngày còn ở Trại tạm
giam số 2, Hà Nội. Sau này, khi Hùng bị cưỡng bức đưa về điều trị tâm thần ở bệnh viện Tâm thần trung ương I (Thường Tín, Hà Nội), chúng tôi vẫn thường xuyên đưa mẹ Hùng đi thăm nuôi. Ngày 08/11/2019, sau khi gặp Lê Anh Hùng, bác Niêm cho biết, Hùng gần đây đã bị bệnh viện tăng gấp đôi liều thuốc tâm thần đang dùng mà không có lý do. Hùng nói sau khi uống thuốc thì choáng váng, đau đầu và không ngủ được. Hùng nhờ mẹ đưa thông tin đó ra ngoài để mọi người được biết, và phản đối việc này giúp Hùng.
Lê Anh Hùng sinh năm 1973 ở Hà Tĩnh, Anh tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân năm 1998, sau đó có làm cho một số công ty về xây dựng của nhà nước.
Xuất phát từ những mối quan hệ trong gia đình, Lê Anh Hùng phát hiện ra một đường dây buôn ma túy có dính líu tới nhiều quan chức cao cấp. Anh đã gửi đơn thư tố giác đi nhiều nơi, nhưng không được thụ lý và giải quyết thỏa đáng. Việc tố giác này, Lê Anh Hùng đã trao đổi với nhiều người, và theo Hùng thì Anh tin tưởng tuyệt đối vào vụ việc, sẵn sàng chịu trách nhiệm cho việc tố cáo của mình. Anh mong muốn các cơ quan pháp luật thực hiện theo đúng các trình tự thủ tục tố giác tội phạm.
Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng của Việt Nam, từ thị xã Đông Hà, Quảng Trị, tới các cơ quan trung ương đều không thực hiện đúng trình tự các thủ tục tố giác tội phạm. Không những vậy, Anh còn bị bắt giam và truy tố nhiều lần. Đó là vào tháng 12/2009, Anh bị bắt tạm giam và khởi tố với tội danh “Vu khống các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước” theo điều 122 bộ luật hình sự. Sau khi bị bắt tạm giam, Lê Anh Hùng lại bị các cơ quan tố tụng cưỡng bức đi giám định tâm thần, bị kết luận tâm thần và đình chỉ điều tra vụ án (23/8/2010). Sau khi được tự do, Lê Anh Hùng vẫn tiếp tục vụ tố giác, gửi đơn thư đi các nơi. Lần thứ hai, Lê Anh Hùng lại bị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cưỡng bức đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội, bắt giữ trái phép 12 ngày, đến ngày 05/2/2013 thì phải thả Anh ra.
Tuy hai lần bị nhà cầm quyền các cấp đối xử thô bạo, nhưng Lê Anh Hùng vẫn không nhụt chí, Anh tiếp tục các đơn thư tố cáo của mình. Tổng cộng, số lần gửi đơn thư của Anh đã lên tới con số 137.
Sau rất nhiều lần gửi đơn thư nhưng không có hồi âm, hoặc nhận được sự đối xử thô bạo, Lê Anh Hùng đã thất vọng, không còn cách nào để vụ việc của mình được chú ý. Anh đã dùng việc căng băng rôn, biểu ngữ mà hiện nay nhiều người sử dụng để nhận được sự chú ý của dư luận, và việc giải quyết của các cơ quan công quyền. Lại một lần nữa, nhà cầm quyền không thụ lý giải quyết vụ việc cho Anh mà liên tục bắt giữ, gây sức ép. Cuối cùng, ngày 05/7/2018, nhà cầm quyền đã bắt giam và khởi tố Anh với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 bộ luật hình sự.
Sau một thời gian Lê Anh Hùng bị bắt, thay vì khởi tố vụ án Lê Anh Hùng tố cáo hoặc tiếp tục truy tố Hùng với tội danh khi bắt giam Anh, nhà cầm quyền đã đưa Anh đi giám định tâm thần hai đợt (cuối tháng 10/2018 và tháng 4/2019), và cưỡng ép Lê Anh Hùng vào bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Thường Tín điều trị. Việc giám định và cưỡng ép chữa bệnh đối với Lê Anh Hùng, nhà cầm quyền đã không hề trao đổi, thông báo cho gia đình. Chỉ đến khi Lê Anh Hùng đã bị đưa về bệnh viện điều trị, gia đình mới được biết và tới thăm nuôi.
Điều đáng lên án là trong quá trình giam giữ, Lê Anh Hùng đã bị đối xử rất thô bạo. Điển hình là khi bị cưỡng bức đưa đi giám định tâm thần, Anh đã tuyệt thực phản đối nhưng đã bị các nhân viên công quyền đè ra, truyền thức ăn qua đường mũi, miệng đến chảy cả máu…
Để nói về Lê Anh Hùng, tất cả đều biết Anh là một dịch giả, và là nhà báo viết blog cho Ban Việt ngữ Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Anh đồng thời tham gia phản biện xã hội, và đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ ở Việt Nam. Các bài viết của Lê Anh Hùng mạnh mẽ, khúc triết, có nhiều suy tư và kiến thức. Đặc biệt không có ai có bất kỳ ý kiến nào về các bài viết theo kiểu con người anh có vấn đề về tâm thần hoặc thần kinh. Trong các mối quan hệ, những ai từng giao tiếp với Lê Anh Hùng đều chung nhận xét, anh nói năng nhỏ nhẹ, mạch lạc, khiêm nhường, không to tiếng gây sự với ai bao giờ. Anh là người cha, người chồng thương yêu vợ con và có lòng bao dung với những sai lầm của vợ.
Bác Nguyễn Thị Niệm trong cuộc thăm nuôi ngày 08/11/2019
Việc cưỡng bức Lê Anh Hùng vào giám định, điều trị tâm thần đã bị gia đình và cộng đồng phản đối mãnh liệt. Tuy nhiên, nhà cầm quyền chưa dừng tay, mới đây nhất, bệnh viện Tâm thần trung ương I đã tăng gấp đôi liều lượng thuốc tâm thần dành cho Lê Anh Hùng mà không có lý do khiến Anh bị choáng váng, đau đầu và không ngủ được (theo lời Lê Anh Hùng nói với mẹ trong cuộc thăm nuôi ngày 08/11/2019). Việc người bình thường bị đưa vào bệnh viện tâm thần cho uống thuốc hàng ngày đã hủy hoại tinh thần của con người. Đến nay lại tăng gấp đối liều lượng thuốc cho Lê Anh Hùng là điều độc ác, dã man và không thể chấp nhận nổi. Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam, an ninh và bệnh viện Tâm thần trung ương I Thường Tín Hà Nội hãy dừng tay trước khi hủy hoại một nhân cách, một con người!
Kính mong tất cả những người Việt còn lương tri hãy lên tiếng cho trường hợp của Lê Anh Hùng!
Hà Nội, ngày 09/11/2019
Nguyễn Vũ Bình
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire