LTS – Rất đông
độc giả liên lạc tòa soạn , hỏi về gia cảnh cố Ðại Tá Nguyễn Ðình Bảo , người
mà chúng ta đã quá quen thuộc qua nhạc phẩm “ Người Ở Lại Charlie ” của nhạc sĩ
Trần Thiện Thanh. Qua tìm hiểu , chúng tôi được biết gia đình bà quả phụ Nguyễn
Ðình Bảo hiện sinh sống tại Sài Gòn. Bà Nguyễn Ðình Bảo nay 76 tuổi ,
vẫn minh
mẫn và khỏe mạnh . Hai ông bà có ba người con. Trưởng nam, Nguyễn Bảo Tường ,
là một bác sĩ Nhi Khoa . Thứ nữ , Nguyễn Bảo Tú, làm việc tại Tòa Lãnh Sự Anh
Quốc tại Sài Gòn. Con trai út, Nguyễn Bảo Tuấn, kiến trúc sư và đang giảng dạy
tại một đại học ở Sài Gòn.
Dưới đây là
bài viết hồi năm 2012 của anh Nguyễn Bảo Tuấn, về thân phụ mình. Tòa soạn tìm
thấy bài viết này trên trang Facebook riêng của Nguyễn Bảo Tuấn, xin trân trọng
giới thiệu cùng độc giả.
* * *
Trên FB tôi
thấy đại đa số thường chọn hình mình hoặc hình con mình để làm avatar , ít hơn
một chút thì lấy hình của người yêu , vợ hoặc chồng , hoặc một hình gì đó mà
mình yêu thích . Riêng tôi thì tôi lại chọn một đối tượng khác mà hình như tôi
thấy chưa một ai chọn giống như tôi : Một người mà đã không giữ lời hứa với mẹ
tôi .Tôi sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh đầy phong ba bão táp . Cả nhà 6
người mà chỉ có một chiếc xe đạp thay phiên nhau đi , gạo thì chạy ăn từng bữa
, anh trai tôi ngày ngày cứ 5 giờ sáng phải chạy lên Gò Vấp để lấy bánh đậu
xanh về đi bỏ cho các tiệm bánh rồi mới về đi học trong suốt 7 năm trời , từ
năm học lớp 11 đến hết năm thứ 6 Y Khoa . Khó khăn là vậy nhưng tôi vẫn trưởng
thành một cách đầy kiêu hãnh . Ðôi khi nhìn lại tôi tự hỏi là điều gì đã giúp
tôi mạnh mẽ mỗi khi đương đầu với những khó khăn ? Và câu trả lời là do trong
huyết quản tôi vẫn đang mang một dòng máu nóng trong mình và tôi đã chịu ảnh
hưởng mạnh mẽ từ người đã cho tôi dòng máu ấy : Một người mà đã không giữ lời
hứa với mẹ tôi .
Tôi cũng không
biết tại sao tôi và người đó chỉ gặp gỡ và tiếp xúc trong có vài chục ngày ,
chính xác là từ ngày 6 tháng 1 , 1972 đến ngày 25 tháng 3 , 1972 , mà tôi lại
luôn luôn thương mến , cảm phục , tự hào và luôn lấy người làm tấm gương soi để
tôi có đủ nghị lực vượt qua mọi khó khăn . Có lẽ là do cuộc sống của người quá
vĩ đại và tôi đã được thừa hưởng một phần của nó . Mặc dù khi ra đi người đã
không thực hiện được một lời hứa với mẹ tôi mà cho tới bây giờ tôi vẫn hỏi : “
tại sao ? ”
CHARLIE , CÁI
TÊN NGHE LẠ QUÁ
“ Toàn thể
những địa danh nơi hốc núi , đầu rừng , cuối khe suối , tận con đường , tất cả
đều bốc cháy , cháy hừng hực , cháy cực độ … Mùa Hè 1972 , trên thôn xóm và thị
trấn của ba miền đồng bốc cháy một thứ lửa nhân tạo , nóng hơn , mạnh hơn , tàn
khốc gấp ngàn lần , vạn lần khối lửa mặt trời sát mặt …
Kinh khiếp hơn
Ất Dậu , tàn khốc hơn Mậu Thân , cao hơn bão tố , phá nát hơn hồng thủy .
Mùa Hè năm
1972 – Mùa Hè máu . Mùa Hè của sự chết và tan vỡ toàn diện .
Nếu không có
trận chiến mùa Hè năm 1972 thì cũng chẳng ai biết đến Charlie , vì đây chỉ là
tên quân sự dùng để gọi một cao độ nằm trong chuỗi cao độ chập chùng vùng Tân
Cảnh , Kontum .
Charlie , “
Cải Cách ” hay “ C ”, đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng
sông Pô-Kơ và Ðường 14 , đông-bắc là Tân Cảnh với mười hai cây số đường chim
bay , đông-nam là Kontum , thị trấn cực bắc vùng Tây Nguyên ”
(Trích trong “
Mùa Hè Ðỏ Lửa ” của Phan Nhật Nam)
“ Charlie bỗng
trở thành một địa danh được nhắc nhớ từ sau 4,000 quả đạn pháo tới trong một
ngày, từ sau người mũ đỏ Nguyễn Ðình Bảo nằm lại với Charlie ”.
(Trích lời
giới thiệu trong CD Chiến Tranh và Hòa Bình của Nhật Trường Trần Thiện Thanh)
Cho đến bây giờ cũng ít người biết rằng tôi chính là “ đứa bé thơ ” với “ tấm
khăn sô bơ vơ “ trong bài hát “ Người Ở Lại Charlie ” của nhạc sĩ Trần Thiện
Thanh . Và tôi lớn lên cùng với ký ức về một người Cha hào hùng như vậy
Tôi không thần
tượng Cha tôi từ một bài hát viết về người , cũng không thần tượng từ một hai
trận đánh trong cuộc đời binh nghiệp của người , mà tôi thần tượng Cha mình từ
chính cuộc đời của Người .
Trải qua biết
bao thăng trầm đời binh nghiệp và cuối cùng người đã được giao làm tiểu đoàn
trưởng của tiểu đoàn “ Song Kiếm Trấn Ải ” (biệt danh của Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù)
, một trong những tiểu đoàn được xem là thiện chiến nhất của quân lực Việt Nam
Cộng Hòa thời bấy giờ . Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Cha tôi là một
người khát máu hung tàn , mà ngược lại hoàn toàn , mọi người đều nhớ về hình
ảnh Cha tôi như là một võ sĩ đạo đúng nghĩa : Giỏi võ , dũng cảm và cao thượng
.
Thời bấy giờ
có mấy ai dám đánh một sĩ quan của Mỹ , vậy mà Cha tôi đã làm điều đó khi người
sĩ quan đó dám làm nhục một người lính Việt Nam (chuyện này tôi được nghe bác
ruột tôi kể lại) . Có tiểu đoàn nào trong quân đội mà luôn gọi Tiểu Ðoàn Trưởng
bằng tên thân mật “ Anh Năm ” ? , nhất là trong binh chủng Nhảy Dù , việc phân
chia cấp bậc luôn được tôn trọng và đặt lên hàng đầu . Vậy mà trong Tiểu Ðoàn
11 Nhảy Dù , tất cả mọi người , từ lính đến sĩ quan , chẳng ai gọi Cha tôi là
Trung Tá cả , mà luôn gọi là Anh Năm , và “ Anh Năm ” thường hay nói với mọi
người trong tiểu đoàn rằng : “ Tụi mày thì chẳng biết mẹ gì , nhưng tất cả tụi
mày tao đều coi là em tao hết ”.
“ Anh Năm “
ngoài đời anh sống hào sảng , phóng khoáng và thật ‘ giang hồ ’ với bằng hữu
anh em , còn trong quân ngũ , anh như một cây tùng ngạo nghễ giữa bão táp phong
ba , Anh không nịnh cấp trên đè cấp dưới , anh chia sẻ vinh quang buồn thảm với
sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp .
“ Anh sống
hùng và đẹp như thế mà sao lúc ra đi lại quá phũ phàng !? "
“ Tôi về lại
vườn Tao Ðàn , vẫn những hoa nắng tròn tròn xuyên qua khe lá , lấp loáng trên
bộ đồ hoa ngụy trang theo mỗi bước chân . Cây vẫn xanh , chim vẫn hót , ông lão
làm vườn vẫn lom khom cầm kéo tỉa những chùm hoa loa kèn , những cụm hoa móng
rồng và những bụi hồng đầy màu sắc . Bên gốc cây cạnh căn lều chỉ huy của anh
hồi tháng trước khi còn đóng quân ở đây , tôi thấy có bó hồng nhung đỏ điểm vài
cánh hoa loa kèn trắng . Chống đôi nạng gỗ xuống xe , tiếng gõ khô cứng của đôi
nạng trên mặt đường khiến ông lão ngẩng đầu và nhận ra tôi . Siết chặt tay ông
cụ , trong ánh mắt già nua chùng xuống nỗi tiếc thương , chòm râu bạc lưa thưa
phất phơ trước gió . Ông cụ đọc báo , nghe đài phát thanh nên biết anh đã ra đi
, nên sáng nào cũng để một bó hoa tưởng nhớ và tiễn đưa anh .
Cụ mời tôi
điếu thuốc Quân Tiếp Vụ , rồi ngồi xuống cạnh gốc cây , tay vuốt nhẹ trên những
cánh hồng , sợi khói mỏng manh của điếu thuốc nhà binh quện trong tiếng nói :
“- Thuốc lá
ông Quan Năm cho , tôi vẫn còn đủ dùng cho đến cuối năm . Mấy chục năm nay tôi
mới gặp một ông quan nói chuyện thân mật và tốt bụng với những người dân như
tôi . Người tốt mà sao ông Trời bắt đi sớm như vậy !? ”
(Trích trong “
Máu Lửa Charlie ” của Ðoàn Phương Hải)
Cha tôi đã
sống như thế nào mà những người ít ỏi còn sống sót trở về sau trận chiến tại
đồi Charlie đều nói là họ thật hối tiếc khi không được nằm xuống cùng Cha tôi ở
đó .
“ Tô Phạm Liệu
cảm thấy lẻ loi ở cái đại hội y sĩ có nhiều những người ‘ mặc quần mới áo đẹp ’
và ‘ ăn to nói lớn ’, thích ‘ nhảy đầm ’ và ‘ xếp hàng để lên hát ’… Trong cơn
say , anh nói là phải chi trước kia , mười mấy năm trước kia , anh được ‘ ở lại
Charlie ’ với Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo , với các bạn nhảy dù thì ‘ sướng hơn
nhiều ’ ”.
(Trích trong “
Tô Phạm Liệu : Người trở lại Charlie ” của Phạm Anh Dũng)
Viên sĩ quan
cố vấn Mỹ Duffy cho tới tận bây giờ vẫn còn luôn mang trong người những hoài
niệm về Cha tôi và trận chiến tại Charlie . Mỗi lần tham gia các cuộc gặp gỡ
của Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam (trong đó có một số hiện đang là tướng lãnh cao
cấp trong quân đội Mỹ) ông ta đều hỏi mọi người , “ Tụi mày có từng tham gia
trận Charlie không , tụi mày có ai từng chiến đấu cạnh Colonel Bao (Trung Tá
Bảo) chưa ? Thế thì tụi mày còn xoàng lắm . Và hàng năm cứ mỗi lần sinh nhật
của mình , ông ta đều đặt một ổ bánh kem làm hình một ngọn đồi và ghi chữ
Charlie lên đó . (Chuyện này do chú Ðoàn Phương Hải khi về Việt Nam năm 2011
thuật lại cho tôi nghe) .
Cha tôi đã
sống như thế nào để một người Mỹ phải luôn khắc trong tâm khảm những hoài niệm
như vậy ?
Tôi chỉ có thể
kết luận một câu : “ Cuộc đời của Cha thật vĩ đại ”.
Ngày hôm nay
khi viết về Cha , tôi không biết viết gì hơn , chỉ xin dâng về hương hồn Cha
một vài câu thơ nói về khí phách của Người và nơi mà Cha đã gửi lại thân xác
vĩnh viễn cho núi rừng Charlie . Ở đây tôi xin dùng từ “ Cởi áo trần gian ” vì
tôi tin rằng Cha vẫn đang khoác một chiếc áo khác và vẫn đang nhìn tôi từ một
nơi rất xa …
Lặng lẽ ngàn năm chẳng danh xưng
Bỗng chốc một hôm hóa lẫy lừng
Charlie gầm thét trong lửa đạn
Gọi mãi tên người nước mắt rưng
Trai thời nỗi chết tựa trên lưng
Khí phách hiên ngang bước chẳng dừng
Charlie vẫy gọi người ở lại
Cởi áo trần gian tặng núi rừng
(Kính dâng tặng hương hồn Cha)
Sinh nhật mẹ
tôi ngày 11 tháng 4 . Trước khi hành quân vào Charlie ngày 25 tháng 3 , Cha tôi
đã đặt một chiếc bánh sinh nhật cho mẹ với lời hứa là sẽ về dự sinh nhật mẹ .
Ðến ngày sinh nhật , mẹ đã không tổ chức mà vẫn chờ Cha về , và cho đến tận bây
giờ mẹ vẫn chờ …
Tuy nhiên Cha
đã thất hứa với mẹ vì ngày 12 tháng 4 Cha đã cởi áo trần gian và nằm lại vĩnh
viễn với Charlie . Còn tôi , tôi chỉ biết hỏi là tại sao Cha lại không giữ lời
hứa với mẹ tôi ? Tại sao và tại sao …?
Nguyễn Bảo Tuấn
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire