NHẬN ĐỊNH THỰC TRẠNG CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM TỴ NẠN CỘNG SẢN TRÊN THẾ GIỚI (Mai Thanh Truyết)


Bây giờ, xin nêu lên thực trạng của các cộng đồng người Việt tỵ nạn của chúng ta trên toàn thế giới, qua các hoạt động bất lợi, có tác động làm hư đại cuộc, cũng như vô hình chung làm ngăn trở tiến trình mang lại dân chủ pháp trị cho đất nước.

Đó là:
Phong trào làm công tác từ thiện;
Việc gởi tiền về giúp thân nhân;
Sự bình thường hóa bang giao với CSBV của chánh phủ Hoa kỳ.
Những biện pháp giải quyết cần được trù liệu để ứng phó, trên căn bản cùng thông hiểu giữa nhau, mới bảo toàn được lực lượng đấu tranh cho đến ngày thành công hoàn toàn.
Chúng ta là những người Việt Nam tỵ nạn CS Bắc Việt, sau hơn 42 năm sống tha hương, nhìn lại Việt Nam, chúng ta đều thấy có rất nhiều vần đề của đất nước cần phải điều chỉnh lại.

Vì sao?
Xin mỗi người trong chúng ta hãy tự suy ngẫm.
Chúng ta đã làm gì nơi hải ngoại đối với con người, đất nước và xã hội đã cưu mang mình, hay đối với mọi người nơi quê nhà đang đau khổ vì bị áp đặt dưới ách thống trị của CS Bắc Việt?

Tuy nhiên trước mắt, với tư cách tỵ nạn, sống trên mảnh đất tạm dung, dù ở Hoa Kỳ hay các quốc gia khác, thì dường như “chúng ta là người khách trọ hữu tình nhưng bạc nghĩa”?

A . ĐỐI VỚI NƠI ĐẤT TẠM DUNG.
1 . Chúng ta thật sự là người “tử tế” chưa?
Xin thưa, chưa hẳn.
Chúng ta vận động gửi thỉnh nguyện thư yêu cầu Hoa Kỳ ngưng viện trợ nhân đạo cho Việt Nam, trong khi đó, hàng năm chúng ta gửi về Việt Nam một lượng ngoại tệ rất lớn, lên đến hàng chục tỷ Mỹ kim, như thế có phải là chúng ta đã vô tình “cứu nguy” cho chế độ CSBV đang bên bờ vực thẳm không?

Cựu Tổng thống George W. Bush đã từng làm cho chúng ta công phẫn (hay bị chạm nọc!) khi ông nhận định về cung cách hành xử của chúng ta trong vấn đề Việt Nam là “they deserve it!” (xin tạm dịch: Cho đáng kiếp!). Câu nhận định ngắn ngủi làm chúng ta đau, nhưng xin thưa, xin lắng lòng nghĩ lại, quả thật đôi khi những hành xử của chúng ta cũng “tương xứng” với lời trách móc trên.

2 .  Chúng ta đã làm gì với cái gọi là “từ thiện”?
Chúng ta đã làm gì khi Hoa Kỳ gặp những tai nạn thảm khốc rúng động toàn thế giới? Sau đây là vài con số thống kê về sự đóng góp “từ thiện” của cộng đồng tỵ nạn Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Biến cố 911 - Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, ngoài CSBV đóng góp $250.000, triệu phú (hotel) Trần Đình Trường góp 2 triệu Mỹ kim, chúng tôi không ghi nhận được các danh sách đóng góp khác của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, nếu có chăng chỉ là các hội đoàn đơn lẻ với số tiền không đáng kể.

Bão Katrina - Đối với trận bão Katrina 29/8/2005, chúng tôi không thấy CSBV đóng góp, cũng không có danh sách cộng đồng Việt Nam qua các hội đoàn, mà chỉ biết cộng đồng Houston giúp đỡ hiện kim và hiện vật, cũng như các hội đoàn Nam và Bắc California và nhiều nơi khác tổ chức văn nghệ, tiệc gây quỹ… nhưng số tiền thu được chẳng là bao so với sự cưu mang của đất nước và người dân Hoa Kỳ đối với bà con tỵ nạn kể từ sau 30/4/1975.

Sóng Thần Tsunami, Nhật Bản - Còn nói về Nhật Bản gặp tai nạn Tsunami thảm khốc rúng động toàn thế giới vào ngày 12/3/2011, trên trang mạng, chúng tôi nhận thấy có ghi CSBV và “nhân dân” giúp đỡ nạn nhân là 7.783.393 Mỹ kim, trong khi đó cả thế giới giúp Nhật Bản trong vụ nầy lên đến 520 Tỷ Yen (tương đương gần 7 tỷ Mỹ kim). Hoàn toàn không thấy đóng góp của cộng đồng người Việt hải ngoại trong danh sách hàng ngàn NGO và các hội từ thiện trên thế giới.

Vậy mà chúng ta thường nói với nhau rằng: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Vậy quý vị làm từ thiện nghĩ sao?

NHƯNG CHÚNG TA ĐÃ LÀM cho Việt Nam hiện tại rất nhiều, bằng nhiều cách tùy theo từng nhóm, chẳng hạn giúp xây các cơ sở tôn giáo, xây viện mồ côi, công tác khám bịnh, đào giếng v.v…, không kể việc đổ tiền vào cứu trợ mỗi khi có thiên tai như nhà cháy, lũ lụt, bão tố…

Chúng ta nghĩ rằng đã làm đủ bổn phận “công dân Hoa Kỳ” là tuân hành luật pháp, đóng thuế, có nhiều thanh niên đi lính làm nghĩa vụ công dân… nhưng dường như chúng ta sống trên đất Mỹ như một người tình của nữ thi sĩ TTKh là “tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời”.

Hầu như chúng ta hoàn toàn không lưu tâm đến những gì xảy ra cho đất nước tạm dung nầy (người viết muốn nói “chúng ta” là một số đông gồm cả chính bản thân người viết).

Vì thế:
Xin đừng làm những “người khách trọ vô tình”. Xin chia sẻ những gì xảy ra cho nước Mỹ, cho môi trường sống chung quanh mình.
Xin được sống làm người tử tế, lương thiện, văn minh và có tấm lòng với người bản xứ cũng như với bà con cật ruột của mình.
Xin đừng để những lời trách móc xảy ra nữa, như lời của TT Bush hay bất cứ lời của người bạn bản xứ nước mình đang cư ngụ.
Mai Thanh Truyết

Aucun commentaire: