Lời
nói đầu.
Thưa quí vị,
Tôi chào đời năm 1930 tại làng Đại Ngãi, quận Kế
Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Năm 1937, học sơ học tại Đại Ngãi, và học tiểu học
tại Sóc Trăng.
Giữa năm 1945, theo Ba Má tôi dọn về quê Nội ở Nha
Mân, Sa Đéc, vì ngay sau thế chiến thứ hai thì thực dân Pháp quay lại chiếm
Việt Nam, và cộng sản Việt Nam dưới võ bọc Việt Minh chống Pháp.
Đầu năm 1947 tôi lên Sài Gòn, vừa làm thợ may (sau
6 tháng học) vừa học trung học lớp đêm.
Năm 1949, Ba tôi bị Việt Minh cộng sản bắt, trong
khi Má tôi và các em tôi vẫn ở Nha Mân. Năm 1952, Ba tôi được chúng thả về
trong tình trạng kiệt sức.
Ngày 12 tháng 5 năm 1954 vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị
Thủ Đức, hai tuần sau đó thì Bộ Quốc Phòng đưa lên học nhờ Trường Võ Bị Liên
Quân Đà Lạt vì Trường Thủ Đức không đủ cơ sở. Học xong, trở về Thủ Đức dự lễ
tốt nghiệp tại Sài Gòn với cấp bậc Thiếu Úy ngày 1/2/1955.
Đơn vị đầu tiên là Tiểu Đoàn 510 Khinh Quân đồn trú
tại Vĩnh Long.
Tháng 11/1955, theo Tiểu Đoàn chuyển lên Cheo Reo
(sau này là tỉnh Phú Bổn) trong chương trình thành lập Trung Đoàn 35 trong hệ
thống tổ chức Sư Đoàn 12 Khinh Chiến.
Đầu năm 1956, Trung Đoàn 35 chuyển đến đồn trú cạnh
đồn điền trà Catecka cạnh quốc lộ 19 bis Pleiku - biên giới Cam Bốt. Tôi được
cử đi học khóa Đại Đội Trưởng tại Chi Nhánh Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Giữa
năm 1956 mãn khóa, trở về Tiểu Đoàn 2/Trung Đoàn 35/Sư Đoàn 12 Khinh Chiến.
Đầu năm 1957, tôi được thăng cấp Trung Úy. Được cử
giữ chức Tiểu Đoàn Phó.
Đầu năm 1958, Trung Đoàn 35 chuyển lên Kontum cũng
là dãy Trường Sơn nhưng cao hơn Pleiku, cùng lúc tôi được chuyển lên Bộ Chỉ Huy
Trung Đoàn 35 giữ chức Trưởng Ban 3 kiêm Trưởng Ban 5.
Tháng 3/1958, tôi về Vĩnh Long cưới vợ, và chúng
tôi cùng sống bên nhau tại Kontum.
Tháng 4/1959, Sư Đoàn 12 Khinh Chiến cũng như các
Sư Đoàn Khinh Chiến khác- lần lượt giải tán để thành lập Sư Đoàn Bộ Binh. Tôi
được chuyển đến Sư Đoàn 11 Khinh Chiến đồn trú tại Sa Đéc, và trách nhiệm
Trưởng Ban Hành Quân/Phòng 3 Bộ Tham Mưu Sư Đoàn.
Tháng 6/1959, Sư Đoàn 11 chuyển lên đồn trú tại Bến
Kéo cách tỉnh lỵ Tây Ninh khoảng 6 cây số, và tiếp nhận Sư Đoàn 13 Khinh Chiến
giải tán để thành lập Sư Đoàn 21 Bộ Binh từ ngày 1/7/1959.
Tháng 3/1960, Sư Đoàn 21 Bộ Binh chuyển trở lại Sa
Đéc phụ trách hành quân an ninh các tỉnh bờ bắc Sông Tiền và các tỉnh Vĩnh Long
Vĩnh Bình Sa Đéc trên dãi đất cù lao giữa Sông Tiền với Sông Hậu.
Tháng 6/1960, tôi theo học khoá tham mưu tại Trường
Đại Học Quân Sự, đồn trú trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn. Học
xong, trở về Sư Đoàn 21 Bộ Binh vẫn chức vụ Trưởng Ban Hành Quân/Phòng 3 Bộ
Tham Mưu Sư Đoàn. Đầu năm 1961 Bộ Tham Mưu Sư Đoàn chuyển sang đồn trú tại thị
xã Cần Thơ.
Tháng 11/1961 tôi được thăng cấp Đại Úy, và giữ
chức Chánh Văn Phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh.
Tháng 12/1962, tôi thuyên chuyển lên Bộ Tổng Tham
Mưu và giữ chức Chánh Văn Phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân.
Tháng 11/1963, được thăng cấp Thiếu Tá, giữ chức
Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Tháng 9/1965, được thăng cấp Trung Tá.
Tháng 12/1966, chuyển xuống Cần Thơ giữ chức Tỉnh
Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh.
Tháng 4/1968, chuyển về Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng
Tham Mưu, trách nhiệm nghiên cứu và cải tổ về tổ chức và nhiệm vụ Đại Đội Hành
Chánh Tiếp Vận của hơn 40 Tiểu Khu, thành Trung Tâm Hành Chánh Tiếp Vận Tiểu
Khu với “bảng cấp số” có 5 loại A, B, C, D, E, tùy theo quân số Địa Phương Quân
& Nghĩa Quân từng Tiểu Khu (A là quân số ít nhất, và E là quân số từ 10.000
người trở lên).
Tháng 6/1969 thăng cấp Đại Tá. Trách nhiệm Trưởng
Ban Nghiên Cứu chuyển công tác quản trị các loại quân trang quân dụng toàn
ngành Tiếp Vận bằng tay, sang công tác quản trị bằng máy computer từ năm 1971.
Bắt đầu bằng máy computer IBM 360/20, rồi thay bằng máy computer IBM 360/40, và
sau cùng là máy computer IBM 360/50.
Tháng 6/1970, theo học khóa Chỉ Huy & Tham Mưu
Cao Cấp tại Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Đà Lạt. Sau khóa học, trở về Tổng Cục
Tiếp Vận giữ chức Chánh Sở Kế Hoạch & Chương Trình.
Tháng 2/1972, chuyển xuống Cần Thơ giữ chức Chỉ Huy
Phó Bộ Chỉ Huy 4 Tiếp Vận.
Tháng 6/1972, chuyển về Sài Gòn giữ chức Cục Trưởng
Cục Mãi Dịch.
Tháng 12/1974, giữ chức Tham Mưu Trưởng Tổng Cục
Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến Giờ Thứ 25 ngày
30/4/1975, là ngày thứ 7.583 thời chiến tranh chống cộng sản Việt Nam.
Trong mọi trường hợp, vợ chồng tôi và các con chúng
tôi luôn sống bên nhau.
Sau ngày 30/4/1975, tất cả quí vị Tướng Lãnh và hầu
hết sĩ quan các cấp cùng với viên chức hành chánh và Dân Biểu Nghị Sĩ, bị cộng
sản Việt Nam đẩy vào các trại tập trung. Tất cả sĩ quan cấp Úy và cấp Tá bị
giam tại trại tập trung Long Giao tỉnh Long Khánh ngày 14/6/1975. Chuyển đến
trại tập trung Tam Hiệp tỉnh Biên Hòa ngày 24/10/1975.
Ngày 14 & 16/6/1976, sau khi sàng lọc hầu hết
chúng tôi bị chuyển đến trại tập trung trên đất Bắc. Cấp Tướng và cấp Đại Tá di
chuyển bằng phi cơ đến Yên Bái tỉnh Hoàng Liên Sơn, các cấp còn lại di chuyển
bằng tàu vận tải đến các trại tập trung hầu hết các tỉnh vùng Tây Bắc và Tây
Nam Hà Nội.
Tháng 4/1978, cấp Tướng và cấp Đại Tá bị chuyển
xuống trại tập trung Nam Hà tỉnh Hà Nam Ninh, và các tỉnh phía Nam và Tây Nam
Hà Nội.
Sau cùng là ngày 9/9/1987, tôi trong số 91 tù chính
trị cấp Tướng và Đại Tá ra khỏi trại Nam Hà và về đến nhà ở Sài Gòn lúc 6 giờ
chiều ngày 12/9/1987 bằng xe lửa.
Sau thời gian làm thủ tục xuất ngoại, vợ chồng tôi
đặt chân đến phi trường Houston tiểu bang Texas chiều ngày 5/4/1991 trong đợt H.O.5.
Suốt thời gian tôi bị giam trong trại tập trung, vợ tôi đã lần lượt tìm cách
cho năm con chúng tôi vượt biển, tất cả đều an toàn và định cư tại Houston, Hoa
Kỳ. Sau những năm "cực mà vui" vợ chồng tôi ổn định cuộc sống, lần
lượt tôi viết được:
Quyển "Đôi Dòng Ghi Nhớ". Tôi kể lại
những lệnh mà tôi nhận, những việc mà tôi làm, những gì mà mắt tôi thấy, và
những gì mà tai tôi nghe, từ cuộc Đảo Chánh ngày 1/11/1963, Chỉnh Lý ngày
30/1/1964, Biểu Dương Lực Lượng ngày 13/9/1964, Đảo Chánh 19/2/1965, Quân Đội
Lãnh Đạo Quốc Gia từ ngày 19/6/1965, Khủng Hoảng Chính Trị từ ngày 9/3/1966, và
năm cuối cùng của chiến tranh bảo vệ tổ quốc dân tộc cho đến Giờ Thứ 25 ngày
30/4/1975, khi quân cộng sản Việt Nam, tôi gọi là Việt Cộng - từ nước Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa theo chế độ cộng sản độc tài, tràn vào nhuộm đỏ toàn cõi Việt
Nam theo lệnh của cộng sản quốc tế do Liên Xô lãnh đạo.
Do nhà sách Ngày Nay tại Houston ấn hành năm 1994,
1995, 1998, và nhà sách Tú Quỳnh tại Nam California ấn hành năm 2007. Mỗi lần
ấn hành, đều có bổ túc thêm nội dung
Quyển "Ký Sự Trong Tù". Trong
một góc độ nào đó, tôi cố gắng ghi lại nét nhìn của tôi khi quân cộng sản từ
ngoài rừng tràn vào thủ đô Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975, với nội dung chính được
dựng lại một số góc cạnh xã hội của nước Việt Nam, đã và đang bị các nhóm lãnh
đạo cộng sản Việt Nam biến thành một xã hội mà mọi người bị họ bịt mắt bịt tai
bịt miệng trong nghèo đói. Riêng hằng nửa triệu gia đình công dân Việt Nam Cộng
Hòa chúng tôi mà cộng sản gọi là “ngụy quân ngụy quyền”, càng bị đối xử khắc
nghiệt trong xã hội đó.
Do nhà sách Tú Quỳnh tại Nam California ấn hành năm
2008.
Quyển "Quê Hương & Quân Ngũ". Quê
Hương, cho dù bất cứ người Việt Nam nào chưa hề leo núi qua đèo đến tận Ải Nam
Quan cực bắc, cũng chưa hề băng đồng lội ruộng hay xuôi dòng sông rạch đến tận
Mũi Cà Mau cực nam, nhưng từng tấc đất tấc biển thân thương vẫn trong lòng mỗi
người Việt Nam chúng ta, vì đó là Quê Hương Việt Nam. Càng xa đất nước, chúng
ta càng thấm thía sâu sắc hai chữ Quê Hương để mà thương mà nhớ! Bởi, quê hương
đất nước của mình là cái gì mà mình không chọn lựa, nhưng là dãi đất mà tổ tiên
ông bà cha mẹ mình chào đời cũng là nơi an nghĩ vĩnh cửu, cho nên mình yêu
thương trân quí một cách tự nhiên. Trong một khoảnh khắc yên ắng nào đó, bất chợt
quí vị nhận ra tình cảm của mình dù đang là công dân bản xứ, nhưng rõ ràng là
mình có yêu thương đất nước bản xứ đến đâu đi nữa, cũng khó lòng mà thương như
thương dãi đất quê hương Việt Nam nghèo khổ của mình!
Quân ngũ, với tôi là trường học tốt cho tuổi thanh
niên. Đây là tổ chức qui mô nhất, chặt chẻ nhất, là một trong những hợp phần
gộp lại biểu thị quyền lực quốc gia. “Trường học trong quân ngũ” là những mái
trường đào tạo từ người quân nhân thấp nhất đến cao nhất, đào tạo từ khả năng
tổng quát đến chuyên môn, từ tổ chức Tiểu Đội, Trung Đội, Đại Đội, Tiểu Đoàn,
đến Trung Đoàn, Sư Đoàn, Quân Đoàn. Chính những mái trường quân sự, từng bước
tạo cho Người Lính chẳng những có căn bản vững chắc về quân sự, mà còn trang bị
cho Người Lính một căn bản về tổ chức và quản trị trong phong cách Người Lính
trong quân ngũ, lẫn phong cách Người Quản Trị trong các ngành sinh hoạt quốc
gia. Hơn hết, là tình đồng đội tiêu biểu “trái tim thứ hai trong Người Lính”,
bởi trên chiến trường súng nổ đạn bay, đồng đội này ngã xuống đồng đội khác
tiến lên, lúc ấy bất cứ Người Lính nào cũng sẳn sàng cứu giúp đồng đội mà không
hề nghĩ đến tính mạng của mình, cho dù đã có biết bao trường hợp Người Lính cứu
đồng đội nhưng chính mình hi sinh!
Quyển "Tôi Là Một H.O.". Tôi là một thành
viên nhỏ bé li ti trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại nói
chung (khoảng 3.000.000 người), và tại Hoa Kỳ nói riêng (trên dưới 2.000.000
người), tôi kể lại cuộc đời tị nạn rất cực nhưng rất vui của vợ chồng tôi trong
những năm đầu trên đất Hoa Kỳ. “Rất cực” vì trong những năm đầu chúng tôi phải
cặm cụi làm việc ban ngày lẫn ban đêm. “Rất vui” vì được cùng các con sống
trong một xã hội dân chủ pháp trị được xem là bậc nhất của thế giới. Trong điều
kiện an cư lạc nghiệp đó, tôi tham gia sinh hoạt Cộng Đồng và sinh hoạt trên hệ
thống internet, trong mục đích góp phần dân chủ hóa Việt Nam.
Quyển "Bằng Hữu Gần Xa” tập 1, tập 2, tập 3.
Từ năm 1998, tôi có nhiều cơ hội liên lạc với các đồng môn dưới những mái
trường xưa, với các bạn đồng đội suốt chiều dài 21 năm phục vụ quân ngũ trong
chiến tranh bảo vệ tổ quốc dân tộc, với các bạn đồng tù trong một số trại tập
trung của cộng sản, và những bằng hữu trên các diễn đàn mà tôi chưa một lần tay
bắt mặt mừng, cùng nhau trao đổi:
Thứ nhất. Những tài liệu trong nội dung quyển
"Đôi Dòng Ghi Nhớ" và quyển "Ký Sự Trong Tù".
Thứ hai. Những tin tức thời sự Việt Nam và thế
giới.
Thứ ba. Những quan điểm về nhiều vấn đề trong sinh
hoạt Cộng Đồng.
Thứ tư. Những tâm tình của người dân Việt trong đời
sống lưu vong.
Thứ năm. Và ước vọng góp phần vào công cuộc dân chủ
hóa chính trị trên quê hương Việt Nam.
Quyển “Thời Sự Việt Nam 2001-2006” , với nội dung chọn lọc trong số 312 bài mà tôi
viết và diễn đọc trên làn sóng đài phát thanh TNT từ năm 2001 đến 2006. Mỗi
tuần một bài 15 phút trong năm thứ nhất, và từ năm thứ hai trở đi thì mỗi bài
dài 30 phút, xoay quanh chủ đề “Những Vấn Đề Hôm Nay” bao gồm bốn lãnh vực:
Một. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Hai. Dân chủ và nhân quyền.
Ba. Xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bốn. Thành công của Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng
sản tại hải ngoại.
Trong cùng thời gian, tôi tham gia Ban Phát Thanh
"Tiếng Chuông Tĩnh Thức" từ tháng 4/1998 đến tháng 1/2008. Trưởng Ban
là Anh Võ Minh Thế, một cư sĩ tu tại nhà. Mỗi tuần phát thanh một show trên đài
phát thanh Tiếng Nói Việt Nam, gọi tắt Anh ngữ là VOVN. Tôi đã đọc 98 bài của
các vị Tỳ Kheo Tây Tạng, Ấn Độ, Tích Lan, Trung Hoa, ..v..v..
Từ năm 2010 cũng là năm tôi vào tuổi 80, tôi không
tham gia tổ chức nào nữa -ngoại trừ Hội đồng hương Vĩnh Long Vĩnh Bình Sa Đéc-
vì tôi e rằng đến lúc nào đó bản thân tôi không kiểm soát được sự suy nghĩ cũng
như lời nói của mình, sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của tổ chức. Nhưng, tôi tự hứa
là vẫn sinh hoạt với tính cách cá nhân, cho đến khi không thể. Thật ra thì tôi
đã chuẩn bị cho sinh hoạt cá nhân khi nhận lời cộng tác với:
- Đài VAN TV 55.2 với chương trình “Tản Mạn Lịch Sử
1954-1975” trên đài VAN TV
55.2 trong những năm 2009 – 2011. Hai tuần một show 30 phút.
Sau đó, tôi cộng tác với:
- Đài SGN TV 51.3 trong những năm 2011 - 2014 với
chủ đề "Nhìn Lại Trang Quân Sử". Hai tuần một show 30 phút.
- Và đài ABTV 55.4 từ tháng 1/2015 với chủ đề
"Chuyện Ngày Tháng Cũ". Đến nay -tháng 3/2020- là show thứ 267 và vẫn
tiếp tục, trong mục đích góp phần triệt tiêu chế độ cộng sản độc tài trên quê
hương Việt Nam. Mỗi tuần một show 30 phút, và chiếu bốn lần trong tuần.
Thêm nữa, từ tháng 11/2011, tôi bắt đầu viết thư
gởi người lính cộng sản Việt Nam trong mục đích giúp họ nhận ra tội ác của các
nhóm lãnh đạo Việt Cộng, đồng thời cuốn họ về phía đồng bào, để lật đổ chế độ
cộng sản độc tài tàn bạo với dân, nhưng vô cùng khiếp nhược với Trung Cộng. Mỗi
tháng ít nhất là một lá thư dài 7 hoặc 8 trang, và tùy theo tình hình Việt Nam
mà tháng nhiều nhất là bốn lá thư. Những lá thư thứ hai thứ ba trong tháng, kèm
theo mẫu tự a, b, c, theo sau số thứ tự của thư. Thí dụ: Tháng 5/2014 là Thư số
31, thì thư thứ 2 thứ 3 trong tháng 5/2014 là Thư số 31a, Thư số 31b. Tháng
3/2020 là Thư số 101, và vẫn tiếp tục ...
Trên đây là suốt chặng đường 90 năm -1930 đến 2020-
mà tôi cố gắng dựng lại với những lời thuật trên trang giấy, qua lời kể trên
đài truyền thanh Audio, đài truyền hình Video, cùng với những video sinh hoạt
trong gia đình, và những video du lịch qua từng thời gian, với hy vọng đây là
bài học kinh nghiệm giúp các Con các Cháu chúng tôi và thân nhân thân quyến
chúng tôi -trong mức độ nào đó- hiểu được quan niệm sống trong mái ấm gia đình,
hiểu được trách nhiệm thành viên trong xã hội, và hiểu được bổn phận công dân
đối với quê hương đất nước, nhất là quê hương đất nước trong thời chinh chiến
của vợ chồng tôi.
Xin mời quý vị vào nội dung ....
* * *
Trang
Phần Một: NỀN TẢNG QUAN NIỆM SỐNG 11
1. Tôi chào đời năm 1930 11
2. Quê tôi làng Đại Ngãi 13
3. Lời dạy của Sư Ông chùa Vạn An 22
4. Quan niệm sống của vợ chồng tôi 26
5. Đôi lời với từng cháu Nội/Ngoại trước khi cháu
bước vào xã hội 29
6. Ước mơ cuối đời của vợ chồng tôi 50
Phần Hai. VIỆT NAM QUA DÒNGLỊCH SỬ (tóm tắt) 55
7. Tổ quốc Việt Nam 55
8. Việt Nam thời cổ đại vừa chống Trung Hoa vừa mở
nước 0039 – 1857 61
9. Việt Nam thời cận đại bị thực dân Pháp cai trị
1858 - 1945 95
10. Chiến tranh giữa Pháp thực dân với Việt Minh cộng
sản 1945 - 1954 99
11. Quân Đội Quốc Gia Việt Nam hình thành 1950 -
1954 115
12. Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức 1954 118
13. Tiểu Đoàn 510 Khinh Quân 1955 Vĩnh Long - Cheo
Reo 136
14. Trung Đoàn 35 Bộ Binh 1956-1959 Pleiku &
Kontum 160
15. Sư Đoàn 21 Bộ Binh 1959-1962 Sa Đéc - Tây Ninh
- Cần Thơ 183
16. Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH 1962 - 1966 Sài
Gòn 203
17. Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh 1966 -
1968 344
18. Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu 1968 - 1971
Sài Gòn 366
19. Cục Mãi Dịch 1972 - 1974 Sài Gòn 383
20. Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ TTM 1974 -1975 Sài Gòn 397
21. Giờ Thứ 25 ngày 30/4/1975 ngày thứ 7.583 chống
Việt Cộng 441
Phần Ba. TRẠI TẬP TRUNG CỦA CSVN SAU NGÀY 30/4/1975
455
22. Trước ngày vào trại tập trung ngày 30/4 -
13/6/1975 455
23. Trại tập trung Long Giao (Long Khánh) ngày 14/6
- 10/1975 475
24. Trại tập trung Suối Máu (Biên Hòa) tháng
10/1975 - 15/6/1976 503
25. Trại tập trung Yên Bái (Hoàng Liên Sơn)
16/6/1976 - 28/4/1978 528
26. Trại tập trung Nam Hà (Hà Nam Ninh) 29/4/1978 -
9/9/1987 591
27. Ra khỏi trại tập trung sau 4.444 ngày tù chính
trị 732
Phần Bốn: TỊ NẠN CỘNG SẢN & GÓP PHẦN CHỐNG CỘNG
SẢN 749
Tị nạn cộng sản
28. Chờ đợi và thủ tục rời khỏi Việt Nam 13/9/1987
- 29/3/1991 749
29. Đến Houston, Texas, Hoa Kỳ ngày 5/4/1991 tị nạn
chính trị 761
30. Bước đầu hội nhập xã hội 1991-2001 757
31. Du lịch đó đây 2002-2006 769
32. Niềm vui không đợi 780
33. Nhìn lại Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 784
34. Tưởng niệm những vị tuẫn tiết trong và sau ngày
30/4/1975 850
35. Quốc kỳ truyền thống Việt Nam tại hải ngoại
1984-2020 857
36. Viết phim bản phim Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca
Việt Nam 2012 922 (phim dài 57 phút)
37. Trả lời phỏng vấn 500 người về lịch sử truyền
khẩu 2011 1057
Góp phần chống cộng sản
38. Trao đổi tâm tình và quan điểm với bằng hữu gần
xa 2003-2010 1071
39. Hôm nay suy nghĩ cho ngày mai 1665
40. Những bài viết đưa lên internet 2002-2011 1695
41. Sưu tầm chuỗi tội ác của lãnh đạo Việt Cộng
1945-2020 1895
42. Thư kêu gọi người lính Việt Cộng đứng dậy cùng
đồng bào ... 1987
Năm 2011 1995
(02 thư)
Năm 2012 2023
(13 thư)
Năm 2013 2143
(19 thư)
Năm 2014 2303
(28 thư)
Năm 2015 2541
(20 thư)
Năm 2016 2715
(19 thư)
Năm 2017 2885
(37 thư)
Năm 2018 3191
(39 thư)
Năm 2019 3447
(23 thư)
Năm 2020 3676
( 3 thư)
Cộng chung: 203 thư.
(Còn khoảng 8 thư nữa)
* * *
Lời nói cuối.
Thưa quí vị,
Vậy là quí vị vừa đọc xong ..... trang giấy mà tôi
trích ra từ hai quyển sách đã ấn hành và tám quyển sách không ấn hành, cùng với
những loạt bài góp phần dân chủ hóa Việt Nam phổ biến trên internet, gói ghém
90 năm cuộc đời của tôi và gia đình tôi, giúp tôi học được những bài học kinh
nghiệm qua từng giai đoạn, và vợ chồng tôi ứng dụng vào cuộc sống. Dưới đây là
bốn bài học kinh nghiệm:
Giai đoạn 1930 -1954, với bài học từ Ông Bà Cha Mẹ
tôi như sau: “Con phải làm người tử tế trong xã hội. Nhưng, trước khi Con tử
tế với xã hội, Con phải tử tế với gia đình trước. Nhưng, trước khi Con tử tế
với gia đình, Con phải tử tế với bản thân của Con trước. Đó là danh dự làm
người trong xã hội”.
Giai đoạn 1954-1975, với bài học trong 21 năm phục
vụ quân đội, như sau: “Quê hương cho tôi đất sống. Lịch sử cho tôi nguồn
sống. Dân Tộc cho tôi nếp sống. Quân ngũ cho tôi cách sống. Quân ngũ cũng cho
tôi tình yêu. Tình yêu quê hương, tình yêu con người, tình yêu quân ngũ. Và
tình yêu, đã cho tôi ý nghĩa cuộc đời”.
Giai đoạn 1975-1991, với bài học trong trại tập
trung của cộng sản Việt Nam và trong xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như sau:
“Cộng sản Việt Nam với bản chất độc tài và dối trá, họ sử dụng người dân như
một loại phương tiện đa dụng để phục vụ họ. Vì vậy mà chiến lược giáo dục của
họ chỉ đào tạo những tầng lớp thần dân để tuân phục họ, chớ họ không đào tạo
những thế hệ công dân để xây dựng đất nước. Với lịch sử, đây là tội ác kinh
hoàng nhất trong các loại tội ác mà các nhóm lãnh đạo Việt Cộng gây ra cho dân
tộc”.
Giai đoạn 1991-2020, với bài học khi tham gia Ban
Phát Thanh "Tiếng Chuông Tĩnh Thức" trong 10 năm, cộng với những gì
học được khi tham gia sinh hoạt Cộng Đồng trên hệ thống internet, như sau: “Tôi
tin chắc rằng, không một ai trong thế giới này có thể nhìn thấy thiên đường và
địa ngục, vì thiên đường với địa ngục không phải ở trong bầu trời hay trong
lòng đất, mà thiên đường với địa ngục chỉ là một trạng thái tâm hồn. Hãy thử
cảm nhận. Khi mình làm điều tốt thì mình cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản với đôi
mắt sáng lên, với nụ cười tươi tắn, đó là lúc tâm hồn mình lơ lững ở trạng thái
thiên đường, còn khi mình làm điều gì xấu thì mình cảm thấy ray rức, ân hận,
giằng xé, thậm chí là đau đớn, đó là lúc tâm hồn mình rơi vào trạng thái địa
ngục”.
Cả bốn bài học kinh nghiệm gộp lại cho tôi quan
niệm rằng: “Trong gia đình cũng như trong xã hội, bản thân mỗi người là chánh,
vì không một ai -dù là người thân của mình- cũng không thể làm thay cho mình
những gì liên quan trực tiếp đến bản thân mình trong cuộc sống từ khi vào tuổi
thành niên, mà chỉ có thể trợ giúp mình khi mình thật sự cần giúp”.
Thực tế là:
Không ai ăn giùm mình khi mình đói.
Không ai đi học giùm mình khi mình muốn có kiến
thức.
Không ai luyện tập giùm mình khi mình muốn có một
cơ thể lành mạnh.
Không ai đi làm giùm mình khi mình muốn có đồng
lương để chi phí cho cuộc sống.
Không ai uống thuốc giùm mình khi mình muốn hết
bệnh.
Không ai bước giùm mình khi mình muốn đi về phía
trước.
Không ai tạo dựng hạnh phúc giùm mình khi mình muốn
được sống trong mái ấm gia đình.
Không ai đứng dậy giùm mình khi mình vấp ngã và
muốn tiếp tục phụng sự.
Và ..v..v...
Đó, chính là mình thương bản thân mình, giúp bản
thân mình trở thành người tử tế. Khi mình có tử tế với chính mình, thì mình mới
tử tế được với gia đình. Và từ đó, mình sẽ tử tế với mọi người khi hòa mình vào
sinh hoạt xã hội”.
“Tại sao mình phải tử tế với xã hội? Bởi, khi chào
đời mình đã mang ơn xã hội, từ khu bệnh viện rộng lớn khang trang đến những vật
dụng trang bị cần thiết, từ vị Bác Sĩ, cô y tá, giường nằm mền đắp, nước tắm
khăn lau, sữa uống kem thoa, đến chuyên viên nấu ăn và công nhân dọn dẹp vệ
sinh,..v..v.... Đến tuổi cắp sách đến trường, mang ơn xã hội từ mái trường sân
rộng, bàn viết ghế ngồi, đến Giáo Viên Giáo Sư truyền đạt kiến thức + đạo đức +
nghị lực, cùng với những phương tiện khoa học kỹ thuật trợ giúp bài học thêm phần
thực tiễn. Vì vậy mà khi bước vào xã hội với hành trang kiến thức, hãy miệt mài
phụng sự xã hội. Thực tế là mình làm việc có lãnh lương với cuộc sống ổn định,
chính là lúc mình trả ơn xã hội dù không ai nhận ra điều đó, đồng thời mình góp
phần làm cho xã hội ngày càng tốt hơn dù không ai hiểu được điều đó, lại là
những việc mà chính mình cảm nhận niềm vui khi làm được những việc mà mình mong
muốn”.
“Guồng máy sinh hoạt xã hội vận hành và phát triển
thích ứng theo từng giai đoạn, là do mọi thành viên trong xã hội chung lòng
chung sức mà không phân biệt nam hay nữ, giàu hay nghèo, giáo dục cao hay thấp,
nghiên cứu bằng đầu óc hay làm việc bằng tay chân, ngành nghề chuyên môn hay
những dịch vụ trong đời sống. Cũng không phân biệt từng công việc mà mỗi người trách
nhiệm, dù là trách nhiệm lãnh đạo hay chỉ huy, quản trị hay điều hành, cầm súng
trong quân đội hay cày bừa trồng trọt trên ruộng đồng nương rẫy, miệt mài trong
các công ty hãng xưởng hay những công trình kiến trúc mỹ thuật, quét dọn đường
phố nắng nóng hay trong hầm mỏ lạnh lẽo trong lòng đất, ..v..v..., đều là nhu
cầu cần thiết cho guồng máy xã hội vận hành và phát triển”.
Vì vậy mà tôi quan niệm rằng: “Mỗi người đều có bổn
phận góp phần vào sự phát triển xã hội, cũng là bổn phận nối tiếp dòng lịch sử
oai hùng Việt Nam, bảo tồn văn hoá Việt Nam thích nghi qua từng thời đại, bảo
vệ ngôn ngữ Việt Nam, và gìn giữ lá quốc kỳ truyền thống Việt Nam nền vàng ba
sọc đỏ đến khi có Quốc Hội Lập Hiến sau thời cộng sản quyết định”.
Kết luận.
“Tiếng thơm muôn đời hay lời sỉ nhục lưu mãi trong
sử sách và truyền mãi trong dân gian là do mỗi người tạo nên, bắt nguồn từ thời
thơ ấu đến tuổi thành niên và trước khi bước vào xã hội, đã nhìn lại túi hành
trang vào đời để biết chắc là mình đã sẳn sàng khối kiến thức học hỏi để làm
việc, lòng nhân ái để phân biệt phải trái đúng sai, sự kiên nhẫn để vượt qua
khó khăn trở ngại, và một tâm hồn phụng sự quốc gia dân tộc. Rồi từ đó, không
ngừng học hỏi kinh nghiệm, vừa góp thêm vào hành trang những gì đang có, vừa
thích ứng với mọi hoàn cảnh xã hội qua từng giai đoạn trong cuộc sống”.
Kính chào quý vị./.
* * *
Các phụ bản trong hardwrite: (trong sách in không
có)
Phụ bản 1: Hình gia đình 1955-2020 với 5.700 tấm
hình
Phụ bản 2: Video gia đình sinh hoạt và video du
lịch với 220 files. Video góp phần dân chủ hóa Việt Nam trên đài TV 2009-2020
với 590 files
Phụ bản 3: Audio các cuộc phỏng vấn và hội luận với
259 files
Phụ bản 4: Bộ sách gia đình
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire