Tản Mạn Trong Ngày * Mai Thanh Truyết

Hình treo trên tường là hình chụp trong một buổi biểu tình phản đối Trần Trường treo hình HCM và cờ CSBV trong tiệm cho mướn phim ảnh của anh ta năm 1999 tại Westminster, CA
Một ngày bình thường như mọi ngày.
Sáng sớm thức dậy. Tự nhiên trong người cảm thấy cần viết ra bất cứ điều gì hiện trong đầu. Sau khi rửa mặt, đáng răng, làm vệ sinh xong, tôi tự nghĩ và đi vào tủ quần áo lấy ra một chiếc áo đã từ lâu tôi quên mất. Đó là chiếc áo của Đoàn Xây Dựng Nông Thôn mà một thành viên của Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng gần 10 năm về trước tặng cho.
Bs Trần Văn Tích và MTT trong buồi Ra Mắt sách Tâm Tình Người Con Việt của người viết tại Nam California năm 2012.
Nhìn chiếc áo, từ từ mặc vào, cảm nghĩ đầu tiên của tôi lâng lâng một niềm cảm xúc dội lại từ trong tiềm thức vì tôi chưa bao giờ mặc một bộ đồ đồng phục của “lính” cả! Cả một đời người từ thời thơ ấu cho đến hôm nay, tôi chỉ có hai đồng phục như dưới đây:
Năm năm mặc áo trắng ngắn tay với quần Kaki xanh dượng ngắn cùng phù hiệu “Trường Tiểu học Trương Minh Ký” trên đường Nguyễn Thái Học tức Kitchener cũ, quận Nhì, Sài Gòn;
Bảy năm với chiếc áo dài tay trắng và quần kaki xanh dương cùng phù hiệu “Trường Trung học Petrus Trương vĩnh Ký” - LPK trên đường Cộng Hòa tức Nancy cũ, Quận 5, Chợ Lớn;
Và 49 năm còn lại với chiếc blouse trắng tượng trưng cho từ bi – bác ái đi theo cùng tôi suốt chặng đường đài từ Việt Nam qua Pháp. Để rồi về lại Việt nam và sau cùng chiếc áo trắng ấy đã cùng tôi dong rũi trên đất Mỹ suốt chặn đường cuối đời cho đến hôm nay.
Trong bảy năm qua, tuy không còn mặc chiếc áo thân yêu đi khắp đó đây nữa, nhưng chiếc áo trắng của tôi bây giờ trở thành tấm vải bao phủ thành ghế ngồi của tôi, để tôi tựa lưng hay là gợi cho tôi nỗi nhớ của một thời với từ bi, với yêu thương qua một giai đoạn ngắn từ Cơ thể học viện, tới Bịnh viện Chợ Rẫy, Nhà thương Từ Dũ, Bịnh viện Nguyễn Văn Học và Bịnh viện Bình Dân. 
Thực sự tôi đã bắt đầu mặc chiếc áo thân thương màu trắng nầy từ năm 1963 khi còn là một cậu sinh viên năm thứ nhứt trường Y khoa Sài Gòn. Những kỷ niệm nơi số 228 đường Trần Quý Cáp góc đường Lê Quý Đôn, nơi sau nầy, CSBV biến thành nhà triển lãm tội ác Mỹ Ngụy với chiếc máy bay Mỹ “to đùng”. Nhưng hôm nay, tội ác của Mỹ đâu không thấy mà chỉ thấy những lời “xin-cho” (cố hữu trong não trạng của người cộng sản) người Hoa Kỳ vào lại Việt Nam để làm đối trọng với Trung Cộng. Còn tội ác của Ngụy (!) ư? Nếu còn, chỉ là những lời “van xin” khúc ruột ngàn dặm (?) đem đô la về xây dựng đất nước!

Kỷ niệm nơi Cơ thể Học viện với Thầy Nguyễn Hữu, Thầy Trần Anh. Tôi có gặp lại Thầy Hữu khi Thầy lưu vong qua Pháp và tội nghiệp thay cho Thầy phải mở một quán ăn nhỏ và bị thất bại. Sau đó, Thầy nhờ một anh học trò cũ phụ tá cho Thầy ở Cơ thể học viện. Đó là BS Nguyễn Mộng Hùng nằm trong nhóm mỗ tim nổi tiếng thời bấy giờ (1966) của BS Bernard. BS Hùng đã vận động cho Thầy vào một chân “assistant”.

Sau Cơ thể học viện, rồi đến bịnh viện Chợ Rẫy với Thầy Đặng Văn Chiếu, bịnh viện Từ Dũ với Thầy Hồng (quên họ của Thầy rồi), Bình Dân với Thầy Út, và bịnh viện Nguyễn Văn Học với Thầy Trần Văn Lữ Y (Louis)…(Khi qua Mỹ tôi hân hạnh gặp BS Trần Văn Chơn, em ruột của Thầy Louis, trờ thành một người bạn tâm giao ngụ tại Thị trấn Giữa Đàng (Midway City) bên cạnh Tp Westminster,CA).
Tuổi thanh niên của tôi lúc nầy thể hiện qua một việc làm nho nhỏ trong chiếc áo trắng vào giữa năm 1963, giai đoạn gay cấn của Đệ Nhứt Cộng hòa; số là, vì phải đối đầu với giặc ngoài là Việt Cộng và “thù” trong là những người Việt sống trong lãnh địa quốc gia (dưới vỹ tuyến 17) xâu xé nhau, gây bất ổn cho chế độ Cộng hòa lúc bấy giờ. Anh bạn thân thiết của tôi là Hoàng Cơ Trường và tôi đã làm công tác chích ngừa cho dân chúng ở những vùng bất an ninh như Cần Giuộc, Cần Đước, và Long Đinh. Hai anh em cùng đi trên chiếc mobylette vàng của tôi len lõi trên các đường mòn hẻo lánh nhưng không hề biết sợ những bất trắc có thể mang đến cho mình do Việt cộng phục kích! (xin có vài giây phút tưởng niệm đến anh bạn Trường của tôi, mất ở Fresno, CA vào tháng 4/1983).
Sau đó, tôi lại mang chiếc áo trắng thân thương qua Pháp. Những ngày làm học trò, những ngày làm assistant laboratoire, rồi assistant délégée ở Institut de Chimie, Besancon. Chiếc áo trắng trong giai đoạn nầy chính thức mang lại cho tôi lương bổng hàng tháng, để từ đó tôi có thể lo cho vợ con.
Về lại Việt Nam, cũng với chiếc áo blouse trắng cố hữu của tôi lại “phất phơ” nơi Ban hóa học trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn và Đại học Cao Đài Tây Ninh. Trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy hai năm làm việc ở hai nơi nầy, chiếc áo trắng cũng đã giúp tôi làm một số việc nho nhỏ như gieo cấy ý thức trách nhiệm của sinh viên qua việc bảo quản phòng ốc của trường Sư phạm…bằng cách huy động những ngày đi lau chùi và rửa…nhà vệ sinh của trường!
Nơi Cao Đài, niềm hãnh diện của tôi trong chiếc áo trắng là xây dựng và thiết lập các phòng thí nghiệm hóa học, vật lý, sinh thực động vật trong một thời gian kỷ lục, từ việc thiết kế xây dựng, “đi xin” và thu mua các máy móc và dụng cụ bên ngoài khu nội ô Cao Đài. Từ đó, sinh viên có điều kiện thực tập bên cạnh Chợ Long Hoa, cửa số 1, vì trong nội ô, các việc thí nghiệm nhứt là mổ xẻ động vật là một cấm kỵ của đạo. Việc làm nầy, tôi đã nhờ sự phụ giúp của một số giảng nghiệm viên trẻ mà tôi đã thu dụng, đồng ý với đường lối mở mang và phát triển trên. Xin cám ơn các anh em đã đóng góp một việc làm không nhỏ cho Viện Đại học Cao Đài.
*   *   *
Trở về chiếc áo “Xây dựng Nông thôn” tôi mặc sáng nay, kỷ niệm tuy không nhiều, nhưng tôi nhớ rất rõ là tôi đã từng mặc chiếc áo nầy một lần trong khoảng thời gian ở Đại học Cao Đài Tây Ninh. Trong những lần đi ra nông trướng hay trại cá, tôi thỉnh thoảng mặc chiếc áo nầy hòa lẫn trong sinh viện thay vì chiếc áo blouse màu trắng…Kỷ niệm nhiều với trại cá giống là khi tôi xin được một số cá từ trại cá Thủ Đức do GS Lê Văn Đằng, Giám đốc Nha Ngư nghiệp, Sài Gòn lên Tây Nình. Nhìn đàn cá “mùi” lớn mau, một niềm vui len lén trong đầu người viết là hy vọng sẽ nhân giống được nhiều thêm lên nhằm phân phát cho bà con Tây Ninh để cải thiện bữa cơn vẫn còn thiếu quá nhiều protein động vật! Nhưng ước mơ của tôi đành đứt đoạn vì cơn oan nghiệt xảy ra do một chủ thuyết ngoại lai và man dã!
Giờ đây, ngồi viết lại, nghĩ lại các bộ đồng phục của cuộc đời, tôi thấy tôi quá giản dị, đi từ bộ đồng phục học trò cho đến chiếc áo blouse trắng thân thương cho đến cuối đời, những chiếc áo tinh khiết khiến cho chính tôi cũng không dám nghĩ đến những việc làm “xằng bậy” có thể làm ô uế chúng. Những chiếc áo thân thương trên đã gìn giữ tôi đi con đường chánh đạo cho đến ngày hôm nay. Xin cám ơn các chiếc áo trắng trinh nguyên!
Còn chiếc áo Xây dựng Nông thôn là một trong nhiều kỷ niệm đẹp trên bước đường tranh đấu cho một tương lai Việt Nam không có bóng dáng những sinh vật mang lốt người mà đối xử với đồng bào ruột thịt cùng dòng máu đỏ Lạc Hồng còn tệ hại hơn dã thú…!
Chiếc áo Xây dựng Nông thôn làm cho tôi kết nối được nhiều chiến hữu khắp nơi qua mẫu số chung là Chống Tàu Diệt Việt Cộng.
Kề từ năm 2011, khí Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng chính thức ra mắt và bắt đầu đóng góp cho công cuộc tranh đấu chung, nhiều người trong đó có bạn bè thân sơ góp ý là Nhóm chúng tôi quá cực đoan, không thực tế khi đưa ra mục tiêu tranh đấu:
Chống Tàu, Đánh Tàu, Đuổi Trung Cộng về Tàu chứ không “Thoát Trung” một cách yếu hèn;
Còn Diệt Việt Cộng là triệt tiêu mầm mống của cộng sản tức là cơ chế chuyên chính vô sản của CSBV. Khái niệm giết người cộng sản Việt cuối cùng không nằm trong suy nghĩ của tôi cũng vì đã mang chiếc áo blouse trắng vào người cùng một nền giáo dục nhân bản và đạo đức của dòng họ.
Chính hai mục tiêu nầy lần lần được cồ súy, qua những lần dong rũi khắp nơi và hiện diện trên các bút ký “Thư Cho Con” từ Tập 19 (1/2012) cho đến hôm nay Tập 33 (4/2020) do GS Trần Minh Xuân, TS Phan Văn Song, và tôi chủ trương. Cũng không quên là ngoài những bút ký trên tôi còn để lại cho đời các sách dưới đây:
Câu chuyện Da Cam/Dioxin Việt Nam, xuất bản năm 2008 nói lên vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc Ca Dam Việt Nam kiện 27 Công ty Hóa chất hoa Kỳ trong đó có hai Cty lớn là Dow Company và Monsanto, trong đó tôi là một nhân chứng cho Dow. Kết quả vụ kiện là Tòa Thượng thầm, Phá Án, và Tối Cao Phap viện Hoa Kỳ đã bác bỏ hoàn toàn vụ kiện;
Từ Bauxite đến Uranium: Tiến trình đô hộ Việt Nam của Trung Cộng, năm 2009;
Những Vấn đề Môi trường Việt Nam, năm 2010;
Tâm tình người con Việt, năm 2012;
Việt Nam Tương lai Tập I và II, năm 2014;
Lối thoát nào cho Việt Nam, năm 2017;
Lối thoát cho Việt Nam, năm 2018;
Và “TÔI”, năm 2019.
Và cũng cần nói thêm là Nhóm CTDVC hiện có thành viên khắp nơi từ Nam Bắc Cali, qua Houston, New Orleans, Florida, Pháp, Canada, và nhứt là Úc châu ở các tiểu bang đông dân Việt…
Bản thân tôi, vốn dĩ đã có một quan niệm không lai chuyển ngay từ thuở còn thanh niên, tức là quan niệm không “Nhìn lại – Looking back”.
Vì sao?
Vì tôi nghĩ rằng, nếu nhìn lại mình sẽ mất thêm nhiều thời gian chết (temps mort) trong cuộc tranh đấu với đời và chiến đấu cho đường về quê hương.
Vì quỹ thời gian của tôi không còn nhiều nữa!!!
Nhưng có lẽ tôi đã vi phạm hai lần quan niệm mà tôi đã vạch ra:
Lần thứ nhứt: Vào năm 1983, ngay vừa khi định cư tại Fresno, một đài truyền hình địa phương phỏng vấn tôi và yêu cầu làm một “tự truyện - narrative” về tôi. Youtube chỉ dài độ 10 phút, trong đó tôi chỉ độc thoại và nói về cuộc chiến do CSBV làm tiêu tan một quốc gia Cộng hòa còn tươi trẻ khi còn trong tuối thanh niên, 20 tuồi. Đó là Việt Nam Cộng Hòa sau vỹ tuyến 17.

Tôi cũng nói về tôi, tôi không hận thù người cộng sản Bắc việt, mà tôi chỉ giận họ. Giận họ vì họ làm cho tôi không có điều kiện đóng góp cho đồng bào tôi, phụ giúp bà con có một đời sống tương xứng với tấm lòng chất phác và hiền lành của người dân miền Nam chơn chất. Những người dân với tâm hồn nhân bản và dân tộc trên, từ đó miền Nam mới nảy sinh ra hai nền đạo dân tộc chỉ có từ tấm lòng người dân miền Nam. Đó là Phật giáo Hòa Hảo và Đạo Cao Đài.
Và lần “nhìn lại” thứ hai, chình là hôm nay. Viết lên những “Tản mạn trong ngày” hôm nay có lẽ là lần nhìn lại cuối cùng trong đời.
Xin chia xẻ cùng Bà Con khắp nơi.
* Mai Thanh Truyết
Lần nhìn lại thứ hai – 10/6/2020

Aucun commentaire: