Người ta không thể luôn luôn ở tâm trạng chống đối quê
hương mình. Phải có điều gì đó vui với chi phí mà nó đài thọ.
Tôn giáo và chủ nghĩa quốc gia đồng hành tay nắm tay trong lịch sử
Tây Phương ....Hoa Kỳ ... gần đứng đầu trong cả hai lãnh
vực này
Religious and nationalism have gone hand in hand in the history of the
West.... America ranks... close to the
top of both dimensions. (Samuel P. Huntington. Who Are We?)
Trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Tổng Thống Donald Trump bước
vào Tòa Bạch Ốc, người Việt chúng ta, tại Hoa Kỳ cũng như ở nhiều nước khác, tỏ
ra rất chú trọng đến sinh hoạt chính trị nước này. Trên các phương tiện
truyền thông cũng như qua những trao đổi thư tín, người ta không ngừng bày tỏ ý
kiến cá nhân về đường lối chính sách của Hoa Kỳ đối với các nước đồng minh, hay
đối thủ về nhiều mặt chính trị, kinh tế, tài chánh, ngoại giao quân sự, tài
chánh vv. Về phương diện quốc nội Hoa Kỳ, những chính sách lớn ban hành
trước đây do Hành Pháp lãnh đạo bởi đảng Dân Chủ, như y tế, thuế khóa, nhập cư,
hôn nhân giữa những người đồng tính, công bằng xã hội vv. cũng được đem ra mổ xẻ
để so sánh. Đây là một biểu hiện tích cực, cho thấy chúng ta, sau khi đã
thương đối “an cư lạc nghiệp”, nay có khuynh hướng tham gia vào “dòng chính”
chính trị, không còn xem mình là người “tạm dung, ăn nhờ ở đậu” nữa. Người
theo, kẻ chống đưa ra những lập luận-dựa theo truyền thông, hay những hiểu biết
và suy nghĩ riêng tư của mình-- nghe đều có lý.
***
Bài viết này-của một người vừa tìm hiểu vừa viết-nhằm mục đích khiêm tốn
là cung cấp thêm một góc nhìn để chúng ta có những hiểu biết cơ bản về Liên
Bang Chế Hoa Kỳ (US/American Federalism). Sự hiểu biết thêm về thể chế
chính trị này có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn mối liên hệ --gắn bó lẫn xung đột--
giữa chính quyền liên bang (federal/national government), với các tiểu bang,
cũng như giữa hai cấp chính quyền này đối với các chính quyền địa phương*
(Xin xem thêm Ghi Chú phiá dưới bài). Ngay từ đầu, có thể nói rằng
liên bang chế Hoa Kỳ đã, đang và sẽ định hình quá khứ, hiên tại và tương lai của
quốc gia này; và sự phân chia quyền lực giữa chính quyền liên bang và các
tiểu bang ảnh hưởng đến sự thịnh vượng, an ninh và sinh họat thường nhật của mỗi
người dân Mỹ. Nhiều chính sách đối ngoại của chính quyền liên bang, trong
quá trình hình thành cũng như khi thực hiện, đã không thể bỏ nào qua các mối
liên hệ này. Thậm chí có người còn lý luận rằng hầu hết các vấn đề lớn của nước
Mỹ, kể cả đối ngoại, đều có thể giải quyết êm đẹp nếu các xung đột giữa liên
bang và tiểu bang và địa phương được giải quyết thỏa đáng – nghĩa là “đầu xuôi,
đuôi lọt.” Nói cách khác, người ta khó có thể gọi là hiểu biết rõ về
các chính sách của Hoa Kỳ khi chưa biết vai trò của liên bang chế nước này.
Một Chút Lịch Sử
Chính quyền của đa số các quốc gia trên thế giới (chẳng hạn Anh,
Pháp, Nhật, Việt Nam Cộng Hòa trước 1975) theo đơn nhất chế (unitary system),
nghĩa là quyền lực quốc gia được tập trung vào bộ phận chính trị cao nhất.
Đó là chính quyền trung ương; từ đó quyền lực được phân tản hoặc ít hoặc nhiều
đến các địa phương mà khi thấy cần, chính quyền trung ương có thể tập trung trở
lại, thậm chí quyết định thay cho chính quyền các địa phương.
Hoa Kỳ thì lại theo liên bang chế, nghĩa là quyền lực không tập trung vào
một bộ phận duy nhất, tức cấp quốc gia (thường được gọi là cấp liên bang hay
trung ương), gồm Tổng Thống, và Lưỡng Viện Quốc Hội, mà còn nằm trong tay các
tiểu bang mà Hiến Pháp năm 1879 đã ghi khá rõ. Dưới đây là một chút lịch
sử về sự hình thành của Liên Bang Chế Hoa Kỳ.
Như chúng ta nhớ lại, trong thời gian chiến tranh với Anh quốc để giành
độc lập (1775 - 1783), 13 thuộc địa miền Đông Hoa Kỳ ngày nay (4 thuộc Miền Bắc
là NH, MA, RI và CT; 5 Miền Trung là NY, PA, NJ, DE, MD; và 4 thuộc Miền Nam là
VA, NC, SC và GA) đã cùng nhau soạn thảo bản “Tuyên Ngôn Độc Lập” (năm
1776). Một năm sau lại cùng tụ tập lại soạn dự thảo bản Hiếp Pháp đầu
tiên của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, tên gọi là The Articles
of Confederation. Bản dự thảo này lần lượt được các thuộc địa phê duyệt,
và có hiệu lực từ năm 1781. Theo Hiến Pháp 1781 này, Hiệp Chúng Quốc Hoa
Kỳ là một “liên minh thân hữu” (league of friendship). Đó là một thứ liên
minh lỏng lẻo: các tiểu bang giữ lại hầu hết chủ quyền (sovereignty) của
mình, lớn nhỏ đều bình đẳng và độc lập với nhau. Chính quyền “trung
ương”, tuy có quyền hạn về hòa bình (nhờ đó mới ký hòa ước với Anh năm 1783, và
có “tổng thống” John Hancock được bầu năm 1785), nhưng không được quyền thu thuế
và điều hành thương mại giữa các tiểu bang. Chính quyền trung ương này tỏ
ra không hữu hiệu và đáp ứng kịp thời khi tình thế đòi hỏi, vì các quyết định
quan trọng cần phải được 9 trên 13 các tiểu bang lớn nhỏ đồng thuận.
Vì những lý do đó mà các tiểu bang thấy Hiến Pháp 1781 cần phải có những
sửa đổi. Mùa Xuân năm 1787, 12 tiểu bang đã gửi 55 đại biểu đến họp tại
Philadelphia (Pennsylvania) để bàn nhau tu chính Hiến Pháp The Articles of
Confederation. Tiểu bang Rhode Island không gửi đại biểu vì
lo sợ nếu “một chính quyền quốc gia” (a national government, tức theo đơn chế)
có thể hình thành như lời đồn đoán, thì sẽ không lợi cho tiếu bang nhỏ bé và ít
dân của mình (chỉ 35 ngàn dân, so với 500 ngàn của Virginia, và 200-300 ngàn của
nhiều tiểu bang còn lại) . Các đại biểu họp phiên đầu tiên ngày 25/5/1787 . Sau đó, thay vì tìm cách
tu chính bản Hiến Pháp cũ, các đại biểu lại bàn tán tranh luận sôi nổi về sự
hình thành lưỡng viện quốc hội liên bang, và về vai trò của các tiểu
bang. Có hai khuynh hướng khác nhau rõ rệt. Một nhóm đại biểu xem cần
phải có chính quyền trung ương mạnh; cho rằng các tiểu bang sẽ là trở ngại nếu
cứ muốn duy trì chủ quyền của mình. Khuynh hướng kia cho rằng các tiểu bang nhỏ
lo sợ sẽ bị nuốt chững nếu khuynh hướng trước thắng thế. Vì vậy các đại
biểu nghĩ ra một giải pháp dung hòa hai khuynh hướng, nhằm quân bình quyền lực
trung ương và quyền lực các tiểu bang. Cuối cùng một bản dự thảo Hiến
Pháp mới được hình thành vào ngày 6/8/1787 . Trong thời
gian hơn một tháng sau đó (7/8/1787 – 10/9/1787), các đại
biểu còn ở lại vẫn tiếp tục bàn về nội dung của bản dự thảo
này.
Trong khi thảo luận, cũng như khi bản Hiến Pháp thành văn, thì chữ federalism không
hề xuất hiện, chỉ được nói đến sau này khi các tiểu bang
đem ra phê chuẩn. Theo Drake & Nelson (1999), federal do
tiếng Latin foedus có nghĩa là một hợp đồng giữa đôi bên bình
đẳng. Theo dự thảo Hiến Pháp mới, các quyền của trung ương và địa phương
đều được liệt kê ra. Vì vậy, các chế độ liên bang trên thế giới khó có thể
hoàn toàn giống nhau, vì tùy theo hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước, mà mối quan hệ
đôi bên có thể định hình khác nhau.
Để thuyết phục các tiểu bang, đăc biệt New York, bấy giờ thương mại
trở nên phồn thịnh nhờ Hiến Pháp cũ, đồng ý phê duyệt dự thảo bản Hiến
Pháp mới, hai đại biểu tài ba và tích cực nhất trong việc soạn thảo, Alexander
Hamilton, đại biểu 30 tuổi của New York và James Madison, đại biểu 35 tuổi của
Virgina, đã cùng John Jay, một chuyên viên ngoại giao kinh nghiệm đang làm việc
tại New York, dùng chung bút danh Publius viết ra 85 bài báo,
khởi đầu bằng “To the People of the state of New York,” để giải thích các vấn đề
mới mẻ trong bản dự thảo Hiến Pháp . Bài báo đầu tiên xuất hiện ngày 27/10/1787 . Về sau, những bài báo đó
được tập hợp lại, hiệu đính và xuất bản thành sách với tựa đề là The
Federalist Papers, rất hữu ích cho việc tìm hiểu Hiến Pháp Hoa Kỳ
--giá trị tương tự những biên bản thảo luận tại Quốc Hội được ghi lại trong
Công Báo Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta --Trong bài báo số
45, Madison viết: “Các quyền hành ủy thác cho chính phủ liên bang theo dự thảo
Hiến Pháp thì hiếm hoi và giới hạn. Còn quyền hành dành lại cho chính quyền tiểu
bang thì nhiều và vô hạn.... Những quyền dành cho tiểu bang sẽ nới rộng tới mọi
thứ đời thường liên quan đến cuộc sống, tự do, tài sản nhân dân, và trật tư, cải
tiến và thịnh vượng của tiểu bang.”
Theo điều cuối cùng của bản dự thảo, thì chỉ cần 9 tiểu bang thông qua
là đủ túc số. NH là tiểu bang thứ 9, thông qua ngày 21/6/1788 ; không lâu sau đó là VA, NY, NC. Rhode Island là tiểu bang sau
cùng, mãi đến 29/5/1790 mới chịu phê duyệt.
Bản Hiến Pháp mới với cái tên The Constitution of the United States đã
có hiệu lực từ ngày thứ Tư 3/4/1789 , tức là ngày họp đầu
tiên của Quốc Hội mới theo Hiến Pháp này. Bản Hiến Pháp 1789, cùng với 27
tu chính án lần lượt ra đời sau đó, là cơ sở pháp lý cao nhất chi phối mọi
sinh hoạt chính trị và đời sống của mọi công dân Hoa Kỳ.
Liên Bang Chế Qua Hiến Pháp
Người Mỹ, do sinh ra hay do nhập tịch, là công dân (citizen) của cả liên
bang và tiểu bang mình đang ở, có quyền lợi và nghĩa vụ đối với cả 2 thực thể
này. Có vài tác giả còn gọi họ là công dân của các địa phương nữa, nghĩa
là dưới cấp tiểu bang. Theo nhận xét của người viết, Hiến Pháp 1789 chỉ gọi
họ là “công dân của liên bang (Điều I, Khoản 2) và “công dân của tiểu bang (Điều
IV, Khoản 2) mà thôi. Như chúng ta biết, dưới chính thể cộng hoà, công
dân bầu ra các chính quyền. Trong quốc gia theo đơn nhất chế
(unitary system), công dân bầu ra chính quyền trung ương, và chính quyền trung
ương này san xẻ, phân tán quyền hành đến các cấp chính quyền địa phương – được
bổ nhiệm hay có thể được bầu ra. Trong các quốc gia theo liên hiệp
chế (confederation), công dân bầu ra các chính quyền tiểu bang (state
governments); các tiểu bang này giữ lại hầu hết chủ quyền của mình,
chỉ uỷ nhiệm cho “chính quyền trung ương” một số quyền nào đó mà thôi (thường
là quốc phòng, ngọai giao vv.) Còn trong các quốc gia theo liên bang chế
(federalism), công dân bầu ra chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang
mình đang cư trú để 2 chính quyền này cùng thực thi các quyền hạn được ghi
trong Hiến Pháp. Theo Gordon Grodzins , người ta không nên so sánh
chính quyền Hoa Kỳ như một chiếc bánh nhiều tầng (a layer cake) với những tầng
có chất liệu và màu sắc phân biệt rõ ràng, mà nên so sánh nó như
“chiếc bánh cẩm thạch” (a marble cake) với những tầng màu sắc quện nhau
như trong những viên bi mà chúng ta hay chơi khi còn bé. Ông
viết:
Như những màu sắc pha trộn nhau của “chiếc bánh cẩm thạch”, những nhiệm
vụ trong chế độ liên bang Hoa Kỳ cũng pha trộn nhau .... Chế độ liên bang Hoa Kỳ
chưa bao giờ là những hoạt động chính quyền riêng biệt. Không có lúc nào
có thể ghi lên nhãn hiệu gọn gàng cụ thể nhiệm vụ “liên bang”, “tiểu
bang” và “điạ phương”cả [Xin xem Chú Thích] Trước khi
được tổ chức đầy đủ, quốc gia này đã thiết lập ra nguyên tắc đầu tiên của liên
bang chế Hoa Kỳ: đó là chính quyền quốc gia sẽ dùng tài nguyên siêu việt của
mình để khởi tạo và yểm trợ các chương trình quốc gia, chủ yếu được quản lý bởi
các tiểu bang và địa phương. (Elaza, Carroll, Levine & Angelo, p. viii)
Những quyền của liên bang (được hiểu chủ yếu là Quốc Hội Liên Bang) được
liệt kê trong các Điều Khoản của Hiến Pháp 1789. Dưới đây là một số quyền
của LB:
- Điều I
· Khoản 8 về điều hành thương mại (commerce clause) với nước
ngoài và giữa các tiểu bang với nhau; ra những luật cần thiết và thích hợp
(necessary and proper clause) để thực thi các trách nhiệm của chính quyền liên
bang do Hiến Pháp qui định; vay mượn; in tiền; bưu điện (nhân số trên 900 ngàn
so với 2,6 triệu nhân số LB); quãng bá tiến bộ khoa học và nghệ thuật; tổ chức
tòa án LB dưới Tối Cao Pháp Viện LB; tổ chức quốc phòng; thu thuế vv.
· Khoản 9 về di trú, nhập cư; quan thuế; tàu bè, bến cảng
- Điều IV
·Khoản 3 về việc thu nhận các tiểu bang mới vào Liên Bang
· Khoản 4 về việc bảo đảm dân chủ cho các tiểu bang, cũng như bảo vệ
chống xâm lăng và nội loạn
- Điều VI, về sự tối thượng của Hiến Pháp, các luật Liên Bang và
các hiệp ước quốc tế, nghĩa là có giá trị pháp lý cao hơn luật lệ cuả các tiểu
bang.
- Tu Chính Án XIII (phê chuẩn ngày 6/12/1865 ) hủy bỏ chế độ nô lệ trên toàn quốc
- Tu Chinh Án XIV (phê chuẩn ngày 9/7/1868 ) qui định bâu cử các
giới chức chính quyền LB
- Tu Chính Án XVI (phê chuẩn ngày 3/2/1913 ) cho phép chính quyền
LB thu thuế lợi tức
- Tu Chính Án XVII (phê chuẩn ngày 8/4/1913 ) cho phép công dân trực tiếp bầu 2 thượng nghị sĩ
thay vì do quốc hội các tiểu bang chọn lựa như trước đó.
- Tu Chính Án XXVII đặt điều kiện về sự thay đổi lương bỗng cho các
Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ. Dự thảo Tu Chính Án này dự trù sẽ được phê duyệt
ngày 25/9/1789 chung với 10 Tu Chính Án đầu tiên (goi chung là Bill of Rights),
nhưng nó lại bị quên đi! Mãi trên 200 năm sau, nó mới được phát hiện, rồi
trở thành Tu Chính Án sau cùng của HP 1789, sau khi tiểu bang Michigan bỏ phiếu thông qua
vào ngày 15/12/1992 .
Những quyền hành các tiểu bang được Hiến Pháp qui định qua:
- Điều I, Khoản 10: Cấm không được gia nhập ký kết với
nước ngoài, phát hành tiền tệ; nếu không được QHLB cho phép thì không được quyền
ban hành thuế xuất nhập cảng; không được quyền có quân đội, tàu chiến trong thời
bình, không được quyền gây chiến với tiểu bang khác hay ngoại quốc.
- Tu Chính Án X (cùng với 9 Tu Chính Án I – IX, gọi
chung The Bill of Rights, được phê chuẩn ngày 15/12/1791 ) được xem là vô cùng quan trọng trong việc xác lập
quyền hạn của các tiểu bang. Tu Chính Án này viết như sau: Những quyền
hành không được Hiến Pháp ủy thác cho Liên Bang, hay bị cấm đoán đối với các tiểu
bang, thì sẽ được duy trì cho các tiểu bang, hay cho nhân dân (The powers not
delegated to the United States by the Constitution, nor prohibited by it to the
States, are reserved to the States respectively, or to the people). Có
thể khẳng định rằng Tu Chính Án này ra đời nhằm bảo đảm những quyền hạn rộng
rãi, tuy không được nêu rõ ra, dành cho các tiểu bang và toàn dân, được xem như
là bộ phận đối kháng với chính quyền liên bang.
- Tu Chính Án XIV (được phê chuẩn ngày 9/7/1868,
tức sau Nội Chiến 1861- 1865) Khoản 4 cho phép tiểu bang (và liên bang) không
phải chịu trách nhiệm về nợ nần đối với các vụ nổi dậy chống Hoa Kỳ; cũng như
những đòi hỏi về mất mát hay giải phóng người nô lệ; những nợ nần liên hệ bịi
xem là bất hợp pháp.
Hai Tu Chính Án X và XIV nói trên được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ
(US Supreme Court) sử dụng triệt để giải thích về những vấn đề được xem như là
“xám” trong Hiến Pháp nhằm giải quyết các vụ kiên giữa Liên Bang và Tiểu Bang,
cũng như trong các vụ án về kỳ thị chủng tộc.
Vai trò của các tiểu bang quan trọng đến nỗi danh từ “tiểu bang” đưọc
nêu ra minh thị hay trực tiếp hàm ý đến 50 lần trong 42 Khoản riêng biệt của Hiến
Pháp 1789. Tuy nhiên nếu Tu Chính Án X nói trên cũng không cấm nỗi các thẩm
phán các tòa liên bang thường h viện dẫn câu cuối cùng của Khoản 8 Điều I cho
phép Quốc Hội “Làm mọi thứ luật cần thiết và thích hợp để hành xử các quyền đã
nêu, hay những quyền mà Hiến Pháp này cho phép chính quyền Hoa Kỳ hay bất kỳ Bô
hay Viên Chức của chíng quyền này” (“To make all Laws which shall be necessary
and proper for carrying into Execution the foregoing Powers, and all other
Powers vested by this Constitution in the Government of the United States, or
in any Department or Officer thereof.” )
Chúng ta cũng không quên rằng các tiểu bang đều có Hiến Pháp
riêng. Tuy nhiên điều quan trọng về song hành chủ quyền này không
phải các “công dân” Mỹ ai ai cũng biết. Trong một cuộc thăm dò toàn
quốc năm 1988, chỉ có 44% số người trả lời cho rằng tiểu bang mình đang ở cũng
có Hiến Pháp! Thật ra ngay trong thời gian lập quốc (1776 – 1788), 13 tiểu bang
đầu tiên cũng đã được Quốc Hội Liên Bang khuyên nên soạn những bản Hiến Pháp
riêng cho tiểu bang mình (Những bản HP nguyên thủy này ngày nay cũng được đánh
giá là rất dân chủ). HP các tiểu bang đều tam quyền phân lập. Hành Pháp đứng
đầu bởi Thống Đốc, ai cũng biết. Lập Pháp thì tên gọi khá khác nhau: đa số TB gọi
đó là Legislature, một số lại gọi là General Assembly, thậm chí Massachusetts gọi
General Court --dễ đưa đến hiểu lầm. Tất cả các TB đều gọi viên trên
(Upper House) là Senate, nhưng lại gọi Viện Dưới (Lower House) với các tên khác
nhau: đa số gọi House of Representatives, vài TB gọi là House of Delegates, hay
đơn giản chỉ là Assembly. Riêng Nebreska sau năm 1934 chỉ còn độc viện
--Senate, vì viện dưới bị xem là quá tốn kém. Tổ chức Tư Pháp cũng
phức tạp không kém. Có TB thì hệ thống tòa án có 4 cấp; có TB chỉ có 3 cấp, với
các tên gọi khác nhau. Vai trò của tòa án tiểu bang đối với liên bang cũng có sự
thay đổi. Vào đâu thập niên 1970, vấn đề liên bang chế thuộc lãnh vực tư pháp
(judicial federalism) đặt ra sau khi Warren Burger được bổ nhiệm làm Chánh
Thẩm Phán. Như chúng ta biết, khi xét xử, Tòa Án Tiểu Bang dựa theo Hiến
Pháp tiểu bang cùng luật lệ tiểu bang và điạ phương. Do hoàn cảnh dân số,
kinh tế t vv. thay đổi, Hiến Pháp các tiểu bang thỉnh thoảng cũng được tu chính
để đáp ứng.
Qua các textbooks về chính quyền Hoa Kỳ (US Government), hay chính quyền
tiểu bang và điạ phương (State and Local Government), cũng như qua các sinh họat
hằng ngày, chúng thấy các tiểu bang có ít nhất những quyền hạn cụ thể sau đây:
· Tổ chức các cuộc bầu cử bầu các giới chức liên bang như Tổng Thống,
Thượng Nghị Sĩ LB, Dân Biểu LB, và phê chuẩn các thu chính án cho Hiến Pháp Hoa
Kỳ
· Điều hành thương mại trong tiểu bang
· Thu các loại thuế (trừ thuế xuất nhập cảng với nước ngoài), vay
mượn nợ để đài thọ các công chi
· Thanh tra kiểm soát hoạt động các hoạt động ngân hàng, công ty
· Điều hành các định chế dân chủ cho tiểu bang như Thống Đốc, Quốc
Hội, chính quyền địa phương
· Làm luật và thi hành luật và điều hành tư pháp
· Cung cấp, bảo vệ cư dân trong tiểu bang qua các dịch vụ y tế công
cộng, giáo dục, cảnh sát, cùng các hoạt động văn hóa và tinh thần
Chống Tập Trung Quyền Hành
Như chúng ta đã biết, khi đồng ý ngồi lại để cùng soạn bản Tuyên Ngôn Độc
Lập 1776, rồi kế tiếp bản Hiến Pháp 1781, các cựu thuộc địa muốn đoàn kết để đủ
sức mạnh chống lại vương quốc Anh, nhưng đồng thời không muốn có một nhà nước
giống vương quốc Anh, tức quá tập quyền bính vào tập trung vào một người, cũng
không muốn tạp quyền vào tay một nhóm nào. Hiến Pháp 1781 thành công
trong việc duy trì chủ quyền cho các thuộc địa này, tức không quá tập trung quyền
lực, nhưng không thành công ở chỗ không hình thành được một chính quyền mạnh đủ
khi cần thiết.
Mục đích chủ yếu của cuộc họp mặt của các đại biểu tại Philadelphia là để tu chính bản Hiến
Pháp 1781. Sau khi làm việc trong thời gian tương đối ngắn --chỉ 2 tháng rưỡi
(từ 25/5/1787 đến 6/8/1787 -- bản dự thảo Hiến Pháp mới đã hoàn thành, nội dung
khác rất nhiều với bản Hiến Pháp cũ. Có hai khác biệt nổi bật. Thứ
nhất, Hiến Pháp mới hàm ý (tức không minh thị) nguyên tắc tam quyền
phân lập theo chiều ngang, tức là Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp, mà đối với
Tư Pháp, theo sử liệu, các đại biểu đã không mất nhiều thì giờ để tranh cải;
lại còn không “dân chủ” bằng hai bộ phận kia, vì không do dân bầu!
Thứ hai, có sự phân quyền theo chiều dọc giữa liên bang và các tiểu bang. Nếu
vấn đề đơn nhất chế trở thành nghị trình chính của hội nghị, thì đại biểu của
nhiều tiểu bang, trong đó có ít nhất 3 tiểu bang dân số dưới 100 ngàn người sẽ
ra về; và chắc chắn sẽ không có một Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ như ngày nay!
Một số đại biểu có địa vị quan trọng ở tiểu bang còn sợ rằng nếu quyền
hành quá tập trung vào trung ương, thì mình có thể bị biến hay lu mờ đi, và dọa
sẽ bỏ họp nếu vấn đề tập trung quyền lực tiếp tục bàn. Ngoài ra,
khi bàn về quyền của các tiểu bang, có một vấn đề lớn khác không được đề cập tới.
Đó là vấn đề nô lệ, vốn đã bắt đầu nhen nhúm những xung đột, Liên Bang hay tiểu
bang, ai là người có trách nhiệm giải quyết sớm? Các đại biểu đều lặng thinh.
Nếu nó được đưa ra, thì chắc chắn sẽ có tranh cải dữ dội, và 4 tiểu bang miền
Nam, trong đó có Virginia đông dân nhất có thể sẽ rút lui khỏi hội nghị. Tuy đã
dung hòa, nhưng các đại biểu cũng nghĩ rằng chủ trương dung hoà này cũng không
dễ thuyết phục được các tiểu bang. Vì thế các bài báo của
“Publius” mới ra đời, như đã nói trên. Khi Hiến Pháp bắt đầu áp dụng, thì
những tranh tụng kiện cáo thuộc lãnh vực liên bang chế đã xảy ra, và vẫn còn tiếp
tục dai dẳng đến ngày nay và trong tương lai nữa. Do đó, có thể khẳng
định rằng muốn tìm hiểu thêm về sự vận hành hay tiên đoán về định chế phức tạp
này, người ta không thể không đề cập đến vai trò của hệ thống Tòa Án Liên Bang.
Một Chút Về Tòa Án Liên Bang
Theo Hiến Pháp 1789, Hoa Kỳ chỉ có 2 cấp chính quyền: Liên Bang (Quốc
Gia) và Tiểu Bang. Các xung đột giữa Liên Bang (Lập Pháp lẫn Hành
Pháp) và các Tiểu Bang sẽ được giải quyết qua hệ thống Toà Án Liên Bang,
Cấp thấp nhất là Tòa Quận Hạt (US District
Court). Thông thường, mỗi tiểu bang có ít nhất một tòa; các tiểu bang lớn
như Califonia , Texas , New York , mỗi nơi có đến
4. Toàn quốc tổng cộng 94 (kể cả 1 cho thủ đô Wahsington , DC ). Tòa Quận Hạt
quan trọng vì đây là tòa xét xử (trial court), nghĩa là qua đầy đủ thủ tục:
mở hồ sơ, nghe nguyên cáo, bị cáo và luật sư; nghe bồi thẩm đoàn. Các vụ
tranh chấp liên quan đến Hiến Pháp hay tranh chấp quyền hành giữa Liên bang và
tiểu bang thường được xét qua các phiên tòa gồm 3 thẩm phán (three-judge
district court) –thay vì 1 trong các vụ thông thường-- và nếu khiếu kiện thì
lên thẳng Tối Cao Pháp Viện, không qua Tòa Phúc Thẩm.
Cấp cao hơn: Tòa Phúc Thẩm (US Circuit Court,
hay US Court of Appeals), được tổ chức theo vùng (region hay circuit), gọi
tên theo thứ tự. Thí dụ Toà Phúc Thẩm Thứ Chín (the Ninth Court of
Appeals) phụ trách các tiểu bang WA, OR, CA, AZ, NV, ID, MT, AK, HI và đảo
Guam; Tòa Phúc Thẩm Thứ Mười phụ trách WY, UT, CO, NM, KS và OK). Có tất
cả 13 trong đó 11 cho các tiểu bang và vùng lãnh thổ Puerto Rico và Virgin
Islands, 1 ở thủ đô và 1 gọi là Federal Circuit Court dành cho các trường hợp đặc
biệt. Tòa Phúc Thẩm kkông phải là tòa xét xử như tòa Quận Hạt, mà là tòa
“xem lại” (review) hình thức đúng sai của các vụ đưa lên từ các tòa quận hạt,
hay đôi khi từ các cơ quan hành chánh; có thể nghe luật sư của đôi bên
trình bày ngắn gọn (thường chỉ 10 phút); tranh luận miệng (oral argument). Vì Tối
Cao Pháp Viện chỉ nhận “xem lại” rất ít vụ, cho nên có thể xem Tòa Phúc Thẩm là
nơi giải quyết cuối cùng (last resort). Tòa này không tìm kiếm bằng chứng
thực tế mới (new factual evidence), mà chỉ đi tìm các sơ hở trong hồ sơ chuyển
lên. Tòa này cũng giải quyết các tranh chấp và cho thi hành án. Nó
cũng tìm ra và đưa phương thức giải quyết cho các vụ mà Tối Cao Pháp Viện có thể
nhận để xem xét.
Cấp cao nhất là Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (US
Supreme Court). Với 9 vị thẩm phán, trong đó Chánh Thẩm Phán (Chief
Justice), tất cả đều do Tổng Thống đề nghị và phải thông qua Thượng Viện (giống
như các vị quan tòa ở 2 cấp trên). Vị Chánh Thẩm Phán này cũng chỉ được bỏ
một phiếu như đồng viện, nhưng đôi khi lại là lá phiếu quyết định (5/4). Tối
Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cũng là nhận những vụ do các tòa án cao cấp nhất của tiểu
bang (đôi khi cũng mang tên tối cao pháp viện) đưa lên. TCPV Hoa Kỳ
có quyền chọn lựa và chỉ nhận rất ít các vụ được đưa lên (trên dưới 1%).
Một cách tổng quát, tất cả các quyết định của TCPV Hoa Kỳ, cũng như một số
lớn của Toà Phúc Phẩm và một số nhỏ của Tòa Quận Hạt là những quyết định có
tính cách chính sách (policymaking decisions). TCPV Hoa Kỳ cũng thụ lý các vụ
chuyển từ TCPV Tiểu Bang lên.
Vì vậy có thể nói một cách không thái quá rằng, các quyết định nói trên
về môi trường, hôn nhân đồng tính, nhập cư di trú, sử dụng cần sa ma túy, vv. của
3 cấp tòa án liên bang này có tác dụng định hình các đường lối chính sách liên
hệ của các cấp chính quyền trong quản hạt (jurisdiction) của mình.
Tuy nhiên, các quyết định này cũng có thể không giống nhau cho những trường
hợp tương tự xảy ra sau này. Lý do biện giải có thể là vì tiến bộ kỹ thuật,
hoàn cảnh vật chất hay nhân sinh quan thay đổi! Tất cả các vị quan
tòa liên bang (judges dùng chỉ thẩm phán 2 cấp dưới và justices chỉ 9 vị ở Tối
Cao) đều phải do Tổng Thống đề cử và Thượng Nghị Viện biểu quyết. Vì vai trò của
họ quan trọng (họ còn xử các vụ vi phạm luật pháp liên bang, ngoại giao đoàn,
các tiểu bang với nhau, cũng như giữa các công dân các tiểu bang trong một số
trường hợp vv.) và thời gian tại nhiệm lại không hạn định (chỉ chấm dứt khi bị
bãi chức vì lý do đạo đức --rất hiêm hoi-- hay từ chức, từ trần), cho nên sự bổ
nhiệm họ thường mang nhiều màu sắc chính trị đảng phái và không ít kịch tính.
Ngoài tính cách thực dụng nói trên của cách giải thích, người Mỹ
còn tin tưởng khá nhiều vào “khả năng” và “lý lịch” của các vị quan
tòa. Nước Mỹ có khá nhiều người học luật (trung bình có 1 luật sư trên
240 dân), Hơn một nửa số thẩm phán Tòa Quận Hạt tốt nghiệp đại học từ các trường
uy tín (Ivy League Schools) và sau đó theo đuổi ngành luật tại những trường nổi
danh. Các thẩm phán Tòa Phúc Thẩm còn đáng tin cậy hơn về quá trình học vấn
và kinh nghiệm trong nghề. Ngoài ra, khi được bổ nhiệm, họ cũng khá giả về tài
chánh. Một nghiên cứu cho thấy rằng trong mấy thập niên gần đây, 90% thẩm phán
Tòa Sơ Thẩm tuy được Tổng Thống cùng một đảng bổ nhiệm, nhưng những phán quyết
của họ không đi theo lằn ranh đảng phái như trước năm 1992 (Carp, Sitdham
& Manning, 2014, pp 25-47). Đây là một nhận xét được đưa ra từ nhiều
năm trước.
Liên Bang Chế Hoa Kỳ Qua Các Giai Đoạn Lịch Sử
Qua hơn 200 năm nay, sự cân bằng quyền lực giữa liên bang và các tiểu
bang không mấy khi được hòa thuận. Lý do chính yếu là do nhu cầu càng
ngày càng thay đổi trên trường quốc tế cũng như trong quốc nội, mà
liên bang càng muốn tăng quyền hành của mình về cường lực cũng như về các lãnh
vực, trong khi các tiểu bang –đã tăng từ 13 lúc lập quốc lên 50-- cũng muốn
kéo lại chủ quyền đã “mất” vào tay liên bang. Mặt khác, tiểu bang lại phải đối
phó với các vấn đề địa phương của mình, do sự tạo lập các đơn vị hành chánh mới,
những vấn đề mới về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vv. Tìm hiểu nước
Mỹ mà quên yếu tố thứ hai này sẽ là một thiếu sót quan trọng. Nói một cách đại
cương, Tổng Thống, Lưỡng Viên Quốc Hội và Tối Cao Pháp Viện, và cả các tiểu
bang đều có phần đóng góp vào sự mất cân bằng quyền lực này. Nhưng công bằng
mà nói, một khi Tổng Thống hay Quốc Hội nuốn thay đổi, Tối Cao Pháp Viện thường
khó ngăn cản. Để dễ có những nhận xét tổng quát, các nhà nghiên cứu,
trong đó có Smith & Greenblatt (2018) khảo sát sự biến chuyển liên bang chế
Hoa Kỳ qua những thời kỳ sau đây:
(1) Thời Kỳ Liên Bang Chế Lưỡng Tính --
Dual Federalism (1789 – 1933)
Do quyền hành đã được phân định rõ trong Hiến Pháp còn chưa ráo mực,
hai bên –Liên Bang và Các Tiểu Bang-- phần ai nấy làm, hơn là hợp tác với
nhau. Các tiểu bang cùng các điạ phương củng cố việc nội bộ. Thậm
chí, có tiểu bang còn nghĩ tới việc rút ra, vì nghĩ vào được thì rút được. Đã vậy,
Chánh Thẩm Phán Roger B. Taney của TCPV (một định chế lúc ấy đang
chia rẻ trầm trọng) trong vụ Dred Scott v. Sandford (1857, Scott là một
nô lệ, sau khi chủ cũ chết, đã đến sinh sống nhiều năm ngoài tiểu bang
cũ, nơi không công nhận nô lệ, nay bị kiện đòi mang về) lại tuyên bố
rằng những nô lệ không là, không được nhập xếp vào ‘những công dân’ ghi
trong hiến pháp, và do đó không có quyền và đặc ân kiện tụng dành cho công dân
trước các tòa án liên bang. Các ý kiến của Taney được các luật gia về sau
này xem là tệ hại nhất trong lịch sử TCPV Hoa Kỳ, và là một trong những
lý do dẫn tới Nội Chiến. Năm 1860, các tiểu bang miền Nam rút khỏi Hợp Chúng (Union , tiếng dùng để chỉ
tổ chức mới gồm 13 cựu thuộc thành lập theo HP 1789), và lập ra “the
Confederation States of America ”, và Jefferson David
được bầu lên làm Tổng Thống ngày 18/2/1861 . Không bao lâu
sau, Abraham Lincoln được bầu làm Tổng Thống của “the United States of America ” (trong cả 2 HP 1781
và HP 1789, tên nước đều là như thế). Trong bài diễn văn nhậm chức đầu tiên
ngày 8/3/1861 , Lincoln tuyên bố ông không có
quyền hành pháp định để can thiệp vào định chế nô lệ đang hiện hữu tại các tiểu
bang. Nhưng ông khẳng định Hợp Chủng là vĩnh viễn; không thể muốn rút ra
thì rút ... không thể tách rời. Nội Chiến chính thức khởi đầu, chỉ hơn một
tháng sau đó, ngày 12/4/ 1861, và kéo dài đến năm 1865 mới chấm dứt với sự đầu
hàng của Tướng Lee, Chỉ Huy Trrưởng của Confederation Miền Nam. Giữa lúc
chiến tranh, năm 1865, Abraham Lincoln tuyên bố chấm dứt chế độ nô lệ.
Sau Nội Chiến, 4 Tu Chính Án quan trọng ra đời như đã được đề
cập ở trên. Trong thời kỳ này, chính quyền liên bang xây dựng hệ thống đường
sắt (bắt đầu năm 1887) nối liền các tiểu bang với nhau, tạo thuận lợi cho
sự giao thông và chuyên chở hàng hóa. Đây là một phương tiện vô cùng quan
trọng đưa đến sự hội nhập lớn lao của nước Mỹ, không những về phát triển
kinh tế, mà còn về văn hóa, xã hội nữa khi mà phương tiện truyền thông
chưa mở mang. Cũng nhờ Tu Chính Án XVI (phê chuẩn ngày 3/2/1870) cho phép thu
thuế lợi tức (income tax) mà Liên Bang mới có dư tiền mặt để giúp đỡ các tiểu
bang qua các chương trình cho không qua trợ giúp (grants-in-aid), tổng cộng có
tới 15 chương trình. Thời kỳ này chấm dứt khi xảy ra cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh
Tể bắt đầu năm 1930. Đáng lưu ý là sau khi Hiến Pháp được thi hành , những
phán quyết của Tối Cao Pháp Viện do Chánh Thẩm Phán John Marshall đứng đầu
(1801-1835) đã giúp chính quyền Liên Bang có những quyền lực cơ bản, và đồng thời
cũng tạo thế đứng cho các cấp Tòa Án Liên Bang, dù các quan tòa không do
dân trực tiếp bầu lên như chúng ta đã biết.
(2) Thời Kỳ Liên Bang Chế Hợp Tác –
Cooperative Federalism (1933 -1964)
Vừa khi bước vào Tòa Bạch Ốc, trong 100 ngày đầu trăng mật, Tổng
Thống Franklin D. Roosevelt đã lần lượt gửi sang Quốc Hôi nhiều dự thảo luật để
đối phó với tình trạng kinh tế toàn quốc quá tệ hại với 25% lực lượng lao động
không có công việc làm, mà thủa đó trong hầu hết gia đình chỉ có người chồng
làm việc . Tất cả đều được Quốc Hội thông qua, nhưng một số lớn lại bị Tối Cao
Pháp Viện bác đi, với tỷ lệ 5/9. Quá tức giận, Tổng Thống Roosevelt bí mật
soạn kế hoạch để có thể lần lượt bổ thêm những thẩm phán mới của mình vào
TCPV: hễ có một vị tại chức tới tuổi 70 và đã phục vụ 10 năm nhưng không chịu về
hưu, thì ông sẽ bổ nhiệm một vị của mình, tổng cộng TCPV sẽ có thể lên đến
15! Để cứu định chế có thể có quá nhiều thẩm phán này, TCPV đã nghĩ lại
và quyết định thuận lợi cho Hành Pháp! Nhờ vậy mà nhiều cơ quan mới được
thành lập (thí dụ TVA, phát triển canh nông vùng thung lũng Vanderbuilt), biện
pháp kinh tế xã hội mới được thực hiện, trong đó có chương trình an sinh xã hội
(social security), mà nay vẫn còn hiệu lực, giúp cho người già có tiền hưu sau
ít nhất 40 quý (10 năm) làm việc. Thế Chiến II lại càng khiến cho
Liên Bang và Tiểu Bang hợp tác chặt chẽ hơn. Roosevelt làm Tổng Thống đến bốn
nhiêm kỳ (1933- 1944, mất vào đầu nhiệm kỳ thứt tư), do đó mà nhiều biện pháp cải
tổ cũng như các cơ quan mới kinh tế xã hội đã được đưa ra.
Sau Chiến Tranh, kinh tế Hoa Kỳ phục hồi và phát triển nhanh, tạo ra nhiều công
ăn việc làm (cho cả phụ nữ vốn đã đi làm trong thời kỳ chiến tranh để thay thế
năm giới nhập ngũ), thuế thu được nhiều hơn, nên chính quyền liên bang có
thêm phương tiện mở rộng các chương trình hợp tác với các tiểu bang qua các
chương trình cho không thông qua trợ giúp, như đề cập ở trên. Đến
cuối 1960, Liên Bang thực hiện tới 132, tức đã bắt đầu ảnh hưởng khá nhiều đến
sinh hoạt và “thẩm quyền” của các tiểu bang.
(3) Thời Kỳ Liên Bang Chế Tập Trung –Centralized
Federalism (1964 – 1980)
Bắt đầu với Tổng Thống Lyndon Johnson. Song song với cuộc chiến Việt
Nam, ông còn có tham vọng mở thêm cuộc chiến nhân quyền và chống nghèo
đói trong quốc nội qua chương trình Xã Hội Vĩ Đại (Great Society), chủ trương
chính quyền liên bang phải lãnh đạo các chính sách dân sinh của quốc gia,
còn các chính quyền tiểu bang và địa phương sẽ giúp thực hiện các chính sách
này. Johnson chủ trương sự giúp tặng phải kèm theo những điều kiện ràng buộc rõ
ràng, chẳng hạn phải có sự đóng góp tài chánh tối thiểu, sự đóng góp nhân sự do
tiểu bang đài tho. Trong 4 năm tại chức, chính quyền Johnson đã tung ra
trên 200 chương trình loại này, trong đó có Chương Trình Medicare nay vẫn còn
hiệu lực. Thêm vào đó còn có những chương trình hợp tác với các điều kiện
“kỳ lạ” từ liên bang, thí dụ như qua các chương trình gọi là “cấm chéo”
(crossover sanctions), thì muốn được nhận ngân quỹ trợ giúp xây đựng đường sá,
tiểu bang phải ra luật cấm dưới 21 tuổi không được uống rượu. Đi xa hơn,
còn có một số chương trình hợp tác bắt buộc (mandadated) mà không đem lại tiền
bạc (unfunded) đã tạo bực bội cho tiểu bang và địa phương, chẳng hạn như chương
trình về các tiêu chuẩn nước sạch, lương tối thiểu. Quốc Hội Liên Bang
càng ngày càng lấn lướt, ra những đạo luật buộc các tiểu bang và địa phương phải
thi hành, tạo tốn kém cho họ --131 tỷ đô la trong 4 năm 2004-2008, theo một ước
tính.
Trong thời gian này, Tối Cao Pháp Viện đã đưa ra nhiều phán quyết có hiệu
lực làm giảm bớt sự kỳ thị chủng tộc. Trong lãnh vực Tư Pháp, vấn đề liên bang
chế cũng được đặt ra (judicial federalism). Như chúng ta rõ, khi xét xử,
các tòa án tiểu bang dựa vào Hiến Pháp và luật tiểu bang, cũng như luật lệ địa
phương; chỉ khi thấy thiếu căn bản để giải quyết thì mới tham khảo Hiến Pháp và
luật liên bang. Với sự bổ nhiệm Chánh Phẩm Phán mới Warren Burger (bảo thủ,
do Tổng Thống Nixon, 1969), phe cấp tiến lo ngại chủ trương công bằng xã hội
(social equality), cùng với các phong trào khác như khan hiếm năng lượng, khí hậu
tòan cầu thay đổi vv. có thể sẽ bị cản trở. Nhưng lo ngại này thiếu
căn cứ, vì đó là những lãnh vực mà Quốc Hội Liên Bang phải có tiếng nói
trước (Simon & Steel & Lovrich, 2011).
(4) Thời Kỳ Tân Liên Bang Chế --New
Federalism (1980 – 2002)
Thật ra thời kỳ này phải nói là bắt đầu trước đó. Thật vậy,
ngay sau khi Nixon vào Tòa Bạch Ốc, tại đây đã tổ chức những cuộc tranh luận nội
bộ giữa 2 nhóm giới chức cao cấp về “tập quyền” và “tản quyền”. Tân Liên
Bang Chế được hình dung như “chủ nghĩa địa phương mang tính quốc gia (national
localism), hay một hệ thống tản quyền hành chánh nhìn nhận thực tế tập quyền
trong khi về hình thức thì nói là trả quyền hành và các quyết định quản trị về
cho các tiểu bang và dân địa phương. Tổng Thống Nixon tuyên bố: “Tinh túy
của Tân Liên Bang Chế là đạt được sự kiểm soát vận mạng quốc gia bằng cách trả
sự kiểm soát lại cho các tiểu bang và địa phương; [nghĩa là] quyền hành, ngân
khoản, và quyền lực (power, funds, and authority) sẽ được tăng cường chuyển đến
cho những chính quyền gần nhất với dân.” Nixon còn nhấn mạnh là các tiểu
bang sẽ có thêm quyền nhận sự giúp đỡ tài chánh của liên bang, và quan trọng
hơn nữa, “các quyền của các tiểu bang nay được miêu tả chính xác hơn là
nhiệm vụ của các tiểu bang” (Banks, 2018, p. 4)
Nixon sử dụng đầu tiên thuật ngữ này khi ông muốn trao trả quyền hành về
cho các tiểu bang và địa phương, mà không đưa ra những điều kiện trói buộc, và
đồng thời để giảm các khoản tiền cho không (tặng dữ) thông qua trợ giúp
(grants-in-aid) từ liên bang mà ngân sách liên bang bấy giờ đang túng thiếu.
Tuy nhiên Nixon không có những hành động cụ thể. Chính Tổng Thống Reagan
mới là người nâng chủ trương này thành ý thức hệ cùng với chính sách giải tỏa
các rào cản khác (de-regulations) của ông. Thật ra khi ông hùng hồn tuyên
bố “Chính quyền không là giải pháp cho vấn đề của chúng ta; chính quyền mới là
vấn đề” (Government is not the solution to our problem; government is the
probem), thì người ta không nghĩ ông hoàn tin tưởng ở khả năng của các chính
quyền tiểu bang và địa phương; trái lại ông chỉ muốn bớt gánh nặng cho trung
ương mà thôi. Và điều này thì phù hợp với chủ nghĩa cá nhân mà ông cổ võ.
Khi được giao việc, các CQTB và CQĐP cũng được CQLB giúp những ngân khoản
(block garnts) để đài thọ chính sách phát triển của họ. Vê lý thuyết, căn bản của
khuynh hướng tân bảo thủ này dựa trên chủ trương rằng để đối phó với tình trạng
kinh tế xã hội cả nước, thì chính quyền trung ương không hiệu quả và hiệu năng
bằng 50 CQTB và hằng chục ngàn CQĐP, vì 2 loại chính quyền sau này gần gủi dân
chúng hơn. Reagan đưa William Rehnquist, vị thẩm phán đứng hàng thứ năm về thời
gian tại chức lên chức vị Chánh Thẩm Phán; rồi sau đó người kế nhiệm của
ông, George H. W. Bush, lại bổ thêm 2 vị nữa, tạo nên một Tối Cao Pháp Viện bảo
thủ giúp chính quyền liên bang hạn chế bớt quyền lực mình, và đưa quyền hành về
cho các tiểu bang. Trong thời kỳ này, có nhiều vụ xử mà Tối Cao Pháp Viện dành
phần thắng cho tiểu bang. Chẳng hạn, trong vụ United States v. Lopez,
TCPV gạt bỏ một luật LB cấm mang vũ khí gầncác trường công lập; đây là lần đầu
tiên TCPV hạn chế quyền QH theo điều khoản về điều hành thương mại giữa các tiểu
bang. Trong vụ Printz v. United States (1997), TCPV bác một
điều luật mà LB buộc phải kiểm tra lý lịch trước khi mua súng.
Nhân đây, xin trình bày với chút chi tiết vụ Bush v Gore (2000)
liên quan đến cuộc bầu cử, nhằm minh họa ảnh hưởng qua lại giữa Liên Bang
và Tiểu Bang. Như lịch sử ghi lại, qua kiểm phiếu phổ thông toàn quốc, Gore hơn
Bush trên nửa triệu phiếu. Tuy nhiên nếu ai thắng phiếu phổ thông ở
Florida, thì sẽ chiếm trọn 25 số phiếu cử tri đoàn của tiểu bang này, và sẽ trở
thành Tổng Thống. Do số phiếu phổ thông Gore thua Bush rất ít, nên các luật sư
phía của Gore yêu cầu đếm lại. Như chúng ta đã biết, tổ chức bầu cử Tổng Thống
tại Florida là do Florida đảm nhiệm theo sự
phân quyền của Hiến Pháp 1789; và kiện tụng nếu có cũng phải do các Toà Án tiểu
bang này thụ lý. Khi vụ kiên được đưa lần đến Tối Cao Pháp Viên
Florida tháng 12/2000, thì cơ quan này ra phán quyết cho đếm lại
bằng tay tất cả số phiếu bầu tại 4 quận trong 67 quận (counties) của
Florida. Các luật sư phía Bush liền đưa vụ kiện này lên Tối Cao
Pháp Viện Hoa Kỳ. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán rằng việc đếm phiếu lại
phải được xử lý công bằng với tất cả các phiếu bầu trong tiểu bang. Với tỷ
lệ 5-4, ngày 12/12/2000 , Tối Cao Pháp Viện
Hoa Kỳ ra lệnh ngưng đếm tiếp, nhưng vẫn giữ kết quả cuả cuộc đếm số đang tiến
hành tới lúc đó, mà Bush đang hơn 537. Nghĩa là Bush thắng số phiếu phổ
thông tại Florida, do đó chiếm trọn 25 số phiếu cử tri đoàn của Florida, nâng số
phiếu cử tri đoàn toàn quốc lên 271, chỉ hơn Gore 1 phiếu và trở thành Tổng
Thống thứ 43 của Hoa Kỳ.
(5) Thời Kỳ Liên Bang Chế Vụ Việc –Ad Hoc
Federalism (2002 – Nay)
Trong thời kỳ này, những tiêu chuẩn có tính cách tổng quát kể trên không
còn được sử dụng nữa. Thay thế vào đó là tùy vụ viêc mà chọn lưạ, dựa trên quan
hệ đảng phái, xem ai sẽ đóng vai trò chủ yếu –liên bang hay tiểu bang và điạ
phương. Trong thời kỳ này, Luật “No Child Left Behind” Act ban hành năm 2002 được
chính quyền George W. Bush xem là rất quan trọng nhằm nâng cao và giảm cách biệt
quá đáng đối với trình độ học sinh trung tiểu học toàn quốc, một bước ngoặc
trong lịch sử giáo dục Hoa Kỳ, mà trước đó hoàn toàn nằm trong tay các CQTB và
CQĐP. Theo Luật này, trợ cấp Liên Bang ít hay nhiều sẽ tùy thuộc thành quả
đạt được (performance) của các trường công lập tiểu bang và địa phương.
Tiến trình như sau (1) CQLB đặt ra tiêu chuẩn cấp LB --> (2) CQ TB dựa vào
đó đặt ra tiểu chuẩn cấp TB, ra bài thi để đo lường thành quả học sinh -->
(3) Các trường địa phương thực hiện giảng dạy, thi cử hằng năm -> (4) Các
trường phúc trình kết quả thi cử lên CQ TB -> (5) CQTB đúc kết trình lên CQ
LB --> (6) CQ LB xem xét thành quả --> (7) CQLB và CQTB xét cấp
ngân quỹ cho các trường tùy theo thành quả. Một cách tổng quát, CQLB cấp
ngân quỹ cho địa phương qua CQTB; nhưng cũng có trường hợp cấp trực tiếp cho điạ
phương. Dưới thời G.W. Bush, trong vụ tiểu bang Massachsetts cùng 12 tiểu
bang khác kiện cơ quan môi sinh Environment Protection Agency EPA (viên lý do sự
thay đổi khí hậu không hẳn là do nhà kính) đã không chịu thi hành luật
Clean Air Act ban hành từ năm 1999, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vào tháng 4 năm
2007, đã ra phán quyết với số phiếu 5/4 nghiêng về phía các tiểu bang, mặc
dầu Chánh Thẩm Phán John Roberts đại diện cho phía thiểu số viết rằng EPA đã
không đưa ra lời giải thích hợp lý để từ chối. Phán quyết TCPV 2007 này đưa đến
những thay đổi về phương diện bảo vệ môi sinh trong nội bộ Hoa Kỳ, cũng như khi
Hoa Kỳ (thời Obama) ký kết Hiệp Định Khí Hậu Paris, mà sau đó Tổng Thống Donald
Trump tuyên bố rút khỏi.
Tổng Thống Barack Obama, giống như Tổng Thống Bill Clinton, cũng muốn sử
dụng CQLB để thực hiện các chương trình dân sinh của mình. Đạo luật
Affordable Care Act, thường được gọi là Obama Care, được Quốc Hội thông qua lại
bị kiên cáo tại Tối Cao Pháp Viện. Chánh Thẩm Phán John Roberts, do
George W. Bush bổ nhiệm, lại bỏ lá phiếu quyết định thuận, với lý luận rằng đó
là ý của nhân dân (hàm ý Lưỡng Viện Quốc Hội và Tổng Thống đều thuộc đảng Dân
Chủ, do dân bầu lên). Tuy nhiên, sau đó 24 tiểu bang trên toàn quốc từ chối
hợp tác với chính quyền Liên Bang, bằng cách không chịu đóng góp 31 tỷ đô la để
dân chúng trong địa phận mình có thể hưởng một ngân khoản lớn 423, 6 tỷ dành
cho chương trình Medicaid (2013 – 2022) sẽ đến từ Liên Bang. Trường hợp
tương tự cũng xảy ra khi các tiểu bang từ chối đóng góp thêm phần mình để kéo
dài trợ cấp thất nghiệp trong tiểu bang, theo ý muốn của chính quyền Obama.
Trong cả 2 trường hợp, lý do chủ yếu là vì lập trường chính trị hơn là do phải
đóng phần mình. Trong vụ Arizona v. United States (2012), TCPV phán rằng
các tiểu bang không có quyền làm và thi hành luật về di trú; tuy nhiên lại cho
phép các tiểu bang thực hiện các qui định đòi hỏi giấy tờ (“show me your
papers” regulations) để chứng minh về tình trạng di trú.
Trong 2 thập niên vừa qua, trong thời đại phát triển toàn cầu hóa, nhiều
CQTB và CQĐP lần lượt chấp nhận từ nước ngoài --đặc biệt Á Rập, Nga, Trung Cộng--
các khoản đầu tư, cho thuê các thương cảng, mướn các nhà thầu xây dựng thiết lập
hệ thống giao thông trong TB mình vv. khiến cho CQLB phải lo ngại. Ngoài
ra, việc các thành phố trong nước “kết nghĩa” với các thành phố ngoại quốc, việc
giao lưu văn hoá và khoa học của các trường đại học Mỹ với các đối tác nước
ngoài cũng được CQLB lưu ý. Tuy chưa có kiện tụng giữa CQLB và các thực
thể địa phương này, nhưng cũng có thể đây sẽ trở thành động cơ, nếu CQLB không
thuyết phục được các địa pương về những nguy cơ có thể xảy đến.
Chính quyền dưới thời Tổng Thống Donald Trump trong 3 năm đầu tiên đã tận
dụng quyền lực hành pháp nhằm hạn chế nhập cảnh, nhập cư; không trợ cấp
các thành phố chứa chấp di dân nhập lậu; không triển hạn DACA; không tính
di dân bất hợp pháp trong cuộc Kiểm Tra Dân Số Năm 2020; mở cửa các cơ sở
thương mại và trường học, chủ trương gửi quân đội/vệ binh tới các địa phương mất
trật tự do biểu tình; vv. Tuy nhiên hầu hết các biện pháp này đều bị khước
từ bởi các CQTB; hoặc bác bỏ bởi các tòa án liên bang (US District Courts, hay
US Court of Appeals). Tranh chấp vẫn còn tiếp tục: mới vừa qua trong tháng
9/2020, Tòa Phúc Thẩm Thứ Mười Một đã xử không cho phe Dân Chủ Texas mở rộng nổ lực bỏ phiếu
qua thư tín. Chúng ta nên nhớ theo tinh thần Hiến Pháp 1789, thì quốc
phòng, ngoại giao, tiền tệ được phân công cho Liên Bang; những công tác còn lại
là do các tiểu bang, trong đó có y tế sức khỏe, an ninh trật tự, giáo dục, điều
hành các cuộc bầu cử liên bang, vv. Đối với một số các công tác này, một số tiểu
bang chọn lựa hợp tác với các tiểu bang khác hơn là với CQLB.
Nói tóm lại, nếu chỉ nhìn qua những nhiệm kỳ Tổng Tống, chúng ta có thể
nói các Tổng Thống sau đây chủ trương chính quyền trung ương mạnh và gần gủi với
nhân dân: John Quincy Adams, Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson,
Franklin D. Roosevelt, Harry Truman, Lyndon B. Johnson, Jimmy Carter, Bill
Clinton, Barack Obamạ, và có lẻ cả Tổng Thống Donald Trump nữa! Và những Tổng
Thống sau đây cổ vũ cho sự gần gũi giữa các tiểu bang và nhân dân: Thomas
Jefferson, Andrew Jackson, William Howard Taft, Herbert Hoover, Richard Nixon,
Ronald Reagan, George W. Bush. (Drake & Nelson, p. 224). Đa số ý kiến đối với
Obama, W. Bush và Trump là ý kiến riêng của người viết bài này.
Về phương diện chi tiêu, trong vài thập niên vừa, Liên Bang đã giúp
không dưới 25% chi phí của các CQTB và CQĐP, trong khi bản thân liên bang thì nợ
nần chồng chất. Thống kê cho thấy từ hơn 6 thập niên vừa qua, ngân sách
liên bang chỉ bội thu trong tài khoá 1960 dưới thời Tổng Thống Dwight
Eisenhower, và 4 tài khoá liên tiếp (1998, 1999, 2000 và 2000) dưới thời Tổng
Thống Bill Clinton, nhờ kinh tế phát đạt. Còn lại đều là nợ nần. (Lê Văn Bỉnh,
2012). Những khoản chi lớn lao của Liên Bang do ảnh hưởng của cơn đại dịch
Covid-19 năm nay tạo thêm những món nợ lkhổng lồ, có lẻ vài thập niên sắp
tới CQLB cũng không trả nỗi, đừng nói gì tới các món nợ trước đó mà ngân sách
liên bang hằng năm phi chi gần 10% để trả lãi và vốn đáo hạn. Nay các tiểu
bang và điạ phương lại đòi (qua Hạ Viện) giúp đỡ thêm, thì thử hỏi tiền đâu mà
có! Nói chung, thì cả 3 cấp chính quyền đều gây nợ, nhưng rõ ràng CQLB là
con nợ ký tên trên giấy nợ!
Những Thuận Lợi Và Bất Thuận Lợi Của Liên Bang Chế
Đến nay Liên Bang Chế Hoa Kỳ đã tồn tại được 240 năm, một thời gian khá
dài khi đề cập đến sự ổn định của một thể chế chính trị. Có lúc suôn sẻ, có lúc
gập ghềnh. Dưới đây là một số thuận lợi và bất thuận lợi, tổng hợp từ nhiều tài
liệu, trong đó có Smith & Greenblatt (2018), Rozell & Wilcox (2019)
(1) NHỮNG THUẬN LỢI - Ngoài thuận lợi quan trọng
ban đầu là chống tập trung quyền hành vào trung ương, liên bang chế có thêm những
thuận lợi dưới đây:
*Sự Hợp Tác – Qua sự phân tích các thời kỳ nói trên, chúng ta thấy LBC Hoa kỳ
chưa bao giờ là một hệ thống những hoạt động chính quyền riêng lẻ. Ngay từ
đầu, nó là những quan hê giữa liên bang và tiểu bang; nhưng về sau thì càng
ngày càng nhiều tiểu bang hơn gia nhập, kéo theo các địa phương với những tổ chức
khác nhau đến nỗi đến nay không có sách giáo khoa nào có thể đề cập đủ chi tiết
về tên goi, tổ chức và quyền hành các điạ phương này. Theo thống kê năm 2017,
Hoa Kỳ có gần 90.000 chính quyền: 1 liên bang, 50 tiểu bang, còn lại là 2
loại chính quyền điạ phưong (Xin Xem Chú Thích). Theo Morton Grodzins,
“Không có lúc nào người ta có thể dán lên những cái nhãn hiệu gọn gàng về những
chức năng cụ thể của “liên bang”, “tiểu bang” và “điạ phương”. Quốc gia
này, trước khi nó được tổ chức và ổn định hoàn tòan .... thì cái nguyên tác đầu
tiên của LBC là: chính quyền quốc gia sẽ sử dụng các nguồn lực siêu việt của
mình để khởi xướng và yểm trợ các chưong trình quốc gia, được chủ yếu quản lý bởi
các tiểu bang và các địa phương ...” (Elazar 1969)
*Sự Linh Động & Bớt Mâu Thuẩn—Chính sách liên bang không có
tính cách áp đặt, cùng một nội dung cho mọi tiểu bang và địa phương khác nhau
(one-size-fits-all policies; mà trái lại các CQTB và CQĐP có thể chọn lựa cho
thích hợp với hoàn cảnh địa lý, chính trị, pháp lý, kinh tế, văn hóa của mình
miễn sao có lợi cho dân chúng. Nhờ linh động chọn lựa và thích nghi chính sách
và dự án LB với hoàn cảnh mình như nói trên, CQTB va CQĐP tránh được những xung
đột với CQLB và những CQTB+ CQĐP lân cận.
*Thí Nghiệm Dân Chủ & Tham Gia Dân Chủ - Thẩm Phán TCPV Hoa
Kỳ Louis Brandels ví các tiểu bang Hoa Kỳ như những phòng thí nghiệm dân chủ: một
chương trình, một dự án do LB đưa ra, hay tự một TB hay địa phương nào đó khởi
xướng, sẽ không áp dụng đồng loạt khắp nơi, mà là nếu áp dụng thành công ở
một nơi, sẽ được nhân rộng cho nhiều nơi hay toàn quốc. Sự tản quyền đến CQTB
và CQĐP tạo cơ hội gần gũi thuận tiện cho dân chúng tham gia vào các chương
trinh, dự án nhằm phát huy dân chủ, giúp công chúng ý thức thêm về công ích và
quyền lợi chung của công đồng mình ở. Và nhờ đó mà củng cố niềm tin và tạo
sự đồng thuận của họ đối với các định chế chính trị.
* Cạnh Tranh & Mục Tiêu LB Có Thể Đạt Được Ở Một Số Nơi
–Sau khi LB đề ra một chương trình, các TB hay các địa phương có thể không cần
phải đợi LB vạch ra phương thức thực hiện chi tiết, mà tùy khả năng riêng của
mình có thể làm trước LB và các nơi khác, để được chú ý cũng như được sự trợ
giúp của Liên Bang . Việc thực hiện mục tiêu có tính cách cạnh tranh này
giúp cho các mục tiêu mà LB đề ra có thể sớm đạt được.
*Nhiều Chọn Lựa – Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lớn mà đường lối
chính sách kinh tế, thuế khóa, xã hội, giáo dục, y tế lại khác nhau từ tiểu
bang này sang tiểu bang khác, cũng như từ địa phương này sang địa phương khác
trong cùng tiểu bang. Do đó người dân có thể chọn lựa nơi mà mình đến cư
trú để có thể hưởng những dịch vụ công cộng đó. Thí dụ chọn mua nhà ở tiểu
bang mà thuế thấp, trong đó có thuế tài sản, hay không có thuế trường học; dọn
nhà đến Maryland để con cái hưởng giáo dục tốt của các trường công lập; đến
Virginia để hưởng nhiều dịch vụ xã hội y tế dành cho người già và người
khuyết tật. Thậm chí có người nghĩ rằng sẽ dễ sống đạo hạnh hơn nếu di dời
đến Utah, tiểu bang chỉ có 3 triệu cư dân mà 63% theo đạo Mormon, hầu như mọi
nơi cấm bia rượu; tuy nhiên xin đừng lái xe sang Nevada, nơi cờ bạc gái
điếm đều hợp pháp!
* Linh Động Đối Với Các Tôn Giáo
Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều tôn giáo. Khởi thủy là những người theo đạo
Tin Lành (Protestant, nay thường được gọi là Christian), kế đó là những người
Thiên Chúa giáo/ Công giáo (Catholic), Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo
vv. Ngày nay chúng ta thấy nhan nhãn khắp nơi các nhà thờ Tin Lành
(Baptist Church), nhà thờ Thiên Chúa giáo (Catholic church), nhà thờ Do Thái
giáo (synagogue), nhà thờ Hồi giáo (mosque), chùa Phật giáo (Buddist temple,
pagoda), những nhà cầu nguyện khác. Nói chung, tín đồ các tôn giáo này đi
đến các nơi đây tuy không thường xuyên bằng ở các nước Á Rập, Ấn Độ hay Nigeria . Ở những tiểu
bang tập trung nhiều nhà thờ Công giáo như New York, New Jersey, Rhode Island,
Connecticut, Massachusetts, không có án tử hình, hoặc nếu có, thì cũng ít mang
ra thi hành. Do đất đai rộng lớn, tín đồ có nhiều chọn lựa nơi để xây lên
cơ sở tôn giáo của mình. Quyết định của họ buộc phải theo luật lệ về qui
định vùng ở địa phương (zoning code) của chính quyền địa phương trong đó ý kiến
cư dân lân cận là yếu tố quyết định-nếu cư dân phản đối, họ sẽ tìm nơi khác,
tránh được có những xung đột đáng tiếc có thể xảy ra sau này.
(2) NHỮNG BẤT LỢI --Tuy nhiên, LBC cũng có thể đem lại
những bất lợi, như sau:
*Gây Phức Tạp và Bối Rối -- Vì mỗi TB, mỗi đia phương có luật
lệ riêng, cho nên một công đân sẽ thấy bối rối không biết hành vi của mình có
“hợp pháp” chăng. Chẳng hạn, bạn có một cơ sở sản xuất rượu nho ở
California, bạn sẽ mất thời giờ tìm xem là rượu nho có được phép gửi sang
Virginia không, và thuế suất bán (sales tax) là bao nhiêu; cũng câu hỏi
đó đối với 48 TB, và ĐP khác! Về phía chính quyền, sự khác biệt
về luật lệ có thể khiến cho sự phối hợp giữa các đơn vị chính quyền lân cận trở
nên khó khăn trong một số công tác như về chữa lửa, cảnh sát, tội phạm
vv.
*Tạo Thêm Xung Đột/Gây Bất Bình Đẳng –Liên Bang Chế giảm bớt mâu
thuẩn xung đột như đã nói phần lợi ích, nhưng cũng có thể tạo ra những
mâu thuẩn xung đột khi mà thẩm quyền điạ hạt không được cấn định rõ ràng, hay dễ
lẫn lộn, tức là không có một luật lệ đông nhất. Thí dụ bạn mang theo cân sa,
hay súng đạn từ một tiểu bang cho phép sang biên giới một tiểu bang cấm đoán
thì sẽ gặp phền toái. Ngoài ra, vì luật lệ khác nhau, ngân sách khác nhau, thuế
đóng khác nhau, mà người dân địa phương này có thể hưởng những dịch vụ hay được
đối xử khác nhau và họ cảm thấy không công bằng. Thí dụ trường công khu
nhà giàu được xem là “tốt” hơn trường công khu nhà nghèo về cơ sở, phương tiện,
phẩm chất giáo dục cũng như kỷ luật vv.
* Cạnh Tranh Có Thể Đưa Đến Thiệt Hại – Nói chung, Hoa
Kỳ coi cạnh tranh là tốt. Trong phạm trù liên bang chế, sự cạnh tranh giữa
các tiểu bang để thực hiện các chương trình hay dự án do CQLB đưa ra, cũng được
xem là lợi điểm đáng khuyến khích như trình bày trên. Tuy nhiên có thể có
vài trường hợp cạnh tranh có thể đưa đến thiệt hại. Thật vậy, tại mỗi tiểu bang
hay những quận hạt hay thành phố lớn đều có một bộ phận phụ trách phát triển
kinh tế (Department of Economic Development) mà mục đích chính là chiêu dụ những
công ty lớn trong cũng như ngoài nước đến lập nhà máy, hãng xưởng ở địa phương
mình, chủ yếu là tạo công ăn việc làm cho cư dân. Để cạnh tranh với các
đia phương khác, CQTB hay CQĐP có thể đưa ra những khuyến khích đầu tư
(incentives) hấp dẫn nhưng lại quá tốn kém, như giảm miễn thuế nhiều năm hay
vĩnh viễn, xây dựng hạ tầng cơ sở theo yêu cầu của phía đầu tư. Nếu không
may, các dự án đầu tư này không thành công như dự toán, thì rõ ràng sự cạnh
tranh tuy kéo được đối tượng về mình, nhưng lại là một thất bại về phúc lợi cho
dân chúng trong nhiều năm sau.
* Không Dễ Qui Trách Nhiệm – Trong các quốc gia theo
đơn nhất chế, khi xảy ra những biến cố trọng đại, thì công luận thường nhanh
chóng –đi khi không đúng-- qui trách nhiệm cho chính quyền trung ương.
Hoa Kỳ theo liên bang chế, ba cấp chính quyền phân định không rõ
ràng, nhưng công luận vẫn không khác. Chẳng hạn, trong vụ đại dịch
Covid-19 vẫn còn đang tiếp diễn, thì câu hỏi đầu tiên là chính quyền liên bang
(nghĩa là cả Quốc Hội lẫn Tổng Thống) và chính quyền các tiểu bang ai là
phía chịu trách nhiệm trrước tiên về sự phòng ngừa, phát hiện cũng chuẩn bị y cụ,
vv. Theo hầu hết các phương tiện truyền thông và dân chúng,
thì Tổng Thống phải chịu trách nhiệm (có lẻ họ dưạ theo Điều II, Khoản 3,
theo đó ông đã không đề ra những các biện pháp mà ông cho là cần thiết và thích
nghi (recommend ... such Measures as he shall judge necessary and
expedient). Trong khi đó HP 1789 cũng đã dành nhiều quyền hành cho
CQTB như đã đề cập ở trên, và trên thực tế trong mấy trăm năm
naỵ CQTB và CQĐP đã đảm trách y tế công cộng trong điạ phương mình. Điều
thú vị là khi Tổng Thống Trump tỏ ý muốn khôi phục kinh tế toàn quốc bằng
cách yêu cầu các nhà máy, cơ xưởng mở cửa trở lại, thì nhiều Thống Đốc lại
nhanh miệng tuyên bố đó là không thể được vì bịnh dịch còn đang hoành hành! Và
quyền quyết định thuộc về CQTB. Điều nghịch lý là trước đó, không vị
nào xác nhận rằng “phòng chống bệnh” là quyền hay trách nhiệm của tiểu bang cả!
Rất tiếc đã không có những vụ kiện xảy ra để qui trách nhiệm về ai
-- CQLB, CQTB hay CQĐP-- để người dân có dịp nghe phán quyết của các quan tòa.
Liên Bang Chế Và Hành Chánh Công Quyền
Đến đây, qua những quan hệ suôn sẻ cũng như gập ghềnh giữa liên bang và
tiểu bang, cũng như lợi và bất lợi của LBC, cùng với sự xét xử của hệ thống Tòa
Án Liên Bang, chúng ta có thể nhìn được nước Mỹ gần hơn một chút. Những khái niệm
mà chúng ta thường nghe như những lý tưởng cao siêu đã trở thành “cụ thể” hơn một
chút. Trong Hiến Pháp cũng như trong 27 Tu Chính Án, không có thuật ngữ
“tam quyền phân lập” (separation of powers), như một nguyên tắc, một triết
lý chính trị rõ ràng. Ngay từ thành lập, “Tư Pháp” đã bị coi nhẹ hơn hai
quyền kia qua thời lượng thảo luận cũng như những chi tiết ghi ra, đáng chú ý
là các thẩm phán không buộc phải do dân bầu như Tổng Thống hay dân biểu và thượng
nghị sĩ, mà lại tại vị trọn đời. Qua thời gian, LBC được định hình và
phát triển, nhờ phần lớn ở khả năng của các thẩm pháp liên bang các cấp.
Chúng ta cũng không thấy thuật ngữ “kiểm soát và quân bình” (check and
balance). Họa chăng người ta chỉ thấy vài lần trong The Federalist
Papers khi 2 tác giả Hamilton và Madison dùng đến chữ check để nới về
mối quan hệ giữa Lưỡng Viên Quốc Hội mà thôi, khi thấy Hạ Viện được dành cho
qua nhiều quyền ; chứ hai ông không viết là dùng chữ “check” để đề cập đến việc
dùng quyền này để kiểm soát quyền kia. Và khi đề cập đến liên bang chế
thì đọc lại nhiều lần, chúng ta cũng chẳng thấy từ “liên bang chế” (Federalism) mà
chúng ta đề cập trên đây xuất hiện trong Hiến Pháp và các Tu Chính Án. Thông
thường khi nghe nói đến tranh chấp giữa Liên Bang và Tiểu Bang, chúng ta nghĩ
đó là tranh chấp “trên dưới” và thường liên tưởng đến những quyết định
hành chánh công quyền. Mà thực ra đây là những tranh chấp của 2 phía đều
có chủ quyền (sovereignty), lẫn quyền (rights) và thẩm quyền (authority) tuy 2
loại quyền sau này có thể bị tranh cải. Như vậy đó là tranh chấp thuộc phạm trù
chính trị. Thêm yếu tố đảng phái, chủng tộc nữa thì lại càng phức tạp.
Tuy nhiên, một nền hành chánh công quyền thích hợp, hữu hiệu cũng có thể giúp
giảm bớt các phức tạp này.
Người Mỹ hình như chỉ xem LBC là công cụ để bảo vệ tự do, hơn là để thực
thi công bằng xã hội, một đối tượng mà họ khá dè dặt khi đề cập tới, nhất là
phía bảo thủ. Phía cấp tiến tuy muốn tập quyền để thực thi chính sách liên
bang, trong đó có công bằng xã hội, nhưng cũng chỉ tới đó mà thôi, chứ không đẩy
mạnh để hy vọng tạo nên một cơ chế bền vững. Những người nghiên cứu hành
chánh chắc không quên không khí chống chiến tranh Việt Nam, giấc mơ cải tạo xã
hội Great Society, tinh thần hăng say của các học giả hành chánh trẻ đã cho
chào đời học thuyết “Tân Hành Chánh Công Quyền” (New Public Administration) chủ
trương hành chánh công quyền phải có nhiệm vụ cải tạo xã hội trong đó thực hiện
công bằng xã hội phải là mục tiêu hàng đầu. Nhưng chủ trương này hình như lần lần
đi vào quên lãng. Do Syracuse University (New York) khởi xướng, lần đầu tiên họ
họp ở Minnobrook vào tháng 9/1968, đến nay chỉ có thêm 2 lần họp
nữa mà thôi --vào năm 1988 và 2008, nghĩa là 20 năm những “con ve sầu
hành chánh” mới gặp nhau một lần! Cuộc cải tổ hành chánh kéo dài 6 tháng
do Phó Tổng Thống Al Gore chủ trì kết thúc với phúc trình “The Report of The
National Performance Review” đệ trình Tổng Thống Bill Clinton ngày
7/9/1993 chủ yếu nhằm vào việc giản dị hóa thủ tục hành chánh và sự du nhập các
nguyên tắc quản lý khu vực tư vào khu vực công để giảm bớt chi phí, chứ không đề
cập gì đến liên bang chế, có lẻ vì nó thuộc phạm trù chính trị cũng như những
phức tạp đã đề cập ở đoạn trên.
Toàn cầu hóa làm giàu thế giới, khiến cho sự cách biệt giàu nghèo giữa
các nước giảm đi. Nhưng trong nội bộ các quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, bất
bình đẳng về lợi tức (BBĐLT, income inequality) tăng thêm. Như trình bày,
đảng Dân Chủ luôn luôn có chương trình kế hoạch giảm khoảng cách biệt này,
nhưng điều nghịch lý là tại những tiểu bang mà Dân Chủ nắm quyền lập pháp,
BBĐLT lại càng ngày càng tăng. Một nghiên cứu của kinh tế gia James Galbraith
cho thấy 14 tiểu bang mà mức gia tăng vê BBĐLT cao nhấtđã bỏ phiếu cho ứng viên
Tổng Thống Hiltary Clinton trong cuộc cầu cử tháng 11/2016. Trong khi đó
7 tiêu bang với mức gia tăng BBĐLT thấp đã dồn phiếu cho Donald Trump. Và ông kết
luận rằng sự tương ứng giữa mức thay đổi BBĐLT và kết quả bầu cử thật là kỳ lạ
(Kettl, 2020, p. 158)
Trong hành chánh công quyền, hình như người Mỹ cũng không quá coi trọng
“kinh nghiệm”. Họ quan niệm kỹ năng lãnh đạo, quản lý có thể chuyển đổi
(transferable skills), nghĩa là lãnh đạo thành công một công ty thì sẽ thành
công ở một cơ quan công quyền hay một địa phận hành chánh, do đó mà mỗi lần Tòa
Bạch Ốc thay đổi chủ nhân là mỗi lần có những vị chỉ huy mới (political
appointees) cho nhiều cơ quan, ngay cả cơ quan rất chuyên môn mà người mới lại
thiếu chuyên môn. Họ có thể, mà cũng là không thể, thành công. Quá khứ đã
chứng minh điều đó. Một người lãnh đạo thành công một đại công ty, không
nhất thiết sẽ thành công khi lãnh đạo một cuộc chiến tranh; một người lãnh đạo
một hội đua ngựa quyền quý, nhưng lớ ngớ khi phải chỉ huy cứu trợ khẩn cấp nạn
nhân bão Katrina. Có người sau một thời gian đã thành công, thì lại đi,
không dùng kinh nghiệm và kỹ năng cho cơ quan cũ, nhường chỗ cho người mới tới
... bắt đầu học việc. Sự thiếu vắng những viên chức uy tín làm việc lâu năm và
có nhiều kinh nghiệm ở trung ương để liên lạc với địa phương cũng là một thiệt
thòi cho thể chế liên bang Hoa Kỳ.
Hình như người Mỹ cũng không coi trọng hành chánh công quyền lắm.
Đến nay, họ vẫn còn luận bàn về vai trò của chính trị và hành chánh, vẫn coi trọng
quản lý khu vực tư hơn. Sau Thế Chiến Thứ Hai, trong khi nước Pháp mở
Ecole Nationale d’ Administration (ENA) để đào tạo chuyên sâu cán bộ hành chánh
trung ương, và lần lượt nhiều viện hành chánh vùng (instituts regionaux
d’administration) đào tạo cán bộ hành chánh địa phưong, trong đó khá uy tín là
Ecole nationale d’adminstration municipal ENAM, nay là Institut national
d’études territoriales, INET) , trong khi tại Hoa Kỳ, các trường Đại Học
dò dẫm cung cấp chương trình MPA, với những môn học tương đối tổng quát cho
sinh viên đã tốt nghiệp mọi ngành đại học . Triết lý giáo dục của Hoa Kỳ là
giúp anh những điều tổng quát, để ra đời anh tự trao dồi thêm cho thích nghi với
địa phương, với hoàn cảnh, và tình thế. Nhưng một số không nhỏ, sau khi
ra trường một thời gian, “đủ lông đủ cánh” thì bay đi nơi khác hay cơ quan
khác! Do đó mà hành chánh công quyền Hoa Kỳ tương đối thiếu người kỳ cựu kinh
nghiệm.
Liên Bang Chế Và Yếu Tố Truyền Thống
Các tranh cải đó phản ánh văn hóa chính trị (political culture) của các
địa phương. Nói cách khác những qui luật của chính trị Mỹ thay đổi khi
quan niệm và quan điểm của người công dân thay đổi. Ngày xưa sự thay đổi của
người dân chủ yếu nhờ giáo dục học đường, chậm nhưng vững chải. Ngày nay lực lượng
truyền thông quá lớn và ảnh hưởng quá mạnh, các công dân “am tường” (informed
citizens) dễ bị cung cấp “thông tin dõm” (fake information) đến một cách ào ạt,
mà họ lại không có đủ thời giờ dể chọn lọc, đánh giá chúng. Trong một chừng mực
nào đó, có thể nói cư dân các thành thị lớn đông dân dễ bị nhiễu tin hơn
cư dân miền quê thưa thớt. Do đó tìm hiểu văn hoá chính trị Hoa Kỳ thì cũng cần
tìm hiểu thêm về văn hóa chính trị truyền thống và địa phương . Đa số người
Việt chúng ta không định cư và sinh sống ở các vùng nông thôn Hoa Kỳ, tuy nhiên
nếu có dịp “nhìn lại” qua phim ảnh, sách báo, có thể chúng ta sẽ hiểu biết và
“thấm” phần nào cái truyền thống điạ phương đó.
Alexis de Tocqueville, một học giả trẻ người Pháp khi sang Hoa Kỳ
9 tháng (1831-1832) để nghiên cứu chế độ lao tù của nước này, khi vê nước đã
không tiếc lời ca tụng sinh hoạt của các thành phố Mỹ vùng New England thủa đó. Trong
nhật ký, ông tỏ ra thích thú về các thành phố được đặt tên mang dấu vết lịch sử
hay quê hương cũ như Ethena, Troy , Rome , Liverpool , vv. bên cạnh những
cánh rừng đầy hoang dã (sauvagerie). Trong Chương 5 của quyển
Democracy in America (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp De la Démocratie en
Amérique: Les Grands Thèmes), Tocqueville viết: “Các thị trấn nhỏ là
nơi hội họp duy nhất, bắt nguồn một cách tự nhiên là bất cứ ở đâu người ta tụ họp,
là nó tự hình thành ... Con người tạo dựng các vương quốc, các nước công
hòa, nhưng các thị trấn nhỏ dường như nảy sinh ra từ bàn tay của Chúa.” Trải
qua hơn hai trăm năm, các thi trấn lớn nhỏ thay đổi nhiều, nhưng cái truyền thống
đó vẫn giữ lại tuy ít, nhưng mỗi khi lễ hội, bầu cử, hay khi địa danh được nhắc
nhở trong phim ảnh, một người con địa phưong thành danh, hay hy sinh vv., cái
truyền thống hào hùng đó chợt sống lại và gắn kết điạ phưong với nhau, không
khác chi làng quê chúng ta trên cả 3 miền Bắc Trung Nam. Tinh thần truyền
thống nhen nhúm này dễ bùng lên khi có nhân tố mới, chẳng hạn chủ nghiã dân túy
(populism) trong kỳ bầu cử 2016 đưa đến thắng lợi cho Tổng Thống Donald J.
Trump.
Đã có nhiều người phê phán về LBC Hoa Kỳ. Kettl (2020), một tác giả khá
nổi tiếng về nền hành chánh Hoa Kỳ, viết: “Liên[U1] [U2] bang
chế có thể là một khám phá cốt lõi nhằm xây dựng và duy trì nền Cộng Hòa Hoa Kỳ.
Nhưng nay nó không còn là chất kết chặt quốc gia với nhau, mà chỉ là động lực
phân chia quốc gia mà thôi. Kết quả một nước Mỹ chia rẽ.” (trang 205). Thật
ra, LBC Hoa Kỳ tỏ ra không hoàn hảo ngay từ khi xuất hiện, mức độ hữu hiệu có
lúc cao, có lúc thấp. Nhưng nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Có người
đề nghị rằng muốn nó hữu hiệu thì cần phải tu chính Hiến Pháp 1789. Nhưng
thủ tục tu chính lại không dễ. Theo Điều V, khi thấy cần thiết, Quốc
Hội có thể đề nghị tu chính với 2/3 số phiếu Hạ Viện và 2/3 số
phiếu Thượng Viện. Hoặc phải do Quốc Hội của 2/3 tổng số các tiểu bang, tức
Quốc Hội của 34 tiểu bang. Ngoài ra, còn có tác giả đề nghị tăng cường quyền hạn
của cả hai bên liên bang lẫn các tiểu bang (Chemerinsky, 2008).
Trong thời đại kỹ thuật số tân tiến này, cũng đã có những tác giảị, chẳng hạn
do Koliba (2018) đề nghị tạo lập những mạng lưới (networks) để quản
lý hành chánh với gần 90.000 chính quyền, gồm CQLB + CQTB + CQĐP hầu
tiện việc thi hành các chính sách công. Người viết chỉ xin
ghi ra đây để quý độc giả có cơ hội thâm cứu.
***
Đến đây, có thể nói chính Liên Bang Chế đã tạo ra nước Mỹ. Nếu LBC
không ra đời, nước Mỹ khó có thể hình thành và hùng mạnh như ngày nay.
Các nguyên tắc tam quyền phân lập được tạo ra ngay từ đầu là để tránh độc tài,
bảo vệ dân chủ, cùng bảo vệ luật pháp --mà Hiến Pháp là luật cao nhất,
Khi tuyên thệ nhậm chức, không giống các nhà lãnh đạo các nước khác tuyên bố
trung thành với tổ quốc nhân dân, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tuyên bố duy
trì, bảo vệ và phòng thủ Hiến Pháp (preserve, protect and
defend the Constitution of the United States). LBC không hoàn hảo, có
những vấn đề cần giải quyết, trong đó có vấn đề bất bình đẳng về cơ hội và lợi
tức, cũng như sự ổn định về mối tương quan quyền lực giữa CQLB + CQTB + CQĐP.
Điều hành hiệu quả Liên Bang Chế do đó quả là không dễ.
Chúng ta thử suy gẫm về một đoạn dưới đây trích từ lá thư số 51 do James
Madison viết trong quyển The Federalist Papers:
“Nhưng chính quyền tự nó là gì nếu không là điều tốt đẹp nhất trong những
điều phản ánh bản chất con người? Nếu con người là những vị thánh, thì chính
quyền sẽ không cần thìết. Nếu những vị thánh cai trị con người, thì sự kiểm
soát chính quyền từ trong nội bộ cũng như từ bên ngoài sẽ không cần thiết. Khi
tạo lập chính quyền với con người cai quản con người, điều khó khăn nhất là ở
điểm này: bạn phải cho phép chính quyền kiểm soát người bị trị; và kế đó buộc
chính quyền kiểm soát lấy minh.”
Nếu cần hiện đại hoá khái niệm trên, chúng ta có thể nói “chính quyền” ở
đây là cả Chính Quyền Liên Bang, Chính Quyền Tiểu Bang và Chính Quyền Địa
Phương ; và “người bị trị” là toàn thể công dân được thông báo đầy đủ (informed
citizens), không phân biệt màu da, tôn giáo hay đảng phái. Trong chính trị, không dễ gì thay đổi khẩu hiệu mà đôi
khi chúng ta nghe hò reo thích thú “They get low, we get high”, thậm chí quá đà
say máu “They get low, we kill them.”
Để kết luận, chúng ta có thể nhắc
lại ý kiến của Huntington (2004) đã trích dẫn dưới tựa đề của bài viết này với
ước vọng rằng kết quả cuộc thăm dò năm 1983 của 15 nước Tây Phương mà ông viện
dẫn ngày nay không thay đổi nhiều. Và người Mỹ sẽ tìm được những giải
pháp thỏa đáng cho những vấn đề mới mà Liên Bang Chế HHoa Kỳ đưa ra.
Virginia, tháng 9 năm 2020
(Trong mùa đại dịch Covid-19)
* Chú Thích
Hiến Pháp Hoa Kỳ không đề cập đến chính quyền địa phương của các tiểu
bang. Tổ chức CQĐP/ TB lại khá
phức tạp, không những khác nhau về tên gọi, diện tích, dân số, cơ cấu quản
lý, vv. , mà tiếng Việt khó có từ ngữ để dịch cho đúng, hay có tổ chức tương
đương để so sánh. Nói chung, trong các sách bàn về “State and Local
Government”, các tác giả Mỹ chia CQĐP/TB ra làm 2 loại: (1) những CQĐP với mục
tiêu tổng quát (general-purpose local goverments), thực hiện nhiều chức năng,
như county, city vv. ; và (2) những CQĐP với mục tiêu đơn nhất (single-purpose
local governments) chỉ thực hiện một chức năng, như school district chỉ lo về
trường học. Tổng cộng gồm gần 90.000 chính quyền địa phương. Mỗi năm US Census
Bureau đều có thống kê. Có thay đổi về các con số, nhưng không nhiều. Đề nghị độc
giả truy cập website http://www. Census. gov/govs/cog nếu muốn biết
thêm chi tiết.
Cũng cần lưu ý: Nhiều CQTB
lắm lúc than phiền bị CQLB áp lực nặng nề, thì nhiều CQĐP cũng bất mãn
không kém khi bị CQTB bức bách, đưa đến kiện tụng tại các Tòa Án, vì hầu hết
các CQĐP không phải trực thuộc hành chánh theo cách chúng ta đã quen khi còn ở
VN trước 1975.
(1) Các
CQĐP Với Mục Tiêu Tổng Quát - Người Mỹ xem đây là những bộ phận
chính trị (political arms)
hơn là những đơn vị hành
chánh, vì chúng có đủ Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp mà tên gọi và quyền hạn
khác nhau từ TB này sang TB khác. Dưới đây là một số tổ chức:
Quận (County) - Người Việt ở Hoa Kỳ thường dùng chữ Quận
để gọi cho tiện một county Hoa Kỳ, một
phận của hầu hết các TB.
Nước Mỹ có trên 3000 đơn vị như thế này. Thật ra, Quận của VNCH trước
1975 có thể lớn hay nhỏ hơn một county Mỹ, nhưng hoàn toàn khác với county về
phương diện quản lý. Quận Việt Nam là trung gian giữa Tỉnh và Xã, mà hai
đơn vị này đều có tư cách pháp nhân, Hội Đồng (Tỉnh, Xã) do dân bầu, và có ngân
sách riêng. Còn quận thì không có không có tư cách pháp nhân, cũng không có
ngân sách. County là một địa phận hầu hết tương đối thôn quê.
Tiểu bang Hawai chỉ có 3 counties, California có 57, Virginia có 96, Texas lại
có đến 254. Tại Virgina, mỗi county (cũng như city, sẽ đề cập) phải có những
chức vụ sau đây do dân bầu lên, có nhiệm kỳ 4 năm. Đó là: Treasurer, Sheriff,
Attorney of the Commonwealth, Commission of Revenue, Clerk of Court (nhiệm kỳ 8
năm). Bộ phận lãnh đạo county, gọi là Board of Supervisors (hay Board of
Commissioners, County Board tại nhiều tiểu bang
khác) mà mỗi supervisor của mỗi khu vực cũng do dân bầu, phụ trách thuê mướn
nhân sự hành chánh và chuyên môn cung cấp dịch vụ. Ngân sách của County do thuế (sales taxes,
property taxes), lệ phí (cung cấp nước, thu nhặt rác), tiền cho thuê tài sản,
tiền phạt giao thông, tòa án và các trợ giúp của tiểu bang và liên bang. Đơn vị
hành chánh căn bản của nhiều tiểu bang là county. Louisiana gọi nó là parish; Alaska gọi là borough.
Toàn quốc có trên 3000 counties và tương đương.
Thành Phố (City) Có tác giả dùng municipality đồng nghĩa với city.
Nhưng đa số , trong đó có US
Census Bureau, dùng municipality để chỉ city và town.
Thành phố được thành lập (incorporated) theo luật tiểu bang, và hoạt động theo
một bản điều lệ (charter) do lập pháp tiểu bang phê chuẩn, hay theo luật TB
(như tại California ). Tại Virginia , thành phố được thành
lập theo một đạo luật của lập pháp Virginia ; hay theo thủ tục tư
pháp tại một tòa sơ thẩm (circuit court) ở county nơi thành phố này toạ lạc.
Phải hội đủ những điều kiện chính đáng, trong đó có các điều kiện về
dân số, mật độ, lý do (tạo thêm lơị ích cho đơn vị mới cũng như cho các đơn vị
hành chánh lân cận). Thành phố thường đông dân hơn thị trấn. Sau
khi thành lập, các thành phố và thị trấn trở nên tự trị, không được trông cậy
vào đơn vị cũ để cung cấp dịch vụ nữa; thuế thường cao hơn. Có những thành phố
sau khi thành lập càng ngày càng phát triển; đôi khi trở nên xung đột với tiểu
bang đưa tới kiện cáo. Nhưng cũng có những thành phố sau 5-7 năm thì “phá
sản” và phải quay về với county cũ. Các thành phố có thể được điều hành
theo một trong những hình thức sau đây: (1) Thị-Trưởng Hội
Đồng (Mayor- Council): Dân bầu lên Hội Đồng, Thị Trưởng và một số viên
chức khác, như ủy viên thuế vụ, thủ quỹ à Thị Trưởng tuyển chọn các
viên chức phụ trách công chánh, tài chánh, an toàn, phát triển cộng đồng, công
viên vv. (2) Hội Đồng- Quản Lý Viên (Council- Manager): Dân bầu
Hội Đồng à Hội Đồng bổ QLV (có thể là 1 thành viên của
HĐ) à QLV bổ chuyên viên. (3) Ban Ủy Viên Thành Phố (City
Commission): Dân bầu ra một số ủy viên, mỗi vị phụ trách phần vụ chuyên
môn à một vị sẽ được đề cử đảm trách việc họp hành đẻ phối hợp công
tác. Hình thức (1) taọ một chính quyền mạnh, thường áp dụng cho các
thành phố lớn, đông dân, giàu có. Hình thức (2) khá hữu hiệụ Có vài thành phố
mà Hội Đồng Thành Phố (City Council) quản lý rất khéo bằng cách mướn City
Manager giỏi; thuê các counties lân cận cung cấp dịch vụ (xã hội, pháp lý
) cho cư dân mình, không phải tốn kém nhiều cho nhân sự, hành chánh.
Thị Trấn Lớn - Thị Trấn Nhỏ (town và township), thường ít dân hơn county và city. Khi dân số tăng
nhiều, town có thể xin trở
thành city; và khi dân số giảm, chúng dễ mất tư cách này và nhập vào county,
như trường hợp của các city. Hiện nay chỉ tồn tại ở 20 TB, chủ yếu Vùng Northeast
và Midwest. Hằng năm, toàn thể dân chúng trong town họp khoáng đại hội nghị;
đưa ra phương hướng hoạt động, bầu ra các viên chức, thông qua các qui định, biểu
quyết ngân sách, ấn định thuế suất vv. Township, ít dân hơn town, và thôn
dã hơn, thường được quản lý bởi những viên chức bán thời gian, hay tự nguyện.
Theo thống kê 2007, Hoa Kỳ có 16.519 towns và townships, chỉ giảm 110 so với mười
năm trước đó. (Bownan & Kearney, 2012, p. 266).
(2) Các
CQĐP Với Mục Tiêu Đơn Nhất
Còn được gọi là những khu đặc
biệt (special districts). Đây là những đơn vị chính quyền độc lập, được
thành lập nhằm một mục
tiêu hạn chế và đặc biệt. Mỗi năm đều có những khu đặc biệt mới ra đời,
và những khu đặc biệt hiện hữu biến đi. Nói chung, các CQĐP loại này được thành
lập vì lý do kỷ thuật/tài chánh (chẳng hạn dự án dẫn nước sạch hay dự án cống rảnh
buộc phải qua ranh giới của một hay nhiều counties hay thành phố khác), hay vì
lý do chính trị (phòng chống lũ lụt, bảo vệ môi sinh). Nhưng loại CQĐP phổ
biến nhất trên toàn quốc có lẻ là các học khu (school district). Số học
khu mỗi tiểu bang lại khác nhau, tùy theo truyền thống hơn là tùy theo số học
sinh. Thí dụ California có tới 1.025, Texas đến 1.079. Có vài TB, học
khu còn bao gồm các trường đại học cộng đồng (community college). Toàn quốc
có khoảng 14.000 học khu độc lập. Đối với các trường công, học khu chịu
hoàn toàn trách nhiệm trong 32 tiểu bang; hầu hết trách nhiệm trong 8 TB; một
phần trách nhiệm trong 5 TB. Riêng 5 TB còn lại gồm Alaska, Hawaii,
Maryland, North Carolina và Virginia, không có học khu độc lập, hay nói khác đi
toàn TB chỉ xem như chỉ có một học khu. Học khu được điều hành bởi
một hội đồng (board), thường gồm 3 người trở lên, được dân bầu trực tiếp,
không mang tính đảng phái; có nhiệm vụ quản lý ngân sách học khu, thuê trưởng học
khu (school superintendent) mà ở nhiều nơi lương lại cao hơn cả lương thống đốc
tiểu bang.
Tài Liệu Tham Khảo
Blakeman J. &
Banks C. (2018). The US Supreme Court, New
Federalism, and Public Policy. In Controversies in
American Federalism and Public Policy. Ed.
Christopher P. Banks. New York , NY : Routledge.
Chemerinsky, Erwin
(2008). Enhancing Government: Federalism for the 21st Century. Stanford , CA : Stanford
University Press.
Drake, F. &
Nelson, L. (1999). States’ Rights and American Federalism: A
Documentary Historỵ. Westport , CT :
Greenwood
Press
Elazar, D., Carroll
R., Levine E. & Angelo, D. (Ed.). (1989). Cooperation and
Conflict: Readings in American
Federalism. (11th ed.).
Itaska, IL: F. E. Peacock Publisher.
Gelm, Richard
(2008). How American Politics Works: Philosophy, Pragmatism,
Personality and Profits.
Newcastle, UK: Cambridge Scholars Publishing.
Huntington, Samuel
(2004). Who Are We? The Challenges to America‘s National
Identity. New York , NY : Simon
&
Schuster.
Kettl, Donald
(2020). The Divided States of America : Why Federalism
Doesn’t Work. Princeton , NY : Princeton
University Press.
Koliba, C., Meek, J.,
Zia, A. & Mills, R. (2018). Governance Networks in Public
Administration and Public Policy.
(2nd ed.). New York , NY : Routledge.
Lê Văn Bỉnh. Câu
Chuyện Nợ Nần Nước Mỹ. Hành Chánh Miền Đông số 17
(2012). Có thể còn được giữ lại trên một vài
Website với tựa đề “Câu Chuyên Nợ Nần Của Chính Phủ Hoa Kỳ”. Tác giả có
thể gửi bản thảo nếu độc giả yêu cầu. Địa chỉ: levanbinh4303@yahoo.com
May, C & Ides, A.
(2013) Constitutional Law: National Power and Federalism. (6th ed.)
New York , NY : Wolters
Kluwer Law & Business.
Peaslee, L. &
Swartz, N. (2014). Virginia Government:
Institutions and Policy. Thousand
Oaks, CA: Sage.
Posner, P &
Conlan, T. (2016). European-Style Federalism’s Lessons for America . In State
and Local Government: 2015-2016 Edition. Ed. Kevin
B. Smith. Thousand Oaks , CA : Sage.
Rozell, M. &
Wilcox, C. (2019) Federalism: A Very Short Introduction. New York , NY : Oxford University Press.
Smith, K. &
Greenblatt A, (2018). Governing States and Locations. (6th ed). Thousand Oaks, CA: CQ Press.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire