Họa sĩ Vị Ý tên thật là Nguyễn Tiến Tùng, về sau đổi là Nguyễn Hoàng
Tâm, sinh năm 1924 ở Lạng Sơn, qua đời năm 1988 tại Hoa Kỳ.
Sáng hôm sau, tôi đang nằm
nghĩ đến sự nhẹ nhàng thoát nạn với niềm vui cập bến Galang thì có một ông từ
ngoài đi vào nhìn quanh, rồi đứng lại trước sạp tôi nằm. Tôi sửng sốt ngồi bật
dậy:
- Vị Ý, gặp ông ở góc biển
này ư?
Với nụ cười tươi và cái
pipe quen thuộc, Vị Ý đưa tay kéo tôi xuống sạp:
- Chuyến tàu nào của Cao Ủy
chở người tị nạn tới Galang, tôi đều đến nhìn mặt một lượt xem có ai quen biết.
Cả chục chuyến chẳng gặp ai. Đến hôm nay thì trời không phụ lòng người.
Vị Ý quàng vai tôi:
- Ra quán.
Mặc vội chiếc áo, tôi
theo người bạn già tới một quán cà phê cách barracks khoảng gần cây số. Quán dựng
trên nền đất cao ở góc ngã ba đường. Phía sau quán là dãy đồi thoai thoải. Vị Ý
chọn cái bàn ở góc quán nhìn ra đường đi xuống bến tàu.
Cô tiếp viên tươi cười bước
đến. Vị Ý nhìn cô:
- Cô cho 2 phin sữa và 1
bao DunHill.
Nghe Hà Thanh hát “Mấy đặm
Sơn Khê” với những khách cà phê mặt tươi vui, người nào cũng điếu thuốc trên
tay, trên môi, tôi thấy lại khung cảnh quán cà phê ở Sài Gòn trước 1975.
Khi cô tiếp viên đem cà
phê và bao DunHill để ra bàn, tôi hỏi Vị Ý:
- Sao ông biết tôi hút
DunHill?
- Năm 66, khi Hoàng đang
học ở Thủ Đức, có tới quán cà phê Lú một lần và tôi thấy ông hút DunHill.
- Một việc quá nhỏ đã 20
năm. Trí nhớ ông tốt đến thế, chớ tôi thì chịu.
Vị Ý cười:
- Có cái nhớ, cái không.
Nhìn cái pipe trên miệng
Vị Ý, tôi hỏi:
- Ông hút Half and Half,
vậy sau 75 thì hút
thuốc gì?
- Tôi tích trữ được một số
khá, hút được trên một năm. Sau đó thì thuốc lào, chớ mấy thứ Vàm Cỏ, Đà Lạt.. của xí nghiệp quốc doanh làm khét quá, hút
không được. Tôi chuyển qua thuốc lào Vĩnh Bảo, nhưng giữ được cái pipe này. Nó
đi theo mình chạy cộng sản 2 lần, nằm lăn lóc 8, 9 năm, tới Galang mới được trở
về môi.
- Cái pipe và cá nhân
chúng ta đã trải qua được một kiếp nạn. Ông tới đây bao lâu rồi?
- Hơn một năm và JVA đã
phỏng vấn 3 lần, nhưng đều trượt, vì do tên tôi thay đổi và nhất là không giữ
được một giấy tờ gì liên quan đến thời gian 3 năm tôi làm ở phòng thông tin Mỹ.
Duy nhất chỉ nhớ được tên ông trưởng phòng.
- Cứ tiếp tục khiếu nại,
rồi họ sẽ tìm ra ông trưởng phòng đó. Nhưng ông đi mấy lần mới tới được Galang?
- Bốn lần, cũng khá lận đận,
có điều không bị bắt lần nào. Lần này tôi đi với chưởng môn Việt Võ Đạo Trần
Huy Phong. Chuyến tàu do chính ông chưởng môn tổ chức và tôi phải đợi trên một
năm.
- Các ông ấy còn ai ở đây
không?
Vị Ý lắc đầu:
- Không còn ai trừ tôi.
Các ông ấy người đi Mỹ, người đi Úc, người Canada. Họ phân tán đi các châu để
phát triển Việt Võ Đạo. Số tôi ít gặp may mắn.
Tôi lắc đầu:
- Nói vậy là ông không thấy
được sự may mắn của đời mình. Họa sĩ Vị Ý có nhiều may mắn, xin kể:
- May mắn thứ nhất là đi
4 lần không bị bắt lần nào và tới được hòn đảo nhân đạo này.
- May mắn thứ nhì là
trong chiến tranh thoát được quân đội để có thể tung tăng ở thế giới hội họa.
- May mắn thứ ba là là
sau 30 tháng 4, văn nghệ sĩ miền Nam không mấy người thoát được vòng tay nhân
ái của đảng Cộng Sản, thế mà Vị Ý lại được ở ngoài vòng tay đó, vẫn thảnh thơi
lãng tử hút Half and Half trên một năm, rồi chờ Việt Võ Đạo cho quá giang vượt
biển Đông thì gọi là gì - vận đỏ hay đen?
Vị Ý cười, gật đầu:
- Nghe anh nói tôi mới chợt
tỉnh và cần nói thêm là dù phải vật lộn với đời sống khốn nạn sau 30 tháng Tư,
nhưng tôi không phải chịu cảnh đói khát tủi nhục như đời tù của anh, của những
ông văn nghệ sĩ mà tôi biết.
- Đói khát, tủi nhục và
chết chóc. Tôi có cái may là được tù ở miền Nam chớ phải ra Bắc thì chắc đã chết,
vì sức khỏe kém, đau yếu liên miên. Chuyện đó đã qua, bây giờ chúng ta lại được
gặp nhau ở hòn đảo này... Năm 1966 gặp ông lần cuối cùng ở cà phê Lú, sau đó
mãn khóa tôi chọn Tiểu Khu Thừa Thiên, ít có dịp vào Sài Gòn, nhưng qua báo
chí, tôi vẫn biết được sinh hoạt hội họa của ông và đọc được những lời ca ngợi
của nhiều người về việc ông tự tạo ra một trường phái siêu thực, sâu sắc và mạnh
với những tác phẩm đi giữa mộng và thực. Nghiệp hội họa của ông đã để lại cho
miền Nam, hay Việt Nam một tài sản văn hóa lớn. Tôi không biết ông đã vẽ bao
nhiêu bức tranh, nhưng tôi biết ba tác phẩm Ải Chi Lăng, Lữ Khách Bên Trời và
Nhạc Dội. Ải Chi Lăng và Ly Khách Bên Trời đang luân lưu ở đâu đó, còn Nhạc Dội
vẫn là bức họa ngự trị Cà phê Tùng ở Đà Lạt từ 1962 đến nay.
Tôi ngừng lại nhìn nét
xúc động trên mặt Vị Ý một lúc, rồi tiếp:
- Cộng sản miền Bắc vào
chiếm miền Nam và đã tàn phá văn hóa miền Nam, hay văn hóa Việt Nam, nhưng tàn
phá không nổi. Những sách báo họ đốt thì lại trở thành những sách qúi giá cho
người miền Bắc săn lùng ở những chợ sách bên đường ở Sài Gòn, và nay thì lác
đác đã in lại một số. Còn nhạc họ cấm, nhưng nay nhạc miền Nam là hồn Việt, là
nguồn âm thanh tinh thần của cả Nam Trung Bắc. Từ đó tôi nghĩ họa cũng vậy. Nhạc,
họa miền Bắc phục vụ cho chiến đấu sắt máu với tinh thần đấu tranh giai cấp.
Nay đã hết thiêng và bị lãng quên. Còn họa miền Nam cũng như nhạc là nguồn
chuyên chở tình người, sẽ sống mãi. Sau này ông không còn, nhưng tranh vị Ý sẽ
là nguồn thưởng ngoạn của đời sống dân Việt. Gặp ông ở đây tôi mừng với hy vọng
là nghiệp vẽ của Vị Ý sẽ góp phần làm phong phú cho sinh hoạt văn hóa của người
Việt lưu vong.
Khi tôi ngừng, Vị Ý trầm
ngâm với cái pipe trên môi một lúc, rồi nói:
- Nghiệp vẽ, thật đúng.
Nguồn vẽ đã ở trong tôi từ năm mười mấy tuổi. Tôi không thầy, không trường. Tôi
tự học và tự tạo. Vẽ trở thành nguồn sống của tôi, vẽ với sống như máu với da
thịt. Ước vọng ra đi của tôi là để vẽ. Tới đây cả năm, được đọc nhiều tạp chí của
người Việt ở Mỹ, Úc, Canada và Pháp, tôi biết có nhiều người đã đã viết về thảm
kịch vượt biên của người Việt chạy trốn cộng sản, nhưng chưa thấy một họa sĩ
nào vẽ về thảm kịch đó. Vì thế tôi có ước nguyện khi sang đến Mỹ hay một châu
nào đó nếu không được vào Mỹ, tôi sẽ vẽ một bức tranh lớn với nội dung là thảm
kịch Đi Tìm tự Do của dân Việt.
Tôi đập vào vai Vị Ý:
- Phải như thế ông Vị Ý.
Thảm kịch vượt biển, vượt rừng của người Việt chạy trốn cộng sản đã làm sáng mắt
nhiều trí thức Tây phương thiên tả ủng hộ đảng Cộng Sản Việt Nam trong chiến
tranh tự vệ của miền Nam, đã làm chấn động lương tâm nhân loại nên chúng ta mới
có những hòn đảo đón nhận người Việt tị nạn như tôi với ông hôm nay. Năm 1962,
tôi đã có dịp theo ông đi vẽ ở Đà Lạt, đã nhìn thấy bàn tay ông như múa trên vải
khi vẽ ngọn Lâm Viên (Langbian) giữa những làn mây tím. Rồi tới cuối những năm
80, chắc tôi lại có dịp nhìn ông vẽ những nỗi đau của dân Việt trong lòng nước
Mỹ.
28 năm trước
Qua nhà văn Thế Phong,
tác giả Gái Nghĩa Lộ, tôi quen biết Vị Ý từ năm 1957, 58, khi còn học đệ ngũ, đệ
tứ trường Chu Văn An, Sài Gòn. Thời gian này, từ việc tìm đọc bộ Lược Sử Văn
Nghệ Việt Nam của Thế Phong, do Đại Nam Văn Hiến xuất bản, in ronéo, cũng của
Thế Phong, tôi gặp Thế Phong và coi Thế Phong là đàn anh, là thầy. Thế Phong
nói với tôi nhiều về họa sĩ Vị Ý, quê quán Lạng Sơn, với những bức tranh siêu
thực đường nét rất lạ. Rồi vào một buổi sáng Chủ Nhật, Thế Phong đưa tôi đi gặp
Vị Ý ở gần ngã Bảy. Đi sâu vào một ngõ hẻm ở đường Lý Thái Tổ, lên một gác xép,
một người gầy còm, tóc dài ra đón Thế Phong. Thế Phong chỉ tôi giới thiệu:
Hoàng, một bạn trẻ yêu văn chương, chữ nghĩa. Khi bắt tay Vị Ý, tôi chợt nhớ 2
câu thơ trong một tập dã sử viết về nhà Mạc chiếm giữ Lạng Sơn, Cao Bằng, nên
nhìn Vị Ý đọc:
- Ai lên ngọn nước Kỳ
Cùng,
Mà xem họ Mạc vẫy vùng biển
khơi.
Vị Ý cười sảng khoái:
- Lạng Sơn núi non trùng
điệp, kỳ bí với sông Kỳ Cùng, với động Tam Thanh với nàng Tô Thị. Tiếc cho người
bạn trẻ chưa được thấy miền đất nước tuyệt vời ấy. Thời thế này, chẳng biết đời
mình có còn thấy được Ải Nam Quan, sông Kỳ Cùng và Ải Chi Lăng.
Buổi sáng hôm ấy, sau khi
nói chuyện về họa và cho tôi và Thế Phong xem một số bức tranh mới vẽ, Vị Ý mời
hai chúng tôi tới phở Tàu Bay ở ngay đầu ngõ vào gác xép của Vị Ý.
Từ ngày đó, tôi thường đến
Vị Ý, vì thích sự hào sảng của một họa sĩ nghèo, thích kiểu nói chuyện với ngôn
ngữ lạ và những ý lạ, nhất là được nghe ông nói về những nhà cách mạng Việt
Nam. Ông thông làu về cuộc đời của nhiều lãnh tụ đảng phái, đặc biệt là Lý Đông
A. Đọc sách tôi chỉ biết Lý Đông A là người thành lập đảng Đại Việt Duy Dân,
nhưng nghe Vị Ý nói về Lý Đông A, mới thấy sự thông minh xuất chúng và sáng tạo
của họ Lý. Có lần Vị Ý kể là trong hội trường gồm mấy chục đảng viên cao cấp,
Lý Đông A đi quanh nói, không giấy tờ và những học viên ghi chép. Những buổi giảng
đó là nội dung của bộ Đại Việt Duy Dân Quốc Sách Thảo Án Toàn Pho mà Lý Đông A
đã viết khi mới ngoài 20 tuổi. Lý Đông A không những thông tuệ mà còn có sự thu
hút đặc biệt của một người lãnh đạo nên thu được nhiều thành phần trí thức gia
nhập Duy Dân, chẳng hạn như luật sư Nghiêm Xuân Hồng, luật sư Lê Quang Luật, luật
sư Lê Ngọc Chấn và nhà văn giáo sư Vũ Khắc Khoan... Thái Lăng Nghiêm (Nguyễn
Văn Tâm) là người được ở gần Lý Đông A, nên đã thu nhận được nhiều tư tưởng và
văn phong của họ Lý. Sau này đọc tuần báo Những Vấn Đề Của Chúng Ta do Thái
Lăng Nghiêm chủ trương và đọc sách Đoàn Kết Luận của Thái Lăng Nghiêm, tôi mới
thấy rõ sự nhận định của Vị Ý.
Những năm học ở trung học
đệ nhất cấp tôi đi bỏ mối báo Tự Do và Ngôn Luận (một kiểu bán báo ban đêm) khi
báo mới in ra, và dạy kèm trẻ ở mấy tư gia kiếm được tiền, nên mỗi lần đến Vị
Ý, tôi đều mời ông tới phở Tàu Bay rồi uống cà phê Lão Tử ở ngõ bên cạnh phở
Tàu Bay hay cà phê Gió Bấc ở đường Phan Đình Phùng.
Năm 1961 hay 62, lên Đà Lạt
nghỉ hè ở nhà ông cậu, tôi đã gặp Vị Ý cũng lên Đà Lạt để vẽ tranh. Vì thế tôi
có dịp đi theo nhìn ông vẽ đất trời Đà Lạt. Tôi vẫn nhớ dáng dấp gầy của Vị
Ý, khoan thai trong cái áo vest đen, miệng
ngậm pipe, định thần một lúc lâu, rồi múa bàn tay trên vải. Được nhìn ông vẽ
nhiều tranh, nhưng tôi nhớ nhất mấy bức là Gió Cuốn (vẽ cô gái mờ ảo, chỉ thấy
tà áo xanh vờn lên bên bờ hồ Xuân Hương), Đường Về Buôn (vẽ một gia đình người
Thượng đi dọc theo con đường mòn giữa đồi núi, chồng trước vợ sau rồi đến 3 đứa
con), và Trong Mây (vẽ đỉnh Lâm Viên ở giữa những làn mây tím). Tập hợp những bức
tranh vẽ ở Đà Lạt, Vị Ý đã tổ chức triển lãm tranh ở trên lầu chợ Đà Lạt. Trong
cuộc triển lãm này, ông chủ cà phê Tùng đã mua bức tranh Nhạc Dội với giá cao,
tranh vẽ một nhạc sĩ cúi đầu chơi đàn guitar Những đường nét họa chung quanh nhạc
sĩ là biểu hiện của âm thanh vang dội. Sau khi bức tranh được treo lên tường của
cà phê Tùng, Vị Ý đã trở thành khách quí của ông chủ Tùng và thường được chiêu
đãi cà phê, rượu khi Vị Ý tới Tùng.
Cũng trong lần triển lãm
tranh này, tôi được Vị Ý giới thiệu ông Vũ Khắc Quỳ, là trung úy chỉ huy đại đội
bảo vệ dinh tổng thống Ngô Đình Diệm (dinh 1 Bảo Đại) dọc theo đường Lý Thái Tổ,
gần Trại Hầm. Ông Quỳ là đảng viên Duy Dân, theo Lý Đông A lên Hòa Bình và đã lấy
con gái của một quan lang Mường. Ông bà Quỳ có một gái, một trai. Cô con gái là
Bích Huyền, đã một thời là hoa khôi của trường nữ trung học Bùi Thị Xuân, Đà Lạt.
Qua ông Vũ Khắc Quỳ, tôi biết thêm về sự thông tuệ của Lý Đông A, đọc rất nhanh
và chỉ một lần là nhớ hết với hành tung kỳ bí, thoắt ở, thoắt đi, được sự ủng hộ
của dân và quan lang Mường.
Năm 1964, Vị Ý lên Đà Lạt
ở nhà tôi một tuần (gia đình tôi đã chuyển lên Đà Lạt từ đầu năm 1963), đem lên
cho tôi hai tập sách in ronéo của Lý Đông A là Chu Tri Lục và Đạo Trường Ngâm,
tập Kinh Hịch của Vị Ý, và tặng tôi bức tranh Lữ Khách Bên Trời. Tranh vẽ một
người đứng trên bến sông giữa núi non trùng điệp. Vị Ý cho biết là đã vẽ bức
tranh này là do có lần tôi và Vị Ý đã nói với nhau về những bến đò, một cảnh sắc
đặc biệt của Việt Nam. Thời còn ở ngoài Bắc, Vị ý đã đi qua nhiều bến đò, nhưng
nhớ nhất là bến sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn và bến đò Rừng ở Quảng Yên. Hai bến đò
có sự hùng vĩ và thơ mộng giống nhau. Bến đò Rừng của sông Bạch Đằng ở bên dãy
núi Tràng Kênh và dãy núi Đông Triều ở xa, còn bến sông Kỳ Cùng thì ở giữa núi
non trùng điệp. Bức tranh Lữ Khách Bên Trời là vẽ bến sông Kỳ Cùng.
Trong tuần đó, hai chúng
tôi sau khi ở cà phê Tùng ra, thường đi quanh hồ Xuân Hương và Vị Ý nói với tôi
về tư tưởng Lý Đông A. Ông thao thao giảng giải đôi khi chêm vào những câu thơ
của Lý Đông A.
Tư tưởng Lý Đông A khó hiểu,
tôi thường hỏi lại, nhưng thật sự tôi chỉ hiểu lơ mơ về vấn đề con người trong
triết lý Duy Dân, nào là vũ trụ, nhân loại và dân tộc...với đủ thứ nguyên...
Sau này vào khoảng 1969, 70, tôi mua được một số sách của Lý Đông A do Gió Đáy
xuất bản gồm Chu Tri Lục, Duy Nhân Cương Thường, Thiết Giáo, Huyết Hoa, Chìa
Khóa Thắng Nghĩa, và cố đọc để hiểu, tôi mới thấy Vị Ý đã thuộc nằm lòng tư tưởng
Duy Dân. Vị Ý đã lấy tư tưởng Lý Đông A để viết kinh Hịch với nội dung kêu gọi
con dân Việt trở về cội nguồn dân tộc. Văn phong và chữ nghĩa của Kinh Hịch là
văn phong và chữ nghĩa của Lý Đông A. Tôi treo bức tranh Lữ Khách Bên Trời, bức
tranh duy nhất trong phòng khách từ năm 1964 đến 1975. Bức tranh đã bị mất khi
gia đình chạy xuống Sài Gòn. Nhưng tôi vẫn hy vọng người lấy bức tranh vẫn giữ
tranh. Ngày nay, Bức tranh Nhạc Dội vẫn ở cà phê Tùng, còn bức tranh Lữ Khách
Bên Trời chắc vẫn ở trong phòng khách của gia đình nào đó trên đường Huyền
Trân.
Sinh hoạt ở Galang
Sau một tuần làm việc với
toán JVA Mỹ, cơ quan xét hồ sơ và phỏng vấn người tỵ nạn đi Mỹ, Toán JVA về
Singapore ngày hôm qua, hôm nay tôi ngủ dậy muộn. Vừa rửa mặt xong đã thấy Vị Ý
đi vào với câu nói:
- Ra quán làm cái cà phê
còm.
Mấy tuần qua từ ngày gặp
nhau, chúng tôi thường tới 2 quán – Quán Tình Xù ở gần trung tâm JVA và quán Tống
Biệt là quán Vị Ý đưa tôi tới lần đầu khi mới gặp lại. Hôm nay chúng tôi lại tới
Tống Biệt. Quán có tên như thế, nhưng không có bảng hiệu. Gọi là Tống Biệt vì
quán nằm ở góc đường đi xuống bến tàu Galang. Vị Ý cho biết là những ngày có
chuyến chở người tị nạn, đã được các phái đoàn phỏng vấn nhận, sang Singapore để
đi định cư thì con đường này tấp nập. Người ta đi xuống bến để tiễn chân nhau.
Chúng tôi ngồi vào chiếc
bàn vẫn thường ngồi. Sau khi nhồi thuốc vào pipe, hút mấy hơi và uống mấy hớp
cà phê, Vị Ý hỏi:
- Hoàng lên làm ở JVA thấy
thế nào?
- Rất vui, vì mới lên đảo
mà có việc làm liền. Vừa giúp người tị nạn vừa giúp mình, nhất là có cơ hội học
thêm Anh ngữ.
- Tôi thấy cả tuần anh
làm việc quần quật từ sáng tới tối.
- Có nhiều việc phải làm.
Toán JVA Mỹ ở Singapore sang chỉ làm công việc phỏng vấn. Còn toán JVA Việt Nam
phải làm mọi việc. Nhận danh sách những người được vào phỏng vấn, phân chia
danh sách từng ngày, đánh máy để niêm yết và gọi tên trên máy phóng thanh của
trại, rồi phân công những người thông dịch. Toán JVA Việt Nam có trên 30 người, đều là những thanh niên,
thanh nữ năng động, giỏi tiếng Anh và đã quen việc, nên tôi chỉ làm công việc
phân nhiệm. Theo ông chủ tịch đại diện người tị nạn cộng sản thì trên đảo có
nhiều người là giáo sư Anh ngữ, nhưng phòng JVA đòi hỏi là người làm toán trưởng
phải là những sĩ quan đã đi cải tạo. Vì thế sau mấy lần nói chuyện, ông hỏi tôi
là có thể nhận làm trưởng toán JVA thay thế thiếu tá Long thuộc không quân mới
đi Bataan. Tôi rất vui nhận lời, vì công việc này hợp với mình.
Vị Ý nói:
- Mỗi lần thấy phái đoàn
Mỹ qua phỏng vấn và loa phóng thanh gọi liên tục những người được vào phỏng vấn,
tôi lại bồn chồn nhốt ruột nghĩ đến trường hợp của mình. Nhiều người bảo tôi là
đi Úc hay Canada, nhưng tôi muốn đi Mỹ, vì Mỹ là thủ đô của người Việt tị nạn,
là nơi có nhiều người Việt nhất. Tôi chọn Mỹ để thực hiện ước muốn của mình. Bức
tranh Đi Tìm Tự Do sẽ chứa đựng muôn vàn khía cạnh nói về sự khốn cùng đen tối
ở quê hương mình, nói về sự thử thách trên đại dương và ánh sáng tự do ở quê
người. Tôi sẽ vẽ một bộ tranh lịch sử Đi Tìm Tự Do để triển lãm ở những
châu có nhiều người Việt tị nạn. Tôi đã thao thức về việc này trên 10 năm ở quê
nhà. Thoát được tới đây, tôi tin là ước vọng của mình sẽ thành tựu. Nếu tôi giữ
được một bút tích, một tờ giấy chứng minh tôi là nhân viên Phòng Thông Tin Mỹ
thì tôi đã tới Mỹ từ lâu, còn tình trạng này thì không biết sẽ tới đâu. Vì thế
tuần rồi, mỗi lần nghe loa phóng thanh gọi tên người đi phỏng vấn, tôi lại như
lên cơn sốt.
- Tôi hiểu tâm trạng của
ông, nhưng đừng quá sốt ruột. Ông có đạo Duy Dân luôn an nhiên tự tại, cần vận
dụng nó để thảnh thơi chờ đợi. Suốt tuần qua tôi nghĩ đến việc của ông, nên tôi
đề nghị một giải pháp là nhân việc lên làm trưởng toán JVA, tôi sẽ viết một cái
thư gửi cho phòng JVA trình bày mấy vấn đề sau:
- Thứ nhất, tôi là bạn của
ông, giao du với ông từ cuối thập niên 1950, biết ông là một họa sĩ nổi tiếng
và đã phục vụ trong Phòng Thông Tin Hoa Kỳ.
- Thứ nhì, trình bày tình
trạng không giấy tờ của sĩ quan và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là
thực tế phổ biến dưới chế độ cộng sản, chẳng hạn bản thân tôi không có một giấy
tờ gì hết, chỉ còn nhớ số quân và tên người chỉ huy ở đơn vị cuối cùng.
- Thứ ba, tôi lấy tư cách
là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa để bảo đảm những điều ông khai là đúng sự
thật, và xin phòng JVA cứu xét hồ sơ và chấp nhận việc ông xin đi Mỹ định cư.
Sau một tuần làm việc với
toán JVA, tôi thấy ông trưởng phòng rất dễ thương. Ông cho biết là ông có người anh là sĩ quan ở sư đoàn Đệ Nhất
Không Kỵ đã chiến đấu ở Việt Nam và nay là đại tá. Anh ông thường nói về những
cuộc hành quân chung với quân đội Việt Nam Cộng Hòa và luôn ca ngợi những ông
sĩ quan đi hành quân với ông. Tình cảm ấy sẽ giúp mình được việc.
Ông về viết cho tôi một bản
ghi những việc ông làm ở Phòng Thông Tin, thời gian từ năm nào đến năm nào. Tên
người trưởng phòng, mô tả vóc dáng với những tính chất đặc biệt và những thói
quen của ông ta.
Vị Ý cười vui gật đầu:
- Được đấy. Vậy là tôi có
thêm một cái may nữa.
- Cái may là tôi làm trưởng
toán JVA nên dễ nói chuyện với họ. Hy vọng sẽ có kết quả. Lần tới họ qua, tôi sẽ
đưa ông tới giới thiệu với ông trưởng phòng và sẽ gửi thư đó cho họ.
Qua cửa sổ, thấy dân tị nạn
lũ lượt đi xuống bãi biển, tôi đập vai Vị Ý:
- Ngày hôm qua tôi mới nhận
được 100 của người bạn ở Mỹ. Hôm nay ông để tôi trả hai cái cà phê còm này. Còn
bây giờ - tôi chỉ tay xuống đường ra bãi biển – ông coi, mình cũng nên theo họ
xuống bãi biển Galang để xem dân tị nạn đi picnic.
...............
Trại tị nạn Galang có một
tờ nguyệt san tên là Tự Do, in ronéo. Tờ báo đã ra đời từ lâu và đã được truyền
qua nhiều đời Ban Biên Tập. Năm 1986 ban biên tập là Phạm Ngọc Thước (chủ bút),
Phạm Đại (thư ký toà soạn), Vị Ý ( phụ trách trình bày và trang trí). Tuy mới tới
đảo, tôi cũng được mời vào ban biên tập. Trong một lần họp bàn về số báo tháng
8/86, tôi đã nhắc lại những lần Vị Ý nói với tôi về sự thưởng ngoạn hội họa,
nên tôi đề nghị với ban biên tập là nên tổ chức cho Vị ý nói chuyện về hội họa. Sau khi thảo luận và được Vị Ý nhận
lời, báo Tự Do sẽ tổ chức buổi sinh hoạt văn hóa đặc biệt về hội họa. Và sau đó
2 tuần, buổi sinh hoạt nói chuyện về hội họa của Vị Ý đã được tổ chức ở thư viện
trại Galang.
photo
Họa sĩ Vị Ý
Trước cử tọa khoảng trăm
người, Vị Ý trình bày đề tài: Cưỡi Ngựa Xem Hoa Hội và trong một giờ đã dẫn
thính giả đi qua mấy phần sau:
Phần đầu nói về 3 thời hội
họa:
- Thứ nhất là Tiền sử họa
với những bức tranh săn hươu nai và những sinh hoạt của người tiền sử còn sót lại
trên những vách đá của hang động. Những bức tranh này biểu hiện được sự tài hoa
của họa sĩ tự học để vẽ lại đời sống quanh mình.
- Thứ nhì là cổ đại họa,
là thời các dân tộc đã tự động phát triển và học hỏi bắt chước mà tạo thành một
thế giới hội họa phong phú, từ tranh bằng gỗ, đá đẽo đến sành sứ rồi tranh trên
da, trên vải, trên giấy. Từ Âu, Phi, Mỹ, Á đều đã để lại những kho tàng khổng lồ,
phồn thịnh về lượng lẫn về phẩm. Cái tên cổ đại họa là do Vị Ý tạm đặt tên cho
thời đại và cho rõ nét vẽ này để phân biệt với thời và lối vẽ gần với hiện thực,
sát với ảnh, với tự nhiên của Tây phương gọi là cổ điển.
Thứ ba là tân họa, tân họa
mang nặng chất xa lìa tự nhiên và được liệt vào loại siêu thực nhiều ít trong một
tương đối nào đó để thành những trường phái khác biệt và phong phú trong mỗi
trường phái. Điểm đặc biệt là tân và cổ họa có tính chất chung là xa lìa tự
nhiên hơn cái gọi là cổ điển.
Sau sự phân chia thời hội
họa với những tính chất của mỗi thời, Vị Ý dẫn thính giả vào việc thẩm định họa
phẩm với hai câu hỏi:
- Câu hỏi thứ nhất: Thế
nào là một bức tranh đẹp?
Theo ông một bức tranh gọi
là đẹp phải hội đủ mấy điều:
- Hòa hợp toàn diện từ đường
nét đến màu sắc.
- Hàm chứa được chất tình
và thơ trong tranh.
- Gây cảm xúc độc đáo.
- Câu hỏi thứ nhì: Thế
nào là một danh họa?
Theo ông, danh họa phải đạt
được mấy điểm:
- Tính chất thời đại lồng
vào muôn thuở.
- Có bút pháp riêng.
- Đạt được sự rung cảm
thiết tha với trí tưởng tượng của họa sĩ.
Phần thứ ba là nhận định
về bút pháp.
Vị Ý nói bút pháp là chuyện
phức tạp như rừng biển, nhưng là cuộc cưỡi ngựa xem hoa nên ông nói qua một số
trường hợp cụ thể và điển hình chẳng hạn như:
- Bút pháp của Buffet thường
biểu hiện bằng những đường nét sọc đậm và khô khan như những đường kẻ thẳng, ấy
thế mà rất tình.
- Bút pháp của Renoir là
chất nhung mềm tơ nõn phủ trên khắp da thịt những người đàn bà và sự vật.
- Bút pháp của Monet và
phái ấn tượng là những chấm màu như trộn với ánh sáng huyền ảo bao trùm sự vật.
- Bút pháp của Van Gogh
là nỗi niềm bốc lửa, chói chang và vang vọng ánh sáng và sức sống...
- Bút pháp của Picasso hướng
về sự cựa động của sự vật nên không tôn trọng miệng cái soong, cái ly phải tròn
đều mà ghi ngay mấy chiều quay của sự vật... của khuôn mặt. Picasso là người vẽ
bàn tay tài tình nhất, như gửi cả tâm tình vào những bàn tay. Tranh Picasso làm
rung cảm sâu xa tâm linh ta là ông luôn ghi được nỗi buồn muôn thuở của kiếp
người, nỗi cô đơn và đau khổ siêu hình ấy luôn được coi là hồn của tranh, của
nhân vật.
photo
Vị Ý (bên phải) + Thế Phong
( chụp ở Nha Trang, 1961)
Theo Vị Ý, chuyện bút
pháp của họa sĩ không hẳn là kỹ thuật nữa mà đã chuyển mình thành hồn họa của mỗi
họa sĩ.
Qua cuộc nói chuyện về hội
họa của Vị Ý, tôi có hai nhận định:
- Thứ nhất, Vị Ý là họa
sĩ bẩm sinh, không thầy, không trường, nhưng đã tự đào luyện và nghiên cứu sâu
rộng về hội họa thế giới. Vì thế khi nói chuyện họa, ông không cần giấy tờ mà
ngôn ngữ tuôn chảy như một dòng sông với nhiều dẫn chứng bằng tên của những bức
họa thời tiền sử, thời cổ đại và thời tân họa.
- Thứ nhì, Vị Ý đã thâm cứu
những họa sĩ lừng danh thế giới với những nhận định rõ rệt về bút pháp của mỗi
đại danh họa mà tôi đã dẫn tên ở trên.
Ước nguyện không thành
Cuối tháng 8/86, sau khi
vào phỏng vấn và được nhận, tôi được chuyển sang trại Bataan ở Phi Luật Tân (trại
của những người được Mỹ nhận để học Anh ngữ và văn hóa Mỹ trong 6 tháng, trước
khi vào Mỹ định cư). Khoảng hơn một tháng sau tôi đang định viết thư cho Vị Ý để ông biết địa chỉ ở Bataan thì gặp
ông Nguyễn Đình Khôi, thông dịch viên của toán JVA mới qua Bataan cho biết là Vị
Ý đã được chuyển vào Galang 2, vì đã ở Galang 1 trên một năm. Thế là tôi mất
liên lạc với Vị Ý.
Sau khi vào Mỹ, định cư ở
Chicago hơn một năm, tháng 3 năm 1988, nhật báo Thời Luận ở nam california cho
biết: “Sửa soạn giá vẽ bị té, họa sĩ Vị Ý từ trần - Giới văn học nghệ thuật người
Viêt tị nạn tại Hoa Kỳ vừa mất thêm một họa sĩ có tài, đó là họa sĩ Vị Ý. Theo
tin từ gia đình người quá cố thì ông đã từ trần đêm thứ Năm 17 tháng 3, 1988 và
nhục thể được hỏa thiêu ngày thứ Tư, 23 tháng 3, tại nam Cali”.
Trong bài Họa sĩ Vị Ý, ảo
giác và quên lãng, nhà thơ Viên Linh (người Việt online – Wednesday, march
13/20/2013) đã viết: “Theo tin gia đình và những người quen biết thì họa sĩ chỉ
mới qua Mỹ vào tháng 6, 1987, tức là chưa được một năm. Sáng hôm ông ra đi vĩnh
viễn là lúc ông mới hoàn thành môt bức tượng. Ông sửa soạn một tác phẩm khác, một
bức tranh, nên trong lúc sửa soạn giá vẽ, ông đã vấp ngã khá mạnh khiến gân máu
bị đứt. Ngay buổi tối, ông qua đời. Nghe nói thêm, lúc ngã ông đang đứng trên một
cái giá cao, ngã từ đó xuống mặt sàn cứng.
Họa sĩ Vị Ý tên thật là
Nguyễn Tiến Tùng, em cùng cha khác mẹ với ông Nguyễn Tiến Đại, một nhân vật hoạt
động trong giới chính trị. Ông sinh năm Quí Hợi, 1924 tại Lạng Sơn. Bản thân Vị
Ý cũng hoạt động chính trị. Ít lâu sau cái chết của ông, một người cháu trai của
ông, có lẽ là con của cụ Tiến Đại, là Nguyễn Tiến Thịnh, đã mang tới cho anh em
tòa báo Khởi Hành một số tài liệu về ông chú quá cố. Trong số tài liệu này có
vài tấm hình chụp tranh vẽ, chụp tượng điêu khắc và chụp chân dung người nghệ
sĩ tạo hình. Kèm với những thứ ấy là hai cuốn sách luận thuyết, và cương lĩnh
- luận thuyết chống cộng sản và cương
lĩnh có thể hiểu là soạn theo tư tưởng Lý Đông A, lãnh tụ đảng Duy Dân”.
Như thế Vị Ý đã được vào
Mỹ chỉ sau tôi 2 tháng. Tôi vào Mỹ tháng 4/1987, còn Vị Ý tháng 6/87. Có thể đó
là kết quả của bức thư tôi gửi ông trưởng phòng JVA. Nhưng có điều đặc biệt là
Vị Ý đã được đi thẳng từ Galang qua Mỹ chớ không phải qua giai đoạn học Anh ngữ
và văn hóa Mỹ như tất cả những người được Mỹ nhận, vì nếu phải qua Bataan thì Vị
Ý đã gặp tôi.
Trong bài: Vị Ý – trên Học
Xá, Tuesday, Feb 9, 2021, nhà phê bình Huỳnh Hữu Uỷ đã viết: “Vị Ý là một họa
sĩ độc lập, tự mình thích vẽ mà làm thành hội họa chớ không qua một trường lớp
hội họa nào, chuyên vẽ sơn dầu với khuynh hướng siêu thực. Thế giới siêu thực của
anh rất lạ, tự mày mò và nghiệm lấy một cách riêng, không có chút không khí của
ai khác, không có dấu vết của một danh họa nào. Hội họa của anh giống như chính kiểu sống của anh
vậy, rất phiêu lãng, giang hồ, nhiều chất bụi bặm của trần gian mà vẫn bay bổng
vì một giấc mơ lý tưởng nào đó rất thuần khiết. Những người bạn của giới văn
nghệ đã tìm thấy những nét ấy trên tranh Thiếu Nữ và Con Mèo, Xứ Không Màu, Vực
Ảo của thời 1962, mà những nét ấy càng bộc lộ một cách đáng yêu của thời kỳ anh
lang thang làm quán Cà Phê Lú ở Thị Nghè hay những ngày tá túc ở Hội Quán Cây
Tre ở đường Đinh tiên Hoàng vào những năm cuối thập niên 60 và đầu 70 ở Sài
Gòn.
Báo Khởi Hành, số đặc biệt
về 20 năm hội họa miền Nam (54-75) xuất bản vào tháng 7 năm 2003 đã cho chúng
ta biết về cái chết của Vị Ý trong một tai nạn bất thường, hơi kỳ dị nhưng cũng
có thể nói là đẹp. Sau chuyến viếng thăm New York, thăm tượng Nữ Thần Tự Do, Vị
Ý có cảm hứng muốn thực hiện một họa phẩm lớn 8m X 12m. Vì nhu cầu cần dựng
khung và căng toile để vẽ, để thực hiện bức tranh gọi tên là Tự Do như anh nói
với người cháu Nguyễn Tiến Thịnh. Bức tranh sẽ lấy pho tượng Nữ Thần Tự Do làm
bối cảnh cho một con thuyền vượt biển của người tị nạn. Anh bị té khi dựng
khung vẽ, bị chấn thương và từ trần (Khởi Hành đã dẫn trang 23)”
Người viết xin ghi thêm
ít lời của nhà văn Nguyễn Thụy Long viết về Vị Ý trong bài: Họa Sĩ Vị Ý và quán
cà phê Lú.
“Quán cà phê Lú của họa
sĩ Vi Ý ở Thị Nghè, nói chính xác là con đường vào chợ Thị Nghè. Nghe cái tên
quán đã thấy chủ nhân quán cà phê có cái vẻ nghịch ngợm rất văn nghệ rồi... Thuở
đó ở Sài gòn đầy rẫy cà phê ngon, cà phê xịn và mỗi quán có cách pha chế riêng
gọi là bí quyết, thường thì pha bằng phin, những cái phin quý giá của Tây làm bằng
đồng thau hoặc bằng kền bóng loáng... Quán cà phê của Vị Ý trong dạng ấy, quán
cà phê Lú ngon và có nhạc, có thơ, có họa, có những bức tranh tài hoa của Vị Ý
treo đầy trên tường như một phòng triển lãm... Quán cà phê Lú không đông khách
lắm, nhưng là khách chọn lọc, những anh em văn nghệ sĩ, những nhà văn, nhà thơ,
nhạc sĩ, nghệ sĩ ngồi đó thuờng xuyên để nói chuyện văn nghệ, để xem tranh của
Vị Ý. Tôi biết chừng đó thôi về quán cà phê Lú và chỉ thấy anh ngồi ngất ngưởng
ở đó với cái pipe trên miệng. Sau năm 1968 hình như quán cà phê Lú không còn nữa.
Nhưng tôi vẫn nghe tên anh trong sinh hoạt hội họa. Anh vẽ những bức tranh sơn
dầu thật to, thật vĩ đại trong phủ tổng thống, chủ đề hình như là nguồn gốc dân
tộc Việt Nam. Báo chí thời đó ca tụng nhiều lắm” (hungviet.org/23//1/2012).
Tôi viết bài này để nhớ
người bạn vong niên một đời. Gặp nhau không bao nhiêu, nhưng mỗi lần gặp lại được
Vị Ý cho biết sắp tới sẽ làm gì. Trong tâm Vị Ý có cái đạo Duy Dân nên lúc nào
cũng ung dung tự tại như đạo sĩ. Gặp lại ở Galang, tôi kể Vị Ý nghe là năm
1985, sau khi ra tù cải tạo, tôi lên Đà Lạt, đã tới cà phê Tùng và ngậm ngùi
nhìn bức tranh Nhạc Dội vẫn treo trên tường của một Tùng tiêu điều. Vị Ý xúc động
và đã vẽ lại bức tranh đó cho truyện ngắn Biết Đến Bao Giờ, tôi viết lúc mới đến
Galang và đăng trong nguyệt san Tự Do. Nhìn bức tranh vẽ lại đó so với bức
tranh ở cà phê Tùng được chụp lại trong bài “Cà phê Tùng Đà Lạt xưa – nơi gặp gỡ
một thời của giới tinh hoa miền Nam của Nguyễn Vĩnh Nguyên”, tôi ngạc nhiên về
trí nhớ của Vị Ý, vì bức tranh vẽ phác cho truyện Biết Đến Bao Giờ sau 27 năm vẫn
gồm những nét chính của bức họa treo
trên cà phê Tùng.
Trong khi viết những dòng
này, tôi hình dung Vị Ý những lúc sôi nổi, thiết tha nói về bức tranh Đi Tìm Tự
Do trong quán Tống Biệt hay trên con đường độc đạo của đảo Galang. Bức tranh đó đã đi theo Vị Ý nên dân Việt đã
thiếu mất một tác phẩm lớn, một tác phẩm ghi lại một thời kỳ đen tối nhất của
dân tộc Việt Nam./.
* Việt Dương
(Boston
30/4/2021)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire