ĐỐI THOẠI SOI SÁNG LỊCH SỬ [ 7 ] * HÀ VĂN THÙY

S
ự đời, muốn tìm cái gì đó thì trước hết phải biết cái mình cần tìm là gì. Nếu không thì chuyện tìm kiếm sẽ là tìm kim đáy bể hay kiếm cá ngọn cây! Từ trích dẫn trên, ta thấy vấn nạn ở phương Tây là sự thay đổi quan niệm về minh triết và triết học xảy ra từ Plato. “Trước Plato người ta cho rằng Minh triết là cái gì đó cao hơn Triết học và nó là trí tuệ của thần thánh. Còn Triết học là sự hiểu biết của con người. Con người không vươn được tới Minh triết cho nên bằng lòng với việc là người bạn của Minh triết, là người yêu chuộng Minh triết…Nhưng đến Plato, bắt đầu có một sự đảo ngược lại. Người ta nhận ra Minh triết tự cho là thần thánh, tức là nắm được tất cả, mà nắm được tất cả là mất, bởi vì nắm tất cả thì anh không còn thiếu, mà không còn thiếu gì nữa thì anh không băn khoăn, không lo lắng, không động não nữa, anh ở trạng thái thoả mãn. Còn với Triết học, đối tượng của nó là cái thiếu, vì nó cảm nhận được cái thiếu nên nó hoạt động tích cực và phát triển.” (5)
Câu dẫn trên hoàn toàn tư biện. Minh triết là sản phẩm hình thành từ xa xưa trong hoạt động xã hội của con người rồi bằng cảm nhận của mình, con người thế hệ sau phát hiện ra. Minh triết không là vật thể sống, không biết tư duy nên làm gì có chuyện tự nhận mình là thần thánh, nắm được tất cả, để rồi mất tất cả?! Đấy là lỗi của các triết gia đã gán cho minh triết những “tính nết” nó không hề có để rồi coi thường, kinh rẻ nó. Gán cho minh triết những phẩm tính tiêu cực cũng có nghĩa là rấp bỏ con đường đi tìm lại nó. Để tìm lại minh triết, công việc đáng lẽ phải làm là, tra vấn vì sao con người thời tiền Plato vốn “nhân chi sơ tính bản thiện” lại “cho rằng Minh triết là cái gì đó cao hơn Triết học và là trí tuệ của thần thánh?”Nghĩa là phải trả lời câu hỏi: vì sao minh triết cao hơn triết học? Vì sao minh triết lại là trí tuệ của thần thánh? Từ đó giải mã bí mật của minh triết, ngõ hầu tìm ra bản chất của minh triết, cội nguồn của minh triết để rồi nuôi dưỡng nó, làm giầu thêm sự khôn sáng của con người.
Trái với cách làm đó, học giới phương Tây áp đặt cho minh triết những thuộc tính mà nó vốn không có để rồi đưa ra quan niệm tiêu cực về minh triết: “Minh triết là một cái gì nguội lạnh và lẩn thẩn". "Một khi Minh triết là như vậy thì nó thiếu lửa, thiếu sức sống, thiếu sức nóng, thiếu nhiệt, mà khi đã thiếu nhiệt thì nó chỉ che đậy cuộc sống, làm cho người ta không thấy được nó", "Minh triết là một thứ tro nguội lạnh, xám xịt, phủ lên lò lửa là sự sống…"
Một quan niệm như vậy hoàn toàn trái ngược với phương Đông. Trong văn hóa phương Đông, Minh triết (明悊) thì Minh () là sáng mà Triết () cũng là sáng, có nghĩa hai lần sáng. Triết () còn nghĩa khác là trí tuệ. Minh triết là trí tuệ sáng láng. Theo cách giải nghĩa khác thì Minh là sáng, còn Triết là triệt, là tận cùng, Minh triết có nghĩa cực sáng, sáng tới tận cùng!
F. Jullien còn cho rằng “Một khi Minh triết không có lịch sử thì nó đứng tại chỗ, nó trì trệ, do đó, nó chỉ đưa ra những kiến giải tầm thường và nó nói những ý kiến mà lương tri thông thường của con người cảm nhận được, nó chỉ dừng lại ở đấy.”Quan niệm như thế cũng trái với phương Đông. Thực tế phương Đông cho thấy Minh triết có lịch sử của nó. Lịch sử của minh triết phương Đông bắt đầu muộn nhất khoảng 15.000 năm trước, khi người Hòa Bình Việt Nam thuần hóa được cây lúa nước. Nhà thực vật học người Mỹ Paul C. Mangelsdorf đã nói rất đúng: “Không có nền văn minh nào xứng đáng với tên gọi đó cho tới khi phát hiện ra nông nghiệp trồng ngũ cốc.” Khi tự trồng ra cây lúa làm lương thực, con người không còn hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, tự thấy mình tách khỏi sự hoang dã, đứng cao hơn thú vật và bắt đầu có ý thức về bản thân. Minh triết được hình thành bởi những nhà hiền minh cổ xưa nhưng chủ yếu được sản sinh, chọn lọc và tích tụ bởi những người vô danh trong dân gian, được nạp vào bộ nhớ dân gian làm nên văn hóa. Lâu dần, với bề dầy thời gian, nó trở thành yếu tố bền vững, thành phẩm chất di truyền (Phenotype) truyền lại cho con cháu qua hoạt động xã hội. Như vậy, minh triết chẳng những không chỉ là “những kiến giải tầm thường” mà cũng không hề “dừng lại ở đấy”, nó luôn tiếp thu trong sự chọn lọc nghiệm sinh những điều minh triết mới, bổ sung vào trầm tích văn hóa. Vì vậy, ở phương Đông, “Minh triết là những điều khôn ngoan, sáng suốt trầm tích trong chiều sâu nhất của văn hóa, luôn tỏa ánh sáng và sức nóng nuôi dưỡng văn hóa dân tộc.”
Hàng nghìn năm phương Tây đinh ninh cho rằng triết học = tình yêu minh triết (Phylosophia) nhưng đó là trò chơi chữ vô nghĩa. Một sự ngộ nhận chết người. Do quan niệm như thế nên người ta hy vọng rằng, khi đi tới cùng của triết học sẽ gặp minh triết. Sự thực đã không như vậy. Minh triết là minh triết mà triết học là triết học. Hai cái chẳng quan hệ gì với nhau, nếu không muốn nói là kẻ thù của nhau nên chẳng hề có chuyện “yêu đương” gì ở đây! Trong khi trường phái Pythagoras dung hợp ánh sáng mờ ảo tâm hồn, tâm linh của thần Opheus với ánh sáng trí tuệ minh nhiên của thần Apollo thì triết học đuổi thơ ca, hội họa, âm nhạc ra khỏi diễn đàn để duy nhất tôn vinh lý trí. Do vậy, cái cây triết học mọc trên mảnh đất cằn tư biện trở nên tiên thiên bất túc. Hãnh tiến với vai trò độc tôn của mình, nó không hề biết tới minh triết. Suốt 2500 năm phương Tây đã ngộ nhận, đã tự lầm lạc vì trò chơi chữ của mình. Không phải là tình yêu minh triết mà trái lại, triết học là kẻ thù, là kẻ hủy diệt minh triết: Triết học = Antisophia!
F. Jullien nói: “Trong quan hệ với chính trị, minh triết Trung Quốc cổ không có một lập trường xác định” và “Do kết cấu không có lập trường nhất định, khi thế này, khi thế nọ nên những nho sĩ Trung Quốc không bao giờ là trí thức, không phải là trí thức. Trí thức phải có lập trường.” Không ngờ một nhà Hán học thời danh mà lại hồ đồ đến thế. Thực tế không phải vậy. Nếu coi Khổng Tử là nho sĩ đầu tiên của Trung Quốc thì rõ ràng ông có lập trường và kiên quyết giữ lập trường của mình. Chính vì chú tâm truyền vương đạo, không chịu bàn đến lợi của các vương hầu mà những cuộc du thuyết của ông thất bại. Mạnh Tử cũng vì lập trường phản đối chiến tranh mà không được dùng. Khuất Nguyên can vua không được mà tự trầm. Tư Mã Thiên kiên định lập trường chép sử vì sự thật. Tiêu biểu nhất là trường hợp bốn anh em nhà Thái Sử thời Chiến Quốc. Sau khi ba người anh là Thái Sử Bá, Thái Sử Trọng và Thái Sử Thúc bị giết vì ghi dòng ”Thôi Trữ giết vua“ vào sử thì đến lượt mình, người thứ tư là Thái Sử Quý vẫn viết như vậy! Ở Việt Nam có trường hợp Chu Văn An sau khi dâng “Thất trảm sớ“ không được chấp nhận thì cáo quan, hồi hưu. Nguyễn Trãi cũng là người giữ lập trường cứu nước kiên định. Rồi Đào Duy Từ, Ngô Thì Nhậm cùng biết bao vị hưu quan vì bất đắc chí... đều là những người có lập trường chính trị kiên định. Ai đó, hình như Voltaire, trong hoàn cảnh nặng nề của phong kiến thế tập châu Âu Trung cổ, đã từng mơ ước về phương Đông dưới sự cai trị của đạo Khổng Tử, khi mà vua hôn ám thì được phép “đuổi nó đi!“ Như vậy, nói rằng trí thức phương Đông không có lập trường chính trị là không đúng sự thực. Càng sai hơn khi nói phương Đông không có trí thức!
            F. Jullien còn nói: “Minh triết phương Đông né tránh mâu thuẫn để giữ sự hài hòa; để giữ gìn hài hòa, phương Đông đi con đường vòng để tránh mâu thuẫn.“ Không phải vậy. Đúng là phương Đông coi trọng sự hài hòa đến mức coi thái hòa là chủ đạo của minh triết. Nhưng không phải phương Đông không biết giải quyết mâu thuẫn. Dịch lý nói: “Cùng tắc biến, biến tắc thông“. Phương Đông không can thiệp “ngang xương“ vào quá trình diễn biến của sự vật mà theo lẽ biến cùng, tác động một cách minh triết vào sự việc cho mâu thuẫn tự giải quyết một cách tự nhiên, nhi nhiên.
Có thể là triết gia lớn, nhưng trong môi trường văn hóa châu Âu với hàm lượng minh triết thấp cùng quan niệm coi thường minh triết, sự hiểu biết của Giáo sư F. Jullien về minh triết nói chung và nhất là minh triết phương Đông còn hạn chế. Lời khuyên của ông: “Minh triết hiện nay phải khắc phục hai nhược điểm có từ xưa, một là không tư duy bằng khái niệm thì bây giờ Minh triết phải có khái niệm. Thứ hai là về chính trị không rõ ràng thì bây giờ phải rõ ràng đối với chính trị. Minh triết ở giai đoạn này phải đưa tư tưởng vào công trường của mình để làm ra những khái niệm...“ theo tôi là xui dại. Minh triết là... minh triết, có nghĩa là sự khôn ngoan, sáng suốt tồn tại an nhiên trong cuộc sống, dưới dạng vô tư, hồn nhiên, thơ trẻ... Tuy vậy nó có sức mạnh nội tại siêu việt: ủng hộ nền chính trị vương đạo, đả phá chính trị bá đạo. Khi thấy một nền chính trị đi trật đường rầy thì minh triết phản bác nó. Ông Mác nói chí lý: “Giai đoạn cuối của sự vật, đó là sự khôi hài“. Nền chính trị khi trở thành khôi hài trong con mắt của cộng đồng thì đang bước tới hồi cáo chung. Minh triết là hòn đá thử vàng, chỉ cho cộng đồng thấy sự sai lệch chệch hướng của chính thể. Và đó là sự tham gia tích cực của minh triết vào chính trị. Đức Phật dạy: “Sư tử trùng thực sư tử nhục” có biểu hiện thái độ chính trị không? Như vậy, minh triết đứng cao hơn và điều chỉnh nền chính trị. Chính vì vậy mà phương Đông cần minh triết và minh triết được coi trọng. Nếu như minh triết biến thành khái niệm để tư duy theo khái niệm thì nó chỉ là cái bóng mờ của triết học và rồi trở nên tư biện, nghèo nàn, xơ cứng.
Hơn 2000 năm trí tuệ phương Tây bay trên hai cánh: khoa học và triết học. Triết học được tôn xưng là khoa học của khoa học, với những trường phái kế tiếp nhau bằng nhiều tên tuổi lẫy lừng, trở thành niềm tự hào của phương Tây và là vũ khí trí tuệ siêu việt thống trị phần còn lại của thế giới. Nhưng nay Triết học đã chết! Trí tuệ phương Tây chỉ còn phiêu diêu trên đôi cánh duy nhất là khoa học. Nhưng nền khoa học không có minh triết có nghĩa là không có trái tim, không có tâm hồn. Một nền khoa học mù lòa như vậy sẽ đưa nhân loại tới bờ hủy diệt.
Sau 2500 năm, có gã hiếu kỳ tới thăm pho tượng của Socrates bên bờ biển Egea. Gã nhận ra, hai ngọn đuốc trên tay ông được nối vào hai bể dầu nằm sâu trong trầm tích của văn minh Hy Lạp. Bể dầu thông với ngọn đuốc bên trái vừa khô cạn. Trong khi cái bể thông với ngọn đuốc bên phải thì từ lâu cạn khô trơ đáy nông choèn. Rồi gã chép miệng: không phải tại Socrates! Sự lạc đường của Hy Lạp là do nguồn Wisdom trong văn minh của họ quá nghèo!    
 
Tài liệu tham khảo.
1,2,3. Kim Định, Triết Lý Giáo Dục. http://vietnamvanhien.net/trietlygiaoduc.pdf
4.François Jullien. Bàn Về Minh Triết. http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm
Sài Gòn, Xuân 2019
 
CÓ PHẢI NGƯỜI HÁN LÀ “VIÊM HOÀNG TỬ TÔN?”
Truyền thuyết về nguồn gốc của người Hán ghi: “Ban đầu, Viêm Đế và Hoàng Đế cùng trong bộ tộc, do Viêm Đế làm chủ. Nhưng rồi Hoàng Đế mạnh lên, thay quyền Viêm Đế. Viêm Đế chấp nhận nhưng người thân của Viêm Đế là Si Vưu tạo phản, gây ra cuộc chiến khốc liệt. Hoàng Đế đã từng đánh mười trận mà chín trận không thắng. Nhưng rồi cuối cùng Hoàng Đế diệt Si Vưu, lập nhà nước Hoàng Đế. Do vậy, người Hán là con cháu của Viêm Đế và Hoàng Đế.” Muốn xem truyền thuyết trên đúng không, ta phải trả lời ba câu hỏi: 1. Viêm Đế là ai? 2. Hoàng đế là ai? Và 3. Người Hán là ai? 
Viêm Đế là ai?
 Ngày nay, từ nhiều tư liệu di truyền và khảo cổ, ta biết, 40.000 năm trước, do khí hậu phía bắc ấm hơn, người Việt cổ chủng Australoid từ Việt Nam đi lên Quảng Đông bắt đầu cuộc khai phá Hoa lục. Cũng thời gian này, cộng đồng người Mongoloid từ lâu sống ở Tây Bắc Việt Nam, theo đường Ba Thục đi lên chiếm lĩnh đất Mông Cổ, sau này được gọi là người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid). Từ Quảng Đông, người Việt tăng số lượng đồng thời sáng tạo đồ gốm, thuần hóa lúa nước, đưa lên xây dựng kinh tế nông nghiệp Giả Hồ ở lưu vực Hoàng Hà 9000 năm trước, Hà Mẫu Độ ở hạ lưu Dương Tử 7.000 trước. Khoảng 7000 năm trước, người Việt xây dựng văn hóa trồng kê, trồng lúa tại Ngưỡng Thiều miền Trung Hoàng Hà. Tại đây người Việt chủng Australoid tiếp xúc, hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) sống trên bờ Bắc, sinh ra chủng người Mongoloid phương Nam (South Mongoloid), sau này được gọi là người Việt hiện đại. Người Việt Mongoloid phương Nam tăng số lượng, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Truyền thuyết nói rằng, Phục Hy (4480-4369 TCN) là vị tổ đầu tiên của người Việt ở lưu vực Hoàng Hà, là người làm ra kinh Dịch. Việc phát hiện ngôi mộ 6500 năm trước ở dốc Tây Thủy, trấn Bộc Dương, Hà Nam với những biểu trưng của nhị thập bát tú, thanh long, bạch hổ, 24 tiết khí, chứng tỏ lúc này trình độ thiên văn, phong thủy, Dịch lý của người Việt đã trưởng thành. Nhiều ý kiến cho rằng ngôi mộ đó là của Phục Hy. Truyền thuyết cũng chép, sau khi Phục Hy mất, Thần Nông ra đời (3320 TCN), dạy dân họp chợ, cày cấy. Như vậy, Thần Nông là vị tổ thứ hai của người Việt sau Phục Hy và Nữ Oa. Dù có thêm gen Mông Cổ để thành chủng Mongoloid phương Nam nhưng người Việt hiện đại vẫn mang nước da đen của tổ tiên Việt Cổ. Phục Hy đen. Thần Nông cũng đen nên có tên hiệu Viêm Đế, nghĩa là vua của dân viêm nhiệt phương Nam.
  2.  Hoàng Đế là ai?
Năm 2698 TCN Hiên Viên thị dẫn các bộ lạc du mục từ bờ Bắc Hoàng Hà đánh vào Trác Lộc ở bờ Nam, chiếm đất của người Việt, lập nhà nước Hoàng Đế. Tuy chiến thắng nhưng do nhân số ít, lại vấp phải sự đánh trả mãnh liệt của người Việt nên Hoàng Đế áp dụng chính sách cai trị khôn khéo là không tiêu diệt và bắt người Việt làm nô lệ mà để họ cày cấy trên đất của mình, chịu đi lính, làm tạp dịch và đóng thuế. Ông cũng dùng văn hóa Việt phủ dụ dân bản địa. Nhờ vậy đã quy phục được người Việt. Do sống chung nên có hôn phối giữa người Mông Cổ và người Việt. Thế hệ con lai ra đời, được gọi là Hoa Hạ. Người Hoa Hạ tiếp thu hai văn hóa Mông-Việt, trở nên lớp người ưu tú, thay thế cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội, góp phần làm nên thời Hoàng kim trong lịch sử phương Đông. Tuy nhiên, lớp người Hoa Hạ chỉ tồn tại trong thời gian không lâu rồi hòa tan trong khối dân Việt đông đúc. Hoàng Đế cùng quân Mông Cổ theo ông vào Nam Hoàng Hà là người thuộc chủng Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) nên có da trắng. Để phân biệt với dân bản địa, họ gọi người Việt là Lê dân, dân đen. Đó là ban đầu nhưng rồi về sau, do nhiều lần hòa huyết, tất cả trở thành đen. Đế Khốc đen như con chim cốc. Thành Thang nhà Thương đen như hòn than. Lão Tử có nước da đen bóng. Lưu Bang tổ nhà Hán cũng đen… Do thuộc hai chủng tộc khác nhau, Hoàng Đế da trắng còn Viêm Đế da đen nên không thể được sinh ra trong cùng bộ lạc. Nói “Viêm Đế và Hoàng Đế cùng trong bộ tộc” là do người sau này đặt ra.
Điều đáng để suy ngẫm ở chỗ, vốn là kẻ xâm lăng đất Việt nhưng rồi Hoàng Đế được dân Việt tôn xưng lên địa vị rất cao và dâng tặng ông những công lao lớn, thậm chí tôn làm tổ tiên của người Trung Quốc, cùng với Thần Nông. Người Trung Quốc tự nhận là Viêm-Hoàng tử tôn. Điều này cho thấy công đức của Hoàng Đế rất lớn.
        3.  Người Hán là ai?
Cho đến nay không chỉ thế giới mà người Hán cũng không biết chính xác họ là ai! Từ những khám phá khảo cổ và di truyền mới nhất cho thấy, 7000 năm trước, người Việt chủng Mongoloid phương Nam được sinh ra tại lưu vực Hoàng Hà. Xâm lăng đất Việt, lập nhà nước Hoàng Đế, vương triều Hoàng Đế gọi dân Việt ở phía đông là Đông di, ở phía nam là Nam man. Do bị chiếm đất, một bộ phận người Việt chạy xuống Nam Dương Tử. Những lớp người di tản nối nhau xuống phía Nam, mang nguồn gen Mongoloid chuyển hóa dân cư Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam, góp phần làm nên dân cư Việt Nam. Những người ở lại lưu vực Hoàng Hà một phần thành người của nhà nước Hoàng Đế, phần còn độc lập tiếp tục kháng cự cho tới đời Thương. Sau đó giúp nhà Chu đánh nhà Thương, làm chư hầu của nhà Chu, mặc nhiên thành người Trung Quốc. Sau khi diệt nhà Tần, Lưu Bang người nước Sở xưng vương, lập nhà Hán. Người Việt nước Sở trở thành người Hán rồi được gọi là dân tộc Hán. Tuy nhiên, trên thực tế, cùng là người Việt chủng Mongoloid phương Nam được sinh ra tại lưu vực Hoàng Hà 7000 năm trước, những người chạy tới đất Việt Nam, thành người Việt Nam. Người ở lại lưu vực Hoàng Hà thành người Hán. Khi nhà Hán mở rộng cương thổ thì cả người và đất Giang Nam bị chiếm trở thành người Hán, đất Hán.
Từ thực tế trình bày trên, có thể đưa tới nhận định sau:
i.           Viêm Đế ra đời 3320 TCN (trước Hoàng Đế 600 năm) nên không thể sống cùng Hoàng Đế trong một bộ tộc ở thời điểm 2698 TCN.
ii.           Nếu là con cháu của Hoàng Đế thì người Trung Quốc chỉ ra đời sau 2698 TCN, như vậy là quá trẻ, không phù hợp tư liệu khảo cổ và di truyền học khám phá tổ tiên họ xuất hiện tại văn hóa Ngưỡng Thiều 7000 năm trước.
Tới đây, một câu hỏi cần được trả lời: Vì sao có truyền thuyết “Viêm Hoàng tử tôn?” Có thể lý giải như sau. Người Trung Quốc vẫn ghi nhớ tổ của mình là Thần Nông. Nhưng rồi khi lớp người Hoa Hạ “vang bóng một thời,” quá oai phong nên nhiều người cũng tự nhận mình là Hoa Hạ. Nhưng nếu là Hoa Hạ thì tổ phải là Hoàng Đế. Những người “Hoa Hạ tự phong” này vừa muốn có tổ Hoàng Đế nhưng lại không bỏ tổ Thần Nông nên sáng tạo ra tổ kép chưa từng có tiền lệ Viêm - Hoàng. Từ đó, dùng quyền sáng tạo huyền thoai, bỏ qua khoảng cách thời gian giữa hai vị, “thỉnh” Thần Nông từ 600 năm trước về sống cùng Hoàng Đế trong một bộ tộc, vào đúng thời điểm của cuộc chiến Trác Lộc 2698 TCN. Thấy kẻ sang bắt quàng làm họ là chuyện người ta thường tình nên nhiều người hùa theo, đến cả con cháu Hốt Tất Liệt nhà Nguyên hay hậu duệ Ái Tân Giác La nhà Thanh sau này cũng nhận là Hoa Hạ, là Viêm Hoàng tử tôn. Từ đó cả dân tộc lầm lẫn nhận một tổ tiên ảo!
Truyền thuyết không phải là lịch sử mà là ánh xạ của lịch sử, giống như ngôi sao đã tàn gửi lại ánh sáng để vũ trụ biết về kiếp sống của mình. Vì vậy, con người từng giải mã huyền thoại để tìm lại lịch sử. Nhưng nay, khi tích lũy được tri thức cần thiết, con người dùng tư liệu lịch sử để giải mã huyền thoại, giúp cho nhận thức của của mình về quá khứ sâu sắc hơn. Tuy nhiên huyền thoại muôn đời vẫn là huyền thoại. Việc chối bỏ huyền thoại hay giải thích khiên cưỡng huyền thoại sẽ khiến cho không chỉ trí tuệ mà cả tâm hồn con người trở nên nghèo nàn thô thiển. Việc người Trung Quốc dựng tượng Viêm Đế và Hoàng Đế bên bờ Hoàng Hà là một ví dụ. Khi tước bỏ phần huyền ảo của huyền thoại, bức tượng phô ra sự thật trần trụi về óc nông cạn của con người vô minh chẳng biết tổ tiên là ai!
 
Phê bình bài “Khảo sát chuyện Ngũ Đế phía nam vỗ về Giao Chỉ”*
 
Dẫn nhiều tư liệu, tác giả Tống Hội Quần cố chứng minh: “Không có địa danh Giao Chỉ mà chỉ có giống người Giao Chỉ man di ở phương Nam, từng được các hoàng để Trung Hoa vỗ về.”
Chúng tôi xin thưa lại đôi điều:
1.       Về thuật ngữ “giao chỉ”
Theo chúng tôi hiểu, “giao” có nhiều nghĩa nhưng trong tập hợp này, nó có nghĩa là “giao giới.”Trong khi đó, “chỉ” có nghĩa là “chỉ giới.”Vậy “giao chỉ”là ranh giới, hẹp là giữa hai mảnh đất còn rộng, là giữa hai quốc gia. Ranh giới Trung Hoa được xác lập bằng bốn điểm xa nhất theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong đó biên địa phía Nam được gọi là Nam Giao, cũng gọi là Giao Chỉ. Theo thông lệ, sau khi lên ngôi, hoàng đế Trung Hoa sai quan mang bản đồ kinh vĩ tới bốn điểm xa nhất theo bốn phương để kiểm tra, xác định chủ quyền, vẽ lại bản đồ quốc thổ. Ban đầu có thể vị quan đó đóng cột mốc để định vị. Nhưng sau thấy biên giới thường xuyên được nới ra nên các mốc chủ quyền chỉ là tạm thời. Mặt khác, không ít trường hợp dân vùng bị chiếm nổi dậy, dựa vào cột mốc đòi lại đất cũ khiến triều đình khó xử nên sau không đóng cột mốc, không xác định “giao chỉ” nữa mà chủ trương: “Dân tới đâu thì nước tới đó.” Do vậy, “giao chỉ”được coi như cột mốc di động dịch chuyển theo sự mở rộng của vương triều. Vào thời Nghiêu, Thuấn, kinh đô ở vùng Bồ Phản Sơn Tây nên có lẽ “giao chỉ” nằm ở Trung bộ Hà Nam. Quốc gia luôn được mở rộng, nên “giao chỉ” là vùng mới chiếm được của người Tam Miêu, Cửu Lê, dân chưa tuân phục, thường nổi lên chống lại. Vì vậy, Nghiêu, Thuấn vừa phải đánh dẹp (dẹp Tam Miêu, đầy đi tam phục, ngũ phục – kinh Thư) vừa vỗ về dân chúng. Có thể trong những cuộc tuần du, Nghiêu Thuấn tới trung bộ Hà Nam, vừa đánh dẹp vừa phủ dụ dân vùng “giao chỉ” biên địa. Phải tới đời Thương, Bàn Canh mới chiếm được đất An Dương của người Việt. Điều này cho thấy, ghi chép trong Thượng thư là thật. Thời Xuân Thu, “giao chỉ” còn ở trong địa vực nước Sở, Bắc Dương Tử. Theo đà bành trướng lãnh thổ, “giao chỉ” ngày càng lui dần xuống phía Nam. Chỉ tới thời Hán Vũ Đế, nhận thấy biên địa đã quá xa, không còn mở thêm được nữa mới đóng cái cột mốc xuống châu thổ sông Hồng, tạo nên địa danh cố định Giao Chỉ duy nhất trong đế quốc. Các sử gia thời sau chỉ thấy địa danh “Giao Chỉ” ở Việt Nam, lại không suy xét kỹ mà máy móc theo sách cổ “Phía Nam Giao chỉ có Việt Thường thị…” nên viết liều “Việt Thương thị miền Cửu Chân.”
2.       Về giống dân “giao chỉ.”
Do vô minh, không biết tổ tiên là ai nên người Hán tự cho mình là tộc người thượng đẳng còn xung quanh là man di. Trong ám ảnh của tư duy bệnh hoạn ấy, lại không hiểu ý nghĩa của “giao chỉ”nên họ tưởng tượng ra “giao chỉ”là giống người quái dị, “nằm quay đầu vào, hai chân chéo nhau…”Cũng có khi cho “giao chỉ” là giống người “có hai ngón chân cái tẽ ra và giao với nhau…”Đó là chuyện ấu trĩ của ngày xưa, chả chấp làm gì! Nhưng hôm nay, giữa thời đại @, thời đại DNA xác định toàn bộ dân cư châu Á cùng một chủng Mongoloid phương Nam, mà còn tin vào chuyện tầm phào nhảm nhí đó thì tác giả họ Tống dù vì bất cứ lý do nào cũng tỏ ra quá coi thường người đọc và trước hết tự xem nhẹ phẩm giá học thuật của mình.
3.       Về những dẫn chứng khảo cổ học.
Để tỏ ra “khoa học,”ông Tống Hội Quần dẫn ra khá nhiều bằng chứng khảo cổ học để chứng minh “ảnh hưởng từ Trung Nguyên xuống phía Nam.” Tuy nhiên do không hiểu bản chất của những di chỉ khảo cổ đó khiến cho tác giả rơi vào thảm cảnh “gậy ông đập lưng ông.”Do kiến thức nửa vời, chắp vá nên ông không hiểu rằng, những di chỉ khảo cổ mình dẫn ra là những nền văn hóa đá mới do người Lạc Việt sản sinh trước khi Hiên Viên, thủy tổ dân Hoa Hạ ra đời. Không những thế, tuổi của các di chỉ cho thấy chiều hướng chuyển dịch văn hóa từ phía Nam lên. Ông cũng không biết rằng, năm 2016, sau 80 năm khai quật và khảo cứu văn hóa Lương Chử, các học giả hàng đầu Trung Quốc tuyên bố thông tin gây chấn động: “Văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Hoa!”Vâng, văn hóa Lương Chử của người Lạc Việt, những người “man mọi,” 7000 năm trước sinh ra lứa con bây giờ được gọi là người Hán!
        4. Kinh nghiệm cho thấy, hầu hết những văn bản Trung Hoa hiện đại liên quan tới lịch sử văn hóa Việt Nam đều chỉ mượn “nước vỏ lựu, máu mào gà” học thuật để truyền bá chủ nghĩa bá quyền Đại Hán nhằm xuyên tạc lịch sử văn hóa Việt Nam, xúc phạm dân tộc Việt Nam, kìm hãm người Việt trong vòng ngu dân. Do vậy, khi dịch tài liệu Trung cộng phải hết sức cảnh giác. Bên cạnh bản dịch cần có ý kiến phản biện, vô hiệu hóa những ý đồ độc hại được cài cắm trong đó. Nếu không, vô hình trung người dịch trở thành cái loa quảng cáo không công cho nọc độc bá quyền Trung cộng.
Sài Gòn, cuối Thu 2019
 
*Nguyên tác tiếng Trung: Tống Hội Quần, giảng viên Khoa Du lịch của Học viện Thiều Quan tỉnh Quảng Đông *Dịch và chú thích tiếng Việt: Tích Dã
 
MỘT HÀNH ĐỘNG XUYÊN TẠC LỊCH SỬ, XÚC PHẠM TỔ TIÊN
Lâu nay nghe dư luận xôn xao: người Trung Quốc khuyên dân Việt “lãng tử hồi đầu!” Nghĩ rằng đó là việc rất nghiêm trọng, vừa xuyên tạc lịch sử vừa xúc phạm tổ tiên, chắc cơ quan chức năng như Tuyên giáo, Hội Sử phải nhanh nhạy ra tay... Nhưng chờ mãi chỉ thấy im ắng, dường như chẳng có vấn đề, không đáng chấp! Trong khi đó dân tình nháo nhác, không hiểu do cơn cớ nào người ta khuyên như vậy và khuyên vậy là có ý gì? Mới đây người bạn chuyển cho bài Bác bỏ luận điệu Trung Quốc khuyên Việt Nam ‘Lãng tử hồi đầu’ trên Nghiên cứu quốc tế, bảo đọc rồi cho ý kiến nên chúng tôi viết bài này.
                                                                                    *
Vào đầu thế kỷ XXI, di truyền học phát hiện loài người xuất hiện ở châu Phi khoảng 200.000 năm trước rồi từ đó lan tỏa ra thế giới, làm nên nhân loại. Riêng việc con người đến châu Á, giữa các nhà di truyền lại có hai quan điểm khác nhau. Phái con đường phương Nam cho rằng, từ châu Phi, người tiền sử sang bán đảo A Rập rồi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam 70.000 năm trước. 40.000 năm cách nay, nhờ khí hậu ấm hơn, người từ Việt Nam đi lên Đông Á. Từ Đông Á có một dòng rẽ sang phía Tây, tới Trung Á rồi vào châu Âu. Tại đây họ gặp người Europid từ Trung Đông tới. Hai dòng người hòa huyết cho ra tổ tiên người châu Âu. 30.000 năm trước, từ Đông Á người tiền sử vượt qua eo Bering chiếm lĩnh châu Mỹ. Dòng di cư này làm nên đại bộ phận loài người ngoài châu Phi. (1)
Đối chọi với nó là phái chủ trương con đường phương Bắc, cho rằng, có chuyến di cư theo con đường phương Nam nhưng chuyến ra đi 45.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi, vào Trung Đông, lên Trung Á rồi sang phương Đông mới quan trọng vì tạo ra đại bộ phận nhân loại ngoài châu Phi. (2)
Nhiều nhà di truyền Trung Quốc theo trường phái con đường phương Bắc, cho rằng, người từ châu Phi vào Trung Quốc tạo nên cộng đồng Bách Việt mà người Hán là trung tâm. Dựa theo cổ thư viết: “ Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt, một bộ phận người Việt chạy vào Bắc Việt Nam, trở thành người Việt Nam.” Từ “khám phá lịch sử” đó dẫn tới chủ trương kêu gọi đám con đi hoang hãy trở về nhà!
Tuy nhiên đó là sự lầm lẫn ê chề của giới khoa học. Thực tế khảo cứu cho thấy, có con đường phương Bắc nhưng dòng di cư này không hề làm nên dân cư Đông Á. Ở trên chúng tôi nói, 40.000 năm trước, có dòng người từ Đông Á qua Trung Á vào châu Âu. Khoảng 15.000 năm trước, một dòng người từ châu Âu qua Trung Á, đi ngược lại con đường cũ để tới phương Đông.(1) Nhưng khoảng 10.000 năm trước, người ở phía Tây Hoa lục đã đông và có những bộ tộc du mục dũng mãnh như bộ tộc Tần đã ngăn không cho người di cư phương Tây vào Trung Quốc. Đoàn di cư này buộc phải chia đôi: một bộ phận trượt xuống Tây Nam, trở thành dân thiểu sổ Uighur sau này. Một nhánh lên phía Bắc rồi tới Đông Bắc Trung Quốc, làm nên các sắc dân thiểu số ở Bắc Trung Quốc hiện nay. Thất bại trong việc xâm nhập Trung Quốc nhưng về mặt di truyền, cuộc di cư vẫn để lại những dấu hiệu (marks) trong bộ gen của dân cư. Do vậy, một số nhà di truyền học khi khảo sát bộ gen con người đã sa vào cái bẫy của cuộc xâm nhập bất thành. Nếu dòng di cư này vào được Hoa lục, sẽ để lại ba hệ quả:
i.                     Người Trung Quốc phải mang mã di truyền Ấn-Âu mà không phải Mông Cổ phương Nam như hiện nay.
ii.                   Người Trung Quốc sẽ có chỉ số đa dạng sinh học (Bio-diversity) cao nhất châu Á (sinh vật có tuổi sinh học càng già tức càng gần tổ tiên thì chỉ số đa dạng sinh học càng cao.) Trong khi thực tế cho thấy, chỉ số đa dạng sinh học của người Hán gần như thấp nhất châu Á.
iii.                  Với con đường di cư từ Tây Bắc xuống Đông Nam như vậy, mặc nhiên những di chỉ khảo cổ ở Tây Bắc sẽ có tuổi cao hơn và tiến bộ hơn các di chỉ ở Đông Nam. Tuy nhiên, sự thực ngược lại. Những di chỉ khảo cổ phía Nam không chỉ sớm hơn mà còn tiến bộ hơn so với ở Tây Bắc. Năm 2016, sau 80 năm khai quật và nghiên cứu văn hóa Lương Chử vùng Thái Hồ, học giả Trung Quốc kết luận: “Nhà nước Lương Chử sớm và tiến bộ nhất phương Đông. Triều đại Hạ và Thương trước đây được coi là sớm nhất, nay phải trả lại danh hiệu đó cho Lương Chử.”Và “Văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Quốc.”(3)
Kết luận được rút ra là không có chuyện người châu Phi theo con đường phương Bắc làm nên dân cư Đông Á.
Trên thực tế, chỉ có duy nhất con đường phương Nam đưa người tiền sử tới Việt Nam 70.000 năm trước làm nên dân cư châu Á. Tại đây hai đại chủng Australoid và Mongoloid hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Người Indonesian chiếm đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ, sau này được gọi là Lạc Việt. Cũng có một số nhóm người Mongoloid do “thiếu tinh thần tập thể” không chịu chơi với ai nên đi tới Tây Bắc Đông Dương và sống cách biệt trong môi trường lạnh giá. 40.000 năm cách nay, do khí hậu ấm lên, người từ Việt Nam đi lên Quảng Đông rồi lan tỏa ra trở thành dân cư Hoa lục. Tại di chỉ Điền Nguyên Động thành phố Chu Khẩu Điếm phát hiện xương chân người đàn ông 40.000 năm tuổi, được xác nhận là tổ tiên người Đông Á và là thủy tổ người châu Mỹ bản địa (4) Riêng nhóm người Mongoloid từ Tây Bắc Đông Dương theo hành lang phía Tây đi lên Tây Bắc Trung Quốc và đất Mông Cổ. Ban đầu họ sống bằng săn bắn hái lượm. Khi kỷ Băng hà kết thúc, họ chuyển sang du mục ở bờ Bắc Hoàng Hà. Do giữ được nguồn gen thuần chủng nên sau này được gọi là chủng Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid). Khoảng 9000 năm trước, tại lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử, dân Việt đã đông, làm nên nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa, trồng kê, nuôi gia súc ở Giả Hồ Hà Nam... Khoảng 7000 năm trước, tại bờ Nam Hoàng Hà, người Việt Australoid gặp gỡ người du mục Mông Cổ bên bờ Bắc để trao đổi hàng hóa. Việc hôn phối luyến ái diễn ra, lớp con lai Mông-Việt ra đời, mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. (5) Người Mongoloid phương Nam tăng số lượng, dần thay thế người Australoid, thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Họ sáng tạo văn hóa Long Sơn, xây dựng hai trung tâm văn hóa rực rỡ Thái Sơn và Trong Nguồn (đồng bằng Hán Thủy), sau này được gọi là người Hán. 
Khoảng giữa thiên niên kỷ III TCN, một bộ phận người Việt từ lưu vực Hoàng Hà di cư về phương Nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa dân cư Nam Dương Tử và Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam. Từ khoảng 2000 năm TCN, đại bộ phận người Việt Nam mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Như vậy, người Việt Nam và người Trung Quốc trước đây cùng chủng tộc Australoid thì từ 2000 năm TCN cùng chủng tộc Mongoloid phương Nam. (6)Tuy nhiên, vì người Việt Nam được sinh ra từ tổ tiên 70.000 năm trước nên có tuổi sinh học già hơn do đó có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á.
Do được hình thành như vậy, nên tiếng Lạc Việt là tiếng nói chung của dân cư phương Đông. Nhưng ở lưu vực Hoàng Hà, do tiếp xúc với người Mông Cổ nên tiếng nói chuyển theo cách nói Mông Cổ (phụ trước chính sau) đồng thời biến âm theo giọng Mông Cổ. Còn chữ viết thì chữ Giáp cốt xuất hiện 9000 năm trước ở văn hóa Giả Hồ. Khoảng 4000 năm trước, tại Cảm Tang, Lương Chử, chữ Giáp cốt đã trưởng thành. Vào đời Thương 1300 năm TCN, Giáp cốt văn được nâng cấp, sau đó được chuẩn hóa thành văn tự chính thức của Trung Quốc. Như vậy, về bản chất, tiếng Việt là chủ thể làm nên ngôn ngữ Trung Hoa, chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa, văn hóa Việt là chủ thể của văn hóa Trung Quốc.
Bách Việt là gì? Sách đầu tiên nói về Bách Việt là cuốn Lã thị Xuân Thu, cho biết: năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt, con cháu vua Việt là đầu lĩnh từng vùng, cùng đứng lên lập quốc, lấy tên đất làm tên nước, như Mân Việt, Đông Việt… bên cạnh những nước Việt có từ trước như Lạc Việt và những nước Việt trên đất Thái Lan, Miến Điện ngày nay. Cố nhiên, trong chiến tranh con người phải chạy loạn. Nhưng không hề có chuyện dân nước Việt chạy xuống thành người Việt Nam. Bởi lẽ, người Giang Nam và người Việt Nam đều là Lạc Việt, cùng mã di truyền Mongoloid phương Nam từ 2000 năm trước. Dân số Việt Nam lúc này đã đông nên vào đầu thời  thuộc Hán, nhiều hơn số dân hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Bách Việt là những nước nhỏ, riêng lẻ chỉ tồn tại 200 năm (333-111 TCN). Sau này, các sử gia nhà Hán căn cứ theo tên Việt, gộp thành Bách Việt. Lạc Việt cũng được gộp vào Bách Việt một cách tự nhiên như vậy. Khi Bách Việt ra đời thì người Tần chưa vượt qua Dương Tử nên nói rằng “người Hán là trung tâm của cộng đồng Bách Việt” là không đúng sự thật.
Dù thừa nhận hay không thừa nhận thì cũng không ai có thể phủ định sự thật này:
1.       Đất Việt Nam là nơi phát tích của tất cả các dân tộc châu Á.
2.       Ra đời từ 70.000 năm trước nên người Việt Nam gần với Tổ tiên nhất, có tuổi sinh học cao nhất. Sinh ra từ 7000 năm trước, người Hán là lứa con cháu muộn mằn của tộc Việt.
3.       Do cội nguồn như vậy nên tiếng Việt là chủ thể làm nên ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa. Văn hóa Việt là chủ thể làm nên văn hóa Trung Hoa.
Từ sự thực trên, việc khuyên người Việt Nam “lãng tử hồi đầu” là việc làm xuyên tạc lịch sử, đảo lộn tôn ty, xúc phạm Tổ tiên. Những kẻ vô hậu như vậy sẽ bị quả báo.
                                                                                                                
 Sài Gòn, Thu 2019
 
Tài liệu tham khảo.
1.   Stephen Oppenheimer. Out of Eden: The Peopling of the World.
2.  Spencer Wells. The Journey of Man: A Genetic Odyssey
 https://www.amazon.com/Journey-Man-Genetic.../dp/069111532X   3.良渚文化_动百科  www.baike.com/wiki/
4.  Sergio Prostak. DNA Analysis Reveals Common Origin of Tianyuan Humans and Native Americans, Asians. Jan 24, 2013 
 http://www.sci-news.com/othersciences/anthropology/article00842.html
5.   15. YANGSHAO CULTURE (5000 B.C. to 3000 B.C.) | Facts and Details
factsanddetails.com/china/cat2/sub1/item32.html
6.   Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội Nhà văn, H.2016
7.  Chuan-Chao Wang, Hui Li. Inferring human history in East Asia from Y chromosomes,  https://investigativegenetics.biomedcentral.com/articles/10.1186/2041-2223-4-11
 
Có mặt ở Việt Nam 2000 năm, là tôn giáo lớn với hàng triệu tín đồ, hàng chục kinh điển nhưng Phật giáo dường như vẫn hoạt động mò mẫm với những vấn đề cốt lõi chưa được minh định: Nguồn gốc thực sự của Đức Phật là gì? Nguyên nhân nào khiến Phật giáo bị đánh bật khỏi đất Ấn Độ? Đạo Phật tà tôn giáo ngoại lai hay bản địa? Tam giáo đồng nguyên là gì? Phật giáo Việt Nam quan hệ thế nào với Phật giáo nguyên thủy? Phật giáo Việt Nam quan hệ thế nào với Phật giáo Trung Quốc? Phật Bà Quan Âm có vai trò ra sao trong tín ngưỡng Phật giáo? Linh hồn có không? Tịnh độ phải chăng là mê tín…? Do những vấn đề sống còn đó chưa được tường minh nên cho đến nay, Phật giáo vẫn hoạt động theo quán tính của quá khứ, trong sự mâu thuẫn nội tại vô phương hóa giải. Những vấn đề trên thuộc về lịch sử của Phật giáo; mà lịch sử Phật giáo nằm trong lịch sử nhân loại và lịch sử dân tộc. Cho tới cuối thế kỷ XX, nhân loại nói chung và dân tộc Việt nói riêng chưa có cuốn sử chân thực của mình nên những câu hỏi bức xúc trên chưa có lời giải.
Chỉ sang thế kỷ XXI, với những khám phá chân thực, khoa học về nguồn gốc loài người và quá trình hình thành dân tộc Việt, chúng ta mới có điều kiện trả lời những câu hỏi trên. Dựa vào tri thức mới của nhân loại, chúng tôi xin trình bày bước đầu khảo cứu về những vấn đề quan yếu này.
 
I. VỀ NGUỒN GỐC CỦA PHẬT THÍCH CA VÀ ĐẠO PHẬT.
Cho đến nay ta chỉ biết về cội nguồn Phật Thích Ca với những dòng vắn tắt: “Dòng Thích ca vốn là vương tộc, cai trị một trong 16 vương quốc của Ấn Độ thời bấy giờ, ngày nay thuộc miền Nam Nepal. Kinh đô thời đó là Ca-tì-la-vệ , là nơi Phật sinh ra và trưởng thành. Vua cha là Tịnh Phạn, trị vì tiểu vương quốc Thích-ca. Thời bấy giờ, tiểu vương quốc dòng Thích-ca có một hội đồng trưởng lão tham gia quốc sự, nhưng vương quốc này bị phụ thuộc vào nước Kiêu-tát-la (sa. kośala). Ngay trong thời Phật còn tại thế, tiểu vương quốc Thích-ca bị một quốc vương của Kiêu-tát-la đem quân xâm chiếm và tiêu diệt gần hết” (Wikipedia-tháng 4. 2010). Sử sách không cho ta biết cội nguồn xa hơn về chủng tộc của Ngài vì vậy không thể biết chiều sâu của nền văn hóa đã sinh ra Ngài.
Theo những khám phá khoa học từ đầu thế kỷ XXI thì người hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở Đông Phi 195.000 năm trước. Khoảng 70.000 năm trước, người từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ di cư tới đất Việt Nam. Ở đây, người Việt cổ thuộc chủng Indonesian hình thành, sau này được gọi là người Lạc Việt. Khoảng 50.000 năm trước, người Lạc Việt Indonesian từ Đông Dương sang chiếm lĩnh Ấn Độ, trở thành dân cư bản địa, sau này được gọi là người Dravidian. Khoảng 10 - đến 15.000 năm trước, trong những cuộc di cư tiếp theo, người Việt mang công cụ đá mới cùng lúa nước tới, phát triển nông nghiệp ở Ấn Độ, mà đỉnh cao là văn hóa sông Indus từ khoảng 3000 - 1800 năm TCN. Là dân cư gốc Việt, người Dravidian mang bản sắc của văn hóa Việt, với thế giới quan “tham thiên lưỡng địa”, nhân sinh quan “nhân chủ thái hòa, tâm linh”… Chính văn hóa Việt đã làm nảy sinh quan niệm về “sự quân bình giữa các yếu tố của tự nhiên và tập quán tôn trọng phụ nữ” trên đất Ấn, giống như hiện tượng từng thấy nơi người bản địa Indian ở Caduevo phía Bắc Canada theo phát hiện của Levi Strauss trong cuốn Nhiệt đới buồn. Trong tác phẩm Văn học Phật giáo, tiến sĩ Lê Mạnh Thát cho rằng, ý tưởng “một bọc trăm trứng” là từ kinh Phật được đưa vào truyền thuyết Việt. Nhưng thực ra, có cơ sở để khẳng định, truyền thuyết “một bọc trăm trứng” xuất hiện ở kinh đô Lương Chử của nhà nước Xích Quỷ khoảng 3000 năm TCN rồi từ đất Việt truyền vào văn hóa Dravidian để sau đó nằm trong kinh Phật.
Khoảng 1.500 năm TCN, người Aryan từ Ba Tư xâm lăng Ấn Độ. Họ là những bộ lạc du mục hùng mạnh và tàn bạo. Tới Ấn Độ, người Aryan cướp đoạt của cải, đất đai, tàn sát và bắt người Dravidian bản xứ làm nô lệ. Họ cũng mang tới Ấn Độ chữ Phạn, xã hội đẳng cấp, kinh Veda cùng đạo Bàlamôn, tôn giáo chứng minh cho sự hợp lí của tình trạng bất bình đẳng giai cấp.
Khoảng 500 năm TCN, Đức Phật ra đời. Hoàn cảnh của Đức Phật có những điều đặc biệt. Là hậu duệ của chủng Dravidian bản địa, nhưng là dòng dõi hoàng tộc danh tiếng và có liên hệ hôn nhân với một hoàng tộc có thế lực người Aryan, dòng họ Thích-ca khôn ngoan vẫn giữ được lãnh địa cùng ngôi vị của mình. Ở thời điểm khi Đức Phật ra đời, kinh Veda mất đi tính thiêng liêng để trở thành những nghi lễ cứng nhắc. Một cải cách tôn giáo đã đưa ra tôn giáo mới Áo nghĩa thư (Upanishad) nhân bản hơn, cởi mở hơn trong phân biệt giai cấp. Là người có tư chất đặc biệt, được giáo dục tốt, thái tử Tâtđạtđa thấm đẫm trong mình văn hóa của dòng giống Dravidian đồng thời hấp thụ tinh túy của Veda và Upanishad, đã tìm cách cứu vớt chúng sinh.
Đức Phật là một nhà cách mạng thực thụ và cuộc thập tự chinh chống lại Bàlamôn của ngài giành được sự ủng hộ hăng hái của các đẳng cấp bị áp bức. Thách thức thiên tính của kinh Veda, nền tảng của Bàlamôn, Ngài cho rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và hệ thống đẳng cấp mà kinh Veda và những kinh sách Bàlamôn khác đã cho xử phạt tôn giáo, là hoàn toàn sai. Trong kinh Nikaya, Đức Phật đã hô hào các nô lệ rằng: " … Như những con sông lớn, khi đã hòa mình vào đại dương, thì tên gọi khác nhau không còn và được gọi là đại dương. Chỉ cần như vậy, các anh em varnas-Kshatriya, Bàlamôn, Vaishya và Sudra - khi bắt đầu thực hiện theo các giáo lý và kỷ luật của Như Lai, từ bỏ tên của các đẳng cấp khác nhau, xếp hàng và trở thành thành viên của một và cùng một xã hội... "
Nhờ được hậu thuẫn của hoàng tộc và sự ủng hộ của tầng lớp nghèo khổ chiếm số đông trong xã hội, đạo Phật được phổ biến rộng khắp lục địa Ấn Độ và lan sang các quốc gia Đông Á. Từ cội nguồn của Phật Thích Ca cũng như tính nhân bản của đạo Phật cho thấy, đạo Phật là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp Việt tộc nảy sinh trong điều kiện lịch sử và văn hóa đặc thù của Ân Độ.  
 
II. VIỆC ĐẠO PHẬT BỊ TRỤC XUẤT KHỎI ẤN ĐỘ
Một sự kiện lớn của lịch sử mà cho tới nay chưa được làm sáng tỏ: vì lý do gì, sau 18 thế kỷ thống trị, đạo Phật biến mất khỏi Ấn Độ? Có ý kiến cho rằng, do nhiều nhà sư hư hỏng, xuống cấp về đạo đức khiến đạo Phật suy thoái nhưng chủ yếu do cuộc xâm lăng của người Hồi giáo từ Afganistan xảy ra vào thế kỷ XI đã triệt phá chùa chiền và tiêu diệt các nhà sư. Tuy nhiên, những lý do nêu trên không phải nguyên nhân chủ yếu. Theo tác giả Naresh Kumar[1], lý do đưa tới sự diệt vong của đạo Phật ở Ấn Độ chính là cuộc phục thù của Bàlamôn giáo. Là sản phẩm của văn minh du mục, Bàlamôn là tôn giáo chủ trương phân chia giai cấp và bảo vệ lợi ích của tầng lớp trên. Khi bị đạo Phật loại khỏi vũ đài, tầng lớp tăng lữ Bà la môn kiên trì tìm cách khôi phục địa vị vốn có của mình. Họ làm những cải cách tôn giáo, đưa một số giáo lý của đạo Phật vào Bàlamôn và biến Thích Ca thành một trong các vị thần Bàlamôn để tranh thủ tín đồ và vô hiệu hóa đạo Phật. Cũng trong quá trình này, xã hội Ấn có những biến đổi đưa những đặc trưng du mục trở thành chủ đạo. Tầng lớp thống trị vì bảo vệ lợi ích của mình đã câu kết với giới tăng lữ Bàlamôn đàn áp Phật giáo một cách khốc liệt và cuối cùng vào đầu thế kỷ XIII trục xuất Phật giáo khỏi Ấn Độ. Một tấn bi kịch của lịch sử: bị xâm lăng, người Dravidian không chỉ mất đất đai, lịch sử, văn hóa mà còn mất cả tôn giáo của mình!
Chúng tôi cho rằng, có lẽ cách giải thích như vậy gần sự thực hơn cả. Từ cuộc xâm lăng của người Arian, Ấn Độ diễn ra quá trình từ xã hội nông nghiệp nhân bản của Việt tộc chuyển hóa sang văn minh du mục của người Arian. Thời gian 1800 năm tồn tại của Phật giáo là giai đoạn giao thời của quá trình chuyển hóa ấy. Ấn Độ vốn là xã hội nông nghiệp truyền thống với nền văn hóa nông nghiệp phát triển. Cuộc xâm lăng của người Arian từ Ba Tư tràn sang đưa tới sự xáo trộn xã hội lớn, buộc người nông dân Dravidian bị tước đoạt phải kháng cự để bảo vệ quyền sống của mình. Trước sức kháng cự này, giáo điều nghiêm khắc của đạo Bà La môn buộc phải thích ứng, dung dị hóa trở thành Upanishad. Cùng với nó là Phật giáo mang tinh thần nhân bản, bác ái của văn hóa nông nghiệp ra đời, làm dịu mâu thuẫn xã hội, đưa lại hạnh phúc cho công chúng đông đảo. Nhưng rồi, như quy luật tất yếu của lịch sử, nền kinh tế nông nghiệp truyền thống ngày một suy giảm hiệu quả, tầng lớp thương nhân và thủ công nghiệp theo bản năng văn minh du mục phát triển mạnh dần, tạo ra giai tầng ngày một giầu có. Tăng lữ Bà la môn làm cuộc quật khởi đàn áp Phật giáo trong sự tiếp tay mạnh mẽ của các vua chúa, quý tộc. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ như vậy, xã hội bị phân tầng khốc liệt. Tầng lớp nghèo khổ mất hết vai trò trong xã hội, tầng lớp trung gian phần bị mua chuộc, phần bị đe dọa nên xa rời đạo Phật. Khi không còn cơ sở xã hội, không còn quần chúng, Phật giáo không còn đất sống ngay trên quê hương mình, buộc phải mang số phận một tôn giáo lưu vong.
 
III. PHẬT GIÁO DU NHẬP ĐÔNG Á
1.   Đạo Phật ở Trung Quốc
Một câu hỏi nảy sinh: vì sao tại Đông Á, đạo Phật lại phát triển rực rỡ vậy? Người ta đưa ra nhiều lý do nhưng theo chúng tôi, nguyên nhân quan trọng nhất trong các nguyên nhân là đạo Phật trở về nguồn cội của mình, trong môi trường văn hóa nông nghiệp nhân bản của tộc Việt. Từ đầu Công nguyên, qua các thuyền buôn Ấn Độ, Phật giáo du nhập Việt Nam. Các nhà sư đã dịch kinh Phật sang chữ Hán, lập trung tâm Phật giáo Luy Lâu rồi sang truyền đạo ở Nam Trung Quốc. Khoảng cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI, vào thời Lương, Bồ-đề-đạt-ma vị tổ truyền thừa đời thứ 28 của Đức Phật Thích Ca đưa Phật giáo sang Trung Quốc.
Trong cuốn Nhiệt đới buồn in năm 1954, nhà nhân học lớn Levis Strauss khám phá sự thật quan trọng:  “Tới cuối thời Đá mới, nhân loại đã đạt tới đỉnh cao nhất về văn hóa tinh thần mà các thời đại sau này chỉ là sự lặp lại, không sáng tạo điều gì mới.” Sự tích tụ về tinh thần của toàn nhân loại tới thế kỷ VI-V TCN bừng nở thành hiện tượng đặc biệt trong lịch sử, được gọi là Thời Trục (période axiale) với ý nghĩa là bước chuyển mình của nhân loại trở nên trưởng thành vượt bậc về tư tưởng bằng việc xuất hiện những “con người khổng lồ” như Plato, Socrates ở phương Tây, Phật Thích Ca ở Ấn Độ còn Trung Quốc có Lão Tử và Khổng Tử… Lão Tử người Lạc Việt nước Sở. Khổng Tử người nước Lỗ vốn là bộ tộc Đông Di người Lạc Việt. Cả hai vị thấm nhuần văn hóa nông nghiệp nhân bản Việt tộc đã khai sinh Lão giáo và Nho giáo, hai tôn giáo lớn và ảnh hưởng sâu rộng ở phương Đông.
Hai nghìn năm nay, người ta lầm tưởng rằng, Phật giáo là tôn giáo ngoại lai. Nhưng về bản chất, như trình bày ở trên, Phật giáo là tôn giáo của người Lạc Việt Indonesian được sinh ra trong môi trường văn hóa Ấn Độ. Khi sang Đông Á, “trở về mái nhà xưa,”Phật giáo sống hài hòa trong môi trường văn hóa quen thuộc của cố hương. Sách vở nói rằng, Huệ Năng Tổ thứ sáu, kết hợp giữa thiền Ấn Độ và truyền thống đạo Lão, được xem là một trường phái đặc biệt "nằm ngoài giáo pháp nguyên thuỷ". Không chỉ vậy, với hệ thống kinh tạng được chuyển sang Hán ngữ, nhiều tăng sỹ là nhà thơ, nhà Hán học uyên thâm, Nho giáo cũng giao hòa cùng Phật giáo. Từ đó nảy sinh “tam giáo đồng nguyên.” Suốt thời gian dài, Nho, Phật, Lão đồng nguyên vốn được hiểu là đồng nguyên về phương diện triết học: Đạo của Lão là Thái cực của Nho, là Chân như của Phật và cùng là bản thể vũ trụ. Tuy nhiên, có cái đồng nguyên khác mà hôm nay mới khám phá ra: Người Lạc Việt đi lên lưu vực Hoàng Hà, Dương Tử sinh ra Lão Tử, Khổng Tử rồi đạo Lão, đạo Khổng. Sang đất Ấn sinh ra Thích Ca cùng đạo Phật. Tam giáo đồng nguyên ở đây là cùng gốc con người và văn hóa Lạc Việt.
 2.Đạo Phật ở Việt Nam.
Được truyền thừa từ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Lục Tổ Huệ năng vốn là người Giao Chỉ đi về phương Nam khai sinh phái Thiền Nam tông. Thiền Nam tông khi xuống Việt Nam đã hòa hợp với Phật giáo Việt Nam vốn tồn tại từ đầu Công Nguyên. Do có Tổ truyền thừa, lại do mang tới kinh tạng  chữ Hán, Phật giáo Đại thừa trở thành dòng chính thống. Tuy nhiên, cũng có sự thật là, trước khi Phật, Nho, Lão xuất hiện, tại Việt Nam có sẵn những tôn giáo bản địa là đạo thờ ông bà và đạo Mẫu. Trong khi thờ ông bà là tín ngưỡng dân gian ở từng gia đình thì đạo Mẫu có hệ thống tổ chức với những đền phủ cùng các Mẫu, từ Mẫu Nữ Oa, Âu Cơ đến Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải… Nhập gia tùy tục, nhiều tín ngưỡng dân gian xâm nhập Phật giáo, biến Phật giáo trở thành Đạo Phật Việt Nam. Từ nguồn gốc của Đức Phật và đạo Phật, ta có đủ lý cứ khẳng định: với dân tộc Việt Nam, đạo Phật là tôn giáo bản địa. Đấy là phát hiện mới, có ý nghĩa cách mạng về lịch sử đạo Phật Việt Nam.
Do rào cản ngôn ngữ, trước đây tăng sỹ và Phật tử người Việt hầu như không biết tới kinh tạng nguyên thủy Nikaya. Từ thập kỷ 1970, khi Nikaya được dịch sang tiếng Việt, xuất hiện những nhà tu hành theo Phật giáo nguyên thủy và những học giả khảo cứu Nikaya. Cũng từ đây xuất hiện những phát biểu cho rằng linh hồn không có, tịnh độ là mê tín, Quán Thế Âm Bồ Tát chỉ là sản phảm tưởng tượng… Mỗi vị Thượng tọa hay Giảng sư đều làm chủ những ngôi chùa và tăng đoàn nên quan điểm của họ dần dần lan rộng, gây hoang mang, bối rối trong giới Phật tử. Niềm tin lâu dài của người dân và Phật Tử bị thách thức.
Chúng tôi thấy rằng, trong Nikaya Đức Phật không nói tới vong, hồn nhưng không ít lần nói về việc ác ma nhập vào người này người khác cũng như con của ma vương biến thành con gái chọc phá Đức Phật. Điều này cho thấy, tuy không trực tiếp nói tới vong, hồn nhưng trong thực tế việc Ngài trình bày những hoạt động biến thái của ác ma khiến cho không ít người hiểu rằng đó là hoạt động của hồn, vong trong thực tế. Do vậy việc cho rằng Nikaya không nói tới vong, hồn là chưa thuyết phục. Mặt khác, phải thấy rằng, đạo Phật ở Việt Nam hôm nay là đạo Phật Việt Nam, một tín ngưỡng chấp nhận cõi âm, linh hồn. Do vậy, việc dùng giáo điều của Nikaya để cho rằng quan niệm về vong hồn không có trong Phật pháp là sự chấp trước, không phù hợp thực tế Phật giáo Việt Nam. Giáo hội cần nghiên cứu thống nhất quan niệm này để tránh sự chia rẽ không đáng có.
Cũng phải kể đến sự thực là, từ năm 1954, sau khi giành được chính quyền ở miền Bắc, nhà nước Việt Nam áp đặt chủ nghĩa duy vật vô thần lên toàn xã hội. Nhiều hoạt động tín ngưỡng truyền thống bị cho là mê tín dị đoan nên bị cấm đoán, trấn áp. Quan niệm như vậy được quán triệt trong Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật. Từ đó nhiều tín ngưỡng truyền thống như cầu siêu, cầu an, giải oán kết… bị loại bỏ.
Tuy nhiên, cuộc sống cứ kiên nhẫn đi theo con đường của nó. Những người ở tuổi cổ lai hy như chúng tôi nhận ra rằng, cứ sau một thời chiến tranh, khi thanh bình trở lại thì những hoạt động “mê tín dị đoan” lại trở nên sôi động. Sau kháng chiến chống Pháp là vậy mà sau chống Mỹ càng thế. Những người mất chồng mất con lần theo giấy báo tử đi tìm hài cốt thân nhân. Công việc của họ ban đầu phần nào được các ông thày bói dẫn dắt. Không ít vụ bị chính quyền quy tội mê tín dị đoan. Nhưng rồi khi sự việc diễn ra nhiều hơn, lại đụng tới chuyện nhạy cảm máu xương liệt sỹ, người thi hành công vụ đành nương tay. Luật pháp bị ngó lơ kiểu mắt nhắm mắt mở. Khoảng 20 năm lại đây xuất hiện những người có khả năng đặc biệt trong viêc tìm hài cốt liệt sỹ. Những người này trước đây dân gian gọi là thầy bói. Nhưng nay, vì để tránh cái tiếng mê tín dị đoan, họ được gọi bằng danh xưng có vẻ khoa học và sang trọng là nhà ngoại cảm. Bằng khả năng đặc biệt, họ giúp tìm được hàng vạn hài cốt liệt sỹ. Rồi từ đó họ kết hợp với nhà chùa và địa phương tổ chức những lễ cầu siêu cho hàng ngàn liệt sỹ nhà tù Phú Quốc, hàng vạn liệt sỹ ở nghĩa trang Trường Sơn. Việc thỉnh giải oan gia trái chủ được tổ chức thường xuyên, công khai ở nhiều ngôi chùa. Không những vậy, Hòa thượng  Thích Giác Hạnh trong những chuyến đi hoằng pháp đã tiến hành giải oan gia trái chủ cho nhiều người ở Úc, Pháp, Canada, Mỹ…, được bà con hoan hỷ. Trong những buổi nói chuyện được chính quyền tổ chức trước đông đảo người nghe, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng kể những câu chuyện rất sinh động hấp dẫn về việc gặp vong, đấu trí với vong và cảm hóa vong… Rõ ràng là, cả trong Phật pháp cả ở ngoài đời, linh hồn là có thật. Trong một ý nghĩa nào đó thì chính quyền cũng thừa nhận sự thật này. Nếu không thì vì lẽ gì mà Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép Tỉnh ủy Hà Tĩnh cử người cùng nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt liệt sỹ Hà Huy Tập? Nếu không có linh hồn thì việc nhà nước cho phép tổ chức những lễ cầu siêu tầm vóc quốc gia là việc làm vô nghĩa sao? Điều khó hiểu là, trong khi thực tế cuộc đời “chuyện vong linh”diễn ra rộng rãi công khai như vậy thì tại những chỗ thâm nghiêm như Hiến chương Giáo hội Phật giáo hay Luật hình, do “vòng kim cô”duy vật vô thần xiết bóp, vẫn kiên định “không có ma quỷ” và mặc nhiên tồn tại cái tội danh đáng sợ “mê tín dị đoan” ! Đương nhiên, lưỡi búa Phật pháp cùng lưỡi gươm tư pháp vẫn sẵn sàng bổ xuống!
Chùa Ba Vàng là nạn nhân mới nhất của tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược này. Xin hãy bình tâm nhìn vào ngôi chùa. Một khi, cả trong Phật pháp cả ở thực tế cuộc đời đều khẳng định linh hồn là có thật và cầu siêu, thỉnh giải oan gia trái chủ… là hoạt động tôn giáo bình thường thì chùa Ba Vàng cũng hoạt động như nhiều ngôi chùa khác. Điều khác biệt có lẽ là ngôi chùa này làm việc hiệu quả hơn nên người đến chùa đông đảo. Đã có lúc tiếng lành của chùa vang xa, nhiều báo chí nhà nước viết bài khen ngợi ngôi chùa cùng vị Đại đức chủ trì. Nhưng rồi khi báo Lao Động đăng bài cho rằng chùa “thỉnh giải oan gian trái chủ là mê tín dị đoan, lừa đảo Phật Tử lấy rất nhiều tiền” thì bỗng dưng công luận nổi sóng ném đá tới tấp một chỗ vốn là linh thiêng ngay trước thềm Đại hội quốc tế Phật giáo VESAK. Và tiếp đó, toàn bộ hệ thống chuyên chính vô sản vung tay vùi dập ngôi chùa cùng tăng ni, Phật tử. Vị sư trụ trì bị cách chức, bị phạt sám hối, trang mạng, cơ quan thông tin nhà chùa bị đóng, hoạt động thỉnh giải oan gia trái chủ bị cấm! Và mới đây, ngày 6 tháng Sáu, diễn đàn Quốc hội nóng lên về chuyện này! Trong thời gian hừng hực không khí sắt máu của cuộc đấu tố, tôi chỉ nghe được duy nhất tiếng nói của một người tử tế: nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn. Ông Sơn nói rằng, việc nhà báo nói chùa thu nhiều tiền là chưa có cơ sở vì chưa được cơ quan chức năng xác nhận. Mặt khác báo cũng không cho biết tiền được sử dụng cho việc gì? Nếu nhà chùa dùng cho việc riêng, ăn chơi là có tội còn đem xây chùa, tạc tượng, đúc chuông, làm từ thiện là việc nên làm. Cũng chưa có cơ sở nói nhà chùa lừa đảo vì chưa thấy ai kiện! Tiếc là tiếng nói trung thực, phải chăng của người tử tế chẳng được ai nghe!
Điều không bình thường là trong lúc nước sôi lửa bỏng như vậy, không một cơ quan có trách nhiệm nào bình tĩnh xem xét hai vấn đề: Thỉnh giải oan gia trái chủ có phải là mê tín? Việc thu tiền của chùa có vi phạm pháp luật? Câu trả lời vốn đơn giản: Thỉnh giải oan gia trái chủ không trái Phật pháp. Những nhà sư đức cao vọng trọng như thầy Thích Thanh Từ, Thích Giác Hạnh… vẫn tiến hành như một hoạt động tôn giáo bình thường từ trước năm 1975. Mặt khác, với thực trạng xã hội hiện nay, khi đạo Mẫu – tôn giáo của nghi lễ hầu đồng, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại thì việc phủ định linh hồn, coi lên đồng, thỉnh giải oan gia trái chủ là “mê tín dị đoan” không còn phù hợp thực tế, bộc lộ sự lạc hậu của Hiến chương Phật giáo và pháp luật trước sự thực cuộc đời! Việc chùa Ba Vàng thu tiền bao nhiêu chưa biết vì chưa được cơ quan chức năng kiểm tra nhưng nói lừa đảo là không có cơ sở vì không hề có đơn thưa về hành vi này. Như vậy, nhà chùa không vi phạm pháp luật! Tiếc là những cơ quan rất quan trọng là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo, Ban Tôn giáo chính Phủ, Bộ Văn hóa, Ban Tuyên giáo Trung ương im lặng buông cho dư luận tự phát gây ra cuộc đấu tố mù quáng rồi sau đó xử lý hành chính thô bạo theo đuôi quần chúng, tạo nên cuộc khủng hoảng về tôn giáo và xã hội!
Thực tế Phật giáo Đông Á cho thấy, từ Lục tổ Huệ Năng, kết hợp giữa thiền Ấn Độ và truyền thống đạo Lão, được xem là một trường phái đặc biệt "nằm ngoài giáo pháp nguyên thuỷ". Như vậy là từ Lục Tổ, dòng Phật giáo Đông Á đã hình thành và “nằm ngoài giáo pháp nguyên thủy.” Cũng từ Lục Tổ khai sinh dòng Đại thừa Việt Nam. Phật giáo Việt Nam như hiện có là sự sáng tạo lớn của dân tộc Việt Nam. Vẫn theo tiêu chí quy Phật quy Pháp, quy Tăng nhưng văn hóa Việt đã loại bỏ nhiều yếu tố Bà La Môn của kinh điển Nikaya, khế nhập tinh hoa của đạo Nho, đạo Lão, đạo Mẫu, đạo thờ ông bà, sáng tạo Phật giáo Việt Nam.
Trong Phật giáo Việt Nam hiện đại, việc thừa nhận có linh hồn cùng những phương cách giao tiếp với người cõi âm là sự tiếp nối từ nguồn sâu thẳm của văn hóa Việt tộc. Nửa thế kỷ trước, khi nghiên cứu sâu về văn hóa dân tộc, triết gia kim Định đã lần đầu tiên khám phá nhân sinh quan của người Việt là Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh.  Điều này có nghĩa là, trong tam tài là Trời, Đất và Người thì Người là chủ. Do là chủ của vũ trụ, của cả Trời và Đất nên Người phải sống thái hòa, tức là hòa tới tột cùng không chỉ với con người mà còn với Trời và Đất. Do giữ chức năng như vậy nên Người không phải con người duy vật vô thần mà là con người tâm linh, con người linh cảm, linh ứng với thế giới siêu nhiên. Từ chiều sâu văn hóa ấy, các tôn giáo bản địa Việt Nam đã sáng tạo ra nhiều phương cách liên hệ với người cõi âm như lên đồng, trục vong, bắt ma, vía… Trong những cách giao tiếp với cõi âm như trên, ta thấy thỉnh giải oan gia trái chủ của Phật giáo có ý nghĩa đặc biệt. Thanh đồng, thày pháp có nhiều cách bắt ma, trục vong. Nhưng đó thường là hoạt động cưỡng bức thậm chí cả dùng vũ lưc. Trước sức mạnh của pháp sư, vong hồn buộc phải “xuất” khỏi thân xác khổ chủ. Khi quan sát những cuộc “bắt ma” ta thấy nhiều trường hợp thật bất công. Vong có nợ thực và nhập đúng chủ để đòi. Nhưng rồi không những không đòi được nợ mà còn bị tra tấn, đánh đập. Trước sức mạnh bất công, vong buộc phải “xuất” khỏi nạn nhân nhưng mang theo lòng thù hận. Thất bại cay đắng với mối oán thù nặng nề hơn mang theo, ai dám bảo oan hồn ấy không trả thù vào dịp khác hay bắt người vô tội khác trả nợ thay? Rõ ràng ở đây diễn ra dài dài cảnh “oan oan tương báo, oán oán chất chồng.” Trong khi đó pháp thỉnh giải oan gia trái chủ của chùa là cuộc “đàm phán hòa bình.” Con nợ và vong đến chùa, trong uy lực của Phật và vai trò trung gian hòa giải của nhà sư, vong nêu lên món nợ. Cuộc bàn thảo “mặc cả” diễn ra trong vai trò trọng tài của nhà sư. “Đàm phán” kết thúc, con nợ chấp nhận sám hối tội lỗi, trả nợ vong bằng công đức và làm công quả. Còn vong linh, do đóng góp công đức từ con nợ cúng dường nên cũng được quy y, giải thoát. Sau buổi gặp, mọi thù oán được hóa giải. Những kẻ thù truyền kiếp cùng trở thành Phật tử. Ở cõi dương, khổ chủ thoát khỏi tai nạn, bệnh tật còn cõi âm bớt một linh hồn trong thù oán. Sự tốt đẹp được tạo ra cả dưới cõi âm, cả trên trần thế. Trong thế giới ta bà, biết bao oan nghiệp. Cách làm nào văn minh hơn, nhân bản hơn? Trong một lần kể câu chuyện vong đòi nợ, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nói: “Ngoài Tây y, Đông y còn có Âm y chữa bệnh cứu người.” Đấy là phát hiện có giá trị. Nên chăng, xin gọi khoa chữa bệnh này là Linh y?
IV. KẾT LUẬN
1. Là dân cư nông nghiệp lúa nước, từ xa xưa xã hội Việt đã hình thành nền văn hóa nhân bản, minh triết với nhân sinh quan Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh. Từ rất sớm, người Việt nhận thức rằng, con người ngoài thân xác còn có linh hồn. Khi thân xác tan vào cát bụi thì linh hồn tùy theo quả nghiệp, gia nhập thế giới cõi âm hay cõi trời, không hoàn toàn mất đi mà vẫn gắn bó với người đang sống. Do vậy, con người Việt Nam là con người tâm linh, luôn linh cảm, linh ứng với cõi siêu nhiên. Cũng từ xa xưa, người Việt bằng nhiều cách, đã thiết lập “đường dây” liên lạc với người cõi âm qua bói rùa, bói cỏ thi, qua thày mo, thày pháp, cô đồng... Kinh Dịch, một thành tựu văn hóa tinh thần tuyệt vời của người Việt thoạt kỳ thủy cũng là công cụ bói toán. Nhờ tin vào cõi tâm linh, tin vào quả nghiệp, con người Việt Nam truyền thống có nếp sống đạo đức, nhân hậu.
Nhưng từ khi áp dụng chủ thuyết duy vật vô thần với quan niệm: chết là hết, thân cát bụi trở về cát bụi, trời không có thiên thần, đất không có thánh nhân… nhiều nếp sống văn hóa truyền thống bị cho là mê tín dị đoan, bị cấm đoán, bài trừ. Khi “khoa học” khẳng định không có cõi âm, không có linh hồn, con người trở nên trần tục thực dụng. Nhiều tính xấu, sự độc ác không còn bị nỗi sợ vô hình đè nén, con người trở nên hung tợn, ác độc. Qua những cuộc chiến tranh tàn khốc đồng bào sát hai lẫn nhau khiến cho con người trở nên chai sạn, mất dần sự thiện lương. Để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân và cũng là phản ứng bảo vệ sự tồn vong của dân tộc, nhiều hình thức tín ngưỡng tự phát hoạt động trở lại. Bói toán, xem phong thủy cất nhà, đặt mộ, hầu đồng, bắt ma, cầu siêu, giải oan gia trái chủ… từ cách làm vụng trộm dần trở nên hoạt động bình thường. Tiếc rằng trong khi đó, luật pháp vẫn tồn tại tội danh “mê tín dị đoan,” một tội danh rất mơ hồ, gây khó khăn trong hoạt động tín ngưỡng bình thường của người dân.
2. Sau hơn 2000 năm tồn tại và phát triển trên đất nước Việt Nam, đạo Phật đã tiếp thu nhiều yếu tố của tín ngưỡng dân gian Việt Nam để trở thành tôn giáo dân tộc. Từ Huệ Năng Tổ thứ sáu, Đạo Phật ở phương Đông hình thành phái Nam truyền, được xem là một trường phái đặc biệt "nằm ngoài giáo pháp nguyên thuỷ." Đạo Phật phương Đông không chỉ phát triển tông phái Tịnh độ mà còn sáng tạo Quán Thế Âm Bồ Tát biểu trưng cho tinh thần đạo Mẫu. Không chỉ thừa nhận cõi âm với sự tồn tại của linh hồn, Phật giáo Việt Nam đã sáng tạo nghi lễ thỉnh giải oan gia trái chủ có tác dụng lớn trong thực tế cứu giúp chúng sinh trong hoạn nạn đồng thời giúp cho vong hồn trong thế giới cõi âm giải tỏa khỏi oan trái, thù hận, được siêu thoát.
3. Trong những phương cách liên hệ với cõi âm, thỉnh giải oan gia trái chủ là phương cách hữu hiệu và nhân bản nhất. Dưới uy lực của Phật pháp, trong vai trò trọng tài của sư tăng, diễn ra cuộc tiếp xúc, thương lượng giữa vong và con nợ. Nhờ oan gia được hóa giải, người dương thế được giải trừ hoạn nạn và vong hồn cõi âm được siêu thoát. Chúng tôi cho rằng, đây là sáng tạo lớn của Phật giáo Việt Nam. Đề nghị Giáo hội Phật giáo nghiên cứu tổng kết nghi lễ thỉnh giải oan gia trái chủ rồi phổ biến ra thế giới tại những Đại hội VESAK sau này, chắc chắn sẽ giúp hóa giải quan niệm duy lý cực đoan cho các nước phương Tây.
                            Sài Gòn, tháng Sáu, 2019
 
Tài liệu tham khảo.
1.  Naresh Kumar. Disappearance of Buddhism From India: An Untold Story (Sự biến mất của đạo Phật khỏi Ấn Độ: một câu chuyện chưa được kể)
                                                                                              
GIẢI MÃ DI NGÔN CỦA TRẠNG TRÌNH
 TRÊN HAI TẤM BIA TIÊN LÃNG
“Nhóm nghiên cứu khoa học xã hội độc lập” được tổ chức trên cơ sở tự nguyện gồm những người hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trên nguyên tắc không vụ lợi, nhằm nghiên cứu, trao đổi, hợp tác và chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực khoa học xã hội nói chung, đặc biệt quan tâm những vấn đề thuộc Lịch sử, Dịch học, Phong thủy… Nhóm gồm các nhà nghiên cứu trong nước kết hợp với “Ngũ độn tẩu” (Năm người già ở ẩn, toàn những Cụ ngoài tám mươi và gần chín mươi tuối), người Việt tại Pháp, những học giả có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy tại Viễn Đông Bác cổ Paris và các đại học tại Pháp về Hán ngữ cổ và Phương Đông học. Từ năm năm nay nhóm tập trung vào giải mã các dự ngôn của Á Đông. Qua đó tìm ra các phương pháp cổ nhân trước tác các dự ngôn, sấm thư, vĩ thư.
Bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ khảo cứu các bản chính văn (Cự ngao đới sơn, Ngụ hứng (cận thủy...), Ngụ hứng (thập nhị phong), Quy lão ký Lại bộ Thượng thư Kế khê bá, Trừ tịch tức sự, Xuân đán cảm tác, Lô hương ký… ), sấm ký và những câu đồng dao, thơ ca lưu truyền trong dân gian; kết hợp với rất nhiều lần đi nghiên cứu thực địa tại hai huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng, tới các nơi như: Ba Đa, Ba Đồng, Chùa Đót, Thanh Trì, thôn Hà Dương, chùa Hoa Am…
  Ngày 6/5/2018, nhóm nghiên cứu trong nước do Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh dẫn đầu khảo sát tại khu vực Cống Cá thôn Thanh Trì, xã Kiến thiết (Giờ bắt đầu khảo sát là giờ Bính Thìn, Ngày Mậu Tuất của Tháng Bính Thìn Năm Mậu Tuất). Sau hơn hai giờ  đã tìm được hai bia đá. Một cụ ông trong thôn được mời ra đọc. Cụ cho biết đây là bia liên quan tới mộ phần Trạng Trình và các vua nhà Mạc. Để làm việc này, Tiến sỹ Vịnh đã thông qua lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố và báo cáo công an huyện Tiên Lãng, lãnh đạo xã Kiến Thiết. Sau khi chụp ảnh các chi tiết cần thiết phục vụ cho nghiên cứu, bia được niêm phong và giao cho Ủy ban xã Kiến Thiết bảo quản.
       Qua đánh giá ban đầu cho thấy: đây không phải loại bia thường đặt trước mộ hay đình chùa, mà là hai tấm bia được làm để chôn xuống đất nhằm bí mật chuyển tải di ngôn của người làm bia cho hậu thế. Ảnh hai tấm bia được Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh công bố trên mạng và chia sẻ với bạn bè. Chữ trên bia là chữ cổ, có lẽ do làm bí mật, phải dùng thợ khắc yếu tay nghề nên chữ xấu, rất khó đọc. Một Tiến sỹ Hán Nôm đọc không nổi, phải nhờ vị túc nho đọc giúp. Khi thấy câu  Mậu Tuất Tân quân Việt kiến vinh  trong bài Di ngôn chí, nghĩa là năm Mậu Tuất (2018) vua mới xuất hiện, Tiến sỹ Hán Nôm giật mình, liền báo ngay cho quan thày để nhận món thưởng lớn. Biết mối nguy có tân quân, mình sẽ thành cựu, không chết thì cũng bị thương, vị này lệnh cho thuộc cấp dấu nhẹm hai tấm bia. Tiến sỹ Hán Nôm tỏ ra hung hăng hơn thầy, vu cho là bia giả nên yêu cầu niêm phong vĩnh viễn hay tiêu hủy! Vị túc nho nói với người viết bài này: “Bia giả nhưng tiền thì thật, bác ạ!” Sự ứng nghiệm của câu sấm trên bia đá được chứng minh sau gần năm tháng tiếp theo. Cụ Nguyễn Trinh kể, vào sáng Rằm tháng Tám Âm lịch năm 20118, cụ gieo một quẻ, thấy bên nhà có biến. Khoảng 9 giờ, đứa cháu đưa cho cụ tờ báo, đăng tin Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời. Cụ nghĩ thầm, người tính không bằng trời tính!
       Có được tư liệu bằng hiện vật, cụ Nguyễn Trinh cùng bạn bè tập trung trí lực để đọc và giải nghĩa. Với phương pháp “Chuyển chú, giả tá”, các nội dung văn khắc trong hai bia đã được tường minh. Có thể nói đây là sự kiện rất kỳ lạ trong khoa học, pha chút “ bí ẩn” tâm linh, phải chăng thời điểm để bia đá phát lộ và những người trong nhóm nghiên cứu đã được sự xắp xếp “linh diệu” của Cụ Trạng Trình từ hơn 400 năm trước (?)
Là người cẩn trọng, Cụ Trạng giấu ý tưởng của mình bằng hai bài dự ngôn. Một khắc trên bia, một ghi trên 02 lư hương gốm Cụ cúng cho bàn thờ tiên tổ hai họ nội ngoại. Văn khắc trên lư hương được TP Hải Phòng phục hồi vào năm 2005. Sau đây, chúng tôi công bố nội dung đã đươc giải nghĩa của hai bài dự ngôn:
Bài thứ nhất:                         爐香記 Lô hương ký
Xem xét ghi chép trên lư hương thấy dấu hiệu (để tìm) phần mộ mà triều đình gửi gắm, ký thác ở quê nhà
孝思以奉先 
Hiếu tư dĩ phụng tiên
Phải hoàn thành việc chiêu tập mồ mả của 4 vị Tiên đế để cúng tế mới là hiếu nghĩa với tổ tiên họ Mạc.
未圓願復園 
Vị viên nguyện phục viên
Lăng mộ của các Vua nhà Mạc chưa trọn vẹn, ý nguyện phải tìm và khôi phục lại như ban đầu.
生三三世後 
Sinh tam tam thế hậu
Sau khi thay thế triều đại cộng sản của vua họ Hồ, triều đại thứ 9 ra đời mới được tốt lành, có hậu.
歷數數百年 
Lịch số sổ bách niên
Khí vận của nước Việt tính ra sẽ trải qua hơn 400 năm nữa (tính từ thời của Trạng Trình, thế kỷ 16)
世缽逢闕裂 
Thế bát phùng khuyết liệt
Đến triều đại thứ 8 (triều họ Hồ) thì tìm gặp được mộ các Vua, chia ra thành 2 khu mộ.
周五復園全 
Chu ngũ phục viên toàn
Đến hết năm Mậu Tuất mới xong việc thăm dò/ tìm kiếm tất cả mộ của các Vua để hoàn nguyên trở lại.
有昌乎人十 
Hữu xương hồ nhân thập
Có người đề xướng, thu xếp việc tìm kiếm mộ Vua ở tuổi Đinh Dậu.
有幟乎雙天 
Hữu xí hồ song thiên
Có dấu hiệu để tìm kiếm ở cả 2 khu mộ Vua được chuyển đến nơi đồng ruộng, vùng thôn dã.
內外交邸拱 
Nội ngoại giao để củng
Quê vợ và quê mẹ của ta cùng nhau được giao việc chầu về khu mộ của Vua
終始如一藩
Chung thủy như nhất phiên
Chung thủy như nhất, một lòng một dạ che chở bảo vệ (cho mộ của Vua)
龍蛇安所悟 
Long xà an sở ngộ
"Từ năm Quý Tị (2013) thì sẽ thức ngộ được vị trí nơi ta đặt mộ phần của ta và các Vua Mạc
挺出子孫賢 
Đĩnh xuất tử tôn hiền
Đến năm Mậu Tuất (2018), người thày giáo làm phát lộ, đưa lên tấm bia đá ở quê ngoại là con cháu hiền tài (của ta)
時露玄微址 
Thời lộ huyền vi chỉ
"Thời điểm phát lộ dấu tích ở chỗ mộ của vua Mạc tại đồng ruộng là chuyện huyền vi của trời (còn gọi là Thiên cơ)
不得即言安 
Bất đắc tức ngôn yên
(Thiên cơ) không thể được nói ra với cách nói thông thường (mà phải dùng dự ngôn/ mật ngữ...)
爐香供于祖 
Lô hương cung vu tổ
Sau này, khi con cháu xem xét cái lư hương tự ta cung tiến với tổ tiên ở quê nhà.
見龍飛在天 
Kiến long phi tại thiên.
Thấy hiện ra hai vị trí mộ các vua Mạc ở trên đồng ruộng.
 
Ảnh của TS Nguyễn Văn Vịnh
 
                       VĂN BIA PHẦN “DI NGÔN CHÍ”
 
(Luận giải mặt trước của một bia tìm được tại Tiên Lãng)
貽言志
DI NGÔN CHÍ
白雲還始四百年
Bạch vân hoàn thủy tứ bách niên
雪江墳 化左田 
Tuyết giang phần dữ hóa tả điền
適時來生尋的穴 
Thích thời lai sinh tầm đích huyệt
清持皇族墓復原 
Thanh trì hoàng tộc mộ phục nguyên
傘神選 諦為心梵  
Tản thần tuyển đế vi tâm phạn
沱靈南替伯聖明 
Đà linh Nam thế bá thánh minh
北狂西怒東海變 
Bắc cuồng Tây nộ Đông hải biến
戊戌新君越建榮 
Mậu tuất tân quân Việt kiến vinh.     
Nhận xét: Đây là thể thơ thất ngôn bát cú, làm theo lối "cổ phong", không quá câu nệ, gò bó vào niêm luật, chỉ cốt chuyển tải ý tứ, với ngôn từ hàm súc, đa nghĩa, có tính dự ngôn; buộc phải giải nghĩa bằng các phép "đồng âm thông giả" và " đồng nghĩa/ chuyển chú".
Trước tiên, với nghĩa thực (nghĩa "đen"), tiêu đề "DI NGÔN CHÍ" nghĩa là "Để lại chí hướng bằng di ngôn"; nhưng hàm nghĩa của nó đầy đủ hơn nhiều.
Vậy, tiêu đề hàm nghĩa là: "Ta báo cho biết dấu hiệu vị trí mộ của ta và mộ vua Mạc chuyển đến."
Giải nghĩa là:
Bạch Vân (cư sỹ), sau 400 năm lại trở về như ban đầu.
Bãi bồi, nơi có phần mộ của Tuyết Giang (phu tử) trở thành thửa ruộng bên tả sông Hàn. 
Đến đúng lúc thì có người học giả, họ hàng xa (của ta) tìm được đích xác bia đá chỉ mộ nhà Mạc ở gò đất bên bờ sông.
Xong việc cai quản (nước Việt), tuy muộn thì mộ của vua Mạc và hoàng tộc lại phục hồi như ban đầu (ở thôn) Thanh Trì. 
Thần Tản Viên nhiệm màu nhập vào, sai bậc hào kiệt ở phương Đông là Mạc Đăng Dung làm hoàng đế vì có đạo nghĩa và tấm lòng hướng Phật.
Linh khí thần sông Đà che chở nước Nam, cứ triều đại nào suy bại (thần) lại trừ bỏ kẻ vương bá, thay bằng bậc thánh minh.
Trung Quốc ngông cuồng (làm cho) Mỹ và Tây Âu giận dữ, (vì thế) biển Đông có biến loạn
Năm Mậu Tuất (2018), tháng Tân Dậu vua cũ họ Trần chết, vua mới làm thay đổi, kiến lập sự vẻ vang cho nước Việt.
 
Vẫn biết, thiên cơ bất khả lậu. Tuy nhiên, thiên cơ đã rõ ra từ hai năm trước, nhiều điều dự ngôn đã ứng hiện. Nhưng nỗi mong muốn của Cụ Trạng vẫn chưa thành, mộ Vua Mạc và mộ Cụ vẫn chưa được hoàn táng như ý Cụ. Lo rằng việc làm không phải của con cháu khiến các cụ buồn lòng và ảnh hưởng tới vận nước. Hôm nay tôi viết bài này công bố với dân nước. Mong những ngưới có trách nhiêm ráng làm tròn việc tâm đức này. Đây cũng là nén tâm nhang tưởng nhớ cụ Nguyễn Trinh, người bằng trái tim và trí tuệ đã để lại cống hiến vô giá trước khi về thế giới Cực Lạc.
                                                         Sài Gòn, 1. 6. 2020
 
DI VẬT VĂN HÓA LƯƠNG CHỬ TẠI VIỆT NAM
 
Trong phiên họp từ ngày 6 đến ngày 10 tháng Bảy năm 2019 tại Thủ đô Baku Cộng hòa Azerbaizan, Hội đồng Di sản thế giới đã công nhận 7 di sản văn hóa thế giới mới trong đó có Archaeological Ruins of Liangzhu City (China) và Cánh đồng Chum (Lao People’s Democratic Republic).
Phần nói về Lương Chử như sau:
Nằm trong lưu vực sông Dương Tử trên bờ biển phía đông nam của đất nước, những tàn tích khảo cổ của Lương Chử (khoảng 3.300-2.300 TCN) cho thấy một quốc gia sớm nhất với một hệ thống tín ngưỡng thống nhất dựa trên canh tác lúa ở Trung Quốc thời kỳ đồ đá mới. Khu di chỉ bao gồm bốn khu vực – Khu vực Yaoshan, Khu vực đập cao ở cửa Thung lũng, Khu vực đập thấp trên Đồng bằng và Khu vực Thành phố. Những di tích này là một ví dụ nổi bật của nền văn minh đô thị sơ khai được thể hiện trong các di chỉ bằng đất, quy hoạch đô thị, hệ thống trữ nước và hệ thống phân cấp xã hội được thể hiện trong các chôn cất khác biệt trong các nghĩa trang .
Giá trị thế giới vượt trội
Di tích khảo cổ của thành phố Lương Chử là trung tâm quyền lực và tín ngưỡng của quốc gia đầu tiên ở Khu vực Thái Hồ. Nó nằm trên một đồng bằng cắt ngang bởi các mạng lưới sông ở chân đồi phía đông của dãy núi Tianmu trong lưu vực sông Dương Tử trên bờ biển phía đông nam của Trung Quốc. Di tích bao gồm bốn khu vực: Khu vực Yaoshan; Khu vực đập cao ở cửa Thung lũng; Khu vực đập thấp trên đồng bằng – Đường đắp phía trước dãy núi; và Khu vực thành phố.
Di tích khảo cổ của thành phố Lương Chử cho thấy một quốc gia hình thành sớm với cơ sở kinh tế nông nghiệp trồng lúa, sự khác biệt xã hội và một hệ thống tín ngưỡng thống nhất, tồn tại trong thời kỳ đồ đá mới ở Trung Quốc. Với một loạt các di chỉ, bao gồm Di chỉ Thành phố được xây dựng trong khoảng 3300-2300 TCN, Hệ thống trữ nước ngoại vi với các chức năng phức tạp và nghĩa trang được phân cấp xã hội (bao gồm cả bàn thờ) và các vật thể được khai quật đại diện bởi một loạt các đồ tạo tác bằng ngọc tượng trưng cho tín ngưỡng, cũng như thời kỳ đầu của nó, tài sản đại diện cho những đóng góp đáng chú ý của lưu vực sông Dương Tử cho nguồn gốc của nền văn minh Trung Quốc. Ngoài ra, mô hình và phân vùng chức năng của thủ đô, cùng với các đặc điểm của các khu định cư của văn hóa Lương Chử và của Thành phố bên ngoài với các sân thượng, hỗ trợ mạnh mẽ giá trị của di sản.
Tiêu chí (ii): Di tích khảo cổ của thành phố Lương Chử, là trung tâm quyền lực và tín ngưỡng của văn hóa Lương Chử, là một bằng chứng nổi bật của một quốc gia đầu tiên ở khu vực với nông nghiệp trồng lúa làm cơ sở kinh tế, và sự khác biệt xã hội và hệ thống tín ngưỡng thống nhất, tồn tại ở vùng hạ lưu của sông Dương Tử trong thời kỳ đồ đá mới ở Trung Quốc. Nó cung cấp bằng chứng tuyệt vời cho các khái niệm về bản sắc văn hóa, tổ chức chính trị xã hội và sự phát triển của xã hội và văn hóa trong thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đồ đồng sớm ở Trung Quốc và khu vực.
Tiêu chí (iv): Di tích khảo cổ của Lương Chử minh họa sự chuyển đổi từ các xã hội thời kỳ đồ đá mới quy mô sang một đơn vị chính trị tích hợp lớn với hệ thống phân cấp, nghi lễ và nghề thủ công. Nó bao gồm các ví dụ nổi bật về đô thị hóa sớm được thể hiện trong các di tích bằng đất, quy hoạch thành phố và cảnh quan, hệ thống phân cấp xã hội thể hiện ở sự khác biệt về chôn cất trong các nghĩa trang, trong tài sản, các chiến lược văn hóa xã hội để tổ chức không gian và thực hiện quyền lực. Nó đại diện cho thành tựu to lớn của nền văn minh trồng lúa thời tiền sử của Trung Quốc hơn 5000 năm trước và là một ví dụ nổi bật của nền văn minh đô thị sớm.
Chính trực
Bốn phần cấu thành của Di tích khảo cổ của thành phố Lương Chử bao gồm tất cả các thuộc tính được xác định cần thiết để thể hiện tầm quan trọng của nó như là một đại diện nổi bật của một nền văn minh đô thị và tiền sử sớm ở lưu vực sông Dương Tử.
Di chỉ chứa tất cả các yếu tố vật chất của di tích khảo cổ học, bốn yếu tố nhân tạo chính, đó là Khu vực thành phố, Hệ thống trữ nước ngoại vi, nghĩa trang được phân cấp xã hội (bao gồm cả bàn thờ) và các vật thể được khai quật đại diện bởi các đồ tạo tác bằng ngọc bích, cũng như địa hình tự nhiên được liên kết trực tiếp đến chức năng của các di tích.
Vùng đệm bao gồm các yếu tố môi trường lịch sử liên quan đến giá trị của di sản, như núi, gò cô lập, vùng nước và vùng đất ngập nước, nhưng cũng bao gồm các di tích khảo cổ đương thời rải rác xung quanh thành phố cổ, cũng như sự liên kết nội tại của giá trị giữa các di chỉ khác nhau và bố trí không gian và mô hình của chúng.
Tác động của phát triển và xây dựng đô thị và các yếu tố tự nhiên đe dọa di tích được giải quyết đúng đắn.
Xác thực
Các địa điểm trong bốn khu vực, bao gồm Khu vực thành phố, Hệ thống trữ nước ngoại vi, nghĩa trang được phân loại xã hội (bao gồm một bàn thờ), được bảo tồn như các địa điểm khảo cổ, mang thông tin lịch sử xác thực về di sản của thời kỳ 3300-2300 TCN, bao gồm các đặc điểm trong lựa chọn địa điểm, không gian và môi trường, vị trí và bố cục, đường viền của hài cốt, vật liệu và công nghệ và chức năng lịch sử của các di chỉ, cũng như kết nối nội bộ giữa bố cục tổng thể của di sản và các yếu tố riêng lẻ và môi trường tự nhiên lịch sử của khu vực phân phối của các địa điểm. Các vật thể được khai quật từ bốn khu vực được đại diện bởi các đồ tạo tác ngọc bích bảo tồn chính xác hình dạng, chủng loại, hoa văn trang trí, chức năng, vật liệu và các công nghệ xử lý phức tạp và sự khéo léo tinh xảo của các đồ tạo tác. Cùng với các địa điểm khảo cổ, họ chứng minh một cách xác thực và đáng tin cậy mức độ phát triển của nền văn minh trồng lúa ở hạ lưu sông Dương Tử trong thời kỳ đồ đá mới và cung cấp một bức tranh toàn cảnh về Di tích khảo cổ của thành phố Lương Chử…
 
Năm 2017, dựa trên tài liệu được công bố sau 80 năm phát hiện và khảo cứu Văn hóa Lương Chử (1936-2016), chúng tôi viết và cho in cuốn Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại tới hiện thực tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Nội dung cơ bản của cuốn sách dành cho việc chứng minh nhà nước Lương Chử chính là nhà nước Xích Quỷ tồn tại dai dẳng trong truyền thuyết của người Việt với bốn tiêu chí sau:
1. Về thời điểm.
Khảo cổ học xác định văn hóa Lương Chử xuất hiện từ 3300 năm TCN. Trong khi đó truyền thuyết nói Thần Nông sống khoảng 3320-3080 năm TCN. Điều này cho thấy sự trùng hợp phải nói là kỳ diệu giữa truyền thuyết và tài liệu khảo cổ. Chu dịch ghi “Bào Hy thị một, Thần Nông thị xuất.” Như vậy, Thần Nông không phải là vị vua đầu tiên của người Việt. Nhà nước Thần Nông hình thành trên cương vực của nhà nước Bào Hy và từ đó phát triển lên. Việc truyền thuyết ghi Kinh Dương Vương lên ngôi, lập nhà nước Xích Quỷ năm 2879 TCN - hơn 400 năm sau khi nhà nước Lương Chử hình thành - cho thấy, Xích Quỷ ra đời đúng vào thời kỳ sung mãn của Lương Chử.
2. Về cương vực:

Khảo cổ học cho thấy lãnh thổ nhà nước Lương Chử chiếm trọn vẹn lưu vực sông Dương Tử. Phía tây bắc vươn tới Sơn Tây. Phía Đông Bắc chạm tới vùng Sơn Đông, có bộ phận vượt sông Dương Tử lên bờ Bắc.

Aucun commentaire: