TRƯỜNG SĨ QUAN TRỪ BỊ QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA

A. PHẦN TỔNG QUÁT :
     - Từ năm 1951 đến năm 1975, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mà sau nầy là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ( QL/VNCH ), có khoảng 99.115 sĩ quan ngạch TRỪ BỊ. ( 99.115 sĩ quan trừ bị căn bản chính thức và khoảng 4000 sĩ quan trừ bị đặc biệt ), được đào tạo từ 2 quân trường sĩ quan trừ bị ( Ecole d’Officier de Reserve, E.O.R ), lần lượt mang các tên gọi :
          1). TRƯỜNG SĨ QUAN TRỪ BỊ NAM ĐỊNH : ( 01 khóa ) : Chỉ mở và khai giảng từ ngày 01 tháng 10 năm 1951 đến ngày 01 tháng 06 năm 1952, và chỉ có một khóa duy nhất và sau đó đóng cửa. Trường mở ra tại tỉnh Nam Định, Bắc Phần, Việt Nam.
          2). TRƯỜNG SĨ QUAN TRỪ BỊ THỦ ĐỨC : ( 93 khóa ) : Trường mở ra ở quận Thủ Đức và sau cùng ở quận Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa, Nam Phần, Việt Nam, qua các danh xưng như sau :
                    - Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
                    - Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức.
                    - Trường Bộ Binh Thủ Đức.
                    - Trường Bộ Binh.
  

 - Sau khi ký Hiệp Ước Pháp-Việt ngày 05 tháng 06 năm 1948 tại Vịnh Hạ Long, công nhận Việt Nam là một Quốc Gia Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp, Quốc Trưởng Bảo Đại đã ký Hiệp-Ước Elysées vào ngày 08 tháng 03 năm 1949 tại Điện Elysées với Tổng Thống Pháp Vincent Auriol, theo đó, Pháp sẽ giúp Việt Nam thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam và Trường Sĩ Quan Trừ Bị  sẽ bắt đầu thành hình.
   
             - Cùng ngày 01 tháng 10 năm 1951, hai trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định và Thủ Đức được thành lập và cùng khai giảng khóa 1 tại hai nơi này và kết thúc vào ngày 01 tháng 06 năm 1952. Sau đó, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định đóng cửa và Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tiếp tục hoạt động cho đến cuối tháng 4 năm 1975, lúc đó mang tên là TRƯỜNG BỘ BINH và tọa lạc tại quận lỵ Long Thành tỉnh Biên Hòa. ( Vùng 3 Chiến Thuật & Quân Đoàn 3 & Quân Khu 3 / QL/VNCH ).
     - Tiến trình phát triển của Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức trải qua 3 giai đoạn sau đây :
         
     * GIAI ĐOẠN 1951-1954 :
     - Trường tọa lạc trên khu đồi Tăng Nhơn Phú, cách chợ Thủ Đức khoảng hơn 2 cây số và cách thủ đô Sài-Gòn khoảng 18 cây số về hướng Đông-Bắc.
     - Trong giai đoạn 1951-1954, các sĩ quan tốt nghiệp mang cấp bậc THIẾU ÚY và có thể còn ở lại Bộ Binh hay chuyển qua các quân, binh chủng khác như Không Quân, Hải Quân, Nhảy Dù ...
     - Hơn 4000 sĩ quan được đào tạo trong giai đoạn nầy gồm có 5 khóa ( từ khóa 1 đến khóa 5 ) và hai khóa Phụ là khóa 3 Phụ và khóa 4 Phụ. Điểm đặc biệt là 2 khóa Phụ nầy được gửi đến thụ huấn tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tức Trường Võ Bị Đà-Lạt, nhưng khi khóa học chấm dứt thì trở về Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức để làm Lễ Mãn Khóa.
     - Từ khóa 1 đến khóa 5 và 2 khóa phụ, các sĩ quan tốt nghiệp với cấp bậc THIẾU ÚY, từ khóa 6 trở về sau, sĩ quan tốt nghiệp vối cấp bậc CHUẨN ÚY.
         
             * GIAI ĐOẠN 1955 - 1963 :
     - Sau 4 năm hoạt động trong trách vụ đào tạo các SĨ QUAN BỘ BINH, đến năm 1955, phạm vi của trường được nới rộng, trường được giao phó nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành, vì thế trường được cải danh thành LIÊN TRƯỜNG VÕ KHOA THỦ ĐỨC và gồm có các trường : Trường Bộ Binh, trường Thiết Giáp, trường Pháo Binh, trường Công Binh, trường Truyền Tin, trường Thông Vận Binh, trường Võ Thuật và Thể Dục Quân Sự, trường Quân Chính.
     - Vào khoảng tháng 10 năm 1961, trước tình trạng khẩn trương của đất nước, nhu cầu của chiến trường gia tăng, các trường huấn luyện chuyên môn được tách ra khỏi Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức và di chuyển đến các địa điểm khác. Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức chỉ còn lại Trường Bộ Binh và Trường Võ Thuật, Thể Dục Quân Sự. Riêng trường Thiết Giáp vẫn còn nằm trong lãnh địa của Liên Trường VK/Thủ Đức, nhưng được huấn luyện độc lập và chuyên môn riêng của mình.
     - Liên Trường VK/Thủ Đức lấy chỗ to rộng để huấn luyện theo quy trình quy mô lớn cho các thanh niên được động viên lúc bấy giờ. Và từ tháng 10 năm 1962, Liên Trường VK/Thủ Đức phụ trách huấn luyện các khóa Sĩ Quan Đại Đội Trưởng Bộ Binh.
 
     - Kể từ ngày 01 tháng 08 năm 1963, Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức lấy lại danh hiệu TRƯỜNG SĨ QUAN TRỪ BỊ THỦ ĐỨC.
     - Đến tháng 4 năm 1964, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức được giao phó thêm việc huấn luyện cho các lớp đào tạo các Sĩ Quan Tiểu Đoàn Trưởng Bộ Binh.
     - Để phù hợp với nhiệm vụ huấn luyện hiện tại, ngày 01 tháng 07 năm 1964, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức được cải danh thành TRƯỜNG BỘ BINH THỦ ĐỨC, và cuối năm 1973, trường được di chuyển về quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa và có tên là TRƯỜNG BỘ BINH cho đến cuối tháng 4 năm 1975.
          * GIAI ĐOẠN 1964 - 1975 :
     - Từ ngày thành lập ( 1951 ) cho đến tháng 12 năm 1967, trường đào tạo được 27 khóa ( đánh số từ 1 đến 27 ) và 2 khóa phụ ( 3 phụ và 4 phụ ). Sau Biến Cố Tết Mậu Thân 1968 và Sắc Lệnh Tổng Động Viên được ban hành. Từ năm 1968, trường tiếp tục đào tạo các khóa Sĩ Quan Trừ Bị và các khóa học được ghi theo năm thụ huấn, chẳng hạn như 1/68, 2/68 ... 4/69, 5/69 ... 1/7O ...
            Trong giai đoạn này, số khóa sinh quá lớn, cho nên, các Sinh Viên Sĩ Quan được thụ huấn giai đoạn 1 ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và thụ huấn giai đoạn 2 hoặc ở Trường Bộ Binh Thủ Đức hoặc ở Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, Nha Trang.
     - Kết quả tổng quát về số lượng sĩ quan được xuất thân và đào tạo tại các trường Sĩ Quan Trừ Bị (Nam Định và Thủ Đức)  và kể cả các Sĩ Quan Trừ Bị được thụ huấn ở Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, Nha Trang, từ ngày thành lập cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 là 93 khóa với số lượng sĩ quan tốt nghiệp là 99.115 người.
Và 93 khóa Sĩ Quan Trừ Bị được ghi nhận như sau :  
01 khóa Nam Định + 27 khóa Thủ Đức có đánh số + 2 khóa Thủ Đức phụ ( 3P và 4P ) + 63 khóa ( từ năm 1968 đến năm 1975 ).
 
     - Về các Khóa Sĩ Quan Trừ Bị Đặc Biệt : Các ứng viên của các khóa Sĩ Quan Trừ Bị Đặc Biệt là các HẠ SĨ QUAN trong các đơn vị quân đội của QL/VNCH phải hội đủ các điều kiện sau đây :
          * Có đủ thâm niên quân vụ theo quy định trước ngày tham dự khóa học.
          * Có khả năng hiểu biết về một số chuyên môn quân sự theo quy định. ( qua một cuộc trắc nghiệm ).
          * Có khả năng, kinh nghiệm chiến trường. ( qua sự nhận xét của đơn vị trưởng, nếu ở đơn vị tác chiến ).
     - Các ứng viên của các khóa Sĩ Quan Trừ Bị Đặc Biệt, được theo học giai đoạn 2 cùng với các Sinh Viên Sĩ Quan chính thức đang theo học các khóa Sĩ Quan Trừ Bị tại trường và khi tốt nghiệp thì phải chọn đơn vị mới theo quy chế sĩ quan chứ không được đương nhiên trở về đơn vị cũ đã phục vụ trước đây.
     - Ngoài ra, Trường Sĩ Quan Trừ Bị còn tổ chức các khóa :
     * KHÓA SĨ QUAN HOÀN HẢO dành cho các Sĩ Quan thuộc các Giáo Phái ( Cao Đài, Hòa Hảo ) sáp nhập vào Quân Đội Quốc Gia ( QL/VNCH ), các sĩ quan của các Giáo Phái với các cấp bậc đồng hóa và họ được theo học các khóa Sĩ Quan Hoàn Hảo.
     
     * KHÓA SĨ QUAN ĐỊA PHƯƠNG QUÂN : Các ứng viên theo học các khóa Sĩ Quan Địa Phương Quân cũng thụ huấn chương trình quân sự trong 9 tháng như các Sĩ Quan Trừ Bị và được tốt nghiệp với cấp bậc THIẾU ÚY và được phục vụ tại các TIỂU KHU QUÂN SỰ của QL/VNCH và có một quy chế riêng dành cho lực lượng Địa Phương Quân ( mà trước đây được gọi là BẢO AN ).
     
    * KHÓA BỔ TÚC QUÂN SỰ cho các Sĩ Quan Quân Y Trưng Tập và Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia.
     
    * KHÓA ĐÀO TẠO SĨ QUAN HUẤN LUYỆN VIÊN.
   B. CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN : Chương trình huấn luyện quân sự dành cho Sĩ Quan Trừ Bị nhầm đào tạo Sĩ Quan Chỉ Huy Trung Đội tức TRUNG ĐỘI TRƯỞNG là 36 tuần lễ  (tức là 9 tháng), được quy định như sau :
   
     * Bộ Binh Căn Bản. ( 18 tuần lễ ) : Vũ khí cá nhân, cá nhân chiến đấu, đội hình tác chiến ...
     * Bộ Binh Trung Cấp. ( 18 tuần lễ ) : Vũ khí cộng đồng ... đại liên, súng cối, súng phóng hỏa tiễn, kỹ thuật vượt sông, chiến thuật, bản đồ, địa hình, pháo binh, truyền tin, chiến tranh chính trị, quân pháp ...
 
          C. Ý NGHĨA CỦA PHÙ HIỆU CỦA TRƯỜNG SĨ QUAN TRỪ BỊ THỦ ĐỨC :
     * Nền Xanh Da Trời : Biểu hiện cho sự thanh khiết từ tư tưởng đến hành động và ý chí cao cả của người thanh niên đối với quê hương.
     * Ngọn Lửa Hồng : Biểu hiện cho lòng dũng cảm, chí cương quyết, đức hy sinh.
     * Thanh Kiếm : Biểu hiện cho một cấp chỉ huy.
     * Bốn Chữ " Cư An Tư Nguy " : Sống yên không quên lo nguy, được ghi thêm theo đề nghị của Đại Tá Lam Sơn Phan Đình Thứ trong thời gian ông làm Chỉ Huy Trưởng. (năm 1962).
     
      - Câu nầy trích từ   " Hệ Từ Hạ " của Khổng Tử : " Người bị nguy là bởi cứ yên vui nơi ngôi phận mình. Bị loạn bởi tin cậy cái trị có sn. Bởi thế, người quân tử lúc sống yên không quên cái nguy, còn không quên lúc mất. Khi thịnh trị không quên cảnh loạn suy, như vậy mới giữ được nước nhà ". Từ đó, rút ra được ý nghĩa của 4 chữ CƯ AN TƯ NGUY.
          - Và cũng có câu rằng :
                    " Rời Thủ Đức có người thành chiến Tướng
                      Cũng có người thành Chiến Sĩ Vô Danh
                      Đời binh nghiệp cũng là đường sát nghiệp
                      Nhất tướng công thành vạn cốt khô. "
 
          - Ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã có 5 vị dũng tướng anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã TỰ SÁT, trong đó, có 2 vị Tướng đã xuất thân từ TRƯỜNG SĨ QUAN TRỪ BỊ THỦ ĐỨC. ( Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng ).
               1). Thiếu Tướng NGUYỄN KHOA NAM : Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật kiêm Tư Lệnh Quân Đoàn 4 & Quân Khu 4, tự sát bằng súng tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 & Quân Khu 4 ở tỉnh Phong Dinh ( Cần Thơ ).
               2). Thiếu Tướng PHẠM VĂN PHÚ : Tư Lệnh Vùng 2 Chiến Thuật kiêm Tư Lệnh Quân Đoàn 2 & Quân Khu 2, tự sát bằng độc dược tại Sài-Gòn.
               3). Chuẩn Tướng LÊ VĂN HƯNG : Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4 & Quân Khu 4, tự sát bằng súng tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 & Quân Khu 4 ở tỉnh Phong Dinh ( Cần Thơ ).
               4). Chuẩn Tướng TRẦN VĂN HAI : Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, tự sát bằng súng tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh ở Căn Cứ Đồng Tâm thuộc tỉnh Định Tường ( Mỹ Tho ).
 
               5). Chuẩn Tướng LÊ NGUYÊN VỸ : Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, tự sát bằng súng tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở Căn Cứ Lai Khê thuộc quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
 
D. CÁC VỊ CHỈ HUY TRƯỞNG của TRƯỜNG SĨ QUAN TRỪ BỊ THỦ ĐỨC : ( Cấp bậc trong lúc bắt đầu đảm nhận CHT ).
     1). Đại Tá PHẠM VĂN CẢM : từ ngày 01.11.1953 đến 30.09.1956.
( Ông gốc Thiếu Sinh Quân Pháp và giải ngũ vào cuối năm 1956 ).
     2). Thiếu Tướng LÊ VĂN NGHIÊM : từ 01.10.1956 đến 26.05.1961.
( Ông theo học Võ Bị Lục Quân Pháp. Ngày 06.11.1955 : Thiếu Tướng & Ngày 02.11.1963 : Trung Tướng & 01.05.1965: Giải ngũ).
     3). Đại Tá NGUYỄN VĂN CHUÂN : từ 27.05.1961 đến 27.07.1961.
( Ông tốt nghiệp khóa 1 SQ/Đập Đá, Huế. Tháng 8/1964 : Chuẩn Tướng & Ngày 01.11.1965 : Thiếu Tướng & Ngày 14.07.1966 : Giải ngũ & Ngày 03.09.1967 : Thượng Nghị Sĩ VNCH cho đến 30.04.1975 ).
     4). Thiếu Tướng HỒ VĂN TỐ : từ 28.07.1961 đến 19.05.1962.
( Ông tốt nghiệp khóa 2 SQ/Đập Đá, Huế. Tháng 12/1958 : Thiếu Tướng. Đêm 19.05.1962 : đột ngột qua đời ).
     5). Đại Tá LAM SƠN  Phan Đình Thứ : từ 20.05.1962 đến 03.11.1963.
( Ông tốt nghiệp Võ Bị Lục Quân Pháp. Năm 1958 : Đại Tá Nhiệm Chức & Năm 1961 : Đại Tá Thực Thụ & Năm 1971 : Chuẩn Tướng và năm 1973 : Giải ngũ ).
 
     6). Thiếu Tướng TRẦN NGỌC TÁM : từ 04.11.1963 đến 06.04.1964.
( Ông tốt nghiệp khóa Võ Bị Liên Quân Viễn Đông. Năm 1958 : Thiếu Tướng & Năm 1964 : Trung Tướng & Năm 1974 : Giải ngũ)
     7). Chuẩn Tướng BÙI HỮU NHƠN : từ 07.04.1964 đến 2O.11.1964.
( Ông tốt nghiệp khóa Võ Bị Liên Quân Viễn Đông. Năm 1964 : Chuẩn Tướng & Năm 1965 : Thiếu Tướng ).
     8). Chuẩn Tướng CAO HẢO HỚN : từ 21.11.1964 đến 2O.02.1965.
( Ông tốt nghiệp khóa Võ Bị Liên Quân Viễn Đông. Năm 1964 : Chuẩn Tướng & Năm 1969 : Thiếu Tướng & Năm 1971 : Trung Tướng & Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng cho đến ngày 30.04.1975 ).
     9). Đạt Tá TRẦN VĂN TRUNG : từ 21.02.1965 đến 02.12.1966.
( Ông tốt nghiệp khóa 1 SQ/Đập Đá, Huế. Ngày 01.11.1965 : Chuẩn Tướng & Ngày 19.06.1968 : Thiếu Tướng & Năm 1971 : Trung Tướng & Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Bộ TTM/QL.VNCH đến ngày 30.04.1975 ).
     10). Thiếu Tướng BÙI HỮU NHƠN : từ 03.12.1966 đến 14.04.1967. Đảm nhiệm chức vụ CHT lần thứ hai.
( Ngày 19.06.1965 : Thiếu Tướng và ông giải ngũ năm 1968 ).
     11). Đại Tá LÂM QUANG THƠ : từ 15.04.1967 đến 20.08.1969.
( Ông tốt nghiệp khóa 3 Trường Võ Bị Đà-Lạt. Ngày 19.06.1968  : Chuẩn Tướng & Ngày 19.06.1970 : Thiếu Tướng & Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ( Võ Bị Đà-Lạt ) cho đến ngày 30.04.1975 ).
     12). Thiếu Tướng PHẠM QUỐC THUẦN : từ 21.08.1969 đến tháng 10 năm 1973.
( Ông tốt nghiệp khóa 5 Võ Bị Đà-Lạt. Năm 1966 : Chuẩn Tướng & Ngày 19.06.1968 : Thiếu Tướng & Năm 1971 : Trung Tướng & Chỉ Huy Trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang cho đến ngày 30.04.1975 ).
     13). Trung Tướng NGUYỄN VĂN MINH : từ tháng 10 năm 1973 đến 01.11.1974.
( Ông tốt nghiệp khóa 4 Trường Võ Bị Đà-Lạt. Ngày 01.11.1965 : Chuẩn Tướng & Ngày 04.06.1968 : Thiếu Tướng & Ngày 01.11 năm 1972 : Trung Tướng & Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô kiêm Tổng Trấn Sài-Gòn, Chợ Lớn đến ngày 30.04.1975 ).
     14). Trung Tướng NGUYỄN VĨNH NGHI : từ 02.11.1974 đến ngày 31.03.1975.
( Ông tốt nghiệp khóa 5 Trường Võ Bị Đà-Lạt. Ngày 19.06.1968 : Chuẩn Tướng & Ngày 19.06.1970 : Thiếu Tướng & Ngày  01.03 năm 1974 : Trung Tướng & Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3 kiêm Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 3 và Chiến Trường Phan Rang cho đến ngày 30.04.1975 ).
     15). Đại Tá TRẦN ĐỨC MINH : từ 01.04.1975 cho đến 30.04.1975.
( Ông tốt nghiệp khóa 3 Phụ Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức ).
   
   *** Trong 14 vị Chỉ Huy Trưởng ( người Việt Nam ) Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức mà sau cùng tên là TRƯỜNG BỘ BINH, ông là người chỉ huy thời gian ngắn nhất, chỉ có 01 tháng và là Chỉ Huy Trưởng sau cùng và ông là người được xem như xuất thân từ Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức mà lại đi thụ huấn ở Trường Võ Bị Đà-Lạt và chỉ trở về Thủ Đức làm Lễ Mãn Khóa mà thôi ( ông theo học Khóa 3 Phụ Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức ).
     * Chỉ Huy Trưởng trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Đinh : Thiếu Tá Tilly ( người Pháp ) từ 01.11.1951 đến 04.01.1952.
     * Chỉ Huy Trưởng trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức : Thiếu Tá Bouillet ( người Pháp ) từ 01.11.1951 đến 04.01.1952.
 * Chỉ Huy Trưởng trường SQTB/Nam Định + SQTB/Thủ Đức : Đại Tá Chalandon từ 05.01.1952 đến tháng 11 năm 1953
 
          E. CÁC VỊ TƯỚNG LÃNH XUẤT THÂN TỪ TRƯỜNG SQTB/NAM ĐỊNH. ( Khóa 1 từ 01.11.1951 đến 01.06.1952 ) :
   1). Trung Tướng LÊ NGUYÊN KHANG : Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng QL/VNCH, đặc trách Hành Quân.
   2). Trung Tướng NGUYỄN BẢO TRỊ : Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn Bộ TTM/QL/VNCH.
   3). Thiếu Tướng NGUYỄN CAO KỲ : Phó Tổng Thống VNCH.
   4). Thiếu Tướng NGUYỄN DUY HINH : Tư Lệnh Sư Đoàn 3  Bộ Binh, Vùng 1 CT & QĐ1 và QK1.
   5). Chuẩn Tướng ĐẶNG ĐÌNH LINH : Tham Mưu Phó Tiếp Vận / Bộ Tư Lệnh Không Quân.
   6). Chuẩn Tướng NGUYỄN VĂN LƯỢNG : Tư Lệnh Sư Đoàn  2 Không Quân / QL/VNCH.
   7). Chuẩn Tướng PHẠM HỮU NHƠN : Trưởng Phòng 7 Bộ TTM/ QL/VNCH.
   8). Chuẩn Tướng VŨ ĐỨC NHUẬN : Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội / QL/VNCH.
     9). Chuẩn Tướng ( Phó Đề Đốc ) ĐẶNG CAO THĂNG : Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi kiêm Tư Lệnh Hạm Đội 21.
   10). Chuẩn Tướng PHAN PHỤNG TIÊN : Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Không Quân / QL/VNCH.
   11). Chuẩn Tướng NGUYỄN HỮU TẦN : Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Không Quân / QL/VNCH.
          F. CÁC TƯỚNG LÃNH XUẤT THÂN TỪ TRƯỜNG SQTB/THỦ ĐỨC. ( từ khóa 1 đến khóa 5 , kể cả các vị TRUY THĂNG ):
    1). Trung Tướng ĐỒNG VĂN KHUYÊN ( khóa 1 ) : Tham Mưu  Trưởng Liên Quân kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận Bộ TTM/QL/VNCH & Xử Lý Thường Vụ Tổng  Tham Mưu Trưởng QL/VNCH.
    2). Trung Tướng TRẦN VĂN MINH ( khóa 1 ) : Tư Lệnh Không Quân QL/VNCH.
    3). Trung Tướng NGUYỄN ĐỨC THẮNG ( khóa 1 Nam Định + khóa 1 Thủ Đức ) : Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng, đặc trách Kế Hoạch.
    4). Trung Tướng NGÔ QUANG TRƯỞNG ( khóa 4 ) : Tư Lệnh Vùng1 CT kiêm QĐ1 & QK1.
    5). Thiếu Tướng NGUYỄN NGỌC LOAN ( khóa 1 ) : Tổng Giám Đốc CSQG kiêm Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội kiêm Đặc Ủy Trưởng Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.
    6). Thiếu Tướng NGUYỄN KHOA NAM ( khóa 3 ) : Tư Lệnh Vùng 4 CT kiêm QĐ4 & QK4.
    7). Thiếu Tướng VÕ XUÂN LÀNH ( khóa 1 ) : Tư Lệnh Phó Không Quân QL/VNCH.
    8). Thiếu Tướng NGUYỄN KHẮC BÌNH ( khóa 1 ) : Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia.
    9). Thiếu Tướng BÙI THẾ LÂN ( khóa 4 ) : Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến QL/VNCH.
   10). Thiếu Tướng Truy Thăng PHAN ĐÌNH SOẠN ( khóa 1 ) : Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 1, Quân Khu 1.
   11). Chuẩn Tướng HỒ TRUNG HẬU ( khóa 4 ) : Chánh Thanh Tra Quân Đoàn 3, Quân Khu 3.
   12). Chuẩn Tướng HUỲNH VĂN LẠC ( khóa 3 ) : Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh, Vùng 4, QĐ4 & QK4.
   13). Chuẩn Tướng LÊ QUANG LƯỠNG ( khóa 4 ) : Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù QL/VNCH.
   14). Chuẩn Tướng LÊ VĂN HƯNG ( khóa 5 ) : Tư Lệnh Phó QĐ4 & QK4.
   15). Chuẩn Tướng TRẦN QUỐC LỊCH ( khóa 4 phụ ) : Chánh Thanh Tra Quân Đoàn 4, QK4.
   16). Chuẩn Tướng HUỲNH BÁ TÍNH ( khóa 1 ) : Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Không Quân QL/VNCH.
   17). Chuẩn Tướng NGUYỄN VĂN ĐIỀM ( khóa 4 ) : Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Vùng 1 CT, QĐ1 & QK1.
   18). Chuẩn Tướng PHẠM NGỌC SANG ( khóa 1 ) : Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân QL/VNCH.
   19). Chuẩn Tướng TRƯƠNG BẢY ( khóa 1 ) : Phụ Tá Tư Lệnh CSQG, đặc trách Điều Hành.
   20). Chuẩn Tướng NGUYỄN VĂN GIÀU ( khóa 3 ) : Phụ Tá Tư Lệnh CSQG, đặc trách An Ninh.
   21). Chuẩn Tướng CHUNG TẤN PHÁT ( khóa 3 phụ ) : Đổng Lý Văn Phòng Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu.
   22). Chuẩn Tướng TRANG SĨ TẤN ( khóa 16 & Biệt Phái và Đồng Hóa ) : Chỉ Huy Trưởng CSQG Thủ Đô Sài-Gòn.
   23). Chuẩn Tướng PHẠM DUY TẤT ( khóa 4 phụ ) : Tư Lệnh Hành Quân Triệt Thoái Cao Nguyên năm 1975.
   24). Chuẩn Tướng NGUYỄN CHẤN ( khóa 1 Nam Định + khóa 1 Thủ Đức ) : Biệt Phái Bộ Canh Nông.
   25). Chuẩn Tướng NGUYỄN VĂN THIỆN ( khóa 2 ) : Tư Lệnh Biệt Khu Quảng-Đà, Vùng 1 CT, QĐ1 & QK1.
   26). Chuẩn Tướng Truy Thăng NGUYỄN BÁ LIÊN ( khóa 3 phụ ) : Tư Lệnh Biệt Khu 24 Kontum, Vùng 2 CT, QĐ2& QK2.
   27). Chuẩn Tướng Truy Thăng NGUYỄN VĂN KHƯƠNG (khóa 2) : Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh, Vùng 4.
 28). Chuẩn Tướng Truy Thăng ĐỖ VĂN AN ( khóa 4 ) : Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 10, Sư Đoàn 7 BB, Vùng 4 CT & QĐ4.
   
   29). Chuẩn Tướng NGUYỄN TRỌNG BẢO ( khọa 4 ) : Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù QL/VNCH. ( Truy Thăng ).
   30). Chuẩn Tướng Truy Thăng NGÔ HÁN ĐỒNG ( khóa 2 ) : Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn 1, Quân Khu 1.
   31). Chuẩn Tướng Truy Thăng HUỲNH CÔNG THÀNH
( khóa 1 ) : Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Tuy, QĐ3 & QK3.
    32). Chuẩn Tướng Truy Thăng BÙI QUÝ CẢO ( khóa 2 ) : Trưởng Đoàn Quân Sự / Ban Liên Hợp Quân Sự Hai Bên /Đà-Nẵng.
 
* Khóa 1 (01.10.1951 đến 01.06.1952 )  
* Khóa 2 ( 01.10.1952 đến 01.04.1953 ) 
* Kkóa 3 ( 01.04.1953 đến 01.10.1953 ).
* Khóa 3 phụ ( 01.09.1953 đến 16.03.1954 ) 
* Khóa 4 ( 07.11.1953 đến 01.06.1954 ).
* Khóa 4 phụ ( 19.03.1954 đến 01.10.1954 ) 
* Khóa 5 ( 16.06.1954 đến 01.02.1955 ).
 
* Xin Ghi Chú Đặc Biệt : Bài viết nầy được thực hiện qua sự sưu tầm, ghi chép theo các tài liệu, sách báo trên các mạng internet, của các tổ chức, hội đoàn, các tác giả khác nhau, các cơ quan truyền thông, báo chí ...
   Chúng tôi xin có lời CÁM ƠN CHUNG đối với tất cả các quý vị, các cơ quan, đoàn thể có tài liệu, bài viết mà chúng tôi xin trích đăng và ghi chép lại và chúng tôi nghĩ rằng chắc chắn không sao tránh khỏi những khiếm khuyết, sai sót. Mong được sự chỉ giáo và bổ túc của tất cả mọi bậc trưởng thượng và quý vị.
Ba-Lê, ngày 31 tháng 7 năm 2020.
* Nguyễn Vân Xuyên.
Khóa 26 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức /QL.VNCH.

Aucun commentaire: