Cách Mạmg Tâm Thân là Đạo Đức Nhân Nghĩa của Thời Đại. * Trần Thứ Đào Trọng Vinh.

Đ
ạo là con đường phát triển theo thiên hướng của chân tính, đó là Đạo Trời. 
Do đó Đạo là thường hằng, miên viễn và con người dù cho cố ý muốn đi trệch hoặc nghịch với Đạo một thời gian, chung cuộc bao giờ cũng phải trở về với Đạo, trở về với thiên hướng của chân tính con người.
Nếu đời sống không phát triển theo thiên hướng của chân tính thì tùy theo từng mức độ, con người thấy mình sống trống rỗng, đọa lạc, vong thân (đánh mất mình) và đau đớn về mặt tinh thần vô cùng. Không phải chỉ là nửa hồn thương đau hay cả hồn thương đau mà sâu xa hơn nữa là niềm đau chân tính. Đó chính là tiếng réo gọi thức tỉnh của chân tính, tiếng réo gọi về người thật người
Đối với đời sống của ta thì quá khứ không còn tồn tại, hiện tại đang mất, chỉ có tương lai trước mặt là trải dài vào hư vô huyền nhiệm ta không thể biết chắc. Cho nên ý nghĩa và bản chất của sự sống chính là sống hiện tại có quy hướng vào tương lai. Đã quy hướng vào tương lai thì không thể sống nghịch với Đạo và vô tín.
Đức là sống đức tin trên con đường của Đạo. Đức là tích tụ vốn liếng cho tương lai do công lao từ quá khứ và nỗ lực trong hiện tại.
Vô Đạo là sống nghịch lại với thiên hướng “tự nhiên” của chân tính con người.
Vô Đức là chỉ biết sống hiện tại để làm bại hoại cái tương lai sắp tới. Xét ra sống vô đức là đi ngược lại với thiên hướng của con người.
Thiên hướng đó là gì? Đó là trong lẽ tồn sinh và an sinh của đời sống con người thì đạo lý Hiển sinh là chủ đạo. Gọi nó là chủ đạo vì lẽ không sống với nó thì con người tức thời rơi vào đọa lạc vong thân.  Hiểu như vậy thì Đạo và Đức là giềng mối, là nền tảng của đời sống. Một dân tộc không gìn giữ tài bồi và đứng vững trên nền tảng và giềng mối đạo đức sẽ không thoát khỏi tai họa đọa lạc diệt vong. 
Đạo Đức như vậy ở đâu? Chính là ở trong Trời Đất và cảm nhận trong lòng người. Đạo đức giải quyết con đường hành xử đối đãi với chính mình với thiên nhiên và với nhân quần xã hội. Đó là đạo của sự sống, đối đãi hành xử theo đạo Trời và thuận lòng người. Đạo Đức đối với cá nhân thì bên trong gìn giữ được thiên lương và thiên hướng hiển sinh của mình, bên ngoài thì hiển lộ được Nhân Nghĩa của thời đại. Giữ được thiên lương và thiên hướng hiển sinh bên trong tức thấy được nhân cách của mình là cao trọng.  Người xưa đã nói: Nhân tối linh ư vạn vật. Người là thiên địa chi đức. Người là Thiên Điạ giai bị ư ngã. Người là một ngôi vị trong tam tài, Thiên Địa Nhân, người có vị thế “chủ” cùng với hai chủ thể kia là “Trời” và “Đất” thành một Tổng Thể. Người không phải là thành quả thụ động của các điều kiện khách quan mà người tương tác với chính mình và bên ngoài để chọn lựa cho mình con đường hiển sinh và làm chủ của chính mình.
Hiển lộ được Nhân Nghĩa của thời đại tức thấy được nghĩa lý của kiếp nhân sinh ngắn ngủi, tức thấy mình sống với một nghĩa sống chứ không vô nghĩa uổng hoài một kiếp nhân sinh.
Muốn hưng phục và thể hiện cái nghĩa sống chân chính của thời đại nơi con người, tức phục hoạt cái nhân cách sống xứng đáng của con người. Muốn giải phóng con người và đời sống con người thoát khỏi đọa lạc vong thân, nhân phẩm bị chà đạp, nhân cách bị hủy hoại, quyền sống bị tước đoạt, bị hèn hoá, ác hoá, lưu manh hoá, công cụ hoá và vật hoá bởi một chế độ phi nhân phi nghĩa vô đạo hoại đức chính là muốn làm một việc Đại Nghĩa, Đại Đức cứu đời.  Đó chính là Cách Mạng. 
Cách Mạng là phản ứng mãnh liệt từ tâm thức của một dân tộc trước đọa lạc vong thân  tập thể để tự mình chuyển hóa hiển sinh. Cách Mạng là hưng phục Đạo Đức Nhân Nghĩa chân chính đã đổ nát trong lòng người và trong xã hội, là chống lại cái ngụy trá giả danh không có sự thực và lẽ phải, là tiêu trừ cái ác, và năng lực vô minh tác ác của thời đại. Cách Mạng chính là Đạo Đức Nhân Nghĩa được biểu hiện một cách tích cực nhất. 
Cách Mạng Tâm Thân chính là Đạo Lý, là nghĩa sống lớn của thời đại cho tất cả những người con kiên trung của đất nước. 

* Trần Thứ Đào Trọng Vinh.

Aucun commentaire: