ĐỐI THOẠI SOI SÁNG LỊCH SỬ [ 2 ] * HÀ VĂN THÙY


XÁC ĐỊNH LẠI NGUỒN GỐC AN DƯƠNG VƯƠNG

            Cho đến nay, giới nghiên cứu quan tâm tới Sử học nước nhà đồng thuận rằng, Âu Lạc là nhà nước đầu tiên của người Việt từ thời có sử. Tuy nhiên cũng cho đến nay, chúng ta chưa thống nhất về nguồn gốc của An dương Vương, người sáng lập nhà nước Âu Lạc, tạo ra khoảng tối trong lịch sử. Hiện tồn tại hai quan điểm khác nhau:

I. AN DƯỜNG VƯƠNG NGƯỜI NƯỚC THỤC.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng An Dương Vương là người nước Thục. Sau đây là những ý kiến tiêu biểu.

Từ sách Trăm Việt trên vùng định mệnh (1):

            Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh là khảo cứu công phu của tác giả Phạm Việt Châu. Nội dung sách nhiều vấn đề còn phải bàn lại, nhưng về nguồn gốc An Dương Vương, có những điều đáng chú ý:

- Dân Ba và dân Thục đều thuộc chủng Thái (Sử Ký Tư Mã Thiên gọi là Nhung, Địch). Thái hay Tày là tên có từ thế kỷ 13 khi bị Hoa tộc lấn đất dữ dội, họ phải bỏ xứ mà Nam thiên xuống các vùng phía Nam như Miến Điện, Vân Nam, Lào, Xiêm, Bắc Việt. Trước đó họ tự gọi là Âu. Chi Âu cùng với chi Lạc trong huyền thoại cha Lạc Long, mẹ Âu Cơ đẻ Trăm Trứng.

- Chi Âu còn giữ được phần đất ở Vân Nam gọi là Nam Chiếu, lấy thành Đại Lý làm kinh đô nên cũng gọi là nước Đại Lý. Về nguồn gốc tập thể Thái của vương quốc Đại Lý, có người cho là “từ nhóm Bách Việt sinh tụ chủ yếu ở miền nam sông Dương Tử, thiên di theo hướng tây nam vào miền Vân Nam…” vào khoảng thiên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Thật ra thì từ trước, vùng Vân Nam cũng vốn đã có những bộ tộc Bách Việt sống rải rác nhưng chỉ sau khi đế quốc Nam Việt bị Hán thôn tính thì vùng này mới quy tụ đông đảo. Vì người Thái chẳng ai đâu xa lạ, chính là bộ tộc Lý thuộc nhóm Âu Việt ở Quảng Tây trong đế quốc Nam Việt cũ. Họ bỏ quê hương đi vì không chịu sống dưới sự đô hộ của người Hán và cũng bởi thế mới tự xưng là Thái, có nghĩa là tự do, là thoát khỏi.

      - Tả Truyện chép sau khi bị Tư Mã Thác đem quân Tần chiếm nước Thục thì dân Thục bỏ xứ chạy sang nước Ba nhưng không ở lại đó vì nước Ba cũng đã bị Tần chiếm rồi. Họ nhờ đường nước Ba để sang nước Sở. Nước Sở là địa bàn của Việt tộc nhưng đã Hoa hóa nhiều rồi, bởi thế dân Thục không có ở lại đất Sở mà họ di cư xuống miền Nam, vượt Ngũ Lĩnh xuống Quý Châu. Đất Quý Châu là đất núi non, khí hậu xấu mà nghèo, nên họ không ở đó. Họ lại đi xuống nữa đến vùng Quảng Tây. Quảng Tây, Quảng Đông cũng là địa bàn của người Thái sinh sống. Đám người Thục di tản đó ở lại Quảng Tây, ngày xưa gọi là Tây Âu. Có một nơi gọi là Đông Âu, ngày nay là tỉnh Giang Tây cũng là địa bàn của chi Âu tức Thái.

2. Từ sách Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (2):

Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam của Bình Nguyên Lộc là chuyên khảo sâu về lịch sử văn hóa Đông Nam Á. Bằng ngôn ngữ học so sánh, tác giả phát hiện mối quan hệ gần gũi giữa các sắc dân trong vùng, đưa ra những lý giải có giá trị.

- Người Ba Thục sống trên vùng cao nguyên có sông Dương Tử chảy qua tưới cho đất thêm màu mỡ. Họ đã tiến bộ, văn minh lắm. “Nước Thục rất văn minh, ít lắm cũng bằng Trung Hoa vào thuở đó và có vài nét, họ hơn hẳn Trung Hoa, vì thuở đó, họ đã biết nghề sơn mài, còn Trung Hoa thì chưa.”

            - Vua Thục và một số quan lại triều đình cũng như hoàng gia bị Tư Mã Thác giết thì cũng có một số hoàng thân quốc thích, binh tướng cùng dân chúng chạy thoát xuống phương Nam, trong đó có thái tử con vua Thục, mới sanh hoặc một bà phi nào đó đang mang thai.

- Tả Truyện có chép đám di cư tỵ nạn này bị nước Sở đón đánh tại Hồ Nam là đất Nam Sở. Đó là tài liệu cổ nhất về con vua Thục di cư nhưng ít ai để ý tới. Họ chọn đường Hồ Nam cho dễ đi. Nhưng gặp người Tàu lai Việt ở đó là Sở, khác giống, họ bị đánh bật ra, mà dùng con đường khó đi hơn, là đường Quí Châu.

- Đám di cư Ba Thục này từ Quí Châu xuống Quảng Tây (Tây Âu), được ít lâu thì Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc rồi cho tướng Đồ Thư đem năm mươi vạn (500 ngàn) quân xuống chiếm đất Lĩnh Nam. Đồ Thư chiếm Quảng Đông (Nam Hải) dễ dàng và đặt bản doanh tại Phiên Ngung gần thành phố Quảng Châu ngày nay.

        - Theo Hoài Nam Tử thì trong lúc tù trưởng Trạch Hu Tống bị hại, nhóm Tây Âu vô chủ thì người kiệt tuấn được dân Tây Âu cử ra lãnh đạo công cuộc chống Tần là Thục Phán vào khoảng năm 219 đến 207 trước Công Nguyên. Đám vong quốc Ba Thục bị quân Tần chiếm nước, mới xuống định cư ở Tây Âu chưa được bao lâu thì quân Tần lại theo bén gót đánh phá. Dân Ba Thục đang căm giận mất nước thì nay có dịp mặt đối mặt với kẻ thù, ắt hẳn mọi người đều liều chết cùng dân Tây Âu đánh giết quân Tần. Thục Phán, con của Thục vương vừa mới mất, được dân Ba Thục cử lên nối ngôi (vua lưu vong) và với tinh thần dũng cảm, nhiều mưu mô nên cũng được dân Tây Âu đồng lòng tôn xưng làm thủ lãnh.

        - Thủy Kinh Chú viết: “Về sau, con vua nước Thục cầm đầu ba vạn quân, đến diệt Lạc Vương, Lạc Hầu và chế phục tất cả các Lạc Tướng rồi con vua nước Thục tự xưng An Dương Vương. Đó là đất Âu Lạc vậy.”

            3. Giáo sư Nguyễn Đăng Thục:

Trong bài Bốn nghìn năm văn hiến (3), Giáo sư Nguyễn Đăng Thục đưa ra những nhận định khá thuyết phục.

Theo “Hoa dương quốc chí” q.3, Thục chí:

Nước Thục giao thông với bên ngoài rất phát đạt. Sự giao thông ấy lấy Điền (Vân Nam) và đất Kiềm làm chủ yếu, mà sự mở mang đất Vân Nam lại hướng vào nước Thục làm trọng tâm để buôn bán mậu dịch. Vân Nam với Bắc Việt liền tiếp với nhau, từ thời cổ xưa hai miền giao thông rất thịnh, cho nên thời cổ sự giao thông giữa Tứ Xuyên với Bắc Việt chắc hẳn là tấp nập. Bấy giờ miền hạ lưu sông Trường Giang chưa có ảnh hưởng khai hóa của Hán tộc, mãi đến thời Chiến quốc (dân mà người Hán gọi là man di) phía Tây trong vùng Tứ Xuyên – Bắc Việt, và “Tây nam di ở Điền, Kiềm (Vân Nam, Quý Châu ngày nay), nước Tần, nước Sở đang đua tranh vũ lực để thôn tính, kết quả là vua nước Sở Trang Kiêu làm vua Điền (Vân Nam). Nước Tần chiếm lấy nước Ba, nước Thục, nước Kiềm tức Quý Châu.”

Lã Sĩ Bằng trong “Bắc thuộc thời kỳ đích Việt Nam” suy diễn sử kiện trên đây như sau:

“Xét về việc vua Thục bị ở đất Vũ Dương, ngày nay là Bái Sơn vị trí ở phía nam Thành Đô, trên bờ sông Manh khoảng giữa đến Bàng hương núi Bạch Lộc ngày nay ở đâu thì không thể tìm xét, chỉ nên hiểu là ở phía nam núi Bành, thế nhân vì quân Tần từ phía bắc xuống miền Nam, tập đoàn người Thục chống đối quân Tần bị thua mà hướng phương Nam để thoát lui vậy. Từ đấy về sau 59 năm có lịch sử đích thực là vua Thục Phán làm vua Việt. Chúng ta có thể suy định rằng vua Thục bị bại ở Vũ Dương, quan Tướng, Phó, Thái tử đều chết ở núi Bạch Lộc, sau đấy đảng vua Thục còn lại mới suy tôn con hay cháu nhà vua lên tiếp tục chạy về phương Nam, theo hạ lưu sông Manh tiến vào khu đất tiếp giáp giữa Qúy Châu và Vân Nam thuộc phạm vi thế lực người Sở… Nhưng khu đất giao tiếp giữa Quý Châu (Kiềm) và Vân Nam (Điền) thời Hán là Trường Kha là đất thuỷ lão nghèo nàn. Thục vốn là nước Thiên phủ, người Thục khó ở lâu tại đất ấy được, và thế lực quân Tần đang rất mạnh, dòng dõi vua Thục hết hy vọng khôi phục lại đất cũ mới tìm phát triển về phương Nam tiến vào đất bình nguyên Bắc Việt, khí hậu ôn hòa, nông sản phì nhiêu, cùng với Hùng Vương tranh chiến, nhiều phen thất bại đến đời Chu Bảo Vương năm 518 (tr.cn 257) mới chinh phục được Văn Lang.”

“Từ Chu Thuận Tĩnh làm vua 5 năm (316 tr. Tây nguyên) nước Thục mất về nước Tần, cho đến Chu Báo làm vua 58 năm (257 tr. Tây nguyên) An Dương Vương là Thục Phán xưng vua ở Việt Nam, thời gian cách nhau là 59 năm. Trong khoảng thời gian ấy, người dân nước Thục chịu sự áp bách của thế lực quân sự nhà Tần, tập đoàn chống đối quân Tần dần dần đi xuống phương Nam đi vào bắc bộ Việt nam, cùng với vua Hùng Vương nuớc Văn Lang đánh nhau tranh dành. Lúc đầu vì thế lực còn yếu, luôn luôn bị thua, mãi sau mới chinh phục được. Và việc An Dương Vương từ nước Thục đi vào nước Việt, thì sách sử xưa của Tầu và Việt đều không ghi chép lịch trình tiến triển, nhưng cuộc chiến tranh giữa nước Tần và nước Thục có thể tìm thấy dấu vết ở cuộc thiên di về phương Nam của tập đoàn vương thất nước Thục chống đối với nhà Tần.”

“Sự hiện diện của Bách bộc do Thục An Dương Vương với tập đoàn nhà Thục từ Tứ Xuyên đi xuống qua Qúy Châu và Vân Nam phía Tây Bắc Việt ngày nay mà di tích là kiểu thành Cổ Loa vốn của nước Ba Thục.”

 II.  AN DƯƠNG VƯỜNG  NGƯỜI TÀY CAO BẰNG.

Chúng tôi xin dẫn ra đây khảo cứu của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đại diện cho khuynh hướng này:

Năm 1963, với việc Tạp chí Nghiên cứu lịch sử công bố truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) của người Tày ở Cao Bằng, nhiều vấn đề về nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương đã dần dần được sáng tỏ. Theo truyền thuyết này thì Thục Phán là con Thục Chế, vua nước Nam Cương gồm 10 xứ mường, trong đó, một xứ mường trung tâm là nơi vua ở, còn 9 xứ mường xung quanh do chín chúa mường cai trị. Lãnh thổ của nước Nam Cương thuộc vào khoảng Cao Bằng và vùng nam Quảng Tây (Trung Quốc) ngày nay. Thục Chế mất, Thục Phán lên làm vua, tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã dùng mưu trí quy phục được cả chín chúa mường, xây dựng nước Nam Cương hùng mạnh. Sau đó, Thục Phán đã lãnh đạo bộ tộc đánh thắng Văn Lang, hợp nhất lãnh thổ, lập ra nước Âu Lạc. Truyền thuyết về Chín chúa tranh vua còn được minh chứng bằng các di tích, di vật và địa danh cụ thể như Tổng Lằn (xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình), Tổng Chúp, Khau Lừa, cây đa cổ thụ ở Cao Bình, đôi guốc đá khổng lồ ở bản Thành… (các xã Hưng Đạo và Bế Triều, huyện Hoà An, Cao Bằng)

Sau khi truyền thuyết trên được công bố, nhiều nhà nghiên cứu đã hướng về Cao Bằng để tìm quê hương Thục Phán và hầu như cho đến nay đều tin rằng Thục Phán là thủ lĩnh một liên minh bộ lạc người Tây Âu (hay người Tày cổ) ở vùng núi phía bắc Bắc Bộ (Việt Nam) và nam Quảng Tây (Trung Quốc), mà trung tâm là Cao Bằng.

Năm 214 TCN, quân Tần đã áp sát địa bàn Tây Âu và Lạc Việt. Cao Bằng - trung tâm của nước Nam Cương của Thục Phán đã trở thành tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Tần của cả hai bộ tộc Tây Âu, Lạc Việt. Theo sách Hoài Nam tử thì: “Trong ba năm [quân Tần] không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh lính đào cừ cho thông đường lương để đánh nhau với người Việt. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống”. Vẫn theo sách Hoài Nam tử, lúc đó trước thế mạnh của quân Tần “người Việt vào rừng ở với cầm thú, không chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh nhau với quân Tần”. Người kiệt tuấn đó không phải ai khác mà chính là Thục Phán. Việc cả Âu Việt và Lạc Việt đều thống nhất cử Thục Phán làm người chỉ huy chung đã phản ánh sự trưởng thành của tinh thần yêu nước, của ý chí đoàn kết quyết tâm bảo vệ lãnh thổ. Người Việt tổ chức các trận đánh lớn liên tiếp tiêu diệt sinh lực địch, đại phá quân Tần, giết chết chủ tướng Tần là Đồ Thư, buộc nhà Tần phải bãi binh. Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của dân tộc Việt Nam ta chống lại hoạ xâm lược và nô dịch của kẻ thù phương Bắc. Sau khi kháng chiến kết thúc thắng lợi, trong điều kiện cộng đồng cư dân Lạc Việt - Tây Âu đã hình thành và uy tín của Thục Phán ngày càng cao, Thục Phán đã quyết định thay thế Hùng Vương, tự xưng là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc. Tên nước Âu Lạc bao gồm hai thành tố là Âu (Tây Âu/ Âu Việt) và Lạc (Lạc Việt), phản ánh sự liên kết của hai nhóm người Lạc Việt và Tây Âu. Trong triều vua Thục vẫn có Lạc hầu và các địa phương vẫn do Lạc tướng cai quản - nghĩa là trên căn bản nhà nước Âu Lạc vẫn được tổ chức theo mô hình nhà nước Văn Lang của Hùng Vương. Lãnh thổ nước Âu Lạc cũng được mở rộng trên cơ sở sáp nhập hai vùng lãnh thổ Văn Lang và Nam Cương. Trong quá trình thành lập nước Âu Lạc chắc chắn không tránh khỏi những mâu thuẫn, thậm chí là cả những xung đột, chống đối như sách (Đại) Việt sử lược và một số thần tích, truyền thuyết dân gian phản ánh. Tuy nhiên phải thấy rõ một thực tế là nước Âu Lạc ra đời trong hào quang chiến thắng, sự thành lập nước Âu Lạc gắn liền với thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống Tần do Thục Phán lãnh đạo chứ hoàn toàn không phải là một cuộc chiến tranh thôn tính. Vì vậy, nước Âu Lạc là một bước phát triển mới, kế tục và cao hơn nước Văn Lang. Nước Âu Lạc chỉ tồn tại trong khoảng thời gian không đầy 30 năm (từ năm 208 đến năm 179 tr CN), nhưng cũng đã có những đóng góp đặc biệt to lớn vào trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước. (4)

III. Ý KIẾN CHÚNG TÔI.

Theo truyền thống, nhà nghiên cứu Việt Nam rất chắt chiu tôn trọng mỗi dòng mỗi chữ trong cổ thư Trung Hoa viết về đất nước mình. Nhưng không hiểu sao, trong trường hợp của An Dương Vương lại không như vậy? Như trên đã dẫn, những cuốn sử quan trọng của Trung Quốc cũng như Việt Nam như Sử ký, Hoài Nam tử, Tả truyện, Thủy kinh chú, Hoa Dương quốc chí… đều nói rằng: Thục Phán người nước Thục. Có sách còn nói rõ quá trình chạy trốn của triều đình Thục lưu vong và tính toán thời gian từ trận đánh cuối cùng ở Bách Lộc tới khi An Dương Vương lên ngôi, tưởng như không còn gì hợp lý hơn! Nhưng vì sao nguồn tư liệu quý giá này bị bỏ qua? Trong khi đó, tất cả những tác giả hàng đầu của Sử học Việt Nam đồng thuận đưa ra một kết luận đẹp nhưng mong manh, thiếu thuyết phục: An Dương Vương người Tày Cao Bằng!

Chúng tôi thấy rằng, từ các tư liệu thành văn hiện có, hoàn toàn đủ cơ sở xác nhận An Dương Vương là người nước Thục. Có người lấy cớ, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không có họ Thục để phản bác. Tuy nhiên, việc lấy họ theo tên đất vốn là tập tục phương Đông. Không quan tâm tới Chế và Phán họ gì. Nhưng biết là người Thục nên người Văn Lang lấy chữ Thục làm họ của những người này. Vấn đề còn lại phải bàn tiếp: người Thục là ai? Nhiều người, trong đó có những học giả hàng đầu của chúng ta, theo định kiến từ xa xưa, cho rằng: Thục là đất Trung Quốc nên người Thục là người Trung Quốc! Có thể thấy ở đây ẩn hiện của bóng ma dân tộc chủ nghĩa: Thục Phán người Trung Quốc nên ông không thể là vua của Âu Lạc. Do vậy, cố bắt ông thành người Tày Cao Bằng!

Tuy nhiên, những tác giả như Bình Nguyên Lộc, Phạm Việt Châu, Nguyễn Đăng Thục… thì thực chứng hơn, dựa vào nơi phát tích, vào mối quan hệ thân tộc với những cộng đồng dân cư gần gũi cho rằng người Thục là một dòng Lạc Việt từ xa xưa sống ở Nam Trung Quốc. Tiếc rằng ý kiến này không được thừa nhận.

Rất mừng là sang thế kỷ mới, nhờ di truyền học đọc được cuốn thiên thư ADN ghi trong máu huyết dân cư châu Á, vấn đề được sáng tỏ:

- Khoảng 40.000 năm trước, người Lạc Việt chủng Indonesian [mã di truyền M122 thuộc Haplogroup O1 (Y-DNA)] (5) từ vùng núi Bắc Bộ đi lên khai phá Hoa lục theo con đường Ba Thục, tới tận Nam Hoàng Hà, trở thành chủ nhân đồng bằng Trong Nguồn (nay là Trung Nguyên). Cộng đồng Lạc Việt này về sau được gọi là Tày-Thái. Cùng thời gian Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ thì nơi đây ra đời nước Ba Thục cổ. Người Ba Thục xây dựng nền văn minh đá mới rực rỡ: 25.000 năm trước có mặt ở Động Người Tiên (Quảng Tây). 20.000 năm trước, làm ra đồ gốm đầu tiên của nhân loại. Và 12.400 năm trước thuần hóa thành công lúa nước. 6.000 năm trước sáng tạo chữ tượng hình Cảm Tang khắc trên xương, trên đá.

- Năm 2.698 TCN, người Mông Cổ đánh vào Trác Lộc, chiếm một phần đồng bằng Trong Nguồn. Một bộ phận người Việt sống trong vương quốc Hoàng Đế. Có người con gái Thái làm nguyên phi của Đế Khốc, sinh ra tổ nhà Thương và nhà Chu. Ở vùng đất còn lại, người Việt kiên quyết kháng chiến, giữ gìn độc lập. Trong đó có nhà nước Ba Thục mà sử sách Trung Hoa gọi là Tây nhung. Khoảng 1600 năm TCN, nước Ba Thục của Tàm Tùng xuất hiện, với nền văn minh rực rỡ là tòa thành vững chãi, bức tượng đồng lớn nhất thế giới và những đồ thờ đồng thau tinh xảo. Nay là di chỉ văn hóa Gò Ba Sao nổi tiếng. Tại đây cũng phát hiện hàng chục xác voi châu Á, được đưa từ Việt Nam tới.(6)

Năm 316 TCN nhà Tần chiếm nước Thục, mở đầu cuộc trốn chạy của triều đình lưu vong nhà Thục. Có thể giải thích thời kỳ lịch sử này như sau: Trong lúc chạy trốn cuộc tàn sát, đoàn người lưu vong chạy về Nam, theo con đường xa xưa tổ tiên đã đi lên và cũng là con đường thương mại nối Bắc Việt Nam và Ba Thục. 500-700 km không phải không thể vượt qua với đoàn quan quân đi tìm đường sống. Tới Văn Lang, đoàn người lưu vong gặp lại đất gốc của tổ tiên từ xa xưa, gặp đồng bào cùng huyết thống, tiếng nói và văn hóa. Trước đồng bào tị nạn trở về, vua Hùng không thể đối xử nhẫn tâm. Trên thực tế, cũng không thể trục xuất một đoàn quan quân đã cùng đường nên đành chấp nhận cho ở nhờ. Những rắc rối phát sinh. Không chỉ với nhà vua mà còn với những tù trưởng khu vực. Đoàn người của Thục Chế bằng mọi cách tăng cường thế lực. Những tranh chấp nảy sinh. Cuối cùng Thục Phán thu phục được các bộ tộc khác ở vùng núi Bắc Bộ, Vân Nam, Quảng Tây, lập nhà nước Nam Cương. Đó là điều không có trong cổ thư Trung Hoa nhưng tồn tại nơi ký ức cộng đồng thành truyền thuyết “Chín chúa tranh vua.”

Rồi từ đây Thục Phán lãnh đạo nhà nước Nam Cương cùng dân Văn Lang đánh quân Tần, diệt Đồ Thư.  Sau đó thôn tính Văn Lang thành lập Âu Lạc. Thục Phán người nước Thục nhưng đã trở thành thủ lĩnh nước Nam Cương nên việc chiếm Văn Lang không còn là xâm lăng mà trở thành cuộc sáp nhập hai tiểu quốc của người Việt thành nhà nước thống nhất.

Chúng tôi cho rằng, cách lý giải như vậy thỏa đáng hơn cả. Kết luận này cũng khám phá xu hướng phát triển của dân tộc Việt Nam:  Những nhân tài, người hiền Lạc Việt từ Hoa lục trở về góp trí tuệ và công sức phát triển đất nước Việt Nam. Mở đầu là Lạc Long Quân, Hùng Vương. Tiếp theo là An Dương Vương, Triệu Vũ Đế rồi Lý Bôn, nhà Lý, nhà Trần. Khám phá trên cũng cho thấy thành quả của phương cách viết sử kết hợp giữa cổ thư với truyền thuyết và tài liệu điền dã. Do nước ta có chữ muộn, lại bị ngoại bang chiếm đóng thời gian dài nên ghi chép lịch sử rất hạn chế. Trong khi nhiều sự kiện lịch sử vẫn để lại dấu vết trên thực địa hoặc đi vào những câu truyện lan truyền trong dân gian. Từ thế kỷ trước, do ảnh hưởng của quan niệm phương Tây, quá coi trọng văn tự trong khi bài bác truyền thuyết, huyền thoại nên học giả người Việt ngại việc tìm hiểu thực địa cũng như sử dụng truyền thuyết. Việc dùng truyền thuyết Chín chúa tranh vua kết hợp cổ thư và khảo sát thực địa để khám phá nguồn gốc của An Dương Vương là kinh nghiệm hay để tiếp tục làm rõ nhiều sự kiện còn bí ẩn của lịch sử Việt Nam.

Sài Gòn 12.6.17

Tài liệu tham khảo

1.Phạm Việt Châu. Trăm Việt trên vùng định mệnh

https://phamthientho.wordpress.com/2015/09/03/tram-viet-tren-vung-dinh-menh-pham-viet-chau/

2. Bình Nguyên Lộc. Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt Nam.

http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/thu-vien-so-sach-anh-video/tu-sach-van-hoa-hoc/787-binh-nguyen-loc-nguon-goc-ma-lai-cua-dan-toc-vn-1.html

3. Nguyễn Đăng Thục. Bốn nghìn năm văn hiến http://newvietart.com/index4.327.html

4. Nguyễn Quang Ngọc. Vấn đề nguồn gốc của Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc : (http://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/237/1/Nguyen%20Quang%20Ngoc.pdf)

5.  The free encyclopedia - Liangzhu culture: “Một phân tích năm 2007 của DNA phục hồi từ người vẫn còn ở địa điểm khảo cổ của người tiền sử trên sông Dương Tử cho thấy tần số cao của Haplogroup O1 (Y-DNA) trong văn hóa Lương Chử, liên kết chúng với dân cư văn hóa Austronesian và Tai-Kadai.” Dân cư Việt cổ thuộc  Haplogroup O1 (Y-DNA). Người Tày-Thái thuộc Lạc Việt (chủng Indonesian), mang mã di truyền M122.

6. Hao Sun et al. Autosomal STRs Provide Genetic Evidence for the Hypothesis That Tai People Originate from Southern China.

http://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0060822

In the southern origin hypothesis, many Chinese ethnologists [5], [6], [13] believe that today’s Tai people migrated from southern China and that they share a recent common ancestor, which named “Yue” people, with other Tai-Kadai speakers who lived in southern China, such as the Zhuang and the Mulao.

“Trong giả thuyết nguồn gốc miền Nam, nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học Trung Quốc [5], [6], [13] tin rằng người Thái hiện nay di cư từ miền Nam Trung Quốc và họ chia sẻ một tổ tiên gần đây, có tên "Yue" (Việt), cùng với những người nói tiếng Tày-Thái sống ở miền nam Trung Quốc, chẳng hạn như Zhuang và Mulao.”

NHÌN LẠI VIỆC ĐÁNH GIÁ TRIỆU ĐÀ VÀ NƯỚC NAM VIỆT

Từ thời có Sử, các nhà nước quân chủ Việt Nam đều ghi công Triệu Đà và thừa nhận Nam Việt là triều đại chính thống của Việt Nam. Dù ở cuối thế kỷ XVIII Ngô Thì Sỹ có lên tiếng bài bác, cho Triệu Đà có tội đưa nước ta vào vòng nô lệ phương Bắc thì sử nhà Nguyễn vẫn ghi nhà Triệu là tiền triều. Quan niệm này được tiếp tục trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim rồi Bài ca Việt Minh của Hồ Chí Minh xuất bản tại Cao Bằng năm 1942 với hai câu thơ: Triệu Đà là vị hiền quân. Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời. Năm 1945, Chương trình Phổ thông Trung học của Chính phủ Trần Trọng Kim cũng coi nhà Triệu mở đầu cho lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên, từ sau năm 1960, các nhà làm sử miền Bắc có cách nhìn khác hẳn, coi Triệu Đà là giặc ngoại xâm và xóa bỏ nhà Triệu khỏi sử Việt. Người đề xuất quan điểm này là sử gia Đào Duy Anh trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam xuất bản năm 1957.

Học giả Đào Duy Anh có công lớn gầy dựng trí tuệ và lịch sử Việt Nam. Do vậy mà việc đề xuất của ông được Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn, Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội chấp nhận. Từ đó, phủ nhận Triệu Đà và nước Nam Việt trở thành quan điểm chính thống của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được phản ánh trong các bộ thông sử quốc gia, được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học.

Sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 (1971), công trình tập thể của những nhà viết sử hàng đầu Việt Nam, được biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam viết về Triệu Đà như sau:

“Triệu Đà biết rằng không thể thắng được Âu Lạc về quân sự nên rút về núi Vũ Ninh, xin hòa với An Dương Vương. Hắn sai con trai là Trọng Thủy sang hàng phục An Dương Vương, xưng thần mà thờ. An Dương Vương gả con gái là Mị Châu cho Trọng Thủy. Trọng Thủy ở gửi rể bên nước Âu Lạc. Đấy chính là mưu mẹo mà Triệu Đà dùng để chiếm nước Âu Lạc. Trong những năm ở gửi rể, Trọng Thủy đã dò xét tình hình Âu Lạc, học phép chế nỏ và phá nỏ của người Âu Lạc rồi trốn về nước báo cho Triệu Đà. Kết hợp lực lượng quân sự và mưu mẹo gián điệp, lần này Triệu Đà thôn tính được nước Âu Lạc. An Dương Vương thua trận, phải nhảy xuống biển tự vẫn.”

Trong lời giới thiệu cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (in năm 2000), Giáo sư  Phan Huy Lê cho rằng: “Việc Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên coi nhà Triệu là một vương triều chính thống của Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng.” Ông khẳng định “Nam Việt là một nước cát cứ của một tập đoàn phong kiến, không phải là nước của người Việt Nam.” “Việc Triệu Đà đặt tên nước là Nam Việt (tỏ ý muốn phục hưng nước cũ của người Việt) cũng như việc Triệu Đà tự xưng là "Man Di đại trưởng lão phu," lấy vợ Việt, theo tục Việt... chỉ là các thủ đoạn mị dân Việt. Việc Triệu Đà chống Tần chống Hán cũng chỉ nhằm thỏa mãn mộng bá vương của riêng mình... Nhưng nhiều sử gia phong kiến đã không nhận ra bộ mặt cát cứ, xâm lược của nhà Triệu và ngộ nhận coi nhà Triệu là một triều đại của Việt Nam.” Tố Hữu làm thơ gọi họ Triệu là "giặc", phê phán Mỵ Châu làm mất nước:

            Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu,

            Trái tim lầm chỗ để trên đầu.

 Nỏ thần vô ý trao tay giặc,

 Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu.

60 năm sau phán quyết trên, nay ta thử xét xem vì sao học giả họ Đào lại có ý tưởng như vậy. Và quan niệm của ông có phù hợp với sự thật lịch sử?

Những dòng lên án Triệu Đà đã xuất hiện từ năm 1947 trong tài liệu in ronéo của Đào Duy Anh khi ông hoạt động trong Chi hội văn nghệ Liên khu IV ở Thanh Hóa. Công bố năm 1957 chỉ là sự tiếp tục quá trình tư duy nhất quán. Dựa vào quan điểm Macxit đương thời, tác giả đưa ra những lời kết án nặng nề chưa từng có với vẻ đầy tự tin:

 “… Các sử thần nhà Lê, kế tục phương pháp và quan điểm của Lê Văn Hưu ở thời Trần (quan điểm lịch sử phản dân tộc) không thấy rằng Triệu Đà làm vua nước Nam Việt ở miền Quảng Đông, Quảng Tây, đối với nước Âu Lạc mà nghỉ xâm lược, chỉ là một tên giặc cướp nước chứ không phải là một đế vương chính thống. Mãi đến cuối đời Lê mới thấy có một nhà sử học là Ngô Thì Sĩ, tác giả sách Việt sử tiêu án, phản đối việc cho họ Triệu tiếp nối quốc thống của An Dương Vương. Có lẽ do ảnh hưởng của ý kiến ấy cho nên sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của triều Nguyễn không chép riêng nhà Triệu làm một kỷ chính thống nữa, nhưng vẫn cứ chép cả lịch sử nhà Triệu vào phạm vi quốc sử nước ta. Các nhà sử học tư sản của ta cũng chịu ảnh hưởng của quan điểm phản dân tộc ấy, cho nên Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim cũng chép kỹ càng về lịch sử nhà Triệu, và Những trang sử vẻ vang của Nguyễn Lân thì biểu dương Lữ Gia là trung thần của nhà Triệu, là vị anh hùng dân tộc đầu tiên của chúng ta. Đối với dân tộc ta thì Triệu Đà là giặc cướp nước, mà lịch sử của nhà Triệu ở nước Nam Việt không thể nằm trong phạm vi của lịch sử Việt Nam.” [1]

Tuy nhiên, khi ghép tội Triệu Đà, ông Đào Duy Anh không đưa ra chứng lý gì mới hơn so với Ngô Thì Sỹ mà chỉ là những quy chụp: “giặc cướp nước”, “các nhà sử học tư sản” rồi “quan điểm lịch sử phản dân tộc!”

Sự thật là, dù Triệu Đà có xâm lược Âu Lạc đi nữa thì Nam Việt vẫn là nhà nước của người Âu Lạc. Bởi lẽ, dưới hai viên điển sứ thay mặt nhà vua thì người cai trị trực tiếp Âu Lạc vẫn là những lạc hầu, lạc tướng người Việt, cai trị theo luật Việt. Đó là sự thực vì khi chiếm nước ta, Mã Viện phát hiện: “Luật  Giao Chỉ có 10 điều khác với luật nhà Hán.” Ta cũng thấy, đó là thời thái bình thịnh trị từng được các thư tịch Trung Hoa ca ngợi. Thực tế là, suốt trong thời gian cai trị Nam Việt, ngoài việc may mắn thắng cuộc chiến tranh của Lâm Lư hầu thì bằng mọi cách, khi cương khi nhu trong đối ngoại, Triệu Đà giữ được mối quan hệ yên bình với nhà Hán, tránh được chiến tranh, không mất một tấc đất. Cháu ông là Triệu Muội vẫn giữ vững độc lập, vẫn xưng đế. Triều đại do Triệu Đà xây dựng, sau 97 năm tồn tại, bị hủy diệt bằng cuộc xâm lăng tàn bạo của nhà Hán. Chống trả cuộc xâm lăng là toàn dân Nam Việt trong đó có nhân dân Âu Lạc mà ngọn cờ đầu là Thừa tướng Lữ Gia! Sự bi thảm của cuộc chiến ấy ngày nay ta còn thấy trong đống xương ở hang Cắc Cớ Chùa Thầy!

Một điều không thể không bàn tới là di sản do Nam Việt để lại. Ta từng biết, từ Nam Dương Tử trở xuống là đất của nhà nước Xích Quỷ-Văn Lang. Nhưng hai quốc gia này chỉ tồn tại trong truyền thuyết. Khi Nam Việt xuất hiện, mới có một thực thể nhà nước của người Việt. Nhờ sự tồn tại Nam Việt 100 năm với chính sự tốt đẹp, người dân hạnh phúc mà tinh thần quốc gia-dân tộc của người Việt được định hình. Bằng chứng là vào năm 39, khi hai Bà Trưng khởi nghĩa ở vùng Phú Thọ thì toàn bộ dân Nam Việt xưa nổi lên theo. Cho đến nay còn có hơn 200 nơi thờ Vua Bà ở Nam Trung Quốc!

Những chứng cứ trên cho thấy, Nam Việt là quốc gia độc lập của người Lạc Việt. Do vậy, theo nguyên lý duy vật lịch sử, dù Triệu Đà có là ai chăng nữa thì qua sự chuyển hóa biện chứng, ông cũng không còn là cá nhân mình mà thuộc về khối quần chúng nhân dân Nam Việt. Đấy là sự chuyển hóa tư nhiên của biện chứng lịch sử, biến một kẻ ngoại tộc mang ý đồ cát cứ thành lãnh tụ của quốc gia độc lập! Việc chỉ căn cứ vào xuất thân của Triệu Đà - như một sự nhất thành bất biến - rồi lên án nặng nề đồng thời xóa bỏ cả một thời đại trong lịch sử dân tộc, thể hiện quan điểm duy tâm chủ quan. Đó còn là sự xa rời thực tế lịch sử, không nhìn thấy lòng sùng kính của người dân Việt đối với nhà Triệu – chính là tấm gương trung thực phản ánh lịch sử. Tại sao một nhân dân đã từng đặt gọi vua là “vua quỷ”, “vua lợn” lại tôn xưng Triệu Đà như Nghiêu Thuấn? Đó còn là sự xúc phạm nhẫn tâm với hồn thiêng của hàng vạn người hy sinh để bảo vệ Nam Việt!

Sau 60 năm nhìn lại, ta thấy Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên, Trần Trọng Kim, Hồ Chí Minh, Hoàng Xuân Hãn… đã đúng. Bởi lẽ họ hiểu rằng Sử không chỉ là những dòng chữ trên sách vở mà trước hết, là hồn của dân tộc. Là những người nhân chi sơ tính bản thiện nên các vị đó thấm đượm trong lương tri hồn thiêng của dân tộc Việt.

Cho Triệu Đà là giặc cướp nước, chứng tỏ ông Đào Duy Anh kết tội Triệu Đà chỉ vì nghĩ Triệu là người Hán! Nhận định của ông Phan Huy Lê: “Việc Triệu Đà đặt tên nước là Nam Việt (tỏ ý muốn phục hưng nước cũ của người Việt) cũng như việc Triệu Đà tự xưng là "Man Di đại trưởng lão phu", lấy vợ Việt, theo tục Việt... chỉ là các thủ đoạn mị dân Việt. Việc Triệu Đà chống Tần chống Hán cũng chỉ nhằm thỏa mãn mộng bá vương của riêng mình…” hoàn toàn là suy diễn chủ quan, vô sở cứ.

Thực tế cho thấy, 60 năm qua, một quyết định sai lầm đã làm suy bại dòng họ hiển hách. Sau Triệu Vũ Đế, Triệu Văn Đế, có anh hùng Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Đạt rồi Triệu Quang Phục… Nhưng nay họ Triệu còn gì? Khi đề xướng Hội thảo khoa học Vai trò nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam, chúng tôi tìm hiểu hiện tình của họ Triệu thì quả là đáng lo ngại. Không có Ban Liên lạc dòng họ Triệu trên mạng thông tin. Không doanh nhân tên tuổi. Nhân sỹ nổi bật của dòng họ chỉ là ba nhà văn, trong đó duy nhất nhà văn Triệu Xuân ở cấp quốc gia! Còn tinh thần thì sao? Một ông bạn già đồng hương của tôi rất bức xúc về việc này, nói chuyện với người con rể họ Triệu, được trả lời: “Thôi bố ơi, chuyện lâu rồi, cho qua đi!” Nghe đâu đó có người than thở: “Nếu không mang họ Triệu thì đời tôi đã khác!” Một nhà văn, sau khi đọc kế hoạch Hội thảo và tài liệu chúng tôi gửi, thì đáp lại: “Tôi hoàn toàn tán thành khảo cứu của anh. Nhưng không thể giúp gì cho kế hoạch của anh được!” Đến khi chúng tôi đề nghị: “Không cần anh đóng góp vật chất. Chỉ xin anh viết về ba đời điền chủ nhà anh trên đất Miền Tây, những tư liệu rất quý về họ Triệu ở Nam Bộ…” Anh không trả lời! Một ông bạn già của tôi, tới đền Thánh Mẫu hỏi âm sự của dòng họ. Theo đề nghị của tôi, ông hỏi về họ Triệu, thì được trả lời: “Cụ Triệu Đà người Việt đấy, không phải Hán đâu, bị oan đấy. Oan mà không gỡ được!” May sao, Đất Nước vẫn chưa hết người nhiệt tâm. Cuốn Kỷ yếu Hội thảo Nhà Triệu 450 trang đã có giấy phép, in với tiền túi của những người trực tiếp viết bài và làm sách!

 Sau 60 năm nhìn lại, việc trục xuất nhà Triệu khỏi sử Việt đưa tới những hệ lụy nghiêm trọng:

1. Tước bỏ tư cách thừa kế của người Việt Nam với quá khứ đại tộc Việt. Từ những phát hiện của di truyền học đầu thế kỷ XXI cho thấy, người Việt không chỉ sinh sống lâu đời ở Nam Dương Tử mà hàng vạn năm trước là chủ nhân của toàn bộ đất Trung Hoa. Trên đất này, đại tộc Việt đã làm nên những nền văn hóa rực rỡ. Nam Việt nhà Triệu chính là cái cuống nhau nối lịch sử xa xăm của đại tộc Việt với Việt Nam hôm nay.

2. Tước bỏ vai trò chủ nhân của tộc Việt đối với ngôn ngữ gốc mà người Trung Hoa đang sử dụng hiện nay. Trong tám phương ngữ được xác định trên đất Trung Hoa thì tiếng Việt Quảng Đông được coi là ngôn ngữ gốc. Trong khi đó, nguồn cội của ngôn ngữ Quảng Đông chính là ngôn ngữ vùng Thanh-Nghệ, trung tâm của người Việt khoảng 50.000 năm trước. 

3. Tước bỏ vai trò sáng tạo chữ Giáp cốt của người Việt. Chữ Giáp cốt được phát hiện đầu tiên vào thời nhà Ân ở Hà Nam. Nhưng khảo cổ học xác định rằng tại văn hóa Giả Hồ 9.000 năm trước đã có ký tự hình vẽ trên yếm rùa. Cuối năm 2011, tại di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây phát hiện ký tự tượng hình khắc trên xẻng đá có tuổi 4000 tới 6000 năm. Những ký tự kiểu Giáp cốt này xuất hiện trước khi người Hoa Hạ ra đời. Do vậy nó hoàn toàn là sản phẩm sáng tạo của người Vịệt.

4. Tước bỏ mối liên hệ huyết thống và văn hóa của người Việt Nam với những bộ tộc người Việt đang sống trên đất Trung Hoa. Những khám phá lịch sử cho thấy, trước cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng thì phần lớn đất Trung Hoa do người Việt làm chủ: Thục và Ba phía tây nam; Ngô, Sở, Việt ở trung tâm và phía đông; Văn Lang phía nam. Do cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng, phần lớn đất đai và dân cư Việt bị sáp nhập vào đế chế Tần. Trong phần đất bị chiếm, đại bộ phận người Việt bị Hán hóa. Tuy nhiên, có không ít nhóm Việt không chịu đồng hóa, đã lui sâu vào cư trú trong vùng rừng núi. Lâu dần, từ người Lạc Việt - tộc đa số trong dân cư, họ bị thiểu số hóa. Đến nay, những nhóm người như tộc Thủy, Bố Y ở Quý Châu vẫn giữ nhiều nét văn hóa Việt cổ, có thể nói đó là nền văn hóa Việt hóa thạch. Nếu nghiên cứu văn hóa của những tộc người bà con này, chắc chắn sẽ khám phá lại nhiều điều quý giá của văn hóa Việt cổ. Đặc biệt tộc Thủy với 340.000 người vẫn giữ được sách Thủy (Thủy thư - ) viết bằng chữ Thủy (Thủy tự), loại chữ tượng hình gần gũi Giáp cốt văn nhưng hành văn theo cách nói xuôi của người Việt, một loại văn tự hóa thạch sống, được Trung Quốc coi là bảo vật.

5. Mất quyền thừa kế với truyền thống văn hóa Nam Việt.

   Sáp nhập đất đai và dân cư Âu Lạc, Nam Việt thành quốc gia lớn trong khu vực. Trái với quan niệm phổ biến cho đến nay là Triệu Đà dùng kế sách “nội đế ngoại vương” (bên trong xưng đế nhưng đối với nhà Hán thì xưng vương), suốt đời mình, Triệu Đà xưng danh hiệu Triệu Vũ Đế và cháu ông cũng xưng đế. Bằng chứng là chiếc ấn bằng vàng, kích thước 310 x 310 mm (lớn hơn mọi con ấn của vua Hán) khắc bốn chữ Văn Đế hành tỷ (文帝行璽) tìm thấy trong lăng mộ Triệu Văn Đế. Sau khi phát hiện lăng mộ, người Trung Hoa đã lập khu trưng bày di tích này với khoảng 2.500 hiện vật đặc sắc, trong đó phần lớn thuộc văn hóa Việt. Do coi đây là của người Trung Hoa nên giới sử học Việt Nam chưa hề có nghiên cứu nào về di chỉ văn hóa quan trọng này.  

Nhưng câu chuyện chưa hết bởi lẽ Triệu Đà chưa bao giờ là người Hán! Gán cho ông thuộc tộc Hán là lầm lẫn lớn của lịch sử! Hôm nay tôi sẽ làm sáng tỏ nỗi oan 2000 năm này!

Theo truyền thuyết, thủy tổ các đời quân chủ nước Triệu là Bá Ích, từng làm quan ở nước Ngu, được phong ấp Doanh, từ đó hậu duệ Bá Ích lấy họ Doanh. Đến cuối đời Thương, hậu duệ Bá Ích là Phi Liêm cùng với con trai trưởng là Ác Lai phò tá Thương Trụ chống lại Chu Vũ vương nên đều bị giết. Con cháu Phi Liêm ly tán, phân thành hai dòng chính. Một nhánh lưu lạc đến Khuyển Khâu, đến đời Phi Tử thì được nhà Chu phong cho ấp Tần làm phụ dung, hình thành thủy tổ nước Tần. Người con thứ của Phi Liêm là Quý Thắng di chuyển đến Hoàng Hà định cư. Con Quý Thắng là Mạnh Tăng sống vào thời Chu Thành Vương. Mạnh Tăng sinh Hành Phụ, Hành Phụ sinh Tạo Phụ. Tạo Phụ do lập không ít công trạng nên được Chu Mục Vương phong làm đại phu, lấy Triệu Thành làm thực ấp, từ đó mang họ Triệu, hình thành thủy tổ nước Triệu. Hậu duệ 6 đời Tạo Phụ là Yêm Phụ có danh hiệu là Công Trọng sống vào thời Chu Tuyên Vương, Yêm Phụ sinh Thúc Đới.

Thời kỳ Tấn Văn hầu, Thúc Đới di cư tới nước Tấn. Cháu 5 đời của Thúc Đới là Triệu Túc lập công lớn được Tấn Hiến Công thưởng cho đất Cảnh, Triệu Túc sinh Cộng Mạnh, Cộng Mạnh sinh Triệu Thôi. Năm 656 TCN, Triệu Thôi từng theo công tử Trùng Nhĩ lưu vong ra khỏi Tấn. Sau này Trùng Nhĩ trở thành Tấn Văn công của Tấn thì Triệu Thôi trở thành trọng thần. Con cháu Triệu Thuẫn các đời đều nắm trọng quyền, dần phát triển thế lực của gia tộc họ Triệu thành một trong Lục khanh.

Tới thời Tấn Xuất công thì quyền lực thực tế nằm trong tay các trọng thần như Trí Bá, Triệu Tương tử, Hàn Khang tử và Ngụy Hoàn tử. Sử gọi là Tứ khanh. Năm 456 TCN, Tứ khanh đuổi Tấn Xuất công đi để lập Cơ Kiêu, tức Tấn Ai công. Năm 454 TCN, Trí Bá hợp cùng hai nhà Hàn, Ngụy tấn công Tấn Dương (nay ở phía nam quận Tấn Nguyên, Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Triệu Tương tử giữ vững thành trì. Sau đó liên hợp với chính hai nhà Hàn, Ngụy diệt Trí Bá. Năm 453 TCN, ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy chia nhau vùng đất của họ Trí.

Năm 437 TCN, Tấn Ai công chết. Con là Cơ Liễu (Tấn U công) kế nghiệp. Nước Tấn khi đó thực chất đã bị phân chia giữa 3 thế gia là Hàn, Triệu và Ngụy. U công không có quyền lực gì đối với 3 nhà này.

Năm 403 TCN, vua Chu Uy Liệt vương phải chính thức công nhận sự tồn tại của nước Triệu cùng với Hàn, Ngụy bên cạnh nước Tấn như là các nước chư hầu của nhà Chu, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ Chiến Quốc.[2]

Bản tộc phả trên cho thấy họ Triệu là một dòng của bộ tộc Tần. Vậy người Tần là ai?

Rất mừng là sang kỷ nguyên mới, nhờ di truyền học đọc được cuốn thiên thư ADN ghi trong máu huyết dân cư Việt Nam cũng như Trung Quốc, vấn đề được sáng tỏ:

- Khoảng 40.000 năm trước, người Lạc Việt chủng Indonesian [mã di truyền M122 thuộc Haplogroup O1 (Y-DNA)] [3,4,5] từ vùng núi Bắc Bộ đi lên khai phá Hoa lục theo con đường Ba Thục, tới tận Nam Hoàng Hà, trở thành chủ nhân đồng bằng Trong Nguồn (nay là Trung Nguyên). Cộng đồng Lạc Việt này về sau được gọi là Tày-Thái. Cùng thời gian Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ thì nơi đây ra đời nước Ba Thục cổ.

Tổ tiên Thục Phán là người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên đất Ba Thục. Dòng Thái của Thục Phán cư trú trên đất Tần trở thành người Tần. Vậy, cũng như Thục Phán, Tần Thủy Hoàng là người Việt. Nửa thế kỷ trước, trong cuốn Việt lý tố nguyên, Giáo sư Lương Kim Định viết rằng “bộ lạc Tần vốn là dân nông nghiệp Việt tộc nhưng khi di lên cao nguyên phía Tây, do thổ nhưỡng và khí hậu nên chuyển sang du mục, trở thành bộ lạc dũng mãnh.” Do ông không dẫn nguồn để tra cứu nên tôi không dám tin. Nay thì tìm ra sự thật. Một nhánh của họ Doanh đi lên Nam Hoàng Hà, vào nước Tấn, được phong Triệu thành, cải sang họ Triệu rồi dựng nên nước Triệu. Cố nhiên, Triệu cũng là một tiểu quốc của người Việt. Do vậy, Triệu Đà là người Việt.

Cũng như Thục Phán người Lạc Việt do hoạn nạn chạy về Văn Lang, trở thành lãnh tụ nước Nam Cương chống lại nhà Tần rồi sáp nhập với Văn Lang lập nhà nước Âu Lạc; Triệu Đà người Việt, năm 20 tuổi, nước Triệu bị Tần chiếm, ông  xung lính nhà Tần xuống đánh Lĩnh Nam. Khi nhà Tần suy bại, ông lập nước Nam Việt rồi sáp nhập Âu Lạc thành quốc gia lớn mạnh, tồn tại gần trăm năm. Như vậy, Triệu Đà không hề là giặc xâm lược mà có công lớn lập nên nhà nước Nam Việt của người Lạc Việt ở phía Nam Dương Tử.

Đáng tiếc là do ngộ nhận, người ta đã kết tội oan Triệu Đà rồi xóa bỏ Nam Việt khỏi sử Việt. Để mất những mối liên hệ với Nam Việt không chỉ là nỗi đau của người Việt Nam, nước cuối cùng của Bách Việt còn độc lập và giữ được cương thổ. Nguy hại hơn, nó cắt đứt mối liên hệ với quá khứ, khiến cội nguồn, lịch sử và văn hóa Việt Nam trở nên chông chênh trên không chằng, dưới không rễ! Tuy là chuyện của quá khứ nhưng lịch sự luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống hiện tại. Những quyết định không thỏa đáng về lịch sử đưa tới những di họa khó lường. Việc nhận định sai về cội nguồn tổ tiên dẫn chúng ta lâm vào tấn kịch bi hài của kẻ bỏ mồ cha khóc đống mối. Một dân tộc còn ngộ nhận về gốc gác chưa thể là dân tộc trưởng thành!

Đã tới lúc khôi phục vị trí nhà Triệu cùng nước Nam Việt trong lịch sử dân tộc! Giải oan cho dòng họ Triệu không chỉ ở dương thế mà cả trong cõi tâm linh!

                                             Sài Gòn, tháng Sáu, 2017

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Duy Anh. Lịch sử cổ đại Việt Nam. NXB Văn hóa thông tin. H, 2005, tr. 93-94)

2.  趙國http://zh.wikipedia.org/zh/%E8%B5%B5%E5%9B%BD

3. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. (NXB Hội Nhà văn. H, 2016).

4.The free encyclopedia - Liangzhu culture: “Một phân tích năm 2007 của DNA phục hồi từ người vẫn còn ở địa điểm khảo cổ của người tiền sử trên sông Dương Tử cho thấy tần số cao của Haplogroup O1 (Y-DNA) trong văn hóa Lương Chử, liên kết chúng với dân cư văn hóa Austronesian và Tai-Kadai.” Dân cư Việt cổ thuộc Haplogroup O1 (Y-DNA). Người Tày-Thái thuộc tộc Lạc Việt (chủng Indonesian), mang mã di truyền M122.

5. Hao Sun et al. Autosomal STRs Provide Genetic Evidence for the Hypothesis That Tai People Originate from Southern China.

In the southern origin hypothesis, many Chinese ethnologists [5], [6], [13] believe that today’s Tai people migrated from southern China and that they share a recent common ancestor, which named “Yue” people, with other Tai-Kadai speakers who lived in southern China, such as the Zhuang and the Mulao.

(Trong giả thuyết “nguồn gốc miền Nam”, nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học Trung Quốc [5], [6], [13] tin rằng người Thái hiện nay di cư từ miền nam Trung Quốc và họ chia sẻ một tổ tiên gần đây, có tên "Yue" (Việt), cùng với những người nói tiếng Tày-Thái sống ở miền nam Trung Quốc, chẳng hạn như Zhuang và Mulao.)

http://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0060822

 

NGÔI NHÀ XÂY TRÊN MÓNG TẠM

(Đọc sách Có 500 Năm Như Thế)

Khó mà nói gì về một cuốn sách, vừa sinh ra đã được tặng giải sách hay rồi mới bốn tuổi được tái bản tới ba lần. Trên bìa của nó in những lời có cánh của những học giả danh tiếng. Khen ư? Khác nào khen phò mã tốt áo! Chê ư? Chắc sẽ thêm một lần mang tiếng ghen ăn ghét ở!

Công bằng phải nhận rằng, là dân tay ngang, nhưng do tâm huyết với lịch sử, đặc biệt là quê hương Quảng Nôm của mình, ông Hồ Trung Tú đã có gan lao vào chốn học thuật gai góc mà các bậc thầy, các đàn anh tránh né. Đóng góp của ông là lần đầu tiên tập hợp được lượng tư liệu phong phú nhất liên quan tới đề tài, trong đó đặc biệt giá trị là những tư liệu điền dã mà chỉ những người bám trụ cả đời như ông mới may mắn có được. Có thể nói, để viết cuốn sách, tác giả đã vắt kiệt tư liệu cùng tâm huyết của mình, điều đáng trân trọng trong tình trạng học thuật chợ chiều hiện nay.

Tuy nhiên, cũng phải thấy sự thật là, khi bắt tay viết sách, tác giả chưa có được bề sâu văn hóa cần thiết để có thể giải quyết công việc một cách căn để. Với đề tài đầy bí ẩn và nhạy cảm này, chỉ tri thức của 500 năm là không đủ. Điều tiên quyết, cái sống còn cho công việc là phải biết, trước 500 năm đó là gì? Vì chỉ khi minh thị vấn đề này mới có thể nói chuyện có 500 năm như thế! Rất tiếc là khoa học nhân văn thế kỷ XX của tác giả không có tri thức này, còn những phát hiện của thế kỷ mới thì ông chưa cập nhật! Chính vì thế, công trình của ông rơi vào tình trạng tiên thiên bất túc. Bàn về cuộc tranh chấp Việt Chàm nhưng tác giả thực sự chưa biết Việt là ai, Chàm là ai? Đâu là văn hóa Chàm, đâu là văn hóa Việt? Làm một công trình phương ngữ học nhưng rõ ràng, nguồn gốc của các phương ngữ Việt ông không nắm được! Nói về cuộc đụng độ văn minh Ấn Độ-China nhưng ông chưa hiểu thực chất Ấn Độ, Trung Hoa là gì?!

            Do vậy, công trình của ông giống ngôi nhà xây trên móng tạm.

Xin cung cấp một vài suy nghĩ hầu mong có thể bổ ích chút nào cho khảo cứu của ông.

1.Việt là ai? Chăm là ai?

Không riêng ông Hồ Trung Tú, đến nay nhiều học giả vẫn cho rằng người Việt và người Chăm là hai dân tộc (race, nation) khác nhau. Đấy là sai lầm lớn dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng là không thể giải quyết dứt điểm những vấn đề thuộc về dân cư, văn hóa khu vực. Vì vậy, trước hết cần làm rõ chuyện này.

Nhân chủng học thế kỷ trước và di truyền học thế kỷ này xác nhận: suốt thời đồ đá, dân cư Việt Nam gồm hai chủng Indonesian và Melanesian, cùng thuộc loại hình Australoid. Nhưng sang thời đồ đồng, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở thành chủ thể dân cư Việt Nam. Người Australoid biến mất. Như vậy là, từ khoảng 2000 năm TCN, trên đất Việt Nam chỉ còn duy nhất chủng người Mongoloid phương Nam. Điều này có nghĩa là, trên đất Việt Nam chỉ có duy nhất dân tộc Việt cùng chung văn hóa và tiếng nói, gồm các sắc dân (ethnicity) Mèo, Thái, Mán, Mường, Chăm, Khmer, Bana, Êđê… Do hoàn cảnh lịch sử, thời xa xưa chưa có đồng bằng sông Hồng và đồng bằng miền Trung nên người Mèo, Thái, Mán, Mường… sống tập trung từ miền Trung lên phía Bắc. Người Chăm, Khmer, Bana, Êđê… từ Nam Trung Bộ xuống phía Nam, chủ yếu dựa vào những đồi thấp và thung lũng của dải Trường Sơn.

Khoảng 500 năm TCN đồng bằng sông Hồng được bồi tụ. Người Mường từ miền Trung kéo ra, người Tày, Thái, Dao, Mán, Mường từ trung du, miền núi Bắc Bộ kéo xuống, người từ phương Bắc trở về. Cùng nòi giống, văn hóa và tiếng nói, những dòng người hòa hợp với nhau trên châu thổ trẻ đang khai phá, sinh ra người Kinh – ban đầu là người đồng bằng, sau với nghĩa người kẻ chợ. Do ưu thế của môi trường sống và văn hóa, người Kinh trở thành sắc dân đa số và tiến bộ của cộng đồng dân tộc Việt. Có thể sớm hơn ít nhiều, tại đồng bằng miền Trung cũng diễn ra hiện tượng tương tự: người Kinh miền Trung ra đời.

Cho đến thiên niên kỷ đầu Trước Công nguyên, từ Nam Dương Tử qua Đông Dương tới Mã Lai, Nam Dương là một cộng đồng thống nhất về huyết thống, tiếng nói và văn hóa do các vua Hùng thống lĩnh về mặt tinh thần. Người ta cho rằng, trống Đông Sơn ở Tây Nguyên, Mã Lai, Indonesia, Mianmar là quyền trượng mà các vua Hùng trao cho thủ lĩnh khu vực.

Khi bị Bắc thuộc, một lằn ranh hành chính lập ra ngăn cách Việt Nam với phia Nam. Do mất liên hệ với trung tâm Văn Lang, các thủ lĩnh vùng xưng vương, lập các vương quốc Phù Nam, Lâm Ấp, Chân Lạp… Mối quan hệ truyền thống của người Việt từ xa xưa bị ngăn cách. Rồi sau đó, để lấp khoảng trống văn hóa, người phía Nam tiếp thu văn hóa Ấn.

Việc nhà Trần quản trị hai châu Ô, Rí từ năm 1306 là sự nối lại quan hệ cộng đồng tộc Việt từ xa xưa. Cuộc giằng co 500 năm trên đất Quảng Nam mà xưa nay cho là cuộc tranh chấp Việt Chàm, thực ra, về bản chất, đó là việc người Kinh hòa huyết với người Chăm để thực hiện Kinh hóa sắc dân Chăm về di truyền và ngôn ngữ. Đó là quá trình hình thành của dân Quảng Nam.

 Như vậy là, lịch sử Quảng Nam được hình thành trên đất Việt với người Việt và văn hóa Việt. Ở nhà sàn, mặc váy (xà rông), búi tó, ăn trầu, xăm mình… không chỉ của sắc tộc Chăm mà đó là văn hóa của người Việt từ Nam Dương Tử, qua Đông Dương tới tận Mã Lai Đa Đảo. Xin hỏi nhà văn Hồ Trung Tú: nếu Bắc Bộ không có nhà sàn thì câu tục ngữ trâu gõ mõ, chó leo thang là của xứ nào? Ai từng tế sống vợ: Bà đi đâu vội bấy để lão vất va vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa…? Còn câu ca dao Kẻ thì mớ bảy mớ ba/ Người thì áo rách như là áo tơi nói với ta điều gì? Phải chăng cái váy nhiều tầng của đàn bà Chăm chính là trang phục “mớ bảy mớ ba” xa xưa của phụ nữ Bắc Bộ? Chỉ căn cứ vào vài hiện tượng đơn lẻ bề ngoài mà vội quy kết thành khác biệt dân tộc sao tránh khỏi khiên cưỡng?!

2. Các phương ngữ Việt hình thành như thế nào?

Theo quan niệm truyền thống, các học giả cho rằng, người Việt (Kinh) xuất hiện ở đồng bằng sông Hồng rồi di cư tới miền Trung, sau đó vào Nam đã tạo ra ba phương ngữ: phương ngữ Bắc Bộ, phương ngữ miền Trung và phương ngữ phía Nam. Nhưng sang thế kỷ này, khi đi tới tận cùng cội nguồn tộc Việt, mới nhận ra sự việc không phải vậy. Thanh Nghệ Tĩnh chính là nơi tổ tiên chúng ta định cư đầu tiên. Vì vậy, phương ngữ Thanh Nghệ là phương ngữ gốc của tộc Việt

Khi châu thổ sông Hồng hình thành, người Thanh Nghệ đi ra, góp phần làm nên con người và tiếng nơi này. Do sống chung với nhiều sắc dân khác và cũng do thời gian hình thành quá dài nên tiếng nói Bắc Bộ xa dần ngữ âm Việt cổ. Tuy nhiên, vùng đất cổ Sơn Tây lưu dấu ấn tiếng Việt cổ rất rõ do dân tụ cư lâu đời. Tiếng nói người miền ven biển Nam Định, Thái Bình khá nặng lại có nhiều từ Việt cổ vì một bộ phận dân nơi đây từ xứ Nghệ theo Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ ra lập nghiệp vào giữa thế kỷ XIX.

            Khi Nam tiến, người miền Trung đem tiếng việt cổ vào Nam: Tiếng miền Trung chia cho cả Bắc và Nam. Năm 1977 vào Rách Giá, tôi ngạc nhiên khi bắt gặp vùng ngôn ngữ lạ. Sống ở Tây Nam Bộ nhiều năm, tôi nhận ra đó là dấu vết từ vựng và cả ngữ âm tiếng Việt cổ miền Trung trong giọng nói bà con địa phương. Điều này có thể giúp trả lời thắc mắc của tác giả: Tại sao con lợn, bắp ngô ở ngoài Bắc lại biến thành con heo, trái bắp ở trong Nam? (trang 140, lần in đầu). Lý do đơn giản vì không phải từ gốc đồng bằng Bắc Bộ mà là gốc miền Trung. Ta còn gặp nhiều nhiều hiện tượng “chia gia tài ngôn ngữ” thú vị:

                          Trung              Bắc        Nam

                          sắc/bén          sắc          bén 

                          Khổ/đau         khổ         đau

                          Lười/biếng     lười        biếng

                          Lợn/heo        lợn         heo  (tuy vậy vẫn không bỏ được bánh da lợn)

                          Ngô/bắp        ngô       bắp

3. Về chuyện đụng độ văn hóa Ấn Độ-China

Cho rằng văn hóa Việt là sản phẩm của cuộc đụng độ giữa hai nền văn hóa Ấn Đô-China là ý tưởng của các học giả Viễn Đông Bác cổ. Nhưng thực tế cho thấy, cả người đề xuất ý tưởng này lẫn những người ăn theo nói leo chẳng hề biết Ấn Độ là gì, Trung Hoa là gì! Trong khi thực tế, văn hóa Trung Hoa hình thành trên cơ sở văn hóa Việt. Khoảng 50.000 năm trước, người Lạc Việt (Indonesian) từ Việt Nam di cư tới Ấn Độ, sau này được gọi là người Dravidian, làm nên nền văn hóa nông nghiệp sông Indus rực rỡ. Khoảng 2.000 năm TCN, người du mục Arien từ Ba Tư xâm lăng Ấn Độ,  tiêu diệt và bắt người Dravidian làm nô lệ rồi áp đặt văn minh Bà La Môn. 500 năm TCN, hoàng tử Tất Đạt Đa người Dravidian, do thấm nhuần văn hóa nhân bản Việt tộc, sáng lập Phật giáo. Khoảng thế kỷ V-VI Phật giáo Ấn Độ du nhập đất Chăm. Là tôn giáo dựa trên nhân bản Việt tộc nên Phật giáo hòa vào xã hội Chăm một cách tự nhiên. Tới thế kỷ XII, sau khi trục xuất Phật giáo, Ấn Độ chuyển sang Ấn giáo với kinh Upanishad. Tuy nhiên, so với Bà la môn,  Ấn Độ giáo nhân bản hơn: sự phân biệt đẳng cấp bớt khốc liệt, chế độ nô lệ bớt gay gắt. Người Chăm tiếp thu tôn giáo này trên cơ sở đạo Phật.

Do văn hóa Trung Hoa hình thành trên cơ sở văn hóa Việt nên từ xa xưa người Việt nhận thức rằng Hoa Việt đồng văn đồng chủng vì vậy ở đồng bằng sông Hồng việc chống đối văn hóa Trung Hoa không phải xu hướng chủ đạo mà chỉ là chống lại những yếu tố du mục dị biệt do kẻ thống trị áp đặt. Còn ở đất Quảng Nôm xa lơ xa lắc không hề có bóng dáng quan lính Trung Hoa và ngay cả nhà Nho rồi chữ Nho cũng hiếm, vậy thì làm sao nơi này có chuyện đụng độ văn hóa Hoa Việt? Phải chăng nói về sự đụng độ văn hóa Ấn Độ-China trên đất Quảng là tưởng tượng?

4. Về việc hình thành tiếng nói Quảng Nam.

Muốn bàn việc hình thành tiếng nói Quảng Nam, trước hết phải bàn tới chuyện hình thành người Quảng Nam. Xin trở lại một chút về quá khứ. Cho đến hơn 2.000 năm TCN, người từ Nam miền Trung trở về Nam là người Việt chủng Melanesian. Khi gặp gỡ người Mongoloid phương Nam từ Trung Quốc trở về, hai dòng người hòa huyết sinh ra lớp người có ngoại hình khác đôi chút với người phía Bắc như da ngăm đen, tóc xoăn, vóc dáng thấp hơn. Nhân chủng học gọi là dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam. Tiếng nói là tiếng Việt cổ, thuộc nhánh Melanesian, là nguồn gốc của ngôn ngữ Mã Lai-Đa đảo. (Cho đến nay, các học giả của chúng ta vẫn theo nhận thức cũ, cho rằng, người Chăm là dân Mã Lai-Đa Đảo, từ các đảo ngoài khơi du nhập. Nhưng thực tế, Chăm là hậu duệ người Melanesian sinh ra tại Việt Nam 70.000 năm trước, là tổ tiên của người Malayopolyneisian). Cho tới đầu Công nguyên, trên đất miền Trung, những sắc dân Việt sống hòa đồng. Nhưng khi người Trung Hoa chiếm đóng, đã tạo ra ranh giới hành chính phân chia cộng đồng Việt thành hai quốc gia. Sau hơn 1000 năm bị ngăn cách về hành chính, tiếng Chăm chắc chắn có biến đổi. Trong khi đó, người miền Trung và tiếng miền Trung đất Việt cũng được Kinh hóa. Người ta lầm tưởng Việt và Chăm là hai dân tộc (race, nation). Khi nhà Trần quản lý đất châu Ô, châu Rí, quan lại người Việt do không hiểu phong tục địa phương, lại tiêm nhiễm cách nhìn kỳ thị chủng tộc của phương Bắc nên coi người Chăm là ngoại tộc, man di. Vì đất Quảng là cửa mở duy nhất của con đường Nam tiến nên thường xuyên xảy ra cuộc tranh chấp Kinh-Chiêm khốc liệt, gây nên những bất bình, khổ đau cho hai bên, mà người Chăm phải gánh chịu phần nặng nề.

Lịch sử đã làm xong công việc của nó. Nhưng đánh giá thế nào còn do sự hiểu biết cũng như thái độ nhân văn của mỗi sử gia.

Tôi cho rằng, hình thành người Quảng Nam là quá trình chuyển hóa một bộ phận người Chăm thành sắc tộc Kinh. Ông Hồ Trung Tú cho rằng, tiếng Quảng Nam hình thành do người đàn bà chăm nói tiếng Việt. Thiết nghĩ, đó là một nguyên nhân nhưng không phải là cơ bản. Bởi lẽ, tiếng Chăm là tiếng Việt cổ nên tiếng nói vẫn gần gũi tiếng Kinh miền Trung từ nền tảng. Và như vậy, tiếng Quảng Nam là kết quả của sự chuyển hóa tiếng Chăm thành tiếng Kinh đất Quảng.

Cho rằng tiếng Quảng Nam đơn thuần do người Chăm nói tiếng Việt mà thành có gì đó không ổn. Bởi lẽ, nếu đó là sự thật thì phải có những vùng Chăm khác nói tiếng Việt như người Quảng Nam. Nhưng không hề có trường hợp thứ hai như vậy. Về nguyên lý, tiếng Chăm nơi đây cũng là ngôn ngữ chung của cộng đồng Chăm, không khác tiếng Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, thậm chí của người Chăm Indonesia. Vậy vì sao người Quảng Nam có tiếng nói khác biệt đến thế? Điều này dẫn tới giả định, người Chăm đất Quảng Nam có giọng nói riêng của mình. Theo thiển nghĩ, đó chỉ có thể là sản phẩm địa phương, hình thành do khí trời, do mạch đất, do nguồn nước, cái mà dân gian gọi là thổ ngơi đặc biệt của xứ Quảng. Khi chuyển sang nói tiếng Kinh đã nói như vậy!

Một câu hỏi đặt ra: tiếng nói từ Quảng Ngãi trở vào được hình thành như thế nào? Đó là tiếng miền Trung theo bước di dân. Do hoàn cảnh lịch sử, những cuộc di dân sau này thuận lợi hơn, đưa người miền Trung, người Quảng Nam vào Bình Định, Phú Yên. Rồi từ đây chiếm lĩnh đất Đồng Nai. Do con đường vào Nam khai thông và đất phía nam mở ra mênh mông nên di dân không còn phải như thời trước, giành đất với người Chăm. Bởi vậy, các làng Chăm hầu như giữ được cuộc sống truyền thống của mình. Nhờ đó, người di cư vẫn giữ tiếng nói miền Trung. Tuy nhiên, theo thời gian âm sắc miền Trung cũng nhạt dần.

5. Kết luận

Nói cho cùng, văn hóa, lịch sử là sản phẩm hoạt động xã hội của con người. Một khi chưa biết đích xác chủ nhân của nền văn hóa hay lịch sử thì mọi chuyện bàn về nó chỉ là ăn ốc nói mò. Thế kỷ trước, để tìm nguồn gốc con người, khoa học dựa vào cốt sọ, hòn đá, mảnh gốm rồi tiếng nói của các tộc người… Kết quả thu được không chỉ rất hạn chế mà còn dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng. 15 năm nay, nhiều cơ quan khoa học hàng đầu thế giới đưa ra hàng tấn cứ liệu di truyền học xác nhận không chỉ nguồn gốc người Việt mà cả nguồn gốc con gà, con chó, con lợn do người Việt thuần hóa đầu tiên trên thế giới. Không những thế, chỉ với 195 đôla gửi cho National Geographic cùng với mẫu tóc, người ta có thể biết chính xác tổ tiên mình hàng nghìn hàng vạn năm trước! Lạ là vì sao nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú không biết tới điều này mà chỉ rị mọ quanh những tài liệu thế kỷ XX không chỉ cũ kỹ mà còn sai lầm, khiến cho công trình của ông không những không giải quyết căn cơ vấn đề mà còn kéo học thuật lùi lại tới nửa thế kỷ.    

10. 10. 2015

TB.

Tôi gửi bài viết tới nhà văn Hồ Trung Tú để xin ông nhận xét và được ông trả lời như sau:

“Cảm ơn anh đã bỏ công đọc và viết bài, nhưng tôi thấy hình như anh chưa hiểu vấn đề.

- Anh đã đẩy vấn đề đi quá xa, đến vài ngàn năm trước trong khi tôi chỉ khoanh chuyện gì xảy ra ở Quảng Nam trong giai đoạn 1306-1802

- Chuyện gì xảy ra trong giai đoạn đó? Dĩ nhiên đó là mối quan hệ Cham-Việt. Chăm là gì Việt là gì? Tôi thấy không cần cần phải lùi lại vài ngàn năm để biết Cham là gì hoặc Việt là gì. Tôi chỉ dựa trên sử liệu vì dụ như Chế Bồng Nga - Trần Nhân Tông để biết đó là hai dân tộc khác nhau, hai vương quyền khác nhau, hai ngôn ngữ khác nhau, hai văn hóa khác nhau. Và điều quan trọng nhất cần được mổ xẻ là chuyện gì xảy ra khi hai dân tộc khác nhau đó ở cạnh nhau, các làng da báo xen kẽ nhau suốt 500 năm đó để dấu vết gì trong tâm hồn người Quảng Nam ?

- Việc biến âm trước sau gì cũng phải làm nhưng bây giờ là không thể vì ta chưa biết được người Chàm lúc đó ở Quảng Nam có nói cùng ngôn ngữ với người Chàm ở Ninh Thuận nay không. Và chúng ta cũng chưa biết thứ tiếng Việt và người Chàm học, tiếp thu để nói là thứ tiếng Việt gì, có giống nay không. Nhiều người ở Viện ngôn ngữ nói không. Đó là chưa nói tiếng Việt mà người Chàm tiếp thu là tiếng Việt của vùng Thái Bình Hưng Yên hay tiếng Việt vùng Thanh Hóa. Còn nếu tiếp thu tiếng Việt vùng Nghệ Tĩnh thì sẽ càng khác nữa.

- Vì các làng Chàm nói tiếng Việt sớm muộn khác nhau nên ta có giọng miền Trung khác nhau từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Nếu Quảng Nam nói tiếng Việt từ 1306 thì tiếng Việt chỉ xuất hiện ở Phú Yên sau 1650. Và dấu vết lịch sử đó để trên giọng nói khác nhau cùng vùng Trung Trung Bộ này.

- Lập luận của anh về chỗ phủ định cách nhìn cuộc va chạm hai nền văn minh, tôi không hiểu tại sao anh đấy vấn đề đi xa để làm gì vậy. Cụ thể, và có thật là trong các thế kỷ 14-17 đó ở Quảng Nam có hai dân tộc, bất kể họ có nguồn gốc xa xưa thế nào, nhưng cụ thể và sự thật là họ nói hai ngôn ngữ, theo hai tôn giáo khác nhau, bảo vệ các chuẩn mực văn hóa khác nhau, áo quần khác nhau (Ghi chép của Nguyễn Trái nói dân ở đây sống lẫn với người Man) và Quảng Nam được gọi là tỉnh Kẻ Chàm. Sự khác nhau đó có xung đột hay không,  như bên thì thờ bò bên thì ăn bò thì cả làng mở hội. (Nó cấm dân ta mổ thịt - chiếu bình Chiêm) Tôi nghĩ là xung đột gay gắt.

- Trong hai lần xuất bản sau tôi có nói nhiều về vấn đề giọng nói. Nếu anh cho là do thổ nhưỡng, phong thổ môi trường thì có lẽ nên mới các nhà hóa học vào cuộc xem chất gì như Sắt, đồng, kém, hay vi lượng nào đó tác động lên giọng nói... chứ chuyện này thì tôi tin các nhà ngôn ngữ khi họ nói: Một ngôn ngữ biến đổi là do một cộng đồng ngôn ngữ nào đó đã từ ngôn ngữ của mình để nói một ngôn ngữ khác.

Tôi biết, anh đang tâm huyết vấn đề đi tìm nguồn gốc dân tộc Việt, nên mới lấy cuốn sách này làm cớ để nói những điều anh tâm huyết nhưng tôi nghĩ anh nhầm chỗ rồi. Nói thật, việc truy tìm nguồn gốc dân tộc Việt nó khá lý thú, điều này tôi cũng đang đâm đầu vào, và tên sách của tôi có thể sẽ là: "Có 1.000 năm như thế" . Hi....  Quả thật có rất nhiều vấn đề lý thú, trong đó tôi hy vọng sẽ giải mã được giọng nói Khu 4 (Nam Thanh Hóa đến hải Vân), tại sao lại có vùng phương ngữ lạ như vậy.

Sẽ gửi tặng anh bản in lần thứ ba, nếu anh chưa có. Xin anh lại địa chỉ.

Mong có dịp gặp anh” (10. 10.2015)

TRAO ĐỔI VỚI ÔNG TRẦN TRỌNG DƯƠNG VỀ BÀI

“Keith Weller Taylor: Hành trình của một sử gia”

Trong số ra ngày 26.5.2015*, tạp chí Tia Sáng đăng trang trọng bài “Keith Weller Taylor: Hành trình của một sử gia” của TS Trần Trọng Dương. Sau khi cho rằng “Keith Weller Taylor được coi là một trong những nhà Việt Nam học ngoại quốc nổi tiếng nhất ở Việt Nam cũng như trong giới học thuật quốc tế,” tác giả nhận định: “Sự nghiệp của K.W. Taylor được đánh dấu bằng hai mốc chính: giai đoạn đầu là cuốn Việt Nam khai quốc (The Birth of Vietnam), giai đoạn sau là Một lịch sử của người Việt (A History of the Vietnamese).”

Ông viết: “Taylor được biết đến chủ yếu qua chuyên luận nổi tiếng The Birth of Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1983), nghiên cứu về lịch sử Việt Nam từ thế kỷ III TCN đến thế kỷ X SCN. Đó là một công trình tham khảo về quá trình đấu tranh cho sự tồn tại và độc lập của người Việt chống lại người láng giềng phương Bắc. Nhưng chuyên luận này, theo tôi, chỉ có giá trị chủ yếu ở phương diện: nó là một kênh truyền tải tiếng nói của các nhận thức lịch sử ở trong nước [Việt Nam] đến với giới học thuật quốc tế thông qua lăng kính khúc xạ mang tên K.W. Taylor.” Và kết luận:

“Nói chung, với cuốn The Birth of Vietnam (1983), Taylor đã mất gần 400 trang viết, để chứng minh cho một định đề có sẵn: truyền thống Việt Nam được xây dựng bởi một dân tộc thống nhất, một quốc gia thống nhất suốt từ giai đoạn thế kỷ X trở về trước cho đến thế kỷ X, và từ thế kỷ X đến thế kỷ XX.”.

Về cuốn A History of The Vietnamese, Trần Trọng Dương cho rằng: “Trong cuốn sách mới này, ông chỉ dành vỏn vẹn 30 trang, để xóa bỏ hết những gì đã viết trong gần 400 trang của cuốn The Birth of Vietnam. Ông lấy An Dương Vương làm vị vua khởi đầu của lịch sử, và gần như đã không đề cập gì đến những huyền thoại Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân - Âu Cơ (bọc trăm trứng), Sơn Tinh - Thủy Tinh, Tản Viên, Chử Đồng Tử,... nữa. Cả khái niệm “Bách Việt” do người Hán sáng tạo để áp đặt/nô dịch tinh thần những cộng đồng dân cư khác Hán ở Phương Nam, đến đây cũng đã bị loại thải. Cái quan niệm của chủ nghĩa huyết thống tập thể, rằng “tất cả những người có cùng quốc tịch (bất kể thuộc về dân tộc nào) đều là những người cùng huyết thống, là cùng một bọc sinh ra, là đồng bào, anh em cốt nhục”..., đến đây, cũng đã được cho vào quên lãng.” Và “Ông cũng nói rõ rằng, những gì mà các sử thần thời Trần và Lê sơ đã làm khi biên soạn những bộ sử đầu tiên của người Việt là cắt dán, lắp ghép các nguồn tư liệu Hán văn cho phù hợp với sự tưởng tượng về quá khứ và tổ tiên của mình, nhằm tạo ra lịch sử của phương Nam trong thế đối chọi với lịch sử của phương Bắc. Sử Tàu dài bao nhiêu sử Việt nhiều từng ấy, họ có gì thì ta có đó. Với cách làm như vậy, phần lớn sử thần Nho gia thời trung đại đã mắc bẫy các sử thần Nho gia Trung Hoa, bằng cách kéo nhập lịch sử Việt Nam “đồng nguyên” [cùng một gốc] với lịch sử Trung Quốc”.

Bài viết của Trần Trọng Dương đã làm xuất hiện bên cạnh những bản văn lịch sử một bản văn thẩm định công trình lịch sử. Một câu hỏi nảy sinh: giá trị của những bản văn này như thế nào?

Trong cuộc sống, nhiều khi yêu quái ở lộn với người nên người ta phải dùng kính chiếu yêu để phân biệt thực giả. Ở đây, tấm kính chiếu yêu chính là sự thực lịch sử từng diễn ra trên đất Việt.

            Bỏ qua quan niệm sai lầm của thế kỷ XX, thế kỷ XXI vẽ ra bức tranh toàn cảnh lịch sử Việt Nam và phương Đông với những nét chính sau:

- Việt Nam là nơi phát tích của mọi dân tộc châu Á. Vì vậy, người Việt Nam không chỉ có lịch sử 4000 năm mà còn là hậu duệ của tổ tiên từ 70.000 năm trước. Dân bản địa trên đất Việt Nam cùng một nguồn gốc, thuộc chủng Mongoloid phương Nam.

- Từ 40.000 năm trước, người Việt đi lên khai phá Trung Hoa, xây dựng nơi đây nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ. Người Việt là chủ thể tạo nên dân cư Trung Quốc. Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ tượng hình do người Việt sáng tạo, là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa. Do những biến động của lịch sử, người Việt từ đất Trung Hoa lan tỏa xuống Đông Nam Á. Người di cư mang theo văn hóa cùng những truyền thuyết gốc của người Việt tới nơi cư trú. Truyền thuyết đó cũng được giữ lại nơi những người Việt bám trụ quê hương vùng Nam Dương Tử hôm nay.

- Là nơi phát tích của tộc Việt, Việt Nam cũng là mảnh đất cuối cùng người Việt giữ được độc lập, tự chủ để bảo tồn văn hóa gốc của người Việt.

Soi vào tấm kính chiếu yếu này, ta thấy, các cuốn chính sử Việt Nam từ thời Trần tới thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chính xác khi khẳng định dân tộc Việt Nam là khối thống nhất, cùng nguồn gốc và có lịch sử lâu dài.

 The birth of Vietnam của Keith weller Taylor thực chất là một bản chuyển ngữ sang tiếng Anh của cuốn thông sử Việt Nam nên về cơ bản đã trung thành với tư tưởng chủ đạo của sử Việt. Đó là phẩm chất quan trọng nhất của cuốn sách. Phủ định nội dung cuốn The Birth of Vietnam nên A Hirtory of the Vietnamese mắc sai lầm thê thảm. Nó không chỉ hủy hoại sự nghiệp của một sử gia mà còn hủy hoại luôn nền Việt học nước Mỹ hiện đại khi người trẻ học theo thầy, mù quáng lao vào con đường xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt!

 Thực tế học thuật cho thấy, bình sử khó hơn viết sử. Bởi lẽ bình sử là người tự đặt mình ở một đỉnh cao trí tuệ rồi phán xét nhà viết sử. Với một bài bình sử đảo điên phản bác cái đúng, ủng hộ tán dương cái sai thì còn gì để nói vể nhà bình sử? Chẳng những thế, trong bài viết còn không ít những lời đại ngôn khó chấp nhận.

Xin hỏi: “Keith Weller Taylor được coi là một trong những nhà Việt Nam học ngoại quốc nổi tiếng nhất ở Việt Nam” thì “nổi tiếng” vì cái nỗi gì? Không thể vì The Birth of Vietnam. Với nhà nghiên cứu người Việt, cuốn sách nhỏ của cô bé Li Tana còn giá trị hơn nhiều. Phải chăng nổi tiếng bởi A History of The Vietnamese? Với một cuốn sách xuyên tạc lịch sử Việt, xúc phạm dân tộc Việt đến vậy thì sự nổi tiếng ở đây chỉ là sự nổi tiếng của Herostratos – kẻ đốt đền!

Xin hỏi thế nào là: cần nhìn nhận ông cũng như những gì ông viết từ góc độ thân phận con người? Lịch sử là lịch sử, nó có chân lý của riêng nó. Sao lại có cái gọi là thân phận con người ở đây? Tác giả muốn đề cập thân phận nào? Phải chăng thân phận của con người tự nguyện ném mình vào cuộc chiến tranh phi luân rồi thất vọng đau đớn khi ôm đầu máu trở về trong tiếng rủa nguyền của hàng triệu người Mỹ? Một thân phận như thế cũng đáng quan tâm! Nhưng sao không nghĩ tới thân phận của cả một dân tộc từng ngàn năm mất nước, chỉ trông về Núi Thái Sông Nguồn với Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân như ngôi sao Bắc Đẩu le lói phía trời xa để tìm về nguồn cội? Dù là huyền thoại thì một huyền thoại nuôi sống tâm hồn cả một dân tộc trong hàng nghìn năm đen tối cũng đáng được trân trọng! Có nhân bản không, có cận nhân tình không khi cực kỳ chủ quan, với vốn tri thức nông cạn lại tự cho mình là ông trời ban phát chân lý (dỏm), đưa tay giật bỏ ngôi sao le lói đó rồi dí vào mặt những con người đang đau khổ “sự thật” phũ phàng: “Kinh Dương Vương chỉ là sản phẩm diễn xướng từ văn hóa Tàu?!” Cùng là huyền thoại nhưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân còn gần với sự thật hơn Thái Dương thần nữ! Hãy tới đường phố Tokyo rồi nói lớn: “Quý vị lầm rồi, chẳng làm gì có Thái Dương thần nữ cả!” để xem người Nhật trả lời ra sao?!

Sài Gòn, 7. 2015

CÓ NHỮNG ĐIỀU

GIÁO SƯ NGÔ BẢO CHÂU CHƯA BIẾT

Đọc bài GS Ngô Bảo Châu bàn về yêu nước trên BBC, giữa chừng thấy chán nên tôi bỏ. Nhưng rồi nhà thơ Đỗ Minh Tuấn chuyển lại với lời nhắn gửi: “Ngô Bảo Châu nói trên BBC là văn hóa Bắc Kỳ là bản sao thu nhỏ của văn hóa Trung Hoa… nhưng lại thiếu hiểu biết về văn hóa Việt. Anh viết phản biện đi…”  Tôi đọc lại và “bật ngửa” vì những dòng sau:

- Hoá ra cái điểm Việt Nam thân thương không hề là trái tim của nhân loại. Nó nằm ở nơi cùng trời cuối đất.

- Có lẽ vì đất nước của chúng ta nằm ở nơi cùng trời cuối đất mà trong gần hai ngàn năm, nó hầu như nằm bên rìa sự phát triển của văn minh của nhân loại.

- Người di dân hầu hết cũng đến từ Trung hoa. Trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, văn minh Trung Hoa là hệ quy chiếu duy nhất của người dân đồng bằng Bắc Bộ.

- Cuộc sống bây giờ đã khác nhiều. Ngay cả những thanh niên nông thôn mà tôi gặp ở sân bay Narita, dù có lẽ họ không có một hệ quy chiếu nào khác ngoài một bộ ứng xử của người nhà quê, mà nền tảng lý luận dường như là một dạng tối giản của văn minh Trung Hoa,

- Cảm giác quan tâm đó đến từ đâu, nếu không phải là khát vọng có ở trong mỗi chúng ta, khát vọng thoát ra khỏi thân phận của một nơi cùng trời cuối đất, gắn vào thế giới bằng một sợi dây lơ lửng buộc vào Trung hoa, thoát ra khỏi cái khung chật chội của Khổng giáo.

 Bài viết ngắn này xin bàn với Giáo sư đôi điều:

1. Giáo sư đứng ở chỗ nào để nói rằng đất nước chúng ta nằm ở nơi cuối đất cùng trời? Nếu tôi không lầm thì đó là cách nhìn của những nhà thực dân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha thế kỷ XVII. Xuất phát từ quan niệm Âu trung – châu Âu là trung tâm phát sinh văn hóa nhân loại, họ cho rằng người da trắng có sứ mệnh khai hóa các dân tộc man mọi phương Đông. Đến lượt mình, suốt nửa đầu thế kỷ XX, các học giả người Pháp của Viễn Đông Bác Cổ cố công chứng minh chủ nghĩa Hoa tâm: Trung Hoa là trung tâm phát sinh con người và văn hóa châu Á. Đông Nam Á là vùng trũng của lịch sử, không sáng tạo được bất cứ điều gì cho gia tài văn hóa nhân loại. Lớp lớp người Việt được dạy như thế và tin như thế!

Nhưng sang thế kỷ này, khoa học nhân loại khám phá sự thực khác hẳn: 70.000 năm trước, con người từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ di cư tới Việt Nam. Tại đây, sau 20.000 năm chung sống, họ hòa huyết sinh ra người Lạc Việt. Sau đó người Lạc Việt lan tỏa ra các đảo Đông Nam Á, chiếm lĩnh tiểu lục địa Ấn Độ, lên khai phá đất Trung Hoa rồi sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Từ khảo sát 5.000 chiếc răng hóa thạch tìm thấy ở châu Âu, khoa học xác nhận: 40.000 năm trước, người Việt cổ từ Đông Á đi qua Trung Á tới châu Âu. Tại đây, họ hòa huyết với người Europid vừa từ Trung Đông lên, sinh ra người Europian da đen, là tổ tiên người châu Âu. Trong huyết mạch người châu Âu hiện nay có phần không nhỏ dòng máu Lạc Việt! Không chỉ vậy, ngôn ngữ Lạc Việt cũng để lại vô số di duệ trong tiếng Anh: Water là biến âm cùa Nác; Sand là biến âm của Sạn; People là biến âm của Bí Bầu = người… Khoa học cũng chứng minh rằng, không chỉ văn hóa đá mới Hòa Bình mà người Việt còn mang giống cây trồng, vật nuôi cùng tư tưởng nông nghiệp tới phương Tây. Một sự thực được khám phá: Núi Đọ xứ Thanh là nơi phát tích của phần lớn loài người sống ngoài châu Phi...

2. Phải chăng  “Người di dân hầu hết cũng đến từ Trung hoa. Trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, văn minh Trung Hoa là hệ quy chiếu duy nhất của người dân đồng bằng Bắc Bộ.”?

Ý tưởng này không mới vì cũng như bao thế hệ người Việt khác, nó được dạy từ những nhà Tây học. Nhưng sang thế kỷ này, khoa học cho thấy một sự thực trái ngược. Do từ 40.000 năm trước, người Lạc Việt là chủ nhân của Hoa lục nên 93% dân cư Trung Quốc hiện nay là con cháu của người Lạc Việt. Dù mang tên Hoa Hạ hay Hán, họ cũng là hậu duệ của người Việt cổ. Từ năm 1992, di truyền học phát hiện: người Việt Nam có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á. Điều này có nghĩa, tổ tiên người Việt xưa là tổ tiên các dân tộc châu Á! Không chỉ vậy, khoa học cũng khám phá: tiếng Việt là chủ thể tạo nên tiếng Trung Hoa. Chữ tượng hình Giáp cốt văn là do người Lạc Việt sáng tạo. Mọi thành tựu rực rỡ của văn hóa Trung Hoa như kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch… là của người Việt! Tuy nhiên, do sự trớ trêu của lịch sử, Việt Nam bị xâm lăng mất đất, bị chiếm đoạt văn hóa, lịch sử nên ngộ nhận là mình học nhờ đọc mướn từ Trung Hoa!

3. Gặp những cậu thanh niên xứ Nghệ nhếch nhác ở đất người, cũng như nhiều người khác, Giáo sư Ngô Bảo Châu không hề ngờ rằng, họ là hậu duệ của những người định cư sớm nhất trên đất Việt Nam. Cái thứ tiếng nói trọ trẹ khó nghe của họ chính là dấu vết của ngôn ngữ Lạc Việt gốc, chẳng những làm nên tiếng nói Việt Nam mà còn là tiếng nói ban đầu của hơn một nghìn triệu người Trung Quốc hôm nay. Điều không dễ thấy là trong tâm hồn họ tiềm ẩn những yếu tố nhân chi sơ của văn hóa Việt…

Không trách Giáo sư vì những điều nói trên còn quá mới mẻ, chỉ được khám phá gần đây. Mong rằng khi biết được sự thật này, Giáo sư sẽ có suy nghĩ chín chắn hơn về con người và đất nước Việt Nam.

 

BỘ GIÁO DỤC KHÔNG HIỂU

CHỨC NĂNG CỦA MÔN SỬ

Ngay khi đưa ra chủ trương “tích hợp” môn Sử, ý tưởng của Bộ Giáo dục bị xã hội phản ứng mãnh liệt. Tuy nhiên, những ý kiến phản biện, dù nhiều, dù kiên quyết dường như cũng chưa đủ thuyết phục. Sở dĩ có chuyện này là do cả Bộ Giáo dục cũng như người phản biện chưa hiểu chức năng của môn sử.

Ngày trước, các cụ quen gọi việc đi học của học trò là học chữ. Nhưng từ năm 1954, khi chính quyền về tay công nông thì việc học được gọi là học văn hóa. Cùng với nó là mục khai trình độ văn hóa trong lý lịch.

Tuy nhiên, nhìn vào nội dung chương trình với những môn chính Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, ta hiểu thực chất việc học của học trò phổ thông là học những môn khoa học cơ bản. Khoa học cơ bản là những môn học gốc, không chỉ cung cấp tri thức cơ bản mà còn thông qua đó giúp người học có phương pháp tư duy khoa học. Nhờ vốn kiến thức cơ bản cùng phương pháp tư duy, khi ra đời, người thanh niên có khả năng vận dụng kiến thức cơ bản vào cuốc sống.

Nền giáo dục Việt Nam dạy khoa học cơ bản ở bậc phổ thông là được thừa hưởng từ văn minh phương Tây. Nền giáo dục do người Pháp sáng lập cũng để lại cho chúng ta Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một trung tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học cơ bản. Từ giữa thế kỷ XX, nhờ nền khoa học cơ bản mạnh của Liên Xô, Hà Nội trở thành trung tâm khoa học cơ bản hàng đầu của Đông Nam Á. Đại học Tổng hợp Hà Nội có hai chức năng: đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản và người dạy khoa học cơ bản có trình độ cao cho bậc đại học. Thực tế cho thấy, hầu hết sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội đã thực hiện xuất sắc hai chức năng này.

Sử là môn khoa học cơ bản thuộc khoa học nhân văn. Nhiệm vụ của môn Sử bậc phổ thông là cung cấp cho học trò những tri thức lịch sử cơ bản của Việt Nam và thế giới. Từ đó giúp thế hệ trẻ hiểu dân tộc và nhân loại, một điều kiện cần có để làm người. Khi ra đời, có vốn liếng tối thiểu để giao tiếp với đồng bào cũng như người nước ngoài. Cố nhiên có một số người sẽ từ kiến thức này đi sâu vào chuyên môn, thành những sử gia.

Do là môn khoa học cơ bản nên nó có chương trình riêng, xuyên suốt bậc phổ thông theo một hệ thống khoa học để giúp người học nắm được lịch sử dân tộc cũng như nhân loại. Đồng thời cũng được dạy về phương pháp luận lịch sử giúp cho việc nhìn nhận lịch sử một cách khoa học. Vì vậy, cũng như Toán, Lý… môn Sử không thể dạy “tích hợp.” Nếu dạy sử theo kiểu “tích hợp,” học sinh do không nắm được quy luật phát triển của lịch sử nên thụ động tiếp nhận từng mảnh kiến thức vụn một cách chắp vá. Từ đó không thể có cái nhìn sâu và toàn diện khi đánh giá những sự kiện lịch sử. Những con người như thế sẽ trở nên tiên thiên bất túc trước cuộc đời.

Đó là nói chung, nói về nguyên lý. Riêng về môn sử Việt Nam, sự việc lại nghiêm trọng hơn. Thế kỷ XX, các sử gia người Pháp dạy chúng ta rằng: “Con người xuất hiện tại Nam Thiên Sơn, du nhập Trung Quốc rồi từ Trung Quốc vào Việt Nam. Vì vậy, người Việt do người Hán đồng hóa mà thành. Văn hóa Việt Nam chỉ là bắt chước văn hóa Trung Hoa. Tiếng Việt vay mượn tới 70% từ ngôn ngữ Hán…” Chúng ta đã học, tin và dạy nhau như vậy. Nhưng sang thế kỷ này, do đọc cuốn “thiên thư” ADN ghi trong máu huyết dân cư châu Á, di truyền học khám phá: “70.000 năm trước, người từ châu Phi theo ven biển Nam Á đặt chân tới Việt Nam, rồi người từ Việt Nam di cư ra khắp các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ, chinh phục châu Mỹ. Từ 40000 năm trước lên khai phá đất Trung Hoa, người Việt đã xây dựng ở đây nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ… ” Do vậy, cuốn sử Việt Nam cũng như phương Đông phải viết lại..

Là một môn khoa học cơ bản nên Sử luôn là môn học độc lập. Bằng việc “tích hợp” môn Sử một cách phản giáo dục, phải chăng người ta muốn biến cái bộ của ông Phạm Vũ Luận thành bộ-vô-giáo-dục?!

                                                 Sài Gòn, 26 tháng 11. 2016

LỊCH SỬ DÒNG HỌ TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC

Nếu gia đình là tế bào của xã hội thì những dòng họ lớn là rường cột của quốc gia. Hai trăm dòng họ lớn làm nên vóc dáng nước Mỹ. Bốn họ Khổng, Tưởng, Tống, Trần là cột trụ của Trung Hoa. Việt Nam cũng có những dòng họ như Ngô gia, Nguyễn Tiên Điền, Phan Huy, Cao Xuân… làm nên văn hiến dân tộc. Nghiên cứu lịch sử dòng họ có ý nghĩa lớn trong việc phát huy truyền thống để xây dựng đất nước. Lịch sử dòng họ nằm trong lịch sử dân tộc. Vì vậy, muốn tìm hiểu lịch sử dòng họ, trước hết phải hiểu lịch sử dân tộc. Đáng tiếc, cho tới nay chúng ta chưa có một cuốn quốc sử chuẩn mực, nhiều sự kiện lịch sử chưa được đánh giá đúng nên việc nghiên cứu lịch sử dòng họ còn nhiều hạn chế.

Tham luận này xin được trình bày những khám phá mới nhất về lịch sử dân tộc đề từ đó góp phần định hướng việc nghiên cứu lịch sử dòng họ Việt.

I  Sự hình thành dân tộc Việt

Dân tộc Việt được hình thành qua hai giai đoạn: giai đoạn đầu, người Lạc Việt chủng Australoid từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. Giai đoạn sau, người Mongoloid phương Nam từ Núi Thái – Trong Nguồn trở về góp phần làm nên dân cư Việt Nam hiện đại. Từ 2.000 năm TCN, dân cư trên đất Việt Nam thuộc chủng duy nhất Mongoloid phương Nam [1]. Trước đây, do chưa có khảo cứu về di truyền học nên chúng ta tưởng lầm rằng, những nhóm người từ Trung Quốc di cư xuống nước ta như người Thái, H’mông, người Hẹ…là “dị chủng”! Nay nhờ khảo sát nguồn gen và quá trình hình thành thì đó là hậu duệ của lớp người từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa trước đây, sau này do biến động của thời cuộc mà trở về đất cũ của tổ tiên. Thực tế cho thấy, trên đất nước Việt Nam chỉ có duy nhất dân tộc Việt gồm nhiều sắc tộc khác nhau.

II. Sự hình thành các dòng họ Việt Nam          

Có thực tế lịch sử là, tuy Việt Nam là nơi phát tích của các dân tộc châu Á, công cụ đá mới, kinh tế nông nghiệp được hình thành sớm từ đây. Nhưng cho tới 4.000 năm trước, đồng bằng sông Hồng chưa hình thành, Việt Nam chỉ có dải Trường Sơn như cột xương sống. Địa hình rừng núi chia cắt, không có điều kiện phát triển nông nghiệp lớn do đó không thể tập trung nhân tài vật lực sáng tạo nền văn minh lớn. Chỉ ở lưu vực Dương Tử, Hoàng Hà với đất đai rộng, trù phú, con người mới có điều kiện tập trung phát triển kinh tế, văn hóa. Từ đó đồ gốm, đồ ngọc được sản xuất nhiều và tinh xảo. Cũng nhờ kinh tế sung túc mà chữ viết hình thành. Khi chiếm vùng Nam Hoàng Hà, người Mông Cổ đã áp dụng chính sách dân tộc mềm dẻo, đưa tới thời Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông với các vương triều Nghiêu, Thuấn, Vũ. Vào đời Ân, chữ tượng hình do người Việt sáng tạo từ xa xưa, nhưng chủ yếu sử dụng trong cúng tế, bùa chú, được dùng trong hành chính, ghi chép địa lý, lịch sử và được nâng cấp. Tới đời Chu, văn hóa phương Bắc phát triển vượt bậc với những kinh, thư được san định, chữ viết được chuẩn hóa… Công bằng phải thừa nhận rằng, văn hóa phương Đông như một cây đại thụ mà gốc được trồng trên đất Việt nhưng hoa trái lại nảy nở ở phương Bắc. Chính sự phát triển của phương Bắc đã ảnh hưởng tới phương Nam.

Cũng trong hoàn cảnh như vậy, ở phương Bắc dòng họ được hình thành sớm. Sách cổ như kinh Dịch, kinh Thư nói tới Hiên Viên thị, Bào Hy thị, Thần Nông thị, Hồng Bàng thị… Điều này cho thấy, từ bầy đàn nguyên thủy, khoảng 6000 năm trước, người Việt tiến tới chế độ mẫu hệ, với dòng họ thuộc về phía mẹ. Chắc chắn là, trên đất Việt, họ theo dòng mẹ cũng đã ra đời. Từ cuộc xâm lăng của Hiên Viên năm 2698 TCN, lối sống của người du mục Mông Cổ thống trị vùng Nam Hoàng Hà. Lối sống du mục đề cao vai trò thủ lĩnh trong bộ lạc và vai trò người cha trong gia đình. Dần dần gia đình dòng mẹ chuyển sang gia đình dòng cha, chế độ phụ hệ với quyền người bố ra đời. Vào thời Chu, với hàng trăm tiểu quốc chư hầu, họ dòng cha đặc biệt phát triển. Lãnh chúa lấy tên đất làm họ. Quan chức lấy chức tước làm họ. Người bình dân lấy nghề nghiệp làm họ…Vào thời Xuân Thu, một nhánh của họ Nguyễn (với nghĩa là mềm, nhuyễn mà biểu trưng là con rắn) của bộ lạc Tần người Việt chuyển tới nước Tấn, hình thành họ Triệu và sau đó là nước Triệu. Người Việt ở Trong Nguồn (lúc này đổi thành Trung Nguyên) chuyển sang mang họ cha. Họ về đàng cha cũng lan tới các nước Việt, Ngô, Sở vùng Nam Dương Tử. Sau khi nhà Tần diệt lục quốc, đã đưa hơn triệu người Việt từ Trung Nguyên xuống Lĩnh Nam, trở thành dân Quảng Đông, Phúc Kiến, Vân Nam. Những di dân này cũng mang họ đằng cha tới Việt Nam. Thục Phán thuộc bộ lạc Thái, dòng họ Khai Minh nước Thục nhưng khi xuống Việt Nam, người Việt lấy tên đất Thục làm họ của ông, sau này thành Thục An Dương Vương.

Sách vở rất ít ghi chép về sự hình thành họ ở Việt Nam nhưng từ những tài liệu hiếm hoi, ta biết tới Lý Ông Trọng thời Tần, Lữ Gia thời Triệu Đà, Lý Cầm, Lý Tiến thời Hán Vũ Đế... Chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này nhưng có thể chắc rằng, cho tới đầu Công lịch, xã hội Việt Nam chủ yếu vẫn là mẫu hệ. Cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng cùng với việc lên ngôi của hai vua bà minh chứng cho điều này. Không chỉ vậy, hai trăm năm sau, một phụ nữ khác là Triệu Thị Trinh dẫn đầu một cuộc khởi nghĩa, trong khi người anh là Triệu Quốc Đạt chỉ có vai trò tòng thuộc. Dưới ách thống trị của triều đình phương Bắc, do yêu cầu ghi sổ bộ hành chính, thuế má, bắt lính, tạp dịch, học hành thi cử… xu hướng lấy họ dòng cha được áp đặt cho toàn xã hội, nhất là ở châu thổ sông Hồng.

III.Kết luận

Trong quá trình lịch sử đã diễn ra hai giai đoạn hình thành tộc Việt. Ban đầu người Lạc Việt chủng Indonesian từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. Tại Nam Hoàng Hà, do tiếp xúc với người Mông Cổ, người Việt chuyển hóa di truyền thành chủng Mongoloid phương Nam. Tiếp đó, do biến động lịch sử, người Việt Mongoloid phương Nam trở về, chuyển hóa di truyền của người Việt từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Do tiếp xúc với văn minh du mục, vùng nam Hoàng Hà chuyển từ thị tộc mẫu hệ sang phụ hệ với cơ chế phụ quyền và họ theo dòng cha ra đời. Qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt từ phía Bắc liên tiếp di cư trở về đất Việt quê cũ. Người trở về mang theo những yếu tố tiến bộ của phương Bắc, trong đó có họ theo dòng cha. Người di cư mang theo họ cha trở thành những dòng họ sớm nhất trên đất Việt. Trong quá trình chung sống, cơ chế phụ quyền do người nhập cư mang tới từng bước làm chuyển hóa xã hội Việt từ mẫu quyền sang phụ quyền. Dưới sự cai trị của chính quyền phương Bắc, quá trình phụ quyền ở nước ta được đẩy mạnh cùng với họ dòng cha ngày càng chiếm ưu thế. Có thể lấy họ Ma thuộc sắc tộc Tày ở Phú Thọ làm ví dụ. Theo tài liệu được công bố [2], họ Ma xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê xuất hiện vào khoảng năm 259 TCN. Rất có thể là dòng họ này từ Tứ Xuyên trôi dạt xuống Việt Nam vào thời nhà Tần tiêu diệt quốc gia Ba Thục (khoảng 316 TCN).

Cho rằng, nhiều dòng họ “Tàu” du nhập làm nên các dòng họ Việt Nam là quan niệm sai lầm. Khi hiểu cặn kẽ lịch sử hình thành tộc Việt, ta thấy, đó đều là hậu duệ của người Việt đi lên khai phá đất Trung Hoa rồi theo từng thời kỳ lịch sử trở về đất cũ của tổ tiên. Với hiểu biết như vậy, ta mạnh dạn dũ bỏ mặc cảm từng đè nặng tâm khảm để tự hào về tổ tiên khai sáng văn minh Đông Á.

Sài Gòn, 20. 8. 2015

Tài liệu tham khảo

1. Hà Văn Thùy. Tiến trình lịch sử văn hóa Việt

http://www.amazon.com/Tien-Trinh-Lich-Vietnamese-Edition/dp/1502407043/ref=pd_sim_b_1?ie=UTF8&refRID=0166EHCRB7JE84435N41

2. Bí ẩn dòng họ có từ thời Vua Hùng.

http://vtc.vn/bi-an-dong-ho-co-tu-thoi-vua-hung.394.327891.htm

SỐ PHẬN BÍ ẨN CỦA NGƯỜI KHÁCH GIA

Người Hakka có vai trò đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc. Tài liệu khảo cứu về họ khá nhiều. Có thể tìm thấy trên wikipedia thông tin khái quát như sau:

 Người Hakka (Khách Gia) vốn là một bộ phận người Hán cổ, hình thành ở miền Hoa Bắc vào thời nhà Hạ (khoảng năm 2205 đến 1767 TCN). Thời Đông Chu, người Khách Gia sinh sống ở nhiều địa phương thuộc lưu vực sông Hoàng Hà, tập trung ở hai tỉnh Sơn Tây và Hà Nam.

            Khi nhà Tần chiếm lục quốc, rồi tiến đánh Lĩnh Nam đã bắt 500.000 người Trung Nguyên vào đội quân Nam chinh. Tiếp đó còn đưa thêm 600.000 người, tạo ra cuộc di dân lớn đầu tiên từ đồng bằng miền Trung xuống phương Nam.

            Sau đó là năm đợt di cư khác, đưa người Hakka dần dần chuyển dịch xuống miền Trung và cuối cùng là sinh sống ở miền Nam Trung Quốc.

1. Vào niên hiệu Vĩnh Gia thứ 5 (năm 311) thời Tây Tấn, do tỵ nạn Ngũ Hồ (Hung Nô, Tiên Ti, Yết, Đê, Khương), người Khách Gia từ lưu vực sông Hoàng Hà chuyển xuống sinh sống ở hai bên bờ Nam và Bắc Trường Giang. Tập trung nhiều nhất là ở hai tỉnh An Huy và Giang Tây. Tại Giang Tây, họ dung hợp nền văn hóa cổ của họ ở phương Bắc với văn hóa Mân Việt để hình thành một nét sinh hoạt và văn hóa đặc thù.

2. Cuối thời nhà Đường, do cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn, Sử Tư Minh và Hoàng Sào, người Khách Gia lại tiếp tục di chuyển xuống miền Nam. Lúc này, những người Khách Gia còn sinh sống ở Hà Nam cùng với những người Khách Gia ở An Huy đã dời về miền Trung và Nam của tỉnh Giang Tây. Những người đang ở Giang Tây thì chuyển về ở tại vùng đất phía Tây tỉnh Phúc Kiến.

3. Đợt di cư thứ ba là vào thời Nam Tống. Do sự xâm nhập của quân Kim và Nguyên vào Trung Nguyên, người Khách Gia lại tràn xuống miền Nam tỉnh Phúc Kiến và cả vùng đất phía Bắc cũng như Đông Bắc tỉnh Quảng Đông. Một số ít đến Quý Châu.

4. Lúc nhà Thanh vừa xâm chiếm Trung Quốc, người Khách Gia lại có đợt di chuyển thứ tư. Một bộ phận trở ngược lên cư trú ở vùng Hồ Nam, Hồ Bắc và Tứ Xuyên. Một số khác đang sinh sống ở vùng biển của tỉnh Phúc Kiến và Sán Đầu (thuộc tỉnh Quảng Đông), đã vượt biển đến phía Nam đảo Đài Loan. Một số ít đã sang Việt Nam.

5. Đợt di cư thứ năm và cũng là cuối cùng xảy ra vào thời kỳ Đồng Trị nhà Thanh. Sau cuộc khởi nghĩa của Hồng Tú Toàn (thủ lĩnh Thái Bình Thiên Quốc) bị thất bại, nhiều người Khách Gia đã chuyển đến đảo Hải Nam. Một số lớn đi đến các nước trong vùng Đông Nam Á rồi sang Ấn, Châu Phi. Một số khác tới các quần đảo thuộc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tại Châu Âu, họ sinh sống chủ yếu ở nước Anh và Hà Lan. Cuối cùng, người Khách Gia cũng có mặt ở Úc và Châu Mỹ (Canada, Mỹ và Honolulu, Cuba, Mexico, Panama, Brasil, Argentina, Peru, Jamaica, Guyana). Đây là thời kỳ xuất dương lớn nhất của người Khách Gia Trung Quốc.

            Do hoàn cảnh lịch sử cộng với bản tính hiền lành, ghét chiến tranh, người Khách Gia đã dần dần dịch chuyển từ miền Bắc Trung Quốc xuống tận miền Nam. Trên bước đường di cư, để phân biệt với người dân địa phương, họ được người bản địa gọi là Khách Gia. Qua hơn 4.000 năm lịch sử, người Khách Gia vẫn bảo tồn rất nhiều cổ âm phương Bắc trong ngôn ngữ của họ (Trong 8 phương ngôn được sử dụng nhiều nhất ở Trung Quốc, số người sử dụng ngôn ngữ Khách Gia đứng hàng thứ năm, chiếm 5% dân số). Ngôn ngữ Hakka được coi là ngôn ngữ hóa thạch sống, một vốn quý của văn hóa Trung Quốc.

Tên gọi "Khách Gia" mới chỉ xuất hiện trong vài thế kỉ gần đây. Thời vua Khang Hi, vùng ven biển phía Nam thường xuyên bất ổn vì sự quấy phá và gây hấn của những người thuộc phong trào "Phản Thanh phục Minh". Tới khi dẹp xong phong trào, Khang Hi thi hành các chính sách khuyến khích người dân tại các vùng này tái định cư như cấp phát tiền bạc và một số hỗ trợ khác. Dân bản địa đương nhiên là bất bình với những làn sóng di dân dồn dập tới vùng đất của họ. Vùng ven biển Hoa Nam vốn không màu mỡ và rộng rãi như vùng đồng bằng Hoa Trung, nhưng điều đó không ngăn cản những cư dân bản địa chống đối mạnh mẽ và quyết liệt những nhóm dân mới tới. Những di dân này bị đẩy tới rìa của những vùng đất màu mỡ, thậm chí bị đẩy lên các vùng trung du và miền núi. Cái tên "Khách hộ" () có thể được sử dụng như một lối gọi mang tính miệt thị, nhưng chủ yếu nó mang tính chỉ định những di dân mới, kèm theo một "thông điệp" rõ ràng về quan hệ "người mới-người cũ", "chủ-khách". Dần dà, với sự ổn định đời sống và chính trị trong suốt một thế kỉ từ đời Khang Hi cho tới đời Càn Long, quan niệm chống đối và phân biệt giữa những nhóm dân cư cũ-mới đã dịu đi nhiều. Bản thân con cháu của những người di dân đã chấp nhận cái tên "Khách Gia" vốn được coi như một sự phân biệt để gọi mình.

Tuy có những khác biệt về ngôn ngữ với cư dân xung quanh nhưng người Khách Gia không được coi là một dân tộc riêng biệt mà chỉ được xem là một bộ phận của người Hán. Ban đầu, người dân địa phương tưởng họ không phải là người Hán nhưng những nghiên cứu về phả hệ đã cho thấy người Khách Gia cũng có tổ tiên chung với dân địa phương.

Tại Việt Nam, người Hakka không bị coi là “khách” mà được gọi là người Hẹ. Có lẽ do nhớ gốc của mình là người nhà Hạ nên đồng bào xưng là người Hạ. Sau đó đọc trại thành Hẹ và được gọi là người Hẹ. Người Hẹ cũng còn tên khác là người Ngái.

Những người Khách Gia nổi tiếng:

Hồng Tú Toàn, Tôn Dật Tiên, Tống Khánh Linh, Trương Quốc Đào, Chu Đức, Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, Diệp Kiếm Anh, Lý Quang Diệu, Lý Đăng Huy, Lý Hiển Long, Trẩn Thủy Biển, Tharshin, Abhisit Vejjajiva, Yingluck Shinawatra những người từng làm thủ tướng Thái Lan

Tại Trung Quốc có hai trung tâm lớn của người Khách Gia ở Phúc Kiến và Quảng Đông.

Người Khách Gia ở Phúc Kiến có lối kiến trúc đặc sắc có tên là "thổ lâu" (土樓), theo nghĩa đen là "tòa nhà bằng đất". Bởi lẽ họ là người mới định cư, nên tại đây họ chủ yếu sinh sống trên những vùng bán sơn địa và thường bị trộm cắp quấy phá.

Thổ lâu tại huyện Vĩnh Định, Phúc Kiến

Căn nhà của họ thể hiện rõ sự phòng bị trộm cướp: các ngôi nhà ở nhưng được thiết kế rất chắc chắn và kín kẽ với duy nhất một lối ra vào và không có cửa sổ tại tầng trệt. Lần lượt từ thấp lên cao, các tầng thường có những nhiệm vụ là chuồng gia súc, gia cầm, chỗ đựng lương thực; từ tầng hai trở lên thì được dùng làm nơi ăn ở cho thành viên trong gia đình.

Người Khách Gia ở Quảng Đông:

            Ở Quảng Đông, người Khách Gia cư trú chủ yếu ở khu vực phía Đông, nhất là ở vùng Hưng - Mai (Hưng Ninh - Mai Huyện). Cũng giống như đồng bào của họ ở Phúc Kiến, người Khách Gia ở vùng Hưng - Mai đã phát triển các phong cách kiến trúc riêng độc đáo, nổi tiếng nhất là "vi long ốc" (圍龍屋) và "tứ giác lâu" (四角樓).

Theo thống kê mới nhất, người Khách Gia tại Hoa lục có khoảng 70 triệu và khoảng 10 triệu ở nước ngoài.

            Trên đây là những thông tin phổ cập về người Hakka. Tuy nhiên, vẫn còn những bí ẩn về họ mà ta chưa biết.

Đọc văn bản trên, bạn đọc tinh ý sẽ hoài nghi nơi những dòng: “Tuy có những khác biệt về ngôn ngữ với cư dân xung quanh nhưng người Khách Gia không được coi là một dân tộc riêng biệt mà chỉ được xem là một bộ phận của người Hán. Ban đầu, người dân địa phương tưởng họ không phải là người Hán nhưng những nghiên cứu về phả hệ đã cho thấy người Khách Gia cũng có tổ tiên chung với dân địa phương.”

Một câu hỏi nảy sinh: vì sao, những dân cư cách hàng nghìn cây số từ phương Bắc xuống lại có tổ tiên chung với dân địa phương? Phải chăng đó là việc giải thích theo yêu cầu chính trị? Cho tới cuối thế kỷ trước, câu hỏi này không lời đáp. Nhưng nay, với những phát hiện mới của di truyền học về sự hình thành dân cư Đông Á, đáp án cho câu hỏi trên như sau: 

Tổ tiên người Khách Gia là người Lạc Việt từ xa xưa đi lên khai phá lưu vực Hoàng Hà, trở thành dân cư đồng bằng Trong Nguồn. Khi cuộc xâm lăng của Hiên Viên xảy ra, một bộ phận sống trong vương triều Hoàng Đế. Khi có biến loạn, đã di cư về phương Nam.

Từ lịch sử gốc như vậy, ta thấy, người Hakka và người Việt Nam cùng một tổ tiên vùng Núi Thái Sông Nguồn. Lớp di cư về phương nam 4.600 năm trước thành tổ tiên người Việt. Lớp di cư hơn 2000 năm sau, trở thành người Hakka, thành “khách” trên quê hương cũ của mình!

Do cùng nguồn gốc, nên không chỉ tìm thấy quan hệ thân tộc giữa người Hakka và dân Nam Trung Quốc về mặt phả học mà mối liên hệ càng rõ ràng hơn về mặt di truyền: cùng một tổ tiên từ Việt Nam đi lên. Một tài liệu khảo sát về nguồn gốc người Phúc Kiến, Quảng Đông, Đài Loan* cho biết: người Hakka Đài Loan gần gũi nhất về di truyền với người Việt Nam.

Do rời Trung Nguyên trước khi người phương Bắc Nữ Chân, Tiên Ti, Nguyên, Mãn Thanh… xâm nhập nên ngôn ngữ của người Hakka là ngôn ngữ Việt cổ. Ví dụ: người Hẹ đọc là "ngìt", người Việt Nam đọc là "ngày."  Đường âm là "nhĩ",  Hẹ đọc là "ngìa." Tiếng Việt phát âm là "người ",  "ngươi ":  Ngươi nói gì? Ngươi tên gì? Một trường hợp đặc biệt: 暗晡 Hẹ đọc là "ám bủa"; trong khi tiếng Việt ngày nay gọi bữa / buổi tối. Ám và tối đồng nghĩa và bữa - buổi - bủa chỉ phát âm khác nhau chút ít theo trại âm.  掌牛 người Hẹ đọc là "chon ngìu" chính là chăn bò/trâu trong tiếng Việt. (Các phương ngữ khác bên Trung Quốc ngày nay đều không có từ "chăn" mà thường dùng "khán ngưu-看牛" hay "thiên ngưu-牽牛."). Tiếng Hẹ còn được gọi là tiếng "Ngái", người Hẹ là người "Ngái", vì người Hẹ phát âm chữ "ngã- " là "ngái". Tiếng Việt có từ "ngài". Phát âm Ngái - ngài không tìm được ở bất cứ ngôn ngữ nào khác.

Ngoài ngôn ngữ, người Hakka vẫn giữ một số tập quán của người Việt cổ vùng Trong Nguồn. Thổ lâu và vi long ốc, những ngôi nhà tròn, có tường đất bao quanh là dấu vết của thời ở Sơn Tây, sống gần người du mục.

Do những đặc điểm như vậy nên văn hóa Khách Gia là bảo tàng sống của văn hóa Việt cổ. Từ nghiên cứu văn hóa Khách Gia, chúng ta sẽ hiểu biết nhiều hơn về nguồn gốc, tổ tiên mình.

                                                               Tháng 8, 2015                                                             

 Tài liệu tham khảo:

*福建、廣東、客家人都是漢化的百越族,漢武帝滅閩越時福建應已有百萬人         http://myweb.ncku.edu.tw/~ydtsai/taiwanese/minhak.htm

 

BÀN VỀ VIỆC DẠY CHỮ NHO

Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Sau tham luận của PGS.TS Đoàn Lê Giang trong một hội thảo khoa học thì trên văn đàn rộ lên những ý kiến đồng tình cũng như phản đối việc dạy chữ Nho trong trường phổ thông. Đáng buồn, đó là cuộc cãi lộn vô sở cứ của những ông bà thầy mù sờ voi vì cả hai phe cùng không hiểu chữ Nho (hay chữ Hán) là gì! Khi một cuộc tranh luận khoa học mà người ta không xác định đúng đối tượng tranh biện thì mọi lý lẽ đưa ra đều vô nghĩa!

Muốn bàn chuyện học hay không học chữ Nho, trước hết cần phải biết chữ Nho là gì, do ai sáng tạo và được sáng tạo ra như thế nào?

1. Chữ Nho là gì?

Thứ chữ mà hơn 2000 năm là quốc ngữ ở nước ta, vốn được các cụ gọi là chữ Nho, chữ thánh hiền hay chữ Hán. Năm 1932, trong sách Hán Việt tự điển, học giả Đào Duy Anh gọi là từ Hán Việt. Nhưng trong sách Văn phạm Việt Nam in năm 1936, học giả Trần Trọng Kim vẫn gọi là chữ Nho: “Người Việt Nam từ xưa đến nay… có thứ tiếng để nói, có thứ chữ để viết. Chữ Nho là thứ chữ dùng để học đạo Nho, đọc sách thánh hiền.” Từ sau năm 1954, ở miền Bắc thống nhất gọi là từ Hán Việt, còn trong Nam gọi là Cổ văn.

Trong những tên gọi đó thì từ Hán Việt là sự ngộ nhận tai hại. Những người theo chủ trương này cho rằng, khi người Hán đem chữ sang dạy thì đám học trò Giao Chỉ vốn quá thông minh lại đầy tinh thần dân tộc, nên không phát âm theo thầy mà “sáng tạo ra cách đọc bằng tiếng Việt.” Chẳng hạn như thày dạy chữ “tác” thì trò đọc ra “tộ”, thầy dạy “ngộ” trò đọc là “quá”… Do đó mà tạo ra từ Hán Việt với nghĩa: chữ của Hán còn cách đọc của Việt! Thật khôi hài, một lớp học như thế chỉ có ở loài tu hú!

Từ khảo cứu của mình (Lịch sử hình thành chữ viết Trung Hoa), tôi khẳng định, chữ tượng hình là do người Lạc Việt tổ tiên ta sáng tạo từ 9.000 năm trước ở văn hóa Giả Hồ, sau đó ở Tây An Sơn Tây, Cảm Tang Quảng Tây 6.000 năm trước; ở Lương Chử Chiết Giang hơn 5.000 năm trước, rồi được đưa lên An Dương tỉnh Hà Nam. Năm 1.300 TCN, khi chiếm đất An Dương của người Dương Việt, vua Bàn Canh nhà Ân chiếm chữ Giáp cốt của người Việt rồi phát triển lên. Qua thời Chu tới thời Tần tạo ra chữ Trung Hoa ngày nay.

Từ ban đầu, cho tới thời nhà Hán, chữ vuông được đọc theo âm Việt cổ. Bằng chứng là cuốn Thuyết văn giải tự của Hứa Thận người thời Hán soạn, là cuốn từ điển đầu tiên của Trung Quốc, ghi lại cách đọc chữ vuông theo âm Việt cổ. Sách này về sau thất truyền. Tới đời Tống được biên soạn lại nhờ gom những đoạn trích từ các sách khác. Trên cơ bản, sách vẫn ghi cách đọc âm Việt cổ nhưng nhiều chỗ có thêm cách đọc theo Đường âm. Rõ ràng là do người sau thêm vào bởi lẽ, thời Hán thì Đường âm chưa xuất hiện.

Sau thời Hán, do loạn lạc, nhiều triệu dân du mục xâm nhập Trung Quốc, làm tiếng nói biến đổi khiến người trong nước không hiểu được nhau. Vì vậy, sau khi lập quốc, nhà Đường buộc các quan khi vảo triều phải nói tiếng của kinh đô Tràng An. Tiếng nói đó được gọi là Đường âm, thứ quan thoại đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Người Trung Quốc thời Đường đa số là người Việt nên tiếng nói của dân Tràng An cũng là tiếng Việt. Như vậy có nghĩa, Đường âm là tiếng nói của người Việt ở kinh đô Tràng An Trung Quốc vào thời nhà Đường. Đường âm được đưa sang dạy ở Việt Nam. Nếu trước đó chữ vuông được đọc theo tiếng Việt thì bây giờ đọc theo Đường âm, cha ông ta gọi là chữ Nho. Sau thời Đường, nước ta giành được độc lập nên chữ Nho cùng cách đọc Đường âm được bảo tồn. Do lịch sử như vậy nên trong bài viết này, tôi xin dùng thuật ngữ chữ Nho.

Từ 5.300 năm trước, tại nước Xích Quỷ, chữ tượng hình đã được chế tác và sử dụng. Khoảng 4.300 năm trước, do nước biển dâng, kinh đô Lương Chử bị nhấn chìm, nhà nước Xích Quỷ tan rã, hơn 500 ký tự giáp cốt bị chôn vùi. Do những biến động của lịch sử, chữ tượng hình khắc trên yếm rùa, xương thú và rìu đá ở Cảm Tang cũng bị mai một. Duy có bộ tộc Thủy ở Quảng Tây, trước cuộc xâm lăng của Tần, Hán đã lui vào sống trong rừng là còn giữ được chữ Lạc Việt cổ gọi là Thủy tự cùng với sách cổ gọi là Thủy thư. Chữ Thủy gần về tự dạng với Giáp cốt văn nhưng cách đọc xuôi theo ngữ pháp Việt, gọi là văn tự hóa thạch sống, được công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Như vậy, có đầy đủ chứng cứ để khẳng định, chữ Nho do người Lạc Việt sáng tạo để ký âm tiếng Việt.

Do sự trớ trêu của lịch sử, người Việt bị mất đất, mất chữ viết dẫn đến mất lịch sử cho nên hàng nghìn năm không biết chữ Nho là sáng tạo của tổ tiên mình.

Nay nhờ tri thức mới của nhân loại, chúng ta tìm lại được cội nguồn, lịch sử, văn hóa, trong đó có chữ viết nên hoàn toàn có quyền khẳng định: chữ Nho là tài sản vô giá của dân tộc Việt.

2. Quá trình hình thành chữ Nho

Trong lịch sử, tổ tiên ta ít nhất đã sáng tạo ra ba loại chữ: chữ thắt nút, chữ Khoa đẩu và chữ hình vẽ. Trong kháng chiến chống Pháp, Giáo sư Lê Trọng Khánh từng gặp những vị trưởng tộc ở đất Quảng Nam có cả gian nhà chứa chữ thắt nút làm bằng những sợi gai nhuộm nhiều màu khác nhau rồi thắt nút, ghi lịch sử, địa lý, bói toán, cúng tế [1]. Loại chữ thứ hai nay ta gọi là chữ Khoa đẩu vì có hình như con nòng nọc. Nhưng theo ý kiến của học giả Đỗ Ngọc Thành thì tên gọi gốc của nó là chữ Khoe đầu, theo nghĩa Nôm, nghĩa là chữ đầu to. Đó là loại chữ ghép vần kiểu ABC từng tồn tại trên đất Trung Hoa vào thời Khổng Tử. Tới thời Đường, do tiếng Việt biến âm nên Khoe đầu chuyển thành Khoa đẩu. Hiện loại chữ Khoe đầu này còn được lưu giữ nơi đồng bào Thái, Mường… Là loại ký tự mà ông Vương Duy Trinh gọi là Man mẫu tự, mới đây được tác giả Đỗ Văn Xuyền khôi phục, gọi là chữ Việt cổ.

Hướng thứ ba là chế ra chữ tượng hình. Vốn là cộng đồng có tập quán tư duy tổng hợp (chủ toàn) nên khi chế chữ, tổ tiên ta dùng trí lực thu hút cái hồn của vật, của hiện tượng thành ký hiệu tiêu biểu nhất. Trước hết là nét cách điệu của con rắn, con chim, con cá, con nai, mặt trời, mặt trăng… thành những hình tượng mà khi vẽ ra, người khác nhận được. Tiến bước nữa là trừu tượng hóa: 

Rồi chữ an ( ) là khi người nữ ở trong nhà; chữ tốt  ( ) là người nữ có con (nữ hữu tử); chữ phúc (): một con người có áo mặc, có ruộng cày thì đó là phúc… Do kỹ lưỡng như vậy nên thời gian làm ra chữ quá lâu. Chín nghìn năm trước ta đã thấy chữ Mục, chữ Bát, chữ Hỏa, chữ Nhật khắc trên yếm rùa Giả Hồ mà sau 5.000 năm, tại Cảm Tang Quảng Tây, chữ vẫn chỉ dùng cho bùa chú, bói toán! 

Chữ được chế ra là để ký âm tiếng nói. Trước một thực tế là tiếng nói nhiều mà chữ làm ra thì ít nên chỉ những tiếng thông dụng nhất hoặc có ý nghĩa thâm thúy nhất mới được chọn ra để ký âm. Và mặc dù dùng nhiều cách khác nhau như tạo ra từ đồng âm để ký âm thêm tiếng nói thì vẫn rất nhiều tiếng không được ký âm nên không có chữ. Người ta thống kê được khoảng 30% tiếng không được ký âm. Tại lưu vực Hoàng Hà, những tiếng không có chữ dần dần mai một. Ở Nam Dương Tử, có thống kê cho thấy khoảng 20% tiếng không có chữ, chỉ được trao đổi truyền miệng trong dân gian, ngày một rơi rụng. Trên đất Việt Nam cũng có tới 30% tiếng không được ký âm mà ta quen gọi là Nôm. Để giải quyết mâu thuẫn này, cha ông ta đã từ chữ Nho sáng tạo ra chữ Nôm. Trong dân gian Việt tồn tại khái niệm “chữ” để chỉ những từ bác học, chữ Nho và “nôm”để chỉ những từ dân dã. Một số người, trong đó có tôi thường phản bác học giả Maspéro vì ông cho rằng “tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ Hán.” Nhưng khi nghĩ lại, thấy rằng ông chỉ sai khi cho đó là “ngôn ngữ Hán” còn con số 70% thống kê theo kỹ thuật ngữ âm là chính xác, đó là số lượng “chữ” trong tiếng nói Việt.

Một mặt khác, tiếng Việt cổ vốn đa âm: blời = trời; Krông = sông, rồng; tlủ = sủ = trâu… Trong khi đó, chữ tượng hình là đơn lập. Do vậy, muốn được ký âm, tiếng nói phải chuyển thành đơn âm. Kết quả là, cùng với việc phát triển của chữ tượng hình, tiếng nói cũng được đơn âm hóa. Và do đơn âm nên tiếng được bổ sung thanh điệu: thanh – thành – thánh... Tới đời Đường, tiếng Việt ở Tràng An có sáu thanh.

3. Những lý do cần gấp rút dạy chữ Nho trong trường phổ thông

Theo suy nghĩ của tôi, nhất thiết phải dạy chữ Nho cho lớp trẻ vì những lý do sau:

a. Đó là chữ do tổ tiên Lạc Việt sáng tạo.

 Nhân loại cho rằng, chữ viết là biểu trưng trình độ văn minh của một dân tộc. Hàng nghìn năm chúng ta phải cúi đầu câm lặng chịu nhục vì bị coi là một dân tộc mông muội không có chữ viết với 70% tiếng nói phải đi vay mượn! Chúng ta vừa mang tâm lý học nhờ, đọc mướn vừa mang mặc cảm thù ghét thứ chữ từng góp phần nô lệ hóa dân tộc.

Nay phát hiện ra, đó là chữ do tổ tiên chúng ta sáng tạo nên không những phải học mà cần học nghiêm cẩn chữ của tổ tiên.

b. Dạy chữ Nho giúp trẻ có tư duy chiều sâu.

Việc dạy hay không dạy chữ Nho cho học sinh còn tùy theo mục đích của giáo dục. Nếu một nền giáo dục muốn tạo ra con người chức năng để giải quyết từng công việc cụ thể thì dạy chữ Nho là thừa. Nhưng nếu muốn đào tạo con người toàn diện, biết tư duy sáng tạo thì lại là chuyện khác.

Do được sáng tạo từ tư duy hình tượng sâu sắc hàng nghìn năm nên khác mọi thứ văn tự của nhân loại chỉ là ký hiệu chuyển tải thông tin thì chữ Nho bản thân nó mang tính minh triết, hàm chứa chiều sâu triết lý, giúp người học người đọc hiểu sâu nội dung vấn đề mà con chữ đề cập. Từ đó, tư tưởng của người học Nho trở nên sâu sắc. Điều này có quá nhiều chứng nghiệm trong cuộc sống.

Hiện nay, chúng ta dùng quốc ngữ vần ABC. Điều kỳ diệu là quốc ngữ đã dung nạp cả phần chữ lẫn phần Nôm của tiếng Việt. Có thể nói phần hồn của chữ Nho thoát khỏi cái vỏ vật chất vuông vức để hòa nhập vào cuộc sống. Nhưng rồi trong quá trình giao lưu va đập với cuộc đời ô trọc, nhiều chữ bị tha hóa đến xiêu hồn lạc phách, đánh mất cái nghĩa nguyên sơ của nó: thực mục sở thị trở thành mục sở thị vô nghĩa, yếu điểm thành điểm yếu; cứu cánh bị chuyển từ mục đích sang biện pháp... Lúc này, cái hồn chữ tả tơi phải trở về mái nhà xưa để tìm lại hồn vía chân thực của mình. Tôi còn nhớ đã đọc ở đâu đó những lời như khắc vào đá thế này: “Chúng ta đã cho người Annam thứ chữ tiện dụng, dễ học, giúp họ bắt nhanh với đà văn minh. Nhưng rồi chắc chắn là sau này con cháu họ sẽ trách chúng ta làm cắt đứt mối liên hệ của họ với tổ tiên.” Phán đoán của học giả thực dân hàng trăm năm trước đã thành sự thực. Tiếng Việt đang trên đà suy đọa. Sở dĩ còn được như hôm nay là may mắn còn có lớp người muôn năm cũ, giữ được cái lề của cuốn sách đang rách. Có người nói rằng, chữ Nho là tử ngữ do đó không nên dạy tử ngữ cho học trò. Đó là sự hiểu biết ấu trĩ. Không hề là tử ngữ khi “chữ”- hồn vía của chữ Nho - đang chiếm tới 70% tiếng nói hàng ngày. Không chỉ tồn tại mà “chữ” đang giúp các ngành khoa học sáng tạo những từ mới để hòa nhập văn minh nhân loại.

Đến hôm nay mới bàn đến chuyện dạy chữ Nho cho con em là quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Không bao lâu nữa, lớp người “muôn năm cũ” còn rơi rớt chút ít nho nhe về với tổ tiên, sẽ tạo ra khoảng trống văn hóa không thể san bằng, tiếng Việt sẽ mất hồn, không thể cứu vãn được!

c. Học chữ Nho giúp trẻ dễ dàng đọc tiếng Trung.

Nhiều người nói rằng: “Chương trình học hiện đã quá nặng, không nên chất thêm gánh nặng lên vai các em. Học được vài nghìn chữ cũng chẳng để làm gì!” Tôi đồng ý là chương trình học quá nặng. Nhưng nếu sắp xếp lại một cách khoa học, giảm những điều vô bổ, chúng ta vẫn có đủ thời gian để dạy trẻ chữ Nho. Nói “vài nghìn chữ cũng chẳng làm gì” là không đúng với thực tế. Từ trải nghiệm của mình, tôi thấy, tôi chỉ học Trung văn ba năm phổ thông Trung học, sau đó học tiếng Nga và Anh nên bỏ luôn tiếng Trung. Nhưng khi buộc phải khảo cứu các văn bản bằng chữ Nho, tôi đã dùng phần mềm dịch và từ điển Hán Việt online để đọc. Cố nhiên, ban đầu rất vất vả nhưng sau quen dần nên đọc được những tài liệu cần. Với ông lão “cổ lai hy” già nua chậm chạp, trí nhớ mỏi mòn còn làm được thì tôi tin, các bạn trẻ, nếu có vài ba ngàn chữ Nho, sẽ không khó khi làm chủ hầu hết những văn bản tiếng Trung.

4. Học chữ Nho thì học những gì?

a. Học lịch sử sáng tạo chữ Nho.

Theo tôi, không như các cụ xưa học chữ Nho, chỉ học Tử viết với chi, hồ, giả, dã... Nay học chữ Nho trước hết phải học lịch sử sáng tạo chữ Nho. Lịch sử này bắt đầu bằng việc, 40.000 năm trước, người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. 20.000 năm trước mang rìu đá mới Hòa Bình lên mở mang giang sơn mới. Từ đó sáng tạo đồ gốm, thuần hóa cây lúa, xây dựng văn minh nông nghiệp trên đất Đông Á. 9.000 năm trước tổ tiên ta sáng tạo ký tự đầu tiên ở văn hóa Giả Hồ, sau đó ở Bán Pha, Cảm Tang. Chữ Giáp cốt được đưa lên Hà Nam. Khi chiếm đất Hà Nam của người Lạc Việt, nhà Ân nhận được Giáp cốt văn ở dạng đã trưởng thành rồi từ đó phát triển lên…

Từ khi chữ ra đời, tiếng Việt được đơn âm hóa rồi có sáu thanh. Sự chuyển hóa tiếng Việt trên đất Trung Hoa để dẫn tới Đường âm, được tổ tiên ta gọi là chữ Nho.

b. Học cách tư duy của tổ tiên để sáng tạo ra chữ Nho.

Làm ra chữ Nho là việc cha ông chúng ta rút hết tâm hồn và trí lực để “trói voi bỏ rọ,” hình tượng hóa những vật và sự cùng tư tưởng để khắc lên yếm rùa, xương thú rồi sau đó đưa lên mặt giấy. Ngày nay, học chữ Nho, chúng ta dạy lớp trẻ hình dung lại cách tư duy sáng tạo của tổ tiên. Và đó là bài học vô giá về tư duy chiều sâu, con đường dẫn tới thành công trong thế giới hiện đại.

Dạy chữ Nho cho con trẻ là công việc cấp bách ngay bây giờ vì sự tồn vong của dân tộc. Không thể muộn hơn nữa, khi những người còn chút ít chữ Nho ngày càng thưa vắng. Việc này phải trở thành quốc sách, cần được bàn bạc kỹ để thực hiện sớm chừng nào tốt chừng ấy.

                                                         Sài Gòn, Thu 2016

Tài liệu tham khảo:

Lê Trọng Khánh. Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình Khoa đẩu (NXB Từ điển bách khoa, 2010)

 

BÀN VỀ “LỄ” TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

(Trao đổi với hai ông Nguyễn Văn Nghệ và Lại Nguyên Ân)

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết “Bỏ “Tiên học lễ” thì xã hội sẽ ra sao?” của ông Nguyễn Văn Nghệ, rồi bài trả lời “Về ý kiến đòi khôi phục khẩu hiệu “tiên học lễ” của bạn đọc Nguyễn Văn Nghệ ở Khánh Hòa” của ông Lại Nguyên Ân.

Tôi xin mạo muội thưa lại đôi lời.

“Lễ” thuộc về phạm trù văn hóa. Do vậy, muốn hiểu Lễ, trước hết phải hiểu thấu đáo nền văn hóa sinh ra nó. Văn hóa là sản phẩm hoạt động xã hội của cộng đồng người nên muốn hiểu văn hóa, thì trước hết phải hiểu được cộng đồng người sản sinh ra nền văn hóa đó là ai, có nguồn gốc ra sao và được hình thành thế nào trong tiến trình lịch sử?

Từ thời tiền sử, do phương thức kiếm sống khác nhau nên tự nhiên đã chia con người thành hai dạng khác nhau về văn hóa. Người phương Tây du mục (Homo sapiens nomadian) với tư duy phân tích và người phương Đông nông nghiệp (Homo sapiens culturian) với tư duy tổng hợp. Bằng tư duy tổng hợp, người phương Đông coi trọng các yếu tố khác nhau của tự nhiên. Điều này thể hiện trong câu ca dao quen thuộc:

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng đá mềm,

Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng…

Nói là phương Đông nhưng suốt thế kỷ XX và cho tới nay, chưa mấy ai biết người phương Đông thực sự là ai? Chỉ sang thập niên đầu của thế kỷ mới, nhờ thành tựu di truyền học cùng nhiều cuộc khai quật khảo cổ, khoa học mới khám phá rằng, khoảng 40.000 năm trước, người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục và sáng tạo tại Đông Á nền văn minh nông nghiệp Việt tộc rực rỡ. Claude Levi’s Strauss, nhà nhân học lớn của thế giới phát hiện rằng, tất cả những thành tựu về tinh thần, nhân loại đã sáng tạo vào cuối thời đồ đá. Thời kỳ sau đó, chỉ là sự lặp lại. Điều này hoàn toàn đúng với phương Đông. Cho tới trước Thời Kim khí, người Việt đã làm chủ Âm Dương, Ngũ hành, Dịch lý, Phong thủy, Tử vi… 4600 năm cách nay, sau cuộc xâm lăng của người du mục Mông Cổ vào Nam Hoàng Hà, người Việt sinh ra lứa con muộn mằn của mình là Hoa Hạ. Do kết hợp hai dòng máu và hai nguồn văn minh Mông- Việt, người Hoa Hạ là lớp người ưu tú, thay cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội, tạo nên thời Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông, từ Nghiêu, Thuấn. Tới thời Chu, văn minh phương Đông được kết tinh trong các sách Tam Phần, Ngũ Điển rồi được Khổng Tử san định thành Ngũ Kinh là Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc. Triết gia Kim Định gọi đó là Nho nguyên thủy hay Việt Nho, có nghĩa là Nho học của tộc Việt. Đến nay khoa học cũng cho thấy rằng, Khổng Tử là người nước Lỗ, một tiểu quốc của người Đông Di (người Lạc Việt bản địa), từ xa xưa vẫn độc lập với Hoa Hạ, sau đó thành chư hầu nhà Chu. Nước Lỗ vốn tiếng Việt là Rõ với nghĩa rực rỡ, sáng tỏ. Sau này biến âm theo quan thoại, người Hoa không đọc được vần R nên nói trại thành Lỗ! Do vậy Nho của Khổng Tử là Việt Nho. Tuy nhiên do trớ trêu của số phận, người Việt bị mất đất dẫn tới mất lịch sử rồi mất luôn bản quyền nhiều sản phẩm sáng tạo, trở thành kẻ đọc nhờ học mướn!

Không bỗng dưng mà khi san định kinh sách, Khổng Tử đặt riêng ra kinh Lễ. Tuy là một trong Ngũ Thường – năm thứ thường hằng: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín nhưng “Lễ” giữ vị trí trung tâm. Những “thường” rất quan trọng như Nhân, Nghĩa… chỉ có thể qua Lễ mới thể hiện được! Điều này cho thấy, mọi việc Nhân, Nghĩa, Trí, Tín chỉ là trong tiềm ẩn, trong ý định, trong cõi vô hình. Chỉ khi được thể hiện ra qua Lễ, mới trở thành hiện thực, mới trở nên tiêu chí để đánh giá con người! Chính do vai trò quan trọng như vậy nên Khổng Tử đặt riêng ra kinh Lễ để chuẩn tắc hóa cách ứng xử.

Tuy quan trọng như vậy nhưng Lễ không tồn tại độc lập mà trong mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ với bốn thường khác: Nhân, Nghĩa, Trí, Tín. Một khi tách khỏi Nhân, Nghĩa, Trí, Tín thì Lễ trở thành khuôn khổ cứng nhắc, giả tạo, dối trá và nô lệ kẻ mạnh!

            “Tiên học Lễ hậu học Văn” là phương châm ứng xử được cô đọng dùng trong nền giáo dục truyền thống. Đó là nhà trường tồn tại trong một xã hội tôn trọng Ngũ Thường của Việt Nam trước tháng Tám năm bốn lăm.

Khẩu hiệu trên xuất hiện lại sau những năm đổi mới có lý do của nó. Đó là việc những nhà giáo dục bức xúc vì sự băng hoại của đạo đức học đường đã cố công, trong khả năng hạn hẹp của mình, khôi phục những gì hợp lý của quá khứ. Trong trường hợp này chỉ là câu khẩu hiệu trước ngôi trường!

Tuy nhiên, có sự thực là, trong một xã hội không còn đề cao Nhân, Nghĩa, Trí, Tín thì Lễ trở nên lạc lõng, dường như có phần thẹn thò tội nghiệp. Một cái gì đó trái chiều, thừa thãi, không hợp thời, vô duyên, vô nghĩa… Không ít người đòi bỏ đi chính là do vậy. Ý kiến của học giả Lại Nguyên Ân: “Khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” – vốn có xuất xứ từ Khổng tử – càng nên được chúng ta sớm chấm dứt sử dụng trong hiện tại, để từ nay chỉ được nên ghi nhận như một trong những thứ ta đã vay mượn, thời quá khứ xa xưa”, không phải không được sự đồng tình của một số người!

Tuy nhiên, cũng có sự thực là, mấy chục năm nay xã hội ta khủng hoảng về phương thức phát triển. Đất nước lâm vào suy thoái toàn diện từ kinh tế tới văn hóa, đạo đức. Nhiều người muốn tìm lối ra cho đất nước. Không bằng lòng với con đường đã dẫn Đông Âu và Liên Xô tới sụp đổ nhưng cũng không yên tâm vào con đường tư bản hoang dã như hiện nay. Họ nhận ra những hạt nhân hợp lý của quá khứ, rồi từ trong cương vị cụ thể của mình, muốn hướng xã hội trở lại với những điều tốt đẹp của ngày xưa… Khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” phần nào thể hiện mơ ước đó.

Một câu hỏi được đặt ra: xã hội nên hưởng ứng thế nào?

Ý kiến của hai ông Nguyễn Văn Nghệ và Lại Nguyên Ân thể hiện hai xu hướng đối kháng. Ông Nguyễn Văn Nghệ có công dẫn sách cổ để nói lên tầm quan trọng của “Lễ.” Tuy nhiên, ông chưa làm rõ, cội nguồn của Lễ là từ đâu cũng như Lễ có vai trò gì không trong xã hội hiện đại? Còn ông Lại Nguyên Ân phủ định Lễ như một thứ vay mượn và quá đát trong cuộc sống hôm nay là không thỏa đáng.

Từ phân tích ở trên cho thấy, Lễ không phải thứ đồ ngoại lai vay mượn mà là sản phẩm tinh hoa của minh triết Việt tạo ra từ trong quá khứ xa xôi. Dù có từ lâu nhưng Ngũ Thường, Tiên học Lễ hậu học văn không hề cũ. Đó là tài sản vô giá mà tổ tiên để lại không chỉ cho chúng ta mà còn cho cả nhân loại. Có một nghịch lý mà ít tai ngờ tới: Ngũ thường được kết tinh tại nhà Chu nhưng cái gốc, cái mầm của nó lại của cha ông chúng ta. Là gia bảo của dân tộc Việt nhưng bị lưu lạc nên chúng ta không biết là của mình!

            Mấy trăm năm nay, do sự áp đặt của chủ nghĩa tư bản phương Tây, chúng ta bị lú lẫn, không nhìn ra nhiều giá trị tuyệt với của phương Đông. Trong khi nhiều thức giả phương Tây lại hành trình về phương Đông để tìm con đường cứu nhân loại. Nhân loại đang trong thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng về trí tuệ. Nói điều này không khỏi có người cười mỉa, cho rằng, không hề khủng hoảng về trí tuệ trong khi khoa học công nghệ thế giới tiến như vũ bão! Không thể phủ nhận rằng nhân loại đang khủng hoảng về trí tuệ khi không tìm được con đường phát triển hợp lý: những con đường trước mặt đang dẫn thế giới đến diệt vong!

Phải chăng, chính khủng hoảng của đất nước từ mấy chục năm qua cũng như sự bế tắc của thế giới hôm nay đã khiến một số người nhận ra, trong văn hóa Việt ẩn tàng con đường đưa nhân loại trở về phát triển đúng theo hướng vận hành của vũ trụ: bảo tồn môi sinh và lấy con người làm cứu cánh.

Họ hy vọng rằng rồi một ngày nào đó, cùng với những điều tốt đẹp khác của văn hóa Việt, Ngũ Thường trở lại cuộc sống, làm cái đích rèn luyện để trở thành người quân tử. Trong khi chờ cái ngày đó trở lại, họ nâng niu níu giữ khẩu hiệu “Tiên học lễ… ” như giữ cái lề của cuốn truyền thư theo nghĩa “giấy rách giữ lấy lề”… Dù yếu ớt, dù dường như vô vọng thì đó là những điều làm cho văn hóa Việt tồn tại, may mắn có thể không bị trôi ra sông ra biển.

 

TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CHO VIỆT NAM

Do vai trò lớn lao của giáo dục đối với sự tồn vong của dân tộc, nhiều người muốn có một triết lý giáo dục cho đất nước hôm nay. Vì lẽ “ôn cố tri tân”, một câu hỏi nảy sinh: Cha ông ta xưa có triết lý giáo dục không? Tuy nhiên, triết lý giáo dục là khái niệm mới, không thể tìm được nguyên ngữ trong cổ thư. Do vậy, ta chỉ có thể tìm một cách gián tiếp thông qua nội dung và mục đích giáo dục của tiền nhân.

1. Nội dung và mục đích giáo dục của người xưa

Khi suy ngẫm về nền giáo dục truyền thống ta thấy, nội dung dạy và học của người xưa gồm có ba ban: văn, võ và nghệ.

Ban Văn có: Nho, Y, Lý, Số.

Nho cố nhiên là chữ Nho, nhưng qua chữ Nho để học Tứ thư, Ngũ kinh, Sử, Tử. Như vậy học Văn có nghĩa là học đạo Nho, đạo của thánh hiền.

Y là y học.

Lý: Lý là Dịch lý và Địa lý. Học về hình sông, thế núi mà nội dung quan trọng là Dịch lý, Tử vi, Phong thủy.

Số: Toán pháp.

Ban Võ gồm: Côn, Quyền, Ngự, Xạ. Đó là bốn môn đánh côn, múa quyền (võ thuật), cưỡi ngựa và bắn cung. Cố nhiên, ở cấp cao, được dạy về binh pháp, kỹ thuật xây thành, phá lũy.

Nghệ là nghệ thuật: gồm cầm, kỳ, thi, họa. Học đánh cờ, âm nhạc, thưởng thức thơ văn, bình thơ văn và làm thơ, viết văn. Họa bao gồm hình khối, đường nét, màu sắc, biết thưởng thức vẻ đẹp của tranh và dạy vẽ tranh.

Ba ban với 12 môn học này lại được đặt trên nền móng vững chãi của ba phẩm chất: Trí, Nhân, Dũng cùng Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Từ nội dung dạy và học cùng thực tế đào tạo của nền giáo dục trong quá khứ, ta có thể suy ra mục đích giáo dục của cha ông là đào tạo con người toàn diện. Toàn diện ở đây, không chỉ là “văn võ song toàn” theo câu nói cửa miệng mà chiều sâu là đào tạo người quân tử, những kẻ sỹ ưu tú của xã hội. Chính nền giáo dục đó đã tạo ra những người biết tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Có sự thực là lý tưởng cao nhất của nhiều người đi học là để đi thi, làm quan với hấp lực của vinh quy bái tổ, võng anh đi trước, võng nàng theo sau… Tuy nhiên, do số lượng quan chức rất ít và qua thi cử nghiêm nhặt nên số người đỗ đạt làm quan quá nhỏ so với số người đi học. Do hiểu thực tế này nên những người cố học để làm quan không nhiều. Phần lớn các phụ huynh nhận thức rằng “nhân bất học bất tri lý”, nên khi đưa con tới thầy học thường nói: “Xin cụ cho cháu ít chữ thánh hiền để mong sau này cháu nên người.” Không ít người thực dụng hơn, cho con đi học để sau này “đọc được cái văn tự”…

Qua những kỳ thi, người đỗ được xếp vào ba bậc: Tú tài là người tài năng ưu tú. Dù không được làm quan nhưng cũng là kẻ danh giá trong cộng đồng. Cử nhân là người được cử ra lãnh việc nước, tức làm quan. Bậc thứ ba là Tiến sỹ: kẻ sỹ được tiến cử lên vua dùng.

Những người không đỗ hay đỗ mà không làm quan, trở lại cộng đồng, làm người dân có học. Một bộ phận khá lớn trong số họ trở thành thầy đồ, gõ đầu trẻ kiếm sống. Ta từng biết tới những thày giáo nổi tiếng về đức độ với những lớp học trò hiển đạt. Một số khác làm thày thuốc. Lê Hữu Trác là một người trong số này. Vốn từng làm tướng đánh trận nhưng thất bại, cụ suy ngẫm sự đời, chuyển sang làm thuốc. Một số khác, theo sở trường của mình, làm thày địa lý, thày bói. Từ sau năm 1954, xã hội ta quan niệm, bói toán là mê tín dị đoan nên ra sức xóa bỏ. Nhưng về bản chất, đó là khoa học dự đoán, sinh ra, và tồn tại trong mọi xã hội của loài người. Cũng như mọi nghề khác, thày bói có hay có dở nhưng thực sự đó là nghề không thể thiếu trong xã hội, một kiểu tư vấn giúp chỉ dẫn những điều phân vân trong cuộc sống. Cũng do được học Nho, thấm Ngũ thường và phải chăm lo cho “thương hiệu” của mình nên các thầy bói, thầy tử vi, phong thủy thường khuyên thân chủ những điều nhân nghĩa, giúp cho con người ổn cố tâm linh. Ta từng biết, về cuối đời, nhà thơ nhà báo cự phách Tản Đà ra chợ xem Tử vi độ nhật.

Việc học ngày xưa được thực hiện rất dân chủ. Người có chữ tự đứng ra mở trường, thu hút học trò trong làng. Những ông thầy có tiếng thì học trò nơi khác tìm đến học. Ý thức về việc học của cộng đồng rất cao. Không chỉ ở tập quán tôn sư trọng đạo mà còn trở thành nền nếp lâu bền trong xã hội. Làng, giáp có học điền dùng hoa lợi trợ giúp học trò nghèo. Từng họ cũng có quỹ khuyến học giúp con em ăn học.

Người có học, dù đỗ đạt hay không thì trong bụng cũng có ít “chữ thánh hiền” cùng với đạo lý sống nhân nghĩa, lễ, trí, tín. Theo tập quán, những vị này có “góc chiếu giữa đình”, được dân làng tôn trọng vì nói điều hay, làm phải lẽ. Những người có học này trở thành những “hạt nhân minh triết” của cộng đồng. Do có chữ, biết lý lẽ nên họ thường tham vấn cho dân quê trong những tranh chấp, kiện tụng. Có khi ra tay, có khi giấu mặt, họ giúp cho dân làng chống lại đám cường hào cậy quyền hiếp đáp người yếu thế. Nhờ vậy, trong mức độ nào đó, bảo đảm được không khí dân chủ của làng xã. Nay ta say mê thưởng thức những câu ca dao, tục ngữ và quen miệng nói rằng đó là sáng tác của dân gian. Nhưng dân gian là ai? Chắc phần lớn là của những người có học này. Chẳng hạn câu ca Tháng Tám có chiếu vua ra/Cấm quần không đáy người ta hãi hùng, ban đầu hẳn là của một ông đồ làm ra để châm biếm lệnh vua rồi sau đó lưu truyền trong dân. Ta gặp ở nhiều địa phương có “tứ vật” là những tổng kết bằng chữ nho không chỉ thâm thúy, chính xác mà có nhịp điệu dễ nhớ. Chẳng hạn như Thụy Anh Thái Bình có tứ vật: “Vật du Kha Lý thị, vật thính Ô Trình ngôn, vật thú Diêm Điền thê, vật giao Hổ Đội hữu.”Những sản phẩm như vậy làm nên văn hóa địa phương.

Trong xã hội cũ, ngoài trường học, các làng lại có văn chỉ là nơi những người có học dùng để bình văn, thường có sự tham gia của những văn nhân nơi khác tới. Đó là một thứ câu lạc bộ văn chương thời cổ, một sinh hoạt văn hóa tỏa ánh sáng ra cộng đồng.

Qua nội dung và mục đích giáo dục nêu trên, ta thấy, nền giáo dục truyền thống Việt Nam hay phương Đông cổ có triết lý giáo dục rất rõ ràng: giáo dục nhằm đào tạo con người toàn diện về văn, võ và hiểu biết nghệ thuật trên nền của đạo lý nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

2. Triết lý giáo dục thời hiện đại

Nửa thế kỷ trở lại, do hoàn cảnh lịch sử, trên đất nước ta có hai nền giáo dục với hai triết lý giáo dục khác nhau.

Tháng Năm 1945 vua Bảo Đại tuyên bố độc lập. Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời với Bộ trưởng Giáo dục Hoàng Xuân Hãn. Trong vòng 100 ngày, Bộ Quốc gia giáo dục của chính phủ Trần Trọng Kim đã ban hành một chương trình giáo dục vừa đậm tinh thần dân tộc, vừa nhân bản và tiến bộ. Chương trình này tồn tại ở miền Bắc cho tới năm 1960.

            Ở miền Nam, chính phủ Việt Nam Cộng hòa kế thừa lịch sử văn hóa dân tộc từ xa xưa, không tạo nên những đứt gẫy lịch sử nên mọi quan niệm về lịch sử, văn hóa, giáo dục được duy trì theo truyền thống. Năm 1958, những nhà giáo dục hàng đầu của miền Nam đề xuất triết lý giáo dục là Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng.

Về tiêu chí dân tộc:

Dân tộc là tập hợp những chuẩn mực khác nhau, được nhìn nhận khác nhau theo từng góc độ quyền lợi của những thành phần khác nhau trong cộng đồng. Nhưng do cộng đồng được hình thành từ lâu đời, gắn bó trong những lợi ích chung nên tạo thành khối thống nhất. Do chính quyền miền Nam không thực thi những đảo lộn “cách mạng” mà duy trì lịch sử văn hóa truyền thống nên lợi ích vật chất và tinh thần của mọi thành phần trong cộng đồng được bảo tồn như đã có trong quá khứ. Do tiêu chí dân tộc là tiêu chí thống nhất, nên trong cộng đồng không nảy sinh quan niệm mâu thuẫn về dân tộc.

Nhân bản:

Nhân bản là tiêu chí nền tảng trong truyền thống văn hóa Việt. Đứng đầu trong Ngũ thường là Nhân. Do vậy, tiêu chí Nhân bản đứng hàng thứ hai sau Dân tộc là phù hợp.

Khai phóng:

Khai phóng là tự do, là cởi mở, là giải phóng. Tiêu chí này rất cần với xã hội chưa phát triển và khép kín như Việt Nam sau khi thoát khỏi ách thực dân và quân chủ.

Do chọn đúng triết lý giáo dục, trong 30 năm tồn tại, miền Nam Việt Nam có một nền giáo dục tiến bô, hòa nhập với thế giới văn minh đồng thời bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và giữ được phẩm chất nhân bản của con người và xã hội.

Triết lý giáo dục ở miền Bắc.

Năm 1943, Đảng Cộng sản Việt Nam công bố Đề cương Văn hóa, trong đó đề xuất phương châm Dân tộc, Khoa học, Đại chúng.

Ba phương châm vận động cách mạng nêu trên cũng có thể gọi là triết lý về văn hóa, giáo dục. Nó rất phù hợp trong giai đoạn trước cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945. Trong hoàn cảnh bị thống trị của đế quốc Pháp, yếu tố dân tộc được nhấn mạnh để đáp ứng yêu cầu động viên, đoàn kết toàn dân chung sức chung lòng giải phóng đất nước. Trong điều kiện đất nước còn lạc hậu lúc đó, tiêu chí khoa học cũng rất phù hợp với lòng dân mong muốn đất nước phát triển đạt tới khoa học của thế giới văn minh. Yếu tố đại chúng càng tỏ ra thích hợp vì mục tiêu của giáo dục là hướng tới quảng đại quần chúng lao động nghèo khổ, là động lực của cách mạng.

Sau khi giành được chính quyền trên miền Bắc, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn duy trì triết lý giáo dục trên. Tuy nhiên, lúc này xã hội miền Bắc có những biến chuyển sâu sắc. Với cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất, khối đoàn kết dân tộc bị phân chia thành những giai cấp đối kháng. Tiếp đó là chuyên chính vô sản được xác lập, đưa giai cấp công nông lên địa vị thống trị xã hội. Các “tầng lớp trên” trở thành đối tượng của cách mạng, bị tước những quyền cơ bản về vật chất và tinh thần. Dân tộc cũng như lòng yêu nước là độc quyền của thành phần chính thống.

Mặt khác, từ thập kỷ 1960, lịch sử Việt Nam cũng được viết lại theo quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác. Trong đó có ba vấn đề lớn được đánh giá lại:  1. Triệu Đà là giặc cướp nước, nhà Triệu bị loại khỏi chính sử Việt Nam. 2. Nhà Nguyễn bị coi là triều đại bán nước, có tội với dân tộc. 3. Không có Kinh Dương Vương và Nhà nước Xích Quỷ. Sau năm 1975 thì nảy sinh mâu thuẫn khi nhận định về Quốc-Cộng. Uẩn ức trong lòng người là có thực. Một đất nước thống nhất phải được thống nhất ở tinh thần, tư tưởng, tình cảm và tâm linh. Muốn có sự thống nhất như vậy, trước hết phải thống nhất về lịch sử. Một khi lịch sử còn tranh cãi thì dân sẽ thành dân Babel.

Không những thế, quan niệm về truyền thống dân tộc cũng thay đổi. Rất nhiều phẩm tính của dân tộc từ xưa vẫn được nâng niu trân quý bây giờ bị coi là “sản phẩm của phong kiến lạc hậu, phản động”. Rất nhiều đình, đền bị dỡ, bia đá bị đập phá, đem nung vôi, sách chữ Nho bị đốt. Những gia đình có nền nếp dạy trẻ biết thưa gửi, chào mời bị cho là phong kiến. Những lời dạy về nhân, nghĩa, lễ… bị coi là cổ hủ. Nhiều giá trị xã hội bị đảo lộn: xấu thành tốt, tốt thành xấu. Do vậy tiêu chí dân tộc không còn mang giá trị truyền thống, không đại diện cho toàn thể nhân dân.

Tiêu chí Khoa học về thực chất, chỉ là một khẩu hiệu, không hề có ý nghĩa một phương châm hay triết lý cho giáo dục. Mặt khác, khoa học là một khái niệm luôn biến động: cái hôm nay được gọi là khoa học thì ngày mai trở nên lạc hậu. Lấy cái “dĩ biến” làm tiêu chí sẽ dẫn tới sự tùy tiện.

Tiêu chí Đại chúng.

Trong giai đoạn nào đó của vận động cách mạng, thì tiêu chí đại chúng giữ vai trò trung tâm. Nhờ vậy, trong thời gian không dài, giáo dục ở miền Bắc đưa đại bộ phận dân chúng từ thất học tới biết đọc biết viết rồi có trình độ học vấn phổ thông. Nhưng khi tiêu chí đó kéo dài sẽ dẫn tới cào bằng, dàn trải, thiếu người tài. Thiếu những đỉnh cao dẫn dắt, xã hội tất rơi vào trì trệ.

Không chỉ bất cập trong triết lý mà nền giáo dục miền Bắc và ở cả nước sau 1975 còn có sự sai lầm lớn về phương pháp. Do nhà nước coi giáo dục là công cụ của chuyên chính vô sản nên để chính trị can thiệp quá sâu, biến rất nhiều môn học, nhất là Văn, Sử, khoa học nhân văn thành những môn chính trị giáo điều khô cứng. Cũng do muốn kiểm soát giáo dục một cách duy ý chí mà nhà trường chuẩn hóa giáo trình, giáo án, xuất hiện những bài mẫu, sách mẫu, giáo viên mẫu… khiến cho cả người dạy lẫn người học theo quy chế rập khuôn nghiêm nhặt, không còn chỗ để sáng tạo. Thực tế chứng tỏ nền giáo dục như thế đã thất bại.

Aucun commentaire: